Chương 2: MÀN ĐÊM HÉ MỞ (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lóc cóc, lóc cóc, những âm thanh phát ra đều đặn trong căn phòng âm u không le lói chút ánh sáng, cửa sổ bị tấm rèm đen che chắn, còn cánh cửa lớn dẫn ra ban công bị khóa chặt. Nguyệt Lan ngồi thu người nép sát vào ngăn tủ chứa nhiều món đồ kỷ niệm thuở ấu thơ. Cô cầm ly nhựa gõ nhịp nhàng lên khung ảnh bằng gỗ và thường xuyên tái diễn hành động này một cách vô thức. Đôi lúc cô còn bị chi phối bởi những lời nói và cử chỉ kì quặc như đang giao tiếp với ai đó. Suốt ngày lủi thủi trong bóng đêm lạnh lẽo, mỗi khi cha và cô ruột lên phòng, cô lại gắt gỏng ra ám hiệu cấm họ lại gần mình (chỉ riêng dì Chín giúp việc là không bị cô xa lánh).

Dì Chín theo sự dặn dò của ông chủ, mỗi ngày đem thức ăn vào phòng Nguyệt Lan đủ ba bữa. Trưa nay cũng không ngoại lệ, và như bao lần, dì lại thêm âu lo khi nhìn cơm canh buổi sáng đã nguội lạnh. Bao nhiêu món ngon bổ dưỡng bày ra trước mắt nhưng không lần nào Nguyệt Lan chịu thưởng thức cho hết; cô chỉ dùng qua loa rồi lại buông đũa. Thân thể cô lộ rõ dấu hiệu tiều tụy, héo hắt, cân nặng sụt giảm hẳn mười lăm ký, thần thái ngày một xấu hơn và cô trở nên câm lặng, không màng tới bất cứ điều gì diễn ra trong căn biệt thự mình đang sống.

Nguyệt Lan bỏ ngoài tai những lời dì Chín ân cần khuyên nhủ mình. Cô không ngó ngàng cũng chẳng buồn trả lời dì nửa câu. Mỗi lần dì nhắc nhở cô dù có ăn ít nhưng cũng phải nhớ uống cho đủ nước trong bình lọc để cơ thể không bị thiếu nước, cô lại phóng lên trên giường, nằm đắp chăn kín người.

Trong lúc dì dọn dẹp phòng ốc, xếp quần áo vừa phơi khô của cô vào trong ngăn tủ, cô khoanh tay đứng kế tấm rèm cửa sổ với đôi mắt buồn vời vợi. Dì Chín thấy khung ảnh bằng gỗ đặt trên giường nên thấu hiểu cảm giác tuyệt vọng Nguyệt Lan đang chịu đựng. Dì cầm khung ảnh lên lau chùi cẩn thận, không ngăn được nước mắt trước bóng hình người đã khuất. Còn năm mươi ba ngày nữa sẽ đến sinh nhật tròn hai mươi tuổi của Nguyệt Lan nhưng dì biết rằng tin vui đó giờ đây thật sự không cần thiết. Vì thế dì cất khung ảnh lên kệ sách, thu gom nhanh gọn đống quần áo dơ của cô chủ nằm tứ tung khắp sàn rồi lặng lẽ rời khỏi phòng.


Quãng ngày tăm tối dần dày đặc trong từng ngóc ngách Nguyệt Lan đi qua. Cô vẫn trơ người bên tấm rèm vô tri vô giác. Thế giới ngoài kia vẫn muôn màu tươi đẹp, người người vẫn không ngừng vang lên khúc ca hạnh phúc, vì tất cả đều vững tin đau khổ nào rồi cũng sẽ lùi xa, không ai có thể suy sụp mãi. Bạn bè Nguyệt Lan thầm ganh tị cuộc sống xa hoa của cô; họ ao ước bản thân mình được tận hưởng cảm giác ăn ngon mặc đẹp như thế một lần. Chính suy diễn vì Nguyệt Lan quá đầy đủ, quá sung túc nên họ chủ quan kết luận luôn nguyên nhân cô từ bỏ giảng đường đại học gần một năm trời. Chỉ Nguyệt Lan là người biết rõ sự thật đưa cô đến với ngõ cụt cuộc đời. Đằng sau sự kín cổng cao tường của nàng tiểu thư, không đơn giản chỉ toàn màu hồng êm ả.

Đâu đó trên ngọn cây cao rợp bóng quanh nhà, Nguyệt Lan nghe loáng thoáng tiếng gió xôn xao hòa lẫn tiếng chim sẻ hót véo von rất vui tai. Cô đẩy nhẹ cánh cửa lớn dẫn ra ban công đón lấy chút nắng ấm, thả tâm tình, bầu bạn cùng "rừng hoa" trồng ngoài đó mà không thể ngờ vì lần "hé mở màn đêm" định mệnh ấy, vẻ đẹp tuyệt trần của mình đã vô tình thắp sáng linh hồn băng giá của một chàng trai.


Thả trôi cơ thể hòa vào thiên nhiên khoảng ba phút, Nguyệt Lan thử đưa mắt xuống dưới sân vườn, trông thấy cha mình đang ngồi bàn chuyện qua điện thoại rất tập trung.

Ông Cảnh nhận được cuộc gọi từ ông Phát. Ông nghe máy, căn dặn ngắn gọn vị luật sư chuyện quan trọng ông chưa thể công khai với gia đình. Mới đó mà đã sắp đến giỗ đầu người vợ quá cố. Ông vẫn ở vậy kể từ ngày "nửa trái tim" yêu thương nhất rời xa ông mãi mãi, bỏ lại ông và Nguyệt Lan chơ vơ trên cõi đời. Chuỗi ngày bi thương chưa dừng lại khi ông phải lao tâm khổ tứ tìm cách chữa trị căn bệnh trầm cảm của cô con gái bảo bối.

Bà Tường đứng trên cầu thang, theo dõi sát sao ông Cảnh cầm di ảnh của người chị dâu vắn số. Năm năm trước, do việc kinh doanh mỹ phẩm thua lỗ cộng thêm số tiền to tướng dính dáng tới bọn cho vay nặng lãi, bà đành bán căn nhà rộng lớn mình được thừa hưởng từ ba mẹ bên Quận 2 để trả nợ, song thực chất lại là "cái cớ hợp tình hợp lý" để nương tựa bản thân vào vợ chồng anh trai mình.

Vốn xuất thân con nhà gia giáo khá giả có truyền thống kinh doanh, song trái ngược người anh cần cù học hành, mang chí lớn trong đầu, bà Tường chỉ thích sống dựa dẫm, tiêu tiền, ham chơi tới mức bỏ ngang việc học đại học ngay giữa năm nhất. Tới khi bước sang tuổi tứ tuần, bà "phá sạch"luôn đất đai, nhà cửa mà đấng sinh thành để lại từ khi cả nhà chuyển vào trong Sài Gòn dẫu anh trai đã nhường hai phần ba tài sản cho bà, quyết chí tự thân lập nghiệp với số vốn vào đời vừa đủ.

Dù chịu cảnh ăn nhờ ở đậu nhưng bà Tường không cho đó là gò bó. Bà thản nhiên, sống an nhàn không động tay động chân đến bất cứ việc gì, vì mọi thứ từ ăn uống tới tiền chi tiêu hằng tháng đều có ông Cảnh lo chu đáo, nên bà chỉ vô tư tận hưởng và dành thời gian cho "những mối quan hệ bí mật". Từ ngày mẹ Nguyệt Lan qua đời, chẳng mấy chốc bà nắm hầu hết mọi quyền hành trong ngôi biệt thự, chỉ sau anh Hai.

Nhiều lần, dì Chín phát hiện bà có những biểu hiện mờ ám khi ra khỏi nhà. Mỗi lần ông Cảnh vắng mặt đều có một người đàn ông đậu siêu xe Lamborghini Huracan đen bóng trước cổng. Dì biết họ cặp kè nhau nhưng dì không dám nhiều chuyện, dù chỉ nửa lời.

Ngoài mặt, bà Tường luôn thể hiện mình là người kĩ tính, nghiêm nghị, luôn quan tâm gia đình, song đó chỉ là vỏ bọc hoàn hảo để bà che giấu đi tính cách sắc sảo và bản chất thực dụng bên trong. Ông Cảnh tin tưởng bà một cách tuyệt đối, dường như chẳng hề bận tâm, đề phòng em gái mình.

Giờ gặp mặt ông Phát đã tới, ông Cảnh nhanh chóng lên phòng thay đồ, soạn tài liệu, giấy tờ liên quan đến công việc bỏ vào chiếc cặp táp. Không giống mọi khi, hôm nay trước khi ông đi, em gái ông bộc lộ điều khác thường:

- Ủa, anh Hai! Giờ này anh đi đâu vậy? Em tưởng bữa nay anh không đến công ty luôn chứ.

Ông Cảnh nán lại, trong lòng hơi ngạc nhiên trước câu hỏi có gì đó không như thường lệ của em gái.

- Tại công ty có việc đột xuất nên anh phải đi gấp. Em ở nhà cùng chị Chín trông nom Nguyệt Lan. Trưa nay giáo sư Khang sẽ đến như mọi khi. Nếu Nguyệt Lan có gì bất thường thì gọi cho anh.

- Dạ, vậy anh đi đi. Mọi chuyện ở nhà cứ để em và bà Chín lo.

Dì Chín tạm ngưng việc chăm sóc vườn hoa, nhanh tay ra mở cổng. Ông Phát đậu xe chờ người bạn già của mình đã hơn mười lăm phút.

Còn điều gì đó khiến ông Cảnh chần chừ chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng; dù vậy, ông vẫn xách cặp táp, vội vã đi ngay tránh lãng phí thì giờ. Bà Tường không quên đưa mắt quan sát tỉ mỉ vị luật sư đạo mạo đang ngồi trong chiếc Toyota Camry 2.4G AT màu trắng. Biểu hiện ưu tư, khác thường của ông Cảnh càng khẳng định nghi hoặc trong đầu bà. Thay vì lên lầu, bà lại đăm chiêu, lẩm nhẩm tính toán rất khó hiểu. Ông Cảnh vừa ra khỏi cổng, bà đứng trong nhà, làm bộ hỏi to:

- Anh Hai, anh không đi xe nhà à? Đó giờ anh vẫn thích tự lái xe của mình mà!

Nghe em gái hỏi (một câu hỏi ông Cảnh cảm thấy thật là chí lý vì xưa nay ông vẫn luôn tự tin vào tay lái thuộc loại siêu chắc kể từ năm hai mươi tuổi của mình, ít khi chuyển vô-lăng cho người khác, trên một chiếc xe hơi khác), người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần ngồi nhanh vào ghế sau ô tô, thắt chặt dây an toàn, trả lời ngắn gọn:

- À, hôm nay anh quá giang bạn anh! Thôi em lên phòng trông chừng Nguyệt Lan đi! Chiều anh về!

Dứt câu, ông Cảnh đóng cửa, hối thúc bạn mình lái xe thật nhanh tới Công ty Luật Vạn Phát – nơi ông sẽ soạn thảo hoàn chỉnh bản di chúc theo hướng dẫn của người bạn trước khi đem nó đi công chứng.


Xe vừa lăn bánh, ông Phát trao đổi với thân chủ những kiến thức cần thiết khi làm thủ tục công chứng di chúc mà lúc đầu ông chưa nói rõ. Vốn là bạn bè thân thiết lâu năm nên khi được ông Cảnh tín nhiệm, giao cho trọng trách tư vấn, thực hiện những thủ tục pháp lý quan trọng, ông luôn tận tình giúp đỡ không đòi hỏi tiền bạc và tuyệt đối giữ kín bí mật cho bạn mình.

Quyết định thực hiện di chúc được ông Cảnh xem xét từ lúc Nguyệt Lan mắc bệnh. Ông tính khi tâm nguyện hoàn thành sẽ nói với cả nhà sau. Đoạn đường tới công ty luật còn khá xa, ông tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi do mắc chứng thiếu ngủ trầm trọng kể từ ngày người vợ qua đời. Tuy nhiên, đầu óc vừa thảnh thơi chưa được bao lâu, ông phải bừng tỉnh vì yếu tố ngoại cảnh tác động.

Gần ra khỏi Khu Biệt thự Mơ Ước, ông Phát sắp cho xe vẹo phải sang đường Phú Thuận thì phía trước chừng năm mươi mét có một người lạ mặt đi tập tễnh, mặt mày máu me giơ tay ra dấu xin giúp đỡ.

Ông Phát dừng xe lại, hạ cửa kính xuống để nghe người này nói rõ đầu đuôi. Anh ta hốt hoảng chỉ tay vào bãi đất trống thuộc công trình xây dựng siêu thị bỏ hoang – nơi một người nữa đang nằm bất tỉnh cạnh chiếc xe đạp cà tàng.

Khu phố ban trưa vắng người qua lại cộng với việc hai cậu thanh niên đang bị trọng thương nên ông Cảnh và ông Phát không thể làm ngơ. "Đôi bạn già" nhanh chóng ra ngoài tìm cách cứu giúp người bị nạn mà không lường trước mối nguy hiểm cận kề.

Trong lúc họ đang phụ nhau dìu hai cậu thanh niên yếu ớt vào trong xe hơi để chở đi cấp cứu, thì một gã cao to vận đồ đen, quấn khăn đen che mặt, đeo bao tay trắng lén mở cửa sau xe, lấy trộm chiếc cặp táp ở trên ghế. Hắn ta chưa kịp phóng lên con Kawasaki Ninja màu xanh lá được đồng bọn chờ sẵn liền bị phát hiện.

Diễn biến xấu vượt qua tầm kiểm soát khiến ông Cảnh rối loạn. Ông cùng ông Phát hô hoán, lao tới chống trả tên cướp giành lại chiếc cặp. Tên áo đen còn lại nhảy khỏi mô tô; hắn cầm trên tay một thanh gậy sắt ngắn, tấn công mục tiêu tới tấp. Ông Phát vì che chở cho bạn mình mà lãnh trọn đòn đánh trí mạng. Ông ôm đầu gục xuống, một vũng máu hiện ra dưới đất. Đến đây, hai tên thanh niên bị nạn bỗng chốc "hiện nguyên hình" khi chúng đã "hạ màn vở kịch", lao xe đạp biệt tích như tên bay lúc đồng bọn ra tay.

Ông Cảnh bất lực, thầm nghĩ mình chỉ còn cách đưa lưng chịu trận vì chẳng biết cầu cứu ai. Một trong hai kẻ bịt mặt túm chặt cổ áo ông lúc ông quỳ gối van xin chúng tha mạng. Hắn ta trợn mắt chứa đầy sự căm thù tột đỉnh. Tay trái hắn giơ cao thanh gậy, định tung đòn hiểm cuối kết liễu mạng sống người hắn cực kì uất hận; nhưng...

Đang thong dong đi bộ tham quan hàng chục ngôi biệt thự tuyệt đẹp trong đây trước khi trở ra, Tuấn Huy vô tình bắt gặp cảnh tượng này. Đứng bên kia đường, anh có đôi chút sợ hãi trước sự hung bạo của bọn cướp. Sau phút giây tính ngoảnh mặt làm ngơ xen lẫn ý muốn cứu người, anh quyết định chọn cách giải nguy cho hai người đàn ông yếu thế. Anh nhanh tay đẩy mạnh một chiếc thùng rác công cộng xông thẳng vào gã bịt mặt đang cầm gậy. Hắn ta vừa té xuống, anh nhặt ngay vũ khí của hắn quơ loạn xạ vào tên còn lại. Gã bịt mặt bị té nhanh nhẹn bật dậy, bay người đá văng cây gậy từ tay anh. Dù rất quyết liệt đánh trả nhưng anh vẫn bị tên này phản đòn và nằm co người đau đớn sau cú vật căn bản của hắn.

Vì tất cả đều không còn khả năng phản kháng, hai gã cướp phóng lên mô tô tẩu thoát kèm theo thành quả trong tay. Trước khi đi, tên cầm đầu còn quên làm chuyện gì đó; hắn ta vào nhanh trong xe hơi nạn nhân, tháo nhanh một cách thuần thục thiết bị camera hành trình – "máy quay góc rộng" rõ nét đóng vai trò chủ chốt trong việc nhận dạng biển số chiếc mô tô và ngoại hình bọn chúng – bỏ vô chiếc cặp táp.

Tuấn Huy ê ẩm mình mẩy sau pha té ngã 180 độ. Hai tay anh (nhất là phần cùi chỏ, cẳng tay và cổ tay) trầy trụa, rướm máu do chống đỡ xuống đường nhựa. Anh dùng hết ý chí đánh lừa cảm giác đau đớn, cố gắng gượng lên đi tới đỡ ông Cảnh đứng dậy; còn ông Phát bất tỉnh với phần đầu đẫm máu. Giọng ông Cảnh run rẩy nhờ anh cứu giúp:

- Nè, cậu... cậu gì đó ơi, làm ơn đưa chúng tôi tới bệnh viện gần nhất đi. Tôi... tôi, tay chân tôi, lưng tôi... đau quá không thể tự lái xe được. Cậu gọi điện cho xe cứu thương giùm tôi đi...

Trán Tuấn Huy đầm đìa mồ hôi; anh thở gấp, trong lời nói vẫn còn giữ được sự bình tĩnh:

- Được rồi, được rồi, con gọi liền đây. Chú... chú tìm cách sơ cứu cho chú kia đi, trong thời gian chờ đợi xe cứu thương đến. Chú nhớ tuyệt đối đừng dịch chuyển chú ấy, kẻo gây ra các biến chứng không trở tay kịp. Còn chiếc xe hơi thì sao chú, để ở đây luôn à?

- Ừ, cứ để đó, giữ nguyên hiện trường cho cảnh sát. Bây giờ mạng sống cần được ưu tiên. Cậu gọi cứu thương liền đi!

Ông Cảnh cố sức nén chặt cơn đau, nâng đỡ đầu ông Phát trong tình trạng hơi thở bạn mình ngày một yếu dần...


Hơn bốn tiếng ở trong Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 7, sau khi được bác sĩ băng bó, xức thuốc vào những chỗ thương tích rồi nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, ông Cảnh, Tuấn Huy đều hồi phục nhanh chóng vì chỉ bị sây sát, bầm tím vùng lưng, hai chân và hai tay, xương cốt không hề bị gãy hoặc nứt.

Riêng ông Phát tạm thời qua cơn nguy kịch sau ca mổ. Đầu ông bị tổn thương nặng vì mất máu khá nhiều; các bác sĩ chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng khi nào ông có thể tỉnh lại. Vợ và con gái ông hay tin dữ liền tới ngay bệnh viện đứng khóc nức nở trước cửa phòng phẫu thuật. Người bạn thân thiết nhất của ông giờ không biết làm gì hơn ngoài việc ở bên cạnh động viên tinh thần đang suy sụp toàn diện của họ.

Trước đó, ông Cảnh đã gọi điện trình báo cơ quan công an toàn bộ sự việc. Một đội trọng án gồm ba người được phân công tới ngay bệnh viện, trong khi lực lượng khám nghiệm hiện trường cũng nhanh chóng có mặt tại Khu Biệt thự Mơ Ước để phong tỏa "điểm nóng".

Khoảng hai tiếng nữa trôi qua, thêm ba cảnh sát nữa tách ra từ đội ngũ khám nghiệm hiện trường đi đến bệnh viện. Được họ mời lấy lời khai với tư cách nhân chứng duy nhất tại nơi xảy ra vụ cướp, mặt mày Tuấn Huy xanh xao, bần thần.

Phía cảnh sát cho hay quá trình truy tìm danh tính thủ phạm sẽ gặp không ít gian nan, bởi Khu Biệt thự Mơ Ước (vốn nổi tiếng yên bình lâu nay) mà bốn tên cướp này hành động chỉ có mỗi camera an ninh đặt ở đầu Đường Số 1 (mặt trước khu biệt thự), và chúng đã rất thông minh, lợi dụng kẽ hở này, chọn phương án ra vào bằng lối sau (Đường Số 9); chưa kể, có thể chúng đã đi trước nhiều bước, sử dụng chiêu trò tinh vi đối phó với hệ thống máy quay đặt ở các tuyến đường lân cận dẫn vào khu biệt thự hòng qua mặt toàn bộ cảnh sát không hẳn là giả thiết tồi. Một điều tra viên phân tích đây chắc chắn là vụ cướp đã được chúng lên kế hoạch từ trước. Việc chúng nắm rõ lịch sinh hoạt và thời gian ông Cảnh di chuyển ra khỏi nhà để ra tay chứng minh ông đã bị theo dõi từ rất lâu; hơn nữa, bọn cướp tinh quái đến nỗi biết cặn kẽ từng ngóc ngách trong khu biệt thự để chọn đúng bãi đất trống thuận tiện cho việc cướp đoạt tài sản càng khiến ông Cảnh thêm hoang mang bội phần.

Một nghi vấn bất thường được bên cảnh sát đặt ra: tại sao bọn cướp lại tốn công dàn cảnh chỉ để lấy mỗi chiếc cặp táp không biết chứa tài sản gì giá trị, thay vì trấn lột tiền bạc hay mấy món đồ hàng hiệu của nạn nhân trong khi chúng thừa khả năng khống chế? Chính ông Cảnh cũng không hiểu nổi mục đích của chúng, mọi thứ quá kinh khủng nên ông không dám nghĩ gì nữa.

Do tính chất khá nghiêm trọng của vụ án, các cảnh sát làm việc với ông Cảnh và Tuấn Huy rất kĩ càng. Họ muốn thu thập chi tiết mọi manh mối có được để sớm ngày lật mặt hung thủ. Chiếc Toyota Camry của ông Phát sẽ được bên phía cảnh sát trao trả lại cho vợ con ông lát nữa; mọi manh mối quan trọng của chiếc ô tô này như dấu vân tay và đặc biệt, là camera hành trình đều không có và không còn.

Chủ nhân chiếc xe thì nằm hôn mê chưa có dấu hiệu khả quan. Ông Cảnh cúi đầu, những nếp nhăn trên trán và quanh mắt ông sít sịt. Nếu bạn thân mà có mệnh hệ gì, xem như ông phải tạm gác lại chuyện hệ trọng của mình thêm một thời gian nữa.


20 giờ 20 phút, cơn đau rát ở hai cánh tay dần qua đi, Tuấn Huy ghé vô phòng nội trú dịch vụ xem tình trạng nguy kịch chưa qua hẳn của ông Phát. Anh không ngừng an ủi, trấn an tinh thần vợ con vị luật sư, mong họ yên lòng, bớt đi ý nghĩ tiêu cực.

Được một lát, Tuấn Huy ưu tư rời khỏi đây. Anh không ngờ một ngày trời rong ruổi tìm việc làm hóa ra lại đưa anh vào điều xui xẻo suýt mất mạng. Vận đen tiếp tục đeo bám dai dẳng, anh chỉ còn biết thả hết cơn bực tức vào tiếng thở dài ngao ngán. Điều anh lo lắng là không biết giải thích với bà Hảo thế nào về chuyện mấy vết thương; nếu biết đứa con trai mình cưng yêu, bảo bọc hết mực bị "bầm giập" do ẩu đả với bọn cướp, bà sẽ âu sầu ngã bệnh.

Tuấn Huy tặc lưỡi, phân vân có nên gọi cho bạn anh tới rước hay không. Anh móc cái bóp cũ rách trong túi quần ra, chẳng dám dòm tờ hai mươi ngàn chưa chắc đủ kêu một chiếc xe ôm công nghệ. Đứng ngoài cổng bệnh viện, mắt thấy đâu đâu cũng toàn hai từ "thất vọng", cái đầu anh phát điên lên, tự hỏi thầm cái số đen đủi bám riết lấy đời mình: "Làm sao tôi có thể lội bộ về nhà với tình trạng sức khỏe không còn như lúc sáng đây trời?". Quá chán nản, anh ngồi chồm hổm, nhắm nghiền mắt lẩn tránh trò giễu cợt của số phận. Mắc kẹt trong cảnh ngộ này, anh ước gì có ông bụt hiện ra hóa phép cứu khổ cứu nạn; ngặt nỗi bụt đâu chẳng thấy, chỉ thấy người xem anh là ân nhân xuất hiện.

"Nè, cậu gì đó ơi! Cậu mặc áo xám!", tiếng gọi của ông Cảnh níu giữ Tuấn Huy chút hy vọng le lói. Anh quay người ra sau, đứng lên nghe tiếp:

- Tôi muốn cảm ơn cậu chuyện hồi trưa. Nếu không có lòng can đảm của cậu, chắc tôi chết luôn rồi cũng nên.

Vụ đụng độ đáng sợ với bọn cướp vẫn còn ám ảnh Tuấn Huy không thôi. Anh chạm vào hai cánh tay được băng bó của mình, cười nói từ tốn:

- Dạ, không có gì đâu chú. Chú cảm ơn con từ trưa đến giờ mấy chục lần rồi đó! Nếu là người khác họ cũng giúp chú thôi.

Nghĩ tới ông Phát đang trong tình trạng mê man, ông Cảnh thầm cầu mong bạn mình sớm ngày hồi tỉnh. Tuấn Huy tỏ ra âu lo không kém:

- Con thấy bất an quá! Không biết chú Phát có tỉnh lại được không nữa? Bọn cướp đó đúng là quá độc ác! Cầu trời cho cảnh sát sớm tóm được bọn chúng!

- Ừ, tôi cũng đang rầu vì chuyện này đây. Tại tôi mà ông ấy mới bị luyên lụy. Mà bây giờ cậu về bằng gì? Hay để tôi kêu taxi, cậu về chung với tôi nhá?

Vui sướng hơn bắt được vàng, theo lẽ thường, Tuấn Huy không dại gì bỏ qua ý tốt ấy, song vì muốn giữ vững hình tượng chàng trai hào hiệp tốt bụng, tri ân bất cầu báo, anh đành "dối lòng trong đau xót", từ chối khéo léo:

- Dạ dạ, không cần đâu chú. Bạn con sắp tới đón con rồi. Chú cứ về thong thả. Có gì khi khác con sẽ vô bệnh viện thăm chú Phát. Hẹn gặp lại chú.

Ngay đó, sát vỉa hè, một giọng nói khàn khàn, chanh chua hô to: "Anh Hai, anh Hai!". Ông Cảnh nhìn ra đằng trước, thấy em gái mình đang trả tiền cho tài xế taxi.

Bà Tường quýnh quáng cầm túi xách chạy nhanh hết cỡ. Dáng chạy tất tưởi làm bà sơ ý té nhào trúng ngay Tuấn Huy. Biết tin anh mình gặp chuyện nguy hiểm, bà hoảng sợ tới mức chẳng còn giữ nổi sự chuẩn mực,nghiêm trang như mọi ngày, đến nỗi quên bẵng luôn câu xin lỗi cậu thanh niên mình vừa đụng phải cho đúng phép lịch sự tối thiểu. Ông Cảnh chưa kịp tường thuật đầu đuôi rõ ràng, chưa kịp giới thiệu ân nhân đang đứng kế bên mình thì em gái ông đã rối hết cả lên, luôn miệng nói tới tấp, còn hơn bà mới chính là người bị bọn cướp kia hành hung.

May thay người nhà ông Cảnh tới quá hay, Tuấn Huy chớp lấy thời cơ "bỏ trốn" hợp tình hợp lý. Anh lẳng lặng đi tìm trạm xe buýt trên đường Nguyễn Thị Thập. Tìm thấy trạm, đợi khoảng 15 phút, hết xe này tới xe khác ghé qua, anh vẫn không rõ là mình nên đi xe số mấy. Anh bèn hỏi các sinh viên đang ngồi đợi cùng mình và phóng lên chiếc xe số 31 theo các sinh viên này.

Hấp tấp chọn đại xe buýt vẫn đúng tuyến, Tuấn Huy xuống trạm cách căn nhà số 95B – đường Tản Đà – Phường 11 – Quận 5 chừng 500 mét. Chân cẳng mỏi nhừ, lại phải cuốc bộ thêm một đoạn ngắn (nếu bình thường, chẳng thấm gì), cộng với vết thương ở hai tay càng khiến cho cơ thể anh sắp rời ra từng mảnh. Tới nơi đúng 23 giờ, anh chưa chịu vô nhà, đứng thập thò trước cửa. Toàn bộ nhà trước của tầng trệt là chỗ bán cháo vịt của bạn anh nên bàn ghế chất đầy xung quanh, còn dụng cụ bếp núc nằm tứ tung trong khu vực nấu nướng. Tinh mắt thấy cái áo khoác jeans si-đa xanh biển Trung Hiếu để quên trên tủ kính, anh nhanh tay "cuỗm" nó, che đi hai cánh tay thương tích.

Cứ tưởng mọi thứ đã êm xuôi, Tuấn Huy chuẩn bị đi lên lầu nghỉ ngơi, thì bất thình lình từ trong nhà, một người con gái xinh đẹp lộng lẫy như thiên thần từ ái từ trên cầu thang bước xuống làm tim anh muốn văng sống ra bên ngoài vì cứ ngỡ đâu đó là... ma.


Mỹ Vân nhờ liên lạc với bà Hảo mà biết được địa chỉ nhà Trung Hiếu. Cô rất mừng vì mẹ con Tuấn Huy vẫn bình an vô sự sau bao nhiêu sóng gió trải qua.

Ngồi chuyện trò với bà Hảo suốt 5 giờ liên tục trước khi bà đi ngủ, cô không hề mệt mỏi, thậm chí tươi tỉnh hớn hở là đằng khác, vì với cô, Tuấn Huy luôn luôn là nguồn năng lượng vô giá giết chết mọi thì giờ dai dẳng.

Hai người ra ngoài sân nói chuyện với nhau cho thoải mái. Nghe sơ sơ những gì Tuấn Huy than vãn, Mỹ Vân thấu hiểu nỗi lo tìm việc làm và chỗ trọ của anh. Cô không ngần ngại lên tiếng với mong muốn sớm giúp anh thoát khỏi bế tắc trên. Vấn đề nhà trọ được cô giải quyết một cách nhanh gọn. Cô giới thiệu anh căn nhà cấp 4 giá rẻ dì cô đang cho thuê bên Quận 1. Hiện giờ nhà vẫn đang bỏ trống, chưa ai đăng ký nên mẹ con Tuấn Huy có thể dọn vào dễ dàng. Còn về chuyện việc làm, cô lấy trong chiếc ví da hiệu Louis Vuitton ra một tấm danh thiếp sang trọng đưa cho anh. Nụ cười cô tươi rói, cho biết:

- Đây là danh thiếp của tổng giám đốc Công ty Du lịch Bản Sắc Việt. Sắp tới, em sẽ xin vô đây làm. Nếu anh đồng ý, em sẽ giới thiệu anh vào trong này làm chung luôn.

Tuấn Huy xem qua xem lại kĩ lưỡng hai mặt của tấm danh thiếp. Ngẫm nghĩ khoảng một phút, anh thấy có điều gì đó quen quen:

- Dương Minh Cảnh? Cái tên này hình như... anh có nghe qua ở đâu đó rồi thì phải? Giống như vừa nghe mới đây vậy. Sao tự nhiên lại không nhớ ta? Bực mình thiệt chứ!

- Vậy tên công ty của ông ấy chắc anh biết hả? Đừng tự làm mình nhức đầu, chỉ cần anh đồng ý, mọi chuyện còn lại cứ để em lo.

Chưa quên được "bài học đắt giá" từ quá khứ, Tuấn Huy cười méo môi, tỏ ra do dự, lắc đầu thành ý của Mỹ Vân:

- Ờ, Bản Sắc Việt là công ty du lịch nổi tiếng nhất nước ta mà. Đây là đối thủ mà Lữ hành Kha Minh luôn tìm mọi cách để vượt mặt. Được làm việc ở đây quả thực là rất tốt nhưng thôi, anh sợ mấy công ty du lịch lắm rồi.

Biết thế nào Tuấn Huy cũng nói không, Mỹ Vân nhanh trí tiết lộ một thông tin cực kỳ quan trọng mà cô tin chắc rằng sau khi mình nói ra, mọi thứ đều sẽ ổn thỏa:

- Anh đừng lo, tổng giám đốc công ty này là cha của bạn thân em, con gái chú ấy là chị em thân thiết với em trong đội tình nguyện viên hồi em còn học đại học. Em rất hay qua nhà chú ấy chơi, chú ấy rất quý mến em nên chỉ cần em nói một tiếng, chắc chắn chú ấy sẽ nhận anh. Làm việc ở đây, anh sẽ không còn sợ bị người này người kia ăn hiếp hay thiếu tôn trọng mình nữa.

Quá vui mừng vì được Mỹ Vân tiếp thêm niềm tin vững chắc cần thiết, nhưng dù vậy, Tuấn Huy vẫn không khỏi băn khoăn:

- Em và con gái ông ấy rất thân với nhau sao? Thân đến mức nào?

- Dạ, con gái chú ấy nhỏ hơn em bốn tuổi. Đáng lẽ hiện giờ nó đang học năm hai, nhưng do mắc bệnh trầm cảm nên tạm thời bảo lưu kết quả học tập. Tụi em không khác gì chị em ruột thịt của nhau nên anh cứ yên tâm. Khi nào anh đồng ý, em sẽ đưa anh qua bên Bản Sắc Việt nộp hồ sơ.

- Nhưng sao em lại tính xin nghỉ việc ở Kha Minh? Khó khăn lắm em mới được hai cha con độc tài và độc đoán kia nhận vô trong đó làm mà.

Câu hỏi của Tuấn Huy là điều bí mật mà Mỹ Vân luôn ra sức giấu kín bấy lâu. Bây giờ dù không muốn, cô vẫn buộc phải thú thật:

- Anh Huy à, đáng lẽ em không có xin làm ở Kha Minh đâu. Tại vì muốn được làm chung với anh nên em mới quyết định qua đó làm thôi. Bây giờ, anh bị đuổi việc rồi, em cũng chẳng thiết tha gì cái môi trường u tối đấy nữa. Hai cha con ông Minh là những người nham hiểm, em quá biết điều đó.

Tuấn Huy ngạc nhiên, bất ngờ hết cỡ pha chút vui thầm vì lời thú nhận chân thành ấy:

- Cái gì? Vậy em xin vô đó làm là chỉ vì anh thôi à! Thiệt hông đó? Muốn làm đồng nghiệp với anh mà phải cực khổ đến như vậy à!

Mỹ Vân ngượng ngùng, mặt cô ửng đỏ lên, sợ Tuấn Huy biết được tình cảm thật trong lòng mình. Cô cười thẹn, giải thích:

- Dạ thì... em muốn làm chung với anh để được học hỏi thôi chứ có gì đâu.

Tuấn Huy làm bộ cười trề môi không tin. Anh lắt léo chọc ghẹo Mỹ Vân:

- Thiệt hôn? Anh thì có gì để cho em học hỏi đây? Công nghệ thông tin và hướng dẫn viên du lịch cũng có thể bổ sung kiến thức cho nhau hay sao?

Quá mắc cỡ, Mỹ Vân dùng mặt ngoài bàn tay trái "đánh nhẹ" vào giữa bụng Tuấn Huy một cái, tìm cách lảng tránh "vấn đề chính" mà càng nói tới càng khó mở lời:

- Ai nói không được chứ! Anh mà còn hỏi nữa là em giết anh thiệt đó! Mà thôi, cũng khuya rồi, em về đây, không thôi ba mẹ em lại gọi điện nữa. Có gì nhớ nhắn tin qua Zalo cho em nha!

- Ờ, vậy em về đi. Chuyện vào làm ở Bản Sắc Việt, anh sẽ nghĩ kĩ rồi liên lạc sớm với em.

Mỹ Vân vẫy tay chào tạm biệt. Cô lên một chiếc taxi đậu gần đó, lòng ngập tràn tin yêu trở về. Riêng Tuấn Huy, tâm trạng anh khá lên nhiều sau cuộc trò chuyện vui vẻ này, tới mức cô bạn xinh đẹp đã rời khỏi đây rồi mà anh vẫn còn đứng đó khoanh tay cười cười, suy nghĩ về Công ty Du lịch Bản Sắc Việt. Có điều, tấm danh thiếp in tên tuổi của ngài tổng giám đốc công ty này, anh vẫn thấy quen quen kỳ lạ.

Cảnh cười nói thân mật giữa anh với Mỹ Vân đã bị người thứ ba "bắt quả tang" toàn tập. Trung Hiếu không thể chấp nhận việc bỏ qua cơ hội quý giá ngàn vàng để "tra khảo" tới bến cậu bạn "đáng trách". Anh rón rén bước tới sau lưng Tuấn Huy rồi đi vòng qua vòng lại, nói bóng gió văn chương:

- Rất nhiều người trong buổi tối hôm nay đã bỏ lỡ cơ hội được chứng kiến tận mắt một chuyện tình lãng mạn còn hơn cả phim ngôn tình kinh điển, khi nàng là đại tiểu thư xinh đẹp chi tiền đi taxi vượt hơn hai mươi cây số đến đây, dù biết chàng trai ấy không có ở nhà nhưng vẫn nhịn ăn tối ngồi chờ dài cổ không sợ bị lỗ. Người ta đào hoa thật, đâu có như tui.

- Thôi đi ông ơi! Đào hoa dữ lắm! Mỹ Vân và tui chỉ là bạn bè bình thường của nhau thôi. Nếu hơn mức bình thường một chút thì cũng chỉ coi nhau như anh em, chứ có yêu đương gì đâu. – Tuấn Huy phì cười một hơi, một mực phủ định pha nói bóng gió của thằng bạn thân nhiều chuyện bằng lời khẳng định không chút vấp váp của mình.

Nghe thấy có điều gì đó sai sai trong lời khẳng định trôi chảy rất là kỳ lạ này, Trung Hiếu ôm bụng phì cười. Anh tiếp tục ra sức móc máy:

- Bạn bè khác giới hơn mức bình thường một chút thì được xem như là anh em ư!? Định nghĩa mới này của ông chắc chắn sẽ nổi tiếng! Tui thấy ông hài hước quá rồi đó!

Lợi dụng lúc thằng bạn thân "siêu phiền phức" còn đang mải đứng ôm bụng nheo mắt bật cười châm chọc mình không dừng, Tuấn Huy cúi thấp người "chơi chiêu" lẻn ra đằng sau, dùng chân phải đá nhẹ vào mông nó một cái rồi giải thích một lần dứt điểm cho xong để yên thân đi vô trong nhà:

- Ông không tin thì vô nhà ngủ đi. Tui và Mỹ Vân quen nhau lúc hai đứa tham dự hội thảo chuyên đề về kỹ năng mềm thời hiện đại ở một trung tâm giới thiệu việc làm bên quận Bình Thạnh khoảng ba năm trước. Mỹ Vân là một cô gái tốt, nhưng tui chỉ xem cô ấy là bạn thôi, còn yêu hay không thì phải phụ thuộc vào cảm xúc ban đầu. Ông thừa hiểu tui quá mà.

Trái ngược cậu bạn, bản thân Trung Hiếu lại có ấn tượng vô cùng mạnh với Mỹ Vân ngay trong lần đầu gặp gỡ. Vì thế, anh không thể bỏ qua mối quan hệ "bình thường" giữa bạn anh và cô ấy được:

- Thôi được rồi, bình thường hay không tui sẽ điều tra sau. Tạm "tha" ông lần này vậy. May cho ông đó. Đừng để cho lần sau tới lượt tui đá nhẹ vào đít ông nghe chưa!

Vừa lúc xét hỏi xong cậu bạn thân quý mến kỹ tính thích "giấu giếm" chuyện tình cảm, đột nhiên Trung Hiếu phát hiện ra có điều gì đó là lạ suốt từ nãy tới giờ mà mình nhém xíu nữa quên mất. Rất lanh miệng trong việc xử lý những tình huống vui vui giống giống kiểu như vầy, anh cười cười biểu lộ ý "soi mói", nói tiếp:

- Ông đi gì mà đến giờ mới về vậy? Cô ngủ trước rồi đó. Mà sao ông lại mặc áo khoác jeans của tui thế kia? Ê, đừng có nói ông thấy cái áo si-đa năm chục ngàn tui mua ở ngoài Chợ Lớn đẹp quá rồi định chôm luôn nha? Bạn bè đừng có nhẫn tâm làm thế chứ!

Phát khổ vì thằng bạn chuyên thích đùa dai bất chấp lý do và cả sợ bị bà Hảo phát hiện, Tuấn Huy từ từ xắn lần lượt hai tay áo lên, lôi Trung Hiếu lại gần mình. Nhìn thấy hai cánh tay không còn giữ được tình trạng ổn định bình thường như lúc sáng của anh, Trung Hiếu hết hồn nhảy dựng lên:

- Trời đất quỷ thần ơi! Hai tay ông bị gì thế? Nguyên ngày hôm nay ông đi xin việc hay đi đánh lộn mà băng bó ghê vậy?

Tuấn Huy đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu nhắc Trung Hiếu nhỏ tiếng lại. Anh nói khẽ vào tai bạn mình:

- Chuyện này kịch tính lắm. Lên phòng đi rồi tui nói cho ông nghe. Nhớ, nếu mẹ tui có hỏi thì cứ nói là tui bị té thôi nhe.

Trung Hiếu nghe vậy tay chân luống cuống theo, miệng nói nhanh như súng bắn:

- Té là té gì cha nội? Té có nhiều loại té lắm, ông phải nói cụ thể thì tui mới biết mà nói dóc chứ. Đi bộ thì té bằng cách nào?

- Mệt ông quá. Thì cứ nói là tui vì né một chiếc xe máy chạy ẩu nên té xuống mặt đường. Lên phòng lẹ đi rồi tui nói cụ thể cho nghe.

- Nhưng mà ông tính giấu mẹ ông mãi được hông đó? Giấu được đêm nay thôi chứ qua ngày mai là hông biết đâu đó nhe! Bình yên hông muốn mà muốn mệt thân hay gì?

- Ừ, thì giấu được chừng nào hay chừng đó. Ông nói nhiều quá, làm như tui không biết vậy. Lên phòng đi.

Cảm thấy tò mò sự úp mở này, Trung Hiếu dọn dẹp quán, đóng cửa nhà trước, cùng Tuấn Huy lên phòng để nghe cậu bạn tường thuật lại diễn biến câu chuyện. Bà Hảo đã ngủ say nên không hay biết chuyện con trai bà định che giấu.


Về phần Mỹ Vân, cô nhanh chóng đưa ra quyết định dứt khoát với tờ đơn xin thôi việc ở Công ty Lữ hành Kha Minh.

Ngay buổi sáng hôm sau, cô gái hai mươi bốn tuổi mang theo khuôn mặt sắc lạnh tiến vào phòng làm việc của cấp trên. Cô tự tay mở cửa, xông thẳng vào bên trong như chốn không người. Tiếng bước chân đằng đằng sát khí của cô gây ảnh hưởng lớn đến sự tập trung của giám đốc điều hành.

Hoàng Kha đang nhìn ngắm tỉ mỉ bốn viên đá quý đắt tiền mình mới mua được từ bên nước ngoài, đã phải nhanh tay cất lẹ nó vào trong ngăn kéo. Anh ngước mắt lên trừng trừng Mỹ Vân cùng thái độ bực tức, điên người:

- Cô có biết thế nào là phép lịch sự tối thiểu không vậy? Đây là phòng làm việc của giám đốc điều hành, cô muốn vào thì phải gõ cửa chứ! Có hướng dẫn viên nào mà lại cư xử thất lễ như cô không? Cô nói đi!

Âm giọng hùng hổ của Hoàng Kha không làm Mỹ Vân nhún nhường hơn, ngược lại, cô còn ra sức đặt mạnh tờ đơn xin thôi việc xuống bàn kèm câu nói như muốn thách thức "đối thủ" mà tự mình chủ động đưa vào trong cuộc chiến có chủ đích từ trước:

- Tôi muốn xin nghỉ việc, không muốn bàn về phép lịch sự. Như vậy có gì sai không sếp?

Cuộc nói chuyện giữa họ bắt đầu bước vào thế xung đột ngầm gay gắt. Vốn dĩ cả hai không ưa gì nhau. Ngoài mặt, họ tỏ vẻ rất thân thiện nhưng thực chất đó chỉ là sự gượng gạo cần phải có nhằm để đánh lừa đối phương trong một cuộc chiến về tâm lý không có chỗ cho sự sai lầm và yếu kém.

Hoàng Kha ngả lưng dựa vào thành ghế, không trả lời câu nào, tay phải cầm cây bút máy quay tới quay lui với ý muốn kéo dài thời gian khiến cho Mỹ Vân nôn nóng cực độ. Ba phút sau, anh lại cao ngạo gác hai chân của mình lên bàn làm việc, còn miệng thì bật cười sang sảng, đáp trả đầy ngụ ý:

- Cô có cần tôi nhắc lại cho cô nhớ những điều cần biết khi làm việc ở Kha Minh không? Cô nghĩ Phòng Quản lý nhân sự ở đây được lập nên chỉ để cho đủ số lượng thôi à?

Quá thừa thông minh để hiểu được Hoàng Kha đang muốn đuổi khéo mình ra khỏi phòng, Mỹ Vân lập tức nhấn mạnh điều cô cần phải nhấn mạnh ngay bây giờ:

- Tất nhiên, tôi thuộc lòng hơn ai hết. Nhưng tôi muốn đích thân anh là người phê duyệt lá đơn này của tôi. Tôi biết chỉ số IQ của anh chỉ thua tôi có một chút thôi mà đúng không?

Mỹ Vân vừa nói ra "gợi ý" của cô, trong đầu Hoàng Kha dần đọc lên được mục đích chính đằng sau "lời khen" không mấy thật lòng đó.

- Được, được. Miệng mồm của cô sắc bén lắm! Nghỉ việc bao giờ cũng dễ dàng hơn xin việc. Tôi cũng không có dư hơi để năn nỉ cô ở lại. Tôi sẽ chấp thuận phê duyệt tờ đơn này, vậy điều kiện cô muốn tôi cho cô là gì đây?

- Tôi muốn được hưởng trọn tháng lương cuối cùng tương xứng với công sức làm việc mà mình đã bỏ ra. Điều kiện này quá dễ cho anh mà phải không?

Yêu cầu tiền bạc đó từ Mỹ Vân chẳng khác nào như đang "châm dầu vào lửa". Giọng nói của Hoàng Kha từ mềm mỏng tăng dần lên tức giận:

- Nè, vừa phải thôi chứ. Cô nghỉ việc không báo trước, khiến công ty không kịp bổ sung nhân sự. Theo nguyên tắc thì cô không được hưởng tháng lương cuối này. Đừng nghĩ cô là tiểu thư nhà giàu rồi ra vẻ ngông nghênh ở đây! Cô không phải là con gái tôi mà tôi phải chiều theo ý cô! Hiểu chưa?

Khi thế trận ăn miếng trả miếng vẫn đang thuận lợi nằm trong tầm kiểm soát thượng thừa của mình, lợi dụng việc "hợp tác" qua lại bí mật giữa hai người, Mỹ Vân tiếp tục hăm he Hoàng Kha:

- Vậy anh có còn muốn tôi giúp cho anh chuyện kia nữa không? Chắc anh chưa biết tôi rất giỏi nói xấu sau lưng người khác đó.

Bước ngoặt của cuộc đối đầu cân não này đã đến từ đây. Phải tới nước "tận mắt chứng kiến bộ bài Tây" vô hình ấy được lật ngửa ra từng quân một trong bàn tay của đối phương, Hoàng Kha mới bắt đầu hiểu ra việc Mỹ Vân luôn hết lòng tạo cầu nối để giúp cho anh đến với cô gái mà anh muốn chiếm hữu không đơn giản như những gì mình tưởng. Anh đành giả vờ thở phào, vỗ tay tới tấp, nói chậm rãi từng chữ một trong lúc âm thầm suy tính cho nước đi tiếp theo:

- Cô hay lắm! Người lạ mới gặp cứ tưởng đâu cô vừa xinh đẹp, vừa hiền lành, vừa dễ mến, nhưng sự thật lòng dạ cô còn đáng sợ hơn nghĩa của nó. Ban đầu, cô dựa vào mối quan hệ thân thiết với Nguyệt Lan năn nỉ tôi cho cô vô trong đây làm; bây giờ, cô lại tiếp tục dựa vào đó để bắt ép tôi chi tiền sai nguyên tắc. Đã có ai nói cô là người cơ hội chưa, con gái ông trùm địa ốc?

- Dù tôi là người như thế cũng đâu bằng anh và cha anh. Cha anh bảo anh tiếp cận nhỏ Lan chắc không có gì hay ho ngoài việc nhắm vào khối tài sản kếch xù của chú Cảnh. Ờ há, tôi có đoạn ghi âm này hay lắm nè, anh có muốn nghe hôn?

Những điều Mỹ Vân nắm được nằm ngoài suy đoán của Hoàng Kha. Trong giây phút ấy, gương mặt, giọng nói anh lộ rõ sự lo lắng:

- Ai nói cô biết chuyện này? Cô biết được những gì rồi? Không nắm bằng chứng xác thực, đừng có tưởng tượng lung tung.

Mỹ Vân chống hai tay xuống bàn, cúi thấp người, đưa ánh mắt đầy tự tin hướng thẳng vào "bức tường phòng thủ" đang dần bị trí tuệ của cô làm cho rung chuyển sắp phải đổ sập đau đớn của Hoàng Kha.

- Có ai nói cho tôi biết đâu. Chẳng qua tại anh nói chuyện qua điện thoại chủ quan quá thôi. Lần sau nếu có nghe máy tại nhà nhỏ Lan, nhớ chọn nơi nào cho nó kín đáo một chút như nhà vệ sinh chẳng hạn, chứ đừng có đứng đâu nói đó nha! Cha anh không dạy cho anh điều cơ bản đó à, Trọng Thủy thế kỷ 21?

Sự điên tiết trong đầu Hoàng Kha đạt đến đỉnh điểm giới hạn trước pha công kích quá mức lợi hại mà anh phải chịu lãnh đủ trong thế chống đỡ gần như yếu ớt vì thiếu đi sự đa dạng trong chiến thuật của mình. Anh lấy bút ký lẹ tờ đơn xin thôi việc, ném nó vào người Mỹ Vân. Chưa dừng lại, anh lớn giọng nạt nộ:

- Cô cút ngay ra ngoài cho tôi! Đừng để tôi phải gọi bảo vệ lên đây! Cô nghĩ nắm được yếu điểm của tôi rồi muốn nói gì thì nói sao!

Mỹ Vân cười nhếch môi, chầm chậm nhặt tờ đơn xin thôi việc đặt lại lên bàn. Cô lập tức đáp trả mạnh mẽ:

- Vậy anh truyền đạt xuống kế toán trưởng để tôi được nhận lương đầy đủ đi! Tháng này tôi dẫn tới mười lăm tour liên tục, tôi không phải con ngốc để cho các người ăn không công của tôi như vậy đâu!

Đến đây, Hoàng Kha liền đứng bật dậy, rời khỏi bàn làm việc. Vẫn chung thành với bộ kỹ năng phòng ngự kéo dài thời gian và chờ đợi sơ hở ở chiều bên kia để tung ra đòn phản công sở trường của mình, anh thong dong bước tới gần Mỹ Vân, tra hỏi đầy hàm ý:

- Vậy nếu như tôi vẫn cương quyết không làm theo lời cô thì sao? Tôi muốn biết lý do cô muốn xin nghỉ việc? Tôi nghĩ đầu óc cô chắc không có vấn đề về thần kinh đâu hả?

- Muốn biết chứ gì. Được, vậy tôi sẽ cho anh biết. Tôi nghỉ việc là vì anh Huy. Do hai cha con anh đã đuổi ảnh nên tôi không muốn làm việc ở cái công ty chết tiệt này nữa. Tôi nói thế có dễ hiểu quá không hả?

Lý do xin thôi việc này của Mỹ Vân, có đánh chết Hoàng Kha cũng không tin. Nên anh tựa người vào bàn làm việc, miệng cười sặc sụa hết cỡ, nói không nên lời:

- Ha ha ha ha ha ha ha ha ha! Cái gì, tôi có nghe nhầm không vậy? Cô sống chết đòi xin nghỉ việc cho bằng được là vì thằng khố rách áo ôm đấy à? Tôi tôi... tôi, tôi thật sự không biết phải nói làm sao nữa. Tôi thấy cô nên đi làm diễn viên hài được rồi đó.

Giọng cười sặc sụa, khinh đời và to vang kém duyên của Hoàng Kha là thứ mà Mỹ Vân căm ghét nhất trên cõi đời này. Cô buộc phải cắt ngang mớ âm thanh không có tính nhạc gây khó chịu rất đáng để nguyền rủa đó bằng cách buông lời chế giễu thâm sâu đầy sức nặng tiếp theo của mình:

- Không, không. Diễn viên hài là anh chứ không phải tôi. Mà anh nếu dám đi làm diễn hài thì chắc chỉ có nước hứng nhận gạch đá từ khán giả thôi. Câu khố rách áo ôm vừa rồi, anh nên nhận lại cho mình đi. Anh không biết cha của anh Huy là ai đâu. Nếu ông ấy không chết, chưa biết bây giờ ai coi khinh ai nữa. Gia sản của ông ấy anh Huy mà không bị hai người anh khốn nạn của mình giành mất thì anh còn không có cửa để gặp mặt ảnh chứ đừng nói tới chuyện đuổi việc.

- Cô nói thiệt chứ? Xem ra cô và nó còn hơn cả thân thiết bình thường. – "Bức tường phòng thủ" trong cách đối đáp của Hoàng Kha lại được anh gắng sức dựng lên từng lớp gạch mới toanh một với hy vọng làm nản lòng ý chí và sự kiên nhẫn trong tấn công từ đối thủ không phải là tay mơ đang ngang nhiên dám đối đầu tới cùng với mình.

Còn với Mỹ Vân, cô dường như không thể nào chấp nhận được chuyện một người như mình mà lại phải đi chịu thua một kẻ ngạo mạn thái quá và hợm hĩnh, kênh kiệu đến phát ớn như kẻ đang tìm mọi cách để không cho cô giành lấy phần thắng chung cuộc trong trận đấu trí có vẻ như... sẽ không đi theo cái kết bất phân thắng bại, nếu xét trên diễn biến thực tế ở cuối trận:

- Đó là chuyện riêng của tôi. Anh nên vào thẳng vấn đề chính đi. Có chịu thanh toán đầy đủ tiền lương tháng này cho tôi hay không thì nói?

Hoàng Kha quay lại bàn làm việc, theo đúng như toan tính chiến thuật mà mình đang vững niềm tin để tuân theo. Anh giả bộ sắp xếp ngay ngắn giấy tờ, sổ sách trên bàn, cố tình làm lơ:

- Cô thích thì cứ tự xử đi. Nếu giỏi thì lên luôn Phòng Tổng Giám đốc gặp ba tôi cho tiện. Cần thì tôi dắt cô. Gì chứ tôi cũng không phải người nhỏ mọn với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đẹp.

Mỹ Vân vẫn cứng rắn, tỏ ra bình thản như không hề nghe những lời nói Hoàng Kha cố tình "chửi xéo" mình. Đến tình thế này, cô quyết định tung ra "đòn đánh cũ rích" nhưng kỳ thực, lại vô cùng hiệu quả mà cô biết rằng thời điểm thích hợp nhất đã tới rồi đây.

Quay mặt như định bỏ đi ra ngoài, khi sắp mở cửa phòng, Mỹ Vân từ từ quay đầu nhẹ sang bên trái, hạ giọng nói đanh thép của mình xuống mức êm dịu nhất có thể:

- Nếu anh đã cố quyết giữ vững lập trường của mình như vậy thì tôi đành phải tìm đến tâm sự với ai kia thôi. Cũng dễ mà, tôi cho anh thêm năm phút suy nghĩ lại; sau năm phút, nếu như anh vẫn im lặng, tôi sẽ gọi cho nhỏ Lan. Cứ coi như tôi thay lời muốn nói với nó giùm cho anh nha, Hoàng Kha!

Dứt lời, Mỹ Vân cười thầm ghê sợ (hệt như đây mới đúng là bản chất thật trong con người đó giờ của cô), rồi thoải mái hả hê đắc thắng, đưa tay đóng nhẹ cánh cửa trong vẻ mặt hoảng loạn, tái xanh của bại tướng mình vừa mới "hạ đẹp" nhờ biết cách chọn đúng thời điểm để ra tay này.

Hoàng Kha không nhịn nổi cơn thịnh nộ, ném loạn xạ tất cả đồ đạc trên bàn làm việc xuống sàn.

"Khốn kiếp! Khốn kiếp! Đồ khốn khiếp! Đồ quỷ tha ma bắt! Đồ con gái cơ hội! Đồ trời đánh thánh đâm! Đồ đáng chết còn hơn cả chết tiệt kia!"

Anh liên tục chửi rủa thậm tệ Mỹ Vân, vừa chửi vừa như bị lửa đốt không thể ngồi yên một chỗ. Mồ hôi trên trán anh toát ra nhễ nhại, đôi bàn tay thì run rẩy cầm thiếu điều không nổi cái điện thoại iPhone 7 Plus. Rồi anh lại ngồi xuống ghế, hai mắt trợn trắng, bình tĩnh vuốt tới vuốt lui mái tóc đen bóng mượt trở ngược ra sau để suy nghĩ tìm cách giải quyết. Thế nhưng, dù cho có cố gắng cách mấy, anh vẫn biết mình cũng không thể nào đủ sức mạnh và còn kịp thời gian để ngăn cản được hành động điên rồ "chết người" này từ Mỹ Vân. Chỉ thêm một phút chần chừ nữa thôi, hậu quả khôn lường sẽ đổ ập đến và mọi kế hoạch thâm sâu mà hai cha con anh vạch ra bấy lâu xem như sẽ đổ sông đổ biển.

Năm phút sắp hết, Hoàng Kha nhẫn nại chờ bên kia đầu dây bắt máy. Ruột gan anh sắp sửa bốc hỏa không thể ngồi yên được nữa. Vì lẽ đó, anh tức tốc mặc vội áo vest đen, nhanh chân chạy ra khỏi phòng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro