[QUÁN TRỌ PHÙ VÂN] CHƯƠNG 4: LÊNH ĐÊNH QUA CỬA THẦN PHÙ[1]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lại một hoàng hôn buông xuống dãy núi lẩn khuất trong mây.

Lưng chừng sườn núi là một trang viện rộng lớn, hướng ra thung lũng. Từ đó nhìn ra, ngày có thể thấy bình minh rì rào hát khúc đồng dao trên đồng lúa xanh bạt ngàn, đêm có thể thấy trăng dát ánh vàng trên dòng sông uốn lượn về tận chân trời. Trước cổng lớn của trang viện có bảng gỗ đã ít nhiều rêu phong, trên đề mấy chữ: "Quán trọ Phù Vân".

Không gian bên trong cánh cổng ấy bao giờ cũng thoang thoảng hương trầm từ thư phòng của chủ nhân quyện với hương sen dìu dịu toả ra từ hồ nước lớn giữa sân. Vài lần trong ngày, gió còn đưa lại vị chát chát, thanh thanh, dìu dịu của những búp chè non hoặc mùi thức ăn ấm sực. Chủ nhân của quán trọ là một thư sinh tao nhã, còn thiếu nữ phụ việc ở nơi này lại rất giỏi trong việc thưởng thức món ngon.

- Ông chủ, người lúc nãy đi rồi. – Thiếu nữ bưng khay bánh đặt xuống chiếc bàn nhỏ cạnh thư án, đoạn ngồi xuống cạnh bên, dán mắt vào bức thư hoạ đang dần hiện ra dưới nét bút tài hoa của thư sinh. – Người thật sự mặc kệ y sao?

- Lần thứ ba rồi phỏng? – Thư sinh vẫn điềm nhiên quan sát bức tranh, tìm ra điểm chấm phá thật ưng.

- Bốn ạ. – Thiếu nữ đáp, đầu hơi ngoái về phía cổng. – Vẫn hệt mấy lần trước, không biết ai đã mách cho y lên đỉnh núi tìm. Đỉnh núi này vừa cao vừa nhỏ hẹp, ai lại xây nhà trên đó chứ.

Thư sinh dừng bút, bước đến một góc hành lang khuất nhìn ra. Bóng người cưỡi ngựa đã gần đến chân núi, nhanh nhẹn nhảy xuống từng bậc đá.

Tự cổ chí kim, những kẻ vượt đường xa lên núi cao bái phỏng chân nhân hoặc cầu đạo đều đi bộ từng bước, có người còn ba quỳ chín lạy để chứng tỏ lòng thành, đâu có ai ngông nghênh thúc ngựa chạy xồng xộc lên đỉnh núi như kẻ nọ. Ấy thế mà y đã quay lại những bốn lần, lướt qua quán trọ sừng sững mà không hề trông thấy, thảng hoặc nằm nghỉ chân ở mái đình xây trên mỏm đá ngay trước quán trọ vẫn không thấy. Không thấy song vẫn kiên trì tìm kiếm. Không thấy là vì đã thúc ngựa quá nhanh hay thực sự chẳng có duyên?

Vị khách qua đường kia không khiến ông chủ quán bận tâm quá lâu, riêng thiếu nữ áo trắng lại rất tò mò. Nàng biết thân phận của y, song chưa từng nghĩ y cũng có nổi khổ tâm cần đến nơi này để giải oan. Sách sử thảy đều ghi rằng y không phải là người tốt. Dựa vào việc y không tìm thấy quán trọ Phù Vân, nàng càng tin vào đánh giá của người xưa.

Nỗi khổ tâm của một người nổi tiếng tàn bạo, hoang dâm, ắt phải liên quan đến quyền lực hay nữ sắc.

***

Lần thứ sáu nghe thấy tiếng vó ngựa vọng lên từ chân núi, thiếu nữ rụt rè hỏi chủ nhân quán trọ:

- Em có thể ra hỏi thăm y mấy câu không ạ?

- Tuỳ em. – Thư sinh đáp, mắt không rời quyển kinh Phật đang đọc dở.

Thiếu nữ được lời như cởi tấm lòng, vội vã chạy ra ngoài. Nàng không kịp nghe mấy lời thư sinh nói thêm vào:

- Chắc gì ngài ấy đã đi tìm quán trọ này.

Chân vừa bước khỏi cổng, thiếu nữ lập tức lấy lại dáng vẻ đĩnh đạc, đoan trang. Nàng thơ thẩn bước lên núi, đưa tay chạm vào những bông cỏ lau mọc ra từ khe đá. Tiếng vó ngựa đạp trên nền đá sỏi mỗi lúc một gần. Thiếu nữ nghĩ thầm:

- Ba, hai, một...

- Xin hỏi, trên núi này có một quán trọ phải không? – Giọng nam trầm trầm vang lên.

Thiếu nữ chậm rãi xoay người lại, mỉm cười:

- Chào mừng khách quan đã đến quán trọ Phù Vân!

Vị khách thoáng ngạc nhiên song vẫn thong thả xuống ngựa. Đó là một người trẻ tuổi hơn cả chủ nhân quán trọ, vóc dáng khoẻ mạnh, dong dỏng cao, đôi mắt sáng ngời. Thiếu nữ bước dần đến cổng chính, đưa tay mời khách vào. Song, vị khách vẫn ngơ ngác nhìn thiếu nữ chăm chăm, tiến đến mỗi lúc một gần.

Thiếu nữ hoảng hốt, nhớ ngay đến tiếng xấu hoang dâm của người nọ. Lỡ như... lỡ như hắn thấy nhan sắc của nàng nên muốn giở trò thì hỏng. Nàng nhanh chóng đưa mắt tìm xung quanh xem có vật nào dùng làm vũ khí được không.

- Quán trọ ở đâu? – Người khách hỏi.

Thiếu nữ hết nhìn cánh cổng ngay sau lưng mình lại nhìn vẻ chân thành trên gương mặt người kia. Quả nhiên hắn không thể thấy...

- Ở... kia ạ. – Thiếu nữ nhanh trí trỏ vào đình vọng cảnh trên mỏm đá. – Chốn hoang vu thế này, chỉ có thể tạm nghỉ ở đấy thôi.

Vị khách khẽ nhếch mép cười, dắt ngựa đến cột vào một gốc cây rồi bước vào đình, khoan khoái duỗi người như sắp nằm cả ra ghế, ngửa mặt khoan khoái tận hưởng gió mát và hương thơm của lúa đồng. Thiếu nữ áo trắng cũng bước theo, ngồi một góc. Hồi lâu, nàng lên tiếng hỏi:

- Ngài chú tâm lên núi này tìm một quán trọ hay lỡ đường cần chỗ nghỉ chân thôi ạ?

- Ta nghe nói, quán trọ Phù Vân có thể thực hiện tâm nguyện giúp những linh hồn còn mang nỗi khổ tâm mà chưa siêu thoát được, phải không? – Chàng trai nhìn thiếu nữ, cười nhạt.

- Ngài có oan tình muốn giải sao? – Thiếu nữ thấy người khách đã hỏi thẳng nên nàng cũng không vờ vịt làm gì nữa.

Chàng trai không trả lời câu hỏi, cũng không màng đến ánh mắt đầy nghi hoặc và mai mỉa của nàng. Y nhoài người ra khỏi mái đình, đưa mắt xuống thung lũng bên dưới, phóng tầm nhìn về phía xa như muốn thu vào mắt muôn trùng cảnh vật. Chiếc áo choàng tung bay trong gió khiến bóng chàng trai trở nên to lớn và kiêu hãnh lạ thường, như thể một vị vua đang đứng trên cao nhìn xuống vạn dân.

- Tả là Nho Quan, hữu là Gia Viễn. – Vị khách đưa tay trỏ từng nơi, giọng nói không giấu vẻ tự hào. – Dãy núi xa kia chính là tấm bình phong che chở cho kinh thành. Một lần được nhìn ngắm núi sông như hoạ thế này, còn gì đáng tiếc nữa đâu.

Thiếu nữ đứng sau lưng người khách, lắng nghe từng lời. Ông chủ quán trọ cũng từng nói với nàng những lời giống hệt, chỉ cần có gió mát trăng thanh, non xanh nước biếc, một kiếp người đã chẳng còn thiếu thốn gì. Người khách im lặng hồi lâu tựa hồ suy nghĩ rất lung, đoạn thấp giọng:

- Nhưng ta đã đứng ở một nơi cao, đẹp nhường này, mắt thấy tai nghe bao nhiêu tiếng kêu vang nghiêng trời lệch đất. – Nụ cười trên gương mặt người khách dần lạnh lẽo. – Cô đã từng nghe bọn tử tội kêu rú khi bị quấn cỏ gianh vào người mà đốt chưa? Cô từng thấy cảnh bọn tù binh bị nhốt trong cũi đặt dưới đáy sông, bất lực cầu cứu khi nước dâng cao xung quanh mình chưa? Tiếng thét la, hờn oán của bọn chúng chẳng khác bọn quỷ sai chốn âm ti là mấy.

Bờ vai thiếu nữ khẽ run, nàng bất giác lùi lại vài bước. Người khách này khiến nàng cảm thấy rất bất an, vừa tao nhã đấy lại bạo tàn ngay đấy, không sao đoán định được.

- Dưới chân núi bên kia có một hang động lớn. – Người khách trỏ tay về phía đông. – Khi vừa lập quốc, tiên hoàng đã cho xây dựng, trên bờ nhốt hổ, dưới ao nuôi cá sấu để trừng trị kẻ có tội. Phụ hoàng ta cũng từng dùng chốn ấy làm tù binh nhốt bọn xâm lược suốt mấy năm.

Những việc này, thiếu nữ đều từng nghe ông chủ quán trọ kể qua. Song, trong phút chốc nàng chợt nhận ra một điều gì đó...

- Buổi thay triều đổi đại, lẽ nào ta phải thỉnh chư tăng quỳ dưới núi tụng kinh rồi dụ hàng từng căn cứ của loạn quân?

Nói đoạn, người khách bật cười. Tiếng cười sang sảng vọng vào đá núi. Y xoay người lên ngựa toan rời đi. Khi nghe ngựa hí vang một tiếng, thiếu nữ chợt tỉnh khỏi dòng suy nghĩ, vội vàng gọi với theo:

- Nếu đã không cần giải oan tình, ngài tìm quán trọ Phù Vân làm gì?

Người khách vẫn ngồi trên lưng ngựa, không ngoái đầu:

- Cô từng gặp vị khách nào mang oán hận vì bị em trai giết khi chỉ mới lên ngôi được ba ngày chưa?

- Chưa. Chưa có ạ. – Thiếu nữ chầm chậm đáp.

Nàng không thấy nụ cười nhẹ như gió trên môi người khách lúc y thúc ngựa lao xuống núi.

***

Thiếu nữ mang cuộc trò chuyện kỳ lạ ấy kể cho ông chủ quán trọ, song chàng chỉ nghe rồi ậm ừ, tiếp tục đọc kinh mà chẳng nói gì thêm. Rất nhiều ngày đã trôi qua, thiếu nữ để tâm đến mấy vẫn không nghe được tiếng vó ngựa bên ngoài, lật mở bao nhiêu sách sử vẫn không tài nào đoán được mục đích của vị khách kia.

Không phải oan ức vì những hành vi tàn bạo bị người đời sau thêu dệt, càng không phải cái án giết anh cướp ngôi mà các sử gia đã gán cho. Những việc ấy, y đều không phủ nhận, càng không tỏ ra ân hận hay tiếc nuối.

Thảo nào, y có tìm bao nhiêu lần vẫn không nhìn thấy quán trọ này.

Lần thứ bảy thiếu nữ trông thấy bóng dáng cao cao của vị khách nọ, y không thúc ngựa lên đỉnh núi nữa mà thong thả phi nước kiệu rồi dừng chân bên đình vọng cảnh. Nàng tựa cửa nhìn ra bên ngoài, suy nghĩ hồi lâu rồi đi tìm ông chủ.

- Chúng ta ghi tên anh trai của y vào sổ khách được không ạ? – Thiếu nữ hỏi.

- Sổ kia chỉ dùng để mời người đến theo yêu cầu của khách trọ. – Thư sinh đáp. – Ngài ấy đã là khách của chúng ta đâu.

Thiếu nữ thở dài, chầm chậm bước ra ngoài gặp chàng trai kia. Y không thắc mắc khi thấy nàng đột nhiên xuất hiện, dường như lần này y đến là để tìm nàng.

- Người ta hỏi lần trước vẫn không đến phỏng? – Vị khách mỉm cười.

Thiếu nữ khẽ gật đầu thay cho lời xác nhận. Vị khách không tỏ vẻ thất vọng, thong thả chống tay xuống ghế, nửa nằm nửa ngồi, thư thái như ở nhà mình.

- Khi xưa mỗi lần thiết triều ngài cũng như thế sao? – Thiếu nữ buộc miệng hỏi. – Chẳng trách...

- Chẳng trách thế nào? – Vị khách có vẻ tò mò.

- Không có gì ạ. – Nàng nói tránh đi. – Thế ngài năm lần bảy lượt đi tìm quán trọ vì nghĩ người kia sẽ đến đây để giải oan nên muốn đến gặp phỏng?

- Ừm. – Vị khách gật gù. – Cũng không nhất thiết phải gặp, nên ta chợt nghĩ có khi cô sẽ giúp được ta.

- Tôi? – Thiếu nữ trỏ mặt mình. – Tôi có thể làm gì?

- Giúp ta chuyển một món quà cho anh ấy. – Vị khách đáp. – Ta cứ lên xuống núi mãi cũng không phải cách, chi bằng cứ gửi cho cô. Ta nghĩ anh ấy cũng chẳng muốn thấy mặt ta đâu.

- Tôi không ngại giúp ngài. – Nàng thật thà. – Nhưng từ lần đầu tiên ngài tìm đến nơi này cũng đã hơn nửa năm rồi, tôi nghĩ người mà ngài muốn tìm sẽ không đến đây đâu.

- Nếu ba tháng nữa vẫn không gặp, cô cứ tuỳ nghi xử lý.

Vị khách khoát khoát tay, đoạn đi ngang qua mặt thiếu nữ, nói gọn lỏn:

- Đa tạ.

Y nhanh chóng bước khỏi mái đình, nhắm đường xuống núi mà đi. Thiếu nữ vội bước theo:

- Này! Ít nhất ngài phải đưa vật muốn chuyển cho tôi chứ!

Người khách dừng chân. Y quay lại nhìn thiếu nữ, khẽ chau mày rồi đưa tay chỉ vào gốc cây cạnh mái đình.

- Con ngựa... này á? – Nàng sửng sốt.

- Phải. – Người khách đáp.

Thiếu nữ đến giờ mới thận trọng quan sát chú ngựa chiến đã mấy lần phi như bay từ chân núi lên đến đỉnh. Toàn thân nó trắng muốt như mây, lông mượt như tơ, dưới bốn chân có cựa.

- Lúc bọn ta còn rất nhỏ... - Vị khách thấp giọng như đang tự kể chuyện cho chính mình nghe. – Nghe phụ hoàng kể về những con chiến mã của các danh tướng thời xưa, ai nấy cũng háo hức, bảo lớn lên sẽ cố luyện kiếm cung và tìm một con ngựa uy dũng xứng đáng. Ta thích ngựa ô, còn anh trai ta lại luôn mong ước có một con ngựa trắng...

- Anh em các ngài từng thân thiết, yêu thương nhau sao? – Thiếu nữ hỏi.

- Trẻ con mà. – Người khách bất giác bước đến xoa bờm ngựa, ánh mắt lấp lánh niềm vui. – Bọn ta lúc thì cùng một phe đánh nhau với con cái của mấy vị đại thần, lúc không có người ngoài lại chia phe choảng nhau inh ỏi. Nhưng ban ngày có đánh nhau sứt đầu mẻ trán, tay chân xây xát thì đến đêm lại ôm nhau ngủ cùng một giường, rúc rích đùa giỡn đến khi bị mắng mới thôi.

Ánh sáng trong mắt người khách vụt tắt rất nhanh. Y nói tiếp:

- Ai biết được khi trưởng thành, đều là con nhà đế vương, đều mang tham vọng bước lên ngôi cao, ngươi không chết thì ta chết. Thái tử thác, phụ hoàng băng, bốn anh em ta lại diễn tuồng tứ long tranh châu suốt gần một năm ròng. – Giọng nói của vị khách càng lúc càng thấp. – Lúc lúc ấy xung quanh chỉ toàn lửa, khói và máu. Mãi đến khi có kẻ dưới dâng lên con chiến mã này, ta mới nhận ra họ đều đã đi rồi.

Bàn tay người khách xoa mãi chiếc bờm trắng của con ngựa, hồi lâu mới rời đi như thể còn luyến tiếc điều gì. Thiếu nữ khẽ hỏi:

- Ngài ân hận sao?

Vị khách bật cười.

- Mấy chữ ấy để sắp vãn tuồng diễn cho bọn trẻ nó xem.

Nói đoạn, vị khách ngoái nhìn khung cảnh cả vùng núi non hùng vĩ một lần nữa rồi phất áo choàng kiên quyết bước đi.

- Thế nhé. Nhờ cô!

Chân vừa chạm đến những bậc thang bằng đá, bỗng có viên ngói từ đâu rơi xuống, y nhanh nhẹn xoay người tránh, đoạn lại ung dung tiếp tục hành trình, không ngoảnh đầu lại thêm lần nào nữa.

Trái ngược với bầu trời vẫn lộng lẫy vũ điệu của mây và những ánh nắng cuối ngày. Phía chân núi, bóng đêm dường như đang chạy đua với người xem ai đến trước. Đích đến của người khách càng lúc càng tối sầm lại, thỉnh thoảng loé lên những đốm sáng lập loè và những âm thanh quỷ dị.

***

Khi thiếu nữ trở vào bên trong quán trọ, ông chủ của nàng đang đứng ở hành lang cao nhất. Trầm ngâm nhìn ra khung cảnh bên ngoài.

- Em đoán y sẽ không quay lại nữa. – Thiếu nữ bước đến ngồi tựa cằm bên thư án.

Thư sinh không đáp. Chàng bước đến kệ sách tìm mấy tấm địa đồ, thong thả trải ra trước mặt thiếu nữ, điềm nhiên kể:

- Ngày xưa, dân gian truyền rằng mỗi lần có người qua sông này đều bị nước cuốn trôi. Ngài ấy đã cho người bơi lội qua lại mấy lần rồi ra chiếu đóng thuyền lớn để chở người qua lại.

Thư sinh giở một tấm địa đồ khác, vẽ vùng biên giới giữa Đại Việt và phương bắc:

- Ngài ấy từng yêu cầu vua phương bắc cho đặt người coi việc tại chợ ở đây. – Chàng trỏ vào một vùng đất rất xa, sâu trong đất bạn. – Song vua xứ ấy chỉ cho mua bán ở những vùng lân cận biên giới thôi.

Thiếu nữ còn chưa kịp nói gì, thư sinh đã tiếp:

- Bộ kinh Đại Tạng em hay chép cũng là do ngài ấy sai người thỉnh về từ phương bắc đấy, ngạc nhiên không?

Thiếu nữ đưa tay che miệng, nghĩ mãi vẫn không hiểu được:

- Nếu y đã làm được nhiều việc tốt như thế, sao lại không thể trông thấy quán trọ của chúng ta? Lẽ nào... - Nàng chợt nhớ ra nên ngập ngừng. – Lẽ nào vì tội xúc phạm đến cao tăng nhà Phật, vì năm xưa y đã sai người róc mía trên đầu một vị sư rồi lỡ tay làm chảy máu...?

Thư sinh xoa đầu thiếu nữ rất bao dung, đoạn chầm chậm gấp địa đồ trả về chỗ cũ. Chàng cầm cây sáo bằng ngọc trắng bước ra hành lang, bắt đầu thổi một khúc ca.

"Mê khứ sinh không sắc,

Ngộ lai vô sắc không.

Sắc không mê ngộ giả,

Nhất lý cổ kim đồng..."

Thiếu nữ ngồi cạnh chàng, nhìn mãi dòng sông uống lượn như con rồng vàng lấp lánh ánh ráng chiều dưới thung lũng. Đến khi tiếng sáo đã ngưng bặt từ lâu, thư sinh mới khẽ cười, hỏi nàng:

- Cho là ngài ấy không tìm ra quán trọ của chúng ta, sao lại trông thấy em?

Thiếu nữ chết lặng. Đoạn, thư sinh hất hàm về phía đình vọng cảnh:

- Mái đình ấy được xây cùng chất liệu với quán trọ này, sao ngài ấy có thể đến ngồi?

Thiếu nữ ngẩn ngơ nhìn nụ cười nhàn nhạt trên gương mặt thấu suốt hồng trần của chủ nhân quán trọ. Rất lâu sau, nàng mới mấp máy được một câu:

- Vậy... sao y lại vờ như không thấy?

Thư sinh cười hiền:

- Nếu ngài ấy bước vào đây, em sẽ chào đón hay không chào đón?

Từ trước đến nay, khách trọ của quán Phù Vân luôn là những bậc anh hùng hoặc ít nhất cũng là người lương thiện. Người này lại bị sử xanh đời đời phỉ nhổ, ác nghiệp khôn kể, thần nhân oán giận. Ấy là chưa nói đến, những người trong quán trọ đều một lòng kính Phật. Cho phép một kẻ từng gây ác nặng nề với cả sư sãi như thế bước vào, giúp hắn giải oan, dù Phật có từ bi thì bản thân mỗi người sẽ tự thấy mình đã làm thiện hay gieo ác đây?

Sở dĩ thiếu nữ tò mò và hồ hởi tiếp cận người khách nọ mà chẳng hề suy nghĩ về những việc này là bởi nàng tin chắc có mời y cũng không vào được.

- Đó... là hạng người gì? – Thiếu nữ bỗng nhiên thấy trong lòng vô cùng khó chịu. – Rốt cục, hậu thế đã hiểu đúng về ông ta được mấy phần?

- Là một người thông suốt. – Thư sinh đáp.

Không ai nói thêm một lời nào. Rất lâu sau đó, thiếu nữ buồn bã đứng lên, hỏi:

- Em nên làm gì với con ngựa ông ta để lại đây?

- Để nó tự do đi.

Thư sinh nói thế rồi lại im lặng nhìn ra ngoài. Bạch mã khi được tháo cương thì lồng lên, hí vang một tiếng rồi tung vó chạy lên mỏm đá nhô ra trên đỉnh núi, khí thế và vui vẻ hệt như mấy anh em của người khách mỗi lần được vua cha đưa lên nơi cao nhất ngắm nhìn phong cảnh giang sơn hùng vĩ. Ngựa chiến dựng vó, đứng sừng sững trên nền trời đỏ oạch, chiếc bờm trắng như nhuộm đẫm màu hoàng hôn, sợi vàng, hồng, tím lẫn vào nhau. Nó hí vang rồi phóng ra ngoài, hoà vào dãy núi trùng trùng như đoàn tuấn mã đang rong ruổi đường vạn lý ra tận biển khơi, mất hút.

Lúc vị khách kia dừng chân bên đình vọng cảnh, thư sinh đã biết y trông thấy quán trọ song lại vờ như không thấy. Thế nên, để kiểm chứng suy đoán của mình, chàng bèn ném một viên ngói của quán trọ xuống chỗ y. Khoảnh khắc người nọ xoay người tránh viên ngói, ánh mắt hai người đã chạm nhau. Thư sinh khẽ gật đầu, người nọ cũng gật đầu, thoáng ý cười.

Chấp nhận quy luật "thành vương bại khấu", sẵn sàng xuống tay với ruột thịt thì cũng sẵn sàng đón nhận ngàn tiếng tàn bạo về sau, không giãi bày, không oán trách. Chấp nhận vòng nhân quả, luân hồi, hiên ngang gánh chịu tội nghiệp mà mình đã gây ra, không cầu siêu thoát, không làm khó kẻ tu hành. Có lẽ lúc sinh thời, những lời y nói ra suy nghĩ của mình cả đời cộng lại cũng không nhiều như những gì thiếu nữ đã nghe. Thư sinh nói, đó là một người hiểu đời, hiểu đạo.

Đất nước này đã từng có một con người như thế.

Quán trọ Phù Vân chỉ có người hữu duyên nhìn thấy, cũng từng đón tiếp một con người như thế.


Ca dao:

"Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm."

Trích bài thơ Mê ngộ bất dị của Tuệ Trung thượng sĩ.

Dịch nghĩa:

"Lúc mê sinh ra "không" và "sắc",

Khi ngộ không còn "sắc", không, mê, ngộ.

"Sắc", "không", với "mê", "ngộ",

Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro