PHẠT HỌC SINH: NÊN ĐẤM HAY NÊN XOA?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khá trùng hợp, dù chẳng vui vẻ gì; trong tuần chủ đề Giáo dục của Monster Box, nền giáo dục nước nhà xảy ra nhiều vụ việc dở khóc dở cười. Bê bối mua điểm, giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đấm giáo viên, hay gần nhất là việc giáo viên phạt một học sinh lớp 1 đứng ngoài nắng vì đi học sớm [1], phụ huynh “tương” nón bảo hiểm vào đầu cô giáo vì nghi cháu mình bị cô gõ vào đầu [2], hoặc học sinh bị đình chỉ học chỉ vì cắt tóc không “đúng chuẩn” [3]. Chuyện chẳng có gì mới, tới lui cũng chỉ bấy nhiêu vấn đề, như trước nay vẫn vậy.

Nếu bấy nhiêu vấn đề cứ lặp đi lặp lại, rõ ràng chúng ta đang có vài trục trặc nhỏ trong hệ thống giáo dục. Ở một quốc gia có văn hóa và lịch sử đan xen lẫn nhau giữa các luồng tư tưởng Đông - Tây lớn như Việt Nam, việc giáo dục nói chung và hình phạt trong giáo dục nói riêng là một vấn đề rắc rối.

Thứ gì rắc rối, thứ ấy hay ho.

1. Lược sử “đấm” trong giáo dục.

Con người áp dụng hình phạt ở quy mô xã hội, trước khi áp dụng nó vào giáo dục. Cơ bản nhất trong áp dụng hình phạt là để người kia dừng lại ngay lập tức hành vi khiến mình cảm thấy khó chịu. Bạn đấm ai đó vì nó cứ lảm nhảm chẳng hạn. Chẳng hạn thế.

Tính từ thời điểm người Babylon ban hành bộ luật Hammurabi gần 1800 năm trước với nguyên tắc Talion (lex talionis) - “ăn miếng trả miếng” hay “mạng đổi mạng”, hình phạt thể xác (corporal punishment) có thể được xem là loại hình phạt phổ biến nhất từng được sử dụng [4]. Từ trói vào cột, đánh bằng roi hoặc gậy, đóng dấu sắt nung cho đến tùng xẻo, nỗi đau thể xác luôn là cách nhanh gọn, hiệu quả và tiết kiệm nhất để trừng trị những kẻ phá vỡ luật lệ. Không những vậy, hình phạt còn giúp cải tạo và giáo dục người vi phạm, đồng thời mang tính răn đe để ngăn ngừa, hạn chế vi phạm tiếp diễn trong tương lai.

Theo tâm lý chung (common sense), chúng ta có xu hướng tránh xa những thứ gây ra sự khó chịu hay đau đớn. Một khi ai đó có được nhận thức rằng bị phạt là trải nghiệm đau đớn hay tiêu cực, người đó sẽ không muốn lặp lại hành vi sai trái có thể dẫn đến hậu quả khó chịu này. Đây chính là nội dung cơ bản của lý thuyết Điều kiện hóa từ kết quả (Operant conditioning) do nhà tâm lý học người Mỹ D.F. Skinner đề xướng [5], đồng thời cũng là cơ chế điều chỉnh hành vi của hình phạt nói chung.

Trở lại với bối cảnh giáo dục, câu hỏi cơ bản là làm sao để học sinh có thể nhận ra cảm giác khó chịu của hình phạt để từ đó hạn chế hành vi sai phạm? Việc bị mời lên văn phòng, chép phạt hay những biện pháp tương tự nếu không tạo ra được cảm giác khó chịu, xem như không có giá trị. Trong trường hợp này, đòn roi sẽ là một giải pháp đáng cân nhắc. Đau đớn thể xác chắc chắn là khó chịu hơn việc ngồi uống trà và đối ẩm cùng thầy giám thị.

Một lợi thế nữa là của hình phạt thể xác là được thực hiện rất nhanh chóng. Nó liên quan nhiều đến quy trình làm việc, khi bạn phải quản lý người với số lượng lớn.

Với cùng một mức độ vi phạm, giáo viên có thể cân nhắc giữa 30 lần squat hoặc 3 buổi cấm túc ngoài giờ. Nếu lựa chọn cấm túc, giáo viên cần có thời gian để giám sát học sinh, đồng thời phải giữ được thái độ nghiêm khắc hoặc trung tính trong suốt thời gian này để học sinh nhận ra cái sai của mình. Nhưng ở phía học sinh vi phạm, hình phạt kéo dài có thể khiến họ mất đi sự tập trung vào quá trình nhận thức cái sai và thay đổi hành vi, kết quả là mọi thứ vẫn lại tiếp diễn như cũ. 30 lần squat thì lại nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều.

Ngoài ra, hình phạt thể xác là thứ có thể kiểm soát được bằng các quy định, trong khi vẫn đảm bảo học sinh biết được như nào là đúng còn thế nào là sai.

Ví dụ như Singapore - một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới mà ở đó việc phạt roi vẫn được áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật hết sức rõ ràng và cụ thể [6]. Afghanistan, Ecuador hay Ấn Độ, luật pháp hoặc truyền thống hiện vẫn cho phép sử dụng hình phạt thể xác đối với thanh thiếu niên [7].

Trong khi đó, 132 quốc gia và 25 vùng lãnh thổ đã cấm hình phạt đòn roi ở trường học [8]. Và để so sánh với Singapore, thì Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng hình phạt đòn roi trong nhà trường, ngay từ năm 1783 [9].

Trở lại với góc nhìn bao quát, sự nổi lên của chủ nghĩa nhân đạo vào thế kỷ XVIII đã khiến hình phạt thể xác dần bị bãi bỏ và nghiêm cấm trên phạm vi toàn cầu [10]. Thay cho việc đánh đập hoặc bắt trói, luật pháp nhiều nước chuyển sang những hình thức phi bạo lực như bỏ tù hoặc phạt tiền. Lúc này, việc xâm phạm thân thể người khác bây giờ trở thành hành vi vi phạm nhân quyền.

Chúng ta vẫn đấm nhau trong suốt lịch sử, không đồng nghĩa rằng việc đấm nhau là đúng và nên tiếp tục trong bối cảnh xã hội hiện tại - nhất là khi mối quan hệ giữa người với người và quyền cá nhân đang được đẩy cao lên hết mức có thể.

2. Không đấm thì thiếu, đấm một cái cũng là thừa.

Cái gọi là “lợi ích” của hình phạt thể xác như đề cập ở trên, NẾU CÓ, cũng chỉ phát huy khi được sử dụng một cách chừng mực và cẩn trọng [11]. Nhưng tiếc là sau nhiều năm nghiên cứu, khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng của bất kỳ lợi ích nào [12]. Và theo khoa học, việc đấm không những chẳng giải quyết được vấn đề, nó còn tạo ra nhiều vấn đề khác.

Cuối năm 2010, dư luận Hàn Quốc dậy sóng khi đoạn clip thầy giáo “đấm phát ngất luôn” một học sinh được đăng tải lên Internet. Giáo viên này sau đó đã phải đối mặt với nguy cơ lãnh án hình sự vì sử dụng vũ lực quá mức cần thiết [13].

Tháng 8 năm 2018, một nam sinh 13 tuổi ở Tanzania tử vong vài ngày sau khi bị giáo viên của mình đánh đập vì ăn cắp đồ của một giáo viên khác. Tanzania là một trong số ít những quốc gia Phi châu vẫn chưa cấm việc trừng phạt thể xác dưới bất kỳ hình thức nào. Tổng thống John Magufuli thậm chí còn công khai tuyên bố ủng hộ việc dùng đòn roi với trẻ em [14].

Nước Mỹ hiện có 32 bang và thủ đô Washington D.C đã bãi bỏ hình thức trừng phạt thể xác tại các trường công lập [15]; nhưng ở 18 bang còn lại, đòn roi vẫn còn là nỗi ám ảnh. Trong niên khóa 2013-2014, hơn 160,000 học sinh nước này bị phạt với hình thức điển hình là đánh bằng dầm gỗ. Tuy nhiên, lại có sự chênh lệch tỷ lệ bất thường, trong đó nam sinh, học sinh gốc Phi và trẻ em khuyết tật có xu hướng bị phạt nhiều hơn so với nhóm còn lại [16].

Ở Việt Nam, không khó để tìm được những vụ việc có tình tiết thậm chí còn ly kỳ hơn những bài báo đã nêu và kinh dị hơn cả “truyền thuyết” về những trận đòn roi mây và quỳ gối trên vỏ mít. Trớ trêu thay, điều 75 Luật Giáo dục 2005 đã quy định giáo viên không được có hành vi xâm phạm thân thể của người học, và Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990 [17].

Theo một bài báo trên tập san Psychology, Health & Medicine [18] của tác giả Elizabeth Gershoff, một giáo sư nổi tiếng với những nghiên cứu về tác động của hình phạt thể xác ở học đường, có đến 26% nam sinh và 17% nữ sinh Ai Cập báo cáo về những chấn thương gây ra bởi hình phạt thể xác trong trường học, bao gồm sưng tấy, bầm dập và gãy/nứt xương.

Tình hình ở Tanzania cũng không mấy khá hơn khi có gần một phần tư số trẻ em ở 408 trường tiểu học được khảo sát cho biết từng gặp chấn thương do hình phạt. Chỉ riêng ở Mỹ, lùi lại khoảng 10 năm so với thời điểm của bài báo, mỗi năm có 10-20,000 học sinh cần được chăm sóc y tế do hậu quả của hình phạt thể xác. Và mặc dù hiếm, bài báo cũng dẫn ra những trường hợp tử vong vì đòn roi tại trường.

Đặc biệt hơn, một nghiên cứu cho thấy việc dùng những từ ngữ giảm nhẹ thực ra chỉ nhằm che giấu bản chất bạo lực cố hữu của hình phạt đòn roi. Không những thế, nó còn khiến người ta nhìn nhận sai về mức độ nghiêm trọng khi áp dụng đòn roi đối với trẻ [19].

Thương tích ngoài da có thể nhanh chóng biến mất, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Một nghiên cứu của UNICEF vào năm 2015 [20] về hình phạt thể xác tại Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam đã cho thấy sự tương quan giữa tỷ lệ hình phạt với việc học sinh đạt điểm số thấp hơn trong môn toán và từ vựng. Điều này cho thấy việc sử dụng hình phạt thể xác có thể khiến thành tích học tập giảm sút, và khẳng định này cũng được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu khác [21] [22].

Chưa dừng lại ở đó, hình phạt thể xác còn gây ra nhiều vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần. Đối với học sinh bị phạt, nó tạo ra những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi hoặc cô đơn. Bị phạt làm tăng nguy cơ của các hành động gây hại bản thân, ý nghĩ tự sát hoặc làm hạ thấp lòng tự tôn [23].

Ở bối cảnh xã hội, nó liên quan đến sự gia tăng các hành vi phản xã hội trong thời thơ ấu và khi trưởng thành, tăng xu hướng của các hành vi thách đố, tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Nó còn tạo ra môi trường học đường độc hại, dung dưỡng cho những hành vi bạo lực tiềm tàng khác. Bắt nạt, phá hoại, thô lỗ với bạn học, hoặc thậm chí là các vụ xả súng trong nhà trường, tất cả đều có liên quan đến hình phạt thể xác [24].

Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh bị phạt cũng trở nên tiêu cực vì đòn roi ăn mòn lòng tin và sự tôn trọng mà người học dành cho người dạy. Thống kê cho thấy nhiều trường hợp học sinh ngừng giao tiếp với giáo viên sau khi bị đánh ở trường [25]. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực khiến học sinh trở nên sợ hãi và xa cách thầy cô.

Phạt một học sinh trước tập thể lớp hoặc toàn trường có thể được coi là một hành vi nhục mạ và rất dễ tạo ra tâm lý thù hằn dai dẳng. Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường cũng như toàn xã hội đối với ngành giáo dục sẽ chuyển biến xấu đi chỉ với một vài vụ việc được phanh phui.

Tại Ấn Độ, người ta đã tính toán thiệt hại xã hội tích lũy từ thành tích học tập kém cỏi, thu nhập thấp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần và xu hướng phụ thuộc vào phúc lợi xã hội nếu cứ tiếp tục áp dụng hình phạt thể xác trong nhà trường. Con số ước tính các chi phí mà xã hội phải gánh chịu do trẻ em bỏ học vì bị phạt là từ 1,5 tỷ đến 7,4 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0.13-0.64% GDP của quốc gia này [26].

Và đó chỉ mới là những nghiên cứu về hình phạt thể xác, chứ chưa hề tính tới những hành vi “phi bạo lực” nhưng làm tổn hại tinh thần. Những lời mắng nhiếc, miệt thị và chê trách tuy không đau đớn nhưng có tác hại không kém gì đòn roi. “Tôi chưa thấy ai tệ như thế này”, “Học dốt như em còn lâu mới tốt nghiệp được” chẳng thể khiến học sinh cải thiện thành tích, mà chỉ càng tự ti hơn. Và sự im lặng của một cô giáo suốt 3 tháng đứng lớp [27] có thể khiến hình ảnh người giáo viên trở nên méo mó trong mắt học sinh hơn là nể sợ.

Vấn đề của hình phạt thể xác là khi chúng ta chấp nhận nó, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng CHẮC CHẮN sẽ có người lợi dụng nó, có sự quá khích, có những vụ việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì sự chấp thuận về bạo lực chính nó cũng tạo ra “common sense” trong mối quan hệ giữa người với người.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phải thừa nhận rằng chúng ta cần đến hình phạt và kỷ luật trong nhà trường, như xã hội bấy lâu nay vẫn thế. Dù có tiến bộ đến đâu thì mỗi quốc gia đều phải có hệ thống nhà tù, và hình phạt tiền sẽ tiếp tục là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Xã hội này vốn đa dạng và phức tạp, một hoạt động có tầm ảnh hưởng rộng như giáo dục chắc chắn đụng chạm đến nhiều nhóm người. Đôi lúc bạn nhìn nhận những học sinh ngỗ ngược, kém cỏi đến mức cảm thấy khó chịu; đó là vì bạn với họ là hai kiểu người khác nhau, hướng đến những mục tiêu khác nhau và được hình thành từ những nền tảng khác nhau.

Sự mâu thuẫn hay đụng chạm quyền lợi chắc chắn sẽ xảy ra, việc chúng ta cần làm là duy trì sự va chạm này ở mức độ nào đó. Và bạn nên biết rằng nên nâng cái gì và hạ cái gì xuống. Nhân phẩm, thể xác hay xa hơn là tính mạng của người khác là thứ nên được đặt lên cao hơn cả.

Chỉ tiêu của bạn, lý tưởng của bạn hay tiền lương của bạn không nên và không bao giờ nên được đặt lên cao hơn nhân diện của người khác. Chúng ta chỉ xuất hiện và sống cùng nhau trên hành tinh này trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như cái chớp mắt của vũ trụ, vì thế, hãy trân trọng lẫn nhau.

Suy cho cùng, cuộc sống này thật rắc rối, con người thật rắc rối và giáo dục thật rắc rối.

Nhưng thứ gì rắc rối, thứ ấy hay ho.

#MonsterBox
___________

EDUCATIONAL PUNISHMENT: HARSH OR FACILE?

Bizarrely enough, Monster Box’s education week is going hand in hand with a number of wrongdoings within the country’s education system: high-school exam fraud, severe punishments on students, or parents slapping teachers. The most recently of which have been a grade-one student receiving a “temporary expulsion” for early attendance [1], a parent "whacking" a teacher since she was skeptical of her nephew had been “batted on head” [2], or a student’s "improper" haircut getting him suspended [3].

After all, we’re still dogged by pretty much the same problems as we’ve always been.

For we’ve all too often run into such headaches, the system must, to any extent, have been malfunctioning. As a country entangled in-between major East-West ideological flows, the Vietnamese education, wherein “educational punishment” thrive, seems rather a crippling burden.

Still, what seems to bother us the most eventually turns out the most thought-provoking issue.

1. The history of “corporal punishments”.

Before they could ever tuck away in education, punishments had beforehand been meted out within the society. As a rule, they were to halt whatever getting on our nerves, take our bashing someone for his babbling as an example.

Since the Babylonians adopted the Hammurabi code (circa 1800 years ago) revolving around the Talion principle (lex talionis) - the "eye for an eye", corporal punishment has been the most prevalent form of punishment on record [4]. Physical pain, either getting tied to a pole, whipped, chastised by burning iron seals or ultimately tung xeo (凌迟, língchí), has forevermore been the briskest and most severe, albeit low-cost, penalty on the outlawed. It’s not to mention its critical role as a “precursor” to one’s rehabilitation, and as much of a deterrent to halt any future disciplinary violation.

D.F. Skinner’s operant conditioning theory proposed that to all appearances, we were born gravitating towards staving off things that might have cut us up. Once dogged by punishments - what we perceived as excruciating, we’d never again misconduct to again miserably grieve - the ultimate auto-correction behavior mechanism that punishments aim for.

Back to the former educational context, the very fundamental question is how can students button down the discomfort from punishments to self-modify their behaviors. Either office convocation, imposition or any other similar measure, unless this “effective”, is instead futile. In this manner, corporal punishments seem so compelling a solution, since physical pain is undoubtedly more miserable than any fascinating conversation with the coordinator.

After all, corporal punishment seems rather brisk, given that it involves a considerable number of processes and the arduous management task.

Upon violations, it’s up to teachers to penalize on with either 30 squats or 3 extra detention hours. If the penalized go for detention, the teacher is required to supervise him with a stern/neutral attitude all that time so that he could eventually repent his mistake. On the other hand, prolonged punishment might deprive the student’s concentration during the repentance and behavior-modification process, ending up any less of a futility.

Forasmuch as 30 squats seems much quicker and simpler.

Whilst overruled, educational corporal punishments still can build up students’ awareness on righteous behaviors.

To put into perspective, Singapore - wherein the leading education system thrives - corporal punishments still are meted out, pursuant to transparent laws [6]. In a like manner, Afghanistan, Ecuador and India are also leveraging corporal punishment on the young [7].

That said, 132 countries and 25 territories have since banned them from schools [8]. In contrast to Singapore, Finland, as early as 1783, was the very first country to impose such a law [9].

On the whole, the emergence of humanitarianism by the 1700s has little by little done away with educational corporal punishments [10]. Many other countries have turned to nonviolent punishment forms, to demonstrate, imprisonment or fines instead of either whacking or tying one up. After all, physical abuse has become much of a human rights violation.

That we’ve fiercely clashed with others throughout history does hardly mean that malevolence is righteous, thus, need leveraging within the current society - especially when the mutual relationship and individual rights have been on their maydays.

2. Given that we crave to slap, one is as much disastrous.

The aforementioned so-called "gains" from corporal punishments, if ever EXIST, are only “gains” upon cautiously and abstemiously leveraged [11]. Dismally enough, years of research could hardly ever track down any “trace” of such “gains” [12]. Inasmuch as corporal punishments have run us into grievous problems before we could ever enjoy the “gains”.

By the end of 2010, a clip of a Korean teacher "punching” a student “to sleep” did spark fierce public anger. He was then even proposed as a criminal for his resorting to excessive force [13].

By August 2018, the entire world did witness a 13-year-old Tanzanian, upon stealing a teacher's belongings, suffering from so ferocious a punishment (committed by his teacher) that ceased him to exist a few days later. Tanzania is among the few African countries that has yet to ban corporal punishment, howbeit in any form. The president John Magufuli even publicly declared his ardent support for physical punishment on children [14].

Given that 32 US states have done away with corporal punishment at public schools, it still is a nightmare to students from the other 18 states. Within the 2013-2014 school year alone, over 160,000 US students were whipped by wooden beams. Still, the punished subjects did drastically vary. Accordingly, male African students and disabled children were more often penalized than any other group [16].

In Vietnam, we’ve all too often heard of even more convoluted cases, and the “raid bosses” - strikes of vine whip and kneeling on jackfruit shells. Bizarrely enough, the Article 75 of the 2005 Education Law did stipulate that teachers had to never abuse the learners' bodies. Vietnam has been the first in Asia and the second in the world to adopt the Convention on the Rights of the Child in 1990 [17].

An article published on the Psychology, Health & Medicine journal [18] by Elizabeth Gershoff, a professor with outstanding works on the impacts of school physical punishment did assert that up to 26% male and 17% female Egyptian students had had reported injuries from school corporal violations, which included swelling, bruising and bone fractures.

In a like manner, surveys carried out in Tanzania eventually evidenced that one fourth of the students from 408 elementary had experienced traumatic injuries from corporal punishments. Dated back to as early as 10 years prior to the article, the US did annually report ten to twenty thousands students at urgent medical care resulting from such malevolence. The study even cited deaths from at school punishments, howbeit occasional.

After all, another study purported that such terms were “leveraged” to conceal the inherent violent nature of corporal punishment, let alone the distorted perception on children punishments they bred [19].

On the tip of the iceberg, skin injuries do hardly seem harsh. A 2015 UNICEF study on Ethiopia, India, Peru and Vietnam’s physical penalties indicated a correlation between the punishments and lowered student scores in math and vocabulary, which suggested that this form of punishment might win down academic performances. Such a claim has also been confirmed by many other studies [21] [22].

By the same token, physical punishment also runs students into a number of grievous behavioral and mental problems. Accordingly, the punished do afterward suffer from anxiety, dread or forlornness. It incurs the risks of self-harm behaviors, suicidal thoughts and deteriorated self-esteem [23].

On a societal scale, it somehow correlates antisocial behaviors during childhood. When adulthood arrives, the subjects are inclined to impudence behaviors, and alcohol and stimulant abuse. It as well “sets up” a haphazard classroom environment, acting as a precursor to other malevolence: bullying, vandalism, rudeness with classmates, or even hailstorm of bullets within the schools. [24]

Malevolence, wearing away faith and regards to each other, has since deteriorated the student-teacher relationship. Statistics have evidenced that many a student stopped communicating with teachers after corporal punishment at school [25]. Violence, or even the threat has got students to turn their back on teachers.

Publicly punishing a student is, to all appearances, an act of humiliation and harassment that breeds persistent hatred. The parents-school, as well as the society-education relationship would be exacerbated should any of which come to light.

An Indian estimation on cumulative social corruption from poor academic performances, low income, the crippling burden on physical and mental health care, and the drainage on social welfare from continuous school corporal punishment resulted in an annual expense between 1.5 billion and 7.4 billion dollars, or a 0.13 to 0.64% the country's GDP burden shared by the entire society [26], attributing to children dropouts from pressure.

It was not to mention the "non-violent" behaviors deteriorating their mental health. Scorn, disdain, and reprimand, albeit not physically painful, are as harsh as corporal penalties. The old sayings of "I’ve never seen anyone as terrible as you", and "such a woefully awful student as you are not graduating" do hardly ever improve one’s performance. Rather, they’d shake the very bottom of his self-esteem. Insomuch as the silence of a teacher within 3 months straight [27] is distorting the career pathway, instead of getting the students adhered to her.

Once we’ve overruled it, we also have to accept the fact that some jerks are going to feast on it, some turn extremists, and some others go wild. Since the violence approval itself also turns it into a "common sense" in relationships.

That said, we do need school punishment, as society has always been operating. However advanced, every country has its own prison system, insomuch as financial penalties will continue to contribute handsomely to the national budget.

At the very core, this society is diverse and as much convoluted. As an influential activity, education, without doubt, seems touchy to many a person. We’ve every so often looked at an unruly and inferior student, who has already got on our nerves. It's because we’re different individuals, bearing in mind different goals and thriving on different backgrounds.

Given that interest violation is doomed to occur, what we need is to mitigate the “crash” consequences. It is us who know all too well what to condemn and what else to uphold. Your dignity, your body and ultimately others’ lives are, as a rule, the top priority.

Your all-time goals, dogmas, or monthly salary should never overwhelm others’ identity. Since we come to life, and cohabit on this planet for purely a brief moment - a blink of the universe, be kind to others.

After all, this world is perplexing. So are humans and their education system.

Still, what seems to bother us the most eventually turns out the most thought-provoking issue.

- Artist: NoA.
- Trans: Heinous.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#science