(4) Dịch thuật: Từ "Môn đồ" lột xác thành "Cao thủ võ lâm"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


  Sau khi tâm trạng chuyển biến tốt lên, ngày nào tôi cũng cắm đầu học rất chăm. Tôi cũng không suy nghĩ quá nhiều đến những thứ không cần thiệt cứ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của từng ngày. Quả nhiên, có cho đi thật sự thì sẽ có nhận lại, sau hơn ba tháng liên tục cố gắng và tích lũy, cuối cùng tôi cũng nhận thấy mình có tiến bộ trên phương diện dịch thuật. Cảm nhận lớn nhất là, lúc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung, tôi biết diễn đạt "hợp tình hợp lý": Câu mình dịch ra không còn lủng củng, lúc đọc lên còn có cảm giác bắt sóng tin tức nhanh. Trong quá trình dịch song ngữ, tôi dần dần biết cách phá bỏ giới hạn và sự bó buộc của cấu trúc câu trong ngôn ngữ nguồn đối với ngôn ngữ đích, vận dụng những từ ghép tiếng Anh vừa mới tích lũy được trước đó vào bài dịch.
Qua việc ôn tập nhiều, tôi rút ra hai nhận định về phương diện dịch thuật.
Thứ nhất, dù là dịch thẳng hay dịch ý cũng đều được quyết định bởi độ chính xác và độ giống của bài dịch: Nếu bài dịch ra chính xác hơn, trung thực hơn so với nguyên gốc và giống với nguyên gốc hơn, thì đó là dịch thẳng; còn ngược lại là dịch ý. Nhưng, do hai loại ngôn ngữ là tiếng Hán và tiếng Anh rất khác biệt, cho nên yêu cầu cơ bản về dịch thẳng cũng tương tự như yêu cầu cơ bản về dịch ý, người ta thường kết hợp hoàn hảo hai yêu cầu này lại với nhau, đây cũng chính là một phương pháp dịch khá phổ biến trong giới dịch thuật hiện nay. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa dịch thẳng và dịch ý, nói thì dễ, làm mới khó, muốn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phương pháp này, muốn truyền tải hay hơn ý nghĩa của nguyên văn, chúng ta bắt buộc phải không ngừng tìm tòi, học hỏi dần dần qua thực tiễn. Ban đầu, tôi luyện dịch một cách máy móc, hoặc là tôi dịch thẳng, hoặc là tôi dịch ý, đến khi hiểu được cách kết hợp giữa dịch thẳng và dịch ý, nhìn lại những thứ mình dịch ra, tôi thấy chúng mới trúc trắc làm sao. Về sau luyện dịch hơn nửa năm, qua việc so sánh, đối chiếu, phân tích giữa bài dịch của mình và bài dịch tham khảo, tôi mới dần dần tìm được cảm giác dịch thuật.
Thứ hai, phiên dịch là việc thật sự rất khó. Đó là sự thật. Nó vừa đòi hỏi bạn phải có một trình độ hiểu biết nhất định về hai loại ngôn ngữ, vừa đòi hỏi bạn phải có một lượng kiến thức nhất định về rất nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, văn học. Nếu không, thứ bạn dịch ra, hoặc là đọc lên rất kỳ cục, hoặc là đọc lên rất rối rắm, không đạt đến độ giống như nguyên văn. Cho nên, có hai điểm cơ bản nhất cần phải làm để nâng cao hai loại kỹ năng phiên dich. Một là, nắm vững kỹ năng nâng cao hai loại ngôn ngữ; hai là tích lũy kiến thức. Bất kỳ điểm nào trong hai điểm trên cũng đều là một công trình đồ sộ và cũng đều mất rất nhiều thời gian xây đắp. Mỗi khi tôi cảm thấy mình bỏ ra rất nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu tiến bộ, tôi lại nghĩ đến học giả Lâm Ngữ Đường. Ông là chuyên gia dịch thuật tôi kính trọng nhất, cả đời ông đều dốc sức vào văn học, ngôn ngữ học và dịch thuật học, ông dùng thời gian của một đời người mới vươn tới đỉnh cao. So với một dịch giả như ông, những việc tôi làm còn quá nhỏ bé.
Phiên dịch rõ ràng là rất khó, nhưng tại sao có người có thể dịch hay, còn có người lại dịch không hay? Tôi nghĩ, người dịch không hay có lẽ vì trình độ chưa tới. Cũng như luyện công, nhân vật thuộc hàng sư tổ trong tiểu thuyết võ hiệp thường tu hành trong hang núi, còn các nhân vật nhỏ bé lại sa vào những cuộc chiến ác liệt trong chốn giang hồ. Khi người khác mải đấu đá nhau, "nhân vật lớn" chuyên tâm tu luyện, cuối cùng cũng mất một thời gian rất dài mới luyện thành võ công cái thế, Tôi nghĩ, luyện dịch cũng giống như đạo lý luyện công. Càng khó làm thì càng phải dày công khổ luyện, tôi nóng lòng mong đợi thành công giống như trước đây là không đúng. Nếu nói mục tiêu của tôi là trở thành võ lâm cao thủ, thì ngay lúc này, tôi cần phải nhẫn nại, bỏ nhiều tâm tư suy xét kỹ càng về nó, mới có thể từ môn đồ lột xác thành cao thủ võ lâm.
Bởi vậy, tôi mua rất nhiều sách song ngữ của các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng về đọc giống như hồi cấp II, cứ có thời gian rảnh rỗi là tôi lại nghiên cứu xem người ta đi "ngao du" giữa hai loại ngôn ngữ như thế nào. Lúc đó, tôi mua rất nhiều sách, bất luận là văn học hay tạp chí cũng đều là sách song ngữ Anh Hán. Thời gian trước đây được dùng vào việc học từ vựng, nay đều được chuyển sang đọc sách song ngữ, lúc đọc sách tôi sẽ ngầm dịch trong đầu, sau đó xem bản dịch của người ta. Kể cũng lạ, sau khi đọc nhiều dịch phẩm, trong lòng tôi xuất hiện một loại cảm giác gọi là "chỉ khả ý hội, bất khả ngôn truyền". (*) Dần dần, tôi cũng không tùy tiện dịch một câu mà chưa suy nghĩ kỹ càng giống như trước đây nữa, bởi vì sau này đối chiếu giữa bản dịch vội và bản dịch tham khảo, tôi hiểu mình không được xem nhẹ vấn đề chuẩn xác của bản dịch chỉ vì muốn dịch nhanh. Tôi cũng hiểu mình không được hoàn thành nhiệm vụ một cách qua loa cho xong mà cần phải bỏ nhiều thời gian hơn đắn đo, cân nhắc bản dịch. Mỗi ngày luyện dịch, tôi đều nhắc nhở bản thân mình: Mục tiêu của mình không phải là xem trình độ của mình hơn kém người ta bao nhiêu, mà chủ yếu là ngày hôm nay mình học được bao nhiêu kỹ xảo, tích lũy được bao nhiêu kiến thức, chỉ có như vậy mình mới có thể tiến dần từng bước, từ từ tiến bộ, từ từ tự tin, đi từng bước vững chắc trên con đường phía trước.
(*) Có nghĩa là chỉ có thể cảm nhận, nghiền ngẫm bằng tâm, chứ không thể diễn đạt cụ thể bằng lời.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro