CHƯƠNG 14. Từ chủ nghĩa bình quyền đến chính quyền ăn cướp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi năm 1979, trong khi cùng vài người bạn là nhà truyền giáo ngồi máy bay lượn trên một vùng đầm lầy ở New Guinea, tôi nhìn thấy vài túp lều cách đó nhiều dặm. Viên phi công giải thích cho tôi biết rằng mới đây, ở nơi nào đó giữa vùng đầm lầy mênh mông dưới kia, một nhóm thợ săn cá sấu người Indonesia đã tình cờ chạm trán một nhóm dân du mục New Guinea. Cả hai nhóm đều hoảng loạn, và cuộc đụng độ kết thúc bằng việc nhóm người Indonesia bắn chết mấy người trong đám dân du mục.

Những người bạn truyền giáo của tôi đoán rằng toán dân du mục kia thuộc một nhóm gọi là người Fayu chưa hề tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Người ta chỉ biết đến họ qua lời tường thuật của những người láng giềng vốn sợ họ đến chết khiếp, ấy là nhóm du mục Kirikiri từng được tiếp xúc với các nhà truyền giáo. Những tiếp xúc đầu tiên giữa người ngoài với các nhóm dân New Guinea luôn ẩn chứa hiểm nguy, nhưng lần này thì đặc biệt lành ít dữ nhiều. Dẫu vậy, anh bạn Doug của tôi vẫn dùng trực thăng bay vào gặp người Fayu, những mong lập được quan hệ hữu hảo với họ. Cuối cùng anh cũng quay về, bình an vô sự nhưng thần hồn nát thần tính, và anh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện ly kỳ.

Hóa ra người Fayu sống thành từng gia đình rải rác khắp nơi trên đầm lầy, mỗi năm chỉ gặp nhau một, hai lần để trao đổi cô dâu. Doug đến thăm đúng vào một dịp người Fayu tụ tập nhau như vậy, khoảng vài chục người. Với chúng ta, vài chục người chỉ là một cuộc tụ tập nhỏ, bình thường, nhưng với người Fayu đó là một sự kiện hiếm có và đáng sợ. Những kẻ giết người bất ngờ chạm trán với người thân của kẻ mình đã giết. Chẳng hạn, một người Fayu phát hiện ra một người là kẻ giết cha mình. Người con trai vung rìu lên nhảy bổ vào kẻ sát nhân nhưng lại bị mấy người bạn vật ngã xuống đất; thế rồi kẻ giết người cũng xách rìu xông vào chàng trai lúc này đang nằm bất lực, nhưng chính y cũng bị người ta quật xuống đất. Cả hai đều bị giữ chặt, cứ gào thét vì phẫn uất cho đến khi kiệt sức không làm gì nổi nữa mới được buông ra. Những người khác luôn mồm thóa mạ, lăng nhục nhau, run lên vì giận dữ và bực tức, tay cầm rìu chém sa sả xuống đất. Sự căng thẳng đó kéo dài suốt mấy ngày tụ tập, trong khi Doug cứ vái trời sao cho chuyến viếng thăm này đừng kết thúc trong bạo lực.

Người Fayu gồm khoảng 400 người săn bắt hái lượm, chia thành bốn bầy người, lang thang trên một vùng rộng mấy trăm dặm vuông. Theo chính họ kể thì trước kia họ từng có khoảng 2.000 người, nhưng dân số của họ đã giảm sút đáng kể vì tình trạng người Fayu giết người Fayu. Họ thiếu những cơ chế chính trị và xã hội mà chúng ta mặc nhiên coi như phải có nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho những cuộc tranh chấp nghiêm trọng. Cuối cùng, nhờ có chuyến viếng thăm của Doug, một nhóm người Fayu cũng mời một cặp vợ chồng nhà truyền giáo đủ gan đến sống với họ. Đến nay cặp vợ chồng truyền giáo đó đã sống cùng người Fayu được mười hai năm và dần dần thuyết phục được họ từ bỏ bạo lực. Thế là người Fayu được đưa ra tiếp xúc với thế giới hiện đại nơi họ đối mặt với một tương lai bấp bênh.

Nhiều nhóm người New Guinea và người da đỏ Amazon chưa được tiếp xúc trước đây cũng đã nhờ các nhà truyền giáo mới hòa hợp được vào xã hội hiện đại. Theo chân các nhà truyền giáo là giáo viên, bác sĩ, quan chức và binh lính. Như vậy, sự bành trướng của chính phủ và của tôn giáo có liên hệ mật thiết với nhau trong suốt lịch sử thành văn, dù sự bành trướng đó là hòa bình (như với người Fayu) hay bằng vũ lực. Trong trường hợp sau, thường thì chính phủ là kẻ tổ chức chinh phạt, còn tôn giáo thì biện chính cho cuộc chinh phạt đó. Tuy đôi khi người du mục và dân bộ lạc cũng đánh bại được chính phủ và tôn giáo vốn được tổ chức tốt, song xu hướng chung trong suốt 13.000 năm qua là người du mục và dân bộ lạc thường thua cuộc.

Vào cuối thời kỳ Băng hà, hầu hết cư dân trên thế giới đều sống trong những xã hội tương tự như xã hội Fayu ngày nay, vào thời đó chẳng có ai sống trong một xã hội nào phức tạp hơn so với xã hội đó. Mãi tới năm 1.500 CN, chỉ chưa đầy 20% đất đai thế giới được phân ranh giới thành những quốc gia do quan chức điều hành và được cầm trịch bằng luật pháp. Ngày nay, mọi châu lục trừ Nam cực đều được phân chia như thế. Xã hội nào đạt tới trình độ chính quyền tập trung hóa và tôn giáo có tổ chức sớm nhất thì hậu duệ của xã hội đó rốt cuộc cũng là những người đang thống trị thế giới hiện đại. Vậy là, sự kết hợp giữa chính phủ và tôn giáo, cùng với súng, chữ viết và công nghệ, đã có tác dụng như một trong bốn nhóm tác nhân trực tiếp nhất dẫn tới mẫu hình phổ biến nhất của lịch sử. Chính phủ và tôn giáo đã phát sinh như thế nào?

Các nhóm người Fayu và các quốc gia hiện đại là tiêu biểu cho hai cực đối lập trong phổ hệ các xã hội loài người. Xã hội Hoa Kỳ hiện đại và người Fayu khác nhau ở chỗ có hay không có lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp, đô thị, tiền tệ, sự phân biệt giàu nghèo và nhiều thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội khác. Liệu tất cả các thiết chế đó đã phát sinh đồng thời hay cái trước cái sau? Lời đáp cho câu hỏi trên có thể suy ra bằng cách so sánh các xã hội hiện đại ở nhiều cấp độ tổ chức khác nhau, bằng cách nghiên cứu các tư liệu thành văn hoặc bằng chứng khảo cổ về các xã hội trong quá khứ, và bằng cách quan sát xem một thiết chế xã hội thay đổi như thế nào qua thời gian.

Để mô tả sự đa dạng của các xã hội loài người, các nhà khảo cổ học văn hóa thường chia chúng thành sáu loại hình. Mọi nỗ lực theo cách này hầu khu biệt các giai đoạn trong bất kỳ chuỗi tiến hóa hoặc phát triển nào - dù là phong cách âm nhạc, các giai đoạn của đời người hay xã hội loài người - đều rất dễ rơi vào chỗ thiếu hoàn thiện. Trước hết, bởi vì mỗi giai đoạn đều nảy sinh từ trong một giai đoạn trước đó, cho nên mọi tuyến phân giới đều không tránh khỏi võ đoán. (Chẳng hạn, một người 19 tuổi là vị thành niên hay là thành niên trẻ tuổi?) Thứ hai, các giai đoạn phát triển thường không phải bất biến, cho nên những ví dụ mà người ta hay gán ghép cho cùng một giai đoạn đều thường cọc cạch, không đồng nhất (chẳng hạn, Brahms và Liszt chắc phải đội mồ sống dậy nếu như hai ông biết ngày nay người ta xếp hai ông vào cùng một thời kỳ lãng mạn). Tuy nhiên, việc phân giới các giai đoạn một cách võ đoán vẫn có ích, bởi nhờ vậy ta có một cái nhìn khái quát ngõ hầu có thể thảo luận về sự đa dạng của âm nhạc và các xã hội loài người, miễn là ta luôn luôn ghi nhớ những hạn chế nói trên. Trong tinh thần đó, ta sẽ dùng một cách phân loại đơn giản chỉ dựa trên bốn loại hình: bầy người (band), bộ lạc (tribe), "tù trưởng quốc" (chiefdom) và quốc gia (state) (xem Bảng 14.1) để hiểu các xã hội loài người.

Bảng 14.1. Các loài hình xã hội

Bầy người

Bộ lạc

Tù trưởng quốc

Nhà nước

Thành viên

Số người

Vài tá

Vài trăm

Vài ngàn

Trên 50 ngàn

Tập quán sinh sống

Du cư

Định cư: 1 làng

Định cư: 1 làng hoặc hơn

Định cư:
nhiều làng
và thành phố

Quan hệ cơ bản

Quan hệ huyết thống

Các thị tộc dựa trên quan hệ huyết thống

Giai cấp
và nơi cư trú

Giai cấp
và nơi cư trú

Số dân tộc
và ngôn ngữ

1

1

1

1 hoặc hơn

Chính quyền

Cơ chế lãnh đạo
và ra quyết định

"bình quyền"

"bình quyền" hoặc có người chủ trì

Tập trung hóa, cha truyền con nối

Tập trung hóa

Quan lại

Không có

Không có

Không có, hoặc 1-2 cấp

Nhiều cấp

Độc quyền nắm giữ vũ lực và thông tin

Không

Không

Giải quyết xung đột

Không
chính thức

Không
chính thức

Tập trung hóa

Luật pháp, toàn án

Thứ bậc quyền lực

Không

Không

Không -> làng chính

Thủ đô

Tôn giáo

Biện minh cho chính quyền ăn cướp?

Không

không

Có -> không

Kinh tế

Sản xuất lương thực

Không

Không

Có -> thâm canh

Thâm canh

Phân công lao động

Không

Không

Không -> có

Trao đổi

Qua lại

Qua lại

Phân phối lại ("cống vật")

Phân phối lại ("thuế")

Kiểm soát đất đai

Bầy người

Bộ lạc

Tù trưởng

Nhiều đối tượng

Xã hội

Phân tầng

Không

Không

Có, theo
huyết thống

Có, không theo huyết thống

Nô lệ

Không

Không

Quy mô nhỏ

Quy mô lớn

Hàng hóa xa xỉ

Không

Không

Kiến trúc công cộng

Không

Không

Không -> có

Chữ viết bản địa

Không

Không

Không

Thường có

Bầy người là đơn vị xã hội nhỏ nhất, thường chỉ từ 5 đến 80 người, hầu hết có quan hệ gần gũi theo huyết thống hoặc hôn nhân. Trên thực tế, bầy người là một gia đình mở rộng hay vài gia đình mở rộng có liên hệ với nhau. Ngày nay, các bầy người sinh sống tự trị hầu như chỉ còn sót lại ở những vùng xa xôi nhất của New Guinea và Amazonia, nhưng cũng trong thời hiện đại từng có nhiều bầy người khác rơi vào sự kiểm soát của chính phủ, bị đồng hóa hoặc diệt chủng cách đây không lâu. Đó là nhiều hay hầu hết các bầy người Pygmie châu Phi, những người săn bắt hái lượm San ở Nam Phi (thường gọi là người Bushmen), người châu Úc bản địa, người Eskimo (Inuit) và người châu Mỹ bản địa ở một số khu vực nghèo tài nguyên ở châu Mỹ như Tierra del Fuego và các khu rừng khí hậu lạnh ở phía Bắc. Tất cả các bầy người hiện đại này vẫn đang là hoặc đã từng là người săn bắt hái lượm du cư chứ không phải người sản xuất lương thực định cư. Có lẽ toàn bộ nhân loại đã từng sống theo bầy người ít nhất là cho đến 40.000 năm trước, và mãi đến 11.000 năm trước hầu hết nhân loại vẫn còn sống thành bầy người.

Các bầy người không có nhiều thiết chế mà chúng ta thường cho là không thiếu được trong xã hội ngày nay. Họ không có nơi thường trú duy nhất. Đất đai của bầy người được toàn bộ quần thể sử dụng chung, chứ không được chia cho từng nhóm nhỏ hoặc cá nhân. Không có sự phân công kinh tế thường trực, ngoại trừ phân công theo lứa tuổi và giới tính: tất cả những ai có sức đều phải tìm kiếm cái ăn. Không có những thiết chế chính thức như luật pháp, cảnh sát và những khế ước nhằm giải quyết xung đột trong nội bộ bầy và giữa các bầy. Tổ chức bầy người thường được miêu tả là "bình đẳng": không có sự phân tầng xã hội chính thức thành lớp thượng lưu và lớp hạ lưu, không có chức vị cầm quyền chính thức hoặc cha truyền con nối, không có sự độc quyền nắm thông tin và độc quyền ra quyết định. Tuy nhiên, "bình đẳng" ở đây không nên hiểu là mọi thành viên trong bầy đều bình đẳng về uy tín và đều góp phần như nhau vào việc đưa ra quyết định. Đúng hơn, "bình đẳng" chỉ có nghĩa là mọi vai trò "lãnh đạo" trong bầy đều là không chính thức và chỉ ai có những phẩm chất như nhân cách, sức khỏe, trí thông minh và khả năng chiến đấu thì mới có thể làm lãnh đạo.

Tôi đã thu thập được kinh nghiệm về bầy người từ khi còn ở vùng đất thấp lắm đầm lầy ở New Guinea nơi người Fayu sinh sống, một vùng được gọi là Bình nguyên Hồ. Ở đó tôi vẫn còn gặp những gia đình mở rộng chỉ gồm dăm người lớn cùng với con cái và người già kèm theo, sống trong những túp lều thô sơ dọc theo dòng nước, đi lại bằng ghe hoặc đi bộ. Tại sao cư dân Bình nguyên Hồ vẫn tiếp tục sống như những bầy người du cư trong khi hầu hết những dân tộc New Guinea khác và hầu hết các dân tộc khác trên khắp thế giới ngày nay đều sống thành những quần thể định cư lớn? Lý do là ở chỗ vùng này thiếu những nguồn tài nguyên địa phương tập trung cho phép nhiều người có thể sống cùng nhau, và (cho đến khi các nhà truyền giáo đưa các loại cây trồng vào) vùng này cũng thiếu những loại cây bản địa khả dĩ cho phép canh tác với năng suất cao. Lương thực chính của các bầy người vùng này là cây cọ sago, lõi cây cho một thứ bột cứng như hồ khi cây đến tuổi trưởng thành. Các bầy người này sống du cư bởi một khi đã cắt hết cây sago trưởng thành ở một vùng thì họ phải đi nơi khác. Số lượng người trong bầy người luôn luôn ít ỏi là vì dịch bệnh (nhất là sốt rét), thiếu nguyên liệu thô trong đầm lầy (kể cả đá để làm công cụ cũng phải trao đổi mới có), và bởi vùng đầm lầy chỉ có thể cho con người một lượng lương thực hạn chế. Những hạn chế tương tự đối với các nguồn tài nguyên mà công nghệ hiện nay có thể tiếp cận cũng tồn tại cả ở những vùng trên thế giới nơi mới đây thôi còn do các bầy người khác chiếm cứ.

Các loài vật gần gũi chúng ta nhất là hắc tinh tinh, khỉ đột và đười ươi châu Phi (bonobo) cũng sống theo bầy. Toàn thể loài người hẳn cũng từng sống theo bầy, cho tới khi công nghệ tìm kiếm lương thực được cải tiến cho phép một số người săn bắt hái lượm có thể định cư ở một số khu vực giàu tài nguyên. Bầy người là tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội mà chúng ta thừa hưởng từ lịch sử tiến hóa hàng triệu năm của nhân loại. Mọi sự phát triển của chúng ta sau giai đoạn bầy người chỉ diễn ra trong vòng vài vạn năm trở lại đây.

Giai đoạn đầu tiên tiếp theo bầy người được gọi là bộ lạc. Khác với bầy người, bộ lạc có quy mô lớn hơn (thường vài trăm người chứ không phải chỉ vài chục người) và thường có nơi cư trú cố định. Tuy nhiên, một số bộ lạc, thậm chí một số tù trưởng quốc cũng bao gồm những người chăn nuôi di chuyển theo mùa.

Tiêu biểu cho tổ chức bộ lạc là những cư dân vùng cao ở New Guinea. Đơn vị chính trị của những người này trước khi xuất hiện chính quyền thuộc địa là làng hoặc một cụm làng có quan hệ mật thiết với nhau. Định nghĩa chính trị này về "bộ lạc" thường nhỏ hơn nhiều so với cái mà các nhà ngôn ngữ học và nhân chủng học hàm ý khi định nghĩa về bộ lạc, cụ thể là một nhóm người cùng chung ngôn ngữ và văn hóa. Chẳng hạn, vào năm 1964 tôi bắt đầu làm việc giữa một nhóm dân vùng cao gọi là người Foré. Theo tiêu chí ngôn ngữ và văn hóa thì khi đó có 120.000 người Foré, nói hai phương ngữ khác nhau nhưng có thể hiểu nhau và sống trong 65 làng, mỗi làng khoảng vài trăm người. Nhưng chẳng có sự thống nhất chính trị nào giữa các làng thuộc nhóm ngôn ngữ Foré cả. Mỗi làng đều dính vào một thứ chiến tranh kiểu kính vạn hoa, thay đổi liên minh xoành xoạch với tất cả các làng lân cận bất kể là người Foré hay những người nói tiếng khác.

Các bộ lạc - mới đây còn độc lập song hiện nay đều phụ thuộc vào chính phủ quốc gia ở nhiều mức độ khác nhau - vẫn còn chiếm lĩnh hầu hết New Guinea, Melanesia và Amazonia. Tổ chức bộ lạc tương tự trong quá khứ được suy ra từ bằng chứng khảo cổ về các vùng định cư của họ - các bằng chứng này thì vững chắc, nhưng ta lại thiếu dấu ấn khảo cổ về các tù trưởng quốc mà tôi sẽ giải thích dưới đây. Bằng chứng này gợi ý rằng tổ chức bộ lạc đã nảy sinh vào khoảng 13.000 năm trước ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và muộn hơn ở một số khu vực khác. Một điều kiện tiên quyết để có thể định cư là hoặc phải sản xuất lương thực hoặc phải có một môi trường năng sản, với những tài nguyên đặc biệt tập trung để có thể săn bắt và hái lượm trong một khu vực nhỏ. Chính vì vậy mà việc định cư, suy ra là bộ lạc, đã bắt đầu nảy nở tại vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu vào đúng thời gian đó, khi sự kết hợp giữa thay đổi khí hậu và công nghệ cải tiến đã cho phép người ta thu hoạch ngũ cốc hoang dã với số lượng lớn.

Bộ lạc khác với bầy người không chỉ ở chỗ sống định cư và số người đông, mà còn ở chỗ bộ lạc bao gồm vài nhóm có liên hệ huyết thống với nhau được thừa nhận chính thức có tên gọi là thị tộc, các thị tộc này thường trao đổi cô dâu chú rể với nhau. Đất đai thuộc một thị tộc nhất định chứ không phải thuộc toàn thể bộ lạc. Tuy nhiên, số người trong một bộ lạc vẫn còn đủ ít để ai cũng biết nhau theo họ tên và quan hệ thân tộc.

Ngay cả đối với những loại quần thể người khác, "vài trăm" vẫn có vẻ là ngưỡng tối đa đối với quy mô của quần thể để tất cả mọi người trong quần thể đều biết nhau. Chẳng hạn, trong xã hội nhà nước của chúng ta, một hiệu trưởng trung học có thể biết tên tất cả học sinh trường mình nếu chỉ có vài trăm em, song không thể nhớ hết tên học sinh nếu có đến vài ngàn em. Một lý do khiến tổ chức chính phủ của con người có xu hướng chuyển hóa từ bộ lạc sang tù trưởng quốc ở những xã hội có đông hơn vài trăm thành viên là ở chỗ: quần thể càng đông người thì vấn đề hóc búa là giải quyết tranh chấp giữa những người xa lạ càng trở nên gay gắt. Một thực tế nữa càng làm giảm thiểu những rắc rối tiềm tàng trong việc giải quyết tranh chấp trong bộ lạc là hầu như ai cũng có liên hệ với nhau, theo huyết thống hoặc theo hôn nhân hoặc cả hai. Những mối dây mơ rễ má này ràng buộc mọi thành viên bộ lạc với nhau, khiến cho cảnh sát, luật pháp và các thiết chế giải quyết xung đột khác của một xã hội lớn hơn trở nên không cần thiết, bởi bất cứ hai dân làng nào xung đột với nhau cũng đều có chung nhiều người thân, những người thân này sẽ gây áp lực lên họ hoặc ngăn không cho họ dùng bạo lực. Trong xã hội New Guinea truyền thống, nếu một người New Guinea tình cờ gặp một người New Guinea không quen biết khi cả hai đang ở xa làng mình, cả hai sẽ trao đổi hồi lâu về họ hàng thân thích của mỗi bên nhằm cố xây dựng một mối quan hệ thân tộc giữa nhau, từ đó mà có lý do để không nên giết hại lẫn nhau.

Dẫu có nhiều khác biệt như vậy song giữa bầy người và bộ lạc vẫn có những điểm chung. Bộ lạc vẫn có một hệ thống chính quyền không chính thức, "bình đẳng". Tất cả mọi người đều tham gia vào việc nắm thông tin và ra quyết định. Ở vùng cao New Guinea, tôi đã quan sát nhiều cuộc họp làng mà ở đó tất cả người lớn trong làng đều có mặt, ngồi trên mặt đất, từng người một phát biểu, chẳng có vẻ gì là có một người "chủ trì" cuộc thảo luận. Nhiều làng vùng cao cũng có một người đóng vai trò "thủ lĩnh", ấy là người đàn ông có ảnh hưởng nhất trong làng. Nhưng vị "thủ lĩnh" này không hề có trụ sở làm việc chính thức và chỉ có quyền lực hạn chế. Thủ lĩnh không có quyền quyết định độc lập, không biết tới những bí quyết ngoại giao, và chẳng làm được gì hơn ngoài chuyện cố gắng lèo lái quyết định của cộng đồng. Các thủ lĩnh có được vị thế này nhờ phẩm chất cá nhân; chức vụ này không được cha truyền con nối.

Bộ lạc còn có một nét chung nữa với bầy người, đó là hệ thống xã hội "bình đẳng", không có sự phân chia thành dòng tộc cao thấp hoặc thành giai cấp. Không chỉ chức vụ không được cha truyền con nối, mà không một thành viên nào trong một bộ lạc hay bầy người truyền thống có thể trở thành giàu có hơn hẳn những người khác bằng nỗ lực của chính mình, bởi vì mỗi cá nhân đều có những món nợ và nghĩa vụ đối với nhiều người khác. Vì vậy nếu chỉ nhìn bề ngoài thì người ngoài không thể đoán được ai trong số những người đàn ông trưởng thành của một làng là thủ lĩnh, bởi ông ta cũng sống trong một loại căn lều như thế, mặc cũng những quần áo ấy, đeo cũng những thứ trang sức ấy, hoặc cũng trần trùng trục như bất cứ ai.

Cũng như bầy người, bộ lạc không có tầng lớp quan chức, lực lượng cảnh sát, không có thuế má. Kinh tế của họ dựa trên sự trao đổi qua lại giữa các cá nhân hay gia đình, chứ không phải là phân phối lại các vật phẩm cống nạp cho một chính quyền trung ương. Việc chuyên môn hóa kinh tế rất ít ỏi: không có những thợ thủ công chuyên nghiệp chỉ sống bằng nghề; tất cả người lớn trong độ tuổi lao động (kể cả thủ lĩnh) đều tham gia trồng trọt, hái lượm hay săn bắt. Tôi nhớ có lần khi đang đi qua một khu vườn ở quần đảo Solomon, tôi thấy một người đàn ông đang cuốc đất vẫy vẫy tôi đằng xa; tôi rất ngạc nhiên nhận ra đó là một người bạn tôi tên là Faletau. Ông là thợ khắc gỗ lừng danh nhất ở quần đảo Solomon, một nghệ sĩ có tài năng xuất chúng - nhưng dẫu vậy đi nữa ông cũng cứ phải tự cuốc đất trồng khoai lấy. Bởi các bộ lạc thiếu sự chuyên môn hóa trong kinh tế như vậy nên họ cũng không có nô lệ, bởi không có công việc chân tay chuyên môn hóa nào để nô lệ làm.

Cũng như khái niệm "nhà soạn nhạc thời cổ điển" hàm ý từ C.P.E. Bach tới Schubert và do đó có thể bao hàm những nhạc sĩ rất khác nhau như nhạc sĩ baroque và nhạc sĩ lãng mạn, các bộ lạc ở một cực đối lập thì gần với bầy người, ở cực khác thì giống các tù trưởng quốc. Đặc biệt, vai trò của vị thủ lĩnh trong bộ lạc trong việc chia thịt những con lợn được giết để tế lễ rất gần với vai trò của tù trưởng trong việc tập trung và tái phân phối lương thực cùng hàng hóa - mà lúc này đã được tái thể chế hóa dưới hình thức cống vật - trong các tù trưởng quốc. Tương tự, việc có hay không có những kiến trúc công cộng vốn được cho là một trong những yếu tố phân biệt bộ lạc với tù trưởng quốc, song những làng lớn ở New Guinea thường có những căn nhà thờ phụng (được gọi là haus tamburan trên sông Sepik) là tiền thân của đền thờ ở các tù trưởng quốc.

Tuy một vài bầy người và bộ lạc vẫn còn sống sót đến ngày nay ở những vùng đất xa xôi cằn cỗi ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, song tù trưởng quốc thì cho tới đầu thế kỷ hai mươi đã biến mất hoàn toàn, bởi chúng có khuynh hướng chiếm giữ những vùng đất ngon lành mà các quốc gia thường thèm khát. Nhưng, vào năm 1492 CN, các tù trưởng quốc vẫn còn phổ biến khắp vùng đông Hoa Kỳ ngày nay, ở những vùng đất năng sản tại Nam Mỹ và Trung Mỹ, cũng như châu Phi hạ Sahara mà lúc đó chưa rơi vào tay các quốc gia trong vùng, và ở toàn bộ quần đảo Polynesia. Bằng chứng khảo cổ được đề cập dưới đây gợi ý rằng các tù trưởng quốc đã phát sinh vào khoảng 5.500 năm tr.CN tại vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và vào khoảng 1.000 năm tr.CN ở Trung Mỹ và vùng Andes. Ta hãy xét những điểm đặc thù của tù trưởng quốc, vốn rất khác biệt với các nhà nước hiện đại ở châu Âu và châu Mỹ đồng thời cũng rất khác với xã hội bầy người và xã hội bộ lạc giản đơn.

Về quy mô dân số, tù trưởng quốc lớn hơn nhiều so với bộ lạc, từ vài ngàn tới vài chục ngàn dân. Quy mô đó tạo nên nguy cơ tiềm tàng nghiêm trọng đối với xung đột nội bộ bởi vì, đối với một người sống trong tù trưởng quốc, đại đa số những người khác trong tù trưởng quốc không có liên hệ gì với họ về huyết thống hay hôn nhân, và họ cũng chẳng hề biết tên biết tuổi. Với sự nảy sinh các tù trưởng quốc vào khoảng 7.500 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử người ta đã phải học cách gặp gỡ những người lạ một cách thường xuyên mà không tìm cách giết người ta.

Một phần giải pháp cho vấn đề đó là phải dành cho một người duy nhất, tức tù trưởng, có đặc quyền sử dụng quyền lực. Trái với thủ lĩnh bộ lạc, tù trưởng có nơi làm việc chính thức, chức vụ này được cha truyền con nối. Thay vì tình trạng vô chính phủ phi tập trung tại cuộc họp làng, tù trưởng là cơ quan chính quyền thường trực, tập trung, đưa ra mọi quyết định quan trọng và độc quyền nắm giữ những thông tin then chốt (chẳng hạn như tù trưởng nước láng giềng đang đích thân hăm dọa điều gì, hoặc chư thần đã hứa sẽ ban cho vụ mùa ra sao). Khác với thủ lĩnh, tù trưởng có thể nhận ra từ xa bởi những nét đặc trưng dễ thấy, chẳng hạn một cái quạt to đeo sau lưng trên đảo Rennell ở Tây Nam Thái Bình Dương. Thường dân khi gặp tù trưởng thì phải làm một số động tác nghi thức để tỏ lòng tôn kính, chẳng hạn cúi rạp mình xuống (như ở Hawaii). Các mệnh lệnh của tù trưởng có thể được truyền đạt thông qua một, hai cấp quan chức, trong số đó nhiều người bản thân cũng là tù trưởng cấp thấp. Tuy nhiên, trái với quan chức ở xã hội nhà nước, quan chức trong tù trưởng quốc chỉ có vai trò chung chung chứ không chuyên biệt. Tại Hawaii thuộc Polynesia, cũng các quan chức đó (gọi là konohiki) vừa thu cống vật vừa trông coi kênh mương, lại vừa tổ chức "lao động công ích" cho tù trưởng, trong khi xã hội nhà nước thì có những chức quan riêng, người chuyên thu thuế, người chuyên về thủy lợi đê điều, kẻ chuyên về nghĩa vụ quân sự.

Bởi dân số của tù trưởng quốc khá đông nhưng lại sống trên một địa bàn hẹp nên cần có nhiều lương thực - trong hầu hết trường hợp là sản xuất lương thực, trong một ít trường hợp là săn bắt hái lượm ở những vùng đặc biệt trù phú. Chẳng hạn, người châu Mỹ bản địa ở vùng Tây Bắc Hoa kỳ dọc bờ Thái Bình Dương như Kwakiutl, Nootka hay Tlingit từng sinh sống trong những làng do tù trưởng cai quản, hoàn toàn không trồng trọt hay chăn nuôi bởi vì sông và biển nơi họ sinh sống có rất nhiều cá hồi và cá halibut. Khoản thặng dư lương thực do một số người bị giáng xuống hàng thường dân sản xuất ra được dùng để nuôi tù trưởng, gia đình tù trưởng, quan lại và các thợ thủ công chuyên sản xuất canô, rìu hay ống nhổ hay những người chuyên làm nghề bắt chim, xăm mình.

Hàng hóa xa xỉ - gồm các sản phẩm thủ công chuyên nghiệp hoặc sản vật quý hiếm nhờ trao đổi đường dài mới có - đều được dành cho tù trưởng. Chẳng hạn, các tù trưởng Hawaii có áo choàng bằng lông chim, một số trong đó gồm tới hàng vạn chiếc lông và phải mất nhiều thế hệ mới chế tác được (dĩ nhiên là do những thợ làm áo choàng trong đám thường dân). Việc tập trung các món đồ xa xỉ như vậy trong di tích khảo cổ thường giúp ta nhận biết được các tù trưởng quốc, bởi một số ngôi mộ (của tù trưởng) chứa nhiều đồ vật đắt giá hơn những mộ khác (của thường dân), ngược lại với mộ táng theo kiểu "bình đẳng" trong những giai đoạn sớm hơn của lịch sử loài người. Một số tù trưởng quốc cổ xưa đạt trình độ phức tạp còn có thể phân biệt với làng bộ lạc ở chỗ chúng còn để lại di tích là những công trình kiến trúc công cộng tinh vi (chẳng hạn như đền thờ) và có những điểm định cư được phân theo thứ bậc, trong đó có một khu (nơi ở của tù trưởng lớn nhất) rộng hơn thấy rõ và có nhiều công trình hành chính cũng như vật phẩm chế tác hơn ở những nơi khác.

Cũng như bộ lạc, tù trưởng quốc bao gồm nhiều dòng dõi cha truyền con nối sống ở cùng một khu. Tuy vậy, trong khi các dòng dõi ở bộ lạc đều là những gia tộc bình đẳng với nhau thì ở tù trưởng quốc, mọi thành viên của dòng dõi tù trưởng đều được hưởng những đặc quyền có tính gia truyền. Trên thực tế, xã hội tù trưởng quốc chia ra thành tù trưởng cha truyền con nối và các tầng lớp thường dân, trong đó bản thân các tù trưởng Hawaii cũng lại chia ra thành những dòng tộc cha truyền con nối có phân chia thứ bậc, mỗi dòng tộc chỉ được cưới xin trong phạm vi dòng tộc đó mà thôi. Không những thế, do đã là tù trưởng thì phải có người hầu cận cũng như nhiều thợ thủ công chuyên nghiệp, cho nên tù trưởng quốc khác với bộ lạc ở chỗ có nhiều công việc mà nô lệ có thể làm, nô lệ thì thường bị bắt trong những cuộc tấn công càn quét.

Đặc tính nổi bật nhất về kinh tế của tù trưởng quốc là người ta không còn chỉ dựa trên sự trao đổi qua lại vốn đặc thù cho bầy người và bộ lạc, có nghĩa là A cho B một vật và chờ đợi rằng vào một thời điểm nào đó chưa xác định trong tương lai B cũng sẽ cho lại A một vật có giá trị tương đương. Chúng ta, cư dân các nhà nước của ngày nay, cũng thích những hành vi như tặng quà cho nhau vào những dịp sinh nhật và lễ lạc, song hầu hết các vật phẩm mà ta có được đều là qua hình thức mua bán bằng tiền theo luật cung cầu. Còn các tù trưởng quốc, tuy vẫn tiếp tục duy trì hình thức trao đổi qua lại chứ không có thị trường hay tiền tệ, vẫn phát triển một hệ thống bổ sung gọi là hệ thống tái phân phối. Một ví dụ đơn giản là mỗi khi đến kỳ thu hoạch mỗi nhà nông trong tù trưởng quốc đều nộp lúa mì cho tù trưởng, sau đó tù trưởng tổ chức một bữa tiệc linh đình cho tất cả mọi người và thết đãi bánh mì, nếu không thì sẽ trữ bánh mì lại, chờ đến những tháng giữa hai mùa thu hoạch thì dần dần phát lại cho dân. Khi một phần lớn hàng hóa nhận được từ thường dân không được phân phối lại cho dân mà được dòng tộc của tù trưởng cũng như các thợ thủ công giữ lại để tiêu thụ thì sản vật tái phân phối trở thành vật cống nạp vốn là tiền thân của thuế, xuất hiện đầu tiên ở các tù trưởng quốc. Tù trưởng yêu cầu thường dân không chỉ nộp các phẩm vật mà còn phải làm việc cho các công trình công cộng, mà các công trình này xét cho cùng lại có lợi cho thường dân (chẳng hạn như các hệ thống tưới tiêu giúp tăng sản lượng lương thực nuôi mọi người) song cũng có thể chỉ có lợi cho tù trưởng (chẳng hạn như xây lăng mộ nguy nga).

Nãy giờ chúng ta nói về tù trưởng quốc một cách chung chung, cứ như mọi tù trưởng quốc đều y như nhau. Trên thực tế, các tù trưởng quốc khác nhau đáng kể. Những tù trưởng quốc lớn hơn thì thường có những tù trưởng hùng mạnh hơn, dòng dõi tù trưởng có nhiều tôn ti thứ bậc hơn, sự khác biệt giữa tù trưởng và thường dân lớn hơn, tù trưởng thu cống vật nhiều hơn, có nhiều tầng lớp quan lại hơn, và những công trình công cộng to hơn. Chẳng hạn, các xã hội trên những hòn đảo Polynesia nhỏ bé thì gần với xã hội bộ lạc hơn, chỉ khác mỗi chuyện là chức tù trưởng được cha truyền con nối. Lều của tù trưởng trông cũng như bất cứ lều nào, không có quan lại cũng chẳng có những công trình công cộng, tù trưởng phân phối lại hầu hết các phẩm vật cho người dân, và đất thuộc quyền kiểm soát của cả cộng đồng. Nhưng trên những hòn đảo lớn nhất của Polynesia như Hawaii, Tahiti và Tonga, chỉ cần liếc qua đồ trang sức là có thể nhận ra ai là tù trưởng, những công trình công cộng được xây nên bằng lao động của số đông, hầu hết cống vật đều được tù trưởng giữ lại, và tất cả đất đai đều do tù trưởng cai quản. Mức độ phân chia thành tôn ti thứ bậc thường thấp hơn ở các xã hội mà đơn vị chính trị là một làng tự trị duy nhất, và cao hơn ở các xã hội bao gồm một số làng liên hiệp lại với nhau trong đó làng lớn nhất với vị tù trưởng lớn nhất cai quản các làng nhỏ hơn, mỗi làng nhỏ này lại có một vị tù trưởng nhỏ.

Đến giờ hẳn ta đã thấy, tù trưởng quốc đã đặt ra cái nan đề cơ bản đối với bất cứ xã hội nào theo chế độ cai quản tập trung và phi quân bình chủ nghĩa. Nếu tốt đẹp, các xã hội đó có thể cung cấp cho người dân những dịch vụ rẻ tiền mà nếu từng cá nhân thì không thể nào kham được. Còn trong trường hợp xấu nhất, chính quyền ở các xã hội đó vận hành như những lũ cướp ngày không biết xấu hổ là gì, chỉ chăm chăm lùa của cải từ thường dân sang tầng lớp thượng lưu. Chức năng cao quý đó [của các chính phủ] gắn bó không rời với chức năng vị kỷ, mặc dù một số chính phủ nhấn mạnh chức năng này hơn chức năng kia. Sự khác biệt giữa một kẻ cầm quyền chuyên vơ vét với một nhà lãnh đạo đầy thông tuệ, giữa một nhà quý tộc cướp ngày với một nhà cầm quyền chuyên làm điều lợi cho dân chỉ là một bước: vấn đề chỉ là giới cầm quyền giữ lại bao nhiêu phần trăm cống vật thu của người sản xuất, và thường dân có hài lòng về cách thức phân phối lại những cống vật mà họ đã nộp cho chính phủ hay không. Chúng ta coi Tổng thống Mobutu của Zaire là một nhà cầm quyền kẻ cướp bởi ông ta giữ lại quá nhiều cống vật (tương đương hàng tỷ đô la) mà phân phối lại quá ít (dưới thời ông ta ở Zaire không hề có hệ thống điện thoại nào). Chúng ta coi Georges Washington là một lãnh tụ quốc gia [chân chính] vì ông chi tiền thuế vào những chương trình đáng khâm phục chứ không lợi dụng ghế tổng thống để làm giàu. Nhưng dẫu sao, Georges Washington cũng sinh ra trong sự giàu sang, mà sự giàu sang ở Hoa Kỳ thì được tái phân phối một cách ít công bằng hơn nhiều so với ở các làng New Guinea.

Đối với bất cứ xã hội có đẳng cấp nào, dẫu tù trưởng quốc hay nhà nước, người ta đều phải đặt câu hỏi: tại sao thường dân lại để yên cho kẻ khác chuyển cái thành quả từ mồ hôi nước mắt của mình vào tay bọn cầm quyền ăn cướp? Câu hỏi này các nhà lý thuyết chính trị từ Plato đến Marx đều đã đặt ra, song ngay đến ngày nay vẫn được cử tri đặt ra như một câu hỏi mới trong bất kỳ cuộc tuyển cử nào. Những chính phủ ăn cướp thì ít được quần chúng ủng hộ và sẽ có nguy cơ bị lật đổ vì thường dân bị áp bức hoặc những [thế lực] mới nổi có khả năng thay thế kẻ cầm quyền, những giới này hứa hẹn sẽ dành một tỷ lệ cao hơn từ những vật phẩm ăn cướp được để tái phân phối vào những công trình dân dụng. Chẳng hạn, lịch sử Hawaii thường xuyên có những cuộc nổi dậy chống những tù trưởng tham lam bạo ngược, các cuộc nổi dậy đó thường là do những người trẻ tuổi hứa hẹn [với dân thường] là [họ nếu lên cầm quyền thì sẽ] ít áp bức hơn. Điều này thoạt nghe có vẻ nực cười đối với chúng ta trong bối cảnh lịch sử Hawaii, song ta hãy nhớ lại rằng những cuộc đấu tranh tương tự vậy vẫn đang tiếp tục gây bao thống khổ trong thế giới ngày nay.

Thiểu số cầm quyền nên làm gì để được dân chúng ủng hộ mà bản thân vẫn được sống đàng hoàng sung túc hơn so với thường dân? Kẻ cầm quyền, thời nào cũng vậy, thường áp dụng kết hợp bốn giải pháp sau:

1. Không cho dân thường mang vũ khí, chỉ thiểu số cầm quyền mới được mang vũ khí. Việc đó dễ dàng hơn nhiều trong thời đại ngày nay khi vũ khí kỹ thuật cao chỉ được sản xuất bởi dăm nhà máy và dễ dàng chỉ nằm trong tay thiểu số cầm quyền, so với ngày xưa khi vũ khí là lao và dùi cui mà dân thường ai cũng có thể tự chế ra ở nhà mình.

2. Làm cho quần chúng hài lòng bằng cách phân phối lại hầu hết cống vật thu được, bằng những cách hợp lòng dân. Nguyên lý này có giá trị đối với các tù trưởng Hawaii cũng như với các chính trị gia Hoa Kỳ ngày nay.

3. Dùng sự độc quyền về sức mạnh để bảo đảm hạnh phúc [của người dân], bằng cách duy trì trật tự cộng đồng và kiềm chế bạo lực. Đây có lẽ là một ưu thế lớn - song chưa được hiểu đúng - của các xã hội tập trung hóa so với các xã hội phi tập trung. Trước đây các nhà nhân chủng học thường lý tưởng hóa các xã hội bầy người và bộ lạc, xem đó là những xã hội hiền lành không bạo lực, bởi các nhà nhân chủng học khi đến sống giữa một bầy người gồm 25 người đã không hề thấy một vụ giết người nào trong suốt ba năm nghiên cứu. Dĩ nhiên là họ không thể thấy được rồi: chẳng khó gì tính ra rằng một bầy người gồm một tá người lớn và một tá trẻ con - mà dù thế nào thì cũng không tránh khỏi chết vì những nguyên nhân thông thường ngoài việc giết người - ắt sẽ không thể tồn tại nếu ngoài những nguyên nhân đó ra cứ ba năm một lần một trong số một tá người lớn đó lại giết một người khác. Nếu nghiên cứu dài hạn hơn và sâu rộng hơn nhiều về các xã hội bầy người và bộ lạc, ta sẽ nhận ra rằng giết người là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Chẳng hạn, có lần tôi đến thăm dân tộc Iyau ở New Guinea tình cờ đúng lúc một nhà nữ nhân chủng học đang phỏng vấn các phụ nữ Iyau về chuyện đời của họ. Hết người này đến người khác, các phụ nữ này mỗi khi được yêu cầu cho biết tên chồng mình đều kể ra một loạt mấy ông chồng mà tất cả đều chết những cái chết đầy bạo lực. Một câu trả lời tiêu biểu là thế này: "Ông chồng đầu tiên của tôi bị những người Elopi đột kích giết chết. Chồng thứ hai của tôi bị giết bởi một người thèm muốn tôi, người đó sau trở thành chồng thứ ba của tôi. Ông chồng này bị em trai ông chồng thứ hai của tôi giết chết để trả thù cho anh". Những câu chuyện đó là bình thường như cơm bữa đối với cái gọi là những dân bộ lạc hiền lành và là một phần lý do khiến người ta chấp nhận hình thức chính quyền tập trung khi xã hội bộ lạc ngày một lớn hơn.

4. Cách còn lại để các nhà cầm quyền giành được sự ủng hộ của quần chúng là xây dựng một ý thức hệ hoặc một tôn giáo nhằm biện minh cho chính quyền. Các bầy người và bộ lạc vốn dĩ đã có những tín ngưỡng siêu nhiên, cũng như các thiết chế tôn giáo hiện đại. Song các tín ngưỡng siêu nhiên của bầy người và bộ lạc không nhằm biện chính cho chính quyền trung ương, biện chính cho sự chuyển giao của cải hoặc duy trì hòa bình giữa các cá nhân không có liên hệ [về huyết thống]. Khi tín ngưỡng siêu nhiên mang lấy những chức năng đó và trở nên thể chế hóa, chúng biến thành cái mà chúng ta gọi là tôn giáo. Các tù trưởng Hawaii là tiêu biểu cho các tù trưởng hoặc nhà cầm quyền ở bất cứ nơi nào khác trong việc tự nhận mình là thần linh, hậu duệ của thần linh hay ít nhất là trung gian liên lạc với thần linh. Tù trưởng tuyên bố mình phụng sự nhân dân bằng cách làm trung gian giữa họ với thần linh và đọc thần chú cầu mưa, mong cây trồng tươi tốt và đánh cá được mùa.

Đặc trưng của tù trưởng quốc là có một ý thức hệ, tiền thân của tôn giáo được thể chế hóa, nhằm củng cố thêm chính quyền của tù trưởng. Tù trưởng có thể là sự kết hợp nhà lãnh đạo chính trị với nhà tư tế trong cùng một con người, hoặc hỗ trợ một nhóm nhà tư tế riêng biệt, chức năng của nhóm này là biện chính cho tù trưởng về phương diện ý thức hệ. Chính vì vậy các tù trưởng quốc mới dành riêng nhiều phần cống vật thu được từ dân đến vậy vào việc xây dựng đền đài và các công trình công cộng khác vốn được dùng làm trung tâm tôn giáo chính thức và dấu hiệu nhãn tiền về quyền lực của tù trưởng.

Ngoài việc biện chính cho sự chuyển giao của cải cho giới cầm quyền, các tôn giáo được thể chế hóa còn mang lại hai cái lợi quan trọng khác cho các xã hội tập trung. Thứ nhất, nhờ có một ý thức hệ hay tôn giáo chung mà người ta giải quyết được vấn đề làm sao những cá nhân không có liên hệ gì với nhau có thể cùng chung sống mà không giết hại nhau - bằng cách khiến hai người gắn bó với nhau bởi một mối liên hệ không dựa trên dòng máu. Thứ hai, nó cho người ta có một động cơ - ngoài động cơ tư lợi mang tính di truyền - để hy sinh mạng sống mình vì người khác. Bằng cái giá một ít thành viên của xã hội chết trên chiến trường như những chiến binh, toàn xã hội trở nên hữu hiệu hơn nhiều trong việc chinh phục các xã hội khác hay kháng cự những trước cuộc tấn công [của kẻ thù].

Các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội quen thuộc nhất với chúng ta ngày nay là thể chế nhà nước mà hiện nay đang thống trị trên toàn bộ đất liền của thế giới trừ châu Nam cực. Nhiều nhà nước cổ đại và tất cả các nhà nước hiện đại đều có tầng lớp cầm quyền có học thức, nhiều nhà nước hiện đại còn có cả quần chúng có học thức. Các nhà nước đã biến mất thường để lại những dấu ấn khảo cổ dễ nhận ra, chẳng hạn di tích những đền đài có thiết kế được tiêu chuẩn hóa, ít nhất bốn cấp độ quy mô định cư, và những phong cách đồ gốm trải rộng trên hàng vạn dặm vuông. Nhờ vậy ta biết rằng nhà nước đã nảy sinh vào khoảng 3.700 năm tr.CN ở vùng Lưỡng Hà và khoảng 300 năm tr.CN ở Trung Mỹ, trên 2.000 năm trước ở vùng Andes, Trung Hoa và Đông Nam Á, trên 1.000 năm trước ở Tây Phi. Vào thời hiện đại người ta vẫn thường xuyên chứng kiến những nhà nước hình thành từ tù trưởng quốc. Nhờ đó ta nắm được nhiều thông tin về các nhà nước trong quá khứ và quá trình hình thành chúng, nhiều hơn gấp bội so với thông tin về các tù trưởng quốc, bộ lạc và bầy người trong quá khứ.

Ảnh 17: Một người Bắc Mỹ bản địa: tù trưởng Ngựa Đốm của bộ lạc Pawnee thuộc vùng Đồng bằng Lớn.

Ảnh 18: Một người Bắc Mỹ bản địa khác: một phụ nữ Navajo thuộc vùng tây nam Hoa Kỳ.

Ảnh 19: Một phụ nữ Tungus vùng Siberia.

Ảnh 20: Một phụ nữ Java đang gặt lúa. Ảnh 12 và 13 mô tả những người nói các ngôn ngữ Austronesia.

Ảnh 21: Một phụ nữ Polynesia, cư dân đảo Rapa thuộc Thái Bình Dương nhiệt đới, cách Java 7.000 dặm (11.200 km - ND) về phía đông.

Ảnh 22: Một bé gái Trung Hoa đang đi hái măng.

Ảnh 23: Một phụ nữ Khoisan ở sa mạc Kalahari, nước Botswana, miền nam châu Phi.

Ảnh 24: Một cô gái Pygmy ở vùng rừng Ituri, châu Phi xích đạo.

Ảnh 25: Một người Đông Phi nói tiếng Nilo-Sahara: một người đàn ông Nuer ở Sudan.

Ảnh 26: Một phụ nữ Đông Phi nói tiếng Niger-Congo nhưng không phải Bantu: một phụ nữ Zande ở Sudan.

Ảnh 27: Một bà mẹ Kenya cùng con gái ngồi trên giường có giăng màn để chống muỗi truyền bệnh sốt rét.

Ảnh 28: Nhân sư và Đại Kim tự tháp ở Giza, dựng nên bởi các hoàng đế Ai Cập (pharaon) thuộc Vương triều thứ tư, một trong các nhà nước xưa nhất thế giới.

Ảnh 29: Ngôi đền tạc từ đá nguyên khối ở Petra, công trình của vương quốc Nabatea từng hưng thịnh vào khoảng 2.000 năm trước, ở khu vực nay là nước Jordan.

Ảnh 30: Một cô gái Nhật đang viết chữ bằng bút lông.

Ảnh 31: Các nông dân Nhật Bản làm việc trên đồng lúa. Nông nghiệp thâm canh có tưới tiêu ở Nhật Bản nuôi sống một trong những xã hội có mật độ dân cư cao nhất thế giới.

Ảnh 32: Ảnh chụp từ trên không các tòa nhà chọc trời ở khu Shibuya, Tokyo, Nhật Bản, một trong những xã hội giàu có nhất và tiên tiến nhất về công nghệ ngày nay.

Các nhà nước sơ khai vẫn giữ nhiều đặc điểm của những tù trưởng quốc lớn (gồm nhiều bộ lạc). Chúng tiếp tục tăng trưởng về quy mô từ bầy người đến bộ lạc rồi đến tù trưởng quốc. Trong khi dân số của tù trưởng quốc thường từ dăm ngàn cho tới ít vạn người thì dân số của hầu hết nhà nước hiện đại vượt quá một triệu người, Trung Hoa đến những hơn một tỷ. Vị trí của tù trưởng lớn nhất có thể trở thành thủ đô của nhà nước. Các trung tâm dân cư khác của nhà nước ngoài thủ đô ra cũng có thể là những thành phố thật sự, điều này không có ở tù trưởng quốc. Thành phố khác với làng ở chỗ có những công trình công cộng đồ sộ, cung điện của nhà cầm quyền, có sự tích lũy của cải từ cống vật hoặc thuế, và tập trung những người làm các công việc khác ngoài sản xuất lương thực.

Các nhà nước buổi đầu thường có một nhà lãnh đạo cha truyền con nối với danh vị tương đương với vua, giống như một tù trưởng tối cao và thậm chí càng độc chiếm hơn về quyền nắm giữ thông tin, quyền ra quyết định và quyền cai trị. Ngay cả trong những nền dân chủ ngày nay, chỉ một ít cá nhân mới có thể tiếp nhận những tri thức cốt yếu, kiểm soát dòng thông tin chuyển đến những người còn lại trong chính phủ và do đó kiểm soát quá trình ra quyết định. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962, lúc đầu Tổng thống Kennedy chỉ cho phép một ủy ban chấp hành gồm mười người thuộc Hội đồng An ninh quốc gia do chính ông bổ nhiệm được tiếp cận thông tin và tham gia những cuộc thảo luận có vai trò quyết định liệu cuộc chiến hạt nhân có nhấn chìm nửa tỉ người hay không; khi cần ra những quyết định cuối cùng, ông thu hẹp lại chỉ còn một nhóm gồm bốn thành viên trong đó có chính ông và ba vị bộ trưởng nội các.

Việc kiểm soát từ trung ương có ảnh hưởng sâu xa hơn và sự tái phân phối kinh tế dưới dạng cống vật (nay được đổi tên thành thuế) là rộng rãi hơn ở nhà nước so với ở tù trưởng quốc. Sự chuyên môn hóa trong kinh tế là cực đoan hơn, cho đến độ ngày nay thậm chí nông dân cũng không còn tự cấp tự túc được nữa. Vì vậy cho nên khi chính phủ nhà nước bị sụp đổ thì tác động đối với xã hội thật là tai hại, như đã xảy ra tại Anh khi quân đội, chính quyền và đồng tiền La Mã bị loại bỏ trong khoảng từ năm 407 đến năm 411. Ngay cả những nhà nước Lưỡng Hà xưa nhất cũng từng áp dụng phương thức kiểm soát tập trung đối với nền kinh tế của mình. Lương thực của họ được sản xuất bởi bốn nhóm chuyên môn hóa (nông dân chuyên trồng ngũ cốc, người chăn nuôi, người đánh cá và người trồng vườn), nhà nước thu sản phẩm của từng nhóm rồi phân phát cho từng nhóm các nhu yếu phẩm, công cụ và những lương thực khác (không phải thứ mà nhóm đó sản xuất ra). Nhà nước cung cấp hạt giống và súc vật kéo cày cho nông dân trồng ngũ cốc, lấy len từ người chăn nuôi, trao đổi len thông qua buôn bán đường dài để lấy kim loại và các nguyên liệu cần thiết khác, và trả cho các nhân công có nhiệm vụ duy trì hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng khẩu phần lương thực.

Nhiều, có thể là hầu hết các nhà nước cổ xưa sử dụng nô lệ trên quy mô lớn hơn nhiều so với các tù trưởng quốc. Đó chẳng phải vì các tù trưởng quốc đối xử tử tế hơn với những kẻ thù bại trận, mà là bởi các nhà nước có sự chuyên môn hóa cao hơn trong kinh tế, có nền sản xuất đại trà hơn và nhiều công trình công cộng hơn, nên có nhiều đất để dùng lao động nô lệ hơn. Ngoài ra, vì chiến tranh ở cấp độ nhà nước có quy mô lớn hơn nên tù binh cũng nhiều hơn.

Tù trưởng quốc chỉ có một hoặc hai cấp chính quyền, nhưng lên đến nhà nước thì con số đó tăng lên gấp bội, điều đó bất cứ ai từng thấy sơ đồ tổ chức một chính phủ đều hiểu rõ. Cùng với sự nhân bội các cấp chính quyền theo hàng dọc, lại cũng có sự chuyên môn hóa theo hàng ngang. Thay vì những konohiki thực hiện đủ thứ công việc hành chính cho một quận ở Hawaii, các chính phủ nhà nước có hẳn nhiều bộ riêng biệt, mỗi bộ có cấu trúc tôn ti thứ bậc riêng, phụ trách từng lĩnh vực như quản lý nước, thu thuế, quân dịch, vân vân. Ngay cả những nhà nước nhỏ cũng có hệ thống quan chức phức tạp hơn so với những tù trưởng quốc lớn. Chẳng hạn, nhà nước Maradi ở Tây Phi có chính quyền tập trung gồm trên 130 phòng ban có chức danh.

Việc giải quyết xung đột nội bộ trong các nhà nước ngày càng được chính thức hóa bởi luật pháp, tòa án và cảnh sát. Luật thường được viết thành văn bản, bởi nhiều nhà nước (trừ những trường hợp ngoại lệ dễ thấy như nhà nước Inca) có những giới tinh hoa có học thức, chữ viết đã phát triển hầu như cùng lúc với sự hình thành các nhà nước xưa nhất ở cả Lưỡng Hà lẫn Trung Mỹ. Ngược lại, không một tù trưởng quốc xưa nào chưa đạt đến giai đoạn chuyển sang nhà nước mà lại từng phát minh ra chữ viết.

Các nhà nước đầu tiên có tôn giáo nhà nước và những đền đài được chuẩn hóa. Nhiều vị vua đầu tiên được coi là thần thánh và được đối xử đặc biệt với không biết bao nhiêu tôn kính. Chẳng hạn, các hoàng đế Aztec và Inca đi đâu cũng được khênh trên kiệu; những người hầu vừa đi trước kiệu của hoàng đế Inca vừa quét cho mặt đất sạch bong; và tiếng Nhật có những dạng đặc biệt của đại từ thứ hai ngôi số ít chỉ dùng khi xưng hô với nhà vua. Bản thân các vị vua đầu tiên là vị giáo chủ của tôn giáo nhà nước, không thì cũng có những vị tư tế cao cấp của riêng mình. Đền thờ Lưỡng Hà không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm tái phân phối kinh tế, trung tâm chữ viết và trung tâm thủ công nghệ.

Tất cả những đặc tính đó của nhà nước đều đưa đến mức cực đoan những bước phát triển từng dẫn bộ lạc tiến lên tù trưởng quốc. Dẫu vậy, bên cạnh đó các nhà nước vẫn khác biệt với tù trưởng quốc theo một số hướng mới. Khác biệt cơ bản nhất trong số này là nhà nước được tổ chức trên phương châm chính trị và lãnh thổ, chứ không phải trên phương châm quan hệ huyết thống như bầy người, bộ lạc và tù trưởng quốc giản đơn. Hơn nữa, bầy người và bộ lạc thì luôn luôn - còn tù trưởng quốc thì thường - bao gồm chỉ một nhóm dân tộc và ngôn ngữ duy nhất. Thế nhưng nhà nước - đặc biệt là những cái gọi là đế quốc hình thành bằng cách hợp nhất hoặc chinh phục nhiều nhà nước - thường là đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Quan lại nhà nước thường được chọn không phải chủ yếu dựa trên quan hệ thân tộc như ở tù trưởng quốc, mà là những người chuyên môn được lựa chọn ít nhất cũng một phần trên cơ sở đào tạo và năng lực. Ở các nhà nước về sau, kể cả hầu hết các nhà nước ngày nay, vị trí lãnh đạo thường không phải cha truyền con nối, và nhiều nhà nước đã từ bỏ toàn bộ hệ thống giai cấp chính thức cha truyền con nối thừa hưởng từ thời tù trưởng quốc.

Trong suốt 13.000 năm qua trong lịch sử loài người, xu hướng chủ đạo là những đơn vị nhỏ hơn, ít phức tạp hơn bị thay thế bằng những đơn vị lớn hơn, phức tạp hơn. Hiển nhiên, đó chẳng qua là một xu hướng dài hạn trung bình, bởi có vô số những sự chuyển dịch từ hướng này sang hướng nọ và ngược lại: cứ 1.000 trường hợp hợp nhất thì lại có 999 trường hợp phân liệt. Đọc báo chúng ta cũng biết rằng những đơn vị lớn (chẳng hạn như Liên Xô cũ, Nam Tư và Tiệp Khắc) có thể phân liệt thành những đơn vị nhỏ hơn, cũng như đế quốc của Alexander Đại đế hơn 2.000 năm trước. Những đơn vị phức tạp hơn không phải bao giờ cũng chinh phục được những đơn vị kém phức tạp hơn, mà ngược lại còn có thể không địch nổi chúng, như khi đế quốc La Mã bị các tù trưởng quốc "dã man" xâu xé còn đế quốc Trung Hoa thì bị tù trưởng quốc Mông Cổ xâm lăng. Song xu hướng dài hạn vẫn là tiến dần tới những xã hội lớn và phức tạp mà đỉnh cao là nhà nước.

Cũng hiển nhiên là, sở dĩ các nhà nước có thể chiến thắng những đơn vị xã hội đơn giản hơn khi hai bên đụng độ nhau là do các nhà nước thường có ưu thế về vũ khí và các công nghệ khác, và ưu thế rất lớn về dân số. Nhưng còn có hai ưu thế tiềm tàng khác nữa gắn liền với tù trưởng quốc và nhà nước. Thứ nhất, khi quyền ra quyết định chỉ tập trung ở một người, người đó có ưu thế là có thể huy động quân đội và nguồn lực. Thứ hai, các tôn giáo chính thức và nhiệt tình ái quốc của nhiều nhà nước khiến cho quân đội của họ chiến đấu quên mình.

Ở các nhà nước hiện đại ngày nay, cái nhiệt tình chiến đấu quên mình vì nước đó được nhà trường, tôn giáo và chính phủ lập trình sẵn cho công dân chúng ta một cách mạnh mẽ đến mức chúng ta quên mất rằng nó đã là một bước ngoặt cơ bản đến thế nào trong lịch sử loài người trước đây. Mỗi nhà nước đều có những khẩu hiệu riêng nhằm thôi thúc công dân sẵn sàng chết nếu cần vì nhà nước: "Vì Nhà vua và Đất nước" như của Anh, "Vì Thượng đế và Tây Ban Nha (Por Dios y España)" của Tây Ban Nha, vân vân. Những tình cảm tương tự cũng từng kích động những chiến binh Aztec hồi thế kỷ XVI: "Không có gì sánh được với cái chết trong chiến trận, không gì sánh được cái chết nở hoa xiết bao quý báu với Người [vị thần quốc hồn quốc túy Huitzilopochtli của người Inca] kẻ ban sự sống: tôi nhìn thấy nó ở xa kia, tim tôi mong mỏi nó!"

Những tình cảm đó không thể có được ở bầy người và bộ lạc. Các bạn New Guinea của tôi từng kể cho tôi nhiều câu chuyện về những cuộc chiến tranh bộ lạc trước kia của họ, trong những câu chuyện đó không một lần nào họ nhắc tới lòng ái quốc kiểu bộ lạc, nhiệm vụ cảm tử hay bất cứ hành vi quân sự nào khác mà dù biết mình có thể mất mạng người ta vẫn sẵn sàng thực hiện. Thay vì vậy, các cuộc tấn công thường khởi đầu bằng cách phục kích hoặc bằng lực lượng vượt trội, sao cho hạn chế bằng mọi giá cái rủi ro mình có thể mất mạng vì bộ lạc của mình. Song chính thái độ đó đã làm hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn quân sự của bộ lạc so với các xã hội nhà nước. Lẽ tự nhiên, cái khiến cho những kẻ cuồng tín ái quốc và cuồng tín tôn giáo trở thành những đối thủ nguy hiểm đến vậy không phải là cái chết của bản thân kẻ cuồng tín, mà là việc họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng của nhiều người trong số họ để tiêu diệt hay đè bẹp kẻ thù. Chủ nghĩa cuồng tín trong chiến tranh, kiểu đã khiến người Thiên chúa giáo và người Hồi giáo tiến hành những cuộc chinh phục được ghi trong sử sách, có lẽ mãi đến khi tù trưởng quốc và nhất là nhà nước xuất hiện trong vòng 6.000 năm trở lại đây thì nó mới xuất hiện trên Trái đất.

Bằng cách nào các xã hội nhỏ, phi tập trung hóa, dựa trên cơ sở thân tộc đã tiến hóa thành những xã hội lớn, tập trung hóa mà trong đó hầu hết thành viên không có quan hệ họ hàng gần gũi với nhau? Sau khi khảo sát các giai đoạn trong sự chuyển hóa từ bầy người lên nhà nước, giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: cái gì đã thúc đẩy các xã hội tự chuyển hóa mình như vậy?

Ở nhiều thời điểm trong lịch sử, các nhà nước đã phát sinh một cách độc lập - hoặc, như các nhà nhân chủng học văn hóa nói, một cách "nguyên thủy", nghĩa là không hề có nhà nước nào khác tồn tại từ trước ở xung quanh chúng. Nhà nước nguyên thủy phát sinh ít nhất một lần, cũng có thể nhiều lần, ở tất cả các lục địa ngoại trừ Australia và Bắc Mỹ. Các nhà nước tiền sử bao gồm các nhà nước ở Lưỡng Hà, Bắc Trung Hoa, thung lũng sông Nile và sông Ấn, Trung Mỹ, vùng Andes và Tây Phi. Các nhà nước bản địa có tiếp xúc với các nhà nước châu Âu đã nhiều lần phát sinh từ tù trưởng quốc trong vòng ba thế kỷ gần đây nhất ở Madagascar, Hawaii, Tahiti và nhiều vùng của châu Phi. Các tù trưởng quốc phát sinh nguyên thủy thậm chí còn thường gặp hơn, ở tất cả các khu vực kể trên và còn ở cả vùng Đông Nam và Tây Bắc của Bắc Mỹ, vùng Amazon, Polynesia và châu Phi hạ Sahara. Tất cả các nguồn phát sinh xã hội phức tạp nói trên cho ta một cơ sở dữ liệu phong phú nhằm thấu hiểu sự phát triển của các xã hội đó.

Trong số nhiều lý thuyết hòng lý giải vấn đề nguồn gốc của nhà nước, lý thuyết đơn giản nhất cho rằng hoàn toàn chẳng có vấn đề gì cần phải lý giải hết. Aristotle cho rằng nhà nước là điều kiện tự nhiên của xã hội loài người, không cần phải lý giải gì cả. Sai lầm của ông có thể hiểu được, bởi vì hẳn tất cả những xã hội mà ông biết - các xã hội Hy Lạp vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên - thảy đều là nhà nước cả. Tuy nhiên, ngày nay ta biết rằng vào năm 1492, hầu hết thế giới vẫn còn được tổ chức thành tù trưởng quốc, bộ lạc hay bầy người. Việc hình thành nhà nước thực sự cần được giải thích.

Lý thuyết kế tiếp là lý thuyết quen thuộc nhất. Triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau cho rằng nhà nước được hình thành bởi một khế ước xã hội, một quyết định duy lý đạt được khi người ta đã tính toán lợi ích của bản thân mình, thỏa thuận với nhau rằng nếu ở trong một nhà nước thì tốt hơn là ở các xã hội giản đơn hơn, và tự nguyện từ bỏ các xã hội giản đơn hơn của họ. Thế nhưng, người ta chưa hề thấy và cứ liệu lịch sử cũng chưa hề ghi nhận được dù chỉ một trường hợp duy nhất khi nhà nước được hình thành trong bầu không khí thanh cao với sự nhìn xa trông rộng không bận chút tư lợi đó. Các đơn vị nhỏ hơn không hề tự nguyện từ bỏ chủ quyền của mình đặng hợp nhất thành đơn vị lớn hơn. Chúng chỉ hợp nhất khi bị [kẻ khác] chinh phục hoặc vì sức ép từ bên ngoài mà thôi.

Một lý thuyết thứ ba, vẫn còn phổ biến đối với vài sử gia và nhà kinh tế học, xuất phát từ sự kiện hiển nhiên rằng ở cả Lưỡng Hà lẫn Bắc Trung Hoa và Mexico, những hệ thống tưới tiêu quy mô lớn đã bắt đầu được xây dựng vào cùng khoảng thời gian khi các nhà nước bắt đầu xuất hiện. Lý thuyết này cũng lưu ý rằng bất cứ hệ thống tưới tiêu hay quản lý nguồn nước nào mà lớn và phức tạp thì đều đòi hỏi phải có chính quyền tập trung để xây dựng và duy trì nó. Như vậy là lý thuyết này biến một sự tương quan thuần túy về thời gian quan sát được thành một chuỗi nhân quả được mặc nhiên coi là đúng. Người ta đặt giả thiết rằng, người Lưỡng Hà, người Bắc Trung Hoa và người Mexico đã tiên liệu được rằng một hệ thống tưới tiêu quy mô lớn sẽ đem lại cho họ những thuận lợi nào, mặc dù vào thời điểm đó không hề có một hệ thống nào như vậy ở quanh họ trong vòng vài ngàn dặm (hay thậm chí ở bất cứ đâu trên Trái đất) để minh họa cho họ thấy những thuận lợi ấy. Những con người nhìn xa trông rộng đó đã quyết định hợp nhất những tù trưởng quốc bé nhỏ kém hữu hiệu của mình lại thành một nhà nước lớn hơn có khả năng ban cho họ cái hệ thống tưới tiêu quy mô lớn đó.

Tuy nhiên, cái "lý thuyết thủy lực" này về sự hình thành nhà nước lại cũng bị phản bác chẳng kém gì các lý thuyết về khế ước xã hội nói chung. Cụ thể hơn, nó chỉ lý giải giai đoạn cuối cùng trong sự tiến hóa của các xã hội phức tạp. Nó không nói năng gì về chuyện cái gì đã khiến bầy người tiến hóa thành bộ lạc rồi thành tù trưởng quốc trong suốt hàng bao nhiêu ngàn năm trước khi người ta nhìn thấy viễn cảnh hệ thống tưới tiêu quy mô lớn. Khi các niên đại lịch sử hoặc khảo cổ được khảo sát chi tiết, chúng không thể hỗ trợ cho quan điểm cho rằng hệ thống tưới tiêu là động lực chủ đạo cho sự hình thành nhà nước. Ở Lưỡng Hà, Bắc Trung Hoa, Mexico và Madagascar, những hệ tưới tiêu quy mô nhỏ đã tồn tại từ trước khi xuất hiện nhà nước. Sự xây dựng các hệ thống tưới tiêu quy mô lớn không đi kèm với sự xuất hiện các nhà nước, mà chỉ diễn ra mãi lâu về sau ở từng khu vực kể trên. Ở hầu hết các nhà nước hình thành trên khu vực Maya của Trung Mỹ và vùng Andes, các hệ thống tưới tiêu luôn luôn là những hệ thống quy mô nhỏ mà các cộng đồng địa phương có thể tự mình xây dựng và duy trì được. Như vậy, ngay cả ở những khu vực nơi các hệ thống quản lý nguồn nước phức tạp đã ra đời, chúng vẫn chỉ là hệ quả thứ yếu của các nhà nước vốn đã được hình thành do những nguyên nhân khác.

Tôi thì cho rằng, về sự hình thành nhà nước, có một cách nhìn nhận có nhiều khả năng đúng, ấy là một sự kiện hiển nhiên có căn cứ vững hơn nhiều so với sự tương quan đơn thuần [về mặt thời gian] giữa hệ thống tưới tiêu với sự hình thành một vài nhà nước - cụ thể là, quy mô dân số của từng khu vực mới là chỉ báo hùng hồn nhất về sự phức tạp về xã hội. Như ta đã thấy, các bầy người chỉ có vài tá cá thể, bộ lạc chỉ có vài trăm, tù trưởng quốc có từ vài ngàn tới vài vạn, còn nhà nước thường có khoảng trên 50.000 người. Ngoài sự tương quan thuần túy đó giữa quy mô dân số từng khu vực với loại hình xã hội (bầy người, bộ lạc, v.v.) của khu vực đó, còn một xu hướng khó thấy hơn bên trong mỗi loại hình trên, giữa dân số với độ phức tạp về xã hội: chẳng hạn, tù trưởng quốc nào có dân số đông hơn thường cũng là tù trưởng quốc tập trung hóa hơn, phân chia giai cấp hơn và phức tạp hơn.

Những sự tương quan đó gợi ý mạnh mẽ rằng quy mô dân số khu vực hay mật độ dân số hay sức ép dân số quả thật có liên quan thế nào đó với sự hình thành các xã hội phức tạp. Song bản thân những sự tương quan đó không thể cho ta biết chính xác rằng biến tố dân số có tác động thế nào đến chuỗi nhân quả mà kết quả sau cùng là một xã hội phức tạp. Để truy cho ra chuỗi nhân quả đó, ta hãy cùng nhớ lại xem bản thân dân số đông và mật độ cao đã phát sinh như thế nào. Có cơ sở ấy rồi, cuối cùng ta sẽ quay lại câu hỏi: Bằng cách nào một xã hội giản đơn đã thực sự trở thành một xã hội phức tạp hơn khi dân số ở khu vực đó tăng lên.

Ta đã thấy rằng dân số đông hoặc dân cư mật độ cao chỉ phát sinh trong điều kiện sản xuất lương thực, hay ít nhất là trong điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho săn bắt hái lượm. Một số xã hội săn bắt hái lượm có năng suất cao cũng đã đạt tới trình độ tổ chức tù trưởng quốc, song không một xã hội nào trong số đó đạt tới trình độ nhà nước; mọi nhà nước đều phải nhờ sản xuất lương thực mới nuôi sống được công dân mình. Mấy điểm cần suy nghĩ đó, cùng với mối tương quan giữa quy mô dân số khu vực và độ phức tạp xã hội mà ta vừa nhắc tới trên đây, đã dẫn tới một cuộc tranh luận dài dòng kiểu "con gà và quả trứng cái nào có trước" về mối quan hệ nhân quả giữa sản xuất lương thực, biến tố dân số và độ phức tạp xã hội. Có phải sản xuất lương thực thâm canh là nguyên nhân kích thích tăng trưởng dân số và bằng cách nào đó dẫn đến một xã hội phức tạp? Hay ngược lại, chính dân số đông và xã hội phức tạp mới là nguyên nhân dẫn đến thâm canh sản xuất lương thực?

Đặt câu hỏi theo lối hoặc thế này hoặc thế kia như vậy là không đúng vấn đề. Sản xuất lương thực thâm canh và độ phức tạp kích thích lẫn nhau, theo kiểu tự xúc tác. Nghĩa là, tăng trưởng dân số dẫn tới độ phức tạp xã hội, theo những cơ chế mà ta sẽ bàn tới sau đây, trong khi độ phức tạp xã hội đến lượt mình lại dẫn tới sản xuất lương thực thâm canh và do đó tới tăng trưởng dân số. Các xã hội phức tạp tập trung hóa là những xã hội duy nhất có khả năng tổ chức những công trình công cộng (trong đó có hệ thống tưới tiêu), thương mại đường dài (trong đó có tầm quan trọng của kim loại trong việc chế tác ra công cụ làm nông tốt hơn), và hoạt động của các nhóm chuyên môn hóa khác nhau trong kinh tế (như ngũ cốc của người trồng trọt dùng để nuôi người chăn nuôi, còn gia súc của người chăn nuôi được chuyển cho người trồng trọt để kéo cày). Các khả năng đó của xã hội tập trung hóa đã tạo điều kiện cho sản xuất lương thực thâm canh phát triển và qua đó làm tăng dân số trong suốt quá trình lịch sử.

Ngoài ra, sản xuất lương thực còn đóng góp vào những đặc tính riêng biệt của xã hội phức tạp theo ít nhất là ba cách. Thứ nhất, nhờ sản xuất lương thực mà xã hội có những luồng nhân lực theo mùa. Khi hoa màu thu hoạch xong đã được cất vào kho, chính quyền tập trung hóa có thể sử dụng nguồn lao động nông nhàn để xây các công trình công cộng nhằm quảng bá cho quyền lực của nhà nước (như các kim tự tháp Ai Cập) hoặc để xây những công trình công cộng nhằm nuôi được nhiều miệng ăn hơn (như các hệ thống tưới tiêu hay ao cá ở Hawaii thuộc Polynesia), hoặc để tham gia những cuộc chiến tranh chinh phục nhằm làm hình thành những thực thể chính trị còn lớn hơn nữa.

Thứ hai, người ta có thể tổ chức sản xuất lương thực sao cho tạo ra được thặng dư lương thực, mà có thặng dư lương thực thì mới có thể chuyên môn hóa kinh tế và phân tầng xã hội. Khoảng thặng dư đó có thể dùng để nuôi sống mọi tầng lớp trong một xã hội phức tạp: tù trưởng, quan lại và các thành viên khác trong thiểu số cầm quyền; giới thư lại, thợ thủ công và các thợ chuyên môn phi sản xuất lương thực khác; và bản thân nông dân vào những lúc họ được huy động xây dựng các công trình công cộng.

Cuối cùng, sản xuất lương thực cho phép hoặc đòi hỏi người ta phải theo lối sống định cư, vốn là điều kiện tiên quyết để có thể tích lũy tài sản có giá trị, phát triển công nghệ và các nghề thủ công tinh xảo, xây dựng các công trình công cộng. Tầm quan trọng của lối sống định cư đối với một xã hội phức tạp là lý do vì sao các nhà truyền giáo và chính phủ, mỗi khi tiếp xúc lần đầu với các bầy người hoặc bộ lạc du mục ở New Guinea hay vùng Amazon vốn trước đó chưa hề tiếp xúc với thế giới văn minh, luôn có hai mục đích trước mắt như nhau. Một mục đích trong đó dĩ nhiên là để "định tâm" những người du mục, nghĩa là khuyên răn họ đừng giết các nhà truyền giáo, các quan chức hoặc đừng giết nhau nữa. Mục đích thứ hai là thuyết phục họ định cư thành làng, để các nhà truyền giáo và quan chức chính phủ có thể tìm ra họ, mang lại cho họ các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, trường học, cũng như để cải đạo họ và kiểm soát họ.

Như vậy, sản xuất lương thực, vốn làm tăng quy mô dân số, cũng tác động theo nhiều cách khiến cho những đặc trưng của xã hội phức tạp có thể hình thành. Song điều đó không chứng tỏ rằng sản xuất lương thực và dân số đông làm cho xã hội phức tạp nhất thiết phải hình thành. Ta phải nói thế nào đây khi quan sát theo kinh nghiệm cho thấy tổ chức bầy người hay bộ lạc không phù hợp với những xã hội đông hàng trăm ngàn dân, và mọi xã hội lớn đang tồn tại hiện nay đều có tổ chức phức tạp tập trung hóa? Ta có thể nêu ra ít nhất bốn nguyên nhân hiển nhiên.

Một nguyên nhân là vấn đề sự xung đột giữa những người xa lạ không có quan hệ thân tộc với nhau. Khi số lượng người hình thành nên xã hội tăng lên thì vấn đề này trở nên trầm trọng. Các mối quan hệ trong một bầy người gồm 20 cá thể chỉ bao gồm 190 mối quan hệ một đối một (20 người nhân 19 chia 2), nhưng một bầy người gồm 2.000 cá thể sẽ có 1.999.000 cặp đôi như thế. Mỗi cặp đôi trong số này đều là một quả bom hẹn giờ tiềm tàng có thể bùng nổ thành một cuộc cãi cọ dẫn đến giết người. Mỗi vụ giết người ở các xã hội bầy người và bộ lạc thường dẫn đến một vụ rắp tâm giết người để trả thù, thế là lại khởi đầu một chu trình giết rồi lại giết để trả thù liên miên không dứt, làm mất ổn định xã hội.

Trong một bầy người, nơi mỗi người đều có quan hệ gần gũi với mọi người khác, những ai có quan hệ thân tộc với cả hai bên tranh chấp thường bước vào cuộc để làm trung gian hòa giải. Ở bộ lạc, nơi nhiều người vẫn là bà con họ hàng với nhau và mỗi người ít nhất cũng biết tên mọi người khác, thì những người bà con chung và bạn bè chung của hai bên tranh chấp sẽ đứng ra hòa giải. Nhưng một khi cái ngưỡng "vài trăm" - mà chỉ có dưới ngưỡng đó thì mọi người mới có thể biết nhau - đã bị vượt qua, thì số lượng cặp đôi tăng lên trở thành những cặp đôi gồm những kẻ hoàn toàn xa lạ. Khi những người xa lạ đánh nhau, chỉ có một vài người hiện diện là bạn bè hay bà con của cả hai bên đặng có thể can thiệp vào với mục đích vô tư lợi. Thay vì thế, nhiều người chứng kiến sẽ là bạn bè hoặc họ hàng chỉ của một trong hai bên và sẽ đứng về phe người đó, khiến cho một cuộc đánh nhau giữa hai người leo thang thành một cuộc loạn đả toàn thiên hạ. Vì vậy nếu một xã hội lớn mà vẫn tiếp tục để mặc những cuộc tranh chấp cho các thành viên tự mình giải quyết thì sớm muộn sẽ rơi vào hỗn loạn. Chỉ một nhân tố này thôi cũng đủ cho thấy vì sao những xã hội đông hàng ngàn người chỉ có thể tồn tại nếu nó phát triển chính quyền tập trung hóa nhằm tập trung quyền lực và giải quyết xung đột.

Nguyên nhân thứ hai là dân số ngày càng tăng thì việc cả cộng đồng cùng tham gia quyết định càng trở nên bất khả thi. Việc toàn thể người lớn trong làng cùng tham gia quyết định vẫn còn có thể tiến hành ở các làng New Guinea vẫn còn đủ nhỏ để tin tức có thể nhanh chóng đến tai tất cả mọi người, ai cũng có thể nghe tiếng bất cứ người nào khác trong cuộc họp toàn thể dân làng, và bất cứ ai muốn lên tiếng trong cuộc họp làng cũng đều có cơ hội lên tiếng. Nhưng với những cộng đồng lớn hơn thì những điều kiện tiên quyết đó cho việc toàn dân quyết định không còn nữa. Ngay cả ngày nay, microphone và loa phóng thanh đâu cũng có, thế nhưng với những nhóm gồm hàng ngàn người thì không cách nào có thể giải quyết vấn đề này khác bằng một cuộc họp cộng đồng. Vì vậy, một xã hội lớn nhất thiết phải được tổ chức và tập trung hóa nếu muốn quyết định các vấn đề một cách có hiệu quả.

Nguyên nhân thứ ba là những vấn đề kinh tế. Bất cứ xã hội nào cũng phải có những phương tiện để chuyển giao hàng hóa giữa các thành viên. Một cá nhân có thể tình cờ nhận được một món nhu yếu phẩm nào đó hôm nay nhiều hơn hôm khác ít hơn. Bởi mỗi cá nhân có một tài năng khác nhau, nên từng cá nhân có xu hướng rốt cuộc có thừa vài thứ này song lại thiếu vài thứ khác. Ở những xã hội nhỏ chỉ có vài cặp thành viên, các cặp cá nhân đó có thể tự thu xếp để bù trừ những khoản thừa thiếu đó bằng cách trao đổi qua lại với nhau. Những xã hội lớn hơn thì chỉ có thể vận hành hữu hiệu về mặt kinh tế nếu nó có một nền kinh tế tái phân phối bên cạnh nền kinh tế trao đổi. Cá nhân nào có một mặt hàng thặng dư vượt quá nhu cầu của mình thì phải chuyển giao cho chính quyền tập trung để chính quyền này phân phối lại cho những cá nhân nào thiếu mặt hàng đó.

Nguyên nhân cuối cùng khiến một xã hội lớn phải có tổ chức phức tạp có liên quan đến mật độ dân số. Những xã hội sản xuất lương thực lớn không chỉ có nhiều thành viên hơn mà cả mật độ dân số cao hơn so với các bầy người săn bắt hái lượm. Mỗi bầy người gồm vài tá thợ săn chiếm lĩnh một lãnh thổ rộng lớn mà trong đó họ có thể thu thập hầu hết những thứ họ cần. Những gì cần thiết mà không tự tìm lấy được thì họ trao đổi với các bầy người láng giềng trong những khoảng thời gian hòa bình giữa các cuộc chiến tranh giữa các bầy. Khi mật độ dân số tăng lên, lãnh thổ của bầy người có quy mô vài tá đó sẽ thu hẹp lại thành một khu vực nhỏ, ngày càng có nhiều thứ nhu yếu phẩm cho đời sống cần phải trao đổi với bên ngoài khu vực. Chẳng hạn, người ta không thể cứ thế chia diện tích 41.500 cây số vuông và dân số 16.000.000 người của Hà Lan thành 800.000 lãnh thổ riêng biệt, mỗi lãnh thổ rộng 13 hécta và là lãnh địa của một bầy người tự trị gồm 20 người, sống hoàn toàn tự cấp tự túc trong phạm vi 13 hécta đó, chỉ thỉnh thoảng mới nhân những thời kỳ hưu chiến tạm thời mà đi ra biên giới cái lãnh thổ bé tý của mình đặng trao đổi ít món hàng và vài cô dâu với bầy người láng giềng. Cái thực tại về không gian đó khiến cho khu vực nào có mật độ dân cư cao là điều kiện tốt để hình thành xã hội lớn và có tổ chức phức tạp.

Các vấn đề vừa nói trên đây - giải quyết xung đột, [ai là người] ra quyết định, vấn đề kinh tế và vấn đề diện tích - đồng quy lại đòi hỏi các xã hội phải tập trung hóa. Thế nhưng, sự tập trung hóa tất yếu sẽ tạo điều kiện cho những ai đang nắm quyền hành, độc quyền nắm thông tin, giữ quyền ra quyết định và tái phân phối hàng hóa có thể lợi dụng những cơ hội phát sinh từ sự tập trung hóa kia để mưu lợi cho bản thân và họ hàng mình. Với những ai đã quá quen với sự tập trung người thành nhóm bất kỳ trong thời hiện đại thì điều đó thật hiển nhiên. Trong quá trình các xã hội cổ xưa phát triển, chính quyền tập trung hóa dần dần định hình thành giới thiểu số cầm quyền mà có lẽ ban đầu chỉ là một trong những gia tộc vốn có vai vế bình đẳng nhau trong làng nhưng về sau đã trở nên "bình đẳng hơn" so với các gia tộc khác.

Đó là những nguyên nhân tại sao những xã hội lớn không thể vận hành nếu được tổ chức thành bầy người, mà chỉ có thể là những xã hội phức tạp có chính quyền tập trung. Nhưng vẫn còn nguyên đó câu hỏi: các xã hội nhỏ, giản đơn đã thật sự tiến hóa hoặc hợp nhất lại thành các xã hội lớn, phức tạp như thế nào. Sự hợp nhất, sự giải quyết xung đột, ra quyết định, tái phân phối hàng hóa theo hướng tập trung hóa, và tôn giáo của chính quyền, chúng không đơn giản đã tự động hình thành và phát triển thông qua một khế ước xã hội kiểu Rousseau. Cái gì là động lực cho sự hợp nhất đó?

Câu trả lời phụ thuộc một phần vào lập luận tiến hóa. Tôi đã nói ngay ở đầu chương này rằng không phải mọi xã hội được xếp cùng một loại đều giống hệt như nhau, bởi người này với người kia, nhóm người này với nhóm người kia vốn dĩ có thể khác nhau vô cùng tận. Chẳng hạn, giữa các bầy người và bộ lạc, chắc chắn là người lãnh đạo ở một số bầy hay bộ lạc này sẽ có sức lôi cuốn hơn, đầy sức mạnh hơn và khôn khéo hơn trong việc ra quyết định so với người lãnh đạo ở một số bầy hay bộ lạc khác. Giữa các bộ lạc lớn với nhau, bộ lạc nào có người lãnh đạo mạnh hơn và do đó có sự tập trung hóa cao hơn thì có xu hướng chiếm ưu thế so với những bộ lạc mà sự tập trung hóa kém hơn. Những bộ lạc nào giải quyết xung đột một cách kém cỏi như người Fayu thường bị phân liệt thành bầy người trở lại, còn những tù trưởng quốc nào được cai trị kém cỏi thì phân liệt thành những tù trưởng quốc nhỏ hơn và bộ lạc. Xã hội nào giải quyết xung đột hữu hiệu hơn, ra quyết định đúng đắn hơn và tái phân phối của cải một cách cân đối hơn thì có thể phát triển công nghệ tốt hơn, tập trung lực lượng quân sự, chiếm lĩnh những lãnh thổ rộng hơn và năng sản hơn và đè bẹp các xã hội nhỏ tự trị lần lượt từng cái một.

Như vậy, sự cạnh tranh giữa các xã hội ở cùng một cấp độ phức tạp có xu hướng dẫn đến cấp độ phức tạp cao hơn nếu điều kiện cho phép. Những bộ lạc này chinh phục hay hợp nhất với những bộ lạc khác để đạt tới quy mô tù trưởng quốc, các tù trưởng quốc này lại chinh phục hay hợp nhất với những tù trưởng quốc khác để đạt tới quy mô nhà nước, các nhà nước này lại chinh phục hay hợp nhất với những nhà nước khác để trở thành đế quốc. Nhìn chung, các đơn vị lớn có khả năng giành được ưu thế so với những đơn vị cá biệt nhỏ hơn nếu - và đây là cả một chữ "nếu" to tướng - các đơn vị lớn có thể giải quyết những vấn đề nảy sinh đồng thời với lúc chúng đạt tới quy mô lớn đó, chẳng hạn như tình trạng những lớp người mới nổi luôn luôn đe dọa tiếm quyền cai trị, dân thường bất mãn với chính quyền nhũng lạm, và những vấn đề ngày càng nghiêm trọng gắn liền với sự hợp nhất về kinh tế.

Sự sáp nhập các đơn vị nhỏ hơn thành đơn vị lớn hơn thường được ghi nhận trong sử liệu hoặc qua bằng chứng khảo cổ. Trái ngược với [hình dung của] Rousseau, những sự hợp nhất đó chẳng bao giờ diễn ra theo kiểu những xã hội nhỏ đang yên đang lành cùng nhất trí tự nguyện sáp nhập lại với nhau đặng nâng cao phúc lợi của công dân. Giới lãnh đạo bất cứ xã hội nào, nhỏ cũng như lớn, thảy đều luôn khư khư giữ chặt tính độc lập và đặc quyền đặc lợi của mình. Thay vì vậy, sự sáp nhập thường diễn ra theo một trong hai cách: hoặc hợp nhất khi bị một thế lực bên ngoài đe dọa, hoặc bị một thế lực bên ngoài chinh phục. Có vô số ví dụ cho ta thấy những sự sáp nhập đã diễn ra theo cả cách này lẫn cách kia.

Một ví dụ tốt về sự hợp nhất vì bị thế lực bên ngoài đe dọa là trường hợp liên minh của người Anh-điêng Cherokee ở miền đông nam Hoa Kỳ. Người Cherokee ban đầu chia ra thành 30 hay 40 tù trưởng quốc độc lập, mỗi tù trưởng quốc gồm một làng khoảng 400 người. Người da trắng đến định cư ngày càng đông dẫn đến xung đột giữa người Cherokee với người da trắng. Khi những người Cherokee riêng lẻ đánh cướp hoặc tấn công những người định cư và thương nhân da trắng, người da trắng không thể phân biệt đó là người Cherokee thuộc tù trưởng quốc nào nên bèn chống lại tất cả người Cherokee không phân biệt, hoặc bằng hành động quân sự hoặc bằng cách cắt đứt giao thương. Đáp lại, các tù trưởng quốc Cherokee dần dần cảm thấy mình buộc phải hợp lại thành một liên minh duy nhất trong thế kỷ 18. Lúc đầu, vào năm 1730, các tù trưởng quốc lớn chọn một tù trưởng tên là Moytoy làm lãnh tụ chung, người này được con trai kế vị vào năm 1741. Nhiệm vụ đầu tiên của những vị lãnh tụ này là trừng phạt những cá nhân Cherokee nào đã tấn công người da trắng và tiến hành thương lượng với chính quyền da trắng. Vào khoảng năm 1758 người Cherokee điều chỉnh hình thức ra quyết định của mình, họ đặt ra lệ tiến hành họp hội đồng hằng năm dựa theo mẫu các cuộc họp làng trước kia nhưng nay chỉ ở một làng duy nhất (Echota), làng này do đó trở thành "thủ đô" không chính thức. Cuối cùng, người Cherokee trở nên có chữ viết (như ta đã thấy ở chương 12) và áp dụng một hiến pháp thành văn.

Như vậy liên minh Cherokee đã hình thành không phải vì bị [thế lực bên ngoài] chinh phục mà bởi sự hợp nhất các chủ thể nhỏ hơn vốn trước đây chỉ thích tự trị, các chủ thể đó chỉ khi bị thế lực bên ngoài đe dọa tiêu diệt thì mới hợp nhất lại mà thôi. Cũng bằng cách y như vậy, trong một ví dụ về sự hình thành nhà nước được mô tả trong bất kỳ sách giáo khoa lịch sử nào của Hoa Kỳ, bản thân các thuộc địa Bắc Mỹ của người da trắng - mà một trong số đó (Georgia) đã khiến người Cherokee phải thành lập nhà nước của họ - cũng đã buộc phải hợp lại thành một quốc gia của riêng mình trước mối đe dọa của thế lực bên ngoài hùng mạnh là chính quyền quân chủ của nước Anh. Các thuộc địa Hoa Kỳ lúc ban đầu cũng khư khư muốn giữ quyền tự trị chẳng khác nào các tù trưởng quốc Cherokee, nên khi họ thử hợp nhất lần đầu tiên theo Các Điều khoản Liên minh (Articles of Confederation) vào năm 1781 thì việc hợp nhất tỏ ra bất khả thi vì nó bảo lưu quá nhiều quyền tự trị cho các thuộc địa cũ. Chỉ những mối đe dọa về sau, cụ thể là cuộc nổi loạn do Daniel Shays cầm đầu vào năm 1786 và gánh nặng nợ chiến tranh không giải quyết được, mới có thể buộc các thuộc địa cũ từ bỏ quyền tự trị mà họ khăng khăng không chịu bỏ kia và chấp nhận bản hiến pháp liên minh Hoa Kỳ vào năm 1787 đến nay vẫn còn hiệu lực. Sự thống nhất các công quốc Đức vốn luôn đòi tự trị vào thế kỷ 19 cũng đã gian nan không kém. Trước đó người ta đã ba lần toan thống nhất (Nghị viện Frankfurt năm 1848, Liên minh Đức phục hồi vào năm 1850 và Liên minh Bắc Đức vào năm 1866) song đều thất bại, mãi đến khi nước Pháp tuyên chiến vào năm 1870 thì mối đe dọa từ bên ngoài rốt cuộc mới khiến các ông hoàng chịu chuyển phần lớn quyền lực của mình cho chính phủ hoàng gia trung ương Đức vào năm 1871.

Ngoài sự hợp nhất do mối đe dọa từ thế lực bên ngoài thì một mô thức khác để hình thành xã hội phức tạp là hợp nhất do chinh phục. Một ví dụ có nhiều sử liệu là nguồn gốc hình thành nhà nước Zulu ở đông nam châu Phi. Khi người châu Âu đến vùng đó lần đầu tiên, họ quan sát thấy người Zulu chia thành hàng tá tù trưởng quốc nhỏ. Trong thế kỷ 18 tiếp theo, do sức ép dân số tăng, chiến tranh giữa các tù trưởng quốc ngày càng trở nên quyết liệt. Trong tất cả các tù trưởng quốc đó, cái vấn đề muôn thuở - xây dựng cơ cấu quyền lực tập trung - được giải quyết thành công nhất bởi một tù trưởng tên là Dingiswayo, người đã giành địa vị thống trị trong tù trưởng quốc Mtetwa sau khi giết chết một kẻ đối địch vào khoảng năm 1807. Dingiswayo dựng nên một tổ chức quân sự tập trung ưu việt bằng cách tuyển mộ người từ tất cả các làng rồi chia họ ra thành từng trung đoàn theo lứa tuổi chứ không phải theo làng. Ông cũng dựng nên một tổ chức chính trị tập trung hóa ưu việt bằng cách kiềm chế sự tàn sát những khi chinh phục được các tù trưởng quốc khác, không đụng đến gia đình tù trưởng phe chiến bại, và tự hạn chế ở việc chỉ thay thế tù trưởng phe chiến bại bằng một người họ hàng sẵn sàng hợp tác với Dingiswayo. Ông dựng nên [cơ chế] giải quyết xung đột có tính tập trung ưu việt bằng cách mở rộng hình thức xét xử tranh chấp bằng tòa án. Bằng cách đó Dingiswayo đã chinh phục được và bắt đầu hợp nhất 30 tù trưởng quốc Zulu khác. Những người kế tục ông đã kiện toàn nhà nước Zulu phôi thai từ đó bằng cách mở rộng hệ thống pháp lý, hành pháp và lễ nghi.

Trường hợp như nhà nước Zulu - hình thành bằng cách chinh phục - có thể nhân lên vô cùng tận. Người châu Âu trong thế kỷ XVIII và XIX đã tình cờ được chứng kiến những nhà nước hình thành từ các tù trưởng quốc như nhà nước Hawaii ở Polynesia, nhà nước Tahiti ở Polynesia, nhà nước Merina ở Madagascar, các nhà nước Lesotho, Swazi và những nhà nước khác ở phía nam châu Phi ngoài nhà nước Zulu, nhà nước Ashanti ở Tây Phi, các nhà nước Ankole và Buganda ở Uganda. Các đế quốc Aztec và Inca được hình thành bởi các cuộc chinh phục trong thế kỷ XV trước khi người châu Âu đến, nhưng chúng ta biết nhiều về sự hình thành các đế quốc này qua lịch sử truyền khẩu của người Anh-điêng mà các nhà định cư Tây Ban Nha đầu tiên đã ghi lại được. Sự hình thành nhà nước La Mã và sự bành trướng của đế quốc Macedonia dưới quyền Alexander Đại đế thì được mô tả chi tiết bởi các tác gia kinh điển đương thời.

Tất cả các ví dụ này cho thấy chiến tranh - hoặc nguy cơ chiến tranh - đã đóng một vai trò then chốt trong hầu hết, nếu không nói là tất cả những sự hợp nhất các xã hội. Song chiến tranh, thậm chí chỉ là chiến tranh giữa các bầy người, đã luôn luôn là một sự kiện thường trực trong lịch sử nhân loại. Đã vậy thì tại sao chúng chỉ bắt đầu gây nên một cách rõ rệt sự hợp nhất các xã hội trong vòng 13.000 năm trở lại đây? Chúng ta đã kết luận rằng sự hình thành các xã hội phức tạp có liên quan thế nào đó với sức ép dân số, nên bây giờ ta nên tìm kiếm mối liên quan giữa sức ép dân số với hệ quả của chiến tranh. Tại sao các cuộc chiến tranh có khuynh hướng gây nên sự hợp nhất các xã hội khi dân số đông chứ không phải khi dân số thưa thớt? Câu trả lời là vận mệnh của các dân tộc chiến bại phụ thuộc vào mật độ dân số, với ba hậu quả có thể xảy ra:

Nếu mật độ dân số rất thấp, thường là ở các khu vực nơi các bầy người săn bắt hái lượm sinh sống, những kẻ sống sót trong một nhóm chiến bại chỉ cần rời xa ra khỏi kẻ thù. Đây thường là kết quả của các cuộc chiến xảy ra giữa các bầy người du mục ở New Guinea và vùng Amazon.

Nếu mật độ dân số trung bình, như ở các khu vực nơi có các bộ lạc sản xuất lương thực sinh sống, thì không còn khu vực nào rộng lớn mà chưa có người ở để những kẻ sống sót của bộ lạc thất trận có thể dùng làm chốn nương thân. Nhưng xã hội bộ lạc nào không có nền sản xuất lương thực thâm canh thì cũng không sử dụng nô lệ và không sản xuất đủ lương thực thặng dư đặng có thể dâng nạp nhiều cống vật. Vì vậy những kẻ chiến thắng chẳng biết dùng đám người sống sót của bộ lạc thất trận vào việc gì, có chăng chỉ bắt phụ nữ làm vợ thôi. Những người đàn ông sống sót bị giết, và lãnh thổ của họ bị chiếm lĩnh bởi những người thắng trận.

Nếu mật độ dân số cao, như ở các khu vực nơi có những nhà nước hay tù trưởng quốc, kẻ thất trận vẫn chẳng có nơi nào để lánh nạn, song những người chiến thắng có hai cách để sử dụng kẻ thất trận nếu để cho họ sống. Bởi các xã hội tù trưởng quốc và nhà nước có sự chuyên môn hóa trong kinh tế, người ta có thể dùng kẻ thất trận làm nô lệ, như vẫn thường xảy ra vào thời đại Kinh thánh. Một cách khác là, bởi nhiều xã hội như vậy có hệ thống sản xuất lương thực thâm canh có khả năng cho nhiều lương thực thặng dư, nên kẻ chiến thắng có thể cho những người chiến bại vẫn được sống ở nước mình nhưng tước đoạt quyền tự lập của họ về chính trị, buộc họ thường xuyên nộp cống dưới dạng lương thực hay hàng hóa, và sáp nhập xã hội của họ vào nhà nước hoặc tù trưởng quốc của kẻ thắng trận. Đây thường là kết quả những trận đánh gắn liền với sự hình thành các nhà nước hay đế quốc trong suốt lịch sử thành văn. Chẳng hạn, những nhà chinh phục Tây Ban Nha muốn thu cống vật của các xã hội bản địa đã thất trận của Mexico, cho nên họ rất quan tâm đến danh mục cống vật của đế quốc Aztec. Hóa ra hàng năm người Aztec thu cống vật từ các dân tộc chịu thần phục gồm 7.000 tấn ngô, 4.000 tấn đậu, 4.000 tấn hạt rau dền, 2.000.000 áo choàng bông và số lượng lớn hạt ca cao, chiến phục, khiên, mũ đội đầu trang trí bằng lông chim, và hổ phách.

Như vậy, sản xuất lương thực, cùng sự cạnh tranh và xâm nhập lẫn nhau giữa các xã hội, với tư cách những nguyên nhân tối hậu, thông qua những chuỗi nhân quả khác nhau về chi tiết nhưng tất cả đều bao hàm dân số đông và mật độ cao cũng như lối sống định cư, đã dẫn đến các tác nhân chinh phục trực tiếp là vi trùng, chữ viết, công nghệ và tổ chức chính trị tập trung. Bởi các nguyên nhân tối hậu đó đã hình thành và phát triển trên mỗi lục địa một khác, nên các tác nhân chinh phục kia cũng khác. Vì vậy các tác nhân này có xu hướng phát sinh kết hợp với nhau, nhưng sự kết hợp đó không nhất thiết bao giờ cũng như nhau; chẳng hạn, một đế quốc đã nảy sinh từ các xã hội Inca dù không có chữ viết, và từ các xã hội Aztec có chữ viết nhưng chỉ có một số ít bệnh truyền nhiễm. Nước Zulu của Dingiswayo cho thấy mỗi nhân tố trong số trên đóng góp vào mẫu hình lịch sử có phần theo một kiểu khác nhau. Trong số hàng tá tù trưởng quốc Zulu, tù trưởng quốc Mtetwa chẳng hề có ưu thế nào về công nghệ, chữ viết hay vi trùng so với các tù trưởng quốc khác, thế nhưng nó vẫn đánh bại được các tù trưởng quốc kia. Ưu thế của nó chỉ nằm ở mỗi phạm vi chính quyền và ý thức hệ. Chính nhờ vậy mà nhà nước Zulu hợp nhất đã có khả năng chinh phục cả một phần của một lục địa trong suốt gần một thế kỷ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro