Ngón chân thứ sáu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dành tặng em, Shin.

Với tất cả thương yêu và quý mến.

Phượng đỏ rợp sân trường ngày bế giảng, tôi không nhận ra mùa hè năm lớp tám đã kết thúc trước khi những kế hoạch vĩ đại kịp khởi động.

Lúm đến với gia đình tôi vào một ngày mưa rơi tầm tã dưới cái trưa hè nóng đổ lửa. Khi ấy nó gầy rộc, bốn que củi cắm vào cục bông trắng lốm đốm nâu như ly bạc sỉu chưa khuấy. Tôi trân trân nhìn chị Du chật vật ôm con chó, ngón chân thứ năm ngoe nguẩy cùng cái đuôi quẫy quẫy mừng rỡ.

Nó tru lên một tràng gió rít nhìn tôi mắt bé, ánh lên niềm hân hoan vô tận.

Tự nhiên bụng tôi cồn cào, tự nhiên tôi lại đong đầy hy vọng.

Ba và chị giống nhau ở cái tính nóng nảy, mẹ quặn nhìn hai ba con lớn tiếng trước hiên nhà, trước mặt mấy đứa em, trước mặt thiên hạ hiếu kì. Ba đuổi chị ra khỏi nhà, chị đi ngay, bất chấp lời mẹ khuyên ngăn. Chị rời đi trên con xe cub cọc cạch mất hút trong làn khói bụi thành phố, dể lại cuộn pô-ly-me trên tay mẹ. Tiếng rên nhỏ xíu vẫn văng vẳng bên tai tôi, lẫn trong tiếng động cơ và còi xe ồn ào.

Bầu không khí ngột ngạt đè nặng từng bữa cơm gia đình, tôi thấy nhớ những giây phút cả nhà bên nhau cùng xem chương trình truyền hình. Tôi cá chắc ba cũng nghĩ vậy, vì ba và tôi giống nhất ở chỗ thương gia đình.

Ngày thứ mười lăm sau cơn bão, chị về dẫn theo con sô-cô-la sữa. Nó cứng cáp hơn nhiều, bốn chân bé tí mà sao tư thế hiên ngang bất khuất không thua gì một chàng lính ngự lâm trung thành.

Ba không nói lời nào, lẳng lặng nhìn con chó rồi bỏ vào trong, để lại ba chị em tôi rống lên vui sướng. Con chó lao đến ngoạm ngoạm đôi dép lê của tôi, miệng nó tung tóe nước dãi.

Con gái mất nết! Uổng công tôi tập luyện cho nó hai tuần qua.

Mẹ cười cười nhìn ba con vịt giờ và một con chó loang lỗ, rồi bảo gọi nó là Lúm, vì nó có lúm đồng điếu hệt như ba chị em tôi. Cái tên thật ngớ ngẩn, nhưng ngẫm lại chẳng có tên nào phù hợp hơn cả.

Vậy là cơn bão mùa hè đã đến gõ cửa mái nhà năm người chúng tôi, trong hình hài một chú cún với đôi mắt sáng hơn bất kì ngôi sao dạ quang nào dán kín trần nhà.

Làn gió thu thổi qua lòng tôi giữa tiết trời bốn mươi độ, tôi biết, Lúm nhất định là thiên thần hộ mệnh Đấng trên cao gửi cho tôi. Khi tôi công bố điều đó, chị Du kí tôi u đầu nhưng không phủ nhận. Về sau tôi cũng quên bẵng đi mất.

Ngày lúm đến, kế hoạch mùa hè nằm phủ bụi trong góc phòng, tôi trở thành người huấn luyện chó bất đắc dĩ, nhỏ Thanh hàng xóm kiêm bạn cùng lớp cũng qua phụ trợ. Lúm lễ phép, bảo gì nghe nấy. Lúm giỏi giang, dạy đâu nhớ đó. Chỉ có tật thích cắn giày, chỉ riêng giày tôi mới tức.

Bác tôi khen Lúm có tướng phú quý, mỗi chân có năm ngón, dân gian gọi là "tứ túc huyền đề". Khi ấy tôi bắt đầu để ý đến ngón thứ năm ở chân sau lớn bất thường. Một lần ngồi cắt móng cho Lúm, tôi tò mò vạch túm lông, thấy giữa ngón chân có đường rãnh nhỏ tạc dần về cuối, chia móng làm hai phần.

Tôi sửng sốt, hóa ra không phải "tứ quý cẩu", mà là "lục hợp cẩu" rồi!

Quý hóa! Quý hóa quá!

Lúm được cả nhà thương, trừ ba vẫn lạnh nhạt, cấm con Tú út không được đến gần Lúm vì sợ bệnh.

Năm lớp chín, tôi chết hụt.

Lần đó tôi nuốt chửng miếng thịt lớn vì mới đeo niềng răng, tắc ngay cổ họng. Cơ thể theo phản xạ tìm cách nôn thứ dị vật, còn tôi theo quán tính cố gắng nuốt ngược vào trong. Tôi ho, ho triền miên, ho điên cuồng, ho như thể mạng sống tôi phụ thuộc vào nó.

Cơn hoảng loạn ập đến, nỗi sợ lấn át lí trí, tôi lảo đảo ngã xuống sàn. Chớp mắt tôi thấy ba mẹ, chị Du, con Tú, nhỏ Thanh, về những dự định chưa kịp thực hiện.

Giây phút cận kề, tôi thấy đôi mắt nâu của Lúm, nghe tiếng tru như sói sám vùng thảo nguyên quen thuộc. Tiếng tru đặc biệt lắm, món quà bất tận của tạo hóa giữa lòng Sài Gòn khiến hồn người dao động. Tôi vẫn luôn tin tổ tiên Lúm là loài sói xám dũng mãnh oai nghiêm.

Tầm nhìn nhòe dần, tôi dần thả hồn vào giai điệu du dương, rồi bỗng không khí tràn vào phổi. Tôi thấy khuôn mặt lo lắng của ba, ông nói gì tôi nghe không rõ, cũng không nhớ chuyện xảy ra sau đó.

Sau này nghe kể lại, tôi mới biết ba tôi đang ngồi đọc báo ngoài quán cà phê trước nhà, con Lúm chạy ra sủa inh ỏi. Thấy điềm chẳng lành, ông theo nó kiểm tra thì phát hiện tôi tím tái bất động nằm dưới đất.

Từ lần ấy, thi thoảng tôi lại thấy Lúm khoanh người nằm dưới chân ba, hình ảnh ấy in mãi trong kí ức tôi, cả trong chiếc điện thoại. Lệnh cấm con Tú cũng được gỡ xuống trong im lặng.

Từng bước nhỏ bé thôi, tôi nhận ra chỉ mình tôi vẫn thế.

Lên cấp ba tôi tập trung vào việc học. Con Thanh với tôi thi hai trường khác nhau, chúng tôi cũng thôi làm lũ trẻ để học cách trở thành người lớn, cất giữ chuỗi ngày đạp xe rong ruổi khắp phố làm kỉ niệm.

Thời gian tuy eo hẹp, tôi vẫn dành thời gian ngồi với Lúm. Tôi huyên thuyên đủ chuyện, Lúm nằm kế bên gặm món giày khoái khẩu. Tự nhiên cái mõm nó dễ thương, gương mặt chất phát thế.

Lúm ngoài hiên đợi tôi về mỗi ngày, trái tim tôi nhỏ bé bùng nổ vì tuôn trào hạnh phúc, để đọng lại sự ích kỉ sâu thẳm. Lỡ một ngày Lúm bị bắt bởi lũ trộm chó bất lương. Với chúng, Lúm chỉ như một món tiền hay món ăn trên bàn nhậu, nhưng trong thế giới của tôi, Lúm là niềm an ủi, là báu vật vô giá tôi không muốn mất.

Giữa chúng tôi có mối liên kết mà người ngoài không hiểu được, tôi cũng không muốn họ hiểu. Tôi muốn Lúm tồn tại là vì tôi, tôi muốn trở thành người đặc biệt trong mắt nâu.

