Chương 3: TIẾNG DƯƠNG CẦM LẠNH LẼO (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một chiếc taxi công nghệ dừng trước Cà phê Sân vườn Chuyện Tình tại 197/70 Võ Văn Tần – Phường 5 – Quận 3. Bên trong, một người phụ nữ ra dáng quý phái chuẩn bị bước ra. Nhiều con mắt tại đây chú ý đến vị khách nữ điệu đà này bởi vẻ ngoài kỳ lạ, vì từ trên xuống dưới, người ta chỉ nhìn thấy duy nhất một màu đen bí ẩn.

Bà Tường diện đầm ngắn đen bó sát, phía sau hở nguyên phần lưng; đeo kiếng đen; đội nón rộng vành đen; mang giỏ xách đen; đến đôi giày cao gót cũng đen không kém; đã thế, bà còn kết thêm chiếc khăn đen khá dày quanh mặt mình y chang một nhân vật rất là nguy hiểm đang mưu tính chuyện gì đó mờ ám. Mặc cho sự bàn tán, săm soi của mọi người, bà vẫn ung dung đi sâu vào trong quán để gặp... nhân tình của mình bằng sự rạo rực, nôn nao như bao lần.

Nhờ chăm chỉ luyện tập thể dục thể hình và tuân thủ chế độ ăn kiêng hợp lý, thành thử dù đã bước sang tuổi bốn mươi lăm, bà vẫn giữ được vóc dáng cân đối như các cô gái trẻ; kết hợp màu son môi đỏ chót, lông mi giả hai bên mắt cùng ba-bốn lớp kem trang điểm phủ kín da mặt; bà trông không khác gì một bông hoa quyến rũ, mặn mà, đủ sức thu hút các quý ông trung niên thành đạt, giàu có từ năm mươi tuổi trở lên.

Đây không phải lần đầu bà Tường tìm đến quán cà phê đắt đỏ dành cho tầng lớp thu nhập cao này. Mỗi lần tới nơi, bà luôn biết người đàn ông kia ngồi ở vị trí nào. Bộ bàn ghế gỗ được sơn trắng tinh mới mẻ nằm chót trên lầu ba sát hai vách tường nối nhau thành một góc, mỗi vách được chia ngang thành hai nửa: hồng trên, tím dưới (hai màu chủ đạo truyền thống của quán) có cửa sổ nhìn xuống khu vực bãi giữ xe và một đoạn đường Võ Văn Tần nhộn nhịp là nơi hai người thường xuyên hò hẹn. Sở dĩ cả hai chọn góc thưởng thức sáng sủa ấy vì lý do duy nhất không liên quan gì đến yếu tố thẩm mỹ của góc nhìn toàn cảnh là nó cách xa chỗ ngồi của nhiều người, thuận lợi cho việc tâm sự riêng tư.

Người tình bí mật của bà Tường chính là Trịnh Hoàng Minh. Họ cặp kè nhau đã hơn hai năm – mối quan hệ mà ngoài họ, chỉ có con trai ông Minh biết được.

Từ hồi vợ mất, ông Minh chịu kiếp sống cô độc, không mở lòng với bất cứ người phụ nữ nào cho đến khi gặp bà Tường. Theo "cách thức sắp đặt" hoặc "cái duyên tài tình" nào đó, ông ta là người chủ động làm quen bà Tường lúc hai người cùng ngồi ở phòng chờ đi du lịch nước ngoài chung chuyến bay với nhau. Cuộc tiếp cận hoàn hảo không dấy lên chút nghi ngờ gì cho người phụ nữ sành sỏi chốn tình trường như bà ta.

Chỉ qua chuyến đồng hành sáu ngày bảy đêm bên Paris cộng thêm một tháng tìm hiểu khi về nước, bà Tường hoàn toàn bị ngài tổng giám đốc nam tính, lạnh lùng, đẹp lão đầy lôi cuốn này chinh phục. Với tính cách sắc sảo, thực dụng xưa nay, tình yêu đích thực là điều chưa bao giờ nằm trong từ điển sống của bà. Hầu hết những gã nhân tình trước kia đều là đại gia cung phụng vật chất cho bà. Ông Minh là người đàn ông hiếm hoi cho bà cảm nhận được ngọn lửa tình yêu cháy bỏng, đến nỗi bà "dâng hiến" nguyên vẹn trái tim mình cho ông, mơ tưởng tới viễn cảnh tương lai cả hai sẽ được sống chung trong một mái nhà.

Vì ông Minh, bà Tường có thể hi sinh tất cả, từ việc tình nguyện biến mình thành "nội gián" đánh cắp thông tin kinh doanh bên Công ty Du lịch Bản Sắc Việt, cho đến âm mưu sâu xa thâu tóm toàn bộ gia sản của anh trai. Mưu toan này có từ lúc người chị dâu mới qua đời (thời điểm bà và ông Minh đã cặp kè với nhau). Kế hoạch thâm sâu bà phối hợp với nhân tình hiện đang trong bước đầu thực hiện, diễn ra cực kì trót lọt, êm xuôi.


Cảm giác sợ bị theo dõi hiện rõ qua bộ dạng lén la lén lút của bà Tường khi bước chân lên cầu thang. Bà đeo khăn đen che kín mặt, đầu ngó nghiêng ngó dọc, chỉ dám tháo khăn ra khi ngồi vào bàn. Ông Minh còn chưa mở lời, bà nhăn mặt cau có:

- Bây giờ anh giải thích cho em biết đi. Tại sao anh làm vậy? Anh nói với em là có cách nhanh gọn để lấy chiếc cặp táp, đó chính là dàn cảnh ăn cướp như vậy sao? Em đâu có kêu anh làm chuyện động trời này.

Ông Minh gọi nhân viên phục vụ mang ra một tách cà phê cappuccino nâu đen loại mắc nhất và một ly sinh tố bơ thượng hạng. Trái ngược nỗi lo âu của bà Tường, ông điềm nhiên khác thường, để lên bàn một xấp giấy tờ kèm sổ sách lớn nhỏ với ý muốn bà xem sơ qua:

- Đó, em coi đi. Nhờ anh làm chuyện động trời mà mới phát hiện trong chiếc cặp táp chẳng có bản di chúc nào hết. "Chiến lợi phẩm" mang về toàn là tài liệu nghiên cứu lĩnh vực tổ chức, quản trị du lịch. Anh còn tưởng không bắt được tôm cũng bắt được tép, ai ngờ đến một bản hợp đồng làm ăn của hắn cũng không có. Thông tin em báo cho anh có chính xác không vậy? Hắn ta có khi nào cất bản di chúc ở nơi khác không?

Bà Tường hoang mang, hai mắt thiếu điều muốn lộn ngược lên trước những dòng chữ dài ngoằn ngoèo với nội dung chính rất đau đầu, nhất là với người không có chuyên môn về ngành du lịch như bà. Tới đây, không nghĩ thông tin mình thu thập vấp phải sai sót, bà điên tiết một cách kiềm chế, sợ gây sự chú ý cho những người nhiều chuyện xung quanh:

- Sao lại như vậy được? Rõ ràng em núp bên ngoài nghe ổng gọi điện nói rằng sẽ đem bản di chúc đi công chứng. Tới bữa đi, ổng sẽ cất bản di chúc vào cặp táp của ổng. Đây là việc hệ trọng, không lý nào ổng lại nói giỡn.

- Nhưng cái ngày em nghe lén đó là khi nào?

- Thì cách năm ngày trước khi ổng và tay luật sư đi công chứng.

Mấu chốt vấn đề sáng tỏ, ông Minh nhíu cặp chân mày sâu róm dữ tợn, không hề hài lòng:

- Cách đến năm ngày lận à! Biết đâu tới giờ chót hắn đổi ý đưa gã luật sư cất giùm thì sao? Em chủ quan quá! Đáng lẽ em phải nghe ngóng cẩn thận hơn chứ. Đó là chưa nhắc đến khả năng tai em nghe mười mà chỉ rõ một. Hắn đem bản di chúc đi công chứng, nhưng là viết rồi mới đem đi hay lại đó mới bắt đầu viết? Hắn cất bản di chúc vào cặp táp nhưng cất vào thời điểm nào? Em không cẩn thận trong việc xử lý thông tin, vậy mà dám nói với anh như chắc ăn lắm vậy. Đáng lẽ anh không nên tin tưởng em thái quá.

Chì vì một chút bất cẩn nhỏ mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mưu kế hiểm độc mình và ông Minh dày công dàn dựng, cơn thịnh nộ trong bà Tường phun trào như núi lửa:

- Chết tiệt! Em đâu ngờ mọi chuyện lại phức tạp thế này. Lỗi là do em. Em sẽ rút kinh nghiệm.

- Đợi em rút kinh nghiệm!? Chỉ cần em nhạy bén hơn chút xíu cho lần sau thôi là anh mừng lắm rồi.

- Anh cứ trách móc tiếp đi, sẵn đây em cũng hỏi anh luôn nè! Anh thuê giang hồ dàn cảnh cướp giật giữa ban ngày làm chi vậy? Bây giờ, ông Phát bị chấn thương đầu nghiêm trọng, chưa biết khi nào mới tỉnh lại. Anh đã thấy hậu quả mà mình gây ra chưa?

Chưa kịp móc điếu thuốc hiệu Craven Đen trong hộp ra hút, ông Minh khẽ lắc đầu qua lại. Hai hàng lông mày sâu róm của ông muốn chạm sát vào nhau, còn bên dưới, đôi mắt xếch lên tỏ ý không vừa lòng:

- Em nghĩ đi, nếu như anh không dàn cảnh thì chúng ta lấy cắp chiếc cặp táp đó bằng cách nào đây? Anh đã dặn tụi nó là phải ra tay cho thật khéo, tránh trường hợp đổ máu. Trong lúc đối phó với tên Cảnh và gã luật sư, tình huống nặng tay chỉ là ngoài ý muốn thôi.

- Nhưng nếu ông ta không thể tỉnh lại thì sao? Ngoài ý muốn thôi là đủ để "đếm lịch" không có ngày về luôn đó anh! Anh muốn chúng ta đi tù lắm hả?

- Em lo cái gì không biết nữa. Chuyện này người đứng sau là anh. Nếu gã luật sư chết và cảnh sát điều tra ra được, anh sẽ là người chịu hết trách nhiệm. Em hoàn toàn vô can mà.

- Thì anh tính sao thì tính đi. Ba tuần rồi ông ta còn hôn mê đó. Mấy đám phóng viên suốt ngày chực chờ cơ hội để phỏng vấn gia đình em; báo giấy, báo mạng, báo hình ngày nào cũng cập nhật vụ cướp này hết. Anh Hai em, ổng chưa nghi ngờ điều gì, nhưng em thật sự rất sợ...

- Anh thấy chúng ta phải nghĩ phương án khác khả thi hơn. Chuyện đánh cắp bản di chúc và gây cản trở bằng bạo lực chỉ là kế sách tạm thời, về lâu về dài sẽ không còn hiệu quả nữa. Nếu mất bản di chúc này, hắn ta sẽ viết bản di chúc khác; nếu bị tấn công bằng vũ lực nhiều lần, hắn ta sẽ cảnh giác, và cảnh sát sẽ bắt gọn đám người mình thuê rất dễ dàng. Em nhất định phải bắt chính tay hắn sửa đổi bản di chúc theo ý muốn của mình; quan trọng nhất là... phải khiến cho con nhỏ Nguyệt Lan nó bị trầm cảm nặng hơn, thậm chí là hóa điên suốt đời luôn càng tốt.

Nụ cười nhỏ nhẹ đầy thâm độc không hé răng của bà Tường lại hiện lên mỗi khi bà đắc chí về thủ đoạn mình sắp vạch ra. Bằng cặp mắt sắc lẹm đáng sợ, bà nhìn thẳng một đường vào trong hai mắt của ông Minh bằng sự tự tin cao độ.

- Em biết rồi. Anh yên tâm, khó nhất là ông anh đáng ghét của em thôi, chứ cái con nhỏ Nguyệt Lan đó, nó không có đường nào để hết bệnh trầm cảm đâu. Vì nếu như nó có khả năng hết bệnh, thì nó đã không càng ngày càng xa lánh cuộc sống bên ngoài như vậy. Trước sau gì, nó cũng sẽ tự kết liễu cuộc đời của mình trong căn phòng ngủ của nó mà thôi.


"Lá là là lá lá, là là lá lá la lá la là là là lá lá...", ông Minh vẫn âm thầm ngân nga trong đầu mình như thế những lúc giai điệu của tình khúc bất hủ ông khắc cốt ghi tâm vang lên bất chợt.

Dù là bản nhạc được chọn làm "thương hiệu quảng bá" đại diện cho quán, nhưng vị chủ đời thứ ba ở đây không thể nào cứ bật nó suốt ngày vì còn phải phát rất nhiều nhạc phẩm khác phục vụ chung cho số đông khách uống nước; song đã là bản nhạc chủ đề của quán thì bao giờ cũng được lặp lại nhiều nhất và có thể vang lên bất cứ lúc nào.

Ông Minh luôn luôn là người thích sự lặp lại đó, thích tâm hồn mình bị cuốn phăng tự do trong mơ tưởng. Ông không bao giờ tiếc tiền và tiếc thì giờ cho việc ngồi thưởng thức cà phê tại đây, thậm chí nếu có "trầm mình" cả ngày luôn cũng được, vì ở Sài Gòn, chỉ duy nhất chốn quán lâu năm này mới phát Love Story phiên bản gốc được dành cho piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Francis Lai trong bộ phim Mỹ nổi tiếng cùng tên năm 1970 và phiên bản lời Pháp Une Histoire d'Amour do nữ danh ca Mireille Mathieu trình bày, mang ý nghĩ to lớn trong cuộc đời với quá nhiều mốc sự kiện không thể quên mang tính định mệnh của ông.

Tác phẩm âm nhạc bất hủ ấy không chỉ chan chứa ký ức về thời quá khứ xa xưa rất ít người biết về người đứng đầu Lữ hành Kha Minh hiện nay; không chỉ gợi nhắc về một Trịnh Hoàng Minh từng đỗ thủ khoa Dương cầm Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; mà còn gõ lên trái tim máu lạnh ông những nhịp đập cuồng si ngày nào, xuất phát điểm của nỗi oán hận tình thù khó nuốt trôi và đưa ra câu trả lời cho hiện tại: vì sao ông đang miễn cưỡng tiếp chuyện với người phụ nữ có tên là Dương Cát Tường ngồi ở phía đối diện, dù cho bà ta là một người phụ nữ rất hấp dẫn đối với những quý ông khác.

Bà Tường dù có thâm hiểm cách mấy đi chăng nữa cũng không bao giờ đạt đủ sự chín muồi của một con cáo già thực thụ để đặt được đôi giày gót nhọn của mình vào trong cái thế giới nội tâm đầy hiểm họa tứ phương của ông Minh; hoặc giả sử nếu như có thừa khả năng để làm được, bà cũng không đủ dũng cảm để chấp nhận nổi sự thật... về danh tính của người phụ nữ mà ông ta nguyện yêu suốt cả cuộc đời; bởi điều đáng nói hơn đây, là việc... người vợ quá cố đã mất gần hai mươi năm trước của ông ta cũng không phải là đáp án chính xác cho cái tên hết sức bí ẩn nói trên.


- Nè, tâm trí anh bay đi đâu vậy hả? Có nghe em hỏi gì không? Bọn giang hồ đó anh tìm ở đâu? Có ai chỉ anh à? Anh là dân trí thức mà cũng giao du với bọn nó nữa sao? Chúng thuộc băng đảng nào? – Quá nóng mặt với khoảng im lìm như pho tượng cổ trăm năm nằm trong viện bảo tàng nghệ thuật của nhân tình, bà Tường mất hết sự kiên nhẫn, quát lớn trong chính thắc mắc của mình.

Giật mình tỉnh mộng, ông Minh liền đưa lẹ tâm hồn mình trở về chỗ cũ mà không để lại chút dấu vết đáng chú ý gì trong cõi tình hoài niệm vẫn còn đang nổi lửa âm ỉ qua từng ngày núp gọn trong tâm thức ấy. Khi tách cà phê nóng nguội dần, ông từ từ nhấm nháp thức uống yêu thích đầy sảng khoái bên làn khói trắng gây nghiện. Đặt nhẹ chiếc tách sứ xuống bàn sau khi hai phần ba lượng cappuccino nâu đen đã vơi đi chỉ trong vỏn vẹn một phút; ông cười thâm thúy; giải đáp câu hỏi mà bà Tường càm ràm đến nhức cả hai lỗ tai bằng cách nhả chữ đầy trau chuốt; ẩn chứa sự già dặn, tinh quái và khôn sỏi đời của một người đàn ông là bậc thầy của kỹ năng che giấu cảm xúc với việc trả lời không trúng "trọng tâm" câu hỏi hoàn toàn nhưng người yêu mình vẫn không hề nhận ra:

- Em chưa nghe câu "Tiền bạc có thể sai khiến cả quỷ thần" à? Chỉ cần bỏ ra thật nhiều tiền, muốn gì mà chả được. Con người nếu như biết cách tồn tại giữa cái xã hội đầy thị phi và gian dối này thì phải hiểu, tiền là công cụ giải quyết hiệu quả nhất. Em nên thấm nhuần chân lý này để bắt kịp thời đại đi là vừa.

Thích thú "chân lý sống" được giảng giải từ "điểm tựa vững chắc" cho tương lai rạng rỡ sau này, bà Tường vô tình khiến mình "bị qua mặt" một cách dễ dàng và vẫn không biết ông Minh tìm được bọn giang hồ trên bằng cách nào lẫn tên tuổi của bọn chúng ra sao. Lần này, bà cười tươi hở nguyên cả hàm răng, không giấu nổi sự ngưỡng mộ:

- Đúng là em còn phải học hỏi ở anh nhiều lắm. Quả thật lòng em lo sợ đủ điều, nhưng khi đã có anh rồi, em tin mình đã chọn đúng người. Giờ này chắc Hoàng Kha nó sắp đến...

Nói chưa hết ý, cặp mắt sắc lẹm, tinh tường của bà Tường đột nhiên chuyển hẳn sự chú ý xuống dưới chỗ bãi đỗ xe của quán. Chợt thấy có đám đông người đang tụ tập, bàn tán xôn xao chuyện gì khó hiểu ở tuốt phía bên dưới, miệng bà nói không nghỉ, tay chỉ trỏ rồi lại tự mình nhận ra chính xác ngoại hình của cái người mà bà vừa mới nhắc đến đang đứng lẫn trong số đông bu nghẹt như ruồi kiến đó:

- Anh à, ở dưới kia hình như đang có chuyện gì ồn ào kìa. Giống như có đánh nhau hay sao đấy. Tụ tập gì mà đông dữ vậy hông biết? Chả hiểu là có chuyện gì nữa. Thiệt là...! Ê, thôi chết, hình như trong đám lộn xộn đó có Hoàng Kha nữa kìa! Nó đang cự cãi tay đôi với một thằng nào đó!

Ông Minh nhíu mày cười gượng, tưởng bà Tường chỉ bông đùa gạt mình cho vui. Đến khi dòm thử để kiểm tra thực hư, ông trông thấy có cảnh tượng bảo vệ, quản lý, khách khứa đang gây nên âm thanh náo động mà nãy giờ mình không để ý do ngồi tuốt ở trên tầng ba. Phóng thẳng xuống dưới đó cặp mắt tinh đời già dặn của "một thợ săn lão luyện" nhìn theo ngoại hình của một cậu thanh niên mặc đồng phục bảo vệ đang tức giận, bỏ đi thẳng một mạch vào trong bãi giữ xe dẫn chiếc Honda Wave Alpha màu đỏ ra bên ngoài, ông gằn giọng lại thật nhỏ chỉ để cho mỗi mình mình nghe thấy:

- Lại là thằng nhãi đó. Chết tiệt. Nó làm việc ở đây từ khi nào vậy?


Khoảng mười lăm phút trước, Tuấn Huy tới thay ca cho một đồng nghiệp. Anh nhận công việc nhân viên bảo vệ cho quán Chuyện Tình mới có vỏn vẹn ba ngày. Với tên tuổi của một quán cà phê danh tiếng có tuổi đời từ năm 1971, anh hy vọng nếu mình chịu khó "vật lộn" cuộc sống ở trong đây vài năm, lương bổng chắc cũng không đến nỗi tệ.

Nhưng mọi điều dễ dàng có vẻ như lúc nào cũng luôn thích ra sức chống đối anh. Khi đang nhiệt tình làm đúng trách nhiệm dẫn chiếc Honda SH màu đen giùm một vị khách nữ trung niên chuẩn bị rời khỏi quán, Tuấn Huy sửng sốt, thật sự sửng sốt trước người bước ra từ chiếc Chevrolet Camaro RS 3.6 V6 màu xanh dương mui trần siêu sang, siêu chất và siêu ngầu vừa mới tấp vô đậu sát lề.

Do không kịp giấu mặt đi chỗ khác, chàng trai xấu số thường hay bị vận may bỏ mặc không đúng chỗ ấy chán ngán đụng phải Trịnh Hoàng Kha – người mà anh cực kỳ căm ghét thời còn làm việc ở Lữ hành Kha Minh. Cực chẳng đã, anh buộc phải lịch sự nhã nhặn đáp trả lại "viên đạn" châm chọc đang chĩa thẳng về phía mình bằng sự khinh bỉ rất khó lòng nhịn nổi:

- Đúng, là tôi. Vậy thì sao chứ? Chuyện tôi làm việc ở đây có gây ảnh hưởng gì đến chuyện uống nước của anh không?

Hoàng Kha nhún vai, trề môi, hai mắt láo liên không ra láo liên, láu cá không ra láu cá, "bắn ra phát đạn" đay nghiến tiếp theo:

- Ồ ồ, tất nhiên là không. Mày thì làm gì có đủ trình độ để gây ảnh hưởng đến tao được cơ chứ, thậm chí là chạm nhẹ vào người tao cũng không. Tao chỉ thắc mắc một điều là tại sao một chuyên viên công nghệ thông tin, ý quên, một kỹ sư công nghệ thông tin tài hoa nhất quả đất này sao không ngồi rung đùi ở một công ty hay tập đoàn danh tiếng nào đó mà lại chịu cảnh tối mặt làm thằng giữ xe ở quán cà phê vậy? Tao nghĩ nếu làm ở quán cà phê, ít ra mày phải đảm nhận vị trí quản lý cấp cao mới đúng chứ. Mày tài lanh và "thông minh" lắm mà.

Lo sợ sắp không kìm nổi cơn nóng giận, Tuấn Huy quay mặt nhìn sang hướng khác làm bộ như không nghe thấy gì. Được nước lấn tới, Hoàng Kha cười mỉa mai nặng hơn với ý đồ khiến Tuấn Huy mắc bẫy:

- Ê ê, lâu ngày không gặp bộ mày bị câm rồi hả? Tội nghiệp vậy? Tao nhớ hồi cãi tay đôi với cha con tao ở Kha Minh, mày anh dũng lắm mà, miệng mồm đanh thép không chịu khuất phục, mà sao giờ mày lại như con rùa rụt đầu vậy? Bởi vậy mới nói thấp hèn mãi mãi vẫn là thấp hèn, chẳng bao giờ ngóc đầu lên lâu được.

Hả hê sự nhượng bộ của Tuấn Huy, Hoàng Kha tay phải đút vô túi quần, tay trái quay quay vòng tròn chiếc chìa khóa xe, bộ dạng hợm hĩnh, hống hách, khinh đời bước ngông nghênh vào quán. Chưa chịu thôi, anh cố tình dừng lại trước cửa kính ra vào, nói to trong họng câu cuối, ám chỉ sâu xa:

- Làm việc cho tốt nha thằng giữ xe!

Đến nước này, cả người Tuấn Huy ngùn ngụt ngọn lửa căm tức dữ dội. Anh bất chấp mọi hậu quả khôn lường, lao nhanh tới túm lấy cánh tay đang cầm chìa khóa xe của Hoàng Kha kéo thật mạnh cho kẻ thù không đội trời chung với mình té ngược về phía sau.

Năm đồng nghiệp chung tổ trực với Tuấn Huy hoảng hồn chạy lại can ngăn anh. Còn Hoàng Kha, điên tiết đứng dậy, giọng oang oác: "Mày ngon lắm! Bữa nay dám đánh tao nữa à! Chủ quán đâu? Quản lý đâu? Ra đây mau lên! Coi nhân viên giữ xe của mấy người hành hung tôi nè! Nó muốn cho tôi bị té bể đầu nè!"

Bên trong, bên ngoài quán, chủ yếu là khu vực tầng trệt, mọi ánh nhìn hiếu kỳ của khách uống nước đều đổ dồn vào bãi đỗ xe. Sự việc kinh động đến chủ quán tức thì. Ông ta cho một người trong bộ phận quản lý tức tốc chạy ra giải quyết xung đột theo kiểu tiếp nhận thông tin một chiều. Màn tranh cãi nảy lửa diễn ra giữa đôi bên:

- Lâm Tuấn Huy! Cậu bị điên rồi hả? Cậu nghĩ sao mà lại dám đánh khách của quán thế này? Cậu ăn gan hùm rồi hay gì? Cậu có biết anh Kha đây là khách cao cấp cần được tiếp đón chu đáo ở đây không mà dám cư xử côn đồ như vậy hả? Mau xin lỗi anh Kha nhanh lên!

- Anh kêu tôi xin lỗi hả anh quản lý? Anh có biết hắn ta sỉ nhục tôi như thế nào không? Hắn ta dùng những lời lẽ hạ thấp nhân phẩm người khác đến mức tận cùng không gì diễn tả nổi mà anh còn bắt tôi xin lỗi hắn sao? Nếu anh là tôi anh có nhịn nhục nổi không? Anh nói đi!

- Dù là bất cứ nguyên nhân gì thì nhân viên không bao giờ được cư xử lỗ mãng với khách, huống hồ chi cậu còn dùng tay kéo anh Kha đây té ngược ra sau. Cậu biết làm vậy sẽ nguy hiểm cỡ nào không? Anh Kha có thể bị chấn thương sọ não và chấn thương cột sống đó! Chưa kể chắc chắn cậu phải làm sai điều gì đó anh Kha mới nặng lời như vậy. Xin lỗi anh Kha mau lên!

Tận dụng diễn biến hoàn toàn có lợi về phía mình, Hoàng Kha lớn tiếng chen vào, đẩy sự việc lên mức nghiêm trọng:

- Nè, anh coi đi! Thằng giữ xe này nó làm phần sau áo sơ mi trắng tôi dính đầy bụi bẩn và đất dơ rồi! Có biết cái áo này tôi mua bao nhiêu tiền không? Hàng Mỹ chính hãng tám triệu một cái! Nếu nó không bồi thường thì đuổi cổ nó ngay đi! Không là tôi báo công an đó!

Bị dồn vào tình thế ngày một bất lợi, Tuấn Huy thừa biết mình chỉ còn duy nhất sự lựa chọn khi lỡ dại sa vào cái bẫy hiểm độc Hoàng Kha giăng ra:

- Được, nghỉ việc chứ gì? Nghỉ thì nghỉ! Dù tôi có chết đói ngoài đường cũng không chịu nhục nhã làm bảo vệ cho cái quán bất công chuyên nịnh bợ bọn nhà giàu này đâu! Coi như ba ngày qua tôi làm không công từ thiện cho mấy người vậy! Vĩnh biệt!

Trước khi rời đi, Tuấn Huy bặm môi, trợn mắt, tay phải giục mạnh cái nón bảo vệ xuống đất kèm mấy lời sau cùng do không kiểm soát được cơn giận sôi sục:

- Còn điều này nữa, Trịnh Hoàng Kha, tao nói cho mày biết. Mày đừng tưởng mày lớn hơn tao năm tuổi là tao nhịn mày, mày đừng nghĩ mày là thiếu gia thì tao sợ mày, sợ cái uy quyền và thế lực của mày, sợ đồng tiền của mày. Đẳng cấp của mày và cả cha mày cộng lại, nói thẳng ra là chẳng bằng một góc so với cha tao. Nguyên cái công ty lữ hành của nhà mày nếu đem ra so sánh còn không xứng đáng bằng hệ thống thang máy trong tập đoàn điện máy của cha tao nữa. Nên, nếu không biết Lâm Tuấn Hùng là ai, đừng có dại dột mà lên mặt với đời.

Không để tâm lời xin lỗi tới tấp kết hợp "thao tác" dùng khăn trắng phủi bụi lên trên lưng áo mình của tay quản lý quán cà phê, Hoàng Kha đứng yên đăm chiêu, phân tích lời cảnh cáo lưu loát chứa sức nặng thật sự mà Tuấn Huy để lại. Anh bán tín bán nghi, song cái tên Lâm Tuấn Hùng khiến anh nhớ lại nội dung đả kích tương tự Mỹ Vân từng nói cách đây không lâu. Được một linh cảm kỳ lạ nhắc nhở, anh bắt đầu suy tính đến việc điều tra thân thế ngọn nguồn của người mà anh luôn khinh thường. Dư âm cuộc cãi vã chỉ chấm dứt khi ba anh cùng với người tình quyến rũ của ông ấy đi ra bãi đỗ xe...


Một ca cam vắt tươi ngon bổ dưỡng được đặt xuống sàn, Tuấn Huy nhìn ca nước, nở nụ cười nhẹ bẫng, thoải mái sau hai ngày dây thần kinh muốn đứt đoạn vì chưa thể nguôi vòng xoáy hiềm khích với kẻ thù tiểu nhân bỉ ổi luôn muốn gây sự với mình. Giữa trưa, quán Cháo Vịt Ăn Là Khoái tạm nghỉ trước khi bán tiếp vào chiều tối. Trung Hiếu ngủ say như chết trong nhà kho, chỉ còn có hai mẹ con Tuấn Huy chuyện trò tâm sự trong căn phòng thoáng mát trên lầu một. Bà Hảo hiền hậu ngồi xuống cạnh con trai.

- Huy nè, uống nước cam đi con. Mẹ biết con rất thích uống cam vắt nên làm hẳn một ca bự nhất cho con luôn đó. Hãy uống thật ngon lành rồi quên hết những chuyện vừa qua, xem như tất cả chỉ là cơn ác mộng không đáng nhớ. Nghe lời mẹ là sự lựa chọn bắt buộc đối với con hiện giờ đó, nếu không muốn mẹ đánh đòn nghe chưa!

Tuấn Huy nhấp một ngụm nước cam ngon lành cành đào rồi nằm nghiêng người xuống, áp sát một bên mặt lên hai bắp chân của người mẹ yêu dấu, nhắm chặt mắt nhõng nhẽo:

- Dạ, con hiểu mà. Lời mẹ dạy luôn đúng. Chuyện không hay hôm kia con sẽ quên hết. Mấy hạng người như vậy mình cớ gì phải tức giận chi cho mệt. Càng tức giận càng rơi vào cái bẫy tiểu nhân bỉ ổi của hắn; càng làm ngơ thì hắn càng nổi điên. Giờ con chỉ muốn ngày nào mẹ cũng vắt nước cam cho con uống thôi, không chỉ một ca mà là một thùng luôn!

Trước ước muốn quá lố của đứa con trai cưng, bà Hảo mỉm cười hiền hậu thật dịu dàng, tỏ ra âu yếm:

- Thằng quỷ này, bụng dạ nào mà uống một thùng dữ vậy con? Cái gì mà nhiều quá là sẽ phản tác dụng đó. Miễn mẹ nó dịu dàng là nó lại nhõng nhẽo như vậy, thấy ghét thiệt!

- Ai bảo con có người mẹ tuyệt vời nhất thế gian làm chi! Đối với con, mẹ là người phụ nữ đẹp nhất, tuyệt vời nhất, nhân hậu nhất, nhất nhất nhất nhất!

- Thôi đi ông tướng, nịnh quá hà! Ờ, mà Trung Hiếu nó nói hồi sáng lúc mẹ đi chợ có hai anh chị bên đội đặc nhiệm gì đó tới đây lấy lời khai của con đúng không?

Màn nhõng nhẽo với mẹ yêu bị đề tài không tính trước cắt ngang nửa chừng, Tuấn Huy tỏ ra không mấy hứng thú, giọng ỉu xìu:

- À, tưởng chuyện gì, mẹ làm con hết hồn. Dạ, sáng nay họ có tới đây. Nếu cái chị giúp việc trong ngôi biệt thự con gặp bữa đó khai báo thông tin không đúng sự thật cho cảnh sát, có thể sắp tới con sẽ còn mệt dài dài luôn đó mẹ.

- Cụ thể họ hỏi con những gì?

- Dạ, cũng là những câu hỏi giống như lúc trong bệnh viện hôm hai mươi bốn tháng Ba. Lần này, họ đặt thêm nghi vấn con có liên quan đến bọn cướp do sự xuất hiện đúng lúc của con tại ngay thời điểm đó. Con đã nói là con đi xin việc, sau đó do rảnh rỗi nên dạo mát hóng gió trong khu phố cho vui thôi nhưng lại không có ai khách quan để làm chứng. Đã vậy khi ấy đi xin việc mà con lại quên không mang theo hồ sơ nữa chứ! Giờ nghĩ lại con thấy mình ngớ ngẩn hết sức nói!

- Như vậy họ có còn yêu cầu con miêu tả lại ngoại hình của hai tên hắc y nữa không?

- Dạ có. Con đã dùng hết công sức hoạt động của trí nhớ diễn tả khái quát dáng vẻ bên ngoài hai tên bịt mặt và chiếc mô tô phân khối lớn chúng sử dụng. Giá như con không nhớ biển số xe nhưng biết được chiếc xe của chúng chạy mang hiệu gì thì cũng đỡ. Còn hai tên thanh niên đóng kịch bị té xe đạp thì con không biết, vì lúc con chứng kiến sự tình, chúng đã tẩu thoát rồi. Vụ cướp ghê sợ này coi bộ không dễ gì để khép lại. Chú luật sư Hồ Vạn Phát vẫn chưa tỉnh lại, chú tổng giám đốc kia thì...

- Chú tổng giám đốc kia thì sao? Nhắc mới nhớ, con thiệt tình luôn đó, ai đời mang tiếng dân công nghệ thông tin mà đãng trí hết chỗ nói! Lúc cùng ông ấy cung cấp lời khai cho công an trong bệnh viện, con đã nghe lý lịch cá nhân sơ sơ của ông ấy rồi vậy mà đến ngày hôm sau xem thời sự trong nước có đăng tin vụ cướp ấy mới nhớ ra là sao? Đã vậy cũng hông chịu lên mạng tìm hiểu gì hết!

Hơi xấu hổ trước khuyết điểm thiếu tập trung muôn thuở mỗi khi rơi vào tình huống căng thẳng hay hồi hộp mạnh, Tuấn Huy chỉ biết cười nhe răng khe khẽ trong biểu cảm cùng lời nói có đôi chút ngượng ngùng:

- Hê hê, hê hê! Dạ... tại lúc đó nỗi sợ hãi che mất sự tập trung của con khiến con toàn nghĩ đến chuyện mình suýt chết không hà; nên khi cầm tấm danh thiếp Mỹ Vân đưa, con hơi ngờ ngợ vì tên của vị tổng giám đốc này nghe quen quá, dù con chưa từng là du khách của Bản Sắc Việt. Đúng là sự đời, luôn có những điều trùng hợp thú vị, khó tin. Điều con mừng là bên cảnh sát đã không tiết lộ danh tính của chàng trai can đảm ấy cho truyền thông – báo chí biết y như mong muốn con nói với họ.

Đọc thấu nội tâm đứa con mình thương yêu hết mực, bà Hảo xoa đầu Tuấn Huy, đưa ra thắc mắc rất khéo léo:

- Khai thật với mẹ đi, có phải con sợ bị trả thù đúng không? Thường thì tâm lý chung của những ai trong trường hợp như con đều rất tự hào về bản thân và ít nhiều muốn mình được người khác biết tới để ngưỡng mộ, tán dương, nhưng sao con lại hành động ngược lại vậy?

Bị mẹ yêu đọc trúng tâm lý, Tuấn Huy chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc "khai" thật:

- Dạ, đúng là một phần vì con hơi nhát gan, sợ công an chưa tóm được bọn chúng thì con sẽ gặp nguy hiểm, cộng với việc con cũng không thích mấy chuyện tên của mình được đăng lên trên báo chỉ với việc làm nhỏ nhoi giống như vầy nên thôi. Mẹ vẫn thường dạy con: "Khi giúp đỡ một ai đó, điều quý giá nhất mà mình nhận lại được chính là nụ cười trên gương mặt của họ, còn những chuyện khác thì không quan trọng".

Vô cùng hài lòng khi nghe những gì Tuấn Huy bộc bạch, bà Hảo cúi đầu xuống hôn nhẹ một cái lên má trái con trai yêu quý, không tiếc lời tự hào:

- Lâm Tuấn Huy của mẹ đúng là có khác! Con nhận thức được như vậy thật sự rất tuyệt! Chứng tỏ mẹ không phải sợ con sẽ làm bất cứ chuyện gì sai trái hết, vì con là một chàng trai tốt mà đúng không?

Nghe mẹ khen mà mát lòng mát dạ, Tuấn Huy cười hí hửng hết cỡ. Anh tiết lộ luôn tin tức cực kỳ "sốt dẻo" cho bà Hảo biết trong lúc ngẫu hứng yêu đời:

- Dạ, sẵn đây con cũng xin trân trọng thông báo cho mẹ nghe một tin nóng hổi, nóng còn hơn tô cháo vịt bạn con bán luôn! Đó là sắp tới con sẽ làm việc ở Công ty Du lịch Bản Sắc Việt. Tuy giờ vẫn chưa chính thức được nhận, song lần này con vô cùng tự tin chắc mẹ hiểu rồi đúng không nè?

Đôi mắt bà Hảo sáng rực, lập tức hối thúc Tuấn Huy:

- Vậy thì còn chờ gì nữa! Sáng mai con sửa soạn theo Mỹ Vân đến gặp ông ấy liền đi! Con là ân nhân cứu mạng của ông ấy mà, không lý nào con không được nhận.

Thở phào một hơi thật dứt khoát, Tuấn Huy cảm thấy quyết định mới của mình rất đáng để chờ đợi sau bao nhiêu vất vả đè nặng trên đôi vai mệt mỏi suốt những ngày tự đi xin việc mà không có sự giúp sức cần thiết:

- Dạ, con đã suy nghĩ kỹ lưỡng mới đồng ý. Thôi thì vô trong công ty đó làm, chứ con quá bế tắc và quá đuối sức trong việc tự thân vận động rồi. Xã hội bây giờ, ngoại trừ những công việc lao động phổ thông và những ngành nghề mang tính đặc thù cao, đa số trong chuyện xin việc, nếu không quen biết, không có người chống lưng, đỡ đầu, thật khó khăn làm sao!

Vốn biết danh tiếng từ công ty du lịch mà ông Hùng vẫn thường kể cho mình nghe ngày trước, bà Hảo rất lạc quan vào tương lai đang chào đón con trai yêu của mình:

- Bản Sắc Việt là công ty du lịch rất uy tín với chất lượng đứng đầu cả nước. Hồi còn sống, cha con không ít lần đặt tour du lịch trong nước và ngoài nước bên đó. Giám đốc công ty này sẽ càng ngạc nhiên hơn nếu biết con là con trai của vị khách cao cấp công ty ông ấy từng phục vụ.

Vừa nghe mẹ mình nhắc tới người cha quá cố, tâm hồn đang vô tư của Tuấn Huy bỗng chợt trầm lặng bởi sự nhạy cảm:

- Nhưng, mẹ à, ông ấy đặt tour là đặt tour cho gia đình vợ con chính thức của ông ấy mà, chứ mẹ con mình có bao giờ được đi đâu đâu. Sống đến hơn phân nửa tuổi hai mươi bốn rồi mà con vẫn còn chưa biết nơi nào khác ngoài Sài Gòn hết. Không biết đây có phải là kỷ lục ở Việt Nam mình nếu chỉ xét riêng ở những người không thuộc diện quá nghèo hay không nữa?

Nghe được giọng nói không mấy gì vui vẻ xen lẫn cảm giác mặc cảm của con trai, bà Hảo tinh tế chuyển nhanh sang vấn đề khác ngay tức thì:

- Còn chuyện con với Mỹ Vân thì sao, khai thiệt luôn đi? Một đứa con nít ba tuổi khi nhìn vào cũng thừa biết là Mỹ Vân nó đang thích con, vậy còn con thì sao, con có cảm tình nào đặc biệt dành cho nó không? Mỹ Vân là một cô gái rất đáng mến, tuy con nhà giàu có nhưng lại rất nhiệt tình cởi mở, không khinh người, không chảnh chọe như những cô gái khác. Nếu hai đứa mà đến được với nhau, mẹ tán thành hai tay hai chân luôn đó nha!

Một cảm xúc ngẩn ngơ xâm chiếm trái tim và linh hồn Tuấn Huy ngay thời khắc ấy. Có điều, cảm xúc êm dịu hòa chung ngây dại này không phải xuất phát từ cái tên của cô gái mà mẹ anh đang đề cập đến. Trong phút chốc, anh ngỡ như hai mắt mình chỉ toàn nhìn thấy quang cảnh thơ mộng của buổi trưa đầy nắng định mệnh ngày hai mươi bốn tháng Ba. Không hay câu trả lời lạc đề mình sắp buông ra, đôi môi anh hé cười ngây thơ, nói chậm rãi, rõ ràng cho bà Hảo nghe mà tưởng đâu đang thì thào cho riêng mình:

- Mẹ biết không? Người con gái đó đẹp như một tiên nữ giáng trần vậy! Trưa thứ Bảy huyền diệu ấy đã trôi qua được hai mươi ba ngày rồi, song con vẫn không thể nào quên được giây phút nửa thực nửa ảo sáng ngời chiếu rọi tâm hồn cằn cỗi của mình hôm ấy. Cô ấy vừa là ánh sáng thiên đàng cho con biết thế nào là sự lãng mạn, vừa là ngọn lửa thiêu đốt trái tim con mỗi khi con ngồi nhớ lại. Cảm xúc đó thật tuyệt đẹp, giống như cô ấy vậy. Nếu con nhớ không nhầm thì cổ đứng trên ban công tầng hai ngôi biệt thự ngàn hoa. Dù cho khoảng cách không gần, con vẫn có thể mường tượng ra được vẻ đẹp hoàn hảo của cổ là như thế nào. Tiếc là...! Có thể con sẽ không bao giờ còn cơ hội được gặp lại nàng tiên giáng trần ấy nữa. Mà nếu có gặp lại, chắc con cũng chỉ toàn rước lấy đau buồn cho bản thân mình mà thôi.


"Cái gì, ông tính bán thêm cháo gà à?", Tuấn Huy làm bộ thảng thốt khi nghe tin cậu bạn chí cốt của mình có ý định "nâng cấp dịch vụ ẩm thực" cho cái quán cậu ấy.

Vừa lúc ăn sạch bách tô cháo vịt là một trong các bữa ăn chất lượng mà mình và mẹ được "hưởng" miễn phí trong "chế độ đặc biệt dành riêng cho bạn thân" những ngày tạm trú nhà Trung Hiếu, Tuấn Huy vừa lấy giấy lau miệng, vừa bắt đầu tập trung làm rõ vấn đề trên:

- Sao ông lại tính bán thêm cháo gà vậy? Bộ doanh thu bán cháo vịt chưa đủ lời hay sao? Nói cho ông biết, khi kinh doanh quán ăn, nếu chỉ có một mình mình làm tất cả mọi thứ, tốt nhất là nên bán một món thôi, chứ thêm món thứ hai là thấy hơi mệt à nha! Ông suy nghĩ kỹ chưa?

Trung Hiếu nhích chiếc ghế nhựa nhỏ lại ngồi gần Tuấn Huy, mặt mày tươi tỉnh, nụ cười hơi có chút "gian gian", giọng chắc nịch:

- Thì suy nghĩ kỹ rồi mới nói cho ông biết chớ! Nghe nè, tui nghĩ nếu bán cháo vịt mà không có cháo gà thật sự là một thiếu sót rất đáng trách. Rất nhiều khách khứa lại đây mỗi lần hỏi quán có cháo gà không xong rồi lẳng lặng bỏ đi không nói lời nào làm tui tiếc quá trời! Tính trung bình, mỗi ngày tui mất ít nhất cũng hơn mười người khách. Cho nên chuyện đưa cháo gà vào thực đơn vốn đã cô đơn một món của tui là quyết định hoàn toàn chí lý, công nhận không?

Móc chiếc điện thoại Nokia Lumia 1020 màu vàng tươi trong túi quần ra coi giờ, Tuấn Huy lại cảm thấy hồi hộp mạnh cho "số phận xin việc" của mình sẽ được định đoạt trong mấy tiếng đồng hồ tới. Anh kiểm tra lại giấy tờ cần thiết nhét trong túi hồ sơ màu xanh lam nhạt nhưng vẫn không quên dành tặng một lời "công nhận" khôn khéo dành cho cậu bạn:

- Thì tùy ông thôi, tui không có ý kiến. Trong ẩm thực, gà thường đi đôi với vịt, y như cặp đôi hoàn hảo, nói chính xác hơn là "cặp đôi hoàn cảnh". Nếu ông tính vậy cũng tốt, bán thêm món, tăng thêm thu nhập. Còn chuyện nếu một mình ông làm không xuể thì có thể mướn nhân viên được mà. À, hay hông ấy ông bán thêm cháo lòng, cháo ếch, cháo cá, cháo bò, cháo tôm luôn đi cho đủ bộ!

Sáng kiến của Tuấn Huy làm Trung Hiếu mở to mắt, há hốc mồm vì quá bất ngờ. Hai tay anh tự vỗ đùi mình một phát rồi "xúc động" dâng trào ôm chầm lấy Tuấn Huy hét lên trong vui sướng:

- Hay tuyệt! Bạn tui thông minh quá! Đúng rồi, nếu đã bán cháo thì phải bán đầy đủ như vậy người ta mới thích, mới kéo tới ăn đông, thế thì tui mới mau giàu to được! Ông thông minh quá Huy ơi! Không hổ là chiến hữu lâu năm của tui!

Đột nhiên, trong lúc vui sướng hơn bắt được vàng, Trung Hiếu "chuyển trạng thái" nhanh như sấm. Anh ngồi im lặng khoảng ba phút, hai tay chống cằm, đơ như pho tượng. Thấy thế, Tuấn Huy mới hài hước "đá đểu":

- Ê, sao vậy ông thần? Tự nhiên đang vui lại rầu rĩ như bị người yêu bỏ vậy? Có gì thì nói tui nghe xem nào! Hay ông lo lắng mở rộng thực đơn như vậy sẽ không đủ vốn hả? Hay mấy món cháo đó ông hông biết làm? Hông ấy nhắm khó quá thì cho qua thôi, đừng bán thêm món gì nữa hết. Tui không có tiền để cho ông mượn đâu nha! Mẹ tôi cũng vậy. Ba mẹ ông cũng chưa chắc có đâu. Bỏ thôi.

Một tiếng thở dài đi ra từ trong miệng Trung Hiếu. Anh chưa ngưng việc "diễn sâu", tiếp tục làm ra vẻ suy tư kín đáo, sâu xa, thiếu điều sắp "khóc".

- Không hiểu sao lúc nghe ông nói đùa gà vịt là "cặp đôi hoàn cảnh", tui lại không cầm lòng được! Tại sao cuộc đời này lại bất công và tàn nhẫn như vậy cơ chứ? Gà vịt nói riêng và các loài động vật hiền lành khác nói chung đâu phải sinh ra là để làm mồi cho con người đâu. Vậy mà từ xưa đến nay con người ta luôn giết chết động vật để ăn thịt. Thử hỏi có xót xa hay không chứ?

Tuấn Huy có đôi phần rối rắm với "nỗi lòng bất tử" của Trung Hiếu. Có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ rằng bạn anh lại là người có tấm lòng lương thiện đến như vậy:

- Cái gì, cái gì? Ông nói ông... Nghe khó tin thật! Từ bao giờ một người như ông lại biết thương cảm cho số phận của động vật vậy? Ý tui không phải nói ông là người xấu mà chỉ là tui thấy ông bán đồ ăn mặn mà lại suy nghĩ như vậy thì liệu rằng có hơi mâu thuẫn quá chăng?

- Thì cứ cho là vậy đi. Thiệt lòng dù hiện giờ tui đang bán cháo vịt, nhưng mỗi lần nghĩ tới cảnh tượng đổ máu của không biết bao nhiêu con vịt ngoài chợ hay trong các khu công nghiệp chăn nuôi, lò giết mổ để cho những người bán cháo vịt như tui đây có cái để kiếm cơm thì trong lòng tui lại muốn đứt từng đoạn ruột.

- Nhưng nếu có vậy thì cũng đâu tới mức khiến ông phải day dứt đến thế. Đâu phải ông tự giết mổ vịt để chế biến món ăn đâu mà toàn ra ngoài chợ hay vô siêu thị mua vịt người ta làm sẵn không mà. Với lại ông cũng đâu có mua vịt sống rồi nhờ mấy người bán giết chết, cạo lông, mổ bụng vịt trước mặt ông đâu mà ám ảnh dữ vậy!

Trung Hiếu đột ngột đứng dậy, bước đi vô khu vực bên trong quán, đứng trước quầy bếp núc, ngẩn người hồi lâu. Giờ thì đến lượt Tuấn Huy ngồi hai tay chống cằm, mắt nhìn người kia chăm chú mà sốt ruột:

- Nè, có gì thì nói đi chứ! Đâu phải ông đang đóng phim tình cảm đâu mà làm thấy ghê quá vậy!

- Ông biết không? Tui buồn lắm! Nhiều khi tui nghĩ có phải vì những người như tui mà động vật mới chết đau đớn như thế không? Đành lòng là có cầu thì mới có cung, song nếu bớt đi một người bán, sẽ bớt đi một người ăn, bớt đi một người ăn, sẽ bớt đi một người chăn nuôi, giết mổ...

Nhận ra điểm mấu chốt trong "nỗi lòng bất tử" đang giày vò bạn thân, Tuấn Huy nhanh trí cắt ngang lời Trung Hiếu bằng sáng kiến mới toanh:

- Thôi được rồi, bây giờ vậy nè! Khỏi nói dông dài chi cho mệt, nếu lương tâm ông cảm thấy cắn rứt khi bán cháo mặn như vầy thì tốt nhất... ông nên chuyển sang bán cháo chay đi là vừa. Cháo chay thì toàn là rau củ quả... khỏi sợ phải có lỗi với động vật hiền hành nữa nhe! À, mà nếu bán cháo chay, khả năng cao là sẽ khá kén người ăn, tui nghĩ ông nên đặt tên quán cho khôi hài, là lạ một chút để thu hút sự chú ý của mọi người hơn tên cũ; ví dụ như Giải Đói chẳng hạn.

Lần này còn hơn cả bắt được vàng, Trung Hiếu chạy nhào tới ôm chầm lấy Tuấn Huy chặt như dây xích. Anh "hôn nát", "bẹo nát" hai má Tuấn Huy, không tiếc lời cảm thán đưa bạn hiền lên tận trên mây xanh:

- Chắc tui chết ngất vì ông quá Huy ơi! Sao ông thông minh dữ vậy nè! Có vậy thôi mà tui cũng nghĩ không ra nữa! Ý tưởng của ông rất táo bạo và rất hay! Tui sẽ làm theo sáng kiến này! Quán Cháo Chay Giải Đói, ha ha, không đụng hàng với ai luôn!

Tuấn Huy không nén nổi cơn cười trong bụng, nước bọt văng tứ tung, hai tay đẩy mạnh Trung Hiếu ra.

- Thôi được rồi cha nội! Làm thấy ghê quá hà! Mấy cái này tự ông cũng nghĩ ra được vậy, đâu cần tui góp ý! Tui là bạn ông chứ có phải con cháu hay người yêu của ông đâu mà ông vừa hôn má, vừa véo má tui vậy trời! Người ngoài nhìn vô người ta "đánh giá" chết!

Màn đùa giỡn quá trớn đang tới hồi vui nhộn nhất, cặp bạn tâm đầu ý hợp hú hồn hú vía khi có sự xuất hiện của một chiếc Audi A4 rực đỏ đậu sát vỉa hè. Chủ nhân của chiếc xe đó thậm chí còn nổi bật hơn với bộ đầm sát nách ngắn bó eo đầy gợi cảm bước đi trên đôi giày cao gót cùng làn tóc màu nâu hạt dẻ uốn xoăn chấm ngực thời thượng...


"Mỹ Vân ơi, anh làm cho em một tô đặc biệt luôn nha!", Trung Hiếu mặc tạp dề đứng trong quầy bếp núc, la to hết "công suất", cố ý chọc cho vị khách nữ khó tính nổi cơn giận.

Mỹ Vân mặt mày méo mó, tỏ ý không ấn tượng và thích thú mấy không gian ăn uống theo kiểu bình dân từ trong nhà ra ngoài sân giống như thế này. Phải dùng giấy trắng lau tới lau lui cái ghế nhựa màu xanh lá chừng ba phút, cô mới dám đặt nó xuống mà ngồi lên. Tới đây, cô lại phát cáu vì còn phải lấy thêm mấy miếng giấy khác lau sạch bụi đường bám đầy trên muỗng đũa múc gắp và chén dĩa đựng nước chấm của quán, đó là chưa kể cô còn không tin tưởng lắm độ sạch sẽ của đống giấy lau này. Từ hồi bé tí cho đến khi trưởng thành, chưa bao giờ đi ăn mà cô lại phải khó chịu và miễn cưỡng đến thế. Cô trả lời Trung Hiếu bằng một giọng nói "bình tĩnh" nhất có thể:

- Tô bình thường được rồi! Tôi đang giữ dáng nên không ăn nhiều được đâu! Anh làm ơn nhỏ tiếng lại một chút được không? Lỗ tai tôi đâu có bị điếc mà anh la làng như âm thanh đại bác bắn ngoài chiến trường vậy! Bực mình...!

Tuấn Huy khoái chí, cười thầm trong miệng. Biết bạn tốt đang tranh thủ cơ hội cưa cẩm người đẹp, anh khéo léo "châm dầu vô lửa":

- Mà Hiếu ơi! Ông làm tô bình thường cho Mỹ Vân là có mấy cái đùi vịt vậy?

Bắt được tín hiệu ngẫu hứng "nháy mắt" nhắc bài ở ngoài kia, Trung Hiếu nhanh trí đối đáp:

- Ui, có hai cái thôi ông ơi! Hai cái đùi nhỏ thôi!

Hiểu được hàm ý trong cái gọi là hai cái đùi "nhỏ" mà bạn tốt gợi ý, Tuấn Huy giả bộ hờn dỗi, phân bì:

- Cái gì kỳ vậy? Ê, chơi vậy là hông được đâu nha! Tô tui hồi nãy cũng bình thường mà chỉ có một cái, sao tô của Mỹ Vân có tới hai cái là sao? Ông giải thích cho thỏa đáng đi! Trọng gái đẹp khinh bạn thân hay gì?

Tưởng những gì mình nghe là thật, không thể chịu đựng nổi nữa, Mỹ Vân đằng đằng sát khí "ra lệnh cảnh cáo" vô phía trong:

- Nè, để cho tôi một cái đùi vịt là được rồi! Mà khoan, lấy cho tôi một cái cánh thôi! Cháo cũng đừng múc nhiều quá! Anh mà làm dư thừa là tôi không tha cho anh đâu đó!

Lo sợ màn giỡn dai hiểu ý của hai thằng bị bại lộ, Tuấn Huy tìm cách hạ nhiệt lửa quạu trong người Mỹ Vân:

- Hê hê, được rồi em, bình tĩnh đi, Trung Hiếu không dám cãi lời em đâu. Nếu em không thích ngồi ăn ngoài này thì mình vô trong ngồi có quạt máy em nhé!

Chuyện nào ra chuyện đó, phân biệt rất rạch ròi, Mỹ Vân "hóa thân" thành con tắc kè bông chuyển đổi sắc thái trong âm giọng, cử chỉ và điệu bộ rất mau lẹ, như thể biến thành một con người hoàn toàn khác:

- Dạ, hổng có gì đâu anh Huy! Chẳng qua tại em sợ mập thôi. Ngồi ngoài này ăn cũng được rồi anh. Khí trời mát mẻ tự nhiên em thích lắm!

- Tại anh tưởng em không thích ngồi ngoài này nên bảo vậy thôi. Dù gì quán cũng đang vắng khách, còn nhiều chỗ trống. Không hiểu sao sáng nay quán ế dữ vậy trời? Tám giờ rồi mà chỉ có hai đứa mình ngồi ăn thôi. Mẹ anh thì xách giỏ đi chợ rồi. Biết em tới chắc mẹ anh vui lắm đây! Cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của em dành cho anh bấy lâu nay nha!

- Dạ, chuyện nhỏ thôi mà anh. Anh không cần phải khách sáo. Giúp gì được cho anh thì em giúp thôi, hi hi!


Đến 8 giờ 30 phút, Tuấn Huy và Mỹ Vân vẫn còn dư thời gian để đi đến điểm hẹn gặp ông Cảnh. Trước khi bạn yêu "lên đường" kiếm việc làm, Trung Hiếu ra tín hiệu với Tuấn Huy để anh được câu giờ thêm tí nữa nhằm ngắm nhìn người đẹp:

- Chúc ông đi phỏng vấn thành công nha! Nếu ông ta mà không chịu nhận ông tui sẽ không tha cho ổng đâu!

Tuấn Huy mỉm cười, nháy mắt tự tin, lòng bàn tay phải nắm chặt, "đánh yêu" vào bụng Trung Hiếu:

- Yên tâm đi chiến sĩ, tui chắc chắn sẽ được nhận mà! Chú Cảnh là một người rất tốt, ông cứ yên tâm.

- Ơi, mà sao bữa nay nhìn ông đẹp trai đúng chuẩn phong cách công sở truyền thống thế kia! Bận đồ mới nên có khác nha! Áo sơ mi tay ngắn màu đỏ chói, quần tây đen đậm, giày tây cũng đen đậm, vớ cũng đen đậm. Ông phối đồ rất chuẩn! Tui rất thích màu đỏ tông nổi của ông!

- Có gì đâu ông này! Muốn cuộc đời mình nó có cơ hội được may mắn hơn thì mình phải biết cách mà thay đổi màu sắc chứ! Đời trước của tui toàn mặc áo đen – nâu – trắng – xám nhàm chán quá, giờ cũng phải biết đỏ đỏ đồ để lên đời như người ta chứ!

- Cộng thêm mái tóc xoăn tít, bồng bềnh, gợn sóng tự nhiên, rẽ ngôi 7/3 của ông nhìn càng đẹp hơn nữa! Phải chi tóc tui nó cũng được xoăn xoăn tự nhiên giống như ông! Hay... ông có biết chỗ nào uốn tóc nam đẹp gần giống như ông không chỉ cho tui đi?

Chưa kịp "tung hứng" tiếp nhằm giúp bạn yêu kéo dài thời gian, Tuấn Huy bị Mỹ Vân "cướp" lời bằng giọng điệu "dìm hàng" ông chủ quán cháo vịt không thương tiếc:

- Thôi đi anh Ngô Trung Hiếu ơi! Anh nghĩ sao anh mà lại đòi đi uốn tóc xoăn đẹp giống như tóc của anh Huy vậy? Tóc của anh Huy là tóc xoăn tự nhiên, xoăn di truyền, xoăn thông minh, xoăn lãng tử; còn tóc anh mà có đi uốn cách mấy thì cũng vừa xoăn giả tạo, vừa xoăn vô duyên, vừa xoăn vón cục y như tóc dơ lâu ngày chưa gội vậy! Từ bỏ ý định ngu xuẩn đó đi!

Trung Hiếu đứng hình trước lời châm chích song lại thẳng như ruột ngựa cực độc của Mỹ Vân. Trong lúc tự ái, ngơ người ú ớ vì chưa tìm ra được câu từ nào đủ sắc bén để bảo vệ cho mình, chiến hữu số một của anh cũng không kịp hỗ trợ, gỡ gạc lại danh dự cho anh vì bị Mỹ Vân lôi lẹ vô trong ghế trước xe hơi.

Nhìn người đẹp lái xe đi trong nháy mắt, anh "đắng lòng" nổi cơn ghen nhè nhẹ dẫu chỉ mình mình lắng nghe:

- Mà tại sao hai người đó lại mặc đồ có màu đỏ giống nhau vậy ta? Mỹ Vân, bộ em cố tình chọn màu giống thằng Huy hả trời? Đến đôi giày cao gót cũng đỏ luôn là sao? Có phải người yêu đâu mà diện màu cặp vậy hổng biết! Ui thánh thần ơi, đúng là nhức đầu thiệt chứ!


"Em nói sao, bây giờ tụi mình sẽ đến gặp chú Cảnh ở nhà hàng món Pháp à?", Tuấn Huy tập trung hít thở nhẹ nhàng, đều đặn, có phần hồi hộp tăng lên khi phải gặp vị doanh nhân ấy ở một nơi đẳng cấp mà trước giờ anh chưa có dịp lui tới.

Biết Tuấn Huy còn thấp thỏm chưa yên, Mỹ Vân cố sức làm anh thoải mái:

- Không có gì phải sợ đâu anh! Anh cứ tự tin hết mình là được! Lát nữa chú Cảnh mà gặp anh chắc chắn sẽ bất ngờ tới ngất xỉu luôn đó! Em cố tình giấu chú ấy thông tin về chàng trai trẻ bí ẩn để cho chú ngạc nhiên chơi! Nhà hàng Gà Nướng Pháp nằm ở 122A Pasteur – phường Bến Nghé – Quận 1 có không gian rất ấm cúng, yên bình, sang trọng theo phong cách vừa có màu sắc Tây phương vừa đậm chất Việt Nam; nhân viên phục vụ rất ân cần chu đáo; món ăn, thức uống thì miễn chê! Hồi đó em và vợ chồng con gái chú ấy thường xuyên đi ăn ở nhà hàng này. Kể từ ngày xảy ra vụ cướp, sức khỏe của chú ấy vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Chỉ khi nào thật sự cần thiết chú ấy mới đến công ty nên bữa nay mới hẹn chúng ta ở nhà hàng gần công ty luôn đó anh.

- À, thì ra là vậy. Tính ra em với con gái chú ấy thân thiết thiệt! Kiểu này bữa nay anh tăng cân chắc rồi. Biết vậy hồi nãy không ăn cháo vịt, chừa bụng cho bữa ăn quan trọng hơn. Gà nướng Pháp chuyên nghiệp chắc một phần không rẻ đâu, chưa kể tới đồ uống nữa.

- Chuyện thanh toán thực đơn anh khỏi lo, chú ấy mời chúng ta mà, đâu có bắt anh phải đích thân trả đâu nè!

- Ờ, ha ha! Anh tính hài hước cho em cười vậy mà lại bị em chặn đứng mất rồi, thiệt tình luôn, haizz!

9 giờ 45 phút, buổi gặp gỡ giữa hai thanh niên ưu tú và một người đàn ông trung niên thành đạt diễn ra không thể đáng nhớ hơn. Họ ăn uống, cười nói, có cảm giác như người thân ở trong gia đình cách nhau nửa vòng Trái Đất lâu ngày mới được hội ngộ. Nhập tiệc đã hơn hai chục phút nhưng ông Cảnh vẫn chưa thể tin vào mắt mình hình ảnh cậu thanh niên được bạn thân con gái ông giới thiệu:

- Đúng là Trái Đất tròn không chỉ có trên phim ảnh, nó chính là minh chứng sống động nhất cho những cuộc hẹn đầy tính bất ngờ như thế này đây! Hai đứa thấy có đúng không?

Mỹ Vân lanh lẹ, tươi cười như hoa tán đồng ý kiến trên:

- Dạ đúng vậy thưa chú, rất tròn luôn là đằng khác! Nên con người chỉ cần ở chung một thành phố, đợi Trái Đất quay hết một vòng thì sẽ gặp nhau thôi.

Cảm xúc mừng rỡ khó tả vẫn còn hiện nguyên trên gương mặt nhuốm màu thời gian của người đàn ông năm mươi lăm tuổi. Nhà lãnh đạo Bản Sắc Việt không giấu nổi tình cảm đặc biệt dành cho vị ân nhân trẻ tuổi rất bảnh trai đang ngồi trước mặt mình:

- Quá chính xác luôn! Từ sau cái đêm chia tay nhau trong Bệnh viện Quận 7, chú không biết đến bao giờ mình mới gặp lại Tuấn Huy nữa? Những lần công an lại nhà hay lại công ty tìm chú lấy lời khai, chú cứ hỏi họ địa chỉ nhà cháu nhưng không ai chịu nói hết! Theo dõi báo đài đăng tin về vụ cướp cũng không có hình ảnh hay tên tuổi gì của cháu luôn! Thì ra là do công an tuyệt đối không tiết lộ danh tính cháu theo mong muốn của cháu. Cũng đúng. Suy cho cùng thì cháu làm vậy rất hợp tình hợp lý. Bởi vì bọn cướp đó có thể trả thù cháu bất cứ lúc nào nếu như chúng chưa bị bắt.

Đang mải mê "xử lý hết mình" dĩa "gà nướng xốt rượu vang Pháp" kèm chén "xúp bí đỏ" hảo hạng, Tuấn Huy buộc phải tạm ngưng, buông dao, muỗng và nĩa xuống, nhấp một ngụm Coca-Cola mát lạnh trong chiếc ly thủy tinh rồi từ tốn nói:

- Dạ, con cũng rất là ngạc nhiên khi công ty du lịch Mỹ Vân giới thiệu con đến xin việc lại là công ty của chú. Quả thật nếu không nhờ cơ duyên ra tay giúp đỡ chú khi ấy cộng thêm việc Mỹ Vân là một cô gái tốt thì chắc con sẽ không bao giờ có cơ hội được làm nhân viên của chú đâu ạ!

- Nhưng được trúng tuyển vào vị trí tài xế riêng của tổng giám đốc có làm cháu thất vọng không vậy? Thú thật nếu không phải vì bộ phận công nghệ thông tin đã quá dư nhân lực và chú hiện giờ đã không còn tự lái xe nữa, chú sẽ không muốn cháu phải làm công việc thầm lặng này đâu.

- Dạ không đâu chú! Làm tài xế riêng cho chú phải nó là rất tốt luôn chứ ạ! Bởi vì chú biết rồi đó, ban đầu con tìm đến nhà của ông đại gia kia trong Khu Biệt thự Mơ Ước là để xin làm công việc này mà, cũng nhờ vậy mà định mệnh mới đưa đẩy cho chú cháu mình gặp nhau. Dù từ hồi có bằng lái, con chủ yếu tập chở cha con đi lòng vòng trong nội thành thôi song con khá là tự tin vào tay lái của mình.

- Vậy thì tốt lắm! Trước nhất cứ làm tài xế riêng cho chú. Còn về chuyện chuyên môn của cháu thế nào chú cũng sẽ dùng tới trong tương lai. Khả năng và trí tuệ của một con người không phải lúc nào cũng dựa trên bằng cấp. Có rất nhiều người chỉ học tới cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông hay thậm chí còn thấp hơn song, họ vẫn là nhân tài trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Như chú, cao lắm cũng là tới cử nhân đại học, chứ cũng đâu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ như nhiều doanh nhân khác đâu.

- Dạ, con cảm ơn chú rất nhiều vì đã không coi thường con mà còn đặt niềm tin vào con nữa! Con hứa sẽ không làm cho chú thất vọng đâu ạ!

Ông Cảnh đặt lòng bàn tay trái mình lên mặt trên bàn tay phải của Tuấn Huy với một ánh nhìn đầy quý mến và tin tưởng.

- Chú tin cháu. Một nam thanh niên với lòng dũng cảm và nhân nghĩa như cháu chắc chắn không thể là người xấu được. Chú có linh cảm tiền đồ của cháu sẽ cực kỳ xán lạn đó nha!

- Dạ, chú nói vậy làm con mắc cỡ quá! Cỡ con thì tiền đồ xán lạn chỗ nào được chứ! Mà công nhận chú Cảnh nói giọng miền Nam chuẩn Sài Gòn quá hay luôn nha! Nếu như không biết chú là người gốc Thanh Hóa, con cứ tưởng chú là dân Sài Thành chính hiệu không hà!

Phát hiện chuẩn xác của Tuấn Huy về người đàn ông nhiệt thành, tốt bụng và rất đáng ngưỡng mộ đang ngồi ở cạnh bàn đối diện vô tình, lại mở ra cơ hội cho người con gái xinh đẹp đáng mến đang ngồi ngay sát bên tay phải mình được dịp lên tiếng trở lại:

- Chính em cũng nghĩ như anh vậy đó! Chú Cảnh của chúng ta phát âm tiếng miền Nam rất chuẩn! Nếu là em chắc em không thể nói được như vậy đâu!

- Thôi, hai đứa cứ khéo nịnh chú! Cũng không hay ho gì đâu, chẳng qua là hồi năm mới mười hai tuổi, khi vừa học xong lớp 6, chú đã theo giai đình từ ngoài Thanh Hóa vào trong Sài Gòn sinh sống cho nên âm giọng tới hiện giờ mới tạm đạt như vậy thôi. Cả chú, bà xã quá cố của chú, em gái chú và con gái chú đều nói được giọng Sài Gòn hết! Song dù gì đi nữa, giọng nói thuộc về nơi "chôn rau cắt rốn" của gia đình chú, tất cả đều không thể quên được. Nên tùy theo cảm hứng và tùy vào hoàn cảnh cụ thể, chú sẽ khi nói giọng Sài Gòn, lúc nói giọng Thanh Hóa. Ngẫm lại... thấy bản thân mình cũng khá là khôi hài đấy chứ. Mà sẵn nhắc tới chuyện giọng nói, chú lại thấy rất nhớ bà ấy. Hồi còn sống, bà ấy...

Bỗng nhiên, có tiếng chuông điện thoại di dộng trong túi quần của ông Cảnh vang lên đúng vào lúc cảm xúc ông chợt lắng đọng khi hồi tưởng lại bóng hình của người vợ yêu dấu đã nói lời vĩnh biệt mình cách đây chưa lâu. Ngồi ở phía đối diện, Tuấn Huy tinh ý nhận ra nỗi buồn vời vợi ẩn sâu trong cách nói chuyện cởi mở, thân thiện và lôi cuốn ấy. Anh rút ra bài học xương máu cho bản thân mình: cuộc sống của một tỷ phú tên tuổi không hẳn chỉ toàn có niềm vui. Tuy chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện của gia đình ông, song anh thầm tưởng tượng: "Nếu mai này chẳng may bị rơi vào trường hợp giống như ông ấy, không biết mình liệu có đủ sức mạnh để vượt qua được cú sốc mất đi người đầu ấp tay gối mình yêu thương rất nhiều hay không nữa?"

Chút suy ngẫm tản mạn về sự đời không khiến Tuấn Huy phân tâm bỏ qua giai điệu nhạc không lời phát ra từ chiếc điện thoại BlackBerry Z10 màu trắng của ông Cảnh (nhờ nó, anh biết thêm một chi tiết thú vị đây là người đàn ông sống thiên nhiều về hoài niệm và ưa thích sự giản dị, không chạy theo xu thế công nghệ thay đổi chóng mặt qua từng năm như bao tỷ phú khác). Ngoài ra, anh còn phát hiện tiếng chuông cuộc gọi đến trong chiếc điện thoại này của ngài tổng giám đốc chính là nhạc phẩm Theme from Love Story vẫn thường vang vọng bên lỗ tai anh trong ba ngày làm bảo vệ "không công" ở quán cà phê Chuyện Tình. Trực giác mách bảo anh rằng có mối liên hệ mật thiết mang tính bí ẩn nào đó giữa ông Cảnh, vợ ông và bản nhạc bất hủ này.

"Vợ ông là ai? Bà ấy là người phụ nữ như thế nào? Nhạc phẩm này không hề xa lạ gì đối với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam có tâm hồn lãng mạn thuộc hàng cha mẹ mình, song liệu có bao nhiêu người đủ chiều sâu để tìm nghe bản nhạc gốc trong chính bộ phim ấy?", ba câu hỏi hóc búa hiện lên khó lý giải gợi sự tò mò đầy sức hút cho một người vốn không thích tìm hiểu về đời tư người khác như Tuấn Huy. Cùng lúc ấy, ông Cảnh từ khoảng cách chừng năm mét quay trở lại sau khi nói chuyện điện thoại xong. Chỉ chưa đầy một phút từ lúc rời khỏi bàn ăn ba người, ông vui mừng hết cỡ rất lạ thường, tạm quên bẵng đi cảm xúc lắng đọng chưa tâm sự xong khi nãy bằng giọng nói nghẹn ngào nhất:

- Mỹ Vân! Dì Chín ở nhà vừa mới gọi điện cho chú thông báo một tin cực kỳ quan trọng! Gần một năm trời nhốt mình trong phòng, cuối cùng Nguyệt Lan cũng chịu đi ra bên ngoài rồi con ơi! Cụ thể, dì Chín thấy nó đang ngồi chơi đàn ở trong phòng khách tầng trệt. Thật là một sự kỳ diệu của Thượng Đế, của Trời cao! Chú không thể kìm nén được niềm vui của mình nữa rồi!

- Thiệt hả chú? Vậy thì tốt quá! Nguyệt Lan đã chịu rời khỏi phòng, một tín hiệu rất tốt cho bệnh tình hiện tại của em nó. Tuyệt quá chú à! – Mỹ Vân bộc lộ sự vui mừng hết cỡ chẳng kém khi nghe được thông tin quá là tích cực này.

Ngồi ngơ ngác, đơ cứng cơ mặt dù hiểu được toàn bộ nội dung chính khiến Mỹ Vân và ông Cảnh vui mừng đến vậy là gì, Tuấn Huy không biết nên bộc lộ cảm xúc của mình sao cho phù hợp với niềm vui mà anh chỉ giống như một kẻ ngoài cuộc thế này. Nên thôi, biết làm gì cho khác hơn bây giờ, anh đành cứ thế, ngồi yên đó mà ăn nốt, húp nốt vị ngon cuối cùng trong chén "xúp bí đỏ" đậm đà, để tự do cho hai cái lỗ tai của mình muốn nghe cái gì đó thì nghe:

- Tuấn Huy, Mỹ Vân, bây giờ ba chú cháu mình hãy ăn lẹ mấy món này rồi mau chóng rời khỏi nhà hàng! Chúng ta sẽ chuyển bữa tiệc thịnh soạn sang nhà chú được không? Sẵn cũng là dịp thích hợp cho chú được mời Tuấn Huy qua dùng cơm nhà chú để chú có thể cảm ơn cháu một cách trọn vẹn luôn!

- Dạ tất nhiên quá được luôn chú! Con sẽ lái xe đưa chú và anh Huy về nhà! Chú khỏi tốn tiền đi taxi như lúc lại đây rồi nha!

- Ừ, đành phiền con vậy Vân. Nhờ con mà chú đỡ phải tốn tiền cho một cuốc taxi công nghệ đó nha! Haizz, đỡ thiệt! Mình ăn nhanh thôi! – Ông Cảnh lại hài hước chọc vui Mỹ Vân rồi hối thúc cô và Tuấn Huy cùng mình "giải quyết" thật nhanh phần còn lại của khẩu phần ăn mà ba người họ đang dùng.

Bất chợt, do lý trí đưa ra lời nhắc nhở lịch sự kịp lúc cộng với việc bản thân cũng không mấy hứng thú chuyện mình có cơ hội được mời tới dùng cơm tại một gia đình cao sang và quyền quý như gia đình ông Cảnh, Tuấn Huy tạm buông cây nĩa xuống dĩa "xà lách trộn dầu giấm" mình đang ăn dở để giơ tay, lên tiếng xin phép:

- Dạ, chú Cảnh ơi, nếu vậy thì chú với Mỹ Vân cứ đi đi. Con nghĩ chuyện vui của gia đình chú nếu có thêm sự góp mặt của con nữa coi bộ sẽ không được hay cho lắm đâu.

- Sao cháu lại nói vậy? Cháu là ân nhân của chú mà! Mọi người trong nhà chú sẽ rất vui nếu biết mặt cháu đó! Chỉ là dùng bữa cơm gia đình nho nhỏ thôi cháu, đừng ngại gì hết. Vả lại, cháu cũng nên nhân cơ hội này giúp Mỹ Vân nó được công khai bạn trai đi chớ! – Ông Cảnh mỉm cười hiền lành, cố gắng dùng hết mọi lý lẽ có lý nhất của mình để thuyết phục Tuấn Huy nghe theo lời ông.

- Dạ dạ không phải đâu chú! Con với Mỹ Vân chỉ là bạn bè... – Giật bắn người vì sự hiểu lầm tai hại của ông Cảnh, Tuấn Huy quýnh quáng giải thích.

Nhưng Mỹ Vân thì nào có phải cô gái ngây ngô để "cho qua" điều đó dễ dàng như vậy:

- Được rồi anh Huy, anh cứ vậy không hà! Chú Cảnh chú đâu có nghĩ gì sai đâu. Mình ăn nhanh lên anh rồi còn đi nữa!

Cứ tưởng người đẹp ngồi bên cạnh sẽ giúp mình giải thích, ai ngờ sự việc lại càng khó xử hơn, Tuấn Huy nuốt hết bực dọc vào trong lòng, tiếp tục ăn cho hết dĩa "gà nướng xốt rượu vang Pháp", ngẫm nghĩ sắp tới sẽ nói thẳng tình cảm của mình cho Mỹ Vân hiểu rõ để cô khỏi tốn công chờ đợi nữa.

Chợt đưa mắt nhìn xuống một hồ nước tiểu cảnh xanh biếc hiện lên nỗi buồn man mác cách bàn ăn mà mình đang ngồi khoảng chừng hai mét rồi chuyển hướng nhìn suy tư ra ngoài lộ, Tuấn Huy lo lắng sâu xa: "Liệu Mỹ Vân có giận mình hay không nếu biết mình không hề có tình cảm nào trên mức bình thường với cổ? Đúng là đau đầu thiệt! Nhưng biết đâu trong thời gian tới, mình sẽ dần yêu cổ thì sao?"


Khoảng hai mươi phút trước


Đứng giữa khu vườn nồng nàn hương thơm hoa lan đủ loài được chính đôi bàn tay nhà nghề ươm mầm, chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết suốt hai thập kỷ qua mới không ngừng ra hoa hết lứa này tới lứa khác, dì Chín vô cùng mãn nguyện với công sức vô giá mình bỏ ra góp phần làm đẹp thêm ngôi biệt thự gia đình ông chủ.

Là một người thợ làm vườn chuyên nghiệp với độ khéo tay cao và giàu tình cảm khi vun trồng từng chậu cây, từng miếng đất nhỏ để chờ ngày hoa lan nói riêng và các loài hoa khác nói chung trong sân vườn nảy nở sinh sôi, dì Chín không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần sung sướng mỗi khi ngắm nhìn thành quả nghệ thuật tao nhã mình đam mê gặt hái "quả ngọt".

Sáng nay, lịch làm việc của dì cũng không thay đổi. Đi chợ sớm, chuẩn bị bữa sáng, dọn dẹp lau chùi, nấu xong bữa trưa cho cả nhà, dì lại trở thành "phù thủy" tài hoa "cầm trịch" khu vườn thơ mộng không khác nào tình yêu bất diệt đối với mình.

Có hai chậu phong lan tím "non nớt" đang trong quá trình đơm hoa, nên dì dành sự ưu ái cho chúng hơn "mấy bé" khỏe khoắn khác.

Khu vườn yên tĩnh, thanh bình, không chút xáo động. Vài tiếng chim sẻ hót véo von loanh quanh chẳng làm không gian yên ắng phục vụ cho sự tập trung cao độ của dì bị ảnh hưởng, ngược lại càng giúp dì ngỡ mình đang làm việc trong "âm nhạc" chốn thiên nhiên.

Song tiếng chim hót và tiếng vọng vang ra từ trong ngôi nhà có sự khác biệt rõ rệt. Dì nhận thấy có điều gì đó kỳ lạ thôi thúc mình phải tạm rời khỏi khu vườn này ngay tức khắc, không phải vì âm thanh của nó quá ồn làm cho dì khó lòng chú tâm vào mấy chậu lan, mà là vì... nó quá đẹp. Đó là cái đẹp không một ai có thể cưỡng lại!

Từ vườn hoa giấu mình phía sau nhà, dì Chín gắng giữ đầu óc mình tỉnh táo, bước đi thật nhẹ nhàng ra khoảng sân đằng trước hướng về cánh cửa lớn thuộc tầng trệt.

Quả thật trái tim dì muốn văng ra bên ngoài vì độ hồi hộp lên đến đỉnh điểm. Dì tin rằng suy đoán mình chuẩn xác, bởi nếu không chuẩn xác thì không còn gì phi lý hơn. Không có người tác động, làm sao nó có thể phát ra âm thanh được cơ chứ! Huống hồ ngoài người ấy ra, còn ai vào đây nữa! Dì tin là vậy.

Cánh cửa hé mở, dì bước thẳng vào trong phòng khách sáng sủa nhờ ánh nắng trong veo chiếu thẳng vào bên trong, in bóng dì dưới mặt sàn. Cuối cùng, dì đứng sựng trong cảm giác lành lạnh khó tả, không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn nước mắt chực trào trước cô gái thể hiện tài năng nghệ thuật thiên bẩm với cây đại dương cầm màu gụ đỏ được đặt trên tấm sàn gỗ sồi màu nâu hai mươi bốn mét vuông rộng rãi có bề dày hai mươi xen-ti-mét.

Cô gái ấy chính là Nguyệt Lan! Nàng tiểu thư danh giá đang ngồi đánh đàn tác phẩm The Lake and I của nhà soạn nhạc thiên tài người Mexico Ernesto Cortázar mà cô ái mộ nhất bằng vẻ mặt lãnh đạm, lạnh lùng hơn băng giá, và lạnh buốt hơn tất cả những gì có thể đông cứng vĩnh cửu trên cõi đời này.

Cô mặc một chiếc quần dài thể thao màu đen bó sát; phần thân trên được bao bọc bởi chiếc áo len dài tay cổ lọ màu tím sáng ngời bỏ mặc cái nóng oi bức của Sài Gòn quanh năm. Mười ngón tay thon dài mềm mại thoăn thoắt của cô dường như sắp phá tan mọi thứ đang dòm ngó mình bằng thứ âm thanh đầy hàn lâm hòa quyện đương đại sang trọng.

Rất mê hoặc và yên bình, cả ngôi biệt thự cổ kính, phút chốc, được bao trùm bởi toàn bộ giá băng lạnh lẽo vương theo sự du dương buồn bã đầy cao đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro