CHƯƠNG 13. Mẹ đẻ của nhu cầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào ngày 3 tháng bảy năm 1908, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật cung điện Minoa thời cổ đại ở Phaistos trên đảo Crete và tình cờ bắt gặp một trong những mẫu vật đặc sắc nhất trong lịch sử công nghệ. Thoạt trông nó chẳng có gì đặc biệt: chỉ là một chiếc đĩa tròn nhỏ, phẳng, không vẽ vời gì, làm bằng đất sét nung kỹ, đường kính 6 inch rưỡi (khoảng 16,5 cm, ND). Song khi quan sát kỹ người ta phát hiện rằng mỗi mặt đĩa đều phủ đầy những chữ viết nằm trên một đường cong xoáy trôn ốc theo chiều kim đồng hồ tạo thành năm vòng từ mép đĩa vào trung tâm đĩa. Tổng cộng có 241 ký hiệu, được phân chia rõ rệt thành vài nhóm ký hiệu (có lẽ là bao gồm những từ), ngăn cách nhau bởi những vạch khắc thẳng đứng. Người viết ắt đã trù tính trước và thực hiện cái đĩa này một cách cẩn trọng, viết lên toàn bộ không gian trống bắt đầu từ mép đĩa, men theo đường xoáy trôn ốc sao cho khi vào đến chính giữa đĩa thì vẫn không thiếu chỗ.

Ngay từ khi được khai quật, chiếc đĩa đã là một bí ẩn đối với các sử gia chuyên về chữ viết. Số lượng ký tự riêng biệt (45) gợi ý rằng đây là một hệ chữ biểu vần chứ không phải hệ chữ cái ghi âm, nhưng người ta vẫn chưa giải mã được nó, và hình dạng các ký hiệu cũng chẳng giống bất cứ hệ chữ viết nào người ta đã gặp. Người ta cũng không hề phát hiện được thêm một mẩu nào của loại chữ lạ này trong suốt 89 năm từ khi phát hiện ra nó. Do vậy vẫn còn chưa rõ liệu đây có phải là chữ viết bản địa của Crete hay là một chữ viết từ nơi khác du nhập đến.

Một mặt chiếc đĩa Phaistos gồm hai mặt.

Đối với các nhà lịch sử công nghệ, chiếc đĩa Phaistos thậm chí còn khó hiểu hơn; niên đại dự đoán là 1.700 năm tr.CN làm nó nghiễm nhiên trở thành văn bản in sớm nhất trên thế giới. Thay vì được khắc bằng tay như tất cả các văn bản bằng chữ viết Kẻ vạch A và Kẻ vạch B, các ký hiệu trên đĩa này được dập lên đất sét mềm (sau đó được nung cứng) bằng những con dấu có khắc nổi các ký hiệu. Rõ ràng là người in đã có một bộ gồm ít nhất 45 con dấu, mỗi con cho một ký hiệu xuất hiện trên đĩa. Chế tác những con dấu đó ắt hẳn đòi hỏi rất nhiều công sức, và chắc chắn người ta làm ra những con dấu đó không phải chỉ để in mỗi một văn bản này. Dù người sử dụng chúng là ai, có lẽ họ đã viết và in nhiều thứ. Với những con dấu đó, chủ nhân chúng có thể sản xuất các bản sao nhanh và gọn hơn nhiều so với nếu phải hì hụi viết từng ký hiệu một vốn dĩ phức tạp của thứ chữ viết này.

Đĩa Phaistos là một bước tiên phong trong kỹ nghệ in. Đến khi loài người nỗ lực phát minh nghề in vào những lần sau, họ cũng khắc các con chữ hay khối chữ in theo cách tương tự, song dùng mực in lên giấy chứ không phải in lên đất sét không dùng mực. Tuy nhiên, mãi 2.500 năm sau người ta mới lại nỗ lực phát minh nghề in ở Trung Hoa còn ở châu Âu Trung cổ thì phải đến tận 3.700 năm sau. Tại sao kỹ thuật chế tác chiếc đĩa này phát triển từ sớm như vậy song lại không được áp dụng rộng rãi ở Hy Lạp hay nơi nào khác ở Địa Trung Hải thời cổ đại? Tại sao phương pháp in đĩa đó đã được phát minh ở Crete vào khoảng 1.700 năm tr.CN chứ không phải vào một thời nào khác ở vùng Lưỡng Hà, Mexico hay bất cứ trung tâm chữ viết cổ đại nào khác? Tại sao phải mất hàng ngàn năm sau người ta mới nảy ra thêm ý tưởng dùng mực và máy để rồi đi đến giải pháp máy in? Vậy nên chiếc đĩa này là một thách thức to lớn cho các nhà sử học. Nếu mọi phát minh đều tương tự như có thể suy ra từ trường hợp chiếc đĩa này - độc nhất vô nhị và bất khả đoán - thì mọi nỗ lực hòng khái quát hóa về lịch sử công nghệ có nguy cơ thất bại ngay từ đầu.

Kỹ thuật, dưới dạng vũ khí và công cụ vận chuyển, là phương tiện trực tiếp nhất để một số dân tộc có thể bành trướng lãnh địa và chinh phục các dân tộc khác. Điều đó khiến cho công nghệ trở thành nguyên nhân chủ đạo trong mẫu hình lớn nhất của lịch sử. Nhưng tại sao chính người Âu-Á chứ không phải người châu Mỹ bản địa hay người châu Phi hạ Sahara là những kẻ đã phát minh ra súng, tàu vượt đại dương và thiết bị bằng thép? Không chỉ những phát minh kể trên mà hầu hết các thành tựu công nghệ quan trọng, từ máy in đến thủy tinh và động cơ hơi nước, tất cả đều có sự khác biệt đó. Tại sao tất cả đều là phát minh của người Âu-Á? Tại sao tất cả người New Guinea và châu Úc bản địa vào năm 1800 đều vẫn đang dùng công cụ bằng đá giống như những công cụ mà Âu-Á và hầu hết châu Phi đã vứt bỏ từ mấy ngàn năm trước, mặc dù một số trữ lượng đồng và sắt dồi dào nhất thế giới nằm ở chính New Guinea và châu Úc? Tất cả các nhân tố đó lý giải vì sao nhiều người không hiểu biết thường vẫn cho rằng người Âu-Á vốn dĩ ưu việt hơn các dân tộc khác về khả năng sáng tạo và trí thông minh.

Mặt khác, nếu như không hề có sự khác biệt nào về sinh học thần kinh giữa các dân tộc để dẫn tới sự khác biệt nói trên giữa các lục địa trong sự phát triển công nghệ, thì cái gì đã dẫn tới sự khác biệt đó? Có một quan điểm khác dựa vào lý thuyết "người hùng phát minh". Theo thuyết đó, tiến bộ công nghệ dường như chỉ là thành quả của một số ít cá nhân, những thiên tài cực kỳ hiếm hoi cỡ Johannes Gutenberg, James Watt, Thomas Edison và anh em nhà Wright. Họ là người châu Âu hoặc hậu duệ của người châu Âu di cư sang châu Mỹ, cũng như Archimedes và các thiên tài hiếm hoi khác vào thời cổ đại. Liệu những thiên tài như vậy cũng có thể sinh ra ở Tasmania hay Namibia không? Phải chăng lịch sử công nghệ không tùy thuộc vào cái gì khác ngoài việc dăm ba thiên tài phát minh tình cờ ra đời ở nơi này chứ không phải ở nơi nọ?

Lại còn một quan điểm khác cho rằng vấn đề không phải ở tài phát minh của một ít cá nhân, mà là khả năng tiếp nhận của toàn bộ xã hội đối với sự đổi mới. Một vài xã hội hình như bảo thủ hết thuốc chữa, chỉ biết nhìn vào bên trong và thù địch với sự thay đổi. Đó là ấn tượng của nhiều người phương Tây từng ra sức giúp các dân tộc Thế giới Thứ ba để rồi thất vọng ê chề. Từng cá nhân một trong dân tộc thì có thể rất ư thông minh; vấn đề là ở xã hội của các dân tộc đó. Nếu không thì làm thế nào lý giải do đâu dân bản địa vùng đông bắc Australia đã không tiếp thu cung tên dù đã nhìn thấy cư dân hải đảo vùng Eo biển Torres (mà họ vẫn hay qua lại buôn bán) sử dụng cung tên? Liệu có thể chỉ là do tất cả các xã hội trên toàn bộ một lục địa đều không có tính tiếp thu [cái mới] cho nên công nghệ ở đó chậm phát triển không? Trong chương này rốt cuộc chúng ta sẽ đề cập đến một vấn đề trung tâm của cuốn sách này: câu hỏi vì sao công nghệ đã hình thành và tiến hóa trên các lục địa với tốc độ khác nhau đến vậy.

Xuất phát điểm để chúng ta thảo luận là quan niệm thường tình vốn vẫn cho rằng "Nhu cầu là mẹ của phát minh". Nghĩa là, người ta cho rằng phát minh sẽ xuất hiện khi một xã hội có những nhu cầu chưa được thỏa mãn: một số công nghệ bị [xã hội đó nói chung] coi là chưa đủ hoặc còn hạn chế. Một số người, vì động cơ tiền bạc hoặc công danh, nhận thức được nhu cầu ấy và cố tìm cách thỏa mãn nó. Một số nhà phát minh rốt cuộc cũng tìm ra một giải pháp ưu việt hơn kỹ thuật hiện có và còn hạn chế kia. Xã hội tiếp nhận giải pháp này nếu nó tương hợp với các giá trị và các công nghệ khác của xã hội ấy.

Chỉ một số rất ít phát minh là phù hợp với quan niệm thường tình "nhu cầu là mẹ của phát minh". Năm 1942, giữa chừng Thế chiến Thứ hai, chính phủ Mỹ lập ra Dự án Manhattan với mục tiêu hiển nhiên là phát minh công nghệ phục vụ cho việc chế tạo bom nguyên tử sớm hơn Đức quốc xã. Dự án đó kéo dài trong ba năm với phí tổn 2 tỉ đô-la (tương đương trên 20 tỉ đô-la ngày nay). Những trường hợp khác gồm phát minh máy tỉa hột bông của Eli Whitney vào năm 1794 để thay cho việc chải bằng tay cây bông vải (trồng ở miền nam Hoa Kỳ) vốn rất ư vất vả, và phát minh động cơ hơi nước của James Watt vào năm 1769 để giải quyết vấn đề bơm nước ra khỏi các mỏ than của nước Anh.

Những ví dụ quen thuộc này dễ khiến ta lầm tưởng rằng mọi phát minh quan trọng khác đều là để đáp ứng những nhu cầu thấy rõ. Trên thực tế, nhiều hoặc thậm chí hầu hết phát minh đều ra đời bởi những người vốn dĩ thích tò mò hoặc tính ưa táy máy, chứ thoạt tiên [xã hội] không hề có nhu cầu về cái sản phẩm họ đang muốn làm ra kia. Một khi thiết bị đã ra đời, nhà phát minh mới phải tìm cách ứng dụng nó. Chỉ sau khi phát minh đã được sử dụng trong một thời gian đáng kể thì người tiêu thụ mới bắt đầu cảm thấy họ "cần" nó. Lại có những thiết bị khác vốn được phát minh để phục vụ mục đích này nhưng rốt cuộc lại được áp dụng vào những mục đích khác mà [nhà phát minh] không sao ngờ trước được. Ta có thể sẽ ngạc nhiên nếu biết được rằng những phát minh ban đầu "chưa biết dùng để làm gì" ấy bao gồm hầu hết những đột phá công nghệ quan trọng của thời hiện đại, từ máy bay và xe hơi cho đến động cơ đốt trong, bóng đèn điện, máy quay đĩa và transistor. Như vậy, phát minh thường là mẹ của nhu cầu, chứ không phải ngược lại.

Một ví dụ hay về việc này là lịch sử chiếc máy quay đĩa của Thomas Edison, phát minh độc đáo nhất của nhà phát minh vĩ đại nhất thời hiện đại. Khi Edison tạo ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên vào năm 1877, ông cho đăng một bài báo trong đó đề xuất mười công dụng khả dĩ cho phát minh của ông. Trong số đó có những công dụng như ghi lại lời trăn trối của người hấp hối, thu sách vào băng cho người mù nghe, báo giờ, dạy chính tả. Việc thu các bản nhạc không nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách của Edison. Mấy năm sau Edison bảo người trợ lý rằng phát minh của ông không có giá trị thương mại. Chỉ mấy năm sau nữa ông đã đổi ý và bước vào nghề kinh doanh bán máy quay đĩa, nhưng là để dùng làm máy đọc ghi trong công sở. Khi các doanh nhân khác chế ra máy nghe nhạc bằng cách thiết kế sao cho máy quay đĩa phát những bản nhạc phổ thông khi người ta nhét vào một đồng bạc, Edison bèn chống đối, cho rằng làm vậy là hạ thấp giá trị phát minh của ông, vốn được làm ra là để sử dụng vào những công việc công sở nghiêm túc. Mãi 20 năm sau Edison mới miễn cưỡng thừa nhận rằng công dụng chính của chiếc máy quay đĩa của ông là thu và phát nhạc.

Xe hơi là một phát minh khác mà công dụng ngày nay thật hiển nhiên. Thế nhưng, người ta đã phát minh ra nó chẳng phải để đáp ứng nhu cầu nào cả. Khi Nikolaus Otto chế ra chiếc động cơ hơi đốt đầu tiên vào năm 1866, ngựa vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu giao thông đường bộ của con người suốt gần 6.000 năm, lại thêm ngày càng được tăng cường bởi đường sắt chạy bằng động cơ hơi nước từ mấy chục năm trước đó. Chẳng hề có khủng hoảng thiếu về ngựa, cũng chẳng phải đường sắt khiến người ta chưa thỏa mãn.

Do động cơ của Otto hãy còn yếu ớt, nặng trịch lại cồng kềnh, cao những 7 bộ (khoảng hơn 2,1 m, ND), nó không hề tỏ ra có ưu thế gì so với ngựa. Mãi đến năm 1885 động cơ mới được cải tiến đến mức Gottfried Daimler tìm cách lắp động cơ lên xe đạp để tạo thành chiếc xe máy hai bánh đầu tiên, và mãi tới năm 1896 ông mới tạo ra chiếc xe tải đầu tiên.

Năm 1905, xe hơi vẫn còn là món đồ chơi đắt tiền, không đáng tin cậy chỉ dành cho người giàu. Đông đảo thiên hạ vẫn hài lòng với ngựa và đường sắt cho mãi đến Thế chiến thứ nhất, khi giới quân sự kết luận rằng quả thật họ cần xe tải. Những vận động ráo riết của giới sản xuất xe tải và quân đội trong những năm hậu chiến rốt cuộc đã thuyết phục được công chúng rằng quả thật họ cần tới phát minh này, nhờ vậy xe tải mới bắt đầu thay thế những cỗ xe ngựa kéo ở các nước công nghiệp hóa. Ngay cả ở những thành phố lớn nhất của Mỹ, sự đổi thay này cũng mất tới 50 năm.

Các nhà phát minh thường phải kiên trì mày mò tìm kiếm suốt một thời gian dài trong khi xã hội không hề cần tới, bởi các mẫu đầu tiên thường hãy còn quá thô sơ nên chưa thể hữu dụng. Những chiếc máy ảnh, máy đánh chữ và tivi đầu tiên trông cũng khiếp đảm như động cơ hơi nước cao 2,1 m của Otto. Điều đó khiến nhà phát minh khó lòng tiên liệu được liệu cái bản mẫu kinh khiếp đó của mình sẽ có bao giờ dùng được vào việc gì đó đặng đền bù cho thì giờ và chi phí bỏ ra phát triển nó không. Hàng năm, Hoa Kỳ cấp khoảng 70.000 bằng phát minh, nhưng chỉ một số ít trong đó cuối cùng tiến đến được giai đoạn sản xuất thương mại. Cứ mỗi phát minh cuối cùng tìm được công dụng nào đó thì lại có vô số phát minh khác không tìm được. Ngay cả những phát minh đáp ứng được nhu cầu mà [nhà phát minh] nhắm tới ban đầu thì về sau có khi nó lại tỏ ra hữu ích hơn khi đáp ứng những nhu cầu mà người ta không thể tiên liệu trước. Tuy James Watt thiết kế động cơ hơi nước để bơm nước ra khỏi các mỏ than, song chẳng bao lâu nó được dùng để cấp điện cho cối xay bông, sau đó làm sức đẩy cho đầu máy xe lửa và tàu thuyền (sinh lãi hơn nhiều).

Như vậy, cái quan niệm thường tình về phát minh (mà chúng ta dùng làm xuất phát điểm trên đây) đã đảo ngược vai trò của phát minh và nhu cầu. Nó cũng cường điệu tầm quan trọng của những thiên tài hiếm hoi như Watt và Edison. Cái lý thuyết "người hùng phát minh" (heroic theory of invention) như người ta thường gọi càng được luật cấp bằng phát minh khích lệ thêm, bởi một ứng viên xin được cấp bằng phải chứng minh rằng phát minh của anh ta là mới mẻ. Vì vậy, nhà phát minh được khuyến khích về tài chính mà đâm ra coi thường hoặc không thèm quan tâm tới những phát minh có trước mình. Xét từ quan điểm của luật gia chuyên cấp bằng sáng chế, phát minh lý tưởng là phát minh nảy sinh không hề có tiền lệ, kiểu như nữ thần Athena mới sinh đã là người lớn nhảy bật ra từ trán thần Zeus vậy.

Trên thực tế, ngay cả với những phát minh nổi tiếng nhất và rõ ràng là mang tính quyết định nhất, đằng sau lời công bố trần trụi "X đã phát minh ra Y" luôn luôn có bóng dáng những bậc tiền bối bị lãng quên. Chẳng hạn, người ta thường bảo chúng ta rằng "James Watt đã phát minh ra động cơ hơi nước vào năm 1769", cho rằng Watt đã tìm ra ý tưởng từ việc quan sát hơi nước bốc lên từ vòi ấm nước. Thật chẳng may là, ngược lại với sự hư cấu đẹp đẽ này, thực ra Watt đã có được ý tưởng về giải pháp động cơ hơi nước của riêng mình trong khi đang sửa chữa một mẫu động cơ hơi nước của Thomas Newcomen mà ông này đã phát minh ra từ 57 năm trước đó cùng hàng ngàn cái đã được sản xuất ở Anh vào thời điểm Watt sửa cái động cơ kia. Đến lượt mình, động cơ của Newcomen lại theo mẫu động cơ hơi nước mà Thomas Savery, một người Anh khác đã phát minh vào năm 1698 và được cấp bằng sáng chế, động cơ của Thomas Savery lại theo mẫu động cơ hơi nước do Denis Papin người Pháp thiết kế (nhưng không chế tạo) vào khoảng năm 1680, mẫu này đến lượt mình lại lấy ý tưởng từ nhà khoa học người Hà Lan Christiaan Huyghens và những người khác. Nói vậy không có nghĩa phủ nhận việc Watt đã cải tiến rất nhiều động cơ của Newcomen (bằng cách đưa vào một bộ ngưng tụ hơi nước riêng biệt và một xylanh tác động kép), cũng như Newcomen đã cải tiến rất nhiều động cơ của Savery.

Tất cả phát minh hiện đại mà người ta có đầy đủ tư liệu cũng đều trải qua một lịch sử tương tự thế. Người hùng mà người ta vẫn coi là nhà phát minh kia thật ra chỉ theo chân các nhà phát minh tiền bối, các tiền bối ấy cũng có mục đích tương tự và từng tạo ra những bản thiết kế tương tự, những mẫu thử nghiệm tương tự, hoặc (trong trường hợp động cơ hơi nước của Newcomen) những mẫu thành công về thương mại. "Phát minh" bóng đèn nổi tiếng của Edison vào đêm 21 tháng Mười năm 1879 là mẫu cải tiến từ nhiều bóng đèn khác đã được cấp bằng sáng chế của nhiều nhà phát minh khác từ năm 1841 đến năm 1878. Tương tự, máy bay có người lái của anh em nhà Wright vốn có tiền thân là tàu lượn có người lái của Otto Lilienthal và máy bay không người lái của Samuel Langley; máy điện tín của Samuel Morse có tiền thân là các mẫu của Joseph Henry, William Cooke và Charles Wheatstone; và máy tỉa hột bông của Eli Whitney dùng để tỉa hột bông thân ngắn (giống bông nội địa) là mẫu cải tiến từ máy tỉa vốn đã được dùng để tỉa hột bông thân dài (giống ở Sea Island) từ hàng ngàn năm nay.

Nói vậy không phải để phủ nhận rằng Watt, Edison, anh em nhà Wright, Morse và Whitney đã thực hiện những cải tiến lớn lao giúp cho phát minh bắt đầu có hoặc có thêm thành công thương mại. Hình thức sau cùng của phát minh được đưa vào ứng dụng hẳn đã khác đi đôi chút nếu không có phần đóng góp của nhà phát minh được thừa nhận. Nhưng câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho mục đích của sách này là: Liệu có phải mẫu hình lớn của lịch sử có thể đã khác đi đáng kể hay chăng nếu một số nhà phát minh thiên tài đã không ra đời tại một nơi nhất định, vào một thời điểm nhất định. Câu trả lời thật rõ ràng: chưa từng bao giờ có người nào như thế cả. Tất cả các nhà phát minh lừng danh được thừa nhận đều có những bậc tiền bối cũng như những kẻ tiếp bước mình, và đã tiến hành cải tiến tại một thời điểm khi xã hội có khả năng sử dụng sản phẩm của họ. Như ta sẽ thấy, bi kịch của "người hùng" từng hoàn thiện những con dấu dùng cho chiếc đĩa Phaistos là ở chỗ: ông hay bà ta đã phát minh ra một thứ mà xã hội đương thời không thể sử dụng trên quy mô lớn.

Các ví dụ của tôi cho đến nay đều lấy từ các công nghệ hiện đại bởi người ta biết rõ lịch sử ra đời của chúng. Hai kết luận chính của tôi là: công nghệ được hình thành một cách lũy tiến chứ không phải là những hành vi đơn độc của các người hùng, và hầu hết các công dụng của một phát minh chỉ xuất hiện sau khi phát minh đã ra đời, chứ không phải phát minh ra đời để đáp ứng một nhu cầu có thể tiên liệu trước. Các kết luận đó nhất định là càng đúng hơn nhiều đối với lịch sử bất thành văn của các công nghệ thời cổ đại. Khi những người săn bắt hái lượm vào Kỷ Băng hà để ý tới cát bị nung và cặn vôi còn lại trong bếp lò của mình, họ không thể tiên liệu trước sự tích lũy lâu dài những phát minh ngẫu nhiên dẫn đến những cánh cửa sổ bằng kính đầu tiên của đế quốc La Mã (khoảng năm thứ 1) thông qua những vật thể đầu tiên có bề mặt tráng men (khoảng 4.000 năm tr.CN), những vật đơn lập bằng thủy tinh đầu tiên của Ai Cập và vùng Lưỡng Hà (khoảng 2.500 năm tr.CN) và những chai lọ bằng thủy tinh đầu tiên (khoảng 1.500 năm tr.CN).

Bản thân những lớp men bề mặt xa xưa nhất đó đã được phát minh như thế nào, chúng ta hoàn toàn chẳng biết tí gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy ra các phương pháp phát minh thời cổ đại đó bằng cách quan sát những dân tộc "sơ khai" về công nghệ ngày nay, chẳng hạn những người New Guinea mà tôi đang cùng làm việc. Trước đây tôi đã nhắc đến việc họ hiểu biết tường tận về hàng trăm loài cây và loài thú địa phương, loài nào ăn được loài nào không, giá trị làm thuốc và những công dụng khác. Tương tự, người New Guinea cũng cho tôi biết về hàng chục loại đá trong môi trường của họ, độ cứng, màu sắc của từng loại, phản ứng của từng loại khi bị ghè hay tước thành từng mảnh, và công dụng của từng loại. Toàn bộ tri thức đó đều có được nhờ quan sát cũng như bằng phương pháp thử và sai. Họ thường xuyên nhặt nhạnh những thứ lạ lẫm trong rừng, táy máy mày mò chúng và tình cờ nhận ra rằng chúng có ích, đáng để mang về nhà. Tôi đã chứng kiến họ làm đúng như vậy khi tôi rời một địa điểm cắm trại và dân địa phương kéo đến bới móc những gì còn lại. Họ vừa nghịch những thứ tôi bỏ lại vừa cố hình dung xem liệu chúng có thể có ích gì trong xã hội New Guinea không. Những vỏ đồ hộp bỏ lại thì dễ: rốt cuộc họ cũng dùng lại chúng để chứa đồ. Những vật khác thì được họ dùng thử vào những việc khác xa với công dụng ban đầu của chúng. Làm sao cây bút chì màu vàng số 2 kia lại có thể trông như một món trang sức xiên qua dái tai hay chân rốn được? Liệu mảnh kính vỡ kia có đủ sắc và khỏe để làm dao không? Thật đến là tài!

Chất liệu thô có trong tay các dân tộc cổ đại là những vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, xương, da thú, sợi, đất sét, cát, vôi và khoáng chất, tất cả đều có vô số loại. Từ các chất liệu đó người ta dần dần học được cách xử lý một số loại đá, gỗ và xương để chế tác thành công cụ; chuyển một số loại đất sét thành đồ gốm và gạch; chuyển một số hỗn hợp giữa cát, vôi và những thứ "bùn" khác thành thủy tinh; và khai thác những kim loại mềm nguyên chất như đồng và vàng, sau đó chiết xuất từ quặng ra kim loại, cuối cùng là khai thác những kim loại nặng như đồng, thiếc và sắt.

Một ví dụ tiêu biểu cho lịch sử phát minh thông qua phương pháp thử và sai là quá trình hình thành thuốc súng và dầu hỏa từ các nguyên liệu thô. Các sản phẩm dễ cháy trong thiên nhiên nhất định là rất dễ nhận ra, chẳng hạn như khi một khúc thân cây có nhựa nổ tung trong một đống lửa. Người Hy Lạp cổ đại đã khám phá ra công dụng của nhiều hỗn hợp khác nhau giữa dầu thô, hắc ín, nhựa cây, lưu huỳnh và vôi lime, ấy là để làm vũ khí gây cháy phóng bằng ná, tên, bom cháy và thuyền. Kỹ thuật chưng cất mà các nhà giả kim Hồi giáo thời trung cổ phát minh ra để sản xuất rượu và nước hoa cũng cho phép họ chưng cất dầu thô thành nhiều phân chất khác nhau, một số trong đó thậm chí là những chất gây cháy còn mạnh hơn nữa. Được dùng trong lựu đạn, tên lửa và ngư lôi, các chất gây cháy này đóng một vai trò trọng yếu giúp người Hồi giáo rốt cuộc đã đánh bại được các Chiến binh Chữ thập. Đến khi đó thì người Trung Hoa đã quan sát thấy có một hỗn hợp nhất định giữa lưu huỳnh, than cốc và nitrat kali - về sau được gọi là thuốc súng - có sức nổ đặc biệt mạnh. Một chuyên luận về hóa học của người Hồi giáo vào khoảng năm 1100 mô tả bảy công thức thuốc súng, còn một chuyên luận vào khoảng năm 1280 cung cấp trên 70 công thức vốn đã tỏ ra thích hợp cho nhiều mục đích khác nhau (một công thức cho tên lửa, một công thức khác cho đại bác).

Còn về [kỹ thuật] chưng cất dầu thô sau thời trung cổ, các nhà hóa học thế kỷ XIX đã tìm được sản phẩm chưng cất dùng làm nhiên liệu đốt đèn dầu. Các nhà hóa học đã loại bỏ phân chất dễ bay hơi nhất (khí đốt) như một thứ phế phẩm không may, cho đến khi người ta lại nhận ra rằng khí đốt là một nhiên liệu lý tưởng cho động cơ đốt trong. Ngày nay ai còn nhớ rằng khí đốt, nhiên liệu của nền văn minh hiện đại, đã có lúc là một phát minh mà người ta chẳng biết dùng để làm gì?

Khi nhà phát minh đã khám phá ra một công dụng cho một công nghệ mới, thì bước kế tiếp là thuyết phục xã hội áp dụng phát minh đó. Chỉ đơn thuần có một thiết bị lớn hơn, nhanh hơn và mạnh hơn để làm một việc gì đó thì chưa đủ để bảo đảm rằng xã hội sẽ sẵn sàng chấp nhận. Vô số những công nghệ như vậy hoặc hoàn toàn không được áp dụng hoặc chỉ được áp dụng sau một thời gian dài bị xã hội từ chối. Những ví dụ khét tiếng về các trường hợp này là khi Quốc hội Hoa Kỳ từ chối cấp ngân sách để phát triển giao thông bằng máy bay siêu âm vào năm 1971, cả thế giới mãi vẫn không chịu áp dụng một bàn phím đánh chữ được thiết kế sao cho hiệu quả nhất, và nước Anh suốt một thời gian dài vẫn chỉ áp dụng đèn điện một cách miễn cưỡng. Thế thì cái gì là nhân tố đẩy nhanh việc xã hội chấp nhận một phát minh?

Ta hãy bắt đầu bằng việc so sánh sự tiếp nhận những phát minh khác nhau trong cùng một xã hội. Hóa ra, có ít nhất bốn nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp nhận này.

Nhân tố đầu tiên và hiển nhiên nhất là: công nghệ mới phải có ưu thế tương đối về kinh tế so với công nghệ hiện có. Bánh xe rất có ích trong các xã hội công nghiệp hiện đại nhưng ở một số xã hội khác ngày xưa thì lại chẳng có ích cho lắm. Người châu Mỹ bản địa cổ đại đã phát minh ra những chiếc xe có bánh và trục, nhưng chỉ dùng làm đồ chơi chứ không dùng làm phương tiện vận chuyển. Điều đó nghe thật khó tin, nhưng nếu nhớ lại rằng người Mexico thiếu những loài gia súc thích hợp để kéo xe có bánh thì ta sẽ chẳng ngạc nhiên rằng [ở đấy vào thời ấy] bánh xe chẳng có ưu thế gì so với phu khuân vác.

Nhân tố thứ hai cần xét là giá trị và uy thế của công nghệ mới, những cái vốn có thể lấn lướt tính lợi ích (hay sự thiếu lợi ích) về kinh tế. Ngày nay hàng triệu người mua những chiếc quần jean hàng hiệu với giá gấp đôi so với quần jean thường vốn cũng bền chẳng kém, đơn giản vì dấu ấn xã hội của thương hiệu nhà thiết kế là đáng giá hơn nhiều so với số tiền người ta phải bỏ ra thêm. Tương tự, Nhật Bản tiếp tục sử dụng hệ chữ viết kanji cực kỳ rắc rối chứ không chịu thay bằng những bảng chữ cái hữu hiệu hơn hoặc hệ chữ biểu vần của chính họ vốn cũng hữu hiệu không kém, đơn giản vì cái uy thế gắn liền với chữ kanji là quá lớn.

Còn một nhân tố nữa là công nghệ mới phải thích ứng với một số giới có những lợi ích riêng, Cuốn sách này, cũng như hầu hết các ấn bản khác mà bạn từng đọc, được gõ bằng bàn phím QWERTY - tên của bàn phím này được đặt theo sáu phím ngoài cùng của hàng phím chữ trên cùng. Nghe thì thật khó tin, nhưng bố cục bàn phím này được thiết kế rất ư là phản công nghệ vào năm 1873. Nó sử dụng cả một loạt những mánh khóe tai ác để buộc máy đánh chữ phải gõ càng chậm càng tốt, chẳng hạn như phân tán những chữ cái thường dùng nhất ra khắp các hàng chữ và tập trung chúng vào bên trái (trong khi những người đánh máy đa phần thuận tay phải nên tay trái yếu hơn). Nguyên nhân đằng sau tất cả những đặc tính thoạt nghe có vẻ phản kỹ thuật này là máy đánh chữ vào năm 1873 thường bị hóc nếu các phím gần nhau được nhấn nhanh liên tiếp, vì vậy nhà sản xuất phải tìm cách nào đó để kìm bớt tốc độ gõ. Khi những cải tiến kỹ thuật đối với máy đánh chữ đã loại trừ được vấn đề hóc phím, các thử nghiệm vào năm 1932 chứng minh rằng nếu bàn phím được bố trí lại một cách hiệu quả hơn thì sẽ giúp tăng gấp đôi tốc độ gõ và người gõ sẽ đỡ mất sức đến 95%. Thế nhưng, đến khi đó bàn phím QWERTY đã quá ăn sâu bén rễ. Trong suốt hơn sáu chục năm trời, nhóm có lợi ích riêng [gắn với việc dùng công nghệ cũ, ND] gồm hàng trăm triệu người đánh máy, thầy dạy đánh máy, máy đánh chữ, nhân viên bán máy và nhà sản xuất máy đã [cùng nhau] bóp chết mọi vận động nhằm đến tính hiệu quả của bàn phím.

Tuy câu chuyện bàn phím QWERTY nghe có vẻ nực cười, song nhiều trường hợp tương tự đã kéo theo những hậu quả nặng nề hơn nhiều về kinh tế. Tại sao Nhật Bản ngày nay thống trị thị trường thế giới về các sản phẩm điện tử tiêu dùng sử dụng transistor đến độ làm phương hại đến cán cân thanh toán của Hoa Kỳ với Nhật Bản, cho dù transistor là do người Mỹ phát minh ra và được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ? Ấy là do hãng Sony đã mua bản quyền sử dụng transistor từ công ty Western Electric vào thời điểm ngành điện tử tiêu dùng của Hoa Kỳ vẫn đang sản xuất các mẫu ống chân không và rất miễn cưỡng trong việc cạnh tranh với sản phẩm của chính mình. Tại sao các thành phố của Anh vẫn sử dụng đèn đường bằng khí đốt cho mãi tới thập niên 1920, mãi lâu sau khi Hoa Kỳ và Đức đã chuyển sang đèn đường dùng điện? Ấy là bởi chính quyền các thành phố ở Anh đã đầu tư quá nhiều vào ngành chiếu sáng bằng khí đốt và đã áp đặt những quy định nhằm gây trở ngại cho các công ty chiếu sáng bằng điện muốn cạnh tranh.

Nhân tố còn lại để xã hội có chấp nhận công nghệ mới hay không là liệu người ta có dễ mục sở thị những ưu việt của công nghệ mới đó hay không. Vào năm 1340, khi vũ khí phóng hỏa hãy còn xa lạ với hầu hết châu Âu, bá tước vùng Derby và bá tước vùng Salisbury của nước Anh đã tình cờ có mặt ở Tây Ban Nha tại trận chiến Tarifa nơi người Arập dùng đại bác để chống lại người Tây Ban Nha. Những gì các vị bá tước nhìn thấy đã gây ấn tượng cho họ, thế là họ giới thiệu súng đại bác với quân đội Anh. Quân đội Anh hồ hởi tiếp thu vũ khí mới và sáu năm sau đã có thể dùng đại bác để chống lại binh lính Pháp trong trận Crécy.

Như vậy, bánh xe, quần jeans hàng hiệu và bàn phím QWERTY minh họa cho những lý do khiến vì sao cùng một xã hội lại không chấp nhận một cách dễ dàng như nhau tất cả các phát minh. Ngược lại, sự tiếp nhận cùng một phát minh cũng lại rất khác nhau tùy theo từng xã hội cùng thời đại. Tất cả chúng ta đều quen với lối nhận định chung chung rằng các xã hội nặng về nông nghiệp ở Thế giới thứ ba có khả năng tiếp thu cái mới kém hơn so với các xã hội công nghiệp hóa theo kiểu phương Tây. Thế nhưng, ngay giữa các xã hội công nghiệp hóa như nhau, một số khu vực cũng dễ dàng tiếp thu cái mới hơn nhiều so với những khu vực khác. Những khác biệt đó, nếu tồn tại trên phạm vi lục địa, có thể cho ta hiểu tại sao công nghệ đã phát triển nhanh hơn ở vài châu lục này so với ở các châu lục khác. Chẳng hạn, nếu như tất cả các xã hội châu Úc bản địa vì lý do nào đó đều cưỡng lại sự đổi mới như nhau, đó có thể là lý do khiến họ vẫn tiếp tục dùng công cụ bằng đá sau khi công cụ bằng kim loại đã xuất hiện trên tất cả các châu lục khác. Tại sao lại có sự khác biệt đó trong khả năng tiếp nhận cái mới giữa các xã hội?

Các sử gia về lịch sử công nghệ đã đề xuất một danh mục gồm ít nhất 14 nhân tố hầu lý giải cho điều đó. Một nhân tố trong đó là tuổi thọ [của con người]. Về lý thuyết, tuổi thọ cao có thể giúp các nhà phát minh tiềm năng có đủ số năm cần thiết để tích lũy tri thức về công nghệ, cũng như có đủ lòng kiên trì và sự bảo đảm cần thiết để dấn thân vào những chương trình nghiên cứu lâu dài mà thành quả nếu có chăng cũng đến muộn màng. Do đó, tuổi thọ trung bình được nâng cao đáng kể nhờ y học hiện đại hẳn đã góp phần đẩy nhanh tốc độ của các phát minh trong những thời kỳ gần đây.

Năm nhân tố tiếp theo là nền kinh tế hay cơ cấu tổ chức của xã hội: (1) Người ta cho rằng lao động nô lệ rẻ tiền vào thời cổ đại đã là nhân tố kìm hãm phát minh vào thời đó, trong khi lương cao hoặc sự khan hiếm lao động ngày nay lại kích thích việc tìm kiếm những giải pháp công nghệ. Chẳng hạn, khi chính sách nhập cư thay đổi đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp nhân công thời vụ rẻ tiền cho các đồn điền ở California, đó đã là nguyên nhân trực tiếp kích thích sự phát triển một giống cà chua có thể thu hoạch bằng máy ở bang này. (2) Bằng sáng chế và nhiều luật khác, với vai trò bảo vệ quyền sở hữu của nhà phát minh, có vai trò khích lệ sự đổi mới ở phương Tây hiện đại, trong khi tình trạng thiếu những cơ chế bảo vệ như vậy làm thui chột sự đổi mới ở Trung Quốc. (3) Các xã hội công nghiệp hiện đại cung cấp những cơ hội to lớn cho đào tạo về kỹ thuật, điều mà xã hội Hồi giáo thời trung cổ từng không có và nước Zaire ngày nay không có. (4) Chủ nghĩa tư bản hiện đại được tổ chức sao cho đầu tư vốn vào phát triển công nghệ thì có khả năng sinh lãi, trong khi xã hội La Mã cổ đại thì không. (5) Chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ của xã hội Hoa Kỳ cho phép những nhà phát minh thành công giữ khoản thu nhập cho riêng mình, trong khi những quan hệ gia đình bền chặt ở xã hội New Guinea khiến cho bất cứ ai hễ bắt đầu kiếm ra tiền là y như rằng phải cưu mang giúp đỡ hàng tá họ hàng đánh hơi được mà kéo đến.

Bốn nhân tố khác theo họ là những nhân tố mang tính ý thức chứ không phải kinh tế hay cơ cấu xã hội: (1) Hành vi chấp nhận rủi ro, điều có tầm quan trọng thiết yếu trong nỗ lực cách tân, có tính phổ biến hơn ở một số xã hội nào đó so với những xã hội khác. (2) Quan điểm mang tính khoa học là một đặc tính có một không hai của xã hội châu Âu thời hậu Phục hưng, góp phần to lớn vào sự vượt trội về công nghệ của châu lục này trong thời hiện đại. (3) Sự khoan dung đối với những quan điểm khác và những kẻ "dị giáo" tạo điều kiện cho đổi mới, trong khi một quan điểm đặt nặng vào truyền thống (chẳng hạn như nhất nhất cái gì cũng theo sách vở thánh hiền ở Trung Hoa) thì bóp nghẹt đổi mới. (4) Các tôn giáo có thái độ rất khác nhau đối với đổi mới công nghệ: một vài chi phái của đạo Do Thái và đạo Thiên chúa được cho là đặc biệt tương thích với đổi mới công nghệ, trong khi một số chi phái của Hồi giáo, Ấn độ giáo và Bà la môn giáo có thể là đặc biệt bất tương thích với nó.

Cả mười giả thuyết nói trên đều hợp lý. Song chẳng một giả thuyết nào trong số đó nhất thiết gắn liền với yếu tố địa lý. Nếu bằng sáng chế, chủ nghĩa tư bản và một số tôn giáo nào đó quả thật tạo điều kiện cho công nghệ, thì do đâu những nhân tố đó tồn tại ở châu Âu hậu kỳ Trung cổ chứ không phải ở Trung Hoa hay Ấn Độ cùng thời?

Ít nhất thì chiều hướng ảnh hưởng của mười nhân tố đó đối với công nghệ dường như khá rõ. Bốn nhân tố được đề xuất còn lại - chiến tranh, chính phủ tập trung hóa, khí hậu và nguồn tài nguyên - hình như lại tác động một cách không nhất quán: có khi chúng kích thích công nghệ, có khi chúng lại ngăn cấm nó. (1) Trong suốt lịch sử, chiến tranh thường là một nhân tố kích thích sự cách tân công nghệ. Chẳng hạn, những khoản đầu tư kếch sù vào vũ khí hạt nhân trong Thế chiến Thứ hai và vào máy bay, xe tải trong Thế chiến Thứ nhất đã khai sinh hẳn những ngành mới trong công nghệ. Nhưng chiến tranh cũng có thể gây nên sự kìm hãm tai hại đối với sự phát triển công nghệ. (2) Chính phủ tập trung hóa đã làm đẩy mạnh công nghệ ở Đức và Nhật vào cuối thế kỷ XIX, nhưng cũng đã bóp chết công nghệ ở Trung Hoa sau năm 1500. (3) Nhiều người Bắc Âu cho rằng công nghệ thường hưng khởi ở nơi khí hậu khắc nghiệt khiến cho nếu thiếu công nghệ thì không thể sống còn, trong khi ở những nơi khí hậu ôn hòa, không phải lo chuyện mặc ấm và chuối cứ chín cây là rụng thì công nghệ ít có cơ phát triển. Một quan điểm ngược lại thì cho rằng môi trường khí hậu ôn hòa giúp người ta không phải thường xuyên vật lộn để sinh tồn nhờ vậy có thể tự do hiến mình cho những tìm tòi đổi mới. (4) Người ta cũng từng tranh luận xem liệu công nghệ được phát triển là nhờ sự dồi dào hay nhờ sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Nguồn tài nguyên phong phú có thể kích thích sự phát triển những phát minh sử dụng những tài nguyên đó, như kỹ thuật xay bằng sức nước ở các nước Bắc Âu nhiều mưa và có nhiều sông - nhưng tại sao kỹ thuật xay bằng sức nước đã không phát triển nhanh hơn ở New Guinea vốn còn nhiều mưa hơn nữa? Việc những cánh rừng nước Anh bị hủy diệt được cho là nguyên nhân khiến đất nước này dẫn đầu về phát triển công nghệ than, nhưng tại sao việc phá rừng lại không có cùng một hệ quả như vậy ở Trung Quốc?

Nói thế cũng chưa phải đã hết danh sách những nguyên nhân người ta đưa ra hòng giải thích tại sao xã hội này khác xã hội khác ở khả năng tiếp thu công nghệ mới. Còn tệ hơn thế, tất cả những cách giải thích trực tiếp kia đều bỏ qua những nhân tố sâu xa nhất ẩn đằng sau chúng. Điều này thoạt nhìn có vẻ như là một trở ngại đáng nản lòng cho nỗ lực của chúng ta nhằm thấu hiểu tiến trình lịch sử, bởi vì công nghệ chắc chắn là một trong những lực quan trọng nhất của lịch sử. Tuy nhiên, sau đây tôi sẽ biện luận rằng, thật ra, sự đa dạng của các nhân tố độc lập ẩn sau sự đổi mới công nghệ sẽ giúp ta thấu hiểu mẫu hình lớn của lịch sử một cách dễ dàng hơn, chứ không phải khó khăn hơn.

Vì mục đích của sách này, câu hỏi then chốt về danh sách các nhân tố này là: liệu có phải những nhân tố đó khác biệt nhau một cách có hệ thống từ châu lục này sang châu lục khác và qua đó dẫn đến những khác biệt giữa các châu lục trong sự phát triển công nghệ hay không. Hầu hết dân "ngoại đạo" và nhiều sử gia vẫn công khai hoặc ngấm ngầm cho rằng câu trả lời là có. Chẳng hạn, nhiều người vẫn tin rằng người châu Úc bản địa, với tư cách một quần thể, có chung những đặc tính về ý thức khiến cho họ lạc hậu về công nghệ: họ đã từng (hoặc vẫn đang) bị coi là những kẻ bảo thủ, luôn sống trong một Thời đại Trong mơ thuần túy tưởng tượng về quá khứ khai thiên lập địa, chứ không chịu tập trung vào những phương cách thực tế hầu cải thiện hiện tại. Một sử gia hàng đầu về châu Phi mô tả đặc tính của người châu Phi là hướng nội và thiếu động lực bành trướng ra bên ngoài như ở người châu Âu.

Song tất cả các tuyên bố ấy đều chỉ dựa trên suy đoán thuần túy. Chưa hề có một công trình nghiên cứu nào về nhiều xã hội dưới cùng những điều kiện kinh tế-xã hội tương tự nhau trên từng hai châu lục, trình bày những khác biệt có hệ thống về ý thức giữa các dân tộc trên hai châu lục. Thay vào đó, người ta thường đưa ra lập luận sau: bởi có sự khác biệt về công nghệ cho nên, suy ra, cũng phải có sự khác biệt tương ứng về ý thức.

Trên thực tế, tôi thường xuyên quan sát được ở New Guinea rằng các xã hội bản địa tại đó khác nhau rất lớn về quan điểm. Cũng như châu Âu và châu Mỹ công nghiệp hóa, New Guinea truyền thống có những xã hội bảo thủ không chịu tiếp nhận cái mới, song các xã hội này sống ngay bên cạnh những xã hội cách tân biết tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc. Kết quả là, cùng với sự xuất hiện công nghệ của phương Tây, những xã hội dám chấp nhận rủi ro hơn giờ đây đang vận dụng công nghệ phương Tây nhằm áp đảo những người láng giềng bảo thủ của mình.

Chẳng hạn, khi người châu Âu đặt chân đến vùng cao nguyên phía đông New Guinea lần đầu tiên vào thập niên 1930, họ "phát hiện" ra hàng tá bộ lạc từ thời Đồ đá mà từ xưa đến nay chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới văn minh. Trong các bộ lạc đó, bộ lạc Chimbu tỏ ra đặc biệt xông xáo trong việc tiếp thu công nghệ phương Tây. Khi người Chimbu thấy những người định cư da trắng trồng cây cà phê, họ cũng bắt đầu tự trồng cà phê để thu hoa lợi. Vào năm 1964 tôi gặp một người Chimbu 50 tuổi không biết đọc, mặc áo truyền thống dệt bằng sợi cỏ, sinh ra trong một xã hội vẫn còn dùng công cụ bằng đá, nhưng đã làm giàu được nhờ trồng cà phê, dùng lãi thu được để tậu một nhà máy xay với giá 100.000 đô la tiền mặt, lại mua một đội xe tải đặng chở cà phê và gỗ của mình đến thị trường. Ngược lại, người Daribi mà tôi từng cùng làm việc trong suốt tám năm, một bộ lạc vùng cao láng giềng của người Chimbu, lại đặc biệt bảo thủ và không quan tâm đến công nghệ mới. Khi chiếc trực thăng đầu tiên hạ cánh xuống khu vực của người Daribi, họ chỉ ngó qua rồi lại ai làm việc nấy; trong khi giá là người Chimbu thì hẳn đã xúm lại trả giá để thuê chiếc máy bay rồi. Hệ quả là người Chimbu hiện nay đang chiếm lĩnh dần khu vực của người Daribi, biến nó thành những đồn điền, còn người Daribi thì trở thành kẻ làm thuê cho họ.

Trên mọi châu lục khác cũng vậy, một số xã hội bản địa tỏ ra rất tích cực tiếp thu những phương pháp và công nghệ của nước ngoài một cách có chọn lọc và tích hợp chúng thành công vào xã hội của mình. Ở Nigeria, dân tộc Ibo trở thành những kẻ tiên phong đổi mới, tương tự như người Chimbu ở New Guinea. Ngày nay, bộ lạc châu Mỹ bản địa đông dân nhất ở Hoa Kỳ là người Navajo. Khi người châu Âu đặt chân đến, người Navajo chỉ là một trong số hàng trăm bộ lạc. Nhưng người Navajo đã tỏ ra đặc biệt linh hoạt và có khả năng tiếp thu sự đổi mới một cách có chọn lọc. Họ áp dụng thuốc nhuộm của phương Tây vào vải dệt của mình, họ trở thành thợ bạc và nhà chăn nuôi gia súc, và ngày nay họ lái xe tải trong khi vẫn tiếp tục sinh sống trong những căn nhà truyền thống.

Trong số những người châu Úc bản địa vốn vẫn bị coi là bảo thủ cũng vậy, có những xã hội cởi mở bên cạnh những xã hội bảo thủ. Ở một thái cực, người Tasmania vẫn tiếp tục dùng những công cụ đá vốn đã biến mất từ hàng vạn năm trước ở châu Âu và ngay ở hầu hết châu Úc cũng đã bị thay thế bằng những công cụ khác. Ở cực đối lập, một số nhóm người bản địa chuyên câu cá ở vùng đông nam Australia phát minh ra những công nghệ tinh vi để kiểm soát số lượng đàn cá, trong đó có đào kênh, xây đập và bẫy đứng.

Như vậy, việc phát triển và tiếp thu những phát minh thay đổi rất lớn từ xã hội này sang xã hội khác trên cùng một châu lục. Thậm chí trong cùng một xã hội, việc đó cũng thay đổi rất nhiều theo thời gian. Ngày nay, các xã hội Hồi giáo ở vùng Trung Đông khá là bảo thủ và không đứng đầu về công nghệ. Thế nhưng Hồi giáo thời trung đại cũng ở chính khu vực đó lại là một xã hội tiên tiến về công nghệ và cởi mở với cách tân. Xã hội đó từng có tỷ lệ biết chữ cao hơn nhiều so với châu Âu cùng thời; nó đã tích hợp được di sản văn minh cổ đại Hy Lạp đến mức nhiều trước tác kinh điển của Hy Lạp chỉ đến được với chúng ta ngày nay qua bản dịch tiếng Arập; nó đã đạt được tiến bộ to lớn trong lĩnh vực luyện kim, cơ khí, hóa học và các phương pháp tưới tiêu; nó đã tiếp thu giấy và thuốc súng từ Trung Hoa đặng truyền bá sang châu Âu. Vào thời Trung cổ, dòng chảy công nghệ chủ yếu là từ thế giới Hồi giáo sang châu Âu chứ không phải từ châu Âu sang thế giới Hồi giáo như ngày nay. Chỉ khoảng sau năm 1.500 hướng của dòng chảy đó mới bắt đầu quay ngược lại.

Sự cách tân ở Trung Hoa cũng biến thiên đáng kể theo thời gian. Cho đến khoảng năm 1450, Trung Hoa vẫn cách tân và tiên tiến hơn châu Âu rất nhiều về công nghệ, thậm chí còn hơn cả thế giới Hồi giáo trung đại. Danh sách dài những phát minh của Trung Hoa bao gồm cửa van khóa kênh, gang, kỹ thuật khoan sâu, yên cương, thuốc súng, diều, la bàn, chữ in rời, giấy, đồ sứ, nghề in (chỉ loại trừ chiếc đĩa Phaistos), bánh lái đuôi tàu và xe cút kít. Nhưng rồi Trung Hoa lại thôi không cách tân nữa vì những nguyên nhân mà chúng ta sẽ đề cập tới ở Phần kết. Ngược lại, chúng ta vẫn quen nghĩ về các xã hội Tây Âu và Bắc Mỹ (vốn bắt nguồn từ Tây Âu mà ra) như những xã hội dẫn đầu thế giới hiện đại về cách tân công nghệ, thế nhưng, mãi đến cuối thời Trung đại, công nghệ ở châu Âu vẫn còn kém phát triển hơn nhiều so với bất cứ khu vực "văn minh" nào khác ở Cựu Thế giới.

Như vậy, thật không đúng nếu bảo rằng có những lục địa gồm toàn những xã hội có khuynh hướng cách tân và có những xã hội mà các xã hội ở đó có khuynh hướng bảo thủ. Ở châu lục nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, luôn luôn có những xã hội cách tân và cũng có những xã hội bảo thủ. Ngoài ra, mức độ cởi mở với cách tân cũng thay đổi theo thời gian trong cùng một khu vực.

Ngẫm kỹ sẽ thấy, những kết luận trên chính là những gì ta chờ đợi nếu như tính cởi mở đối với đổi mới của một xã hội được quy định bởi nhiều nhân tố độc lập. Nếu không thấu hiểu tường tận tất cả các nhân tố đó thì ta không thể tiên đoán trước [liệu xã hội này hay xã hội kia] sẽ cởi mở hay không đối với cách tân. Chính vì vậy các nhà xã hội học vẫn không thôi tranh cãi xem vì những nguyên nhân cụ thể nào mà tính cởi mở lại thay đổi [theo thời gian] ở thế giới Hồi giáo, Trung Hoa và châu Âu, và tại sao người Chimbu, Ibo và Navajo lại cởi mở với cái mới hơn so với những láng giềng của họ. Tuy nhiên, đối với người nghiên cứu mẫu hình lớn của lịch sử, dù những nguyên nhân cụ thể đó trong từng trường hợp kể trên là gì đi nữa thì cũng chẳng quan trọng lắm. Thật nghịch lý rằng, tuy có vô số nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến tính cách tân [của một xã hội] nhưng chính điều đó lại khiến cho nhiệm vụ của sử gia trở nên dễ dàng hơn: họ chỉ cần đảo ngược biến tố xã hội của tính cách tân cho nó trở thành một biến tố mà về cơ bản là ngẫu nhiên. Có nghĩa là, trên một khu vực rộng lớn cỡ bằng một lục địa, vào một thời điểm nhất định luôn có một tỉ lệ nào đó những xã hội mang xu hướng cách tân.

Những cách tân đó, thật ra chúng từ đâu đến? Đối với hầu hết các xã hội - ngoại trừ một số ít xã hội trong quá khứ vốn hoàn toàn bị cô lập - nhiều hoặc hầu hết các công nghệ mới không được phát minh tại chỗ mà đều được vay mượn từ những xã hội khác. Tầm quan trọng tương đối của việc phát minh tại chỗ hay phát minh vay mượn tùy thuộc chủ yếu vào hai nhân tố: việc phát minh ra công nghệ đó có dễ hay không, và xã hội này có nằm gần những xã hội khác hay không.

Một số phát minh nảy sinh đơn giản từ việc xử lý các nguyên vật liệu tự nhiên. Các phát minh đó ra đời trong nhiều trường hợp độc lập với nhau trong lịch sử thế giới, tại những nơi khác nhau và vào nhiều thời điểm khác nhau. Một ví dụ mà chúng ta đã đề cập khá dài là sự thuần hóa cây trồng, vốn có ít nhất là chín nguồn phát nguyên độc lập. Một ví dụ khác là đồ gốm, vốn có thể đã ra đời từ việc quan sát hành trạng của đất sét, một chất liệu tự nhiên rất phổ biến, khi được phơi khô hoặc được nung. Đồ gốm xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng 14.000 năm trước, ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và Trung Hoa vào khoảng 10.000 năm trước, sau đó là ở vùng Amazonia, vùng Sahel của châu Phi, vùng đông nam Hoa Kỳ và Mexico.

Về những phát minh khó khăn hơn thế nhiều thì ví dụ tiêu biểu là chữ viết, bởi người ta không thể quan sát ở bất cứ chất liệu tự nhiên nào để nảy ra nó cả. Như ta đã thấy ở Chương 12, chữ viết chỉ có một ít nguồn phát nguyên độc lập, và bảng chữ cái hình như chỉ phát sinh một lần duy nhất trong lịch sử thế giới. Những phát minh nhọc nhằn khác gồm có bánh xe chạy bằng nước, cối quay tay, cơ cấu bánh răng, la bàn nam châm, cối xay gió và phòng tối, tất cả đều chỉ được phát minh một hoặc hai lần ở Cựu Thế giới và không hề được phát minh ở Tân Thế giới.

Những phát minh phức tạp đó thường có được nhờ vay mượn, bởi chúng bành trướng nhanh hơn so với được phát minh tại chỗ. Một ví dụ rõ ràng là bánh xe, mà bằng chứng xưa nhất được kiểm chứng là vào khoảng 3.400 năm tr.CN gần Biển Đen, sau đó chỉ trong vòng vài thế kỷ đã lan ra hầu hết châu Âu và châu Á. Tất cả các bánh xe ở Cựu Thế giới thời kỳ đầu đó đều có một thiết kế kỳ dị: một vòng tròn gỗ đặc ruột gồm ba phiến được lắp vào nhau chứ không phải một vành có nan hoa. Ngược lại, những bánh xe duy nhất của các xã hội châu Mỹ bản địa (được minh họa trên những đồ gốm của Mexico) chỉ gồm một mảnh duy nhất, cho thấy bánh xe châu Mỹ là một phát minh độc lập so với bánh xe của Cựu Thế giới - người ta có thể suy ra điều đó từ một bằng chứng khác là sự tách biệt của các nền văn minh Tân Thế giới so với các nền văn minh Cựu Thế giới.

Chẳng ai lại nghĩ rằng cùng một kiểu bánh xe kỳ khôi đó của Cựu Thế giới đã tình cờ xuất hiện nhiều lần ở nhiều vùng khác nhau của Cựu Thế giới mỗi lần cách nhau vài thế kỷ, sau suốt 7 triệu năm loài người không biết đến bánh xe. Thay vào đó, nhất định là chỉ nhờ tiện dụng mà bánh xe đã dễ dàng bành trướng từ nguồn phát nguyên duy nhất sang cả đông lẫn tây khắp cả Cựu Thế giới. Những công nghệ phức tạp khác từng phát tán từ một nguồn phát nguyên duy nhất ở Tây Á ra cả đông lẫn tây ở Cựu Thế giới thời cổ đại thì tiêu biểu gồm có khóa cửa, ròng rọc, cối quay tay, máy xay dùng hơi nước và bảng chữ cái. Ở Tân Thế giới thì ví dụ tiêu biểu cho sự bành trướng công nghệ là nghề luyện kim, vốn đã phát tán từ vùng Andes ngang qua Panama đến Trung Mỹ.

Khi một phát minh hữu ích đã ra đời ở một xã hội, nó có xu hướng bành trướng ra ngoài theo hai cách. Một là các xã hội khác nhìn thấy hoặc được biết về phát minh đó, cởi mở đón nhận và tiếp thu nó. Cách thứ hai là những xã hội nào chưa có phát minh đó sẽ nhận thấy mình lâm vào thế bất lợi khi đối diện với xã hội đã phát minh ra nó, thế rồi họ sẽ bị áp đảo và bị giành chỗ nếu sự bất lợi đó đủ lớn. Một ví dụ đơn giản là sự bành trướng của súng hỏa mai giữa các bộ lạc Maori ở New Zealand. Một bộ lạc Maori, người Ngapuhi, tiếp thu súng hỏa mai từ các nhà buôn châu Âu vào khoảng năm 1818. Trong vòng 15 năm sau đó, New Zealand rung chuyển vì cái gọi là Cuộc chiến Súng hỏa mai, khi các bộ lạc chưa có súng hỏa mai phải lo tìm cách trang bị súng hỏa mai nếu không thì bị các bộ lạc đã trang bị súng hỏa mai khuất phục. Hậu quả là, đến năm 1833 công nghệ súng hỏa mai đã bành trướng ra toàn bộ New Zealand: bất cứ bộ lạc Maori nào còn sống sót cho tới khi đó đều có súng hỏa mai.

Khi các xã hội tiếp thu một công nghệ mới từ xã hội đã phát minh ra nó, sự phát tán có thể diễn ra dưới nhiều bối cảnh khác nhau. Có thể là buôn bán hòa bình (như sự phát tán transistor từ Hoa Kỳ sang Nhật Bản vào năm 1954), gián điệp (việc đưa lậu con tằm từ Đông Nam Á sang Trung Đông vào năm 552), di cư (sự bành trướng của nghề thủy tinh và kỹ thuật sản xuất vải của Pháp ra khắp châu Âu bởi 200.000 người Huguenot bị trục xuất khỏi Pháp vào năm 1685), và chiến tranh. Một ví dụ quan trọng về trường hợp cuối cùng là việc đưa kỹ nghệ làm giấy của Trung Hoa sang thế giới Hồi giáo chỉ xảy ra khi quân đội Arập đánh bại quân đội Trung Hoa tại trận đánh trên sông Talas ở Trung Á vào năm 751 và bắt gặp một số thợ làm giấy trong số tù binh đối phương, bèn đưa họ về Samarkand để thiết lập ngành sản xuất giấy.

Ở Chương 12 ta đã thấy, sự phát tán [các thành tựu] văn hóa có thể diễn ra hoặc dưới dạng "bản gốc chi tiết" hoặc chỉ là dưới dạng những ý tưởng mơ hồ có tác dụng kích thích (còn các chi tiết thì người ta phải phát minh lại từ đầu). Chương 12 đã minh họa hai cách phát tán khác nhau đó trong trường hợp chữ viết, song cũng có thể áp dụng cho trường hợp phát tán công nghệ. Đoạn trên đây đã cho ví dụ về trường hợp sao chép từ bản gốc, trong khi việc chuyển công nghệ đồ sứ từ Trung Hoa sang châu Âu là một ví dụ về phát tán ý tưởng trong suốt một thời gian dài. Đồ sứ, một thứ đồ gốm trong suốt mịn hạt, được phát minh ở Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ VII. Khi đồ sứ bắt đầu đến được châu Âu theo Con đường Tơ lụa vào thế kỷ XIV, người châu Âu rất khâm phục nó (tuy nó được sản xuất ra sao thì họ hoàn toàn chẳng biết gì) và đã nhiều lần cố gắng bắt chước làm ra nó nhưng không thành công. Cho mãi đến năm 1707, nhà giả kim người Đức Johann Böttger, sau nhiều năm thử nghiệm rất nhiều quy trình, trộn lẫn nhiều hỗn hợp khác nhau giữa khoáng chất và đất sét, mới tìm ra giải pháp và sáng lập ra những xưởng đồ sứ Meissen lừng tiếng ngày nay. Những thử nghiệm ít nhiều độc lập về sau tại Pháp và Anh đã dẫn đến đồ sứ Sèvres, Wedgwood và Spode. Như vậy, các nhà làm đồ sứ châu Âu đã phải phát minh lại lần nữa những phương pháp sản xuất đồ sứ của Trung Hoa, nhưng họ được khích lệ nhờ đã có trước mặt mình sản phẩm mẫu mà họ muốn làm.

Tùy theo vị trí địa lý, các xã hội khác nhau ở chỗ họ sẵn sàng tiếp thu công nghệ đến mức nào qua phương thức phát tán từ các xã hội khác. Dân tộc cách ly nhất trên Trái đất trong lịch sử cận đại là người Tasmania bản địa, sống mà hoàn toàn không có phương tiện đi biển trên một hòn đảo cách châu Úc 100 dặm (160 km), mà bản thân châu Úc cũng lại là lục địa cô lập nhất trên trái đất. Người Tasmania không hề giao tiếp với các dân tộc khác trong suốt 10.000 năm và không hề tiếp thu một công nghệ nào khác ngoài những thứ tự họ phát minh ra. Người châu Úc và người New Guinea, bị chuỗi quần đảo Indonesia chia cách khỏi châu Á đại lục, chỉ nhận được một dúm phát minh ít ỏi từ châu Á. Các xã hội có thể tiếp thu các phát minh bằng đường phát tán một cách dễ dàng nhất là những xã hội nằm trong các lục địa chính. Ở các xã hội này công nghệ phát triển nhanh chóng nhất, bởi các xã hội đó không chỉ tích lũy các phát minh của chính mình mà cả phát minh của những xã hội khác nữa. Chẳng hạn, thế giới Hồi giáo trung đại, nhờ nằm ngay chính giữa lục địa Âu-Á, đã tiếp thu được các phát minh từ cả Ấn Độ lẫn Trung Hoa, lại thừa hưởng được vốn tri thức của Hy Lạp cổ đại.

Phương thức phát tán, cùng với vị trí địa lý giúp cho sự phát tán có thể diễn ra, là [nhân tố] rất quan trọng. Điều đó có thể thấy rõ qua những trường hợp thoạt nhìn có vẻ khó hiểu, khi có những xã hội đã tiếp thu được những công nghệ mạnh nhưng rồi lại từ bỏ chúng. Chúng ta thường vẫn cho rằng những công nghệ hữu ích một khi đã được xã hội tiếp nhận rồi thì cầm chắc sẽ tồn tại lâu dài cho đến khi bị công nghệ khác ưu việt hơn thay thế mới thôi. Trên thực tế, người ta không phải chỉ tiếp thu công nghệ là đủ mà còn phải duy trì nó nữa, mà ngay điều đó cũng tùy thuộc vào nhiều nhân tố không thể tiên đoán trước. Bất cứ xã hội nào cũng kinh qua những phong trào xã hội hay những mốt nhất thời khi những vật vốn dĩ vô dụng về kinh tế lại trở nên có giá còn những vật hữu ích thì tạm thời mất giá. Ngày nay, khi hầu hết các xã hội trên Trái đất được kết nối với nhau, chúng ta không thể hình dung có một mốt nhất thời nào lại có thể đi xa đến mức khiến một công nghệ quan trọng hoàn toàn bị cho ra rìa. Một xã hội tạm thời quay lưng lại với một công nghệ mạnh sẽ vẫn thấy các xã hội khác tiếp tục dùng công nghệ đó và vẫn có cơ hội tiếp thu lại nó một lần nữa bằng phương thức phát tán (nếu không thì sẽ bị những láng giềng kia khuất phục). Song những mốt nhất thời đó có thể tồn tại dai dẳng ở những xã hội cô lập.

Một ví dụ nổi tiếng là việc Nhật Bản từ bỏ súng. Súng xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản vào năm 1543 khi có hai nhà thám hiểm Bồ Đào Nha vũ trang bằng súng hỏa mai đặt chân đến nước này trên một chiếc tàu hàng Trung Hoa. Người Nhật có ấn tượng mạnh trước thứ vũ khí mới này đến nỗi họ bắt đầu tiến hành sản xuất thuốc súng ngay ở nước mình, cải tiến đáng kể kỹ thuật súng ống, và đến năm 1600 họ đã sở hữu súng nhiều hơn - đã vậy toàn là súng tốt hơn - so với bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Nhưng lại cũng có những nhân tố đi ngược lại việc tiếp nhận súng ở Nhật Bản. Nước này có một tầng lớp võ sĩ đông đảo là các samurai; đối với họ thanh gươm được coi là biểu tượng của đẳng cấp và là tác phẩm nghệ thuật (cũng như là một phương tiện để khuất phục những tầng lớp hèn kém hơn). Xưa nay chiến tranh ở Nhật vẫn là những trận giao đấu tay đôi giữa các kiếm sĩ samurai, cả hai đứng giữa đất trống, mỗi bên nói những lời tự giới thiệu dông dài theo nghi thức rồi mới bắt đầu giáp chiến một cách đầy kiêu hãnh và thượng võ. Nhưng từ khi xuất hiện những binh lính xuất thân nông dân chẳng cần biết nghi thức và thượng võ là gì mà cứ thế nổ súng thì hành xử theo lối đó chỉ có chết. Ngoài ra, súng là một phát minh của ngoại bang nên dần dần bị coi khinh, cũng như bất cứ thứ gì khác du nhập từ nước ngoài vào Nhật Bản sau năm 1600. Chính phủ Nhật do giới võ sĩ đạo chi phối bắt đầu hạn chế việc sản xuất súng, chỉ cho phép sản xuất ở một vài thành phố, về sau thì quy định dù chỉ sản xuất một khẩu súng thôi cũng phải xin giấy phép của chính phủ, sau nữa thì chỉ cấp phép sản xuất súng theo đặt hàng của chính phủ mà thôi, cuối cùng thì cắt giảm dần đơn đặt hàng súng của chính phủ, cho tới khi nước Nhật hầu như không còn một khẩu súng nào được sử dụng nữa.

Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu cùng thời cũng có cả những người coi thường súng và ra sức hạn chế sao cho càng ít súng càng hay. Song những biện pháp đó đã chẳng bao giờ đi xa được ở châu Âu, bởi bất cứ nước nào tạm thời từ bỏ súng là ngay lập tức sẽ bị những nước láng giềng đầy súng ống của mình đè bẹp. Chỉ nhờ nước Nhật là một hòn đảo vừa cách biệt vừa đông dân nên họ có thể khước từ cái kỹ thuật quân sự mới mẻ đáng gờm kia mà vẫn giữ được chủ quyền. Vị thế cô lập an toàn đó của họ chấm dứt vào năm 1853 khi đội tàu của Thuyền trưởng Perry ghé thăm Nhật Bản: nhìn thấy những con tàu tua tủa đại bác kia, người Nhật mới tin rằng quả thật họ cần phải khôi phục lại ngành sản xuất súng ở xứ mình.

Việc Nhật Bản từ bỏ súng, và việc Trung Hoa từ bỏ những con tàu vượt đại dương (cũng như đồng hồ cơ khí và máy xe tơ chạy bằng sức nước) là những trường hợp nhiều người biết trong lịch sử khi những xã hội cô lập hoặc bán cô lập khước từ phát minh công nghệ. Những trường hợp khước từ công nghệ khác đã từng xảy ra trong thời tiền sử. Trường hợp cực đoan nhất là người Tasmania bản địa, họ đã khước từ ngay cả công cụ bằng xương và nghề đánh cá để trở thành xã hội có công nghệ giản đơn nhất trong thế giới hiện đại (Chương 15). Người châu Úc bản địa có thể đã tiếp thu cung tên nhưng rồi lại từ bỏ. Cư dân đảo Torres đã từ bỏ xuồng, trong khi dân đảo Gaua từ bỏ xuồng rồi lại tiếp thu trở lại. Đồ sứ bị từ bỏ trên khắp quần đảo Polynesia. Hầu hết người Polynesia và nhiều người Melanesia đã từ bỏ việc sử dụng cung tên trong chiến tranh. Người Eskimo vùng địa cực đánh mất cung tên và xuồng kayak, trong khi người Eskimo vùng Dorset đánh mất cung tên, dụng cụ tạo lửa và loài chó.

Những ví dụ đó, thoạt nhìn có vẻ thật lạ lùng, minh họa rõ vai trò của địa lý và của sự phát tán trong lịch sử công nghệ. Nếu không có sự phát tán thì các xã hội tiếp thu được ít phát minh mới hơn và đánh mất nhiều công nghệ hiện có hơn.

Do công nghệ sinh ra thêm nhiều công nghệ, cho nên tầm quan trọng của sự phát tán một phát minh có khả năng lấn át tầm quan trọng của phát minh nguyên thủy. Lịch sử công nghệ tiêu biểu cho cái gọi là quá trình tự xúc tác, nghĩa là một quá trình ngày một nhanh hơn với tỷ lệ tăng tốc ngày càng tăng bởi quá trình đó tự làm xúc tác cho chính nó. Sự bùng nổ công nghệ từ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp thật là kỳ vĩ đối với chúng ta ngày nay, song sự bùng nổ công nghệ vào thời trung cổ cũng từng kỳ vĩ y như vậy nếu so với sự bùng nổ công nghệ vào thời đại Đồ đồng, sự bùng nổ này đến lượt nó lại vô cùng kỳ vĩ so với sự bùng nổ công nghệ vào Sơ kỳ Đồ đá cũ.

Một lý do tại sao công nghệ có xu hướng tự xúc tác để làm nảy sinh thêm công nghệ là do muốn cải tiến thì trước hết người ta phải xử lý được tinh tường những vấn đề đơn giản hơn cái đã. Chẳng hạn, các nhà nông thời Đồ đá không thể tiến thẳng đến chỗ khai thác và chế tác sắt được, bởi muốn làm vậy thì trước hết họ phải làm ra được lò luyện kim nhiệt độ cao. Thay vào đó, nghề luyện quặng sắt đã hình thành và phát triển sau hàng ngàn năm con người quen tiếp xúc với những vỉa kim loại tinh chất lộ thiên đủ mềm để có thể gò thành hình này hay dạng khác mà không phải nung chảy (như đồng và vàng). Nó cũng đã hình thành từ hàng ngàn năm phát triển những lò nung đơn giản để làm đồ gốm, sau đó là để chiết xuất quặng đồng và tạo hợp kim đồng (đồng thiếc), một việc vốn không đòi hỏi nhiệt độ cao như sắt. Ở cả vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu lẫn Trung Hoa, đồ sắt chỉ trở nên phổ biến khoảng 2.000 năm sau khi người ta đã tiến hành luyện kim màu. Các xã hội Tân Thế giới chỉ mới bắt đầu chế tác vật thể bằng đồng chứ chưa làm ra được vật thể bằng sắt vào thời điểm người châu Âu sang và cắt đứt con đường phát triển độc lập hãy còn ngắn ngủi của Tân Thế giới.

Một nguyên nhân chính khác để công nghệ tự xúc tác sinh ra công nghệ, ấy là, nhờ có các công nghệ và vật liệu mới, người ta có thể tạo ra thêm những công nghệ mới bằng cách tái kết hợp [những gì đã có]. Chẳng hạn, tại sao nghề in đã bành trướng với tốc độ bùng nổ tại châu Âu thời trung đại sau khi Gutenberg in Kinh thánh vào năm 1455 nhưng đã không bùng nổ sau khi nhà in vô danh nọ in cái đĩa Phaistos vào năm 1700 tr.CN? Có thể lý giải một phần là do các nhà in châu Âu thời trung đại đã có thể kết hợp sáu tiến bộ công nghệ mà hầu hết trong số đó chưa hề tồn tại vào thời của nhà in làm ra đĩa Phaistos. Trong số các tiến bộ đó - giấy, chữ in rời, nghề luyện kim, máy in, mực và chữ viết - thì giấy và ý tưởng về chữ in rời là từ Trung Hoa du nhập vào châu Âu. Sở dĩ Gutenberg phát minh được kỹ thuật đúc chữ in từ khuôn kim loại - do vậy khắc phục được vấn đề hóc búa là các con chữ in có kích cỡ không đều cái to cái nhỏ - là nhờ có những cải tiến trong ngành luyện kim: có thép để làm máy dập chữ, hợp kim đồng thau hoặc đồng thiếc (về sau được thay bằng thép) để làm khuôn rập, chì để đúc khuôn, và hợp kim thiếc-kẽm-chì để làm con chữ. Máy in của Gutenberg dựa trên những máy ép xoay đang được dùng trong nghề ép nho làm rượu và ép dầu ôliu vào thời đó, trong khi mực mà ông sử dụng là một sản phẩm dựa trên dầu cải tiến từ các loại mực hiện có. Các hệ chữ viết dựa trên bảng chữ cái mà châu Âu trung đại thừa hưởng được từ ba thiên niên kỷ phát triển chữ viết rất thích hợp để in bằng chữ in rời, bởi chỉ cần phải đúc vài chục con chữ chứ không phải hàng ngàn ký tự như trường hợp chữ viết Trung Hoa.

Trong tất cả sáu phương diện trên, người làm ra chiếc đĩa Phaistos chỉ có thể tiếp cận rất ít công nghệ hầu có thể kết hợp thành một kỹ thuật in hoàn chỉnh so với Gutenberg. Phương tiện viết của chiếc đĩa là đất sét, một chất liệu so với giấy thì cồng kềnh và nặng hơn nhiều. Kỹ năng luyện kim, mực và kỹ thuật in của đảo Crete vào năm 1700 tr.CN hãy còn thô sơ hơn nhiều so với của nước Đức vào năm 1455, cho nên người ta đã phải đột từng chữ một vào chiếc đĩa bằng tay, chứ không phải in bằng những chữ in rời lắp vào một khung kim loại, được phết mực rồi dùng lực mà ấn. Chữ viết trên chiếc đĩa là một hệ chữ biểu vần có nhiều ký hiệu hơn, dạng chữ phức tạp hơn so với chữ cái La Mã mà Gutenberg sử dụng. Hệ quả là công nghệ in chiếc đĩa Phaistos thô vụng hơn nhiều và chẳng ưu việt là bao so với viết bằng tay, chứ không phải như máy in của Gutenberg. Ngoài tất cả các điểm yếu về công nghệ đó, chiếc đĩa Phaistos lại còn được in vào một thời khi chỉ có một vài cung điện hoặc dăm ba thư lại trong đền thờ mới biết đọc biết viết. Vì thế nên [xã hội] chẳng có mấy nhu cầu đối với sản phẩm đẹp đẽ của người làm ra chiếc đĩa Phaistos nọ, cũng chẳng có mấy động cơ đặng người ta đầu tư vào việc đột hàng tá chữ bằng tay. Ngược lại, thị trường đại chúng tiềm tàng đối với nghề in ở châu Âu thời trung đại đã lôi cuốn nhiều người đầu tư tiền cho Gutenberg vay mượn.

Công nghệ của loài người phát triển từ những công cụ bằng đá đầu tiên, được sử dụng trong khoảng hai triệu rưỡi năm trước đây, cho đến chiếc máy in laser năm 1996 vốn đã thay thế chiếc máy in laser năm 1992 của tôi mà nay đã thành lạc hậu và được dùng để in bản thảo cuốn sách này. Tốc độ phát triển công nghệ ắt hẳn là chậm chạp vào buổi đầu, bởi hàng trăm ngàn năm trôi qua mà chẳng có thay đổi nào đáng chú ý ở công cụ bằng đá của loài người, cũng không còn lại bằng chứng nào cho thấy có những vật được tạo tác bằng chất liệu khác. Ngày nay, công nghệ tiến triển nhanh đến mức báo chí ngày nào cũng phải đưa tin.

Trong cái lịch sử phát triển lâu dài càng về sau càng tăng tốc đó, ta có thể khu biệt hai cú nhảy đặc biệt quan trọng. Cú nhảy thứ nhất, xảy ra trong khoảng từ 100.000 đến 50.000 năm trước, hẳn đã xảy ra được là nhờ những thay đổi di truyền trong cơ thể chúng ta; cụ thể là, nhờ sự tiến hóa của cơ thể về giải phẫu học mà con người có được khả năng ngôn ngữ hoặc chức năng não bộ như ngày nay hoặc cả hai. Cú nhảy đó dẫn đến các công cụ bằng xương, công cụ chuyên dùng và công cụ hỗn hợp. Cú nhảy thứ hai dẫn đến việc loài người chuyển sang lối sống định cư, việc này diễn ra vào những thời điểm khác nhau tùy từng khu vực trên thế giới, ở một số khu vực thì chỉ mới diễn ra khoảng 13.000 năm trước, ở vài khu vực thì thậm chí chưa xảy ra đến tận ngày nay. Đối với hầu hết khu vực, việc chuyển sang sống định cư gắn liền với việc tiếp thu nền sản xuất lương thực vốn đòi hỏi chúng ta phải sống gần đồng ruộng, vườn tược và lưu trữ lương thực thặng dư.

Lối sống định cư có tầm quan trọng quyết định trong lịch sử công nghệ, bởi nó cho phép người ta tích lũy dần những của cải không thể mang theo được. Những người săn bắt hái lượm du cư thì chỉ có thể sử dụng công nghệ nào có thể mang theo mình được mà thôi. Nếu ta di chuyển thường xuyên mà lại không có xe cộ hay súc vật kéo thì ta chỉ có thể sở hữu một lượng tối thiểu những đứa trẻ, vũ khí và những thứ tối cần thiết khác đủ nhỏ để có thể mang theo được. Ta không thể hễ chuyển trại đi đâu là lại vác những thứ như đồ gốm hay máy in theo đến đó. Cái khó rất thực tế đó hẳn có thể là nguyên nhân tại sao có một vài công nghệ xuất hiện sớm thoạt trông thật hấp dẫn nhưng rồi mãi một thời gian dài vẫn không sao phát triển thêm lên được. Chẳng hạn, những đồ gốm xưa nhất mà người ta kiểm chứng được là những hình nhân bằng đất sét nung được làm ở khu vực nay là nước Tiệp Khắc vào 27.000 năm trước, từ lâu trước khi có những chum vại bằng đất sét nung xưa nhất mà người ta đã biết (ở Nhật Bản cách đây 14.000 năm). Cũng một khu vực đó ở Tiệp Khắc cũng vào thời đó đã cho bằng chứng xưa nhất về nghề dệt, thế nhưng những chiếc giỏ đan xưa nhất mà người ta đã kiểm chứng được lại chỉ ra đời khoảng 13.000 năm trước, còn tấm vải dệt xưa nhất người ta đã biết thì vào khoảng 9.000 năm trước. Mặc dù đồ gốm và nghề dệt vải đã từng có những bước đi đầu tiên sớm sủa đến như vậy, song các công nghệ đó chỉ cất cánh khi con người đã chuyển sang định cư, nhờ vậy mới thoát được cái nỗi khó là đi đâu cũng phải kè kè vác theo chum lọ và khung cửi.

Sản xuất lương thực không chỉ cho phép con người sống định cư và tích lũy của cải, mà còn có ý nghĩa quyết định trong lịch sử công nghệ vì một nguyên nhân khác nữa. Lần đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của nhân loại đã có thể hình thành những xã hội chuyên môn hóa về kinh tế trong đó có những chuyên gia không sản xuất lương thực, [chỉ làm công việc chuyên môn của mình và] được các nông dân sản xuất lương thực nuôi ăn. Song chúng ta đã thấy ở Phần II của sách này rằng sản xuất lương thực đã nảy sinh vào những thời điểm khác nhau trên những lục địa khác nhau. Ngoài ra, như ta đã thấy trong chương này, công nghệ của từng khu vực, cả nguồn gốc của nó lẫn việc duy trì nó, phụ thuộc không chỉ vào phát minh nội địa mà còn phụ thuộc vào sự phát tán công nghệ từ nơi khác tới. Điều đó có xu hướng khiến cho công nghệ phát triển nhanh hơn ở những châu lục nào có ít rào cản về địa lý và sinh thái cho sự phát tán công nghệ trong nội bộ châu lục đó hoặc giữa châu lục đó với các châu lục khác. Cuối cùng, cứ thêm mỗi xã hội trên từng châu lục là lại thêm một cơ hội phát minh và tiếp thu công nghệ, bởi xã hội này khác xã hội kia rất nhiều về tính cởi mở đối với cách tân, do nhiều nguyên nhân rất khác nhau. Từ đó suy ra, nếu mọi nhân tố đều như nhau thì công nghệ thường phát triển nhanh nhất ở các khu vực rộng lớn và năng sản với dân cư đông đúc, có nhiều nhà phát minh tiềm năng và nhiều xã hội cạnh tranh nhau.

Giờ ta hãy tóm tắt xem những biến thể trong ba nhân tố đó - thời điểm nảy sinh sản xuất lương thực, những rào cản đối với sự phát tán, và quy mô dân số loài người - đã dẫn thẳng đến những khác biệt như ta đã thấy giữa các lục địa trong sự phát triển công nghệ. Âu-Á (thật ra gồm cả Bắc Phi) là lục địa lớn nhất trên thế giới, bao gồm nhiều xã hội cạnh tranh nhất. Đó cũng là lục địa có hai trung tâm phát nguyên sản xuất lương thực đầu tiên: vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và Trung Hoa. Trục đông-tây của nó cho phép nhiều phát minh tiếp thu được ở một bộ phận của Âu-Á có thể bành trướng nhanh chóng sang các xã hội nằm trên vĩ độ và vùng khí hậu tương tự ở những nơi khác thuộc Âu-Á. Bề ngang của lục địa Âu-Á ngay ở chỗ nhỏ nhất của nó (theo trục bắc-nam) cũng lớn hơn nhiều so với chỗ thắt quá hẹp ở eo Isthmus thuộc Panama của châu Mỹ. Nó không có những rào cản ngặt nghèo về sinh thái chẹn ngang qua trục chính của nó giống như châu Mỹ và châu Phi. Như vậy, các rào cản địa lý và sinh thái đối với sự phát tán công nghệ ở Âu-Á là ít ngặt nghèo hơn so với ở các châu lục khác. Nhờ tất cả các nhân tố đó, Âu-Á là lục địa nơi công nghệ đã bắt đầu sớm nhất giai đoạn tăng tốc vào hậu kỳ Đồ đá, hệ quả là lục địa này là nơi tích lũy công nghệ lớn nhất.

Bắc Mỹ và Nam Mỹ thường được coi là hai châu lục riêng biệt, nhưng thật ra chúng đã gắn liền với nhau suốt mấy triệu năm, có những vấn đề tương tự nhau trong lịch sử và có thể cùng gộp chung làm một khi so sánh với lục địa Âu-Á. Châu Mỹ là lục địa lớn thứ nhì trên thế giới, nhỏ hơn Âu-Á nhiều. Tuy nhiên, châu Mỹ bị chia cắt về địa lý và sinh thái: eo Isthmus ở Panama, rộng vỏn vẹn có 40 dặm (64 km, ND) bề ngang, gần như cắt rời châu Mỹ làm đôi về địa lý, cũng như những cánh rừng mưa Darien ở eo đất này và sa mạc bắc Mexico về sinh thái. Sa mạc này ngăn cách những xã hội loài người tiên tiến ở vùng Trung Mỹ khỏi các xã hội loài người tiên tiến ở Bắc Mỹ, trong khi eo Isthmus ngăn cách các xã hội tiên tiến của Trung Mỹ khỏi các xã hội tiên tiến ở vùng Andes và Amazonia. Ngoài ta, trục chính của châu Mỹ là bắc-nam, buộc hầu hết [cây trồng, vật nuôi và công nghệ] để phát tán thì phải vượt qua những vĩ độ (và vùng khí hậu) khác nhau chứ không phải lan ra trên cùng một vĩ độ. Chẳng hạn, bánh xe được phát minh ở Trung Mỹ còn lạc đà châu Mỹ (llama) được thuần hóa ở miền trung Andes từ trước năm 3.000 tr.CN, nhưng mãi 5.000 năm sau, loài gia súc thồ hàng duy nhất và những bánh xe duy nhất của châu Mỹ vẫn không thể gặp nhau mặc dù khoảng cách giữa các xã hội Maya vùng Trung Mỹ với biên giới phía bắc của đế quốc Inca (1.200 dặm hay hơn 1.900 km) là nhỏ hơn nhiều so với khoảng cách 6.000 dặm (9.600 km) ngăn giữa nước Pháp và Trung Hoa, thế mà hai nước sau này vẫn có thể cùng có bánh xe và cùng nuôi ngựa. Theo tôi, các yếu tố đó chính là nguyên nhân khiến công nghệ ở châu Mỹ tụt hậu so với ở Âu-Á.

Châu Phi hạ Sahara là lục địa lớn thứ ba thế giới, nhỏ hơn đáng kể so với châu Mỹ. Trong suốt lịch sử loài người, so với châu Mỹ thì châu Phi là nơi dễ tiếp cận hơn nhiều đối với Âu-Á, thế nhưng sa mạc Sahara vẫn là một rào cản sinh thái lớn ngăn cách châu Phi hạ Sahara ra khỏi Âu-Á cộng thêm Bắc Phi. Trục bắc-nam của châu Phi lại là thêm một chướng ngại nữa cho sự phát tán công nghệ cả giữa Âu-Á với châu Phi hạ Sahara lẫn trong chính phạm vi châu Phi hạ Sahara. Minh họa cho chướng ngại thứ hai này là việc nghề luyện kim và nghề đồ gốm đã phát sinh tại hoặc được du nhập vào vùng Sahel của châu Phi hạ Sahara (phía bắc xích đạo) muộn nhất cũng là đồng thời với khi chúng du nhập vào Tây Âu. Thế nhưng, mãi đến năm thứ 1 CN đồ gốm mới đến được mỏm cực nam của châu Phi, còn ngành luyện kim thì đã không thể nào phát tán đến cực nam châu Phi bằng đường bộ cho mãi đến khi nó được đưa đến đó bằng những con tàu của châu Âu.

Cuối cùng, Australia là lục địa nhỏ nhất. Lượng mưa và năng suất rất thấp trên hầu hết Australia khiến cho lục địa này càng nhỏ bé hơn về khả năng duy trì dân số loài người. Nó cũng là lục địa cô lập nhất. Ngoài ra, sản xuất lương thực chưa từng bao giờ phát sinh độc lập ở Australia. Các nhân tố đó hợp lại khiến cho Australia là lục địa duy nhất mà mãi đến thời hiện đại vẫn không chế tác được vật gì bằng kim loại.

Bảng 13.1 chuyển các nhân tố nói trên thành số liệu, bằng cách so sánh các lục địa với nhau về diện tích và dân số ngày nay. Dân số các lục địa cách đây 10.000 năm, ngay trước khi phát sinh nền sản xuất lương thực, chúng ta không thể biết chính xác, song nhất định là cũng theo đúng thứ tự này, bởi nhiều khu vực đang sản xuất nhiều lương thực nhất ngày nay thì ắt cũng đã là những khu vực năng sản nhất cho những người săn bắt hái lượm vào 10.000 năm trước. Sự khác biệt về dân số giữa các lục địa thật là nổi bật: dân số của Âu-Á (kể cả Bắc Phi) đông gần gấp 6 lần dân số châu Mỹ, gần gấp 8 lần dân số châu Phi và gấp 230 lần dân số châu Úc. Dân số càng đông thì càng có nhiều nhà phát minh và nhiều xã hội cạnh tranh. Bảng 13.1 tự nó đã là lời giải thích hùng hồn về việc tại sao súng và thép đã ra đời ở chính lục địa Âu-Á.

Bảng 13.1: Dân số loài người trên các lục địa

Lục địa

Dân số vào năm 1990

Diện tích (dặm vuông)

Âu-Á và Bắc Phi

4.120.000.000

24.200.000

(Âu-Á)

(4.000.000.000)

(21.500.000)

(Bắc Phi)

(120.000.000)

(2.700.000)

Bắc Mỹ và Nam Mỹ

736.000.000

16.400.000

Châu Phi hạ Sahara

535.000.000

9.100.000

Australia

18.000.000

3.000.000

Tác động của sự khác biệt về diện tích, dân số, sự dễ dàng phát tán và thời điểm khởi đầu sản xuất lương thực giữa các lục địa đối với sự hình thành công nghệ lại càng rõ rệt hơn bởi vì, [như đã nói], công nghệ có tính tự xúc tác, [công nghệ này làm nảy sinh công nghệ khác]. Chính vì vậy, ưu thế ban đầu của Âu-Á thể hiện ở việc lục địa này đã đi trước các lục địa khác một quãng dài về công nghệ vào thời điểm năm 1492 - ấy là nhờ những nguyên nhân nằm ở sự khác biệt về địa lý, chứ không phải sự khác biệt về trí thông minh của con người. Trong số những người New Guinea mà tôi biết, có tiềm tàng những nhà phát minh tài ba. Nhưng họ hướng tài năng của họ vào những vấn đề công nghệ đặc thù cho hoàn cảnh của mình: làm cách nào để sống mà không có thứ đồ nhập cảng nào giữa thung lũng New Guinea, chứ không phải làm cách nào phát minh ra máy ảnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro