Khi mà câu chuyện sắp bắt đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Tổng cộng là 10 ngàn . Thím Ba dạo này khoẻ không chú, hổm rày con không thấy thím đi chợ."

"Ui, bả bị cảm vặt, nằm nhà mấy ngày chắc cũng sắp hết rồi. Hổm ngoại bây có cho chú mấy tép xả với lá bưởi, xông hổm rày bả khoẻ dữ rồi á."

"Dạ, con gửi lời hỏi thăm nha chú Ba."

Người đàn ông trung niên cười hì hì nói mấy tiếng "rồi rồi" và quay đi. 

Ở cái xóm này ai cũng biết gia đình nhà bà tư Vui, không phải tại bà ấy giàu có nứt vách hay quyền uy gì mà là vì câu chuyện về gia đình bà. Về một gia đình mà đã dùng máu thịt để đổi lấy khắc hoà bình của bây giờ.

Từ chồng bà, đến cả đứa con gái và hai đứa con trai của bà cũng đi theo tiếng gọi của tổ quốc và ở lại mãi nơi xa xăm ấy. Cũng may, ông trời còn thương, còn để lại cho bà ba đứa cháu gái để nương tựa nhau mà sống.

Hoan là đứa con của con trai trưởng của bà

Hiền là đứa con của con gái thứ hai của bà

Lâm là đứa con của người con út trong nhà.

Tuy trong 3 chị em thì Hiền là đứa lớn nhất, sanh trước nhất. Nhưng bị cái vai vế của con bé Hoan lớn hơn, cho nên Hiền vẫn phải gọi con bé ấy bằng chị. Nhưng mà Hoan thấy xưng hô vậy nó sượng quá nên trong nhà thống nhất đứa nhỏ tuổi hơn thì gọi đứa kia là chị. Nhà cũng không giàu có gì, nhưng bà tư Vui vẫn cố hết sức cho ba đứa nhỏ học hành đàng hoàng, bà muốn tương lai của tụi nhỏ không chỉ dừng lại ở việc bắt đầu rồi kết thúc ở cái chốn quê nghèo lạc hậu này. Bà mong 3 món tài sản quý giá cuối cùng còn lại của bà có thể có tương lai sáng lạng hơn.

Ông bà ta có câu "Phi thương bất phú", để lo cho tụi nhỏ sống đủ ăn đủ mặc, được ăn học đàng hoàng thì chỉ có thửa ruộng nhỏ là không đủ. Bà quyết định bán mảnh ruộng đi, lấy vốn làm ăn thứ khác.

Bà mở cái tạp hoá độc nhất trong vùng, làng trên xóm dưới gì cũng đến chỗ bà mua đồ. Hàng hoá chỗ bà lúc nào giá cả cũng phải chăng mà lại đầy đủ, có những món mà tưởng chừng chỉ có trên tỉnh mới có thì bà cũng có. 

"Hiền, bây coi về nhà ăn cơm rồi sửa soạn đi học đi."

Bà Tư Vui đội cái nón lá đi vào quán, dáng vẫn còn nhanh nhẹn lắm, to giọng nói.

"Ủa ngoại, sao ngoại ra sớm vậy? Ngủ trưa thêm xíu hẳn ra, con còn nửa tiếng nữa mới tới giờ học lận."

"Tao già rồi, ngủ bây nhiêu là đủ rồi. Bây về mà đi học, nay buổi đầu đừng có đi trễ rồi thầy cô mắng vốn về là tao đánh bỏ ăn nha." 

"Rồi rồi con về nè, người đâu hung dữ quá à."

"Dữ tía mày chứ dữ, đi về lẹ lẹ đi."

Bà tư Vui đội lại cái nón lá lên đầu Hiền, rồi đánh vai con bé một cái để hối nó đi nhanh hơn.

Nhìn cái dáng nhỏ xíu con đang nhanh chân nhanh tay chạy kia bà tư Vui lại nhớ tới đứa con gái quá cố của mình. Hiền nó lớn lên y hệt má nó, chẳng khác xíu nào, từ cái mắt cái mũi cho tới cái tánh cái nết. Càng lớn càng trổ mã xinh đẹp hơn, cũng vừa hiền lành vừa cứng đầu hệt má nó. Vì là đứa lớn tuổi nhất, nên dù trên vai vế có là em họ của con bé Hoan, Hiền nó vẫn ra dáng một người chị chăm sóc hai đứa nhỏ rất chu đáo. Nhìn tụi nhỏ hoà thuận mà lớn lên bà cũng thấy vui trong lòng.

"Chị tư, lấy tui chai nước sâm."

"Ủa anh hai, lâu lắm rồi tui mới gặp anh đó nghen. Đi đâu qua đây vậy?"

Bà vừa lấy hàng vừa tươi cười chào hỏi ông hai trước mặt. Người này là ông Hai Hùng, ở làng bên, gọi làng bên nghe nó xa chứ nhà ông hai với bà tư cách nhau có mấy thửa ruộng chứ mấy. Cả hai nhà đều ở phía đầu làng nên đâu có xa xôi gì.

Ông hai cầm chai nước lên tu một hơi, phải nói nước sâm mua ở tiệm bà tư là nhất cái khu này. Trưa nắng làm một hớp nó mát hết cả ruột gan. Đã khát rồi ông mới trả lời lại bà.

"Chèn ơi, tui đi đưa con bé Kỳ nó đi nhập học, chớp mắt mấy cái coi vậy mà học tới lớp 10 rồi, cũng nhanh quá chị tư ha, mới có bây nhiêu mà giờ tụi nó lớn phổng hết rồi."

"Đời người mà anh hai, chớp mắt cái qua nhanh lắm. Mà vậy là con bé Kỳ nhà anh năm nay 16 ha, vậy là bằng tuổi con bé Lâm nhà tui rồi."

"Nó lớn dữ lắm rồi chị ơi, tui nuôi nó từ cái hồi trước giải phóng 1 năm mà. 15 năm coi vậy mà qua nhanh quá chị ơi."

"Để tui lấy ghế cho anh ngồi chơi nha anh hai." 

Đứng nói chuyện nãy giờ bà mới để ý ông hai Hùng đứng nắng nãy giờ. Tuy trước quán bà có cái hiên chìa ra, nhưng so với cái nắng trưa thì cũng chẳng nhằm nhò gì.

"Thôi thôi chị ơi, tui đứng tám chuyện mấy câu rồi tui đi công chuyện liền giờ á, đừng có bày biện lát mắc công chị dọn. Mà chai nước nhiêu vậy chị tư?"

"Của anh 1 ngàn."

"Đây, tui gửi chị. Thôi tui đi nghen, giữ gìn sức khoẻ nghen chị tư."

"Tui cám ơn, anh cũng vậy nghen anh hai."

"Dạ, tui đi à."

Ông hai Hùng leo lên chiếc xe ba gác cũ kĩ nổ máy tạch tạch chạy đi.

Nói về ông hai Hùng một chút, ông vốn không phải người vùng này, thời chiến tranh ông phải đi di dân để bảo toàn tánh mạng  và rồi đến đây. Ông có đứa con gái tên Kỳ, nhưng không phải con ruột của ông. Cái ngày mà ông thân tàn ma dại di dân đến đây, ông được một người phụ nữ cứu giúp, cho ông nơi nương nhờ và cho ông những chén cơm trắng quý giá.

Người phụ nữ đó chính là mẹ của Kỳ. Ba ruột con bé cũng đi lính rồi ở lại mãi nơi chiến trường đầy lửa, con bé lúc đó mới sinh ra có 3 tháng, còn nhỏ xíu xiu nhưng mà cứ hễ nhìn ông là cười, hệt như mặt trời nhỏ vậy, thấy thương vô cùng.

Một lần địch tập kích bất ngờ, chúng nó ngạo nghễ ngồi trên máy bay mà thả những trái bom lên đầu người dân vô tội. Nhà của Kỳ cũng vì trận bom mà chìm trong lửa, mẹ Kỳ cùng ông hai từ đồng chạy về thì đã thấy ngôi nhà rực đỏ lửa. Chẳng nghĩ gì nhiều bà liều mình lao vào biển lửa để cứu Kỳ ra. Trận lửa dữ làm chảy xém cả tấm lưng bà, bọn giặc trong cả tuần đó cứ ôm súng đi dò la khắp làng, thấy người là nó giết, dân làng bất lực, không có cách nào đưa bà đi trạm xá. Vết bỏng vì không được chữa trị đàng hoàng, lại phải trú ẩn trong hầm đất ẩm thấp, mẹ Kỳ cứ vậy mà qua đời vì nhiễm trùng. Trước khi đi, mặc cho tấm lưng nhức nhối của mình, bà lại ôm Kỳ lần cuối, gượng ngồi dậy muốn cho đứa con gái nhỏ của mình uống dòng sữa mẹ lần cuối cùng, bà muốn lần cuối cùng bà được ở cùng với con gái bà có thể cho nó sự no đủ, ngọt ngào cuối cùng. Bà cứ như vậy, ngồi ôm lấy Kỳ rồi rút hơi thở cuối, không ai biết Kỳ lúc đó có cảm nhận được sự chia ly hay không, nhưng đó là một lần hiếm hoi mà đứa nhỏ luôn i a i ê với mọi người khóc rống lên. Tiếng khóc như muốn xé lòng của từng người ở trong căn hầm ấy, như thể nó muốn mọi người hiểu được một phần nào đó cái đau đớn mà mẹ nó phải chịu mấy ngày qua.

Ông hai đỡ mẹ Kỳ nằm lại, ông tự thề với trời với đất, ông sẽ thay vợ chồng bà nuôi nấng Kỳ như đứa con gái ruột của ông. 

Rồi thời gian cứ thế qua đi, những nỗi đau cũng đã nhường chỗ lại cho kỷ niệm, đất nước cũng lại có được hoà bình. Yêu thương đã trám lại những vết thương lòng, yêu thương đã ấp ủ để một đứa bé lớn lên thật hạnh phúc và đứa bé đó cũng trở thành lẽ sống của ông hai Hùng. 

Bầu trời đất Việt này đã lại xanh màu nắng.


Trong cái nắng ban trưa, đáng lẽ chỉ có độc tiếng dế tiếng ve kêu thì hôm nay tiếng trống trường làng từng nhịp từng nhịp rộn ràng truyền đi, đánh tan cơn buồn ngủ của đám học trò vừa trở lại trường. Học sinh ngồi ngăn ngắn coi lễ khai giảng dưới tấm bạt cũ kĩ mà nhà trường giăng lên che nắng.

"Ừm, trước khi kết thúc buổi khai giảng thì thầy sẽ trao thưởng cho hai em có thành tích học tập xuất sắc nhất trong năm trước."

"Ê, tao đố mày ai được á?" 

Một vài đứa học trò tám chuyện với nhau.

"Ui, dễ ẹt, lại chị Hiền cháu bà tư thôi, bả giỏi có tiếng trong trường còn gì."

"Tao cũng nghĩ vậy, mà không biết người còn lại à ai ha."

"Ừa tò mò ghê mậy."

Kỳ ngồi chung trong đám lớp 10 cũng hiếu kì dỏng tai lên nghe tụi nó tám.

"Ủa Lâm, nói nghe nè." 

Kỳ sáp lại gần Lâm hỏi chuyện, đừng ai thắc mắc sao hai người này khác làng mà lại quen biết nhau. Con bé Lâm nó là thổ địa vùng này, nhờ hay đi lấy đồ cho bà tư bán nên nó thuộc cái vùng này như thuộc lòng bảng cửu chương vậy á. 

"Gì chèn, nói gì nói to đi, nóng gần chết mà còn sáp lại gần nữa."

"Rồi rồi, tao ngồi xa rồi nè. Chị Hiền cháu bà tư là ai mày, sao tao nghe quen quen á."

"Quen đúng rồi, tao cũng cháu bà tư nè, bả là chị tao á."

"Ghê, chị mày học giỏi vậy luôn á hả!?"

"Ừa, nhà tao có bả với bà Hoan, không biết ăn trúng cái gì mà học ghê thấy sợ. Lần nào nội nhìn bài kiểm tra của hai bả xong nhìn của tao cũng thở dài hết."

Kỳ nhìn qua Lâm với một ánh mắt cảm thông, bị so với nhà hàng xóm đã khổ, đằng này là bị so trong nhà.

"Không cần nhìn tao kiểu đó mày, hai bả học giỏi còn tao bán buôn phụ nội tao cũng giỏi chớ bộ. Nội tao nói không sao, sau này ra làm chủ cái quán của nội."

"Í chời, bắt đầu phát thưởng kìa mày."

Lâm vừa nghe Kỳ nói thế liền quay phắt lên ngóng. Hiền thì là người có thành tích tốt nhất khối 11 năm trước, người còn lại lên lãnh thưởng là Hoan, người được thành tích tốt nhất khối 10 năm trước. Lâm ngồi bên dưới nhìn hai bà chị của mình lãnh giải tự hào tới độ nở hết cả lỗ mũi. 

Kỳ nó nhìn Lâm như vậy thì lại mắc cười, nó cũng có hơi tò mò, nó tò mò không biết cảm giác nở mày nở mặt tự hào vì người thân mình quá xuất sắc như thế nào. 

Nó không biết rằng, sẽ sớm thôi, nó cũng sẽ trải nghiệm cái cảm giác nhìn người "thân" mình giỏi giang mà nở cả lỗ mũi là như thế nào.




___

Văn mình hơi lủng củng, mong là không khiến mọi người cảm thấy quá tệ khi đọc :3

Cảm ơn vì mọi người đã đọc những thứ mình viết. Mình cũng mong mọi người sẽ cho mình nhưng góp ý, vì đây là lần đầu mình viết theo kiểu miền tây thế này, cảm ơn mọi người nhiềuuu.






Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro