Chương 7 + 8 + 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng sấm như tiếng bom nổ ngang trời giữa trận mưa rào vào sẩm tối là trận mưa ra cơm ra gạo. Lúa đang hạn, gặp được mưa lại có sấm vào lúc cả làng đã ăn cơm tối, tức là "sấm no". Ai cũng mẩm bụng về vụ chiêm sẽ không bị gió bấc làm nghẹn đòng như năm trước. Lạy trời, lạy phật, cứ điềm này năm nay làng không bị đói. Nhưng bản chất người dân vùng này chỉ kêu toáng lên khi bị mất, còn lúc được, họ lại thầm thì như kẻ ăn vụng.

Vì thế mà xóm làng vẫn im lặng trong cái được lớn sẽ đến nay mai. Còn hắn thì lại mất trong sự xôn xao về một đám cưới sẽ tiến hành trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tất cả đã mất rồi. Đã mất ngay từ đêm chia tay nhau. Vậy mà hắn vẫn chưa hề biết gì. Suốt ba ngày không gặp cô, hắn như điên giữa im lặng của mọi người. Không thể tìm kiếm một dấu tích gì. Một lý do nào, một manh mối nào để dò hỏi ra cô. Duy chỉ có trường mẫu giáo thì, gặp ai dù người lớn hay trẻ con hỏi về cô Hiền – hắn đã biết tên cô – đều được trả lời một tiếng gọn lỏn "không". Hoặc câu trả lời dài hơn cũng chỉ là: "Tự nhiên ba ngày nay không thấy".

Vào đêm thứ ba, khuya lắm. Hắn thất thiểu đi về đến nhà đã thấy hai người cậu ngồi giữa sân chờ hắn.

Hai cậu vốn hiền lành, coi hắn như một người lớn. Hôm nay bỗng nghiêm trang trịnh trọng. Cả hai đều nhìn quay ngang hoặc nhìn xuống, cố tránh bắt gặp cái nhìn của hắn. Môi cậu nào cũng cố mím lại như sợ cái điều kinh khủng gì đó không cẩn thận sẽ buột ra mất. Thành thử, hắn suýt bật cười về sự nghiêm trang gượng gạo ấy.

— Có nước vối ủ nóng đấy anh uống đi. – Cậu nhớn tên là Uyên chủ ngôi nhà anh em hắn ở nhờ nói phá tan sự im lặng nặng nề. Nhưng nói xong câu ấy ông lại chỉ biết rót thêm nước vào các chén rồi đứng lên đi lấy siêu rót thêm vào tích. Rồi lại cầm dao với nan rổ. Cậu Chót vừa là em út vừa lành hơn, lại hơi nghễnh ngãng "không biết gì". Trong tất cả mọi việc cậu chỉ ngồi cho đủ lệ bộ trên, dưới chứ cậu không bao giờ "biết gì". Hôm nay cũng nghiêm nghi theo anh nên trông cậu càng buồn cười hơn. Biết các cậu khó nói. Hắn phải chủ động – lại chủ động!

— Chắc có chuyện gì về cháu phải không ạ?

— Anh đã nói, thì tôi nói luôn, không úp mở gì nữa. Có phải anh định cưới cái Hiền?

— Vâng ạ.

— Thế là rõ rồi. – Ông cố nén lại sự uất hận để hỏi cho ra nhẽ:

— Bố mẹ anh biết việc này chưa?

— Chưa ạ.

— Chưa mà đã định cưới nhau.

— Chúng cháu tự quyết định lấy. Chỉ cần dăm bao Trường Sơn, mấy gói kẹo, thùng nước chè xanh là được. Có quan trọng gì lắm đâu hả cậu.

— Thôi được, chuyện ấy để sau. Tôi hỏi anh, anh có biết anh với nó là thế nào không?

— Cháu biết là chúng cháu yêu nhau. Không thể nào khác được.

— Vậy mà nó định đâm đầu xuống ao tự vẫn.

— Cậu bảo sao?

— Vì nó thấy nhục nhã quá không còn mặt mũi nào nhìn thấy ai được nữa.

Hắn như nhổm người nhào về phía ông:

— Cậu ơi, cậu nói chuyện gì lạ thế cậu?

— Cậu nói chuyện sự thật đấy. Nó chưa chết, nhưng nhà bên ấy như có người chết.

— Tự bố mẹ cô ấy hay có kẻ nào định phá hoại chúng cháu? Cậu nói đầu đuôi cho cháu nghe đi.

— Cậu đang nói đầu đuôi đây. Không có ai phá cháu cả. Tự cái Hiền nó thấy nhục quá.

— Tự Hiền?

— Khi nó biết nó là cô của anh...

— Hiền là cô của cháu hở cậu.

— Cô mà lấy cháu thì có khác gì họ nhà tôm.

— Cháu với Hiền mà có họ? Bao nhiêu năm nay có ai nói gì?

— Mẹ anh đi lâu, có thể không biết. Các cậu cũng có khuyết điểm khi anh em cháu về đây không đưa các cháu đi nhận họ. Còn các cháu, nhẽ ra khi tìm hiểu ai làng này phải hỏi các cậu, các mợ. Làng này đụng vào đâu cũng có họ cả. Nhưng cậu hỏi thật nhá: Cháu với cô đã có "va chạm" gì chưa?

— Có ạ.

— Có sâu sắc lắm không?

— Có ạ.

— Thế thì hỏng thật rồi – Ông lại quay mặt đi nén hơi thở dài, cố kìm sự bẽ bàng. Còn hắn lại muốn nhanh chóng biết mối liên quan họ hàng đến mức nào để còn liệu.

— Cậu ơi, cháu với cô ấy là họ như thế nào? Mấy đời rồi ạ?

— Được. Cậu sẽ nói. Nhưng cậu hỏi, cháu phải nói cụ thể ra, nó sâu sắc là sâu sắc như thế nào?

Đến lúc này thì hắn biết là không thể nói thật được nữa:

— Chúng cháu có cầm tay nhau và hôn...

— Hôn nhau rồi? – Ông sửng sốt hỏi.

— Vâng. Cháu có hôn vào má cô ấy một cái.

— Ờ, vào má thì còn được. Nhưng... Thế có còn sàm sỡ gì nữa không?

— Không ạ. Cháu với cô cũng mới làm quen nhau. Mà cô cũng rút rát lắm.

Ông thở phào:

— Ở nông thôn đâu có được tân tiến như trên thành phố. Mới gặp nhau, lại rút rát sao đã đòi cưới?

— Cháu muốn có người trông nom các em cháu để cháu tập trung học hành.

— Thế cũng còn là may. Bây giờ cậu nói cho cháu nghe để biết vì sao không lấy được nhau. Ông cụ tổ nhà này tên là Phải. Cụ Phải đẻ được bẩy người con: Ba trai, bốn gái. Đến bây giờ thành bẩy chi. Cậu chỉ nói hai chi bên nhà mình về chi bên nhà cô Hiền. Nhà mình thuộc chi cụ Hiến, còn cô Hiền thuộc chi cụ Hòa. Hãy tính chi nhà mình đã. Cụ Hiến đẻ được ra cụ Tý. Còn bốn cụ nữa nhưng cậu chỉ tính các cụ dọc xuống đến nhà mình. Cụ Tý đẻ ra cụ Nhạn. Cụ Nhạn đẻ ra cụ Lịnh. Cụ Lịnh đẻ ra cụ Mục tức là bố của mẹ anh với cậu. Thế là mấy đời? Để cậu tính lại từ đầu. Cụ Phải là một đời. Cụ Hiến là hai, đến cụ Tý là ba, cụ Nhạn là bốn, cụ Lịnh là năm, cụ Lịnh đẻ ra cụ Mục nhà mình là sáu. Đến cậu với mẹ anh là bẩy. Đến các anh là tám. Thế còn bên kia nhé. – Ông bấm đốt ngón tay nhẩm đi nhẩm lại rồi quát lên hỏi cậu Chót. Cậu Chót cũng lại bấm đốt ngón tay rồi khẳng định chính xác với cậu Uyên và cậu Uyên nói cho hắn nghe như sau:

— Chi bên kia đến đời cô Hiền là thứ bẩy, tức cô Hiền là ngang vai với mẹ anh có đúng không?

— Nhưng luật của Nhà nước cho phép năm đời đã được lấy nhau mà cậu.

— Luật Nhà nước là cho nơi khác, để chỗ tỉnh thành người ta theo, còn làng này chín mười đời mà bằng vai phải lứa đã không lấy được nhau huống hồ cháu lại lấy cô.

Hắn vùng dậy định đi:

— Cháu phải đến nhà cô Hiền. Cần thì chúng cháu đem nhau ra chính quyền.

— Anh cứ bình tĩnh ngồi lại cậu nói đã. Bên nhà ấy không có ai đâu, đi làm gì cho mất công.

Hắn lại thấy người mình như rời ra.

— Vâng thôi cậu nói cho cháu nghe đi. Mà sao cậu lại biết tất cả mọi chuyện?

— Thì anh phải tĩnh tâm lại đã.

Vẫn giọng rề rà ông kể cho hắn nghe chuyện xảy ra ở nhà Hiền vào lúc rạng sáng ngày hôm kia. Ông kể rất đậm đà, rất khó chịu song hắn lại không thể bỏ qua những chi tiết mà chỉ hắn và Hiền biết chính xác:

Cô về nhà lúc hơn mười hai giờ đêm. Cô nói gì đấy với mẹ. Bố có nằm cách hai gian nhà, chỉ nghe thấy tiếng vợ khóc nức lên. Khóc khá lâu, khiến ông định dậy châm đèn, hỏi có chuyện gì. Khi ông đang tìm diêm thì im lặng rồi hai mẹ con thì thầm điều gì đó. Ông trở lại giường và ngủ lúc nào không biết. Đến gần sáng thấy cả nhà chạy rầm rầm ra phía bờ ao. Lúc đến gần, đã thấy hai con giai ông dìu con Hiền ướt lướt thướt đi vào. Ông rất bình tĩnh gọi vợ vào nhà, chỗ giường của ông hỏi. Bà nói với ông rằng con Hiền đã chót yêu thằng Núi và chúng nó định cưới nhau. Nhưng bà bảo nó là thằng Núi phải gọi con bằng cô. Hai đứa lấy nhau thì cả nhà này đeo mo vào mặt. Thế là nó nghĩ đến chuyện cô yêu cháu thì xấu hổ hay là quẫn trí gì đấy mà nhẩy xuống ao định liều.

Từ lúc ấy trở đi Hiền chỉ khóc không ăn uống gì. Ông bảo con:

"– Nếu đã chót hứa rồi thì bảo thằng Núi nó sang đây để nói nhỏ cho nó biết là cô họ không thể lấy được."

Bỗng cô khóc òa lên:

"– Con lạy bố, con không thể nào nhìn thấy Núi được nữa. Con là cô của Núi? Trời ơi, con là cô của Núi! Sao không ai nói cho con biết? Sao đến hôm nay con mới biết con là cô của Núi! Con lạy bố mẹ cho con chết đi. Để con sống con nhục lắm. Con nhục nhã lắm bố mẹ ơi."

Cả nhà phải thay nhau gác. Đến sáng ngày hôm qua thì người anh thứ hai và mẹ cô phải đưa cô lên Hà Nội để đêm đi chuyến tàu vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Thanh Hoá hay Nghệ An gì đấy.

Hắn nghe, nước mắt chảy xuống má từ lúc nào không để ý. Đến khi nói cô đã ra đi, hắn chồm lên:

— Đi thanh niên xung phong?

— Bảo vào chỗ người cậu ruột công tác gì tận trên miền tây, cho cô ấy ở đấy.

— Cậu có thể hỏi hộ cháu xem vùng nào không?

— Không đời nào. Chính trưa nay ông ấy bảo cậu đến để nói sự tình đầu đuôi và dặn cậu mấy điều. Thứ nhất, chuyện này ở phía nhà ta chỉ có cậu với cháu biết (ông điếc thì không kể làm gì, ông ấy cứ cười đấy nhưng không nghe thấy gì đâu). Ngoài cậu cháu mình ra, bố mẹ cháu cũng không được biết để nó loang chuyện ra. Thứ hai là, nói với cháu chuyện vừa rồi là do cháu không biết mà nhầm, còn bây giờ đã biết, cô cháu vẫn quan hệ lằng nhằng thì đừng có trách. Ông ấy bảo nó phải biết luật lệ làng này. Và nó cũng phải biết rằng bây giờ chỉ cần trông thấy nó thì con Hiền cũng có thể cắn lưỡi mà chết.

— Cậu ơi, cháu hỏi cậu, liệu có đúng cô Hiền sẽ cắn lưỡi chết khi gặp cháu không? Cậu nói thật đi.

— Đúng.

— Sao cậu biết?

— Cậu ở ngần này tuổi đầu làm sao cậu lại không biết. Đã có tý hơi hướng họ hàng, không ai dám lả lơi đầu mày cuối mắt, nói cười giăng hoa. Huống hồ cháu lại... Cậu dặn nhé. Cấm được hở ra với ai là đã hôn vào má cô. Dù chỉ là ở má thì cũng đã láo quá rồi. Người ngoài mà biết cháu bờm xơm cô, cô tí tởn với cháu thì đến ba đời không rửa hết nhục.

Suốt mấy chục năm hắn vẫn khăng khăng bảo đấy là tình yêu chân chính. Nhưng thói quen như một luật lệ nghiêm ngặt của làng vẫn không thể chấp nhận cho bất cứ ai vượt qua cái ranh giới hết sức tùy tiện và mơ hồ, mà vô cũng chặt chẽ, chặt chẽ đến độc ác. Nếu mỗi con người đều có khả năng tự khám phá, và kẻ độc ác đến đâu cũng có lúc thành thật với chính mình thì hắn cũng có chút khả năng ấy. Không phải tất cả, nhưng cũng có một vài lần nằm trong trại giam hắn đã "tổng kết" về hắn. Hắn nhận ra sự buông thả quá sớm dẫn đến vấp ngã đau đớn đầu tiên cho đời hắn. Hắn phải chịu. Nhưng còn Hiền. Hiền điêu đứng, cay cực ra sao? Cô và con hắn còn hay mất? Nếu còn, trôi dạt ở đâu? Cuộc đời tan nát của cô dù sao hắn vẫn là kẻ gây ra, làm sao hắn lại là kẻ vô tội? Những buổi chiều khi bóng tối nhập nhoạng phủ xuống bờ mương hắn thẫn thờ như kẻ mất hồn ra ngồi ở phía bụi tre đầu làng, nhìn những tay gai mắc mớ vào chiếc màn hôm nào hắn đã từng gỡ... Không còn nữa. Mùi thơm ngào ngạt của cánh đồng lúa đang trổ bông trộn với mùi khói bếp lan ra từ những mái nhà lợp rạ luồn vào hơi thở của hắn, hắn như thấy mình hụt hơi, rã rời giữa mờ mịt màu đêm. Không còn gì ở những hàng rào nữa! Không còn gì ở những đám cỏ ngã diệp xuống nền đất bờ mương... Càng nhìn, càng mất. Càng mong, càng tuyệt vọng. Muốn lao đầu xuống lòng mương! Còn ba đứa em và mẹ đang "nặng nề" để lại cho ai? Bỏ đi tìm cô, đi không cần chỗ đến, tìm không cần thấy, cứ đi thật xa chỗ này! Nhưng còn sự im lặng thương xót và những cái nhìn cảm thông tha thứ của người cha và ngưòi anh ruột của cô, hắn có thể bỏ qua được không? Cậu Uyên ngày nào cũng lo cho hắn, cũng như chính cậu có lỗi, cậu muốn làm bất cứ việc gì để xoa dịu nỗi đau buông thả của hắn! Có thể bỏ qua được không? Rồi bỏ học ư? Gần một tuần qua các bạn chia nhau chép tất cả các môn. Các thầy cũng đến thăm và giảng những bài tập toán, lý khó và dặn: "Em cố giữ gìn, khi nào khỏi ốm đến lớp, các thầy phụ đạo thêm".


Hắn không thể dứt bỏ những dằn vặt ấy, cũng không thể lý giải được cái gì rõ ràng, một cái gì cụ thể khiến hắn còn đến trường và lo toan cho các em. Hắn cũng có thể trở thành con người tự xóa đi tất cả những lỗi lầm đầu tiên bằng sức học hành và sự lao động cần mẫn của mình nếu như không có một buổi chiều tháng tư năm ấy. Cái buổi chiều cuối tháng tư nóng rực lên mà tê tái khi hắn nhìn thấy bốn người đi xe đạp thay nhau lai cáng và bảy chiếc xe đạp khác lai nhau, tất cả mười lăm người đưa xác mẹ hắn về chôn cất ở quê ngoại.

Phiên tòa đầu tiên mở vào ngày mồng tám tháng bẩy năm 1971 tuyên phạt hắn tám tháng tù giam về tội trộm cắp và cố tình tái phạm nhiều lần. Hồ sơ của vụ án được tập hợp rất nhiều chứng lý, điều tra xác minh công phu và thận trọng. Nhưng không có chi tiết– mà cũng chẳng có một phiên tòa nào trên trái đất này lại dở hơi đưa cái chi tiết ấy vào hồ sơ một vụ án– Chi tiết ấy xảy ra vào ngày thứ năm kể từ khi chôn lấp mẹ hắn xong. Suốt bốn ngày trời anh em hắn chết đi sống lại trong tiếng gào khóc với những bàn tay chới với cào vào không gian đòi mẹ về, rồi lại thét lên nhất quyết đòi đi theo mẹ làm cho tất cả học sinh lớp 9A của hắn, tất cả các bạn học của các em hắn cũng đồng loạt khóc theo, khiến không có một người lớn nào trong đám tang chiều ấy cầm được nước mắt. Rồi, chúng thiếp đi trong vòng tay quây quần của hàng trăm bạn học,của bà con làng xóm, của các thầy, các cô. Mấy ngày ấy người cha của chúng cũng ở lại quê ngoại. Ông vẫn lặng lẽ với những cái bắt tay đều đều, giọng nói đều đều, với những lời lẽ cũng đều đều trên một khuôn mặt không ai biết là buồn hay vui. Ông không thắm thiết với ai , cũng chẳng ghẻ lạnh với ai. Những ngày ở lại đấy ông kể về nỗi vất vả và khốn khổ một mình ông phục dịch vợ ốm trong lúc bụng mang dạ chửa giữa bom đạn như thế nào? Ông đưa bà vào bệnh viện để mổ ra sao? Khi cả bà và đứa trẻ tắt thở trên bàn mổ ông lại phải chạy vạy sao để đưa được xác bà về quê theo lời nói "gở" của bà trên đường đi đến bệnh viện, những người "ngược xuôi", ông phải tốn kém bia bọt thuốc nước ra sao. Những người nghe ông gật gù đều đều, cũng chớp mắt đều đều nhưng họ lại nghĩ đến thân phận người đàn bà xấu số chứ không ai tán thưởng sự vất vả và sòng phẳng của ông, sự sòng phẳng như kiểu tính công điểm của hợp tác xã. Bởi vì, nếu không nghĩ đến ruột rà máu mủ, tình làng nghĩa xóm với vợ con ông, làm sao chấp nhận được ông chồng chỉ nhờ được chín người lai xe đạp đưa mười sáu người cả sống lẫn chết về quê coi như xong việc. Còn xăng ván, thuốc nước, kèn trống, người đào huyệt, người khiêng đòn, người bắc rạp... bà con chòm xóm, cơ quan đoàn thể và nhà trường xúm vào lo. Không ai bắt ông đóng góp một xu, không ai bắt ông phải tính công xá cho hàng mấy trăm con người. Như thế, làm sao ông lại cám ơn mọi người bằng cách kể công mình. Nhưng ông thì ông tự thấy là mĩ mãn lắm rồi. Ông đã hoàn tất việc đứng ra ma chay chôn cất cho vợ mồ yên, mả đẹp. Một đám ma đông, cảm động chưa từng thấy ở vùng này. Những cái "gật đầu", "chớp mắt" là chứng tỏ ai cũng thông cảm với ông, ai cũng thấy ông là người có trách nhiệm đến nơi đến chốn với vợ, với con.

Đến ngày thứ năm thì ông phải ra về. Vì rằng, đám trẻ ở đây đã nguôi nguôi và đã có họ hàng đông đúc, chả ai phải để cho chúng cô đơn thiếu thốn. Cũng vì rằng, thằng Ý đang phải ôn thi vào đại học. Ông không báo cho nó về đưa ma vợ ông vì nó không thể nghỉ được một buổi học để làm một việc không nhất thiết phải tỏ ra hình thức như thế. Bây giờ ông phải trở về chính là sự thiết thực lo cho nó học hành, không cần thiết phải ở lại mếu máo sụt sùi. Đấy là thứ hình thức vô nghĩa lý. Để làm gì?

Thế rồi, cái chi tiết dù không đưa vào hồ sơ vụ án của hắn vào những năm sau, nhưng nếu những người thụ án biết đến chuyện này chắc cũng làm phong phú thêm cho một hệ thống ngôn ngữ cứng lạnh như còng sắt, được mệnh danh là tiếng nói đặc trưng của các phiên tòa. Chi tiết ấy xảy ra vào lúc hai giờ chiều, lúc ông chờ bơm xong xe đạp, dựa nó vào gốc cây cau, quay lại để dặn dò các con:

Từ hôm đưa mẹ nó về chôn cất, hôm nay ông mới gặp đông đủ chúng nó. Bốn đứa trẻ lại phải nghiêm chỉnh nghe cha như mọi lần vẫn nghe. Chỉ khác, mọi lần chúng phải xếp hàng ngang ở cửa. Lần này, chúng ngồi trong nhà. Đứa lả người, dựa vào tường quay mặt ra. Đứa ngồi xổm trên ghế, gục mặt xuống hai cánh tay khoanh ở đầu gối. Đứa đứng dựa cột. Đứa ngồi bệt ở chân liếp, quay mặt vào. Ông biết như thế là không nghiêm, nhưng trong tình cảnh này không thể làm khác. Ông phải nén lại những gì không vừa lòng. Giọng ông đều đều, lạnh như vốn dĩ nó là thế:

— Thôi. Mọi việc thế là xong xuôi tốt đẹp cả. Từ mai các con phải tiếp tục đi học. Nhớ bảo ban nhau học hành cho tử tế, phân minh. Cấm được làm điều gì ảnh hưởng đến gia đình, đến cậu. Còn lương thực: Trước đây định tách sổ chuyển về quê, bây giờ mẹ mất rồi, nên vẫn tập trung ở dưới phố. Hàng tháng thay nhau về mà đong. Ngoài tiêu chuẩn, mẹ đong thêm cho các con mỗi tháng hai mươi ki lô gam. Bây giờ mẹ mất rồi cậu chỉ còn khả năng đong thêm cho các con bốn ki lô gam một tháng. Như vậy mỗi tháng rút đi mười sáu ki lô gam liệu mà san sẻ, chia cho đều, kẻo cuối tháng lại hụt.

Bốn đứa con đang sức ăn như tằm ăn rỗi. Trước đây mẹ chạy vạy cho mỗi đứa mười ba cân một tháng, nhưng thịt thà không có, bữa nào ăn xong đứng dậy cũng như chưa ăn gì phải đi mót khoai, mót sắn mà vẫn không no. Bây giờ mỗi đứa chỉ còn chín cân, lại không đi mót được, làm sao chịu nổi. Nhưng chúng không hề nói gì trước một người cha "sắt đá" như thế. Có nói, cũng không thể thay đổi gì. Cho nên khi cha chúng hỏi: – Có đứa nào nói gì nữa không?

Tất cả chúng đều im lặng. Giá như mọi lần thì ông không để yên cho cử chỉ vô lễ ấy. Lần này, ông lại phải nén lại, quay ra gốc cây cau dắt xe ra ngõ. Không biết ông có nghe thấy tiếng con Biển khóc không? Tiếng khóc lúc đầu chỉ là những tiếng nấc "ậc, ậc", sau rồi nó òa ra kêu:

— Ối ối mẹ ơi! Mẹ nỡ để chúng con đói khát khốn khổ, khốn nạn thế này mẹ ơi. Ôi giời đất ơi, sao lại bắt mẹ tôi đi? Mấy anh em tôi biết làm gì nuôi nhau! Ối giời đất ơi! Ối mẹ ơi.

Thằng Cả cũng theo chị kêu dóng một:

— Ối mẹ ôi, mẹ ôi. Ôi mẹ ôi, mẹ ôi.

Con Biển nhoài người ra ôm lấy chân hắn kêu:

— Ôi anh ơi, anh Núi ơi ; Em không sống nữa đâu. Thằng Cả nó đói lắm, nó không chịu được đâu, anh ơi, anh ơi.

Các cậu mợ đang ở ngoài vườn hoặc từ đầu ngõ đều nghe thấy cả, đều biết cả mà chưa ai nỡ chặn lại những tiếng khóc cứ thảm thiết mãi lên của chúng.

Từ lúc cha nói, cho đến khi các em khóc, hai mắt hắn ráo hoảnh, nhìn trân trân xuống chân cột. Đến lúc con Biển ôm lấy chân hắn đòi chết, đòi bỏ đi thì nước mắt hắn chảy ràn xuống hai má. Vẫn đứng ngay như tượng, hắn gọi em:

— Biển! Biển ơi. Đừng khóc nữa. Anh sẽ nuôi các em. Anh sẽ tìm cách để các em không phải đói. Biển ơi, nín đi em. Anh sẽ nuôi các em. Nín đi. Anh lạy em, em nín đi để em Cả nó đừng khóc nữa, Biển ơi!

Nhưng hắn chưa kịp làm được gì để nuôi các em. Sau một tuần các em đi học, hắn về thành phố. Hai ngày tìm bố ở Thủy Nguyên và nơi sơ tán không thấy, phải đợi thêm hai ngày nữa bố mới đi công tác về, mới lấy được sổ gạo đi xếp hàng. Cửa hàng lại đóng cửa phải chờ thêm một ngày nữa. Vừa trọn hai tuần nghỉ, khi hắn đến lớp, mỗi ngày hắn phải ở lại thêm hai giờ để thầy, cô và các bạn giỏi giang bù những ngày hắn bỏ học. Sự sa sút của một học sinh giỏi như hắn làm các thầy cô và các bạn đều ái ngại và thông cảm, nên không ai có thành kiến, coi thường, chê trách hắn. Tất cả, vẫn yêu thương, vẫn hi vọng. Hắn hiểu như thế. Đêm đêm hắn vẫn chong đèn học tới một, hai giờ sáng. Hắn lại vươn lên. Bệnh mất ngủ xuất hiện. Hàng tuần, hàng tháng hắn không ngủ được. Hắn mắc bệnh đau đầu. Lại phải nghỉ học. Ai cũng hiểu hắn lo nghĩ nhiều suy nhược thần kinh. Nhưng không ai hiểu hết mọi điều bằng cậu Uyên. Cậu thương hắn lắm. Cậu tìm người châm cứu, chạy tìm thuốc nam, cậu nuôi hắn ốm còn hơn cả con của mình. Những cậu, mợ, cô dì, ông bà thấy cảnh ngộ của anh em hắn, ai cũng thương. Người cho vài cân gạo, người dăm đấu ngô. Bạn bè cái Biển, thằng Sông cũng góp tiền góp gạo, cho anh em hắn. Các thầy cô, bạn học lớp hắn quyên góp cho hắn một trăm đồng. Bằng cả hai tháng lương của một thầy thực tập. Hắn khỏi bệnh. Lại đến trường vào những ngày cuối cùng của năm học. Thời gian nghỉ cộng lại gần ba tháng và điểm tổng kết không đủ các môn, hắn phải ở lại "lưu ban". Hắn cảm ơn thầy cô, cám ơn nhà trường đã chiếu cố cho hắn học lại. Nếu không thương hắn, thì hắn đã bị đuổi học rồi. Hắn hứa sang năm hắn sẽ cố gắng để không phụ lòng các thầy, các cô. Nhưng cha hắn thì không cho phép. Thằng Sông về đong gạo tháng sáu. Cầm lấy sổ rồi cậu bảo ngồi xuống đã:

— Học hàng thế nào? Có lên lớp không?

— Dạ... con... con không ạ.

— Có được thi lại không?

— Dạ con.. thiếu 3 môn phải ở... lại.

— Ở lại hử? – Giọng cậu vẫn đều đều nhẹ và lạnh:

— Cậu không có khả năng để nuôi đứa nào ăn học hai năm một lớp, con hiểu không? Người ta vừa làm lấy mà ăn, vừa học cũng còn lên lớp. Mấy anh em con ở chỗ sơ tán làm gì hả? Làm gì mà lại không lên lớp! Anh Ý con đấy, một thân một mình không ai trông nom, thi tốt nghiệp vào loại giỏi. Thôi. Không học được, tự đi kiếm lấy công việc mà làm ăn. Còn thằng Núi thế nào?

— Dạ, con không thấy anh ấy nói gì ạ.

— Nó học giỏi nhất nhì trường huyện, chắc không phải học lại. Nếu có ở lại thì cũng phải bỏ, tự đi mà kiếm lấy việc làm. Từ nay quần áo, giầy dép và tất cả mọi khoản chi ngoài tiêu chuẩn gạo và thực phẩm, các con phải tự lo lấy. Đừng bao giờ mở miệng cầu xin cậu, con có hiểu không hả.

Thằng Sông về chỗ sơ tán, đến giữa tháng bẩy may mắn cậu Uyên nhờ người chạy vạy cho đi học lái tàu hút bùn. Còn hắn? không thể học lại? Cũng không thể bỏ mặc hai đứa em bơ vơ đói rách. Lúc đau đớn mất mẹ hắn đã dỗ dành các em: "Nín đi, nín đi em ơi, anh nuôi các em". Suốt mấy ngày đêm tha thẩn trong nỗi buồn và lo, cuối cùng hắn quyết định: Khi về nhà với cậu thì "cứ lên lớp mười" rồi sang năm sẽ "trượt" đại học cũng không sao. Cốt làm thế nào để kiếm được miếng ăn cho các em tiếp tục theo học.

Tháng chín hắn về đong gạo. Người cha hỏi:

— Năm nay con học thế nào?

— Lên lớp mười, con vẫn sợ môn hình học không gian.

— Cố mà đỗ vào đại học như anh Ý năm nay đỗ gần đủ điểm đi nước ngoài của ngành hàng hải đấy. Đỗ được như thế đâu phải chuyện dễ dàng. Con đừng làm gì ảnh hưởng đến cậu như thằng Sông. Nó làm cho cậu xấu hổ mỗi khi có ai hỏi chuyện học hành của các con. Con có hiểu không?

— Con có hiểu ạ.

Hắn hiểu từ nay hắn phải tìm cách để nói dối mọi người. Nói dối cha hắn để cha không cắt khoản năm đồng một tháng và cắt tiêu chuẩn gạo cho một đứa như đã cắt của thằng Sông. Nói dối các em để chúng không vì anh mà bỏ học. Và nói dối các cậu, các mợ, các thầy, các cô. Hắn xin nhà trường cho hắn làm thủ tục chuyển về trường cấp III Kim Thành hoặc An Dương gì đấy. Biển mà nó dò hỏi biết thì không thể được. Nhưng làm gì bây giờ? Đi mót và ăn xin thì không thể được rồi. Đi làm thuê? Ở đâu? Việc gì? Tất cả các công việc bây giờ là của hợp tác xã, làm tập thể, chi công điểm, có gia đình nào lại đi mướn người làm thuê cho riêng mình. Cái hình ảnh những bà gồng gồng, gánh gánh bao bọc lồng cồng trên những chuyến tàu đêm hắn gặp ở ga Phú Thái, ga Dụ Nghĩa, ga Hỗ, lấp lóe trong đầu hắn. Hắn quyết định xin "chuyển về trường An Dương" vì sự lóe sáng ấy. Sau bao nhiêu khả năng khác không thể thực hiện, hắn nghĩ cách ấy là tốt nhất. Từ nơi sơ tán về ga Hỗ, hơn hai chục cây số, không thể đi bộ. Hắn "trọ học" để dành được xuất gạo cho hai em là hoàn toàn yên tâm. Hai bẩy cân gạo và mười lăm đồng mỗi tháng là chúng nó sống được rồi. Hắn bàn với cậu mợ và các em vào trưa ngày thứ bảy như sau:

— Thầy giáo của cháu năm ngoái chuyển về bộ, năm nay về làm hiệu trưởng ở trường cấp III ở An Dương. Cháu về đấy được học bổng. Thầy bảo, mỗi tháng được hai hai đồng, với tiêu chuẩn gạo là mươi năm cân, thế là cháu sống dư dật.

Cậu mợ xuýt xoa kêu là may mắn phúc đức quá. Phải giỏi giang lắm mới được thế. Các cậu mợ thở phào như bớt được một gánh nặng. Dẫu rằng chẳng bao giờ tụi hắn quấy rày, ăn đẽo vào cậu mợ, nhưng các cháu mà nheo nhóc, cậu mợ sao đành lòng được.

"Thôi thế là may quá. Phúc đức quá!"

Con Biển thì thào nghi ngờ:

— Phải là cán bộ, bộ đội, thương binh chuyển ngành học ở đại học và trường chuyên nghiệp mới được như thế.

— Đấy là chính sách chung. Còn đây là ở riêng thành phố này. Người ta trợ cấp cho một vài trường hợp thật đặc biệt, khó khăn quá. Nếu không, những học sinh ấy sẽ bỏ học. Nhưng cũng chỉ có vài ba suất rất đặc biệt, không ai người ta phổ biến rộng.

Thằng Cả thì lo lắng:

— Thế anh không ngủ ở nhà à? Hàng tháng ai sẽ về phố đong gạo?

Con Biển mắng em hỏi những chuyện lặt vặt. Cậu mợ thì mắng nó không biết mừng cho anh, lại lo những chuyện không đâu. Cậu bảo hai chị em ở nhà thế là sướng quá. Mỗi tháng hai bẩy cân gạo, gần hai mươi đồng bạc tiêu pha, hơn hẳn tiêu chuẩn của ông chủ tịch xã rồi còn gì. Tối hôm ấy cậu làm con gà, mua nửa cút rượu, gọi là "liên hoan" mừng cho cháu được học hành tấn tới hơn người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro