1.1 | Bố tôi sắp kết hôn rồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     "Bố cậu sắp kết hôn rồi đấy."

     Nghe được tin này, tôi chẳng cần chuẩn bị trước xem mình sẽ làm gì, biểu cảm gương mặt ra sao hay trả lời người khác như thế nào. Tôi chỉ cần một chút thời gian để giải thích ý nghĩa của câu vừa rồi.

     Bố của tôi sắp kết hôn.

     Đây là lần thứ ba ông ấy kết hôn. Với ai ư? Tôi chẳng còn muốn hỏi nữa. Chỉ cần không hỏi, sức ảnh hưởng của việc này tới tôi sẽ giảm bớt. Chỉ cần không hỏi, mọi người sẽ quên đi rất nhanh. Đây chính là cách tôi vượt qua thực tại, nhưng dường như chẳng mấy hữu dụng.

     Lần đầu tiên bố kết hôn là với mẹ tôi. Thời trẻ mẹ tôi có nước da trắng ngần, tính tình ấm áp, dễ gần, không thiếu người theo đuổi. Nhưng rồi bà chọn bố tôi vì ông thông minh, khéo léo, ngoại hình rất ưa nhìn.

     Theo ông ngoại nhận xét, mẹ đã tự hạ thấp giá trị bản thân để lấy bố. Nhà ngoại tôi mặc dù gia cảnh bần hàn nhưng cũng thuộc dòng dõi thư hương. Mẹ tôi là giáo viên mầm non, luôn nuôi mộng trở thành nhà văn. Mẹ thích đọc các tạp chí văn học như Văn học nhân dân, Thu hoạch. Còn bố tôi ra đời khi ông Nội đã 58 tuổi, bố chưa học hết tiểu học vì gia đình không có tiền nộp học phí. Bố là công nhân xưởng đóng giường, tan ca làm thêm nghề mộc tại nhà, nhiều họa tiết phức tạp trên giường nhà to đều do bố làm.

     Hồi nhỏ, tôi rất thích nhìn bố làm việc, ngắm nghía sợi dây màu đen rút ra từ ống mực, kéo căng trên mảnh gỗ, nhẹ nhàng tạo thành một đường đen dài thẳng tắp đẹp mắt. Hoặc đợi cho những lớp vỏ bào rơi xuống một đống, tôi sẽ xé ra thành nhiều hình khác nhau. Trong mắt tôi, mộc là một nghề tuyệt vời, nếu muốn bố có thể tạo ra cả một vương quốc.

     Bố tôi còn biết câu cá nữa. Mỗi sáng cuối tuần, bố thường đưa tôi đến bờ sông Gia Lăng, buông cần chờ cá cắn câu, một lúc sau đã câu được vài con cá đủ để nhà tôi làm một bữa linh đình. Tôi đứng bên sông vẽ tranh, thử dùng màu nước vẽ những con sóng lăn tăn, lấp lánh ánh bạc.

     Bố của tôi còn có sở thích đánh bạc, một năm 365 ngày, bố ra ngoài đánh bài hết 300 ngày, tối Giao thừa cũng không ngoại lệ.

     Nhưng mỗi lần tôi ốm bố chưa bao giờ vắng mặt. Năm 4 tuổi, tôi bị sốt phát ban phải nằm viện một tháng, mỗi ngày sau khi tan ca bố đều đến bệnh viện chăm tôi, cùng tôi chơi trò ai ăn được nhiều cam hơn, một lúc bố ăn hết bảy quả, còn tôi ăn sáu quả. Năm lên 6 tuổi, chân tôi bị cuốn vào bánh xe, gót chân rách một mảng to, máu chảy đầy đường, bố cõng tôi chạy như bay đến bệnh viện. Lúc 7 tuổi, tôi bị tắc ruột, phải đặt ống xông từ mũi vào dạ dày, đau đến nỗi nước mắt giàn giụa, bố không nỡ nhìn, đứng ngoài phòng bệnh hai mắt đỏ hoe.

     Mấy năm tôi học tiểu học, mỗi sáng bố đều lấy xe ba bánh (người Tứ Xuyên gọi là "xe sợ vợ") chở mẹ đi làm, chở tôi đến trường rồi mới vòng đến xưởng, phải đi một đoạn rất xa. Ở chỗ làm, bố được mệnh danh là vua đi muộn. Trên cổng ra vào nơi bố làm việc treo một tấm bảng đen viết tên những người đi làm muộn, tên người khác viết bằng phấn, còn tên bố được viết bằng sơn.

     Tôi học cấp hai bố bắt đầu làm ăn riêng và trở thành ông chủ. Bên cạnh bố xuất hiện một hồng nhan tri kỷ, cũng là đối tác của bố. Bà ta có một ông chồng chân chất và đứa con trai nghịch ngợm. Bố thường tổ chức những buổi gặp gỡ hai bên gia đình. Có lần cả hai nhà cùng ra sông bơi, không may dây áo bơi của bà ta bị tuột để lộ bầu ngực trần, bố thân thiện nhắc nhở. Tôi không biết mình có nhạy cảm quá không khi cảm thấy có gì đó bất thường trong giọng điệu của bố.

     Bố đã mời ba người nhà họ đến nhà tôi ăn cơm. Có lẽ đang đắm chìm trong tình yêu cuồng nhiệt, bố tự xuống bếp làm thịt cá, chỉ để tôi phụ mấy việc lặt vặt, bóc mấy quả trứng muối. Động tác của tôi hơi chậm, bố nôn nóng cho tôi một cái bạt tai. Bố không hay đánh tôi, một năm chỉ đánh một lần. Lần này vì tôi chậm chạp, nên bồ của bố phải đợi lâu, có lẽ là động lực của tình yêu.

      Lúc đó tôi rất béo, bà ta hay trêu chọc tôi, nói nếu tôi cứ béo thế này sẽ chẳng ai thèm lấy. Bố cũng hùa vào chỉ trích: "Đúng vậy, con ngủ cứ chê giường cứng, người đầy thịt như vậy sợ giường cứng gì chứ." Một người con trai khi muốn thể hiện tình cảm với đối phương nhất định phải luôn đứng về phía họ. Thế là bố và bà ta thành một phe, tôi và mẹ trở thành người ngoài, nếu không muốn nói là kẻ địch.

     Trong nhà tôi lúc ấy sống như đang đóng phim truyền hình  mỗi ngày cứ đến giờ là khóc lóc, cãi nhau. Có một buổi tối bố ở bên ngoài đánh bạc như thường lệ, người đàn bà đó mang theo gã bồ mới đến nhà tôi, tìm mẹ tôi để tranh luận. Buổi sáng bà ta bị mẹ tôi mắng nên bây giờ tìm đến nhà trả thù. Bọn họ giật tóc mẹ tôi,giữ chặt cánh tay bà, kéo bà xuống sàn nhà, vừa kéo vừa đánh.

     Đây là trận đánh ghen tôi được chứng kiến ở cự ly gần nhất, như thể chính tôi là người bị đánh vậy. Mẹ tôi vốn gầy yếu, bị bọn họ hành hạ toàn thân thâm tím, mẹ chỉ biết khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ mình bất lực, tuyệt vọng như vậy. Trong giây phút đó, tôi chẳng kịp suy nghĩ, chạy thẳng vào nhà lấy con dao thái rau ra, vung lên định chém hai người kia. Tôi hét: "Mẹ kiếp, tao sẽ giết chết chúng mày!" Một đứa con gái 13 tuổi, nếu gầy một chút, đẹp một chút, tay cầm dao, nói những lời như vậy chắc xong sẽ kinh dị hơn. Bọn họ bị mấy câu đanh thép của tôi dọa cho sợ chết khiếp, vội vàng thả mẹ tôi ra chạy một mạch xuống lầu.

     Mẹ nói, vì tôi, mẹ không thể ly dị, nhất định phải cho tôi một gia đình đầy đủ. Đôi khi tan học về nhà, nhớ đến việc mẹ phải chịu uất ức để cho tôi một mái ấm, tôi thấy ghét bỏ chính mình. Tôi có được tính là đồng phạm không, nếu thế giới này không có tôi, biết đâu cuộc sống lại hài hòa hơn? Tôi đạp xe trên đường, không nhịn được mà bật khóc, hai hàng nước mắt bị gió thổi bay, cảnh tượng ấy có chút nực cười.

     Thời gian đó tôi mất ngủ triền miên, cứ suy nghĩ mãi làm sao để bảo vệ mẹ, làm sao để báo thù. Tôi đọc tiểu thuyết trinh thám, nghĩ đủ mọi cách giết người, thậm chí còn nghĩ đến việc bắt cóc đứa con trai nghịch ngợm của người đàn bà đó nữa. Cứ như vậy một thời gian dài, tôi phải đến bệnh viện tâm thần khám bệnh. Bác sĩ nói, không có vấn đề gì lớn. Có lẽ tôi chưa xứng mắc một chứng bệnh cao cấp như trầm cảm.

     Câu chuyện của bố chưa đủ phức tạp và thu hút sự chú ý của mọi người đúng không? Có một buổi chiều, tôi trốn học về nhà, mở cửa ra đã nghe thấy tiếng của bố và người giúp việc trong phòng ngủ, tim đập loạn xạ, tôi bối rối chạy ra ngoài. Dũng khí cầm dao chém người năm đó đã đi đâu mất rồi...

     Bố ngày càng lạnh nhạt với mẹ tôi, mẹ bị sốt, ông cũng chẳng thèm ngó ngàng. Một lần cãi nhau, ông đẩy mẹ xuống đất, lưng mẹ đụng phải chân giường, phần eo bị tổn thương nghiêm trọng. Bố nói mình là người lương thiện, vì bố rất yêu quý động vật, mùa đông sợ con chó nhà nuôi bị lạnh, nửa đêm còn trở dậy đắp chăn cho nó. Bố tôi yêu thương bảo vệ động vật đến vậy, nhưng người vợ và người thân của ông cũng là "động vật" cơ mà.

     Rất nhiều lần trong bữa ăn, tôi chan cơm với nước mắt.

     Cuối cùng bố mẹ cũng ly hôn. Tâm trạng mẹ không tốt, đôi khi cãi lại một câu mẹ cũng cho tôi một cái bạt tai. Nếu bạt tai xong tâm trạng mẹ có thể khá lên, tôi bị đánh thêm vài cái cũng không sao. Hằng tháng tôi vẫn đến gặp bố một lần để lấy tiền sinh hoạt. Bố nói, bố luôn yêu tôi, tôi không biết ông chỉ đang diễn kịch hay bị mắc chứng đa nhân cách nữa. Bố yêu tôi nhưng lại thể hiện bằng cách làm tổn thương người mẹ tôi yêu nhất.

     Một năm sau, bố nhiều lần tìm mẹ để nhận lỗi, tình cảm tốt lên rồi họ tái hôn. Bố nói ông đã mất niềm tin với những người phụ nữ khác.

     Nhưng sau cái lần "mất hết niềm tin" ấy, quan hệ giữa bố và cô kế toán lại dần tốt lên. Bố có một khả năng vô cùng đặc biệt, bồ của ông lúc nào cũng là những người có quan hệ mật thiết, nhất định phải bắt mẹ tôi chịu đựng nhục nhã ở khoảng cách gần nhất. Bố và mẹ trở lại những trận cãi vã như xưa. Tôi lên đại học, đi học ở tỉnh khác, họ vẫn tiếp tục cãi vã, tiếp tục chiến tranh lạnh, tiếp tục đối đầu.

    Nghỉ lễ về nhà, tôi thấy bố và mấy người bạn đang ngồi nhậu nhẹt tán phét với nhau. Họ cùng một giuộc, đều thích bồ bịch, ra vào câu lạc bộ đêm, càng có nhiều bồ bịch họ càng tự đắc. Bố nói, người đàn ông cả cuộc đời chỉ biết đến một người phụ nữ là kẻ vô dụng.

     Tôi ở trong phòng lạnh lùng nghĩ, có nên trao cúp tuyên dương bọn họ hay không. Họ nói về ham muốn, về cách chiếm được trái tim của cô gái ở câu lạc bộ đêm, về những kinh nghiệm điều trị bệnh lây qua đường tình dục, bảng giá các loại gái bao, bầu không khí vô cùng sôi nổi. Bố tôi có lẽ đã sớm quên rằng con gái của ông đang ở phòng bên cạnh. Khi ông vui vẻ chia sẻ với bạn bè chuyện mình đã ra giá với một em gái làm massage chân như thế nào, tôi rất muốn làm chuyện gì đó, như cứa vào động mạch tay, đóng gói chỗ máu không sạch sẽ đang chảy trong người, trả lại cho ông.

     Nhiều năm sau, nếu có thể, tôi muốn quay về cái đêm hôm đó, nói với bố về những hiểu biết hạn hẹp của mình. Thành công, chính là khiến cho những người bên cạnh bạn vui vẻ vì có bạn. Với một người đàn ông, cách tốt nhất để bảo vệ con cái của mình là mãi mãi yêu thương mẹ của chúng. Nếu không làm được, ít nhất cũng đừng quá kêu ngạo, ích kỷ, sẽ ảnh hưởng đến nhận định của đứa con về nhân tính. Cuộc sống rất phức tạp, nhưng không nhất thiết phải hủy diệt triệt để như thế.

     Có lần tôi đến nhà bạn cùng lớp đại học chơi. Bên bàn ăn, nhìn thấy bố cô ấy gắp thức ăn cho mẹ cô ấy, nhẫn nại ngồi nghe câu chuyện của vợ, phàn nàn trong nhà mình chỉ xếp cuối, sau vợ, con gái và chó, tôi vội đứng bật dậy, giả vờ đi vệ sinh, để cho nước mắt được thoải mái rơi xuống. Hóa ra một gia đình là như vậy, một người bố chu đáo sẽ nói những lời như vậy.

     Những chuyện này, những cảm nhận này tôi đều không nói cho bạn tôi biết. Nói ra để làm gì, để kiểm tra kỹ năng an ủi, động viên của cô ấy sao? Chỉ khiến mọi người bối rối hơn thôi. Tôi có sở trường giả vờ vui vẻ, đôi lúc giả vờ hơi quá. Có người nói, người sống trong gia đình đơn thân tâm lý luôn có gì đó bất thường, tôi chỉ đang cố gắng để trở thành một người bình thường thôi, không được sao?

     Đúng vậy, đứa con trong gia đình đơn thân luôn giỏi che giấu.

     Bố mẹ tôi lại ly hôn.

     Nghe tin này tôi thấy nhẹ cả người. Gia đình đơn thân vẫn tốt hơn một gia đình đầy đủ nhưng giả tạo. Giờ nghĩ lại, mẹ tôi thấy sai lầm lớn nhất cuộc đời mình chính là lúc phát hiện ra bố tôi vô tình vô nghĩa  trở mặt giở trò, đã không kịp thời buông tay. Đối với người Trung Quốc theo tư tưởng bảo thủ, ly hôn điều rất khủng khiếp, mẹ cứ sống mãi trong cái tư tưởng ấy, lãng phí hơn 10 năm bên người đàn ông không yêu mình. Khi một người đàn ông không yêu bạn, sức tàn phá rất lớn, lại dai dẳng, càng lúc càng quá đang hơn, anh ta không ngại nâng mức độ lạnh lùng vô tình lên một level mới mỗi ngày.

     Sau khi ly hôn mẹ lại trở nên nhẹ nhàng vui vẻ, mẹ dẹp hết những tranh giành hơn thua với bố, làm những việc mình thích, học tập và giao lưu lại với thế giới bên ngoài. Mẹ học khiêu vũ, đọc tiểu thuyết, chơi blog, nghe nhạc hội, thế giới này thiếu đi một người phụ nữ khổ vì tình, lại có thêm một văn nhân.

     Còn tôi, tận mắt chứng kiến bố và đám bạn ông đối xử với vợ từ che chở cẩn thận đến tức giận lạnh nhạt. Tình yêu của họ như "hàng dễ vỡ", có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Khi đó tôi đã hoài nghi thứ người ta gọi là tình yêu vĩnh hằng, chỉ có trong các câu chuyện ngôn tình, thề non hẹn biển chỉ là lừa dối, che chở cả đời chỉ là người si nói mộng.

     "Người hạnh phúc là người im lặng, họ chỉ chăm chút hạnh phúc, không nỡ bỏ thời gian ra khoe khoang thành tựu của chính mình. Không thể vì bạn không nhìn thấy mà phủ định sự tồn tại của tình yêu chân chính."

     Người con trai yêu thầm tôi hơn 10 năm, sau khi tỏ tình, nghe tôi nói tình yêu là thứ nhạt nhẽo, anh ấy đã nói với tôi những điều ấy. Anh ấy là bạn cùng lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học của tôi  sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi đến một thành phố, làm cùng cơ quan, vào cùng phòng ban. Từ lúc yêu đến lúc kết hôn, 11 năm, chúng tôi dường như lúc nào cũng ở cạnh nhau. Anh ấy nói, anh ấy yêu tôi, đã yêu tôi hơn yêu bản thân mình từ lâu rồi. Anh ấy dùng tình yêu kiên định, cố chấp của mình để điều trị căn bệnh bi quan của tôi.

     Có người nói, bố tôi chẳng phải cũng sau 10 năm tình cảm mới thay đổi hay sao? Đúng vậy, một gia đình từng hoàn hảo, nhanh chóng tan vỡ chỉ sau một đêm. Đối với người xuất thân từ một gia đình đơn thân, cảm giác an toàn là điều khan hiếm. Đang hạnh phúc nhưng trong lòng vẫn đầy rẫy âu lo. Tôi có xứng đáng không? Tình cảm này có khi nào bị lung lay không? Tôi muốn nắm lấy hạnh phúc, để biết rằng nó đang tồn tại. Nếu tôi đặc biệt trân trọng nó, gìn giữ nó, hạnh phúc này có bền lâu hơn một chút không?

     Bố làm ăn thất bại, mấy năm nay sống rất vất vả. Năm đó ông nhiều tiền như vậy, bây giờ ăn một bát hoành thánh dầu điều mười mấy đồng cũng tiếc không nỡ bỏ ra.

     Có lẽ tôi nên hận bố, nhưng lúc dẫn tôi đi học đại học, sự luyến tiếc của ông, nước mắt của ông đều là thật. Mỗi lần gọi điện cho tôi, những lời dặn dò đều là thật, mỗi lần gặp mặt, ông không cười chê tôi béo, bảo tôi ăn nhiều một chút, đều là thật lòng. Tết đến về nhà, tôi mắc bệnh phải truyền dịch, ông ở bên không ngừng lo lắng, là thật. Cho dù kinh tế đói kém, ông cũng ngại chủ động nói với tôi, vì sợ tôi tăng thêm gánh nặng, là thật. Sinh nhật tôi, ông gọi điện nói vẫn còn nhớ rõ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, cũng đều là thật.

     Gần đây bố sắp kết hôn. Ông gọi điện cho mẹ, bộc bạch tình cảm, trong lòng ông, tôi đứng thứ nhất, mẹ và ông bà đứng thứ hai. Tôi không biết người đàn bà sắp kết hôn với ông xếp đồng hạng nhất với tôi hay đồng hạng hai cùng mẹ và ông bà. Có lẽ bố tôi không phải ảnh đế, ông chỉ là người thích phân phát tình cảm khắp nơi.

     Người tình đầu tiên của ông, người đàn bà hung hăng mang bồ đến đánh mẹ tôi, tôi vẫn còn chưa có cơ hội báo thù thì bà ta đã mắc bệnh ung thư vú, phải cắt bỏ một bên. Có khi nào trong lúc bơi bị rơi mất một bên không nhỉ?

     The Velvet Underground từng đăng lên Weibo: " Làm gì có chuyện bình thản chịu đựng đau khổ, tôi chỉ đang dùng thời gian người khác tin tưởng vào kỳ tích để tin tưởng báo ứng mà thôi."

    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro