CHƯƠNG V

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sức mạnh tiềm ẩn của nhân tố xúc tác

Trong ấn tượng ban đầu, Auren Hoffman và Josh Sage có vẻ là hai kiểu người hoàn toàn đối lập. Auren là người mà một bà ngoại Do Thái sẽ gọi là "tai to mặt lớn" , một doanh nhân khéo ăn nói. Ông luôn tham gia vào một dự án nào đó. Khi còn học đại học thì là các hoạt động chính trị của sinh viên, trong thời đại .com thì là một công ty công nghệ rất có tiếng. Và cứ thế. Auren có vẻ ngoài cùng cách hành động của một thương nhân, một người thương thuyết rất nhanh và suy nghĩ còn nhanh hơn nữa. Sự nhanh nhẹn trong suy nghĩ của ông đã thu hút được sự chú ý của nhiều nghị sỹ lâu năm cũng như các CEO Fortune 500. Thời gian trước, Auren là mẫu hàng xóm mà bạn sẽ tìm đến khi có việc cần. Quần áo ông luôn phẳng phiu thẳng tắp. Tác phong chuyên nghiệp của ông như tỏa ra từ bên trong. Ông cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tự tin khi chụp ảnh cùng các Giám đốc Fortune 500 và các nhà lãnh đạo trên thế giới - như thể ông là một phần trong số họ vậy.

Trong khi Auren chụp ảnh với các tổng thống thì Josh Sage lại la cà với các nhà hoạt động xã hội như Woody Harrelson. Mặc dù không phải dân California gốc, nhưng ngoại hình của Josh lại hệt như vậy. Ông là người dễ tính và bình dân - những tính cách hiếm gặp ở ngoài vùng Bắc California. Josh tham gia tích cực vào phong trào bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường. Ông là bạn của những nhà hoạt động xã hội hàng đầu trong nước và có niềm tin mạnh mẽ vào việc mang lại tiếng nói cho giới trẻ.

Nhưng khi bắt đầu hiểu về Auren và Josh nhiều hơn, bạn sẽ thấy giữa họ có khá nhiều điểm chung: cả hai đều là những nhân tố xúc tác. Mỗi khi gặp, bạn đều thấy mình bị họ thu hút. Thật khó mà cưỡng lại điều đó. Họ thật khác với hầu hết chúng ta. Nhưng có gì đặc biệt khiến họ trở nên có một không hai như vậy? Ðiều gì làm họ khác với chúng ta? Những phẩm chất nào khiến cho nhân tố xúc tác đóng vai trò quan trọng đến vậy với sự hình thành của một tổ chức phân tán?

Chúng tôi bắt đầu đi vào tìm hiểu các nhân tố xúc tác hiện đại - một trong năm chân của tổ chức phân tán có mặt trong bất cứ một hệ mở nào. Phát hiện đầu tiên đã rất thú vị, nhưng càng dành nhiều thời gian ở bên họ, chúng tôi càng phát hiện thêm nhiều kiểu sức mạnh khác nhau của họ, không chỉ mới mẻ và thú vị mà còn rất đáng ngạc nhiên. Chúng tôi đang làm việc với những con người hoàn toàn khác với những CEO. Theo một cách nào đó, chúng tôi có cảm giác mình giống như Tom Nevins khi anh nghiên cứu một xã hội, một nền văn hóa hoàn toàn khác.

Một trong những nhân tố xúc tác gây hứng thú nhất cho chúng tôi là Jimmy Wales, người khởi đầu Wikipedia. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, ngay từ đầu Jimmy đã tỏ ra rất thân thiện và nhiệt tình, "Tôi là một người lạc quan," ông nói. "Tôi nói rất nhiều về tình yêu và sự tôn trọng. Những giá trị cốt lõi trong cộng đồng của chúng ta là sống có ý nghĩa, sống tốt và không công kích cá nhân. Ðó là một tiến trình đã và đang diễn ra nhằm đảm bảo cho mọi người làm việc một cách vui vẻ." Nếu những người khác nói với bạn điều tương tự như thế, bạn sẽ thấy cần phải bỏ thêm vài thìa muối vào cho bớt nhạt nhẽo. Nhưng khi Jimmy kể cho chúng tôi về những giá trị của ông, chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa: ông là một người rất thành thật. Bạn sẽ tin ông vì bạn biết rằng ông cũng tin vào bạn.

Với Jimmy, điều quan trọng trong việc tin tưởng mọi người là trông cậy vào việc họ sẽ xây dựng trang web một cách hiệu quả. "Một mình tôi không thể tự viết ra được một cuốn Bách khoa toàn thư," ông nói. "Ngay từ đầu, Wikipedia đã là một cộng đồng rồi." Chúng tôi tiếp tục câu chuyện với những đề tài quen thuộc. "Ðiều đáng nói về Nupedia (tiền thân của Wikipedia) chính là sự thất bại. Về căn bản, Nupedia có cấu trúc từ trên xuống rất rõ, với bảy bước thực hiện để có thể viết bài, rồi còn hội đồng này, hội đồng kia. Thực tế là có rất, rất ít công việc được hoàn thành. Tất nhiên, như tôi vẫn luôn nói, Nupedia tuy thất bại nhưng chương trình đó đã tạo ra một cộng đồng lớn mạnh, giúp cho Wikipedia có được một khởi đầu thuận lợi và mạnh mẽ."

Là một nhân tố xúc tác nghĩa là bạn sẽ ra đi và đặt lòng tin vào những người ở lại. Ví dụ như khi chúng tôi hỏi Jimmy rằng ai phụ trách quản lý phần mềm máy chủ hệ thống các máy tính của Wikipedia, "Tôi không biết," ông trả lời, "những người dùng tự họ quyết định với nhau, tôi cũng chẳng biết họ làm việc đó như thế nào. Chỉ biết là cộng đồng cùng nhất trí cho ai đó một tài khoản. Và họ sẽ tự trông coi lẫn nhau." Ðơn giản thế đấy.

Jimmy rất quan tâm đến việc duy trì sức mạnh của cộng đồng Wikipedia. "Tôi đã đi khắp thế giới để khuyến khích mọi người tham gia các hội thảo, và ở bất cứ nơi đâu tôi cũng gặp những tình nguyện viên của Wikipedia." Ông kể. "Thường chúng tôi đi ăn tối và tán chuyện về Wikipedia. Những chuyện gẫu về Wikipedia thì ở đâu cũng giống nhau cả, chỉ khác có các nhân vật mà thôi. Vì những rắc rối mà cộng đồng gặp phải luôn là những vấn đề giống nhau." Và khi không có điều kiện gặp trực tiếp các thành viên, ông dành "hàng tấn thời gian gửi e-mail nội bộ cũng như e-mail cho cả cộng đồng, cùng mọi người đào thật sâu vấn đề, thảo luận các chủ đề nêu ra trong e-mail." Nhưng "từ khi làm việc với Wikipedia, tôi không bao giờ viết bài, chỉnh sửa cũng rất ít. Nhưng tôi đã cùng mọi người tiến hành giải quyết các vấn đề và giúp giải hòa các cuộc tranh cãi."

Ðó là một vai trò khá lớn mà Jimmy đảm nhiệm. Ông cho cộng đồng quyền tự do ở mức đáng kinh ngạc. "Không có chương trình, không có định hướng nào hết cho những người này. Không ai là sếp của ai cả. Mọi người cứ chọn một dự án và làm việc với nó. Họ đăng nhập vào máy chủ từ xa để làm việc khi cần sửa chữa một lỗi gì đó. Họ định hình lại hệ thống nếu thấy cần thiết. Tất cả được hoàn thành dù muốn dù không, ý tôi là không có tổ chức nào ở đây cả. Và điều đó thực sự đem lại hiệu quả. Có đôi lúc trang web chạy hơi chậm, nhưng đó là do chúng tôi chưa mua đủ các thiết bị phần cứng. Thế rồi tất cả tiền nhận được chúng tôi đều dùng để mua phần cứng. Và hệ thống vẫn hoạt động như thường."

Jimmy khiến cho hệ thống hoạt động bởi ông đã trao sức mạnh cho mọi người và sau đó rút lui. Kịch bản này xuất hiện ở tất cả những nhân tố xúc tác mà ta từng gặp. Deborah Alvarez-Rodriguez là người đứng đầu Goodwill Industries ở San Francisco. Cũng giống như Jimmy, Deborah là một người nồng nhiệt. Cô có phẩm chất của một người mẹ, nhưng không cố bao bọc, che chở người khác. Cô nhớ lại mình đã phải cố gắng thế nào để đạt được sự cân bằng này khi còn là Giám đốc trung tâmThanh niên, Trẻ em và Gia đình ở San Francisco. Ðó là một vị trí đầy quyền lực và có nhiều ảnh hưởng, nhưng cô lại chẳng muốn thứ nào trong số đó. Cũng giống như Jimmy, Deborah bắt đầu "nghĩ xem tôi có thể giúp mọi người bằng cách nào, làm sao tôi có thể trở nên giống với một nhân tố xúc tác hơn và có thể để lũ trẻ cùng cha mẹ chúng giữ vai trò chủ động hơn trong những thay đổi."

Deborah có một ý kiến điên rồ: cô nhận tất cả các nhóm bào chữa thường vẫn bị coi là những cái gai trong thành phố và mở toang cánh cửa văn phòng mời họ vào. "Họ đã có chỗ trong văn phòng tôi để làm nơi hội họp. Vì thế nơi đây trở thành trung tâm của các hoạt động." Khi cùng làm việc bên nhau, mọi người bắt đầu tin tưởng nhau hơn.

Ðể giúp các thành viên trong nhóm gắn kết và tin tưởng nhau hơn, Deborah tập trung vào ý thức hệ. Cô không nói gì về chiến lược gắn kết mọi người bằng "xi măng" hay "bu lông ốc vít". Cô nói với họ rằng: "Tôi sẽ không nói gì về những chương trình hành động hay ngân sách. Tôi sẽ không nói về bất cứ điều gì tương tự như thế." Thay vào đó, cô hỏi họ những vấn đề như "điều gì khiến cho các bạn mất ngủ? Ðiều gì mang lại những niềm vui chảy nước mắt cho các bạn? Tôi muốn được chia sẻ với các bạn tất cả những điều đó. Tôi muốn hiểu rõ hơn về các bạn." Những mối quan hệ quan trọng nhất của một nhân tố xúc tác dựa trên nền tảng tin tưởng và hiểu nhau. Deborah "biết rằng những giá trị ấy là sự gắn kết còn mạnh mẽ hơn cả quyền lực." Những cuộc nói chuyện như vậy ban đầu thường khó khăn. "Ban đầu mọi người có vẻ hơi sợ, cả tôi cũng hơi sợ. Là một người dẫn dắt thì chắc chắn phải có những tổn thương nhất định như vậy."

Nhưng Deborah không phải điều hành một nhóm hỗ trợ, mà cô làm việc với một nhóm hoạt động xã hội sôi nổi. Làm sao ngày hôm nay cô có thể trò chuyện với những nhóm mà chỉ mai thôi là họ đã có thể phản đối những hành động của cô, và đốt hình nộm cô ngay trước Hội trường thành phố? Thật ngạc nhiên là Deborah lại hoan nghênh việc đó. "Tôi tin tưởng vào tính chân thực của mối quan hệ này," cô nói với các nhóm biện hộ, "đó là khi tôi đưa ra ý tưởng, các bạn nhìn tôi và nói, 'Ý tưởng ngu ngốc nhất mà tôi từng nghe. Cô bị làm sao vậy?' Còn nếu như các bạn thấy tất cả những gì tôi làm đều đẹp đẽ thơm tho như hoa hồng nghĩa là mối quan hệ của chúng ta có vấn đề rồi."

Deborah rất hài lòng khi "họ sẽ thông báo cho tôi trước. Họ nói với tôi như thế này, 'Chúng tôi sẽ đến hội đồng thành phố và đốt hình nộm của cô ở ngay trước bậc thềm.' Tôi bèn nói với họ, 'Không sao. Thế lần này tôi đã làm gì sai thế?' Và khi họ giải thích, tôi nói, 'Ðúng vậy, tôi đã làm tất cả những điều đó. Và nếu như nó làm các bạn bực mình đến mức ấy thì cứ đốt hình nộm của tôi đi. Cám ơn đã báo cho tôi biết trước.' Thế đấy, quan hệ giữa chúng tôi đã đến mức đó, chúng tôi có thể làm như thế với nhau. Phải tôn trọng nhau thế nào thì chúng tôi mới có thể làm được như thế." Hãy nghĩ xem phải có bao nhiêu niềm tin và lòng trung thành để có thể tiếp tục nói chuyện, chứ chưa nói đến tôn trọng họ, sau khi họ đốt hình nộm của bạn

Sự tin tưởng ấy thu được những kết quả mạnh mẽ không ngờ. Deborah đã làm cho San Francisco trở thành thành phố đầu tiên trên toàn nước Mỹ có được sự chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng ngay khi đạt đến đỉnh cao của thành công, Deborah bắt đầu "lo tôi sẽ trở thành một lãnh đạo uy tín, sẽ lấn át những chính sách và hệ thống mà chúng tôi đã tạo ra. Khi người ta bắt đầu nói về tôi nhiều hơn về những gì đang diễn ra, nghĩa là chúng tôi đang đi trên một con đường nguy hiểm." Deborah học theo Mary Poppins và cô ra đi.

Cuối cùng cô trở thành Giám đốc điều hành của Goodwill Industries tại San Francisco, một tổ chức mà theo như cô nhận thấy, cần phải quay trở về với chính ý thức hệ của nó. Deborah bây giờ rất bận rộn thành lập các tổ hợp mới, cô mời tất cả các thành viên ở mọi cấp độ khác nhau trong công ty và cho họ quyền tham gia vào những quyết định quan trọng.

Tuân theo những phẩm chất cơ bản của một nhân tố xúc tác, Deborah từ chối coi mình là người đứng đầu. Bạn sẽ rất khó để tìm ra tên cô trong trang web của Goodwill. Cô nhận thấy rằng, như Lão Tử vẫn nói, "người lãnh đạo tốt nhất là người ít ai biết đến sự tồn tại của anh ta; không tốt lắm nếu được mọi người phục tùng, tung hô; và tệ nhất nếu bị họ khinh thường."

Nhưng không phải tất cả mọi nhân tố xúc tác đều ẩn mình. Thực tế người ta rất khó bỏ qua Auren Hoffman. Rất dễ tìm thấy tên ông trên trang web, và Auren không hề thấy xấu hổ về điều đó. Nhưng Auren không phải chỉ nói về Auren. Với ông, quan trọng là tạo ra được các mối liên kết. Chẳng hạn như khi nói chuyện với Ori, Auren sẽ nhanh chóng thốt lên rằng: "Này, tôi biết cô Sara bạn anh đấy!" Ông đã gặp Sara tại một hội nghị và cô ấy hỏi ông học đại học ở đâu. Khi ông trả lời, Sara phát hiện ra rằng Auren cùng học với Ori. Mặc dù chính Sara mới là người xác định mối liên kết này, nhưng Auren đã ghi nhớ nó để dành cho lần nói chuyện với Ori. Ðó là cách đầu óc ông hoạt động, ông tạo ra các kết nối và thích đưa mọi người đến gần nhau. Thực tế Auren là kiểu người có xu hướng phải kết nối. Giống như các hoạ sĩ không thể không vẽ, Auren cũng không thể không gặp gỡ những người mới. "Có một vài người tin rằng chỉ cần những mối quan hệ sâu sắc là đủ," ông nói, "nhưng như thế là bạn đã tự giới hạn cho mình trong khoảng 20 người bạn thân. Ngoài số đó ra, tất cả các mối quan hệ khác đều chỉ là những liên kết lỏng lẻo. Nhưng tôi đã tìm thấy rất nhiều giá trị từ những liên kết lỏng lẻo ấy."

Các mối quan hệ bình thường cũng làm ông cảm thấy hào hứng: "Bạn sẽ học được rất nhiều, sẽ gặp gỡ những người thực sự thú vị. Mỗi người đều có cái để bạn thấy thú vị trong ít nhất là một tiếng đồng hồ. Và hầu hết mọi người sẽ cho bạn cảm giác như thế rất lâu." Và hết sức tự nhiên, Auren đã tìm ra cách để có thể sinh lợi nhuận từ sự "ép buộc" của mình.

Là một nhân tố xúc tác cừ khôi, Auren đã xây dựng được rất nhiều mạng lưới khác nhau. Thí dụ như diễn đàn Silicon là một mạng lưới của những nhà tư tưởng và điều hành kinh doanh hàng đầu tập hợp lại để cùng bàn luận về các vấn đề xã hội. Giám đốc thông tin của Hội nghị chuyên đề tổ chức các cuộc hội thảo thường kỳ có sự tham gia của giám đốc thông tin từ các công ty hàng đầu nhằm chia sẻ các vấn đề quan trọng. Thung lũng Silicon 100 cho phép các nhà tiếp thị đưa sản phẩm của mình đến tay "những người có ảnh hưởng lớn nhất vùng Vịnh San Francisco". Nhưng vai trò thú vị nhất của Auren lại là một nhân-tố-xúc-tác-cho-thuê. Công ty của ông - StoneBrick - giúp các công ty khác tạo lập và phát triển dựa trên các mạng lưới phân tán. "Ðôi khi tôi vẫn không thể tin nổi rằng người ta sẽ trả tiền cho tôi vì việc này," ông nói với chúng tôi khi mô tả công việc của mình. "Ý tưởng căn bản của StoneBrick là giúp các công ty tìm kiếm khách hàng hoặc đối tác làm ăn, và giúp họ xây dựng các mối quan hệ lâu dài."

Các công ty thuê Auren vì ông là người có khả năng điều hướng những mạng lưới xã hội phức tạp. Ông thường xuyên lập bản đồ các mối quan hệ theo một cách gần như không thể đối với những người khác. "Có nhiều người bạn muốn gặp không phải là những người mang lại cho bạn mối quan hệ tạo ra lợi nhuận trực tiếp," ông giải thích. "Bạn sẽ muốn gặp một người không nhất thiết phải là khách hàng, nhưng có thể giới thiệu khách hàng cho bạn, hoặc trở thành khách hàng của bạn trong ba hay bốn năm tới."

Với Auren, việc giới thiệu mọi người với nhau giống như bản năng của ông vậy. Nếu như hầu hết chúng ta đều bắt đầu việc giới thiệu này bằng cách nghĩ về tất cả những người mà mình biết, cố gắng phân tích rằng ai quen với ai thì sẽ có lợi nhất, rằng chúng ta sẽ giới thiệu họ với nhau như thế nào. Và ta thấy đau hết cả đầu. Nhưng với Auren, mọi việc thật tự nhiên: "Việc đầu tiên tôi làm khi gặp một ai đó là lập một bản đồ: anh đi học ở trường Berkeley, thế nên chắc hẳn anh biết... và cứ như thế. Tôi luôn luôn lập bản đồ kiểu ấy mỗi khi tôi gặp một ai đó." Bạn cần phải là một chuyên gia như Auren để có thể không chỉ lập bản đồ về mọi người mà còn sử dụng nó để giới thiệu đúng những người cần gặp với nhau. Auren mô tả một kịch bản thường gặp: "Thế là tôi nói, 'Bob này, cậu nên gặp Jane. Hai người nên đi ăn trưa, nên gặp gỡ nhau đi.' Trước đó tôi cũng sẽ phải nói trước với Jane, 'Jane này, cô có hứng thú gặp công ty của Bob không?'" Một điều kỳ diệu là tất cả những người liên quan cuối cùng đều rất cám ơn Auren. Nếu ông làm đúng, Bob sẽ được lợi từ việc gặp gỡ Jane, và Jane cũng sẽ được lợi từ việc gặp Bob. Auren giới thiệu mọi người, giúp tạo ra những mối liên kết, và sau đó, theo đúng kiểu một nhân tố xúc tác điển hình, ông rút lui.

Auren cũng không bao giờ nhận phần trăm hoa hồng. Tại sao ư? "Có vài lý do. Thứ nhất: Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ là đạo đức thuần tuý, và hầu hết những người mà tôi giới thiệu với khách hàng của mình đều là những người mà tôi biết, những người tôi thích. Và tôi nghĩ cũng không hay lắm nếu tôi có lợi lộc gì trong sự sắp xếp đó. Lý do thứ hai là vì hầu hết những lần giới thiệu của tôi đều mở đầu cho những quan hệ dài lâu. Một vài trong số đó có thể thu lợi trực tiếp trong vòng vài tháng. Nhưng cũng có những lần giới thiệu này lại dẫn đến những lần giới thiệu khác. Cho nên chính họ mới là những người có ảnh hưởng. Hơn nữa cũng có khi các khách hàng của tôi đã từng nói chuyện với nhau rồi. Và lý do thứ ba là tôi không muốn cạnh tranh với nhân viên bán hàng. Bởi vì nhận phần trăm hoa hồng có nghĩa là bạn lấy nó từ tay người bán hàng, trong khi với công việc của tôi hiện nay thì tôi chính là người bạn tốt nhất của họ."

Một điều có vẻ buồn cười là Auren không tự cho mình là một thành viên của mạng lưới - ít nhất là không phải một thành viên theo nghĩa cổ điển. "Làm việc trong mạng lưới giống như kiểu: tôi muốn gặp anh X, tôi vào mạng lưới để đến chỗ anh ta và tìm cách gặp gỡ. Nhưng tôi thì lại thích sự lộn xộn. Tôi không bao giờ cố gắng gặp một ai đó. Tôi thích gặp nhiều người... anh biết đấy, anh hãy nghĩ về một cái thang, một cái thang xã hội chẳng hạn, tôi lại thích gặp gỡ những người ở nấc thang thấp hơn là những người ở nấc thang cao, vì như thế tôi có thể giúp đỡ họ được nhiều hơn. Giúp đỡ mọi người cũng vui lắm."

Một điều về Auren là ông thích giúp đỡ mọi người một cách thực lòng. "Ðiều đó cần đến một nhân cách nhất định," ông nói về vai trò của một nhân tố xúc tác, "phải là người thích được giúp đỡ người khác. Có rất nhiều người quen biết rộng, nhưng chỉ có thế mà thôi." Một nhân tố xúc tác, ngược lại, phải là "một người mỗi khi trò chuyện cùng ai đó họ đều chủ động suy nghĩ, Làm sao giúp được cho người này nhỉ? Mình có thể giới thiệu người này với ai? Mình muốn giúp người này. Mình muốn anh ta trở nên tốt hơn. Người này thực sự muốn giúp những người khác. Và đó chính là công cụ hữu ích chưa được sử dụng hết." Auren không được trả tiền cho hầu hết những mối liên kết mà ông tạo ra. Ông cũng không có một bản cân đối cụ thể những ai ông đã giúp và những ai còn nợ ông.

Ðó chính là điểm chung giữa Auren và Josh Sage. Cả hai đều rất nhiệt tình muốn giúp đỡ người khác. Josh thì không liên kết những nhà kinh doanh mà liên kết các nhà hoạt động xã hội khắp nước Mỹ. Sự hào hứng của ông lan truyền tới những người khác. Josh có thể nói chuyện với bạn về điều gì đó mà bạn biết rất ít, hay về những vấn đề bạn ít quan tâm nhất. Và chỉ mười lăm phút sau thôi, bạn sẽ cảm thấy đó là điều quan trọng nhất trên đời, và có thể bạn sẽ hỏi Josh làm cách nào để được cùng tham gia.

Sau vụ phản đối WTO ở Seatle, Josh quy tụ một nhóm các nhà hoạt động xã hội, mượn một chiếc RV cũ và lên đường đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, lập nên các tổ hợp hoạt động về những vấn đề toàn cầu hóa.

Ông hiểu rằng cách làm cho mọi người trở nên năng động hơn chính là chia sẻ những câu chuyện có khả năng truyền cảm hứng. Từ đó trở đi, mọi việc cứ diễn ra như thế. Các nhà hoạt động xã hội cùng chia sẻ một ý thức hệ rồi tạo ra các tổ hợp, và các tổ hợp này lại tiếp tục tạo ra các tổ hợp khác khắp nơi trên thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng, cần có một độ "trơ" nhất định mới có thể tiến vào một thị trấn mới trong chiếc RV tả tơi để tập hợp mọi người lại với nhau. Sự kết hợp giữa nhiệt huyết và khả năng "trơ" đã khiến Josh trở thành một thế lực cần tính đến. Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện, ví dụ như khi ông quyết định làm một phim tài liệu về các hoạt động của thanh niên. Trong thời gian sống trong chiếc xe tải nhỏ đỗ bên phía đường đối diện một studio biên tập để hoàn thành bộ phim này, Josh quen với Michael Stipe, ca sỹ chính của ban nhạc REM, và ông đã thuyết phục anh mang bộ phim đến MTV. Sau đó Josh thương lượng với MTV để phát sóng toàn bộ phim mà không chỉnh sửa gì. Không phải MTV đang thèm khát bộ phim này, cũng không phải họ không thể tìm được một đoạn phim khác về đề tài bảo vệ môi trường. Mà chính là cảm hứng của Josh đã được truyền vào bộ phim. Và trên tất cả, ông có đủ độ "trơ" để giữ vững lập trường của mình.

Hầu hết chúng ta đều không tưởng tượng ra làm cách nào để liên hệ với MTV, thuyết phục họ phát sóng bộ phim "cây nhà lá vườn" của mình. Thế nhưng các nhân tố xúc tác lại có cách riêng của mình để hoàn thành việc đó.

Ví dụ như David Martin, ông là một người có thế lực trong giới bất động sản, người có khả năng làm rung chuyển cả hệ thống, trong mọi khía cạnh đều giống một giám đốc điều hành thành công. Và trên hết, ông là người đứng đầu Hiệp hội các giám đốc trẻ (Young Presidents' Organization - YPO), một mạng lưới các giám đốc điều hành với khoảng 9.500 thành viên trên khắp thế giới. Phong cách lịch lãm, chất giọng miền Nam với mái tóc trắng và bộ râu cắt tỉa gọn gàng khiến ông giống như vừa bước ra từ chương trình Dallas . Thậm chí J.R.Ewing cũng còn phải dành cho David sự kính trọng mà ông xứng đáng nhận được.

Phần lớn thời gian David ở ngoài đường. Ông gặp gỡ với các giám đốc khắp thế giới và điều hành công việc như một nhân tố xúc tác tinh tế hòa nhã. Ông luôn tìm kiếm một nhà vô địch, người có thể đưa bóng vào lưới. Cũng như Deborah Alvarez-Rodriguez của Goodwill, David luôn đầy ắp những ý tưởng. Ông là bậc thầy trong việc đưa ra những ý tưởng lớn, tìm người hứng thú với ý tưởng đó và đón nhận nó.

Mặc dù rất giàu ý tưởng nhưng David cũng là người rất biết lắng nghe. Ông hiểu tầm quan trọng của việc biết được mọi người thực sự muốn gì. Ðầu tiên ông lắng nghe để tìm ra bạn hứng thú với cái gì, sau đó ông sẽ gợi ý các kênh có thể phát triển điều đó thành một dự án. Ông sẽ dẫn dắt bạn phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình. Và chỉ khi bạn đã bị "thu phục" hoàn toàn, dành hết thời gian rảnh của mình cho nó, bạn mới chợt dừng lại và hỏi, "Này, sao tôi lại thực hiện dự án này nhỉ?" Ðó cũng chính là lúc công việc của David hoàn thành.

Các công cụ của nhân tố xúc tác

Nghĩ về David Martin, mọi thứ trở nên rõ ràng với chúng ta: Tất cả các nhân tố xúc tác mà ta từng trò chuyện đều có sức cuốn hút dựa trên những công cụ giống nhau. Không ai có thể một buổi sáng nào đó thức dậy và quyết định mình sẽ trở thành Auren Hoffman, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn có thể kết hợp chặt chẽ với những công cụ trong nghề nghiệp của ông.

Thực sự quan tâm tới người khác. Với một nhân tố xúc tác, mỗi người giống như một cuốn tiểu thuyết sống. Thông tin mà thường hầu hết chúng ta chỉ nghe vậy thôi thì với những người như Auren lại là vàng nguyên chất. Ðể hiểu được điều này, bạn hãy nghĩ đến một người buồn chán nhất mà bạn từng biết. Chẳng hạn như trong một buổi tiệc, khi ai đó ca cẩm về những ngày làm việc buồn chán ở cơ quan, hầu hết mọi người đều vừa gật gù, nở vài nụ cười đồng tình giả tạo vừa nhớ lại xem ba ngày trước mình đã ăn tối món gì. Và trong tất cả những trường hợp như thế, người nói, dù ý thức được hay không, cũng sẽ nhận ra sự thiếu hứng thú của người nghe, họ sẽ chuyển đề tài hoặc im lặng. Ðây chính là lý do của những vụng về lúng túng trong các tình huống ứng xử hàng ngày. Chúng ta nói chuyện với những người chúng ta không biết nhiều, về những chuyện ta không thực sự quan tâm, và chính điều đó gây nên sự không thoải mái.

Nhưng nhiều khả năng khi nói chuyện với Auren, bạn sẽ không thể có được một câu chuyện buồn chán ngay cả khi bạn muốn thế. Bởi vì Auren thực sự hứng thú với mọi người. Auren tin rằng nếu bạn thấy ai đó tẻ nhạt thì có nghĩa là bạn, người lắng nghe ấy, chưa hỏi đúng câu hỏi hoặc chưa tìm ra đúng niềm đam mê của người ta thôi.

Chúng ta sẽ nhận ra ngay nếu có một ai đó như Auren thực sự quan tâm đến những gì ta đang nói. Khi đó chúng ta có xu hướng cởi mở hơn và bộc bạch nhiều hơn về bản thân mình. Câu chuyện tự nhiên trở nên thú vị hơn, và chúng ta có cảm giác Auren thực sự đã "bắt" được mình. Khi cảm thấy có người hiểu mình chính là khi chúng ta cởi mở nhất với những cái mới, và sẵn sàng để thay đổi.

Ðây cũng chính là công cụ thiết yếu nhất của một nhân tố xúc tác. Nếu bạn gặp Auren trong một buổi tiệc nào đó và một tuần sau ông gọi điện cho bạn để giới thiệu bạn với một người bạn của ông, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận hơn là nếu cuộc gọi đó đến từ người mà bạn đã có cuộc nói chuyện tẻ ngắt và giả tạo.

Các quan hệ nông. Hầu hết chúng ta đều thích nói chuyện riêng với một nhóm bạn thân nhất. Nhưng một nhân tố xúc tác có thể làm điều đó với hàng ngàn người - trong thực tế họ phát triển mạnh là nhờ gặp gỡ những người mới mỗi ngày. Với những người như Jimmy Wales, để có mối quan hệ sâu sắc với mọi thành viên Wikipedia là không thể. 24 giờ một ngày không đủ cho việc đó. Còn với hầu hết chúng ta, sự tương tác hàng ngày như vậy sẽ nhanh chóng trở nên buồn chán, lúc đó ta sẽ mong được chia sẻ quỹ thời gian với đám bạn cũ hơn. Nhưng bởi các nhân tố xúc tác thật sự hứng thú với mọi người nên họ thấy rằng những mối quan hệ này cực kỳ có ý nghĩa. Thế không có nghĩa họ không có bạn thân. Chỉ là bên cạnh những người bạn thân, nhân tố xúc tác còn có rất nhiều những mối quen biết khác. Nhờ quen biết nhiều người như vậy, một nhân tố xúc tác có thể tạo ra mối liên kết giữa các cá nhân mà nếu để tự họ, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ gặp nhau.

Lập bản đồ . Khi bạn nói chuyện với Auren ở bữa tiệc, ông không chỉ bị lôi cuốn bởi câu chuyện của bạn mà ngay lúc đó ông cũng đang lập bản đồ xem bạn sẽ ở vị trí nào trong mạng lưới xã hội của ông. Các nhân tố xúc tác sẽ nghĩ về những người mà họ biết, rồi người quen của những người này, rồi mối liên hệ giữa những người đó và cuối cùng là sắp xếp tất cả như thế nào trong một bản đồ khổng lồ như thế. Nhân tố xúc tác không chỉ quen biết nhiều mà còn dành thời gian suy nghĩ xem mỗi người sẽ thích hợp với vị trí nào trong mạng lưới của họ.

Giả thiết rằng bạn muốn gây dựng một quỹ từ thiện - ngân hàng đồ ăn miễn phí cho người nghèo chẳng hạn. Bạn sẽ bắt đầu bằng việc nghĩ về những người mình biết, lên một danh sách, sau đó gọi điện cho từng người trong danh sách đó. Có thể bạn sẽ đề nghị (một cách lịch sự) những người bạn tốt xem họ có sẵn lòng đóng góp hay không. Thậm chí bạn sẽ mạo muội đề nghị một vài đồng nghiệp hoặc người trong khu phố, nhà thờ hay đội bóng của bạn cùng tham gia.

Các nhân tố xúc tác lại tiến hành việc đó một cách hoàn toàn khác. Cũng giống như bạn, họ sẽ bắt đầu bằng việc lập bản đồ những người họ biết có khả năng tham gia đóng góp cho quỹ này. Nhưng ngay sau đó họ sẽ nghĩ xem ai trong mạng lưới có thể trở thành những người trung gian: "Alice có một nhà hàng," nhân tố xúc tác nhớ rõ lắm, "và bạn bè của cô ấy rất mê ăn uống. Có lẽ mình sẽ nhờ Alice gây quỹ từ 40 người bạn của cô ấy. Hay hơn nữa là giới thiệu Alice với Bill, một bác sĩ quan tâm sâu sắc tới đói nghèo, và hai người bọn họ có thể thành lập một nhóm quyên tặng. Hay hơn nữa là..." Giờ thì bạn thấy rõ sự khác nhau rồi chứ.

Tất cả chúng ta đều lập bản đồ tới một phạm vi nào đó. Nhưng bản đồ của chúng ta chỉ có tỷ lệ nhỏ và mang tính chất cá nhân. Nếu bản đồ của chúng ta giống như một bức vẽ phác thảo khu phố, hay khá hơn là thành phố, thì bản đồ của một nhân tố xúc tác giống như ảnh chụp chi tiết toàn bộ một quốc gia từ vệ tinh. Nhân tố xúc tác không chỉ xác định bản đồ của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng, mà họ còn thường xuyên xây nên những con đường mới giữa các thành phố - tạo ra các liên kết và tổ hợp mới.

Khao khát được giúp đỡ . Lần đầu tiên nói chuyện với một nhân tố xúc tác, ta thực sự ngạc nhiên bởi mỗi người trong số họ đều muốn giúp đỡ người khác đến thế nào. "Những người như thế liệu có thật không?" Chúng ta tự hỏi. Lần này qua lần khác, câu trả lời tiếp tục vang lên dù vẫn khiến ta ngạc nhiên: "Có, họ có thật."

Mong mỏi được giúp đỡ mọi người là nguồn năng lượng để một nhân tố xúc tác kết nối mọi người với nhau. Nếu Josh Sage không muốn giúp đỡ mọi người thì ông đã không thèm đi khắp đất nước khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động xã hội. Cũng thế, nếu không có khát khao được giúp đỡ, Auren Hoffman có lẽ cũng chỉ thích gặp gỡ những người mới và tạo ra những mối quan hệ quen biết đơn thuần. Chỉ bởi vì muốn giúp nên ông mới thực sự kết nối mọi người với nhau.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nhân tố xúc tác không quan tâm đến việc giúp đỡ mọi người? Anh ta có thể tạo ra vài liên kết phục vụ cho lợi ích cá nhân thuần tuý, để mọi người trong mạng lưới làm lợi cho anh ta. Nhưng nếu mạng lưới chỉ phát triển theo một chiều như vậy, nếu tất cả chỉ là làm sao có lợi cho nhân tố xúc tác, mạng lưới ấy sẽ nhanh chóng tan rã. Mọi người sẽ không trả lời điện thoại của Auren nếu họ nghĩ ông chỉ đang cố lấy đi cái gì đó từ phía họ. Mọi người tham gia mạng lưới của ông vì họ được lợi khi là một thành viên trong đó.

Khát khao giúp đỡ, đó không phải tiểu tiết mà chính là điều kiện cốt yếu để trở thành một nhân tố xúc tác.

Ðam mê. Một khi Josh Sage đã để tâm trí vào điều gì thì có nghĩa là việc đó sẽ được hoàn tất. Ông khóa chặt mục tiêu, không hề dao động. Josh đã làm việc chăm chỉ để theo đuổi một mục tiêu quan trọng ròng rã suốt 15 năm trời. Ðó là một niềm tin không ngừng nghỉ trong ý thức hệ của ông, cũng như một nguồn năng lượng không giới hạn cho việc theo đuổi mục tiêu. Chính điều đó đã đưa Josh đi lên và giúp ông có sức ảnh hưởng lớn.

Nhân tố xúc tác là người giữ nhịp cho các tổ chức phân tán. Vì các tổ chức này không thể dựa trên hình thức ra-lệnh-và-điều-khiển để thúc đẩy các thành viên nên cần có một ý thức hệ mạnh mẽ và đương thời để giữ cho họ tiếp tục. Nhân tố xúc tác khởi đầu một tổ chức, sau đó giữ vai trò như đội trưởng đội cổ động thường kỳ. Nhưng nhân tố xúc tác phải biết đi đúng chừng mực. Bởi nếu Josh cổ động nhiều quá, phong trào sẽ trở thành "buổi diễn của Josh Sage" mất.

Tiếp cận mọi người như chính con người họ. Có sự khác biệt rất lớn giữa hào hứng và ép buộc. Một nhân tố xúc tác không cố gắng thuyết phục mọi người, anh ta dựa vào một kỹ thuật tinh tế hơn nhiều: tiếp cận mọi người như chính họ.

Một người kể với bạn rằng anh ta cảm thấy không hài lòng với công việc. Và bởi vì bạn rất quan tâm đến anh ấy, bạn lắng nghe và có lẽ sẽ đưa ra vài lời khuyên kiểu như: Cậu đã nói chuyện với sếp chưa? Cậu đã nghĩ đến một công việc khác chưa? Hay là cậu nghỉ ngơi một thời gian xem.

Nếu sự không hài lòng của anh bạn ấy kéo dài một thời gian, bạn sẽ đưa ra những đề nghị quả quyết hơn: "Cậu phải nói chuyện với sếp đi," hoặc "Tôi muốn cậu đến phỏng vấn công việc mới này." Nên nhớ rằng nhà tâm lý học Carl Rogers đã cảnh báo rằng những lời khuyên của các "chuyên gia" kiểu này, dù là với mục đích muốn giúp đỡ, sẽ gây ra tác dụng ngược. Bởi vì khi phải đối mặt với sự thúc ép mạnh mẽ như vậy, hầu hết mọi người sẽ buông xuôi và càng ít chịu thay đổi hơn.

Rogers đã thử một cách tiếp cận khác. Thay vì đưa ra những gợi ý để khách hàng của mình làm theo, ông thừa nhận những trải nghiệm của họ, "Vậy có nghĩa là anh rất chán công việc của mình. Chà, thế thì khó khăn nhỉ!" Và khách hàng sẽ nói, "Vâng, cực kỳ tồi tệ. Mỗi ngày đến cơ quan, ngay lập tức tôi đếm từng phút đến giờ về nhà."

"Cảm giác giống như bị nhốt trong bẫy ấy nhỉ, tôi tưởng tượng thế."

"Vâng, chính xác là thế đấy."

Khi Rogers chăm chú lắng nghe và đồng cảm với những trải nghiệm của khách hàng, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khách hàng của ông đã tự tìm ra phương án giải quyết vấn đề. "Ông biết đấy, tôi không thích bị sập bẫy. Tôi nghĩ tôi sẽ đi tìm một công việc khác." Khi mọi người cảm thấy được lắng nghe, được hiểu và được giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng thay đổi hơn. Một nhân tố xúc tác không vẽ ra trước giải pháp cho bạn, cũng không gõ đầu bạn như một bề trên. Thay vào đó, anh ta coi bạn bình đẳng và lắng nghe bạn một cách chăm chú. Bạn không làm theo vì bị bắt buộc - bạn làm theo một nhân tố xúc tác vì anh ta hiểu bạn.

Khi đưa ra lời khuyên cho một ai đó, chúng ta thường vô tình tạo ra một sự phân cấp quyền lực. Người khuyên răn đứng ở bậc cao hơn so với người được nhận lời khuyên. Như chúng ta đã thấy, sự phân cấp như thế không có lợi cho một tổ chức phân tán. Nhờ biết tiếp cận mọi người như chính họ, các nhân tố xúc tác có thể tạo ra những cảm hứng đổi thay mà không cần ép buộc ai cả.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) . Nếu như nghe có vẻ giống với một phần trong sê-riDr. Phil thì đó là vì một nhân tố xúc tác phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ cảm xúc. Tất cả các nhân tố xúc tác chúng ta từng gặp đều là những người thông minh kiệt xuất, nhưng lại có xu hướng lãnh đạo bằng cảm xúc nhiều hơn.

Deborah có lý do chính đáng để từ chối nói với những nhóm biện hộ về chiến lược đặc biệt của mình. Nếu như cô nói về những bu-lông và ốc vít, thì việc tạo dựng nên một sợi dây liên kết tình cảm còn khó hơn nhiều. Với một nhân tố xúc tác, những mối liên kết tình cảm được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi nào có được mối liên kết tình cảm thì sau đó mới là lúc vận dụng trí tuệ và nói chuyện chiến lược.

Kiểu liên kết tình cảm này có ở hầu hết các tổ chức phân tán chúng ta đã gặp. Những người dùng craigslist dù chưa bao giờ gặp nhau cũng tự coi mình là một phần của cộng đồng. Và các thành viên AA sẽ vượt những chặng đường dài để giúp những người khác tiếp tục con đường cai nghiện.

Nhân tố xúc tác dệt nên những liên kết tình cảm này ngay trong chính bộ khung của tổ chức. Mọi người đồng ý chạy các dự án cho David Martin bởi vì họ kính trọng và tin tưởng ông. Cũng như vậy, các nhà hoạt động xã hội gọi điện báo trước cho Deborah Alvarez-Rodriguez vì họ cảm thấy giữa cô và họ có một sự tương đồng và liên kết nào đó.

Tin tưởng. Nếu chỉ tiếp cận mọi người như chính bản thân họ và tạo ra các mối liên kết tình cảm thôi thì chưa đủ. Một nhân tố xúc tác phải tin tưởng vào mạng lưới. Với một môi trường đẳng cấp, bạn không bao giờ biết được mọi người sẽ làm gì, bạn không thể kiểm soát những việc sẽ xảy ra. Bạn cũng không thể thực sự chỉ trích một thành viên nào đó nếu anh ta phạm phải sai lầm. Tất cả những gì bạn có thể kiểm soát được là liệu mọi người có thể có được những mối quan hệ cá nhân dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau hay không mà thôi.

Khơi nguồn cảm hứng . Một nhân tố xúc tác thực thụ không chỉ là người mai mối mà còn phải là nguồn cảm hứng cho những người khác làm việc để cùng hướng tới mục tiêu chung - thường không dính dáng tới lợi ích cá nhân. Khi nói chuyện với Deborah, bạn nghĩ rằng Goodwill là tổ chức tốt nhất trên thế giới. Khi nói chuyện với Josh, bạn muốn bỏ ô tô của mình và chuyển sang đi xe đạp. Và khi nói chuyện với Jimmy Wales, bạn muốn dành hàng giờ đồng hồ ngồi trước máy tính để đóng góp cho Wikipedia.

Hãy nghĩ về những người đóng góp đầu tiên cho Wikipedia. Tại thời điểm đó, khái niệm bách khoa trực tuyến vẫn còn rất mơ hồ, và không ai biết rằng trang web này sẽ phát triển nhanh đến như vậy. Thế nhưng nhiều người vẫn tình nguyện dành thời gian cho nó. Không phải vì họ quyết định đầu tư, mà vì họ tin vào một giấc mơ lớn: mọi người trên thế giới cùng nhau xây dựng một từ điển bách khoa thư cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, không một nhân tố xúc tác nào ta từng gặp có tính cách như một ngôi sao nhạc rock. Thực tế đã có một nhân tố xúc tác cảnh báo chúng tôi: "Ðừng có mà biến tôi thành một anh hùng. Chuyện này không phải là về tôi."

Chấp nhận sự mơ hồ. Một trong những câu trả lời mà ta thường nhận được nhất khi nói chuyện với một nhân tố xúc tác là: "Tôi không biết."

Có bao nhiêu thành viên trong tổ chức của ông? "Tôi không biết."

Ai phụ trách phần mềm máy chủ của ông? "Tôi không biết."

Và cứ thế.

Các nhân tố xúc tác không đãng trí. Họ thường không biết bởi vì không có câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi như vậy. Là một nhân tố xúc tác đòi hỏi bạn phải chấp nhận ở mức cao sự không rõ ràng. Bởi vì một tổ chức phân tán linh động và mềm dẻo đến độ nếu ai đó cần ở nó một trật tự và cấu trúc thì sẽ nhanh chóng phát điên lên.

Hãy nghĩ về Josh Sage với chiếc RV của ông đã đi khắp thị trấn này đến thị trấn khác để lập nên các tổ hợp mới. Hôm nay có mười người đến tham dự buổi gặp mặt, và hôm sau con số này lên đến 100. Hôm nay mọi người cảm thấy rất hứng thú, nhưng hôm sau họ lại lừng chừng. Một tổ hợp vượt trội hơn, tổ hợp khác lại bắt đầu nản chí. Không có cách nào để đo đếm kết quả. Cũng không có cách nào theo dõi hết được tất cả mọi thành viên. Thậm chí không thể biết được thành viên nào đang làm gì, ở đâu và khi nào. Ðối với những người bên ngoài, điều này có vẻ lộn xộn quá mức tưởng tượng.

Nhưng chính sự không rõ ràng này lại tạo ra một nền tảng cho sự sáng tạo và cải tiến. Các tổ chức sao biển cần có sự mơ hồ mới tồn tại được. Nếu ai đó đến và cố đưa ra một trật tự, một cấu trúc cho nó, người ta có thể sẽ có được những đo đạc và theo dõi tốt hơn, nhưng như thế sẽ dần giết chết con sao biển.

Phương pháp thoáng. Có lẽ với một nhân tố xúc tác, điều khó khăn và khác thường nhất là đứng dậy ra đi. Nếu Josh Sage tiếp tục kiểm soát các nhà hoạt động xã hội, nếu Jimmy Wales yêu cầu các tình nguyện viên Wikipedia phải báo cáo hàng ngày, thành viên của các mạng lưới này sẽ trở nên thiếu năng động, và sự sáng tạo của tổ chức sẽ không còn nữa.

Trong một môi trường ra lệnh và điều khiển, bạn có thể dễ dàng kiểm tra sát sao mỗi người đang làm gì. Nhưng việc bị giám sát và điều khiển khiến cho các nhân viên không muốn mạo hiểm thực hiện những cải tiến.

Ngược lại, khi được giao thiết bị, các thành viên của một tổ chức sao biển có thể hơi nản và hỏi nhân tố xúc tác, "Chúng tôi sẽ phải làm gì với những thiết bị này?" Nhưng thực sự câu hỏi này sẽ đưa mọi người đến với trách nhiệm, cho các thành viên quyền sở hữu ở mức cao đối với tổ chức.

Rút lui. Sau khi các nhân tố xúc tác lập bản đồ mạng lưới, tạo ra các liên kết, xây dựng lòng tin và khuyến khích mọi người hành động, họ sẽ làm gì? Họ rút lui.

Nếu nhân tố xúc tác vẫn quanh quẩn ở lại, họ sẽ kìm hãm sự phát triển của tổ chức. Deborah rút lui khỏi vị trí ở San Francisco nhằm tránh việc mình trở nên nổi tiếng quá. Josh rời khỏi thành phố để những tổ hợp ông đã xây dựng có thể trở thành những đơn vị gắn kết với nhau hơn. Auren thì cần phải ra khỏi khuôn hình để cho những người ông giới thiệu có thể liên kết được với nhau; bởi chỉ khi ông vắng mặt, mọi người mới thật sự cầm cương và đưa mối quan hệ tiến lên phía trước.

Nhân tố xúc tác và Giám đốc điều hành.

Cùng là những người dẫn dắt, nhưng nhân tố xúc tác và Giám đốc điều hành dựa vào những công cụ hoàn toàn khác nhau. Giám đốc điều hành là Sếp, là người phụ trách, người có vị trí cao nhất trong hệ thống cấp bậc. Nhân tố xúc tác thì hoạt động một cách bình đẳng với mọi người, như một người bạn. Vì Giám đốc điều hành đứng trên đỉnh kim tự tháp, nên họ lãnh đạo bằng ra-lệnh-và-điều-khiển. Trong khi đó nhân tố xúc tác dựa vào sự tin tưởng. Giám đốc điều hành phải là người rất lý trí. Công việc của họ là tạo ra các giá trị chia sẻ. Họ quyết đoán và định hướng, là người chèo lái cả con tàu. Nhân tố xúc tác lại giàu cảm hứng và hợp tác. Họ nói về ý thức hệ và thúc giục mọi người cùng làm việc để biến ý thức hệ đó thành hiện thực. Sức mạnh khiến các Giám đốc điều hành đứng trong ánh sáng sân khấu. Còn nhân tố xúc tác thường tránh sự chú ý và làm việc sau cánh gà nhiều hơn. Giám đốc điều hành tạo ra một trật tự và cấu trúc, nhân tố xúc tác lại phát triển sự mơ hồ và hỗn loạn. Công việc của một Giám đốc điều hành là làm sao tạo ra lợi nhuận tối đa. Còn một nhân tố xúc tác thì thường hướng tới sứ mạng.

Nhưng nhân tố xúc tác khác với các Giám đốc điều hành không có nghĩa là họ không có vị trí nhất định trong các tổ chức. Sự phân cấp và cấu trúc từ trên xuống là môi trường có vẻ hà khắc đối với một nhân tố xúc tác, nhưng trong một vài tình huống thì lại đặc biệt thích hợp. Nếu bạn muốn tìm ra phương thức cải tiến để phát triển một sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng một cộng đồng trong công ty, hoặc cải thiện quan hệ đồng nghiệp? Trong tất cả những trường hợp đó, hãy nhờ tới một nhân tố xúc tác.

Hãy lấy trường hợp Deborah Alvarez-Rodriguez làm ví dụ. Khi cô mới tham gia vào công ty, tinh thần làm việc của mọi người rất thấp, doanh thu chậm, lợi ích người lao động bị cắt xén hết chỗ này đến chỗ khác. Nhưng từ khi Deborah xuất hiện, cô bắt đầu tạo ra những thay đổi lớn lao. "Tôi nhận ra rằng mình cần phải tạo ra một sự hỗn loạn nhất định." Cô nói với chúng tôi. Ủy ban, nhóm quản lý của cô, và cả những người lao động đều phát hoảng lên. "Liệu có cần phải phá bỏ mọi thứ như thế không?" một thành viên uỷ ban hỏi. "Có, rất cần." Deborah trả lời.

"Chúng ta đã từng là một tổ chức phân cấp như thế này," cô nói. "Chúng ta cần trao đổi với mọi người, khuyến khích họ sáng tạo và cải tiến. Những người lãnh đạo cần phải hiểu rằng ý tưởng vĩ đại thường đến từ những con người gần gũi với ý tưởng đó hơn cả."

Deborah thành lập các nhóm chức năng chéo vận dụng trí tuệ tập thể gồm 12 thành viên từ các cấp khác nhau trong công ty. Bộ phận quản lý sẽ có quyết định cuối cùng, nhưng là với tinh thần hợp tác dựa trên 95% những đề xuất từ các tổ hợp. Rất nhanh sau đó, những cố gắng của Deborah đã được trả công: Sự hỗn loạn cô tạo ra đã giúp phân tán hóa tổ chức, đồng thời khuyến khích nhân viên làm việc một cách nghiêm túc, giúp làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Mô hình lãnh đạo này không phải là lý tưởng cho tất cả mọi tình huống. Các nhân tố xúc tác cũng có những giới hạn nhất định trong việc làm rung chuyển một con thuyền. Họ đảm nhiệm tốt vai trò hoa tiêu cho sự đổi thay hơn là vai trò giám hộ truyền thống. Nhân tố xúc tác hoạt động rất tốt trong các tình huống đòi hỏi những thay đổi cơ bản và suy nghĩ sáng tạo. Họ mang đến sự cải tiến, nhưng họ cũng sẽ tạo ra một sự hỗn độn và không rõ ràng nhất định. Nếu đặt họ vào một môi trường có cấu trúc, họ có thể chết ngạt. Hãy cứ để họ mơ và họ sẽ thăng hoa.


Nguyên văn: macher, trong tiếng Anh của người Do Thái chỉ những người thấp đậm và rất quan trọng.

Một trong những tổ chức giáo dục phi lợi nhưngận lớn nhất thế giới.

Series truyền hình nổi tiếng của Columbia Broadcasting System (CBS), kể câu chuyện tương tự như Romeo và Juliet: đôi nam nữ yêu nhau nhưng gia đình hai bên lại là kẻ thù của nhau.

Tức John Ross Ewing, một nhân vật trong Dallas do Larry Martin thủ vai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#18#truyen