Chương 2: Mùa hạ: Cuộc sống của anh, cuộc sống của em.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Lúc Kim Nam Tuấn mở mắt thức dậy là lúc đồng hồ chỉ 5h05'. Cậu thiếu niên nhanh chóng gấp chăn màn rồi ra phụ mẹ nuôi quét sân, thái rau cho gà, pha cám cho lợn... Lúc làm xong hết tất thảy công việc cũng là lúc cái đài mà bố nuôi hay nghe phát bản tin thời sự buổi sáng - 6h đúng. Nam Tuấn không nghỉ ngơi một giây, anh hối hả thay đồng phục đi học, vào bếp ăn vội bát cơm đã được mẹ chuẩn bị sẵn rồi dắt chiếc xe đạp cũ kĩ chạy đi học ngay cho kịp giờ.

Những cơn gió đầu hè lùa vào những nếp áo sơ mi đồng phục đã hơi phai màu, thổi khô mồ hôi của Nam Tuấn. Anh khẽ ngân nga bài hát mình nghe được trên đài ban sáng. Chiếc xe đạp cũ kêu lọc xọc lọc xọc mỗi khi đâm trúng ổ gà trên đường, càng góp thêm âm thanh vui nhộn vào bài hát của thiếu niên. Nam Tuấn cười chào tất cả mọi người mà anh gặp trên đường, thân thiện và vô tư.

Có đôi khi, Nam Tuấn lại nhớ về những kí ức khủng khiếp lúc còn nhỏ, khi mà anh của lúc đó - một đứa con nít mới 9 tuổi đầu đã phải chịu cảnh mất đi gia đình, bị bỏ rơi, bị đánh đập, rúc mình vào ngôi mộ mới xây trong tình trạng chỉ còn thoi thóp thở vì quá đói và quá đau.

Lúc đó, nếu không có những thanh kẹo mà cậu bé con kia cho để ăn cầm hơi, có lẽ anh đã chết đói, chết dần chết mòn ở cái nghĩa trang đó, ngay bên cạnh nấm mồ mới xây của bà mất rồi...

Nam Tuấn đôi khi vẫn không hiểu, rõ ràng anh còn người thân, nhưng sao những người mà anh gọi là cô, là chú, là bác ấy còn chẳng đối xử với anh tử tế bằng một phần vạn một cậu bé xa lạ. Mồ bà còn chưa xanh cỏ, ngày giỗ đầu của bố mẹ còn chưa đến, thế mà sao họ nỡ nhẫn tâm vứt đứa trẻ là anh lại cái nghĩa trang heo hút đó để nó tự sinh tự diệt. May mà lúc ấy gặp được bé con, anh mới có thể cầm cự chút hơi tàn mà đợi được đến lúc bố mẹ nuôi hiện tại tìm đến đón về. Nam Tuấn luôn thề, bản thân lớn lên không bao giờ được trở nên đốn mạt giống như những con người mà anh từng gọi là cô, là chú, là bác kia. Anh thậm chí còn bỏ luôn cái ý định trả thù họ, bởi dù có muốn thì Nam Tuấn cũng chẳng thể tìm ra họ nữa. Sau khi bỏ rơi anh, họ đã bán hết nhà cửa đất đai của bà và bố mẹ ở nơi này rồi bỏ đi nơi khác sinh sống hết cả. Đôi khi, Nam Tuấn lại thắc mắc, ôm đống tiền đáng lẽ thuộc về đứa cháu tội nghiệp từng bị họ rắp tâm bỏ mặc đến chết mà bỏ đi, những con người ấy có bao giờ thấy áy náy, có bao giờ gặp ác mộng hay không?

Nam Tuấn cũng chẳng muốn nhọc công đi tìm họ làm gì nữa, cuộc sống bây giờ của anh đã rất tốt rồi, suốt cuộc đời này, anh chỉ muốn được sống mãi ở vùng quê tuy nghèo và lạc hậu nhưng hết sức yên bình này để trả ơn những người mà anh đang gọi là bố, là mẹ mà thôi.

***

Ngày nào cũng vậy, sau khi tan học, Nam Tuấn phải về thật sớm để ra đồng phụ bố, hoặc về nhà phụ mẹ bán hàng tạp hoá. Hầu như đứa trẻ nông thôn nào cũng phải vừa học vừa làm như thế, thậm chí chúng còn chẳng có nhiều thời gian để phàn nàn hay than thở.

Tuy thế, Nam Tuấn vẫn thấy yêu cuộc sống của mình lắm, cũng chỉ có bấy nhiêu đó chuyện xảy ra mỗi ngày nhưng anh chẳng hề thấy nhàm chán. Anh luôn cảm thấy cuộc đời yên bình này của mình chẳng còn thiếu bất kì thứ gì nữa, có chăng chỉ là thiếu một ai đó, một ai đó để thương, để yêu, để khiến cho cuộc đời này bừng sáng hơn nữa.

Cho nên, Nam Tuấn vẫn luôn chờ đợi đến cái ngày gặp được người mà anh mong đợi. Hoặc phải nói là, gặp lại người mà anh mong đợi.

***

Ngày hè hôm ấy trong trí nhớ của Tại Hưởng là một ngày vô cùng nóng nực. Cái miền quê này vẫn luôn nóng bức như vậy. Tại Hưởng lết xuống xe khách trong tình trạng mặt mày tái mét, bụng cứ nôn nao khó chịu, mồ hôi rỉ từng giọt trên trán làm bết hết cả mảng tóc.

Bỏ nhà đi đúng là không dễ chút nào. Cậu nghĩ thầm.

Tại Hưởng đứng nghỉ một lát rồi xốc lại ba lô trên vai, quyết định ra nghĩa trang thăm ông bà trước.

Con đường đất gập ghềnh trong trí nhớ nay đã thành đường nhựa, rất lớn nhưng vắng vẻ. Tại Hưởng lại toát mồ hôi, đường xá không còn giống như xưa khiến cậu không dám chắc mình đi đúng hướng nghĩa trang hay không.

Nhác thấy một cậu chàng thiếu niên đi xe đạp từ xa xa tiến lại, Tại Hưởng mừng quýnh vẫy vẫy tay.

- Cậu gì ơi, cậu gì ơi!

Nam Tuấn vốn cận thị nhẹ, thấy có người vẫy tay gọi mình từ đằng xa thì vẫn đinh ninh hẳn đấy là người quen, ai ngờ lúc tấp xe vào vỉa hè mới biết đứng đó là một thiếu niên hoàn toàn xa lạ.

Tại Hưởng cười với người kia.

- Cậu gì ơi, cho tôi hỏi đường đến nghĩa trang thị xã được không?

Nam Tuấn có chút choáng váng, anh nghĩ, hình như mình say nắng rồi, hoặc say trước nụ cười còn rạng rỡ hơn nắng và vành mắt cong cong lấp lánh kia...

- Nghĩa trang cách đây xa lắm, cậu định đi bộ thật à?

- Thật á? Mọi lần tôi đi ô tô thấy nhanh lắm mà? - Tại Hưởng xụ mặt, chẳng khác gì một chú cún con.

- Thật mà, đi bộ không được đâu. Hay cậu đi cùng tôi? Tôi cũng đang định ra nghĩa trang thăm người thân.

Tại Hưởng lại cười, còn rạng rỡ hơn trước. Khuôn miệng kéo ra thành hình chữ nhật khoe hàm răng trắng bóng. Thiếu niên vốn mang vẻ đẹp cương nghị, đậm nét, thế mà cười lên thì trông không khác gì một đứa trẻ ngây thơ.

Nụ cười ấy của Tại Hưởng, kể từ giây phút đó đã biến thành điểm yếu lớn nhất trong lòng Nam Tuấn.

***

Kim Tại Hưởng ngồi sau lưng người kia, đôi mắt  đẹp vẫn mang theo vẻ tò mò và thích thú của trẻ con mà ngắm nhìn từng cành cây ngọn cỏ ven đường. Cậu nhìn mồ hôi của Nam Tuấn thấm ướt cả mảng áo sau lưng, trong lòng bỗng có cảm giác muốn áp mặt vào tấm lưng rộng ấy, như ngày nhỏ cậu vẫn làm khi được ông ngoại chở đi mua đồ chơi ở tiệm đồ chơi lớn nhất thị xã.

Và Tại Hưởng thực sự đã làm thế. Cậu tựa đầu vào lưng chàng trai phía trước, khoé mắt bất chợt hơi ươn ướt. Từ nhỏ, gần như đi đâu bố cũng chở cậu bằng ô tô, làm gì có cơ hội được tựa vai tựa lưng, cậu cũng chưa bao giờ được ông cõng sau lưng. Bố luôn dạy Tại Hưởng rằng thân là con trai thì phải trở nên cứng rắn, mạnh mẽ, mà dựa dẫm vào người khác thì đồng nghĩa với yếu đuối.

Tại Hưởng hiểu rằng bố cũng chỉ muốn tốt cho mình, nhưng liệu ông có biết cậu mệt mỏi đến nhường nào chăng?

Chính vì bố chẳng biết, nên Tại Hưởng quyết định "đình công", cậu không thể lúc nào cũng cố gồng mình lên mà làm theo ý bố được nữa. Cậu không đủ giỏi để khiến ông hài lòng dù đã luôn cố gắng, cậu không đủ giỏi để khiến ông hãnh diện, càng không đủ giỏi để thoả mãn được sự kì vọng quá lớn của ông. Bởi vậy, cậu quay về nơi đây, nơi không bao giờ có ai ép cậu phải làm như thế này như thế nọ, nơi luôn có những người yêu thương cậu hết lòng dù cậu có ngốc nghếch đến đâu, nơi mà con tim cậu luôn thuộc về...

Nam Tuấn cảm nhận được sức nặng phía sau lưng mình, nghĩ rằng cậu nhóc mình nhặt được buồn ngủ nên cũng chẳng nói năng gì. Con đường mỗi tuần anh vẫn thường đi viếng mộ bố mẹ và bà ngoại, bỗng dưng hôm nay dường như ngắn đi rất nhiều, cũng bình yên hơn rất nhiều.

- Đây là bà cậu à cậu gì ơi? - Tại Hưởng nhìn tấm di ảnh - Bà nhìn có vẻ dữ quá.

- Tôi tên Nam Tuấn. - Nam Tuấn thấy hơi ngờ ngợ về cách xưng hô có chút gì đấy thật quen thuộc của cậu, nhưng anh cũng không quá để tâm - Bà không dữ, bà tôi chỉ nghiêm khắc thôi, nhưng rất thương tôi.

Tại Hưởng lại cười. Trúng chủ đề yêu thích, cậu nói không ngừng nghỉ về ông bà của mình, từng kỉ niệm vụn vặt ngày nhỏ ùa về trong tâm trí thiếu niên.

Nam Tuấn cũng nghe cậu kể, chính anh cũng cảm thấy ngạc nhiên vì mình lại có đủ kiên nhẫn để nghe một cậu trai xa lạ kể những mẩu chuyện thời thơ ấu không đầu không đuôi.

- Đúng là cái thời còn ông bà vẫn là nhất nhỉ! - Nam Tuấn cười cười nhìn cậu.

Tại Hưởng gật đầu lia lịa, nụ cười chưa khi nào tắt trên khoé môi thiếu niên kể từ khi cậu bắt đầu kể chuyện cho anh nghe. Chẳng mấy chốc, nhang trong bát tàn một nửa, Tại Hưởng nhác thấy bóng những đứa trẻ nhà quê gầy gò cứ nhìn về phía cậu và Nam Tuấn, những ánh mắt hau háu. Cậu lại bật cười.

- Nơi này đúng là chẳng có gì thay đổi cả nhỉ, đám trẻ này lớn lên thì lại có đám trẻ khác thay thế.

Cậu ngoắc tay gọi lũ trẻ, móc từ trong túi ra ít kẹo và một thanh socola nhỏ ra đưa cho chúng, những đứa trẻ này vẫn nhìn cậu bằng ánh mắt nửa biết ơn nửa dè chừng quen thuộc. Tại Hưởng có cảm giác dường như ở cái vùng đất này, thời gian chẳng bao giờ dịch chuyển, mọi thứ vẫn cứ mãi vẹn nguyên như năm nào, không bao giờ thay đổi. Cậu xoa đầu một đứa bé trai, chợt nhớ về thằng bé ăn trộm được cậu cho kẹo năm xưa...

- Này, lấy kẹo rồi thì đi đi nhé, cấm được quay lại đây trộm đồ ăn của bà anh nữa đấy!

Nam Tuấn răn lũ trẻ, anh vẫn cứ có cảm giác ngờ ngợ ngay từ khi mới gặp cậu trai này, khi thấy cậu lôi kẹo từ trong túi áo ra chia cho lũ trẻ, sự ngờ vực ấy càng lớn hơn.

- Lúc nào cậu cũng mang theo kẹo trong túi thế à?

- À, thói quen từ nhỏ ấy mà. Hồi nhỏ mẹ không cho ăn kẹo nhiều sợ sâu răng, nên cứ mỗi lần được về quê chơi, bà ngoại biết tôi thích ăn đồ ngọt nên mua cho tôi cả đống kẹo nhét vào túi áo như thế này. Còn một viên này cậu ăn không? - Tại Hưởng đưa viên kẹo cho Nam Tuấn - Giờ qua bên chỗ ông bà tôi ngủ nhé, ngay phía dưới này này.

Nam Tuấn nhìn hướng tay cậu chỉ, trong mắt chứa đầy sự kinh ngạc. Hướng đó, ngôi mộ lớn có mái che đó... Anh chắc chắn không nhớ nhầm, chính là nơi mà năm đó cậu bé kia đã cho anh kẹo và gần như cứu sống anh.

Nhưng không kịp để anh hỏi gì thêm, cậu đã xách ba lô chạy biến xuống phần mộ của người thân mình. Nam Tuấn vừa theo sau, nhìn cậu lúi húi thay nước, lau dọn, thắp lên vài nén nhang... vừa cảm thấy không thể tin được. Não anh vẫn chưa tiêu hoá được sự thật rằng mình thực sự đã gặp lại được cậu bé ân nhân ngày xưa.

Sau khi được bố mẹ nuôi đón về, rất nhiều lần Nam Tuấn muốn được gặp lại và nói lời cảm ơn với cậu bé năm xưa. Anh vẫn còn nhớ như in đôi mắt rất to và rất sáng của cậu bé ngày ấy. Thế nhưng dù anh có muốn đến mấy, thì suốt mấy năm qua, anh cũng chẳng thể nào gặp lại cậu nữa.

Thế nhưng lúc này, khi gặp lại cậu bé đó rồi, anh lại... chẳng thể thốt nên nổi một lời, thậm chí anh còn có cảm giác cơ mặt mình đông cứng tới mức chẳng thể có nổi một biểu cảm nên hồn. Nam Tuấn thầm nguyền rủa sự vô dụng của bản thân.

"Cảm ơn, tất cả những gì mày cần làm chỉ là thú nhận với cậu ấy và nói một lời cảm ơn. Nói rằng sau lần đó, mày chưa từng ăn cắp ăn trộm một thứ gì nữa cả. NÓI ĐI!!!"

- Sao cậu đứng đực ra ở đấy vậy, lại đây ngồi đi. - Tại Hưởng lau đi vài giọt mồ hôi đọng trên trán, vẫy vẫy tay, gương mặt cậu bị nắng chiếu xuống, càng làm nổi bật thêm nụ cười tươi lấp lánh trong ánh nắng vàng mùa hạ.

Nam Tuấn dường như lại thấy tim mình hẫng đi một nhịp. Tuyệt, giờ thì suy nghĩ nãy giờ trong đầu mày cũng bay sạch rồi, giỏi lắm Kim Nam Tuấn, mày đúng là một thằng không có tiền đồ.

Ngày hôm đó, Nam Tuấn vẫn không tài nào nói được một lời cảm ơn với Tại Hưởng vì cậu đã bị bố mẹ tìm ra và ép lên xe về nhà sau nửa ngày đi bụi. Thậm chí, tất cả những gì anh biết được về cậu sau cả buổi chiều ở cùng nhau chỉ là tên và tuổi của cậu, chấm hết!

Đêm đó về nhà, Nam Tuấn lại tiếp tục rủa xả bản thân thêm một trăm chín mươi lăm lần nữa vì không dám nói cảm ơn và không hỏi ham chút thông tin liên lạc nào.

Thế nhưng, không hiểu sao trong đầu thiếu niên vẫn có một chút hi vọng và mong chờ mơ hồ nào đó, rằng chắc chắn cậu ấy sẽ quay lại nơi này và gặp lại anh sớm thôi...

***

- Còn tiếp -

(Thực sự thì sau khi viết xong mớ này, chính tớ cũng tự thấy nó hơi bị dài dòng và lan man ;_; )

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro