CHƯƠNG 3: NGANG TRỜI TIẾNG VẠC MẢNH MAI [1]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người đàn ông dừng chân trên sườn dốc, phóng mắt nhìn xuống phong cảnh phía xa. Ráng chiều nhuộm đỏ mặt sông rộng mênh mông, phủ màu phơn phớt lên sóng lúa đương dập dìu theo từng cơn gió.

Càng lên cao, tầm mắt ngài càng thu vào muôn trùng núi sông hùng vĩ. Ngài muốn leo đến nơi cao nhất của dãy núi trùng điệp trông xa như đoàn tuấn mã kia. Rất lâu trước đây, ngọn núi ấy sớm sớm chiều chiều đã in bóng hình ngài, từ khi ngài còn là một đứa trẻ đầu để chỏm đến lúc trở thành người đàn ông nắm trong tay cả giang sơn.

- Đường lên núi còn xa, mời quý khách ghé quán trọ nghỉ chân.

Một cô gái có gương mặt ngây thơ, thướt tha y phục trắng bước ra từ sườn núi, cung kính chắp tay cúi chào ngài. Ngài không hỏi thêm, lẳng lặng đi về hướng cô gái đã xuất hiện. Thiếu nữ nép sang nhường đường rồi lặng lẽ bước sau. Chẳng mấy chốc, ngài đã thấy mình đứng trước một cánh cổng gỗ lớn, bên trên đề mấy chữ: "Quán trọ Phù Vân". Cô gái nhỏ nọ vẫn đứng một bên.

Bước vào trong, ngài thấy phía bên kia khoảng sân rộng là một dãy phòng gỗ dài được thắp sáng bởi đèn lồng quả trám. Trong bóng hoàng hôn, thấp thoáng trên tàn trúc xanh, những cánh diều no gió thong thả chao nghiêng. Vị khách nở một nụ cười hiền hậu.

- Phòng của ngài ở phía đông. Cơm tối đang được chuẩn bị ạ! – Thiếu nữ khẽ khàng thưa.

Người đàn ông đi đến căn phòng dành cho ngài, ngang qua một đoạn hành lang. Sương bắt đầu rơi mang theo hương thơm của hoa quỳnh khiến bước chân ngài sững lại một ít lâu.

Cơm tối không có những thức mỹ vị cao lương, chỉ có một phần cá kho gáo thơm nức mũi. Những khoanh cá ruộm màu cánh gián, bóng lên dưới ánh đèn dầu lạc. Tráng miệng có đĩa bánh trôi nhỏ thoảng mùi lá cúc và hoa bưởi. Vị khách ung dung thưởng thức từng món, vẻ hài lòng hiện rõ trên gương mặt. Tiếng sáo diều vẫn du dương lẫn trong tiếng lá xạc xào.

Căn phòng được bày trí đơn giản, chỉ có một chiếc chõng tre và một thư án nhỏ. Vật trang trí duy nhất là chiếc bình gốm lớn đặt trong góc, cắm vài nhành cỏ lau. Người đàn ông cầm lấy cây sáo bằng ngọc trắng đặt trên thư án, thong thả đi ra hành lang tìm chỗ ngồi thoải mái, bắt đầu thổi một khúc đồng dao.

- Bữa cơm ban nãy có vừa miệng người không? – Một giọng nói dịu dàng vang lên khi khúc nhạc đã dứt hồi lâu.

Vị khách quay lại thì thấy một dáng hình mảnh mai như liễu. Thiếu phụ có mái tóc đã điểm sương, song dung nhan vẫn còn mặn mà, nụ cười mỉm cũng ngọt như rót mật. Người đàn ông khẽ gật đầu, tỏ ý cảm ơn.

- Ngon lắm.

- Cô bé làm trong quán trọ không cẩn thận bị thương ở cổ tay nên ta làm giúp. – Thiếu phụ tiếp lời.

- Đã lâu lắm rồi ta mới được nếm lại hương vị đó. – Người đàn ông nói như chỉ để mình nghe thấy. – Phu nhân là chủ quán trọ này phỏng?

- Ta cũng vừa đến đây ít ngày. – Thiếu phụ đáp. – Chủ quán trọ sáng nay vừa có việc rời đi rồi.

Trước dãy trường lang là một khoảng sân rộng, trong sân có một ao sen nhỏ vừa đủ xinh. Giữa ao, một sân khấu nhỏ được dựng lên, bên trên là những hình người, hình thú bằng vải đủ màu dựng cảnh một nhóm trẻ con đang chơi trò đánh trận. Bọn trẻ ngồi trên lưng trâu, cầm cờ xanh đỏ lao vào nhau, tiếng hò hét, cãi vã làm rộn một góc trời.

- Phu nhân đoán xem bên nào sẽ thắng? – Vị khách hất hàm, ra chiều thích thú theo dõi trận chiến.

- Kẻ kia. – Thiếu phụ trỏ một đứa bé, ánh mắt đầy vẻ tự hào. – Chính nó là kẻ đã bày ra trò này rồi lại đứng yên một chỗ quan sát tình hình.

Người đàn ông mỉm cười, đoạn không nói gì thêm, cả hai yên lặng theo dõi vở tuồng. Quả nhiên đứa trẻ ấy là kẻ chiến thắng sau cùng.

Rèm buông. Từ sau sân khấu nhỏ, hai người trẻ tuổi xuất hiện rồi nhanh nhẹn tiến về phía hai vị khách. Một người là cô gái nhỏ đã đưa người đàn ông đến đây, người còn lại là một thiếu niên. Thân dưới cả hai đều ướt sũng vì dầm trong nước.

Thiếu phụ vỗ tay tán thưởng vở tuồng. Người đàn ông nhướng mày nói với cô gái nhỏ:

- Ta nghe nói tay cô bé bị thương, không ngờ vẫn có thể múa rối linh hoạt như thế!

Thiếu nữ thoáng bối rối rồi lấy lại vẻ linh lợi rất nhanh:

- Chỉ là vết thương nhỏ, do phu nhân đây quá lo lắng thôi ạ. Ngày mai, quán trọ chúng tôi lại diễn vở mới, mời hai vị ra xem.

Nói đoạn, hai người trẻ tuổi đồng loạt cúi chào rồi lui đi. Một cơn gió thổi qua mang theo hơi nước. Mưa bắt đầu rơi lất phất, từng giọt như sương. Người đàn ông bỗng nhiên cao hứng bắt lấy một cánh hoa quỳnh chao theo gió, đưa cho thiếu phụ rồi cất giọng ca rằng:

"Cô kia đội nón dưới mưa

Cho tôi mượn đội một mùa chăn trâu

Ra về mẹ hỏi nón đâu

Nón đi qua cầu gió hất xuống sông."

Thiếu phụ nhìn ngài không chớp mắt. Vị khách cũng điềm nhiên đối diện với ánh mắt nàng. Trong phút chốc, ngài thấy trong đôi mắt dịu dàng ấy có cả yêu thương, tiếc nuối và lảng tránh. Đoạn, thiếu phụ khẽ cúi chào ngài rồi quay lưng đi mất hút.

- Đêm xuống rồi, ngài cũng nghỉ ngơi thôi.

***

Sáng hôm sau, từ sớm tinh mơ, vị khách đã thức giấc bởi tiếng gió lùa qua mành trúc. Ngài dạo một vòng quanh sân, khoan khoái hít đầy lồng ngực cái không khí mát rượi thoảng mùi lúa mới. Ngang qua hồ sen, ngài thấy một người đàn ông trạc tuổi mình, râu tóc cũng hoa râm, bên lưng đeo kiếm, đang ngồi bên hồ tự thưởng chè. Trên phiến đá nhỏ kê làm bàn, một chén chè khác để phía đối diện hãy còn nghi ngút khói. Khói lẫn vào sương, gương mặt người đương độc ẩm ẩn hiện nửa hư nửa thực.

- Ngài là chủ quán trọ phỏng? – Vị khách tự cho phép mình ngồi xuống, hỏi.

Người kia liền đặt chén chè xơi dở trên tay xuống, đứng lên làm động tác mời. Chừng khi vị khách đã uống cạn chén, ông mới từ tốn rót lại một lượt nữa, đoạn thong thả đáp:

- Tôi là khách, cũng tò mò về chủ quán trọ như ngài.

Không ai nói thêm lời nào, chỉ im lặng thưởng chè, dõi mắt theo những chú cá đang bơi lội nhởn nhơ dưới tán lá sen. Hồi lâu, người đeo kiếm cảm thán:

- Khung cảnh thanh bình thế này thật tốt.

- Đã tốt được mấy năm rồi? – Vị khách hỏi.

- Vùng đất này chưa khi nào được yên ổn quá lâu song chưa bao giờ khuất phục. Kể từ lập quốc đến nay, đổi họ cũng mấy lần.

- Trời đất sinh núi đẻ sông đâu phải là cho một họ nào. – Vị khách nhếch mép cười.

Câu chuyện của hai người đàn ông trung niên cứ kéo dài ra mãi, về những năm tháng mà máu xương đua nhau rơi xuống, về những lớp người nối tiếp đứng lên, càng nói càng hợp ý. Vị khách bỗng cao hứng:

- Giá như có ít rượu thì thật là hay!

- Ngài chẳng nói kẻ cầm quân phải giữ tỉnh táo, chỉ được uống rượu trong những dịp thật sự trọng đại sao? – Người đeo kiếm hỏi.

- Giờ non nước đã thái bình, hai vị có thể nghỉ ngơi một chút được rồi ạ. – Thiếu nữ phục vụ trong quán trọ đã đến bên tự bao giờ, trên tay nâng một khay đầy thức ăn và một bình rượu lớn. – Đây là mấy món do vị phu nhân kia chính tay làm, tôi chỉ nhận lệnh mang ra thôi, xin mời ạ.

Trong hơi lạnh buổi sớm mai, mùi thịt dê nướng càng thơm nức mũi khiến ai nấy phải trầm trồ. Khi đũa của vị khách vừa chạm đến miếng thịt dê, người đeo kiếm ngạc nhiên hỏi:

- Giờ ngài không ngại mùi thịt dê nữa sao? – Thấy vị khách ngạc nhiên, ông ta ôn tồn giải thích. – Ta nhớ trước đây mỗi lần chúng ta dùng bữa cùng nhau, ngài đều cho người chuẩn bị vì đây là món khoái khẩu của ta, song ngài lại không bao giờ để mắt đến.

- Trước đây...? – Vị khách thoáng ngập ngừng rồi lại đặt đũa xuống. – Xem ra ta đã già rồi, cả chuyện này cũng quên mất.

- Kẻ hay quên đâu phải chỉ có một mình ngài. – Người đeo kiếm nhếch mép cười, kéo phần thịt dê lại gần mình, đưa những đĩa khác đến gần vị khách thêm một chút.

Trên khay còn có một đĩa nộm cá nhệch trộn với rau thơm, quả sung và khế. Đây từng là món mà người khách luôn tán thưởng, nhưng ngài không thích vị của quả sung. Chỉ có kẻ còn lại gắp một đũa đầy đủ các thức lên miệng, nhoẻn cười rồi ăn rất ngon lành.

Trong góc khuất của dãy trường lang, thiếu phụ thẫn thờ đứng lặng hồi lâu. Nàng đặt tay lên ngực mà tưởng ai cũng có thể nghe thấy tiếng tim mình đang đập mạnh. Nàng cố nhớ lại những bữa cơm từng chính tay nấu cho chồng, mãi mới nghĩ ra ngài ưa ăn rất nhạt, hoàn toàn khác hẳn với người kia thích món nào cũng thật đậm đà hương vị. Hóa ra kẻ đã quên mất chuyện xưa còn có cả người cứ tự cho mình là giữ lòng son sắt, như nàng.

Khi chén rượu vừa chạm môi, vị khách kia dường như nhớ ra điều gì, ngài lại đặt chén xuống, trầm ngâm soi bóng lá sóng sánh theo từng giọt rượu.

- Điện tiền chỉ huy sứ, lâu rồi không gặp. – Ngài chậm rãi buông từng tiếng.

- Cuối cùng người đã nhớ ra. – Người đeo kiếm cười nhạt.

- Đã nhớ.

- Mọi chuyện?

- Mọi chuyện. – Vị khách chậm rãi đứng lên, nâng chén rượu lên giữa hai người.

Người đeo kiếm cũng đứng lên, mặt vẫn không biến sắc. Họ đã từng là quân – thần, đã từng cùng nhau vào sinh ra tử, đã lần lượt thay nhau chống đỡ giang sơn, làm chỗ dựa cho cùng một người đàn bà.

- Chén rượu cuối cùng ta uống, có phải do chỉ huy sứ ban cho? – Vị khách cười mai mỉa, nói gằn từng tiếng, đoạn buông chén rượu rơi xuống đất vỡ giòn.

- Bệ hạ. – Người đeo kiếm nhìn chăm chăm vào vị khách, tưởng như có ngàn lời muốn nói lại thôi. – Dù thần có phạm tội giết chúa như người ta đồn thổi hay không thì tiếng đoạt ngôi cũng không có cách nào xóa được.

Nói rồi, vị thần tử tháo thanh kiếm đeo bên người, cúi thấp đầu cung kính dâng kiếm cho vua. Kẻ được gọi là hoàng đế chầm chậm cầm lấy thanh bảo kiếm:

- Chính tay nàng ấy đã trao gươm này cho chỉ huy sứ phải không? – Ngài hỏi.

- Tâu, phải. – Chỉ huy sứ vẫn cúi đầu. – Khi ấy hoàng tử còn nhỏ dại. Triều đình ngoài quan lại còn có quân đội đều ủng hộ thần. Việc nàng ấy có thể làm chỉ là tránh cho đất nước một cuộc nội loạn khi giặc Tống đang lăm le ngoài biên ải.

Từng lời nói của chỉ huy sứ vẽ lại bức tranh mà thiếu phụ đã cố quên đi. Nàng từ thân phận con gái của một sứ quân đang cát cứ một vùng trời trở thành phu nhân của vị tướng quân đang từng bước thống nhất giang sơn. Từ vị hoàng hậu đứng trên muôn người phút chốc lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Từ một người đàn bà bơ vơ trở thành nhân vật trọng yếu trong cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại.

Có người ca ngợi nàng, có người phê phán nàng, có người lợi dụng nàng, có người ức hiếp nàng. Những năm tháng ấy, nàng chỉ biết ôm đứa con còn thơ dại vào lòng, dùng cánh tay gầy yếu chắn gió che mưa cho nó, mặc kệ bao sông núi đang dời đổi ngoài kia. Cho đến ngày nàng gặp lại đức vua của nàng, người chồng duy nhất mà nàng muốn yêu thương và kính trọng.

- Bệ hạ chẳng đã dạy thần phải thưởng đúng người, xử đúng tội đó sao? – Giọng chỉ huy sứ vẫn khảng khái. – Dù là việc nhà hay việc nước, bệ hạ cũng nên xuống tay rồi.

- Phải. – Hoàng đế đáp. Ngài chầm chậm rút kiếm ra khỏi vỏ, chĩa về phía người thuộc hạ cũ vẫn đang ôm quyền đứng đợi lệnh.

Chỉ huy sứ đứng yên, ánh mắt không hề né tránh. Mũi kiếm càng lúc càng gần, chạm vào ngực, từng chút từng chút cắm vào da thịt. Một giọt máu, rồi một dòng máu đỏ bắt đầu chảy xuống. Chỉ huy sứ vẫn không có ý định chạy đi hay chống trả.

Hoàng đế rút kiếm ra, rồi nhanh như cắt, ngài đâm một nhát thật nhanh và mạnh. Chỉ huy sứ khép hờ mắt, đón nhận điều sắp đến.

- Xin đừng!

Mũi kiếm của hoàng đế vừa kịp dừng lại trước thân người thiếu phụ. Nàng đã lao ra chắn trước mặt chỉ huy sứ từ lúc nào, chính nàng cũng không rõ.

Trước mặt là chồng nàng, sau lưng cũng là chồng nàng.

Nàng đã sống với người trước mặt hơn mười năm lại không dám nghĩ đến hơn hai mươi năm tình nghĩa phía sau. Nàng đã sinh con cho người chồng trước mặt, nhưng người chồng sau lưng cũng đã cho nàng những đứa con, và chăm sóc cả đứa con của nàng cùng người cũ.

Người chồng đang đối diện vẫn luôn tồn tại trước mắt nàng, trong tâm trí nàng. Còn kẻ phía sau, từ lúc nàng chấp nhận trở thành hoàng hậu của hắn, nhường ngôi vua của chồng cho hắn, nàng đã chưa từng nhìn lại hắn một lần.

Người ta nói hắn là kẻ đã giết chồng nàng để đoạt ngôi. Dù không phải thế thì khi lập nàng làm hoàng hậu để thuận lợi lên ngôi, chắn hẳn hắn chỉ xem nàng như một con cờ. Nàng đã không nghĩ đến, khi người chồng đầu tiên ngỏ lời cầu thân với con gái một sứ quân như nàng, trong đầu ngài có bao nhiêu chân tình, mấy lần toan tính. Tháng tháng năm năm, sớm sớm chiều chiều, tình và nghĩa không đợi người ta phải chú tâm mới hiện hữu rồi bền chặt. Nàng đã quên những thứ cần quên song chưa nhớ đủ những việc cần phải nhớ.

Chỉ là giờ khắc này nàng chợt nhận ra: nàng không nỡ giương mắt nhìn người ta giết hắn.

Nước mắt rơi ướt đẫm gương mặt từng làm say lòng bao nhiêu khách anh hùng, thiếu phụ chỉ biết liên tục lắc đầu.

- Tránh ra. – Hoàng đế nói, giọng lạnh như băng. – Nàng cũng căm hận hắn, không phải sao?

- Thiếp có tội với người. Điện tiền chỉ huy sứ có tội với người. Nhưng... - Nàng bỗng nấc lên từng tiếng. – Nhưng ông ta không có tội với thiếp... không có tội với xã tắc của người.

- Tránh. – Hoàng đế tỏ vẻ không kiên nhẫn.

Thiếu phụ kiên quyết lắc đầu. Mũi kiếm của hoàng đế tiếp tục tiến gần. Nàng nhắm mắt đợi chờ cái chết.

Đột nhiên, có cánh tay rắn như sắt như đồng ôm siết nàng từ phía sau. Bàn tay còn lại nắm lấy lưỡi kiếm, mặc kệ nỗi đau rách thịt rách da, kéo thanh kiếm về phía hai người, cắm sâu vào ngực nàng, xuyên qua thân thể mảnh mai, đâm cả vào lồng ngực rắn chắc nàng đang tựa vào, máu hòa vào máu. Đôi mắt hoàng đế mở to, thảng thốt. Mọi việc diễn ra chỉ trong chớp mắt.

- Chúng thần chịu tội với người. – Chỉ huy sứ mỉm cười nói với hoàng đế.

Mất một lúc lâu để nhận thức được việc vừa xảy đến, bàn tay hoàng đế buông thõng, thả chuôi kiếm ra. Hai người kia ngã về phía sau, máu tràn trên mặt đất. Hoàng đế lùi từng bước, khoát khoát tay như bảo mọi người đừng nói gì nữa, lùi đến khi khuất khỏi tầm mắt của hai kẻ sắp lìa đời.

- Chúng thần chịu tội với người!

Kẻ bị thương lặp lại lời vừa nói, rồi bỗng nhiên hắn cười lớn, vang vọng và thống khoái. Cười một lúc, cơn đau buộc tiếng cười của hắn đổi thành tiếng ho và tiếng thở khó nhọc. Hắn nằm bất động như đã chết.

Hồi lâu, trong sân chỉ còn lại tiếng gió xạc xào. Cơn mưa lại bắt đầu rơi, thấm ướt mặt đất khô, mang theo từng chút máu và hơi thở của hai kẻ đang hấp hối.

Thiếu phụ muốn quay lại nhìn người phía dưới nhưng thanh kiếm xuyên qua ngực khiến nàng không cách nào cử động. Nàng chỉ biết xoay mặt về phía hắn, cố nhìn hắn thêm một chút. Nước mắt nàng hòa với nước mưa, tuôn ướt đẫm vai áo hắn. Hơn hai mươi năm, dường như hắn đã nhiều lần yên lặng lắng nghe tiếng khóc của nàng như thế, nhiều lần để nàng tựa vào như thế. Nàng bỗng nhiên muốn nói với hắn thật nhiều, song nhận ra hắn vốn chẳng cần gì cả.

Một đời danh tướng lẫy lừng, một đời đế vương kiêu hãnh. Hắn vốn không quan tâm đến miệng đời, càng không quan tâm phán quyết của hậu thế về sau. Chỉ cần nàng quen nấu món hắn thích ăn, che mũi kiếm cho hắn như hôm nay, là đã đủ rồi.

Đã đủ rồi.

Thiếu phụ nhận ra vòng tay đang ôm lấy mình ngày một lơi dần. Khi bàn tay hắn sắp trượt khỏi người nàng, nàng không kịp suy nghĩ, dùng hết sức giữ lấy bàn tay ấy, không buông ra nữa.

Thiếu phụ không nhìn thấy, nhưng chỉ huy sứ đã mỉm cười. Một giọt nước chảy ra từ đôi mắt luôn sáng rực. Hắn gượng chút hơi tàn lau nước mắt trên gương mặt nàng, nắm lấy đôi bờ vai mỏng manh, dịu dàng vuốt ve rồi khe khẽ cất tiếng ru:

"Nín đi thôi, nín đi thôi

Một vai gánh vác... cả đôi sơn hà..."

***

Khi cơn mưa dứt hẳn, trên mặt đất đã không còn lưu lại dấu vết nào. Kẻ được gọi là hoàng đế kia lại bước ra sân, ngẩng đầu lên nhìn trời, mắt nhắm hờ một lúc lâu.

Khi ngài mở mắt ra, bầu trời đã lại trong vắt và vàng ruộm nắng.

Hoàng đế đến bên ao sen soi mình dưới nước, đoạn đưa tay cởi lớp áo ngoài và chòm râu lốm đốm bạc. Trong chớp mắt, người đàn ông trung niên đã trở về là một thư sinh áo trắng, gương mặt thanh thản như mặt nước hồ.

- Em vẫn không hiểu vì chúng ta đợi bao lâu, dùng bao cách cũng không mời được tiên hoàng đế đến đây, để ông chủ phải đóng giả thế này. – Thiếu nữ đón lấy y phục mà chủ quán trọ dùng để giả trang, hỏi nhỏ.

- Chắc người sớm đã lên đường nhìn ngắm giang sơn, chỉ có hai người nọ vẫn mãi quẩn quanh nên mới tìm đến chúng ta. – Thư sinh vừa đáp vừa đi ra cửa.

- Em nghe nói rất nhiều con hát cả gan vào vai quân vương đều yểu mệnh. Cũng may ông chủ vừa có thân phận tôn quý, vừa có đạo hạnh sâu dày...

Thư sinh đưa tay cắt ngang lời cô gái.

- Ta tin tiên hoàng sẽ hiểu mà không nỡ trách. – Dừng một đỗi, chàng như nhớ ra điều gì. – Tay của em thế nào rồi?

- Lành hẳn rồi. Em đang nghĩ lần sau phải dùng cớ gì cho mới mẻ. – Cô gái giơ giơ tay, nheo mắt cười.

Bên kia cổng quán trọ vẫn là một vùng nước biếc non xanh. Dãy núi trông như đoàn tuấn mã kéo nhau chạy mãi về biên ải. Phía trên, từng cụm mây lững lờ trôi, có lúc trông rất giống hình dáng của một viên dũng tướng.

Nghe nói, đứng trên núi Mã Yên nhìn xuống sẽ hiểu tấm lòng của đế vương. Những kẻ có bản lĩnh một tay gầy dựng cơ đồ không dễ để tâm vướng bận những tình – thù bé mọn. Ngài từng dạy giang sơn là của vạn dân chứ không chấp nhất cho một họ nào thì với những dằn vặt của hai con người tội nghiệp kia, ngài càng không nặng lòng đến thế, miễn sao nàng và non nước này được bình yên.

Song, đối mặt với kẻ không phải chồng mình mà không mảy may nghi ngờ, có lẽ vị hoàng hậu nọ cũng không nhận ra rằng nỗi nhớ thương sớm đã bị vùi sâu dưới lớp bụi dày. Thời gian tự có quy luật của nó, chỉ có lòng người còn mãi đa đoan.

Thư sinh thong thả bước trên con đường mòn dẫn lên đỉnh núi, thiếu nữ cũng lặng lẽ đi sau. Từng cơn gió dịu dàng thổi mát, đưa tiếng sáo diều văng vẳng khắp nơi, lẫn với tiếng hát của thư sinh:

"Nhân chi hữu thịnh hề hữu suy,

Hoa chi hữu diễm hề hữu uỷ.

Quốc chi hữu hưng hề hữu vong

Thì chi hữu thái hề hữu bỉ

Nhật chi hữu mộ hề hữu triêu..." [2]

Khi hai bóng áo trắng đã khuất xa trên đỉnh núi, cánh cổng gỗ lớn dần dần lẫn vào mây rồi mất hút.

Nghe nói quán trọ Phù Vân chỉ đón tiếp những vị khách có nỗi khổ tâm không cách nào giải được.

HẾT.


[1] Câu thơ trong bài "Cái đêm em ở với chồng" của Đồng Đức Bốn:


"I.
Cái đêm em ở với chồng
Để ai hoá đá bên sông đợi đò
Cái đêm hôm ấy gió mùa
Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan

II.
Cái đêm lành lạnh gió mùa
Em trong chăn ấm có đùa với ai

Ngang trời tiếng vạc mảnh mai
Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi
Mảnh nào em để cho tôi
Khi buồn chỉ đặt ngang môi làm kèn."



Nguồn: Đồng Đức Bốn, Con ngựa trắng và rừng quả đắng (thơ), NXB Văn học, 1992



[2] Trích bài thơ Trừu thần ngâm của Tuệ Trung Thượng sĩ:


"Người đời có thịnh thì có suy,
Hoa kia có tươi thì có héo.
Quốc gia có hưng thì có vong

Thời có thái thì có bĩ

Ngày có hôm thì có mai."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro