Chương 15: ĐỂ BẢO TỒN ƠN THÁNH SỦNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐỂ BẢO TỒN ƠN THÁNH SỦNG

Ngày bạn chịu phép Rửa Tội, linh mục đã choàng lên mình bạn tấm khăn mầu trắng, tượng trưng sự trong trắng vô tội. Ngài đọc: "Hãy nhận chiếc áo trắng này và hãy giữ nó vô tì vết để mặc trước Tòa Chúa Giêsu Kitô". Như thế vị thừa tác viên của Thiên Chúa đã nhắn nhủ chúng ta gìn giữ lấy vẻ tinh tuyền trong trắng khi chịu phép rửa tội, bảo tồn ơn thánh ấy mãi.

Làm thế nào để bảo tồn ơn thánh, tránh xa tội trọng? Sau đây là các phương pháp tu đức chính yếu để tránh tội:

1- Tưởng nhớ đến cứu cánh sau cùng của đời người,

2- Tránh dịp tội gần,

3- Hãm mình,

4- Đừng ở nhàn rỗi,

5- Cầu nguyện,

6- Năng lãnh các Bí tích,

7- Tôn sùng Mẹ Maria,

8- Chống trả các cám dỗ.

1. Nhớ đến cứu cánh đời người.

Bạn chỉ chết một lần thôi. Bạn có thể chết ngay khi phạm tội trọng đầu tiên. Tội trọng bạn sắp phạm đây, biết đâu chẳng là tội trọng cuối cùng trong đời bạn. Nếu thật như vậy, thì than ôi! Vì một thú vui chóng tàn, bạn đã chịu thua lỗ biết bao, bạn sẽ phải đau khổ và đời đời kiếp kiếp! "Hãy tưởng nhớ đến các cứu cánh và bạn sẽ không bao giờ phạm tội" (Eccl 7:40).

2. Tránh dịp tội gần.

Dịp gần là bất cứ trường hợp ngoại giới nào (người, vật, nơi, chốn, thú tiêu khiển) thường đưa đến chỗ sa ngã vào tội trọng.

Bạn hãy cẩn thận. Tục ngữ có câu: "Đừng chơi với lửa" hoặc: "chơi dao có ngày đứt tay". Sống trong dịp tội cũng nguy hiểm không kém.

Sức mạnh chúng ta chỉ như rơm rác. Nếu để gần lửa sẽ bốc cháy và tiêu tan tức khắc. Lửa chính là dịp tội. Rơm rác chính là linh hồn chúng ta đó.

Thánh Bernađinô thành Sienne quả quyết rằng sống trong dịp tội mà không sa ngã là một phép lạ vĩ đại hơn phép lạ khiến kẻ chết sống lại. Mà Thiên Chúa không thực hiện phép lạ đó.

Bạn hãy nghe thánh Phanxicô Assisiô: "Tôi biết tôi phải làm gì, nhưng tôi không biết tôi sẽ là gì nếu tôi bị đặt giữa những dịp tội".

Chính Chúa Thánh Linh cũng quả quyết: "Kẻ thích nguy hiểm sẽ chết vì nguy hiểm" (Eccl 3:27).

Kinh nghiệm minh chứng rằng, dịp tội vật ngã linh hồn trong nháy mắt. Trước kia, cường tráng là thế, mà bồng chốc, linh hồn trở nên yếu đuối lạ thường. Cứ giở lại trang lịch sử tôn giáo sẽ thấy rõ. Vì đâu mà David phạm tội, Samson bị bắt, Solomon sa ngã, Phêrô chối thầy? Chỉ vì dịp tội.

Hồi Giáo Hội sơ khai, có một vị tử đạo, sau khi bị đánh đòn, đã bị nhốt vào một ngục thất khủng khiếp. Một mệnh phụ La Mã bèn xin một ân huệ lớn lao để được phép vào băng bó vết thương cho ông. Dịp gần, Satan đấy. Núp dưới áo một thiếu phụ. Vị tử đạo đã không có can đảm chối từ. Ông đã thất trận, rồi chối đạo.

Đâu là dịp gần thúc đẩy ta phạm tội:

a) Đọc sách xấu, những sách nghịch với Đức tin hoặc đồi phong bại tục. Sách tốt là một người bạn khôn ngoan, những sách xấu lại là một kẻ thù ác độc. "Khi nhì xuống tận đáy lương tâm, không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng mình sẽ không hoàn toàn giống như bây giờ, nếu trước kia đã không đọc sách nọ hay sách kia" (Paul Bourget). Proal trong tác phẩm "Tội ác và tự tử (Crimes et suicides) đã viết câu đanh thép này "Sách vở là ân nhân vĩ đại đồng thời cũng là kẻ thù hiểm độc nhất của nhân loại".

b) Các hình ảnh, họa phẩm, tượng ảnh không xứng đáng, đó cũng là một trong những hiểm họa thường xuyên. c) Bạn bè trắc nết hoặc nhẹ dạ, nhẹ tính. Bạn hãy thử đặt trái cây ngon lành bên cạnh những quả thối, trái tốt sẽ hư. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Gần thợ xay bột ra sẽ trắng, gần người đốt than mặt ta sẽ lem. Ở chung với Người dịch tả, ta cũng sẽ lây dịch tả. Bạn hãy cho tôi biết bạn năng lui tới với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người thế nào. Ta trở nên giống người ta năng lui tới.

d) Thân mật với người khác phái. Thánh Gioan Kim Ngôn nói một câu chí lý: "Đất và mưa là những vật rất tốt, nhưng nếu trộn lẫn chúng sẽ hóa thành bùn". Đàn ông đàn bà là rơm với rác, khi lửa gần rơm tất cả sẽ gây hỏa hoạn tàn phá.

Bạn sẽ nói: "Việc gì, người đấy đạo đức lắm". Nhưng bạn ơi, cây nến thánh cũng dễ bắt lửa như cây nến không làm phép. Nhân đức và sự thánh thiên không bảo đảm sẽ giữ chúng ta tránh được mọi nguy hiểm.

e) Các loại thú trần tục. Trước tiên, chúng là mồ chôn lòng đạo hạnh, rồi đến Đức Trinh Khiết, rồi đến sự trong trắng vô tội và cuối cùng là phần rỗi đời đời.

Vậy đâu là đường lối phải theo? Phải tuyệt đối xa tránh mọi dịp gần và cố ý, những dịp thường dẫn bạn đến tội trọng và những dịp bạn thường tự ý lao vào. Chúa Giêsu cũng đã nói đến chính những dịp đó "Nếu con mắt ngươi sinh dịp cho ngươi phạm tội, hãy móc nó mà ném đi..." (Mt 18:9) lao đầu vào dịp tội tức là đã mắc tội rồi đó.

3. Hãm mình.

Phải hãm dẹp ngũ quan thân xác và cơ năng linh hồn.

1) Hãy hãm dẹp con mắt. "Các cơ quan khác là cửa sổ của linh hồn, nhưng con mắt là cửa chính dẫn vào linh hồn (Thánh Âu Tinh). Không ai cấm ta nhìn thấy, nhưng cấm ta nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những dịp nguy hiểm. Hỡi các bạn thanh niên, xin các bạn hãy nhìn các thiếu nữ như những người chị ruột của các bạn, hãy nhìn các thiếu phụ như những người mẹ của các bạn.

2) Hãy hãm dẹp vị giác. Tránh mọi thái qúa trong việc ăn uống. Thánh Giêrônimô tuyên bố: "Tôi sẽ không thể coi người say rượu như một kẻ trong sạch".

3) Hãy hãm dẹp xúc giác. Thân thể bạn là một bình thánh, chỉ được chạm tới với lòng kính cẩn.

4) Hãy hãm dẹp trí óc. Hãy coi chừng mọi ý nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi kỷ niệm có thể mở cửa cho kẻ địch bước vào. Hãy đẩy lui chúng ngay tức khắc.

5) Hãy hãm con tim. Trong các tình quyến luyến quá rung cảm, dầu là những mối tình siêu nhiên. Chúng "Khởi đầu bằng tinh thần, nhưng kết liễu bằng xác thịt" (Ga, 3:3). Nếu quả tim đã trót bị lôi cuốn ít khi nó sẽ dừng bước trên các dốc đưa xuống hố tội lỗi.

4. Đừng ở nhàn rỗi.

Dòng nước chảy thường trong veo, tinh khiết, nước ao tù thường ngầu đục và đầy chất hôi thối. Người lười biếng là một vũng đọng, cặp mắt hắn đầy đối tượng nguy hiểm, trí khôn hắn đầy tư tưởng xấu xa, quả tim hắn đầy những dục vọng bỉ ổi. Nhàn rỗi là căn nguyên mọi nết xấu và là chiếc gối tựa đầu cho ma quỉ. Trong lúc một con quỉ tấn công người hăng say làm việc, thì có những mười con hành hạ người biếng nhác.

5. Cầu nguyện.

Nếu cầu nguyện nên, bạn sẽ chắc chắn tránh được tội trọng: "Ai xin sẽ được" (Mt 7:7). Trong kinh lạy Cha, bạn đọc: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi dự dữ". Nếu bạn hết lòng khẩn khoản nài xin, Thiên Chúa sẽ không để cho bạn xúc phạm đến Ngài cách nặng nề đâu.

6. Năng lãnh các Bí tích.

Việc xưng tội mang đến cho bạn những hiện sủng đặc biệt để đền bù tội lỗi và không còn sa ngã. Bạn lại được nghe những lời cha giải tội khuyên nhủ, đấng được Thiên Chúa đặc biệt soi sáng để chỉ dẫn bạn các phương thế tránh tội. Sau hết, nguyên tính tự nhiên ngại sợ cáo các tội của mình thường cũng đã là một phương hiệu nghiệm để trị tội.

Việc rước lễ trao cho bạn những ơn đặc biệt để giảm bớt dục vọng, chống trả chước cám dỗ, tránh xa tội lỗi. "Này là bánh bởi trời, ai ăn sẽ không còn chết" (Jn 6:50) vì tội trọng nữa. Vào thời Thánh Âu Tinh, Giáo Hội gọi bí tích Thánh Thể là sự sống. Thay vì nói như chúng ta: "Bạn đã rước lễ chưa? Giáo dân thời đó: "Bạn đã lãnh nhận sự sống chưa". Câu hỏi thâm thúy thật. Không rước lễ, chúng ta không sống thật, nhưng chỉ là vất vưởng, thường là chết.

Năng xưng tội và rước lễ, đó là linh dược chống trả tội trọng. Bạn biếng trễ xưng tội, chịu lễ ư? Đáng sợ đấy!

7. Tôn sùng Mẹ Maria. Mẹ Maria hằng để tâm đặc biệt lo lắng cho những tôi tá sốt sắng tôn sùng Người, và đến giờ lâm chung, Người tỉnh thức săn sóc họ. Thánh Anselmô bảo: "Kẻ thực lòng tôn sùng Mẹ Maria không thể hư mất được". Thánh Bernadô tuyên bố: "Theo gót Mẹ Maria, bạn không thể lạc đàng, cầu nguyện Mẹ Maria, bạn không thể thất vọng, tưởng nghĩ đến Mẹ Maria, bạn không thể sai lầm. Bao lâu Mẹ Maria còn nâng đỡ bạn, bạn sẽ không sa ngã, bao lâu Mẹ Maria còn bênh vực bạn, bạn sẽ không sợ gì, bao lâu Mẹ Maria còn bảo vệ bạn, bạn sẽ không hư đốn! Muốn Mẹ Maria bảo tồn ơn thánh sủng của bạn, bạn hãy thường xuyên van nài Mẹ, và hằng ngày, sáng tối, bạn hãy đọc ba kinh Kính mừng, với lời than thở: "Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ".

8. Chống trả các cám dỗ.

1) Cám dỗ không phải là tội. Cám dỗ là thúc đẩy đến việc xấu, tội là khi nào đồng ý làm việc xấu ấy. Cám dỗ không phải là tội. Hỡi các linh hồn nhát đảm, bối rối, các bạn đã hiểu chưa? Các bạn bảo: "Tôi có những tư tưởng xấu, những ấn tượng, những tưởng tượng, những hình ảnh, những ước muốn, những cảm giác kinh tởm. Các chước cám dỗ đó tấn công tôi ngày đêm, theo sát tôi khắp chốn, cả trong nhà thờ, cả ngay nơi bàn chịu lễ".

- Nhưng, này, các bạn đã đồng ý chưa. Đồng ý một cách chắc chắn hoàn toàn chưa?

- Vậy, đó là những chước cám dỗ, chưa phải là tội đâu. Bạn có chống trả không đấy?

- Có chứ, tôi đã cầu nguyện.

- Như vậy, chẳng tội tình gì, mà trái lại còn có công trạng là đàng khác. Cùng như đem bùm ném vào tia sáng mặt trời, chúng ta sẽ không làm cho chúng hóa nên mờ nhạt, các cơn cám dỗ, dầu kinh tởm đến đâu, cũng không thể làm nhơ bẩn linh hồn, nếu linh hồn không đồng ý chấp nhận chúng".

Cám dỗ không phải là tội. Nếu không, Chúa Giêsu Kitô chắc chắn đã không bị cám dỗ và đã giữ gìn cho các thánh khỏi bị cám dỗ. Đàng khác, đó còn là một điều xấu, nếu có linh hồn không bị cám dỗ. Người thợ săn bắn con vật còn nhanh chân chạy ngoài đồng, chứ không bắn con vật mình đã giết.

Cơn cám dỗ có nhiều lợi ích rất quý hóa. Chúng đền tội chúng ta. Chúng tăng thêm công nghiệp cho chúng ta. Chúng củng cố các nhân đức chúng ta, tựa như gió làm cho rễ cây cối thêm cứng cát. Chúng khiến chúng ta cảm thấy mình yếu đuối, và do đó, biến chúng ta nên khiêm nhượng, thủ tâm, thận trọng và khoan dung với tha nhân.

2) Muốn thắng cám dỗ phải làm gì Chúa Kitô phán: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện".

Hãy tỉnh thức bằng công việc giúp tư tưởng chúng ta xoay chiều. Tỉnh thức bằng cách xa tránh những dịp tội. Nhất là khi phải chước cám dỗ, về đức trong sạch, thì càng khẩn thiết "36 kế thì chạy trốn là hay nhất - tam thập lục kế, đào tẩu vi thượng sách" Thánh Philipphê Nêri nói: "Trong các cơn cám dỗ loại này, chỉ có những kẻ nhát gan mới thắng trận". Tỉnh thức bằng cách bày tỏ cơn cám dỗ với cha giải tội. Các giáo phụ thường nhắn nhủ: "Tố giác cơn cám dỗ, tức là đã thắng cơn cám dỗ được một nửa".

Hãy cầu nguyện ngay từ giây phút đầu. Đừng chểnh mảng chậm chạp: Một tàn lửa có thể gây nên một trận hỏa hoạn khổng lồ. Hãy dập tắt cơn cám dỗ ngay tức khắc. Xua đuổi ngay tư tưởng đầu tiên còn dễ dàng hơn là loại bỏ hậu quả các tư tưởng đó. Đừng gieo hạt dẻ còn dễ dàng hơn là phải đánh gốc cây sồi. Kẻ thù địch chỉ xin bạn chú ý một giây, hắn thỏ thẻ với bạn như thế này: này, tôi chỉ có một lời muốn nói với bạn. Nhưng tiếng đó sẽ là tàn lửa trong đống rơm, có lẽ trong kho thuốc súng nữa đấy. Cẩn thận! "CẨN THẬN, Bạn hãy tỏ ra bất trị đối với hắn ngay từ đầu.

Không cần phải đọc kinh đặc biệt. Nhiều người chỉ kêu: "Giêsu, Maria, Giuse". Lời khẩn khoản tuyệt diệu: khi bạn kêu ba tên cực trọng đó, ma quỉ buông rơi khí giới đầu hàng. Song còn có một kinh hiệu nghiệm hơn và đáng công hơn, ít ai biết tới, ít người áp dụng. Đó là Kinh kính mến (acte de charité). Bạn hãy nói: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa". Chỉ bấy nhiêu thôi. Bạn hãy lập lại câu đó ngoài miệng, hay chỉ trong lòng, bao lâu cơn cám dỗ còn kéo dài. Bạn hãy đọc Kinh đó bình tĩnh, trong khi tiếp tục công việc. Kinh hiệu nghiệm, sẽ làm cho ma quỉ điên tiết, vì ma quỉ thù ghét Thiên Chúa, nên không ghét gì giá trị bằng một "hành vi yêu mến Chúa". Đọc kinh đó, có thể, trong thời gian nắn, giải thóat bạn khỏi mọi cơn cám dỗ". (P. Petit).

Đức Cha Gronard, đại diện Tông Tòa ở Athabaska, Gia nã đại, có kể câu truyện ngộ nghĩnh sau đây:

"Có một lần. Tôi tới giảng trong một Thánh đường ở Lowel. Sau bài giảng, một người trai trẻ bồng con trên tay với vợ đi theo đến gặp tôi".

- Thưa Đức Cha, anh nói một cách khiêm tối, con muốn tặng Đức Cha một vật nhỏ và muốn xin Đức Cha ban lại cho một ơn huệ.

Nói xong anh tháo chiếc đồng hồ đang đeo trao cho tôi, còn vợ anh đưa cho tôi một tờ giấy năm đồng. Tôi rất xúc động còn tăng gấp bội khi tai tôi nghe người thanh niên nói tiếp:

Thưa Đức Cha, con xin Đức Cha năng cầu nguyện nhiều cho con của chúng con, để nó sống mà không phạm tội trọng.

Vợ anh cũng nói phụ vào để chắc được tôi cầu nguyện cho, xin Chúa ban ơn duy nhất cho đứa bé.

Tâm tình họ đáng phục biết bao: Chúng ta hãy quí mến ơn thánh. Chúng ta hãy thận trọng bảo tồn ơn thánh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro