Chương 10 +11+12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vài chục năm sau, khi hàng ngàn, hàng vạn người è cổ vác hàng Tàu bò qua núi trông như những đàn kiến cánh thì mới xuất hiện danh từ "cửu vạn". Thực chất nội dung của nó đã được hắn "triển khai" từ ngày ấy. Đêm đêm những đoàn tàu từ Hà Nội về, ở mỗi toa hàng, lăn ra những bao tải bằng đay căng lên nứt nở những sắn miếng, khoai lang miếng phơi khô, ngô và mì sợi... Những người trong toa ì ạch đẩy nó lăn khỏi thành tàu thì như giáng xuống vai, xuống đầu hắn. Hắn hơi chúi người đi rồi liêu xiêu lấy lại thế cân bằng, người hắn như gập làm đôi, "cõng" những chiếc bao tải "bố" chạy ra vứt xuống diềm cỏ phía ngoài hàng rào. Chuyển xong hàng từ trên tàu xuống lại vẹo người cắp chúng vào nách ra khỏi khu ga. Vứt lên xích lô, đặt vào quang hoặc để lên gác đèo hàng của xe đạp. "Giải quyết" xong tàu xuống, hắn ra ngồi quán nước "phòng không" vốn chỉ là chiếc mẹt để trên miệng thúng vẫn lồng trong quang, bên cạch những bao tải căng đầy khoai tây, xu hào, chuối xanh, bắp cải, và những sọt cà chua, hành hoa chờ tàu lên. Hắn "bồi dưỡng" một cái bánh mì cứng đen và chua như cứt mèo, chiêu với nước chè tươi hoặc sang hơn, có thêm thanh kẹo lạc năm xu. Vừa ăn, vừa trò chuyện với những bà chủ của đống bao bì quang sọt, là chỗ quen thuộc. Tất cả đều dỏng tai nghe. Khi tiếng còi như từ xa xưa vẳng lại, tất cả kêu lên sung sướng và hoảng hốt "tàu lên, tàu lên đấy". Họ sai bảo, hò hét hắn, cùng chạy huỳnh huỵch với hắn chuyển hàng lên tàu. Đấy là sự "lưu thông phân phối" ngoài quốc doanh hoặc "tự điều chỉnh xã hội" như các nhà nghiên cứu bên những chiếc cặp lồng cơm trộn mì có mấy miếng xu hào luộc hoặc nửa quả trứng rán để ở ngăn trên, miệt mài tìm ra những danh từ sang trọng để gọi các công việc như kiểu các việc hắn đang làm. Hắn kết thúc vào khoảng năm giờ sáng mỗi ngày. Động tác đầu tiên là hắn thục tay vào bốn túi quần và áo móc ra những đồng tiền xoắn xít cong queo, vuốt thẳng rồi đém để riêng loại một hào, hai hào, năm hào, một đồng rồi lại chia về bốn túi. Mẩm bụng chắc ăn về những đồng tiền đã kiếm được trong đêm, hắn đi bộ ba ki lô mét về chỗ cửa hàng mậu dịch sơ tán là quán ăn cả ba bữa của hắn trong ngày. Cầm chiếc vé năm hào, cô mậu dịch viên trẻ trung quen thuộc ánh lên đôi mắt trìu mến nhìn hắn thông cảm với công việc ca kíp nặng nhọc. Bao giờ cô cũng ưu tiên cho hắn gần nửa muôi nước dùng trong bát mì "có người lái", nghĩa là có những lát thịt lợn nửa nạc nửa mỡ, nửa mỡ trắng hếu còn nửa nạc như được bôi phẩm đỏ mỏng như lá lúa rải trên mặt. Ăn xong, hắn gật đầu như để cảm ơn cô nhân viên về nửa muôi nước dùng, rồi nhanh chóng đi chừng hai trăm mét về ngôi nhà của một bà buôn sắn khô nhận hắn là cháu, cho hắn ở nhờ riêng một cái nhà bỏ không. Hắn ngủ từ sáu giờ rưỡi đến mười một giờ rưỡi. Dậy rửa mặt rồi ra cửa hàng ăn cơm. Trở về, hắn lại ngủ đến sáu giờ. Lại ra cửa hàng. Ăn xong, ra ga chờ tàu xuống. Trong khi cha hắn vẫn yên trí con ông học vào loại nhất nhì của lớp thì hắn đều đặn tối đi làm, sáng về ngủ, đầu tháng bỏ hai ngày về thành phố đong gạo đem về cho các em và trả lời cha:

— Sao dạo này con đen đi?

— Đi bộ nắng mà lại lao động giúp đan, đắp ụ pháo cho bộ đội.

— Dạo này mắt con thâm quầng thế chắc học nhiều.

— Nhiều đêm con không ngủ vì vừa học vừa đối phó điểm tổng kết, vừa phải luyện thi.

— Thế là tốt lắm. Cố gắng làm gương cho các em noi theo. Bảo ban các em không được đứa nào làm gì ảnh hưởng đến danh dự của gia đình mình, đến cậu. Hầu như mối quan tâm của cha và việc làm của hắn không hề ăn nhập gì với nhau, mặc dù cha hắn hỏi đều đặn và hắn vẫn đều đặn trả lời. Hắn hoàn toàn không nhớ gì đến những cuộc "đối thoại" ấy. Hắn chỉ nhớ mỗi tiền hắn kiếm được để đong gạo và gửi về cho các em. Rồi hắn lại mua xà phòng, díp đánh răng, khăn mặt và đường, nói là bạn bè của hắn gửi cho chúng.

Hắn đi làm nuôi em được hơn ba tháng thì bị bắt. Nguyên nhân là hắn gặp hai người thanh niên, một cao đen, da sắt tận mặt, một người béo lùn ục ịch. Nói đúng ra là hai người ấy đến gặp hắn lúc hắn cõng bao tải su hào bị thụt xuống một cái hố nhỏ. Hắn ngã khuỵu xuống, úp mặt xuống đất, tải su hào đè xuống tưởng đãy xương sống. Chưa thể cất tiếng kêu được đã thấy nhẹ bẫng, bao tải su hào được hất xuống bên cạnh. Cả hai người đều cúi xuống đỡ hắn dậy. Người cao hỏi:

— Có việc gì không?

Người thấp đặt tay lên hai vai hắn sờ sờ rồi bất thần cầm vai hắn vặn đánh "rắc" một cái cùng với câu:

— Gãy xương như chơi.

Tất cả những chỗ đau nhức ở lưng hắn như tan biến tức khắc. Hắn cảm ơn. Người cao hỏi:

— Chuyển xong chưa?

— Còn cà chua và tỏi, hành đằng kia.

— Đi. Bọn này giúp cho.

Hai người thoăn thoắt khiêng vác tải, sọt, bì nâng lên đầu đưa qua cửa sổ rất thành thục. Khi tàu chuyển bánh hắn cầm nắm tiền đếm đếm chia ra làm ba. Người lùn gạt đi.

— Trả công à? Kỷ niệm đồng hương đấy. "Chỉ huy sở" của đồng hương ở đâu?

— Chỉ huy gì ạ?

— Chỗ trú chân, ăn nghỉ ý.

— À à em ở nhờ cách đây hơn ba cây.

— Đồng hương ra đây uống nước rồi tạm biệt nhau.

— Các anh có đói không?

— Kiếm được chỗ nào làm vài xị cho ấm ruột.

— Gần chỗ em có quán phở.

— Thì đi.

Ba người chuyện trò với nhau như đã quen thân từ lâu lắm. Họ hỏi hắn về quê quán, về anh em, bố mẹ, vì sao lại làm ở đây, có định đi đâu khác hay cứ ở đây... vân... vân...

Còn hắn thì biết họ quê ở Quảng Ninh. Bộ đội ở B ra, đang chờ xin công tác. Tranh thủ đi xem chỗ nào có việc thì kiếm một ít làm lưng vốn . Khi uống hết nửa chai rượu, một đĩa cổ cánh gà và mỗi người một bát phở thì cả ba ngoắc tay nhau kết nghĩa anh em đồng hương thắm thiết. Hắn trả tiền. Người cao gầy gạt tay hắn ra:

— Tiền của chú cứ để đấy gửi về cho các em.

Họ đưa nhau về chỗ cái nhà của hắn lăn ra ngủ như chết. Lần đầu tiên hắn uống nhiều rượu, còn hai người kia chắc những đêm trước mất ngủ, cả ba người kéo một giấc mãi đến tận chiều. Những người đánh thức họ dậy là những người đến bắt họ. Sau này hắn mới biết bà chủ nhà buôn sắn khô đã "gặp" họ hai lần ở ga Gia Lâm. Hôm nay về nhà, nhìn vào chỗ hắn, bà nhận ra "khách quen" lặng lẽ đi báo công an.

Họ được đưa lên xã lấy lời khai ban đầu trong vòng hai giờ đồng hồ rồi giải lên huyện. Hai tên kia là những tên đảo ngũ, chuyên ăn cắp ở các ga từ Bắc Giang đến Hà Nội. Bị truy lùng riết, chúng dạt về đây. Đêm qua vừa xuống tàu, chưa định hướng hành nghề thì gặp hắn.

Ngay đêm hôm ấy chúng được giải về thành phố. Còn hắn, chưa có hiện tượng gì ăn cắp nhưng vì liên quan đến bọn kia và không có bất cứ một thứ giấy tờ nào nên tạm giữ để báo cho cha hắn đến xác nhận. Cha hắn lên ngay chiều hôm sau. Ông ngồi với anh các bộ công an ở phòng ngoài. Hắn ở bên trong, cách nhau một tấm cót. Không trông thấy mặt, nhưng hắn nghe giọng ông vẫn đều đều không tỏ ra bực bội cũng không lấy gì làm sốt sắng.

— Bác có con trai tên là Núi?

— Báo cáo đồng chí đúng ạ.

— Bác có biết hiện nay cậu ta làm gì, ở đâu?

— Dạ, báo cáo đồng chí, cháu nó là học sinh lớp mười trường cấp III Kinh Môn. Cháu học giỏi, măm nay chuẩn bị thi vào đại học.

— Lần bác gặp cậu ta gần nhất cách đây bao lâu?

— Báo cáo đồng chí, mới đầu tháng, cháu về đong gạo.

— Bác có hỏi gì chuyện học hành của cậu ta?

— Báo cáo đồng chí, tôi vẫn kiểm tra thường xuyên và biết cháu vẫn học hành tốt. Các thầy cô biểu dương liên tục. Năm nào cháu cũng là học sinh giỏi.

— Cậu ta đã từng giỏi toán nhất trường?

— Báo cáo đồng chí, cũng là sự rèn luyện nghiêm khắc của gia đình, cụ thể là của tôi, phần nào cháu cũng có cái gien của bố cháu nữa.

— Bác có biết hôm nay chúng tôi mời bác đến đây về việc gì không?

— Báo cáo đồng chí. Khu phố cũng cho biết và giấy mời của các đồng chí cũng có ghi rõ là đến để trao đổi việc có liên quan đến cháu Núi. Thực ra tôi cũng có chút phân vân. Cháu Núi sơ tán bên Kinh Môn, tại sao lại được giấy mời của quý cơ quan bên này, nên tôi cũng tranh thủ lên để biết cho cụ thể.

— Cậu ấy đã bỏ học ba tháng rưỡi rồi.

— Cháu Núi bỏ học ba tháng rưỡi?

— Từ khi mới bắt đầu khai giảng năm học mới.

— Báo cáo đồng chí. Ngay từ khi bắt đầu năm học mới cháu đã bỏ học?

— Vì bác không cho phép cậu ấy học lại lớp chín.

— Vâng, tôi không cho phép "đúp lê" lớp chín. Nhưng vì sao cháu phải học lại?

— Chắc bác biết rõ nguyên nhân hơn chúng tôi.

— À vâng. Báo cáo đồng chí, nhất định tôi phải biết rõ về cháu hơn các đồng chí. Nhưng không có trường hợp ấy đâu ạ.

— Chúng tôi nói là có người thực, việc thực. Nhưng chuyện gia đình cái chính vẫn là ở các bác. Chúng tôi chỉ mời bác đến đây nhận con mình và trao đổi cách quản lý giáo dục các em như thế nào cho tốt.

— Báo cáo đồng chí, cháu Núi hiện giờ ở đây.

— Vâng, có.

Hắn được gọi ra. Người cha hơi sững lại một giây rồi lại vẻ mặt đều đều không ai biết ông đang vui hay buồn.

— Đây chính là con bác.

— Báo cáo đồng chí, vâng. Những để xin phép tôi hỏi cháu: "Con đã bỏ học thật hở Núi?"

— Vâng ạ.

— Từ khi mới khai giảng?

— Vâng ạ.

— Con có nhớ hôm đầu tháng con về nhà và nói những gì với cậu?

— Dạ con nhớ con nói với cậu là con vẫn đi học.

— Thôi thế là được rồi.

— Xin cậu cho con nói.

— Cậu nghĩ không cần thiết. Báo cáo đồng chí công an, đây là một trường hợp lừa bịp xảo quyệt.

— Nhưng bác xác nhận đúng là con đẻ của bác. Xin bác cho xem hộ khẩu.

— Báo cáo đồng chí đúng là con đẻ của tôi. Nhưng không cần thiết phải xem hộ khẩu.

— Có nghĩa là...

— Báo cáo đồng chí, có nghĩa là từ giờ phút này trở đi tôi không công nhận nó là con tôi nữa.

— Xin bác bình tĩnh nghĩ lại.

— Báo cáo đồng chí, làm việc gì tôi cũng nghĩ kỹ lưỡng. Tôi đã khuyến cáo các cháu nhiều lần, chứ không phải đến lúc này tôi mới quyết định như vậy.

— Nếu đúng như cậu ấy trình bày, trước tình cảnh mẹ mất, phải quản lý trông nom các em nhỏ, lại thiếu thốn, đi học xa.

— Báo cáo, đúng là mẹ cháu mới mất đầu năm. Nhưng đây không phải là lý do chính để cháu trở thành kẻ lừa dối bịp bợm. Tôi mới nghe phong phanh, đâu như cháu còn bờm xơm với cả bà cô ngang vai mẹ cháu. Như thế còn đáng gì làm một con người nữa.

— Trước đây bác đã từng công nhận cậu ấy là một đứa học giỏi, có giáo dục, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó xô đẩy cậu ta vào một chỗ nhầm lẫn. Mà cậu ấy chưa phải là kẻ đã có tiền án, tiền sự gì. Gia đình, nhà trường, địa phương có thể kết hợp cùng nhau giúp cậu ấy sửa chữa sai lạc của mình.

— Vâng, báo cáo đồng chí, các đồng chí có ý kiến như thế là rất tốt. Xin các đồng chí giáo dục cháu. Còn gia đình chúng tôi từ nay coi như không có cháu.

— Nghĩa là bác kiên quyết không nhận cậu ấy.

— Báo cáo đồng chí, đúng thế.

— Ai cũng như bác, đẩy những đứa con hư cho xã hội thì xã hội này sẽ ra sao? Còn trách nhiệm, tình cảm của những người làm cha mẹ?

— Báo cáo đồng chí. Xã hội có đủ mọi điều kiện, đôi khi cũng còn chịu, huống hồ gia đình. Mà pháp luật cũng đã quy định cha mẹ không chịu trách nhiệm hành vi của con cái đã đến tuổi vị thành niên.

— Tôi hỏi thật bác nhé. Có lúc nào bác thấy đau đớn, xót xa về đứa con của mình đẻ ra phải lang thang ăn bờ ở bụi không?

— Báo cáo đồng chí công an, tôi không có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi đó. Tôi cũng không phải báo cáo tình cảm riêng của mình với đồng chí.

— Xin lỗi bác, tôi hỏi như một lời tâm sự về hoàn cảnh của Núi.

Anh công an dừng lại rồi kể cho ông nghe cậu ta đã sông thế nào trong ba tháng nay và lý do bị bắt giữ ở đây. Kể xong anh vẫn thấy nét mặt ông không hề lay động gì, anh hỏi:

— Bây giờ bác cho hỏi một lần nữa. Bác kiên quyết không chấp nhận cậu con trai của mình?

— Phải nói từ phút này, cháu không còn là con của tôi nữa.

— Vâng, xin bác về nhà viết cho một lá đơn.

— À, vâng vâng. Xin lỗi đồng chí, cho tôi tờ giấy , tôi viết ngay tại đây cho khỏi mất thì giờ đi lại.

Ông đâu phải là kẻ không biết đau đớn, xót thương con cái như anh công an nhận xét có ý chỉ trích ông. Buồn cười thật. Công an là người giữ kỷ cương xã hội, gặp được người nghiêm túc như ông, đáng nhẽ phải biểu dương, thì lại có vẻ không bằng lòng. Kệ. Ông đã không là không. Nhất định là không bao giờ ông nhận nó. Thế thôi. Mười mấy tuổi đầu nó đã cả gan gạt lừa ông suốt mấy tháng nay. Chưa biết chừng còn bao nhiêu việc khác nó lừa ông mà ông không biết. Chấp nhận nó để rồi cả đời ông bị nó lừa à? Nó với ông chỉ có cách: Còn người này thì không còn người kia, hoặc ngược lại. Không thể bố bố con con gì nữa.

Từ phòng công an huyện An Dương đạp về đến nhà, suy đi tính lại, ngẫm nghĩ trước sau, ông thấy việc viết đơn không công nhận nó là con của mình là đúng đắn, chính xác. Nhưng, dù sao, ông cũng phải đề phòng miệng lưỡi đểu giả của những kẻ xấu bụng, không ưa ông.

Sau vài ngày, ông đã nghĩ cách đề phòng, theo ông, thế là mĩ mãn, không còn kẽ hở. Nếu có ai đó cho rằng ông là con người ích kỷ, ky bo hoặc lẩm cẩm, độc ác gì gì đó thì chính người ấy sẽ phải câm họng ngay vào buổi chiều thứ bảy, lúc hai giờ kém mười lăm phút. Ông bơm xong xe đạp bằng chiếc bơm tay vẫn để trong túi vải thủng hai đầu, phía ngoài túi vải có một túi nilông cũng hai đầu thủng. Ông gài bơm vào suốt dọc của xe có hai cái ngạnh như hai cái móc trông như chui qua ruột bơm giữ lấy nó. Để ăn chắc, ông còn buộc thêm hai dây cao su non ở gần hai đầu. Nếu lúc nào có sơ ý, những kẻ ăn cắp cũng không thể rút được. Đang định uống chén nước chè mới pha rồi đúng hai giờ kém ba phút dắt xe ra đầu phố thì trời tím bầm lại và gió to, mưa đổ xuống như trút nước. Nghe đài báo thời tiết tối hôm qua, biết chắc chiều nay có gió mùa đông bắc và mưa to nên ông quyết định thay đổi ngày đi, Đáng lẽ để sang tuần sau, ông "đẩy" nó lên, ông ra đi ngày hôm nay, nhưng không ngờ mưa đến sớm. Ông mặc hai lần áo mưa, đội chiếc mũ cối cũng đã được bọc vải mưa, rồi khóa cửa dắt xe đi, không kịp uống nước. Giá rét này, mai về đun lại uống cũng còn được. Hơn ba chục cây số, ông đạp đến nơi, tối là vừa. Ngược gió, đường lội mệt đấy. Ông biết trước cả. Từ khi Giôn xơn ngừng bắn, ông đã định để bọn trẻ cứ yên trí ở đấy học, đâu chả là ăn, chả là học nhưng khi "từ" mặt thằng Núi ông mới chợt tính ra: Để con một nơi, bố một nơi là dại. Vừa mất của, vừa mang tiếng. Mà đằng nào mình cũng phải nuôi nó. Lúc cần sai bảo, cần người hầu hạ thì lại không có đứa nào. Một thân một mình, nhỡ ra có làm sao, ai biết đấy là đâu.

Ông phải đưa chúng nó về. Ý là thế. Nhưng nếu không biết tính cũng vứt. Cho nên, ông phải chọn đúng ngày mưa bão để về quê. Họ hàng ở bên ngoại nhìn thấy ông mò mẫm đi trong mưa bão, lặn lộn đêm hôm về với các con ông thì có ai dám bảo ông là lạnh nhạt vô trách nhiệm với con cái nữa không? Chắc họ phải hiểu là đứa nào hư ông từ mặt, đứa nào ngoan ông yêu. Ông đuổi đứa này đi, thì lại đón những đứa khác về. Anh công an ở huyện An Dương, rồi công an và bà con ở khu phố biết việc này có dám nói ông không đau đớn, thương xót con mình nữa không? Việc tôi, từ to đến nhỏ, tôi phải tính. Ngay đến một tách cà phê ba hào uống không hết, cũng phải lấy thêm đường pha vào biến nó thành cà phê đá, không thể để cho nó thừa. Một ngày, chỉ một cốc cà phê đá, hai cốc bia, tất cả là chín hào. Chín hào ấy ở khoản nào? Đến khi bia lên năm hào, rồi một đồng, thì sẽ chi vào đâu? Nếu không đủ tiền uống bia cả hai bữa mình phải sắm cái bi–đông. Trưa nay mua một cốc, về nhà sẻ làm đôi, uống một nửa, nửa kia nút chặt vứt vào bể nước, chiều lại uống, đi đằng nào mà mất. Nếu không có khoản nào nữa hoặc bia lại lên giá nữa, mình không theo được thì phải chuẩn bị sẵn sàng mà bỏ. Không tính toán kỹ, lúc ấy đi xin, hay đi ăn cắp. Ngay quần áo, đầu tóc cũng thế. Có ai trông thấy ông mặc nhầu nhĩnh, xốc xách, rối bù? Kể cả ngồi trong hầm trú ẩn, ông vẫn giữ được đường ngôi trên đầu mượt và thẳng. Bao giờ ông xuống hầm tránh máy bay cũng đàng hoàng. Nghe dự báo: "Máy bay từ xa" là người ta đã trông thấy máy bay rồi mới bảo mình, thế thì mình xuống trước, máy bay không đến hoặc đi hướng khác thì mình lại lên, mất gì? ... Sao họ lại cứ phải đợi còi ử, súng nổ, bom rơi mới hớt hớt hải hải lao xuống. Khối người chết vì sự chủ quan đấy. Hay ho, tốt đẹp gì? Ông là người sống có nguyên tắc, có tính toán đàng hoàng như thế nên ông không chấp nhận bất cứ ai sống tùy tiện, vô nguyên tắc, có vậy thôi.

Những ý nghĩ ấy làm cho ông đi hơn ba mươi cây số trong lầy lội, mưa rét thấy dễ dàng. Nhưng đến chiều thứ tư tuần sau, lúc trời nắng hửng lên, đường phố khô ráo, ông chỉ đạp ba cây số trên đường nhựa từ trụ sở công an khu phố về, lại thấy nó trầy trụt, có một lần ông phải xuống dắt xe đi bộ. Ông sợ đâm vào người khác, hoặc loắng quắng ô tô lại đè lên mình. Chính quyền, công an, đoàn thể, đại diện tổ dân phố, rồi cả công đoàn của cơ quan ông góp ý mà như buộc ông phải chấp nhận thằng Núi, phải đón nó về nhà. Thôi được. Về lý, các anh các chị đúng, tôi không cãi được. Mà một người, làm sao cãi được với cả mười mấy người có thế lực, quyền binh trong tay. Tôi sẽ chấp nhận nó theo cách của tôi, tình cảm của tôi.

— Thế này nhé – Vẫn giọng đều đều lạnh: – Con đi đâu, làm gì là quyền của con, cậu không can thiệp. Cậu chỉ yêu cầu con phải ra khỏi nhà khi cậu đi làm. Khi nào cậu về mở khóa mới được vào.

— Con xin cậu. Cậu để con trình bày, con xin lỗi đã nói nói dối cậu.

— Không cần thiết. Chỉ cần mấy việc làm vừa qua là cậu đã hiểu bản chất của con như thế nào rồi.

— Con xin hứa với cậu từ nay...

— Cậu không bắt con phải hứa hẹn gì nữa đâu. Con có cái sai, cậu cũng có cái sai. Từ nay ta rút kinh nghiệm.

— Con xin cậu, cậu cho con ở nhà. Chưa đi làm được gì, con cũng dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước đỡ cậu, đỡ các em.

— Cám ơn con. Nào thôi, đi ra để cậu khóa cửa.

Cứ đều đều, nhẹ nhàng, cứ đều đều êm thấm, không hề có chuyện gì xảy ra. Sáng, bẩy giờ cậu đi làm. Con cũng phải đi ra. Trưa, mười một giờ ba mươi cậu về. Mời con vào nhà. Chiều, một giờ cậu đi. Con lại ra cho. Chiều, năm giờ cậu lại về. Con lại vào. Lúc nào con thấy không cần về hoặc không về đúng thời gian cũng được. Con rất tự do. Chỉ có điều, lúc ấy cậu có nhà và đêm không quá chín giờ ba mươi. Thấy muộn, con cứ đi luôn đến hôm sau, hoặc mấy hôm sau, hoặc cả tháng, cả năm cũng được. Đối với cậu thế nào cũng được. Thoải mái lắm. Cậu là người rất tôn trọng tự do, thoải mái của các con. Riêng chuyện ăn uống. Chắc con hiểu, mười tám tuổi không có công ăn việc làm Nhà nước không cấp gạo.

— Ờ được, cậu cố hỏi xem. Trước mắt, con phải tự giải quyết lấy việc ăn uống ở ngoài. Hãy tạm thời như thế đã nhỉ. Nào thôi, ta đi ra.

Hắn không ăn cơm ở nhà bắt đầu từ mồng một tháng một dương lịch tức là vào cuối tháng mười một hoặc đầu tháng chạp. Trong lúc ấy trong túi hắn chỉ còn một đồng hai. Ngày ngày hắn cứ đi lang thang , không có việc gì vẫn cứ phải đi lang thang để đến chín giờ đêm mới về đi ngủ. Mỗi bữa ăn, hắn đến một cửa hàng nào đó, mua mấy xu nước canh hoặc nước rau luộc, kể cả là nước lã. Hắn lấy một bát nước mắm pha loãng ở trong chiếc chậu trên mặt bàn trông như chậu giặt quần áo, một cái bát đựng tương ớt rồi quan sát xem bàn nào có người ăn thừa, hắn bê cả "canh" cả mắm, cả ớt đến đặt ở bên cạnh và nói: Bác (hoặc anh, hoặc chị) ăn xong cho mượn bát đựng cơm. Rồi lại quan sát tiếp và lại đi "mượn" bát mang cơm thừa về đổ vào bát mình. Cũng có khi là mẩu bánh mì, là phở, là mì sợi... thì không thể cho "mượn", mà xem thấy không ai để ý, nhanh chóng cầm lấy mang về bàn mình. Cũng có hôm không có ai "thừa", không gặp may hoặc nhịn đói quay về nhà đứng ngoài cửa sổ chuyện trò với các em. Số tiền anh cho trước đây, chúng nó dành dụm lại còn mười ba đồng, con Biển đưa cho anh. Nhưng hắn bảo:

— Anh còn. Cứ cầm lấy đi. Nhỡ có đứa nào ốm đau, có bị bố đuổi như anh, còn có đồng mà tiêu.

Hôm nào thấy anh đói, chúng cũng nấu cho anh bắt mì đổ vào ca, một đứa cầm ở trong song sắt, hắn cầm thìa, đứng noài song sắt ăn. Chúng bảo hắn cứ về nhà, nếu biết chắc cậu còn ở cơ quan, chúng sẽ nấu mì cho hắn ăn. Nhưng hắn chỉ khi nào không có cách gì kiếm được, mới đành phải quay về. Mỗi lần kiếm ăn ở nhà nhục lắm. Mình được miếng vào bụng, nhưng các em thì nước mắt vòng quanh thương anh. Rồi, vụng vụng trộm trộm, trông khổ thân chúng nó lắm. Sở dĩ hắn cứ nấn ná quanh quẩn ở nhà là chờ cậu xin việc cho. Ba lần trong gần một tháng hỏi câu, lần nào cậu cũng bảo: "Chưa có gì".

Một lần hắn liều, đến gặp ông trưởng phòng tổ chức, người mà cậu bảo cậu đã nhờ ông ấy. Gặp ông ta, hắn mới biết cậu "chưa nói gì" chứ không phải là "chưa có gì". Hôm ấy, đã là hai hai tết. Nếu cứ quanh quẩn ở Hải Phòng thì các em hắn sẽ mất cái tết vì thương tâm. Tối ngày hai tư hắn bảo các em:

— Anh có bạn học cũ ở Hà Nội rủ lên đấy đi buôn hoa đào. Anh ấy có vốn.

Ra đi để các em đỡ lo và tủi chứ hắn cũng chưa biết rồi sẽ đi đâu, làm gì?

Kiếm ăn bằng cách nào trong mấy ngày tết?

Đêm ấy, hắn đi tầu xuống ga Tiền Trung, tay cầm bó hương đi bộ về quê ngoại. Khoảng độ mười giờ đêm hắn mối lần về đến quê và tìm được mộ mẹ ở ngay góc sát bờ mương. Châm cả bó hương cắm lên lên mộ, hắn quỳ xuống vái năm vái rồi lẩm bẩm:

— Con lạy mẹ là Nguyễn thị Hiển sinh ra và mất đi ở thôn... xã... huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Hưng. Con là con cả của mẹ tên là Phạm Quang Núi, ngụ tại số nhà ba năm phố... quận... thành phố Hải Phòng. Hôm nay mới là ngày hai tư tết, con không có tiền để mua được gì, chỉ có một thẻ hương con thắp lạy mẹ, để mẹ thông cảm cho con đến tết này con không lên khấn mẹ thì mẹ ơi vì hiện nay con đang đi lang thang, con xin mẹ sống khôn chết thiêng, mẹ phù hộ cho con, con không phải là thằng con hư đốn, bạc bẽo đâu mẹ ơi, bây giờ con không biết sẽ đi đến đâu, không biết sẽ kiếm được việc gì làm để sống. Có khi con phải đi ăn cắp đấy mẹ ơi, mẹ sống khôn chết thiêng phù hộ cho con, đừng bắt con vào tù ra tội. Con lạy mẹ, mẹ ơi.

Hắn gục đầu xuống đám cỏ ướt nước mưa phùn, dưới chân những nén hương đang cháy. Những chấm đỏ giữa đồng không mông quạnh vào lúc này trông như bãi tha ma của làng đêm nay đang có ma hiện về.

Tên ăn cắp nguy hiểm ấy đã xuất hiện ở Hà Nội vào sáng ngày hai năm tết, lúc mười một giờ trưa, giữa màn mưa phùn ngắt xám và những dòng người hối hả đạp xe nườm nượp một màu quần áo xám "phòng không", màu bộ đội. Gần như cả bà già, em bé, các cụ lão ông và những cô gái trẻ đẹp hơn hớn, đều mặc quần áo bộ đội. Hắn mặc chiếc sơ mi nhuộm lá cây phía trong cái áo len dài tay màu cứt ngựa. Quần xanh công nhân, đội mũ màu bộ đội, kiểu mũ Triều Tiên. Tay hắn xách chiếc túi nhựa hai quai kiểu túi "toàn dân" đựng sổ sách, tem phiếu, kính bút treo ở xe đạp hoặc xách tay đi họp, đi làm, đi chợ... Nó là một cái mốt lúc bấy giờ, nhưng ngày nay cả nước không còn lấy một kiểu túi "toàn dân" như thế.

Hắn đi giữa những đám đông, mắt liếc vụng trộm vào các túi xách, túi áo, túi quần, gác đèo hàng sau yên xe đạp tìm kiếm sự hớ hênh, quên lãng. Nhưng hắn để mắt vào ai, lại thấy thậm thộp sợ, như họ đã biết mình đang có ý định ăn cắp của họ. Đêm trước hắn đã cầu khấn, van lạy, xin mẹ hắn phù hộ, che chở, thực chất hắn mong mỏi một sự đồng lõa giữa một linh hồn thiêng liêng của người mẹ đã chết với đứa con rắp tâm bắt đầu một cuộc đời tội lỗi. Có lẽ một tấm lòng chịu đựng bao dung, lam lũ cả một đời ngay thẳng của mẹ đã run rủi vào hai bàn tay hắn khiến mỗi khi định thò vào sự hớ hênh, sơ ý của ai đó, bàn tay hắn lại run lên, khắp người như có luồng khí lạnh tràn vào, hai mắt nhắm lại, vội vàng quay mặt đi. Sau này đám trộm cướp thường hay, đi lấy số tử vi xem tháng ngày nào vận hạn, có sao chiếu mệnh chiếu vào cung ách để chúng nghỉ việc. Nhưng chính lúc "nghỉ" ấy chúng nơm nớp đề phòng, nơm nớp thậm thộp, thấp thỏm lo sợ hơn lúc đi "làm ăn". Hắn chưa hiểu gì cái trò tướng số, nhưng tâm trạng của hắn ngày hôm nay là tâm trạng của kẻ đang có "sao chiếu mệnh cung ách". Chưa thò tay chạm vào ai, đã thấy hoảng sợ. Phải đến lúc chập tối ngồi vào cửa hàng ăn ở bến xe Long Biên, ăn hết năm nửa bát mì và phở còn dự trữ cho bữa sau được ba mẩu bánh mì của những người cuống quýt lên xe bỏ lại, hắn mới thực sự ấm bụng, phởn phơ đi vào phía vườn hoa Hàng Đậu.

Đêm đó hắn gặp hai nhà văn, nhà thơ dưới vòm mái nhô ra của ngôi nhà ba tầng đường Lý Nam Đế. Một người mặc áo lót, khoác ba lô con cóc ngồi cặm cụi làm thơ, chốc chốc lại ngẳng lên đọc và cười, gật gật đầu, xong lại cúi xuống, khuôn mặt xồm xoàm râu nhăn nhó, như thể ở dưới đít anh ta có một vết thương đau lắm. Một người khác chừng hai tư, hai năm tuổi, nhưng trông chỉ bằng đứa trẻ mười hai, mười ba. Đôi chân của anh, một bên nhỏ như ống nứa. Chỗ đầu gối nhọn ra như một đỉnh của hình thoi. Một chân to, nhưng bàn chân vặn nghiêng, các ngón và lòng bàn chân chổng lên trời. Mỗi khi anh bước đi khập khiễng, trông rất vất vả. Anh lặc lè, vừa khoác, vừa kéo chiếc bao tải đựng ống bơ, sắt vụn từ đâu về, để vào góc tường rồi lấy quyển sổ và cái bút trong bụng ra nằm chổng mông, chùm chăn viết. Ghế đá ngoài vườn hoa lạnh, ướt đầm đìa nước mưa không thể ngồi được, hắn lần tìm vào đây, nhưng đứng ngơ ngác hồi lâu, thấy hai vị chủ cũ của vòm này khác thường, trông ai cũng hầm hầm đau khổ, không ai thèm để ý đến hắn, hắn đành quay ra đi kiếm chỗ khác. Bỗng anh "nằm" hỏi:

— Không ngủ đây à?

— Em rất muốn, nhưng...

— Không sợ bẩn, vào đây ngủ với tớ.

Anh ngồi dậy dải chiếc chiếu rộng ra và dành nửa phần chăn cho hắn. Lúc này còn sợ gì bẩn thỉu nữa. Nhưng hắn cứ rờn rợn thế nào ấy. Hắn bảo:

— Thôi, em ngồi. Để các anh ngủ.

— Có một mình tớ nằm thôi. Ông nhà thơ ấy ngồi cả đêm. Rồi anh nói nhỏ vào tai hắn:

— Ông ấy tâm thần đấy. Ở Trâu Quỳ người ta đang lùng tìm.

Bỗng anh "ngồi" cười rất to, nói cũng rất to:

— Chỉ có những tài năng sáng tạo vĩ đại với những kẻ ngu si. Thượng đế không sản sinh ra loại người mà chúng ta thường gọi họ là tâm thần. Đó là một sai lầm nghiêm trọng khi chúng ta mang trong mình đầy ấn thượng của những quan niệm, của những thói quen cũ kỹ...

Anh ấy cứ ngồi ra rả hàng tiếng đồng hồ. Anh "nằm" cũng ngồi dậy bảo hắn nằm xuống nghỉ, để anh hỏi hắn tỉ mẩn, cặn kẽ như kiểu nhà báo phỏng vấn. Hắn hỏi anh:

— Anh cũng là nhà văn, nhà báo à?

— Không!

— Anh ghi nhật ký?

— Cũng không hẳn thế. Làm được việc gì có nghĩa mỗi ngày, mình ghi lại. Cuối năm vào đêm ba mươi tết mình thắp hương đốt như một lá sớ dâng bố mẹ mình.

— Bố mẹ anh?

— Mình cũng ở Hải Phòng. Bố mẹ và anh em mình bị bom trận Cầu Tre tháng 12/66. Mình còn sống là do bố mình nằm đè lên. Che được cho mình thì khắp người bố đầy mảnh bom.

— Thế họ hàng...?

— Mình còn bà dì ruột và một ông bác chị. Bác và dì đều thương, muốn đưa mình về nuôi. Sau khi phẫu thuật chữa vết thương lành, thành phố cho mình xuống trại thương binh ở Vĩnh Bảo. Nhưng mình xin tự mình sống được. Mình phải lên Hà Nội vì tránh gặp người quen. Người ta mủi lòng thương mình, nhưng lại không thích thế. Con giun, con dế nó còn dũi đất sống được, huống hồ mình còn hai bàn tay, còn cái đầu. Mình cứ đi bới rác, nhặt sắt vụn, ống bơ, giấy ni lông, dép nhựa hỏng, có khi cả đồng hồ, nhẫn vàng, tiền đánh rơi đem đổ hết vào đống rác công cộng. Cứ nhặt nhạnh như thế ngày cũng được ba bữa no. Với lại, mình nhiều "bạn" lắm. Tết này mấy gia đình mời mình đến ăn ba mươi nhưng mình từ chối. Hoàn cảnh của cậu thì cũng thương thật, cứ ở đây ăn tết với mình, có hai anh em cũng vui.

— Em sẽ ở lại với anh, cùng nhau đi làm hàng ngày.

— Bậy. Sức vóc, người ngợm như cậu ai lại đi bới rác. Để cho qua cái tết rồi cậu phải về. Nếu không thuyết phục được bố thì tự lao động lấy mà sống. Nhưng trước hết cũng phải nghiêm khắc xem lại mình đã.

Sang tháng giêng. Hắn trở về thành phố vẫn trong một ngày mưa dầm như hôm ra đi. Hơn hai mươi ngày ở với anh An, người đàn ông tàn tật mà hắn đã coi như một người anh, một người thầy dậy cho hắn những bài học luân lý ở đời. "Là thằng đàn ông, sức vóc như thế. Làm lấy mà sống, ai lại đi ăn xin. Cũng đừng bao giờ có ý định lên đây đi bới rác với tớ. Cầm lấy mười đồng, hôm nào về thì mua vé tầu. Còn lại dự trữ phòng khi nhỡ, ông cụ vẫn không cho ăn. Đừng nói với bất cứ ai là mình ở đây. Nhỡ đến tai bác và dì mình".

Xuống ga, hắn lững thững đi bộ về. Bố đi làm. Các em đi học. Nhà vắng lặng như bỏ hoang. Bà tổ trưởng tổ phục vụ nước sôi, kiêm tổ trưởng tổ dân phố ở cách nhà hắn hai nhà, cho con sang gọi hắn sang nhà bà. Hai bà nữa cùng tổ "nước sôi" cũng ở đấy. Các bà nói rằng, khi hắn đi rồi mọi người mới biết bố con vẫn chưa thông cảm cho nhau:

— Thôi thì... Con cũng có khuyết điểm tự động bỏ học, lại đánh lừa bố. Bố cũng có khuyết điểm, vợ nọ con kia, yêu đứa này, ghét bỏ đứa khác. Mà tính ông ấy, từ xưa đến giờ vẫn cứ nghiền nghiệt thế nào ấy. Đã nghĩ về ai cái gì, đã thâm thù ai cái gì, thì cứ giữ suốt đời cái ấn tượng ấy. Bố con mà đã không chín bỏ làm mười với nhau, cũng khó ở gần. Ta cứ đợi cho ông ấy xuôi xuôi đi đã. Hay là bây giờ thế này...

Vốn là những người của tổ hòa giải, không nặng lời với ai bao giờ, nên các bà rất khó nói, rất khó tìm ra chữ nghĩa cho nó nhẹ nhàng, dù không đúng với nội dung của nó, nhưng cứ miễn là dễ nghe:

— Hiện nay thành phố đang mở một trường lao động ở ngoài Trà Long Cát Bà.

— À, cải tạo lao động cho thanh niên chậm tiến –Hắn đã có những bạn bè ra đấy, nên biết rất rõ. Các bà có vẻ thất vọng vì hắn đã biết cái tên thật của nó mà các bà đang cố tìm chữ nói khác đi.

— Cháu chưa phải cải diện... Người ta cưỡng chế, nhưng các cô nghĩ, để cho bố cháu...

— Cháu hiểu ý các cô. Cháu về nhà cũng là mong tìm việc gì làm. Cháu xin đi. Các cô giúp cháu.

Sáu tháng sau, vào một ngày nóng như lửa đổ xuống thành phố. Những hàng cây nín lặng chờ biển tích gió cho cơn bão số ba sẽ đổ bộ vào Đồ Sơn trong hai tư giờ tới. Những hàng cây phượng vĩ cháy đỏ nhức nhối chạy dọc hai bờ sông Lấp. Thành phố đặc sền sệt mùi tanh chua, mằn mặn của cá ướp muối phơi khô kín các vỉa hè và mùi bùn hiện ra sau con nước thủy triều ở các sông Tam Bạc, sông Lấp, sông Cẩm, sông Cầu Rào. Hắn đi như chạy trong hơi thở gấp mặc cho quần áo, đầu tóc ướt đầm đìa mồ hôi. Hắn gọi bà tổ trưởng nước sôi:

— Cô ơi. Cháu về rồi. Cháu được nhận vào làm ở nhà máy Cá Hộp.

— Thế ư? Cô mừng cho cháu quá đấy Núi ạ. Bao giờ đi làm?

— Còn phải đợi làm các thủ tục giấy tờ, nhưng ban lãnh đạo chỗ cháu cùng Sở lao động và các nhà máy đã làm việc xong cả rồi. Năm mươi trong số hai trăm người của đợt này được đi làm ở các nhà máy.

— Thôi, về tắm giặt đi. Lát nữa sang đây, tổ phục vụ mời cháu bữa cơm.

— Vâng ạ. Cháu cảm ơn cô.

Nhưng đi vào đến cửa nhà mình, hắn khựng lại. Bố chưa về. Các em xô ra reo gọi, mừng anh. Mà không có chìa khóa. Chúng xịu mặt lầu bầu, rồi con Biển bảo anh bê chiếc nồi không hàng xóm gửi để xin nước gạo vào cửa. Nó lấy khăn mặt và múc nước vào chai đưa qua cửa sổ, anh hứng khăn để nó đổ nước cho anh rửa mặt:

— Không lo, nếu rớt ra ngoài, em đưa giẻ để anh lau, anh cứ rửa thoải mái đi.

Hắn rửa mặt, lau người, nhanh chóng bê nồi để vào chỗ cũ, rồi đưa cho hai em hai cái bánh mì. Hắn đi, hẹn đến tối, đúng giờ quy định hắn về.

Từ nửa năm nay những đứa trẻ được giao khoán tiêu chuẩn bữa trưa ở nhà, còn người cha ở lại cơ quan ăn chung cặp lồng cơm với bà tổ phó tổ cung tiêu, một người đàn bà đẫy đà tháo vát, góa chồng nuôi hai con gái. Bữa tối, có khi ông về nhà bà ăn cơm, có khi không. Nếu có ăn, ông cũng đạp xe về báo cho cái Biển rồi mới đến đấy, kẻo nó nấu cả suất ông, lãng phí. Chuyện hai ông bà có tình ý, ai cũng biết cả, nói công khai. Nhưng không ai rập rình, góp ý. Ai cũng biết không gì hay ho, nhưng hai đều là góa bụa, mà cũng "mãn chiều xế bóng" cả rồi. Chỉ có điều, không công bằng. Ông thì bảo ban con của bà học hành và sai khiến nó âu yếm như chính nó là con của mình. Còn bà, chưa lần nào bước chân đến nhà, tất nhiên không biết mặt những đứa con của ông. Đêm nay, ông ở nhà bà đến hơn mười một giờ. Sau vài trận mưa, gió, giông bão ông dắt xe vào hiên nhà, giật mình nghe tiếng chào của thằng Núi đang nép vào cửa tránh mưa hắt.

— Về lâu chưa?

— Con về từ chín giờ sáng.

Ông mở khóa. Không thể đứng ở ngoài nói chuyện, Ông cho nó vào nhà.

— Cải tạo xong rồi à.

— Vâng. Con được vào làm ở Nhà máy Cá Hộp.

— Lâu chưa?

— Mới tuyên bố thế, còn chờ sắp xếp.

— Chờ bao nhiêu?

— Nhanh thì một vài tuần, chậm thì cũng phải vài ba tháng.

— Trình báo khu phố chưa?

— Con báo bà tổ trưởng rồi ạ.

— Bà ấy bảo sao?

— Bảo trong khi chờ đợi, cứ về nhà nghỉ ngơi, giúp cậu và các em.

— Cậu cám ơn. Nhưng không có việc gì để con giúp. Này, bà ấy tốt thế sao không bảo bà ấy cho con ở nhờ, lại phải về đây.

— Nhà bà ấy chật chội hơn nhà mình. Mà con nghĩ về nhà mình vẫn hơn.

Ông lặng lẽ đi tìm chìa khóa, mở tủ lấy quyển hộ khẩu mang ra bàn giở ra nhìn, rồi gọi hắn lại:

— Đây này, hộ tịch của con chuyển rồi. Ngày đi, chính con nhờ người cắt, con nhớ không.

— Dạ, con nhớ. Nhưng trong khi chờ đọi làm thủ tục giấy tờ...

— Trong khi chờ thủ tục, giấy tờ con cứ đi đâu đó, sau này nhà máy người ta có trách nhiệm.

— Cậu định không cho con ở nhà?

— Trong nhà này chỉ có những người đăng ký trường trú mới được ở.

— Cậu cho con mượn hộ khẩu con đi đăng ký tạm trú.

— Trong đời cậu, chưa có một lần nào đưa hộ khẩu cho người khác mượn.

— Cậu ơi, con chỉ xin cậu một lần này.

— Lần nào đối với cậu cũng thế. Đời cậu chưa bao giờ nói lần thứ hai để thay đổi những ý định của mình.

Cứ đều đều nhát một, kể cả mưa gió gào lên ầm ào ngoài cửa. Kể cả hắn quỳ lạy ông đừng bắt hắn ra khỏi nhà lúc mưa bão như thế này. Hắn sợ lang thang lắm rồi.

— Cậu ơi, con xin cậu ít ngày, con có hộ tịch, có công ăn việc làm con sẽ có lương, con lạy cậu.

Mấy đứa em hắn ngồi trong màn khóc nức nở van lạy cha, đừng đuổi hắn đi đêm nay. Ông vẫn đều đều nhát một yêu cầu hắn phải ra khỏi nhà. Nếu không ông buộc phải đi báo công an. Trước đây ông từ mặt hắn, công an và chính quyền bắt ông phải cho hắn quay về. Bây giờ hộ tịch của hắn cắt rồi, có lý do gì ông phải chứa chấp hắn trong nhà mình. Nó đi ra mưa bão tìm chỗ khác còn hơn ông già cứ phải ngồi canh nó suốt đêm. Ai dám ký cam đoan với ông là đêm nay nó không lấy gì của ông! Đêm nay khu phố có được yên ổn? Ai có thể lường trước những gì có thể xảy ra? Tốt nhất, là cứ phải tính trước mọi điều để khỏi phải ân hận. Còn hắn? Hắn đang mong mỏi được đi làm. Mong cho các em đừng khổ thân nên hắn không dám nổi khùng lên. Không vì những lý do đó, hắn có thể vác quả mìn vào đây cùng chết với ông. Sợ gì. Hắn nói những câu cuối cùng, giọng run run:

— Hai đứa không việc gì phải khóc. Con hỏi cậu một câu nữa thôi. Cậu nhất quyết đuổi con đi giữa đêm mưa to gió lớn như thế này à?

— Đừng đổ oan cho cậu. Cậu chỉ yêu cầu con làm đúng. Hộ tịch không ở đây. Thì người không ở đây.

— Cậu ăn ở "cạn tàu ráo máng" lắm.

— Đã nói thế, anh đừng bao giờ nhìn mặt tôi. – Cậu độc ác hơn cả bọn đế quốc.

— Tôi biết trước sau, anh cũng nói tôi như thế, nên tôi phải từ mặt anh hàng năm nay rồi.

— Con cũng không cần: "bố, con" gì nữa.

— Tôi đã bảo: "có tôi thì không có anh."

— Được. Ông cứ nhớ lấy.

— Mày cứ đi đi. Ông không bao giờ quên.

Hắn lao đi trong mưa sầm sập lúc mười hai giờ đêm. Một đêm mà chắc chắn cả ông và hắn còn ghi nhớ suốt cả cuộc đời của mỗi người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro