CHƯƠNG VI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phân tán hóa

Cửa hàng Long Haul Infoshop không phải là loại cửa hàng sách mà bạn có thể gặp hàng ngày, thậm chí cả ở Berkeley. Một buổi tối tháng Mười một năm 1995, 15 người cùng ngồi trong một căn phòng phía sau cửa hàng. Ðó là một nhóm gồm vài sinh viên độ khoảng hai mươi, mấy anh chàng người Anh, vài ca sỹ Punk Rock và một phụ nữ trông có vẻ thích hợp với một buổi tiệc của Tupperware hơn là trong một căn phòng như thế này. Lần lượt từng người một tự giới thiệu về mình. Dù mỗi người có địa vị và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một mối quan tâm chung là quyền (được) bảo vệ (của) động vật.

"Ðã đến lúc phải hành động mạnh tay," Sky - người luôn biết rất rõ mình đang làm gì - phát biểu. Cao một mét tám, với mái tóc vàng cắt tỉa gọn gàng và chiếc áo sơ-mi flannel màu xanh sạch sẽ, trông Sky vừa như một cậu sinh viên, lại vừa như một người thợ đốn gỗ hay một hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm. Vài ngày trước, Sky đã đi tàu hỏa đến Berkeley, chính xác hơn là một chuyến tàu chở hàng. Anh nhảy tàu từ vùng nam Oregon, sau vài lần chuyển tàu, cuối cùng anh ghé lại đây thăm mấy người bạn. Toàn bộ chuyến đi này chưa tới một tuần.

Lúc này mọi người ở Long Haul đang chăm chú theo Sky. Anh trải tấm bản đồ lên chiếc bàn cũ và bắt đầu hướng dẫn mọi người làm sao để đọc nó. Anh cũng nói về tầm quan trọng của la bàn trong việc xác định phương hướng và cách sử dụng còi hơi - đó là tất cả các dụng cụ cần thiết để phá hỏng một cuộc đi săn. Ý tưởng của anh là đi sâu vào những vùng đất công trong suốt mùa săn để ngăn không cho người ta săn bắn các loài động vật doang dã. Trong bộ trang phục màu da cam, những người hoạt động xã hội sẽ theo sau cánh thợ săn cho đến khi những người này xác định được con mồi. Lúc đó, ngay khi người thợ săn chuẩn bị bắn, họ sẽ thổi còi om sòm và dọa cho con mồi chạy đi.

Người phụ nữ Tupperware bắt đầu lo lắng, "Thế còn những thợ săn," cô nói, "nhỡ họ bắn vào chúng ta thì sao?" Sky không hề bối rối, "Thế nên chúng ta mới phải mặc áo khoác màu da cam. Họ sẽ không bắn vào chúng ta đâu. Ðiều đó là chắc chắn." Nhưng người phụ nữ vẫn chưa hết lo lắng, trông cô không được thoải mái lắm khi nghĩ về những gì Sky vừa nói. Còn Sky - anh chưa bao giờ nói cho ai biết họ của mình - thì đã quen với những tình huống như thế này mỗi khi đặt chân đến một thị trấn mới. Có một số người phù hợp một cách tự nhiên trong vai trò người phá hoại các cuộc săn, một số khác thì không. Nhưng Sky không bao giờ nói những điều mang tính phủ nhận hay thiếu khuyến khích. Công việc của anh, như Sky tự nhìn nhận, là thuyết phục nhóm đứng lên hành động. Các thành viên sẽ dần nhận ra ai là người thích hợp, ai không, và sẽ cùng nhau làm công việc gì theo nhóm.

Trên nhiều phương diện, Sky như một nhà tổ chức liên hiệp. Anh cũng là ví dụ hoàn hảo của một nhân tố xúc tác. Anh đến một thị trấn tiến bộ như Berkeley và liên kết với những nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền của động vật. Không khó để tìm thấy họ - bởi vì mỗi thị trấn như vậy thường có ít nhất một nhóm kiểu này hoạt động. Cộng đồng bảo vệ quyền động vật khá nhỏ và gắn bó nên các nhà hoạt động quan trọng ở các thành phố thường quen biết nhau. Ngay lập tức Sky sẽ được cho biết rằng: "Khi ở Berkeley, hãy đến tìm Mike Jenkins, anh ấy biết rõ mọi việc ở đó." Sky đến Berkeley, liên hệ với Mike và từ từ tìm hiểu về anh này. Nếu thấy Mike là một người tốt và tin tưởng được, Sky sẽ bắt đầu với những câu hỏi đại loại như "Anh nghĩ thế nào về hoạt động trực tiếp?" hay "Anh đã bao giờ tham gia CD chưa?" Nếu Mike có vẻ tiếp thu, Sky sẽ hỏi xem liệu có ai khác nữa có hứng thú tham gia hay không.

Với sự giúp đỡ của Mike, Sky sẽ lôi kéo một nhóm, chẳng hạn như nhóm đào-tạo-kẻ-phá-hoại của Long Haul. Ðây chỉ là phần nhỏ trong một chiến lược lớn. Sky sẽ đi hết thị trấn này đến thị trấn khác để liên kết các nhà hoạt động lại với nhau. Anh sẽ xây dựng nên một mạng lưới giúp mọi người cùng hoạt động - các tổ hợp trên khắp cả nước sẽ tiến hành các hoạt động chống săn bắn khác nhau. Họ được khích lệ tham gia các hoạt động trực tiếp vì động vật, cho nên có thể nói mạng lưới các tổ hợp này thực chất là một phần của Mặt trận giải phóng động vật (ALF), một trong những tổ chức phân tán lớn nhất vùng Âu Mỹ.

ALF được thành lập năm 1980 từ một tổ hợp cũng giống như Long Haul. Các nhà hoạt động xông vào những phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu để giải phóng các con thú bị nhốt, rồi lợi dụng hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, họ tìm nhà mới cho chúng. Các nhà hoạt động khác trên thế giới nghe tin về sự kiện này thì rất hào hứng và cũng bắt đầu thực hiện những hoạt động riêng của mình. Việc xông vào các phòng thí nghiệm mang lại cảm giác kích thích, lôi cuốn như thể đi ăn trộm nữ trang một cách chính đáng như Robin Hood.

Ban đầu các phòng thí nghiệm không hiểu ai tấn công mình, nhất là khi công chúng thực sự bị sốc khi biết được điều gì diễn ra với những con thú đằng sau những cánh cửa đóng kín của các phòng thí nghiệm, dù sự chấp thuận của công chúng không phải là sự phê chuẩn sống còn cho các hoạt động phi pháp của ALF. Ví dụ như sau một vụ đột nhập, các nhà hoạt động công bố những bức ảnh chụp họ trong trang phục của một ninja đang vuốt ve những chú chó được giải cứu vẫn còn trong trạng thái hoảng sợ sau những thí nghiệm về bỏng. Hay một trường hợp khác, các nhà hoạt động phát hiện ra một cuốn băng video của một nhà nghiên cứu quay cảnh một con linh trưởng khoẻ mạnh bị đem ra làm đối tượng cho những thí nghiệm chấn thương đầu lặp đi lặp lại. Và sau cuộc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu còn liên tục trêu chọc con vật đã bị chấn thương não. Những bức ảnh và đoạn phim đẫm máu bắt đầu làm thay đổi quan niệm của công chúng. Sau khi chúng được công bố, và sau vài lần bị các nhà hoạt động tấn công, các phòng thí nghiệm phản công lại. Họ chỉ rõ: Chúng ta không thể để tình trạng vô luật pháp tồn tại như thế được.

Cục điều tra liên bang (FBI) vào cuộc. Và cũng như những người Tây Ban Nha năm xưa, họ thu được rất ít kết quả. ALF rất khác với những gì mà FBI từng gặp trước đây. FBI không thể chặt bỏ cái đầu của ALF, bởi vì, cũng giống như một con sao biển, tổ chức này không có một cái đầu để mà chặt. ALF là một tập hợp gồm các tổ hợp liên kết với nhau một cách không chặt chẽ, được nhóm lên bởi những nhân tố xúc tác như Sky. Các nhóm hợp tác với nhau trên nền tảng là không theo quy định nào cả. Mỗi tổ hợp có quyền tự do làm điều mình muốn. Họ thường xuyên được khơi gợi cảm hứng và ý tưởng từ thành công của các tổ hợp khác.

Ingrid Newkirk, người sáng lập tổ chức Con người vì hoạt động đối xử tốt với động vật (PETA) thậm chí còn xuất bản cả một cuốn sách đọc lên nghe như một phần của loạt phim Ðiệp vụ bất khả thi . Cuốn sách ghi lại những hoạt động của một nhà hoạt động ALF có biệt danh "Valerie": cô đã đến với phong trào như thế nào, tham gia vào một tổ hợp như thế nào, thậm chí cả việc cô đột nhập vào một phòng thí nghiệm ra sao. Cuốn sách của Newkirk phác họa một ý thức hệ và hướng dẫn bạn từng bước làm thế nào để trở thành một nhà hoạt động ALF. Cũng trong dòng chảy đó, các nhà hoạt động bắt đầu xuất bản những tài liệu không chính thức về cách thức thực hiện những hoạt động trực tiếp (lập nên một tổ hợp, kết bạn với một người làm việc bên trong phòng thí nghiệm, do thám trước địa điểm, lên kế hoạch...)

Ngay từ đầu, FBI đã không có một cơ hội nào. Các đặc vụ đã cố gắng xâm nhập vào các tổ hợp, thậm chí ra lệnh bắt và kết án một vài nhà hoạt động. Nhưng những người bị kết án lập tức trở thành anh hùng của phong trào, truyền thêm cảm hứng cho các nhà hoạt động khác tham gia ALF. Về phía các phòng thí nghiệm, họ nhận ra rằng tổ chức ALF sẽ không đi đâu cả trong thời gian tới. Cũng giống như tập đoàn viễn thông AT&T cùng các hãng thu âm, họ tìm cách để tự bảo vệ mình. Các phòng thí nghiệm chuyển thành những pháo đài dưới lòng đất. Nếu bạn đến thăm góc tây bắc của đại học UC Berkeley, bạn sẽ thấy một bãi cỏ xanh lớn trông như một sân chơi rất tuyệt cho sinh viên ném đĩa bay vào những ngày Chủ nhật đẹp trời. Nhưng nếu nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy vô số camera an ninh và cầu thang bê-tông dẫn xuống dưới. Các cầu thang này dẫn tới một phòng thí nghiệm động vật trông như một boong-ke khổng lồ chứa hàng chục ngàn con thú thuộc đủ các loài khác nhau. Các phòng thí nghiệm Berkeley trước đây vốn rải rác khắp nơi là những mục tiêu dễ dàng cho ALF tấn công. Thế nên trường Ðại học đã tập hợp tất cả các phòng thí nghiệm lại trong một cấu trúc nhằm dễ dàng quản lý việc ra vào và tăng cường an ninh. Khách bình thường sẽ không được vào thăm. Bạn không thể cứ thế xông thẳng từ phố vào, trừ phi bạn vượt qua được các lính gác, các cánh cửa kim loại dầy ken và các ô cửa sổ chống đạn.

Như chúng ta đã thấy trong trường hợp của chương trình Apache và những người dùng P2P, khi bị tấn công, các tổ chức phân tán sẽ trở nên phân tán hơn nữa. Còn các tổ chức kiểu nhện thì ngược lại, và đó cũng chính là quy tắc thứ tám của phân tán: khi bị tấn công, các tổ chức tập trung có xu hướng trở nên tập trung hơn nữa . Họ co cụm lại và dựng lên các hàng rào bảo vệ. Chiến lược này có hiệu quả với các phòng thí nghiệm, nhưng với việc kinh doanh thì sao? Hay thậm chí là với cả một quốc gia trước vấn đề tương tự?

Mặc dù ý thức hệ khác nhau, nhưng sự tương đồng cấu trúc của tổ chức khủng bố Al Qaeda và ALF là rất đáng chú ý. Chính phủ Mỹ đã có hành động trả đũa sự kiện ngày 11/9, và các phòng thí nghiệm cũng có cách phản ứng tương tự.

ALF về cơ bản là một ý thức hệ hơn là một tổ chức. Trong thực tế, bất cứ ai làm điều gì có lợi cho động vật đều đã là những người giải phóng động vật, là một phần của ALF. Cũng thế, Al Qaeda hoàn toàn dựa trên một ý thức hệ. Trong khi ALF được bênh vực bởi niềm tin rằng động vật cần phải được đối xử tốt, thì ý thức hệ của Al Qaeda lại được củng cố bởi nỗi sợ rằng người phương Tây sẽ đe dọa nền văn minh Hồi giáo. Ý thức hệ này bắt nguồn từ xung đột văn hóa giữa Công giáo và Hồi giáo từ cuộc Thập Tự chinh năm xưa.

Nếu như Sky có thể chuyển ý thức hệ của các nhà hoạt động xã hội thành những hoạt động trực tiếp, thì những nhân tố xúc tác như Osama bin Laden cũng có khả năng chuyển cơn thịnh nộ trước sự bành trướng của phương Tây và cuộc xâm lược Afghanistan thành những hoạt động khủng bố.

Các tổ hợp Al Qaeda có rất nhiều điểm chung với nhóm Long Haul. Cả hai đều dựa trên một thực tế: những người bình thường khi được tổ chức thành các tổ hợp và nhóm thì sẽ có sức mạnh ghê gớm. Mỗi vụ đột nhập vào phòng thí nghiệm lại khuyến khích những cuộc đột nhập khác, cũng như vậy các hoạt động khủng bố của Al Qaeda cũng truyền cảm hứng cho các nhóm khủng bố khác trên khắp thế giới làm theo. Cũng giống như hội AA, Al Qaeda đã nảy nở trên nhiều quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ả Rập, Anh và cả Jordan. Các cơ quan đầu não của Al Qaeda không vạch ra kế hoạch cho mỗi cuộc tấn công mà thực tế là mỗi thành viên tự lĩnh hội ý thức hệ và làm theo những gì đã thành công trước đây. Rất nhiều nhóm không phải là Al Qaeda nhưng cũng tự nhận như thế.

Chúng tôi biết đến sự nảy nở của các tổ hợp này lần đầu tiên khi đến Kenya. Khu ổ chuột Kibera ngoại ô Nairobi là nơi tồi tệ nhất châu Phi. Joseph, một người đàn ông nồng hậu gần sáu mươi tuổi làm hướng dẫn viên cho chúng tôi đi qua những con đường không có vỉa hè, nơi một triệu người dân sống chen chúc trong khoảng hơn 200 héc-ta, không có điện, không có nước và không hệ thống cống rãnh. Ðường phố ngập ngụa những bùn (ít nhất chúng tôi cũng tự nói với mình rằng đó là bùn), và rác rưởi thì ở khắp mọi nơi. Ðiều kiện sống ở Kibera quá khắc nghiệt khiến cho tuổi thọ trung bình người dân chỉ khoảng độ 38 và vẫn đang tiếp tục giảm. Một gia đình điển hình ở đây có khoảng từ tám đến mười người sống chen chúc trong một căn lán chưa đầy tám mét vuông. Chỗ được gọi là "phòng khách" chỉ được phân biệt với "phòng ngủ" bởi một tấm trải giường rách nát. Khi đến thăm vài gia đình như vậy, lần đầu tiên chúng tôi hiểu thế nào là không có một cái gì cả.

Mặc dầu người dân Kibera không có những tiện nghi hiện đại nhưng họ cũng bắt đầu thấy được chúng ta sống ra sao - những chiếc xe hơi lộng lẫy, những ngôi biệt thự, rồi đồ ăn nhanh. Một phần trong số họ cũng muốn có được cuộc sống như thế, nhưng phần còn lại thì phẫn nộ cho rằng sự bành trướng của phương Tây đang làm thay đổi cuộc sống truyền thống của họ. Trong những khu ổ chuột như Kibera, sụ phẫn nộ này mạnh mẽ đến nỗi có những lúc người dân trở nên cực đoan. Nếu bạn sống trong một khu ổ chuột, bạn không thể gây dựng một quân đội truyền thống nhưng lại có thể thành lập các tổ hợp. Hãy tưởng tượng chúng tôi đã choáng váng thế nào khi Joseph kín đáo chỉ về phía một nhóm người trung niên đang ngồi hút thuốc bên ngoài ô cửa và nói, "Nhìn kìa, dưới con hẻm kia là một nhóm Al Qaeda đấy."

Al Qaeda đã vươn tới khu ổ chuột Kibera, các tổ hợp này đã có thể trao đổi thông tin với nhau qua điện thoại di động và e-mail. Nhóm ở Kibera có thể giao tiếp dễ dàng và thường xuyên với các nhóm khác ở Kabul, Munich hay New York.

Ðáp trả lại các cuộc tấn công của Al Qaeda, Chính phủ Mỹ tăng cường phòng bị và ngày càng trở nên tập trung hơn. So với hệ thống khá phân tán trước đây, tổ chức Chính phủ đã thay đổi rất nhiều. Các vị Cha Già của nước Mỹ xưa kia đã từng nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh phân tán. Hiến pháp trước đây dựa trên hai nguyên tắc sao biển cơ bản: Thứ nhất, Chính phủ chia thành ba nhánh chính, mỗi nhánh độc lập và tự quản. Thứ hai, mục đích của Hiến pháp nhằm giảm bớt quyền lực của Chính phủ liên bang và san sẻ quyền lực cho các bang.

Sau nhiều năm, Chính phủ liên bang dần trở nên lớn mạnh và tập trung hơn. Sự tập trung này mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Chính phủ thiết lập các chương trình - như hệ thống ngân hàng trung tâm và tỷ giá tiền tệ, trợ cấp hỗ trợ người nghèo, Cơ quan bảo vệ môi trường - nhằm khôi phục các nguồn tài nguyên và chăm lo an sinh xã hội cho người già. Quá trình tập trung hóa diễn ra dần dần từng bước.

Sự kiện ngày 11/9 đã khiến cho quá trình tập trung hóa diễn ra nhanh chóng hơn. Ðó là một phản ứng tự nhiên khi bị tấn công, để có thể tăng cường phòng bị và chấp nhận tâm lý ra-lệnh-và-điều-khiển. Trong bối cảnh này, việc thành lập Ban An ninh Quốc gia là rất có ý nghĩa. Nhưng rồi thì, quá trình tập trung hóa này cũng lún theo vết xe đổ của các nhà đầu tư người Pháp - trong câu chuyện Dave Garrison. Sau cuộc tấn công ngày 11/9, Chính phủ Hoa Kỳ đã cho truy lùng người cầm đầu Al Qaeda, cũng như những nhà đầu tư Pháp đã đòi biết cho được ai là chủ tịch Internet. Mục tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ rõ ràng là Osama bin Laden, với mức giá 25 triệu đô-la.

Có lý do căn bản cho chiến lược này. Lấy ví dụ một gia đình thông thường như nhà Sopranos chẳng hạn. Bạn nhận định rằng Tony là người đứng đầu vì cậu ta thông minh và có khả năng nhất. Nếu bạn bắt Tony đi thì gia đình này sẽ có một cuộc cạnh tranh để tìm ra người thay thế. Khi đó có lẽ anh họ của Tony - không thông minh bằng - dần dần sẽ nắm giữ vai trò đứng đầu. Và nếu bạn bắt cả anh ta thì người thay thế tiếp theo thậm chí còn kém hơn nữa, cứ thế bạn sẽ dần dần hạ gục gia đình này. Chiến lược ấy rất có lý khi áp dụng với một tổ chức tội phạm, nhưng lại trở nên rất lúng túng trước một tổ chức sao biển. Chúng ta đã học được một điều từ các tổ chức sao biển rằng: nếu lấy đi nhân tố xúc tác thì tổ chức ấy vẫn có thể hoạt động bình thường, thậm chí còn mạnh hơn trước là khác. Nếu nhân tố xúc tác bị triệt hạ, quyền lực sẽ được chuyển cho các tổ hợp và điều đó khiến tổ chức lại càng trở nên phân tán hơn.

Chính phủ Hoa Kỳ không chỉ truy lùng các nhân tố xúc tác mà còn truy lùng đến các tổ hợp. Nhưng mưu kế này cũng không hiệu quả hơn so với việc truy lùng nhân tố xúc tác. Dẫu bạn triệt hạ một, hai, hay thậm chí cả trăm tổ hợp như thế thì tổ chức vẫn cứ hoạt động như thường. Chưa kể các tổ hợp mới sẽ mọc lên như nấm sau cơn mưa. Chính phủ Hoa Kỳ đã lặp lại sai lầm mà các phòng thí nghiệm từng vấp phải khi chiến đấu với ALF. Và không chỉ có vậy, có một điều khá hài hước, FBI trong khi truy đuổi Al Qaeda cũng đặt ra các chiến dịch chống lại ALF, coi các thành viên của tổ chức này là những kẻ khủng bố tầm địa phương. Và FBI đã tiến hành mở rộng phạm vi giám sát, đặt ra các bồi thẩm đoàn và bắt giữ các nhà hoạt động. Một số cố gắng của FBI rốt cuộc cũng đạt được chút thành công, tuy vậy ALF thì vẫn cứ sống khỏe.

Có những thay đổi có thể thành công hơn về lâu về dài. Chúng ta đã thấy các tổ chức phân tán có thể gây ra những thiệt hại trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Và chúng ta cũng thấy chiến lược chống lại các tổ chức này đã thất bại như thế nào. Có lẽ bạn nghĩ rằng những người đứng đầu các tập đoàn và Chính phủ sẽ phải dần rút lui trong im lặng, thừa nhận thất bại trước các đối tượng phân tán này. Nhưng sao biển không phải là bất khả chiến bại. Chúng ta hãy cùng xem xét một vài chiến lược "đổ bê-tông" nhằm chống lại sự xâm lăng của sao biển. Ðầu tiên là câu chuyện từ những khu ổ chuột ở Kenya, thứ hai là từ sa mạc Tây Nam và thứ ba là từ Trung Ðông.

Chiến lược thứ nhất: Thay đổi ý thức hệ

Cuối những năm 1990, Dải Ðá ngầm lớn ở Australia phải hứng chịu cuộc xâm lăng của những con sao biển. Sao biển nhiều đến nỗi chúng bắt đầu phá huỷ rặng san hô. Một số thợ lặn quan tâm đã quyết định tự mình hành động, họ thành lập một nhóm OUCH - những anh hùng lập lại trật tự rặng san hô ngầm. Họ đã lặn xuống và dùng dao xẻ những con sao biển ra làm hai nhằm giết chết chúng.

Vấn đề là, tất nhiên những nửa sao biển này lại phát triển thành những con sao biển mới. Những cố gắng của OUCH chỉ càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nhưng rồi một nhà khoa học đã tìm ra giải pháp. Ông nhận ra hai nguyên nhân thực sự của vấn đề là: nước bị ô nhiễm và nhiệt độ tăng lên. Giải pháp duy nhất là làm giảm các điều kiện môi trường này xuống. Ðiều này thật sự rất khó khăn, nhưng là cách duy nhất để chống lại lũ sao biển.

Cũng tương tự, việc tiêu diệt nhân tố xúc tác thật ra là cố gắng vô ích nhất, bởi vì khi bạn truy đuổi các tổ hợp thì những tổ hợp mới đã nhanh chóng sinh ra. Phần duy nhất trong một tổ chức phân tán mà bạn có thểthực sự đuổi theo chính là ý thức hệ.

Hãy xem điều gì xảy ra ở Kenya. Giữa những người nghèo đói trong khu ổ chuột Kibera, chúng tôi đã thấy những tia hy vọng le lói: trong hiệu cắt tóc chỉ cỡ bằng một buồng tắm nhỏ, một người đàn ông tự hào ngồi cắt tóc trên chiếc ghế có lẽ còn nhiều tuổi hơn cả ông ta, một phụ nữ bán đồ ăn nhẹ bên cái vỉ nướng ngoài căn lán, rồi một đám trẻ bu xung quanh một rạp chiếu phim mi-ni với bảy chiếc ghế gấp và một chiếc TV làm màn chiếu.

Mỗi hoạt động kinh doanh nho nhỏ này - hiệu cắt tóc, chiếc vỉ nướng và rạp hát - đều được sự giúp đỡ của tổ chức Jamii Bora Trust. Mọi sự bắt đầu khi Ingrid Munro, một nhân viên Liên Hợp Quốc người Thuỵ Ðiển, quyết định về hưu. Những cư dân khu ổ chuột hết thảy đều biết và yêu quý bà, họ đặt cho bà biệt danh "Bà Volvo" - theo nhãn hiệu của chiếc xe cũ mà bà vẫn đi trên những con đường lầy lội của khu ổ chuột. Một cái tên khác nữa của bà là "Má Ingrid". Bà là người phương Tây duy nhất gia nhập vào khu ổ chuột và thực sự ăn ở cùng những người dân ở đây - những kẻ ăn xin, trẻ mồ côi và tội phạm.

"Má Ingrid," một nhóm phụ nữ ăn xin hỏi bà, "Chúng tôi sẽ làm gì sau khi má về hưu? Lúc đó chúng tôi biết sống thế nào đây?" Munro hiểu rằng hy vọng duy nhất cho những người phụ nữ này là cho họ công cụ để vươn lên thoát khỏi cái nghèo. Và Munro nói với họ rằng nếu họ bắt đầu tiết kiệm tiền, bà có thể cho họ vay gấp đôi số tiền mà họ đã dành dụm được. Chẳng hạn nếu một người để dành được 10 si-linh, bà sẽ cho cô ta vay 20 si-linh.

Và những người phụ nữ đã lập thành một tổ hợp trong đó người này đảm bảo cho khoản vay của người kia. Một ngân hàng dành cho người nghèo Kenya đã ra đời. Ngay cả những người trước đây không được ai tin tưởng cũng có thể có tài khoản vay, nhờ thế mà họ có cơ hội có được một cuộc sống tốt hơn. Và thế là một tổ hợp chỉ gồm vài phụ nữ ăn xin đã phát triển thành một tổ chức với hơn 100.000 thành viên. Với những thành viên như Janet, khoản vay đầu tiên của cô chỉ đủ mua một củ khoai tây để bán lại ở chợ. Nhưng với khoản lợi từ việc mua bán ấy, cô có thể vay thêm một ít để mua được hai củ khoai tây. Rồi đến một ngày cô đã đủ tiền để mua cả một bao khoai tây. Giờ thì cô có thể buôn bán với số lượng lớn được rồi. Từ từng củ khoai một, cô xây dựng nên một công việc kinh doanh nhỏ, và dần dần có thể đứng lên thoát khỏi cái nghèo.

Ðiều mà một khoản vay nhỏ làm được thật đáng kinh ngạc. Beatrice Ngendo là một phụ nữ sống với mười hai đứa cháu ở Kibera. Tất cả các con của bà đều đã chết vì AIDS. Bà vẫn thường tự nhủ: Mình phải làm việc bằng hai những người mẹ khác ở Kibera để nuôi nấng và dạy dỗ các cháu. Nhờ khoản vay của mình, Beatrice đã khởi đầu bốn công việc kinh doanh khác nhau và đều thành công: một cửa hàng rau, một quầy bán thịt, một nhà hàng, và một nhà trọ bằng đá do chính tay bà xây. Tất cả các cháu của bà đều được đi học. Khi chúng tôi gặp Beatrice thì đứa cháu lớn nhất của bà vừa mới tốt nghiệp chuyên ngành y tá.

Một thành viên khác của Jamii Bora là Wilson Maina, một nhân vật cuốn hút với nụ cười truyền cảm. Wilson được rất nhiều người Kibera ngưỡng mộ. Ông phụ trách một công việc kinh doanh nhỏ là bán quần áo cũ. Nhưng chỉ vài năm trước thôi, Wilson vẫn còn là một tội phạm bạo lực. Nếu không có khoản vay từ Jamii Bora thì những người như Wilson sẽ là ứng cử viên đầu tiên tham gia các nhóm khủng bố. Bởi xét cho cùng thì ông đâu có gì để mất. Nhưng mọi sự đã thay đổi khi ông nghe nói về Jamii Bora. Ông rất ngạc nhiên khi được khuyến khích trở thành một thành viên. Lần đầu tiên trong đời ông nhận thấy mọi người không những không khinh rẻ mà còn đón nhận mình. Ông choáng váng và cảm động trước sự tin tưởng ấy. Và khi thay đổi cuộc sống của mình, Wilson cũng trở nên hăng hái trong việc khuyên bảo các thanh niên khác từ bỏ cuộc sống tội phạm.

Với mỗi khoản vay của mình, Jamii Bora dần thay đổi ý thức hệ cho các khu ổ chuột. Sức ảnh hưởng của tổ chức này không chỉ dừng lại ở khía cạnh con người, Jamii Bora còn là một trong những vũ khí tốt nhất chống lại Al Qaeda. Trong nhiều năm, các khu ổ chuột là những địa điểm vô vọng nhất nơi bọn khủng bố tập hợp lực lượng thành viên - hãy gia nhập với bọn này, chúng nói, và chúng ta sẽ chiến đấu. Jamii Bora đã thay đổi ý thức hệ từ "Cuộc sống này thật vô vọng, có lẽ mình nên gia nhập một nhóm khủng bố," sang "Có hy vọng rồi! Mình có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn."

Tại một lục địa khác, ở đất nước Afghanistan, một tổ chức đáng chú ý khác cũng đã làm thay đổi ý thức hệ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Tổ chức Các Thế hệ Tương lai đặt ra một câu hỏi đơn giản nhưng rất quyết liệt: Làm thế nào để giúp mọi người biết cách sử dụng những gì họ đang có?

Tổ chức này không gửi viện trợ cho cộng đồng người nghèo ở đây. Thay vào đó, họ triển khai các nhân tố xúc tác. Ví dụ như trường hợp của Abdullah - anh được cử tới Bamian, một tỉnh thuộc Afghanistan, nơi được nhiều người biết đến với sự kiện quân đội Taliban phá huỷ các di tích Phật giáo năm 2001. Abdullah bắt đầu phong trào poggel, hay phong trào "điên rồ", của mình. Anh nói với mọi người: "Nếu cậu poggel đến nỗi tin rằng thế giới này hoàn toàn có thể tốt đẹp hơn thì hãy tham gia nhóm Poggel."

Khi gia nhập nhóm Poggel, mỗi người phải nộp 200 viên gạch phơi khô. Cứ thêm một thành viên tham gia, nhóm này lại có thêm rất nhiều gạch. Và mọi người bắt đầu tự hỏi: chúng ta sẽ làm gì với số gạch này đây?

Câu trả lời đã quá rõ ràng - số gạch đó là để xây dựng lại cộng đồng. Các cựu chiến binh cũng tham gia, và dần dần họ hiểu nhau hơn. Không cần đến tiền hay sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhóm Poggel đã xây dựng được mạng lưới gồm 350 lớp học trong các nhà thờ Hồi giáo, dạy hơn 10.000 phụ nữ và trẻ em biết đọc biết viết. Tổ chức này cũng tham gia vào các chương trình sức khỏe cộng đồng, các dự án trồng rừng, nỗ lực giảm hạn hán, đào mương phục vụ tưới tiêu và thậm chí là tổ chức các khóa học vi tính và tiếng Anh cho cộng đồng.

Giống như các thành viên Jamii Bora, cộng đồng Các Thế hệ Tương lai cũng đang tự mình từng bước đi lên. Thông qua việc cải thiện điều kiện sống trong những vùng như Kenya và Afghanistan, các tổ chức đang dần thay đổi ý thức hệ của xã hội. Tương tự, cái mà chúng ta vẫn gọi là "Ngoại giao Chinook " cũng đang có những tác động mạnh mẽ tới nhận thức về nước Mỹ ở những vùng như Pakistan và Kashmir.

Vài tuần sau trận động đất Kashmir năm 2005, Rod đến thăm khu vực này. Ngay khi vừa rời sân bay ở Islamabad, anh đã nghe tiếng mặt đất rung chuyển. Rồi hai chiếc trực thăng Chinook khổng lồ bay ngang trên đầu anh. Rod hơi lo lắng, nhưng người lái xe đã quay lại nhìn anh và mỉm cười. Anh ta hét lên trong tiếng ồn của động cơ, "Nhìn kìa, tuyệt quá! Máy bay của Mỹ đấy." Khi làm thủ tục nhận phòng khách sạn, Rod lại nghe thấy tiếng động cơ ầm ĩ lần nữa. Hai chiếc Chinook liều lĩnh mang theo những vật phẩm cứu trợ cần thiết đang bay về phía vùng núi.

Những chiếc Chinook này đã mang lại những ấn tượng cụ thể nhất về hoạt động cứu trợ. Bạn nghe thấy tiếng động cơ từ cách xa hàng dặm và cảm thấy sự rung động trong cơ thể mình khi chúng hạ cánh. Rồi bạn ngửi thấy mùi xăng và nếm vị của bụi. Ðó chính là những gì bạn có thể cảm nhận được ở một nỗ lực cứu trợ qua hình ảnh, mùi vị và âm thanh.

Người Mỹ đã không thể có một đại sứ nào tốt hơn những chiếc Chinook này. Chúng đã chiếm được trái tim và lý trí của hàng chục triệu người Pakistan và Kashmir. Trong một thời gian dài, rất nhiều người đã giữ một thành kiến chống Mỹ, nhưng khi nhìn thấy những chiếc trực thăng mang theo vật phẩm cứu trợ, họ đã nhận ra thông điệp: Người Mỹ có quan tâm, và họ đến đây là để giúp đỡ.

Ấn tượng sâu đậm nhất với Rod là khi anh bị kẹt trong một vụ tắc đường giữa Muzaffarabad và Islamabad. Khi xe lên đến lưng chừng núi, anh lại bắt gặp hình ảnh của những chiếc Chinook. Cậu bé đứng cạnh cửa xe của Rod chỉ tay lên không trung, khuôn mặt rạng rỡ, chân nhún nhảy, nói với cha mà như hét lên. Còn cha cậu, trong bộ râu dài và trang phục truyền thống Kashmir, không nói gì, chỉ ngước nhìn lên và mỉm cười. Trong tiếng ầm ĩ lại có một điều gì đó rất êm đềm trên bầu trời. Và ý thức hệ của những người này đang bắt đầu thay đổi.

Nhưng thay đổi một ý thức hệ không phải dễ dàng gì. Như các nhà tâm lý học đã cho biết, phải cần ít nhất là một tháng để thuyết phục, tính toán mới có thể thay đổi được ý thức hệ của một ai đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể thay đổi cách nhìn thế giới chỉ sau một giấc ngủ được.

Một điều hài hước là lý do mà Jamii Bora cùng những chiếc trực thăng Chinook dần thành công trong việc thay đổi ý thức hệ của con người chính là bởi mục đích của họ không phải là thay đổi mà là giúp đỡ. Bởi vì Jamii Bora thực sự muốn giúp nên mọi người đã đáp lại theo chiều hướng tốt. Quá trình này diễn ra từ từ và tinh vi. Nếu cố gắng nhồi nhét vào đầu người ta thì bạn sẽ chỉ nhận được phản ứng dữ dội. Bởi vì người ta có xu hướng trở nên phòng bị và khép kín khi cảm thấy có ai đó đang cố lôi kéo hay điều khiển mình.

Ðó chính là những gì đã xảy ra khi quân đội Tây Ban Nha ra sức ép buộc những người Apache theo Thiên Chúa giáo. Ðể phản kháng lại, những người Apache đã chấp nhận từ bỏ mọi thứ và đấu tranh chống lại nền văn hóa phương Tây trong hàng thế kỷ. Tuy nhiên một vài ngành công nghiệp cho đến nay vẫn chưa lĩnh hội được hết bài học này.

Lấy ví dụ gần đây nhất về sự cố gắng của ngành công nghiệp phim ảnh nhằm gây ảnh hưởng tới những người hâm mộ P2P. Ngành công nghiệp này đã tạo ra những tuyên bố, thường được phát cùng những đoạn giới thiệu phim. Một đoạn giới thiệu 45 giây làm theo kiểu MTV với góc máy thay đổi liên tục bắt đầu bằng cảnh một cô bé tuổi teen đang tải phim trên máy tính. Phần tiếp theo đại loại là như thế này:

Dòng chữ BẠN KHÔNG ÐƯỢC ĂN CẮP Ô TÔ

Sáng lên trên màn hình, tiếp theo là cảnh một cậu bé đang ăn trộm xe.

BẠN KHÔNG ÐƯỢC ĂN CẮP TÚI XÁCH

Cảnh anh chàng kia nẫng ví của một quý bà tại một quán cà phê ngoài trời.

BẠN KHÔNG ÐƯỢC ĂN CẮP TV

Một tên ăn cắp đường phố đang khuân chiếc TV từ trong một con hẻm đi ra.

BẠN KHÔNG ÐƯỢC ĂN CẮP PHIM

Cảnh một anh chàng đang thó một chiếc đĩa DVD.

TẢI PHIM KHÔNG CÓ BẢN QUYỀN LÀ ĂN CẮP.

ĂN CẮP LÀ PHẠM PHÁP.

Không ngạc nhiên khi đoạn quảng cáo này nhanh chóng trở thành trò đùa trong giới trẻ. Ngành công nghiệp phim ảnh cố tỏ ra sành điệu và độc đáo, nhưng rồi họ đã thất bại vì cùng lý do với thất bại thảm hại của chiến dịch "Hãy Nói Không " của Nancy Reagan.

Ðiều cuối cùng mà lũ tuổi teen muốn nghe chính là những thông điệp từ người lớn cố gắng bắt chước giọng điệu bọn choai choai để bảo với chúng rằng những việc chúng làm chẳng có gì là hay ho cả.

Suy nghĩ của giới trẻ ngày nay là "Tại sao phải mất tiền mua phim ảnh và âm nhạc trong khi có thể tải về miễn phí?" Và ngành công nghiệp phim ảnh thì đang cố thay đổi suy nghĩ này với những khẩu hiệu choang choang kiểu: "Ðừng hưởng ứng, hãy phản ứng," và "Tải phim không bản quyền là ăn cắp."

Nếu như có thể thay đổi thành công một ý thức hệ sao biển thì kết quả thật tuyệt vời, vì thế theo lý thuyết, việc thay đổi một ý thức hệ là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng quá trình này không phải dễ dàng. Ðừng có mong chờ rằng đám nhóc tuổi teen sẽ lặp đi lặp lại câu thần chú "Ðừng hưởng ứng, hãy phản ứng" chỉ trong một thời gian ngắn.

Chiến lược thứ hai: Tập trung hóa

(Phương pháp con bò)

Người Tây Ban Nha đã từng cố kiểm soát người Apache một cách vô ích, người Mexico sau đó cũng không may mắn hơn, và khi người Mỹ giành quyền kiểm soát khu vực này thì cũng đã bị tổn hại không ít. Trong thực tế, những người Apache vẫn là mối đe dọa đáng kể cho đến tận đầu thế kỷ 20. Nhưng rồi gió đổi chiều và người Mỹ chiếm ưu thế. Khi Tom Nevins giải thích, chúng tôi cứ há hốc miệng lắng nghe, không hiểu nổi tại sao một việc đơn giản mà lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy.

"Người Apache vẫn là một mối đe dọa mãi cho đến năm 1914," Nevins kể lại. "Cho đến đầu thế kỷ 20, quân đội Mỹ vẫn hiện diện trong những khu định cư dành riêng cho người da đỏ ở vùng Núi Trắng." Tại sao người Apache lại khó đánh bại đến thế? "Ðó là do các Nant'an," Nevins nói, "ai cũng ủng hộ người mà họ nghĩ là có khả năng lãnh đạo tốt nhất dựa trên hành động và cách sử xự của anh ta. Và điều đó diễn ra rất nhanh." Các Nant'an mới liên tiếp xuất hiện, và người Mỹ cuối cùng cũng "nhận ra rằng để giành quyền kiểm soát, họ cần phải tấn công người Apache ở cấp độ cơ bản hơn. Chính sách này lần đầu tiên được áp dụng với người Navajo - một người Apache - và cũng có tác dụng hoàn hảo với các nhóm Apache miền Tây."

Và đây là điều đã phá vỡ xã hội người Apache: người Mỹ mang gia súc đến cho các tù trưởng. Một khi các tù trưởng này sở hữu một nguồn tài nguyên khan hiếm như thế - những con bò - thì quyền lực của họ bắt đầu chuyển từ biểu tượng sang vật chất cụ thể. Nếu như trước đây các tù trưởng lãnh đạo bằng cách làm gương, thì bây giờ họ có quyền thưởng phạt các thành viên trong bộ lạc bằng cách cho hoặc không cho nguồn tài nguyên này.

Những con bò đã thay đổi mọi thứ. Khi vừa trở nên có quyền lực, các tù trưởng bắt đầu đấu đá nhau để có vị trí trong hội đồng bộ lạc mới được tạo ra. Và càng ngày họ càng giống với những "chủ tịch Internet." Những người bình thường thì tranh thủ vận động tù trưởng để có được nhiều tài nguyên hơn và giận dữ nếu như tù trưởng không phân chia đúng như ý họ. Cấu trúc quyền lực trước kia vốn bình đẳng, thì giờ đây đã bắt đầu phân cấp - quyền lực tập trung ở người giữ vị trí cao nhất. Chính điều này đã làm xã hội người Apache sụp đổ. Nevins phản ánh, "Người Apache giờ đây đã có một Chính phủ tập trung, nhưng cá nhân tôi lại nghĩ đó là điều tệ hại đối với họ, bởi vì nó tạo ra cuộc chiến một mất một còn tranh giành tài nguyên giữa những người cùng nòi giống với nhau." Với cấu trúc quyền lực không còn mềm dẻo như trước đây, người Apache dần trở nên giống như người Aztec, và bởi vậy cuối cùng người Mỹ đã có thể kiểm soát được họ.

Gần một thế kỷ sau ở thành phố New York, điều tương tự cũng đã xảy ra với hội cai nghiện AA. Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm nhà sáng lập Bill W. quyết định từ bỏ quyền kiểm soát và cho phép các tổ hợp tự quyết. Bill và các thành viên AA đã viết lại những gì diễn ra trong cuộc đời họ và AA đã giúp họ như thế nào. Ý tưởng là giữ cho ý thức hệ của tổ chức tiếp tục tồn tại. Bill W. hy vọng rằng đọc cuốn sách đó cũng giống như đang nghe một người cất tiếng trong một cuộc họp AA.

Và hành động từ bỏ nhất ấy là khi Bill W. cùng các tác giả khác quyết định rằng mọi lợi nhuận liên quan tới cuốn sách - The Big Book - sẽ được dành để ủng hộ cho Hiệp hội AA Thế giới, hỗ trợ các chi hội AA trên khắp thế giới. Số tiền thu được khi ấy chẳng phải nhiều nhặn gì, và AA cũng chỉ mới có khoảng vài trăm thành viên. Bill nghĩ rằng tiền thu được từ việc bán sách sẽ được dành để mua thêm ghế ngồi trong các cuộc họp mặt và in tờ rơi. Nhưng AA dần phát triển với hơn 100.000 chi hội khác nhau. The Big Book bán chạy như tôm tươi trong nhiều năm liền, con số phát hành lên tới 22 triệu bản, mang lại doanh thu khổng lồ, và tất cả đều chảy vào túi Hiệp hội AA Thế giới.

Cũng giống như bò đối với người Apache, lợi nhuận từ việc bán sách cũng tạo ra kết quả tương tự đối với AA. Từ một nguồn quỹ phi lợi nhuận ban đầu nay đã phình ra khổng lồ và mạnh mẽ. Phải làm gì với số tiền này đây? Và rồi Hiệp hội đã quyết định dành ra vài triệu đô để xây dựng các trụ sở kinh doanh. Ðiều này khiến cho các thành viên AA không hài lòng: các nhà quản trị Hiệp hội đã tự phong cho mình làm Montezuma. Mặc dù vậy, hầu hết thành viên AA cũng chẳng quan tâm nhiều đến cơ quan đầu não. Giá trị của một tổ chức, sau cùng, vẫn nằm trong các tổ hợp.

Khi một số thành viên AA dịch The Big Book sang nhiều thứ tiếng khác nhau và phân phát miễn phí, trụ sở đã trừng trị thẳng tay, thậm chí còn kiện các thành viên. Giống như MGM, Hiệp hội cũng nhờ đến tòa án để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Chính hành động này đã thu hẹp khả năng tự quản và cải tiến của các chi hội. Hiệp hội đã thúc đẩy AA tiến tới tập trung hóa.

Vấn đề cốt lõi của sự việc diễn ra với người Apache cũng như với hội AA là vấn đề tập trung quyền lực. Một khi ai đó đã có quyền sở hữu tài sản, dù là bò hay bản quyền sách, họ cũng sẽ nhanh chóng tìm tới một hệ thống tập trung nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Ðó là lý do vì sao chúng ta muốn các ngân hàng thì phải tập trung. Chúng ta muốn kiểm soát, muốn có cấu trúc và có báo cáo, bởi vì nó liên quan đến tiền bạc của ta.

Ngay lúc bạn làm cho quyền sở hữu tài sản cân bằng, mọi sự thay đổi: tổ chức sao biển bắt đầu biến thành tổ chức nhện. Nếu bạn thực sự muốn tập trung hóa một tổ chức nào đó, hãy trao quyền sở hữu cho nhân tố xúc tác và bảo anh ta phân phối tài nguyên theo cách mà anh ta thấy là hợp lý. Một khi đã có quyền sở hữu trong tay, nhân tố xúc tác sẽ trở thành Giám đốc điều hành, và tổ hợp bắt đầu nảy sinh sự canh tranh.

Ðây cũng là lý do vì sao Wikipedia sẽ phải đối mặt với nguy hiểm nếu như hệ thống này thu được nhiều lợi nhuận. Thật hài hước là hệ thống này hoạt động nhờ nó không đủ vốn và nhờ hầu hết thành viên đều làm việc tình nguyện. Nếu như các vị trí với mức lương hậu hĩnh được đặt ra, có thể dẫn đến hậu quả là những cuộc tranh giành "đất", và một hệ thống phân cấp sẽ xuất hiện. Nếu quyền lực tập trung, Wikipedia sẽ càng trở nên tập trung hơn và sẽ dần mất đi môi trường làm việc cộng tác. Cũng tương tự, nếu Lễ hội cháy nắng đưa ra vé VIP cho những vị trí cắm trại tốt hơn cùng với những đặc quyền thì các thành viên sẽ không còn bình đẳng với nhau nữa.

Nhưng còn trường hợp các tổ chức như eMule, quá phân quyền đến nỗi không có ai để trao quyền sở hữu thì sao? Các hãng thu đã có thể ngăn chặn dòng thác lũ nếu như họ tạo ra các khoản tài chính khuyến khích cho Napster, Kazaa và eDonkey để giữ cho mọi sự tuân thủ đúng pháp luật. Nhưng khi dòng thác đó đã có đà phát triển mạnh như hiện nay thì các hãng thu âm buộc phải chuyển sang chiến lược thứ ba.

Chiến lược thứ ba: Tự phân tán

(Nếu không thể đánh bại, hãy gia nhập)

Chúng ta đã thấy mục đích của hai chiến lược trước là thay đổi hoặc làm giảm sức mạnh và sự ảnh hưởng của các hệ thống phân tán. Khi bạn thay đổi một ý thức hệ tức là bạn đã thay đổi cấu trúc DNA cơ bản của tổ chức đó. Tập trung sức mạnh có nghĩa là bạn tạo ra một cấu trúc phân cấp, làm cho tổ chức trở nên tập trung hơn và dễ điều khiển hơn.

Chiến lược thứ ba này nhận thấy rằng các tổ chức phân tán vô cùng linh hoạt nên rất khó để có thể ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong của nó. Vì vậy, khi không thể đánh bại nó, bạn hãy gia nhập nó. Ðối thủ nặng ký nhất của một tổ chức sao biển chính là một sao biển khác.

Quay trở lại các khu ổ chuột Kenya với hướng dẫn viên Joseph của chúng ta. Làm thế nào mà anh ấy biết được những người đàn ông ngồi hút thuốc trong con hẻm đó thuộc nhóm Al Qaeda? Bản thân Joseph không phải là một thành viên của tổ chức khủng bố này nhưng anh là thổ dân của khu ổ chuột và anh biết rất rõ những gì đang diễn ra xung quanh - ai là bạn của ai, nhóm nào đang làm gì, đang ở đâu. Cũng như Sheeran trong cơn bão ở quần đảo Florida Keys năm 1935, Joseph tiếp cận được với nguồn thông tin cấp cao.

Ðiều gì sẽ xảy ra nếu ta cho Joseph có đủ quyền lực xử lý những nhóm Al Qaeda ở các khu ổ chuột Kenya? Nếu ta cho Joseph đủ nguồn lực để có thể giải quyết vấn đề bằng bất cứ phương tiện cần thiết nào thì sao? Joseph có thể khởi đầu những tổ hợp chống lại các nhóm Al Qaeda, và hai lực lượng này sẽ chiến đấu với nhau. Ðây không chỉ là một giả thuyết, mà chính là những gì các quốc gia Hồi giáo đang thực hiện. Vì các lý do an ninh, chúng ta không thể đi sâu vào từng chi tiết của câu chuyện, nhưng sau đây là căn bản những gì đã diễn ra.

Vài năm về trước, chúng tôi đã gặp một chàng trai mà ta sẽ gọi là Mamoud, một thương gia nổi tiếng của một quốc gia Hồi giáo. Chúng tôi nói chuyện với nhau về Al Qaeda và khẳng định rằng đó là một tổ chức kiểu sao biển. Ðể làm rõ vấn đề, chúng tôi hỏi anh ta, "Anh nghĩ là có bao nhiêu nhóm Al Qaeda tất cả?"

"Tôi không biết," anh ta đáp.

"Cứ cho là anh buộc phải đoán thì sao?"

"Tôi cũng mong mình có thể đoán được điều đó. Chính phủ nước tôi đã cố gắng đưa ra những dự đoán, nhưng thực sự họ không thể biết được." Anh giải thích với chúng tôi rằng không phải là Chính phủ không cố gắng. Họ đã dành ra những quỹ quan trọng và sử dụng các nguồn tài nguyên khổng lồ cho việc nghiên cứu và chiến đấu với Al Qaeda. Mamoud thấy nản vì tất cả tiền bạc và nỗ lực đó đều không có kết quả. Chính phủ không tiến thêm được bước nào trong việc loại trừ các mối đe dọa khủng bố. Và thực tế thì tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Cuộc trò chuyện cùng Mamoud với chúng tôi là một trải nghiệm lẫn lộn. Một mặt chúng tôi hào hứng vì biết rằng giả thuyết của mình về Al Qaeda là đúng. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng rất thất vọng khi biết không ai có ý tưởng gì về phương pháp chống lại tổ chức này. Hoặc bạn có thể cố gắng thay đổi ý thức hệ của các thành viên Al Qaeda và hy vọng rằng nó sẽ có tác dụng lâu dài. Hoặc Chính phủ có thể tìm cách tập trung hóa tổ chức này và kiểm soát nó. (Mặc dù các chính quyền phương Tây vẫn đang làm theo cách ngược lại: truy lùng các trùm khủng bố, thi hành hàng loạt các sự kiện khiến cho tổ chức này thậm chí càng trở nên phân tán hơn). Nhưng đó đều là những chiến lược dài hạn.

Chỉ hai năm sau, Mamoud đã có những thông tin ngoài mong đợi.

"Các anh còn nhớ lúc chúng ta nói chuyện về 'nhóm khủng bố đó' và con sao biển chứ?"

"Vâng, có chứ," chúng tôi trả lời.

"Chúng tôi đã tìm ra giải pháp rồi đấy."

Chính phủ của Mamoud đã tạo ra các tổ hợp nhỏ để chiến đấu với Al Qaeda. Ban ngày, thành viên của các tổ hợp này là sỹ quan cảnh sát hay chuyên gia quân đội - những người đã được huấn luyện kỹ càng trong các hoạt động đột kích. Ban đêm, họ bắt đầu truy lùng các nhóm Al Qaeda. Chính phủ cung cấp cho họ đầy đủ đạn dược và không hỏi han gì nhiều. Thành viên của mỗi nhóm cũng không biết có tất cả bao nhiêu nhóm và những ai là thành viên. Vì thế, các nhóm khủng bố thậm chí không thể biết chúng bị tấn công bởi lực lượng nào.

Các nhóm bảo vệ quyền con người có thể nhận thấy rằng Chính phủ đang lập quỹ tài trợ cho các cuộc săn lùng giết chóc bí mật. Chúng tôi không có ý định đi sâu về mặt chính trị hay đạo đức trong việc tạo ra những tổ hợp như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn - Mamoud giải thích - mặc dù chương trình này chỉ tốn chi phí bằng một phần trăm so với những nỗ lực trước đây nhưng nó vẫn thành công hơn tất cả những gì Chính phủ đã từng làm."Chúng ta có thể tin tưởng vào điều đó. Nó thực sự hiệu quả bởi vì những người này biết rõ chuyện gì đang diễn ra trong cộng đồng của họ. Họ biết kẻ nào là khủng bố, biết chúng sống ở đâu, và," Mamoud cười, "biết làm thế nào để tóm được chúng."

Các hãng thu âm đã cố thi hành một chiến lược có vẻ khác xa với chiến lược ban đầu: bắt đầu phát tán các file nhạc, phim ảnh trống hoặc bị lỗi lên mạng P2P. Họ cho rằng nếu như có quá nhiều rác rưởi trên mạng thì việc mất thời gian tải các bài hát sẽ không còn đáng nữa. Nhưng một lần nữa cố gắng của các hãng thu lại bị phản đòn: người dùng không ngại đương đầu với những file bị lỗi.

Các hãng thu có cái nhìn hà khắc hơn về việc tăng thêm nhiều file rác, tại sao lại không trao đổi file và gắn với chúng. Một chiến lược khác là chấp nhận các kênh phân phối âm nhạc sẽ thay đổi mãi mãi. Các hãng thu có thể làm một việc chưa ai từng nghĩ đến: cung cấp âm nhạc miễn phí để người dùng chia sẻ thoải mái cho đến khi những con bò đến nhà. Lợi nhuận có thể đến từ những nguồn phụ trợ khác - các buổi hòa nhạc trực tiếp, kinh doanh thương hiệu, và các hoạt động hợp tác tài trợ.

Nhưng bức tranh lớn hơn là điều gì mới thực sự quan trọng. Trong cuộc nổi dậy của sự phân tán này, các chiến lược cũ đã không còn tác dụng nữa. Một công ty hay một tập đoàn phải đi tìm những lựa chọn mới để có thể chống lại các đợt tấn công của lũ sao biển một cách hiệu quả. Chúng ta sẽ thấy, nhiều lúc lựa chọn tốt nhất là làm sao thu hút được cả hai thế giới tập trung và phân tán - cái mà chúng ta gọi là "Sự kết hợp đặc biệt".


Tupperware là tên một công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp của Mỹ.

CD là viết tắt của civil disobedience: hoạt động trái luật pháp, chẳng hạn như bao vây, phong tỏa lối vào của một tòa nhà.

Viết tắt từ Order of Underwater Coral Heroes.

Chinook là một loại máy bay trực thăng cứu hộ của Mỹ.

"Just Say No" là chiến dịch bài trừ tệ nạn ma túy do Nancy Reagan, phu nhân cựu tổng thống Ronald Keagan, khởi xướng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#18#truyen