Vậy nên tôi bị trừng phạt.

Chúng tôi đang ngồi ngoài hiên, bất chợt Lúm vểnh tai, phắt dậy lao ra đường, băng vun vút qua ngã tư. Hô hấp tắt ngúm, tôi loay hoay quên cả dép đuổi theo. Đằng xa có vài chiếc xe đang chạy, họ kịp thời thắng lại, nhưng tôi nghĩ họ mới hoảng hồn khi thấy một con điên chân trần vừa chạy vừa la í ới rượt theo bóng thấp tức thì.

Trước mắt tôi là một con chó hoang, tròng mắt đỏ ngầu, nhe hàm răng nhọn chảy đầy dãi, dấu hiện của bệnh dại. Người bị cắn nhẹ thì lên cơn sốt, trường hợp nặng dẫn đến tử vong, ở động vật, bệnh dại không khác gì án tử đau đớn.

Bàn tay lạnh cóng, đôi chân nặng trịch ghim xuống đất, đầu óc tôi mụ mị bất lực. Nhỏ bé và hèn nhát tôi không thay đổi, vẫn chỉ mãi con bé khóc nhè quái dị.

Tôi sợ, nhưng không biết mình sợ điều gì nữa.

Trong tiềm thức trống rỗng, tôi nghe đâu đó giai điệu êm dịu, vang lên vào lúc tôi đã sẵn sàng từ bỏ quyền được đấu tranh cho số phận của mình. Liệu tôi còn có thể đấu tranh vì người khác?

Khoan đã, tôi biết giai điệu này, tôi đã từng nghe nó rồi, mỗi ngày trước khi đi học, mỗi tối khi trở về nhà. Là nó, là tiếng con Lúm! Lúm gồng mình đối diện con chó dữ, nó tru lên khúc hùng ca lan đến từng tế bào đã đông cứng, phong thái oai nghi lẫm liệt như sói đầu đàn bảo vệ gia đình mình. Mọi thứ dần mở ra trước mắt.

Giọng con Tú sợ hãi đang gào tên tôi, tôi nghe được rồi. Nó đứng bên kia con chó hoang, tôi nhìn thấy rồi. Tôi phóng đến kéo Tú đi, chạy như bay không nhìn lại, không để loãng phí giây nào. Khi ngôi nhà nằm trong tầm mắt, tôi dừng lại, dặn Tú đi tìm người giúp, rồi quay lại chỗ Lúm.

Câu trả lời mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm.

Giống như chị Du, tôi sợ nói ra tiếng lòng mình, sợ bản thân không đủ mạnh mẽ để bảo vệ lí lẽ của mình.

Giống như con Tú, tôi luôn thu mình khi phải đối mặt với những thứ xấu xa, để chúng có cơ hội hủy hoại con người mình.

Giống như ba, tôi sợ sự bất lực, sợ cái chết sẽ đi những người tôi yêu thương nhất.

Và trên tất cả, tôi sợ là chính bản thân mình.

Tôi siết chặt cổ Lúm, lưng nó vài vết xước nhưng không nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn túm nó mang đến bác sĩ. Lúm trở thành anh hùng trong bức vẽ của lũ trẻ con, song lòng tôi vẫn canh cánh. Tôi không chắc mình có thể trải qua cảm giác này thêm lần nữa, không phải với con Tú, không phải với bất kì ai, rồi từ khi nào, Lúm đã nằm trong cái danh sách ấy.

Tôi đặt lên mõm nó một chiếc dép.

- Lúm, hứa với tao, bất kể chuyện gì, mày cũng phải đợi tao, rõ chưa. Nếu không tao sẽ đi chân trần đến hết đời luôn, hiểu không?

Mắt nâu nhìn tôi khó hiểu, tôi bắt lấy ngón huyền đề, chúng tôi móc ngoéo như đứa trẻ con. Lúm sủa lên một tiếng, tôi đưa nốt cho nó chiếc dép còn lại.

Tháng giêng năm Đinh Dậu, lời hứa được thiết lập.

Tốt nghiệp khối phổ thông, tôi đi du học. Ba mẹ tôi vừa hãnh diện vừa rơm rớm ngày ở sân bay, chị Du và con Tú cười cười cười an ủi. Ngày tôi ra sân bay, Lúm ở nhà. Tôi nhìn mắt nâu, vuốt ve bộ lông sô-cô-la sữa lần cuối.

Bốn chân dài lon ton đuổi theo chiếc dép quăng xuống tận nhà dưới, tôi quay lưng bỏ lên chiếc tắc-xi đậu trước cửa. Mắt hướng về phía trước, đeo chiếc tai nghe chưa cắm dây, cố quên đi tiếng tru văng vẳng bên tai, cái bóng in trên kính xe bám bụi đến tận ngã tư mới vụt mất.

Nơi đất khách quê người, tôi bận rộn đủ điều, có thời gian rảnh mới gọi về nhà. Thâm tâm tôi nhớ lắm những bữa cơm gia đình, nhớ bạn bè thân thiết, nhớ nắng sáng gay ngắt và đường phố nhộn nhịp ở thành phố, nhớ nền ẩm thực tinh túy đậm tình người Việt Nam.

Và trên hết, tôi nhớ con Lúm, con chó ngốc thích ngặm dép luôn đợi tôi trước hiên nhà dù nắng hay mưa, sáng hay tối. Mỗi khi xem cái mõm chảy dãi dí vào ống kính, tiếng tru qua điện thoại rè đi nhiều, Lúm lại truyền thêm năng lượng cho tôi. Trên bàn gỗ dài, một món quà màu xanh được gói ghém đẹp đẽ.

Tôi nhắm mắt, nôn nao mơ về cái ngày trở về.

Tháng giêng năm Canh Tý, đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, lây lan khắp thế giới bằng đường hàng không. Với kinh nghiệm từ dịch SARS trước đây, chính phủ Việt Nam nhanh chóng tiến hành các biện pháp cách ly và phòng ngừa, cả nước cùng chung tay đẩy lùi bệnh dịch.

Tấm vé giá rẻ tôi mua hồi giáng sinh năm ngoái trở nên vô dụng. Hàng người chờ về nước chạm đến năm con số, số tiền được hoàn trả, nhưng trái tim tôi mãi không trở lại.

Sáng ngày 13 tháng 06 năm 2020, Lúm qua đời, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tiêu hóa do di truyền. Đúng một tháng mười ngày sau chuyến bay hãng United mà tôi đáng lẽ phải có mặt trên đó.

Có những bệnh chỉ phát triển ở giai đoạn nhất định, hoặc bị kích hoạt do căng thẳng hay yếu tố bên ngoài. Tú kể với tôi Lúm đã rất mạnh mẽ, bác sĩ cũng ngạc nhiên trước ý chí kiên cường của cô chó, như thể nó còn điều gì phải làm. Chỉ mình tôi biết về cái ngóeo chân ngày nào.

Tháng sáu thập niên hai mươi của thế kỉ hai mốt, lời hứa bị phá vỡ. Lời hứa của ngày hôm ấy, là tôi đã phá vỡ.

"Thời gian có thể chữa lành nhưng lần này thì không...

...Trước khi em ra đi, liệu tôi đã có có thể giúp con tim em mạnh mẽ hơn...

...Trước khi em ra đi, liệu tôi đã có cơ hội giúp mọi vết thương ngừng chảy..."

Bài nhạc đứng hạng nhất trên ra-đi-ô mấy tuần nay, thấm đẫm cảm xúc, dậy lên kí ức về đôi mắt sương mờ, về tiếng tru bất diệt. Lewis đã viết về người dì đã tự tự và nỗi đau của người ở lại, anh còn trẻ mà từng trải đến đau lòng. Nước mưa hắt vào tấm kính chắn của chiếc xe Hyndai đời cũ, từng dòng chảy ngược lên nóc xe. Tôi để nước mắt chảy ngược vào tim mình.

Tôi chuyển đến nhà mới vì kí túc xá đóng cửa, Stark là một chú la-ba-đô màu kem, theo tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng, suốt ngày nằm trước cửa đợi chủ trở về. Thỉnh thoảng tôi ra nằm với nó, chỉ là nỗi buồn cứ mãi không nguôi.

Một ngày chị Du gọi điện cho tôi. Từ lúc con Tú báo tin, tôi không hỏi về Lúm lần nào nữa. Bất ngờ chị nhắc về lời nói lúc trước, khi tôi bảo Lúm là thiên thần hộ mệnh. Tôi sầm mặt chao đảo, tai ù ù như ngồi trên máy bay.

Chị gửi cho tôi một tấm ảnh chụp trạm cứu hộ Lúm từng lưu lại. Tôi bất ngờ khi biết Lúm từng nhất quyết không chịu về nhà ai, mặc dù nó ngoan như thế. Ngày chị đến, Lúm mừng rỡ quấn chân chị không rời, vậy nên chị mang Lúm về nhà, bất chấp cơn thịnh nộ đã được dự báo, để nhận ra chị không phải là người Lúm chờ đợi.

- Em nhìn xem, Ly.

Tôi nhận ra ngay Lúm giữa hàng chục con chó khác, mặc dù ảnh mờ và cũ lắm. Bởi trong miệng nó, là chiếc dép lê màu xanh chuối ngộ nghĩnh mà tôi làm mất hồi lớp bảy.

Chiếc dép đẹp nhất tôi đã ném vào đám nhóc đang xúm lại bắt nạt một con cún. Đứng trên cầu nên tôi không thấy rõ, đến khi đạp xe xuống thì chẳng còn ai, cả con chó và chiếc dép cũng biến mất.

Thương đế lấy đi đôi dép yêu thích của tôi, rồi đưa Lúm đến.

Bây giờ Người mang Lúm đi rồi, tôi còn lại gì?

Tôi không ngừng được, nước mắt rơi như cơn bão mùa hè. Tôi không biết mình đã khóc bao lâu, đôi mắt sưng nặng trĩu, hô hấp chậm rãi nghẹn sống mũi. Tôi nhớ Lúm quá, giá như hôm đó tôi ôm nó lâu hơn một chút, giá như tôi không để nó phải chờ đợi, giá như tôi đừng bắt nó hứa, Lúm đã có thể thanh thản ra đi.

Ngàn tiếng tru dẫn lối, ngàn chiếc dép bị cắn nát, ngàn nỗi đau sâu thẳm bên trong, bao nhiêu lần cũng được, bao nhiêu lâu cũng được, đôi mắt nâu Lúm tràn đầy hy vọng, hệt như ngày đầu tiên Lúm bước vào cuộc đời tôi.

Cái tướng oai nghi bệ vệ, bộ lông trắng mượt mà được chăm chút cẩn thận, con Stark ngồi trước cánh cửa nơi nó từng giây đợi người chủ . Nhưng miệng nó lại ngoạm chiếc dép tôi thường đi, nát như tương, giống như hàng ngàn chiếc dép trước. Nó nhìn tôi màu nâu trìu mến, tru lên giai điệu của riêng chúng tôi. Bài ca loài sói dành cho kẻ lạc bầy, nỗi nhớ thương gia đình.

Ánh sáng từ ô cửa bừng sáng căn phòng, tôi nghe rõ tiếng chim hót trên cây, nghe rõ tiếng bước chân lạch cạch kề bên, khe kẽ thôi, như đang chờ đợi tôi trở về.

Để lại sau lưng chiếc dép luôn được bít mũi, tôi bước chân chạm nền cỏ xanh rì, lòng bàn chân ngứa ngáy, đất bùn sau cơn mưa len qua mười kẽ chân. Tôi cảm nhận được rồi, tôi cười lớn. Ý chí của Lúm, tôi nhận được rồi, tôi không cần chiếc dép ấy nữa. Bài học cuối cùng Lúm dành cho tôi, cũng là bài học đầu tiên của con chó nhỏ bên bờ sông ngày ấy.

- Lúm, hẹn ngày gặp lại.

....................................................Hết..........................................................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro