PHẦN IV. VÒNG QUANH THẾ GIỚI TRONG NĂM CHƯƠNG SÁCH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 15: Dân tộc của Yali

Khi tôi cùng với vợ là Marie đi nghỉ mát ở Australia vào một mùa hè nọ, chúng tôi quyết định đến thăm một nơi có những bức họa trên đá của người châu Úc bản địa được bảo quản tốt, ấy là sa mạc gần thị trấn Menindee. Dù tôi vẫn biết sa mạc Australia vốn khét tiếng là khô hạn và nóng kinh người vào mùa hè, nhưng tôi đã từng làm việc suốt một thời gian dài trong điều kiện nóng khô của sa mạc California và thảo nguyên New Guinea thành thử tôi cho rằng mình đã đủ dạn dày kinh nghiệm để đối phó với những thử thách nhỏ nhặt đó khi sang Australia với tư cách người du lịch. Mang theo đầy nước uống, tôi và Marie lên đường lúc trưa, đi bộ trên khoảng đường vài dặm đến chỗ các bức tranh.

Con đường mòn dẫn từ trạm bảo vệ rừng dẫn lên đồi, dưới bầu trời không mây, băng qua vùng đất trống tuyệt không một bóng râm nào. Bầu không khí nóng hầm hập, khô rang mà chúng tôi hít thở làm tôi nhớ khi ngồi trong phòng tắm hơi kiểu Phần Lan cũng khó thở đến thế nào. Cho tới khi chúng tôi đến được vách đá nơi có các bức tranh thì cũng đã hết sạch nước. Chúng tôi cũng chẳng hứng thú tranh triếc gì nữa hết, chúng tôi chỉ còn lặc lè leo lên đồi, vừa leo vừa thở đều, chậm chạp. Chẳng mấy chốc tôi nhìn thấy một con chim, không nghi ngờ gì nữa chính là một loài chim hét cao cẳng, nhưng con này có vẻ to lạ lùng so với bất cứ loài chim hét cao cẳng nào người ta đã biết. Ngay lúc đó tôi nhận ra rằng lần đầu tiên trong đời tôi đang bị chứng ảo giác vì nóng. Marie và tôi quyết định tốt hơn hết là nên quay lại.

Hai chúng tôi chẳng nói gì với nhau nữa. Chúng tôi vừa đi vừa lắng nghe tiếng mình thở, tính toán xem còn bao xa mới đến điểm mốc kế tiếp và đoán già đoán non xem còn phải đi bao lâu nữa. Miệng và lưỡi tôi giờ khô không khốc, mặt Marie thì đỏ phừng phừng. Khi rốt cuộc cũng về lại được trạm kiểm lâm có điều hòa không khí, hai chúng tôi ngồi phịch xuống ghế bên cạnh tủ lạnh, nốc cạn gần 2 lít nước cuối cùng trong tủ xong lại còn hỏi người kiểm lâm có chai nào nữa không. Tôi ngồi đó, hoàn toàn kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần, mà nhớ lại rằng những người châu Úc bản địa từng làm ra các bức họa kia đã xoay xở cách nào đó để sống được cả đời trong cái sa mạc kia, tìm thức ăn nước uống mà không hề có chỗ nghỉ điều hòa không khí nào cả.

Đối với người Australia da trắng, sa mạc Menindee nổi tiếng bởi là nơi mà hơn một thế kỷ trước có hai người da trắng đã phải hứng chịu những điều tồi tệ hơn nhiều chứ không chỉ cái khô nóng của sa mạc: viên cảnh sát người Ailen Robert Burke và nhà thiên văn học người Anh William Wills, những người chỉ huy bất hạnh của đoàn thám hiểm châu Âu đầu tiên băng qua Australia từ nam lên bắc. Khởi hành với sáu con lạc đà chất đầy lương thực đủ dùng trong ba tháng, Burke và Wills hết sạch thức ăn dự trữ khi đang ở sa mạc phía bắc Menindee. Ba lần liên tiếp họ gặp những thổ dân bản địa no đủ đang lấy chính sa mạc đó làm nhà, những người này cứu sống họ, tiếp tế cho họ nào cá, nào bánh làm bằng cây dương xỉ, nào những con chuột rán béo mẫm. Thế nhưng Burke lại ngu ngốc đi nổ súng vào một trong số các thổ dân, thế là cả nhóm thổ dân bỏ chạy. Mặc dù Burke và Wills có ưu thế lớn so với thổ dân vì có súng để săn mồi, nhưng họ vẫn đói ăn, gục ngã và chết chỉ trong vòng một tháng sau khi nhóm thổ dân kia bỏ đi.

Những gì tôi cùng với vợ đã trải nghiệm ở Menindee, cùng số phận của Burke và Wills, chỉ ra một cách rõ ràng sinh động cho tôi thấy việc xây dựng một xã hội loài người ở Australia là khó đến nhường nào. Australia khác tất cả các châu lục khác: sự khác biệt giữa Âu-Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ so với nhau chẳng là gì so với những khác biệt giữa Australia với tất cả các lục địa khác kia. Australia là lục địa khô nhất, nhỏ nhất, phẳng nhất, cằn cỗi nhất, khí hậu khôn lường nhất và nghèo nàn nhất về sinh học. Nó là lục địa mà người châu Âu chiếm lĩnh sau cùng. Mãi cho tới khi đó, Australia chỉ là nơi sinh sống của những xã hội loài người khác biệt nhất và quần thể người ít ỏi nhất so với mọi châu lục khác.

Như vậy Australia là một thử nghiệm quyết định đối với các lý thuyết về những khác biệt về xã hội giữa các lục địa. Nó có môi trường khác biệt nhất và cũng có những xã hội khác biệt nhất. Có phải vì cái trước mà ra cái sau không? Nếu đúng vậy thì bằng cách nào? Australia là lục địa hợp lý nhất để chúng ta bắt đầu cuộc hành trình vòng quanh thế giới của mình, áp dụng bài học ở Phần II và Phần III nhằm thấu hiểu những lịch sử khác nhau của tất cả các lục địa.

Hầu hết người bình thường hẳn sẽ mô tả đặc trưng nổi bật nhất của các xã hội châu Úc bản địa là họ có vẻ như "lạc hậu". Australia là lục địa duy nhất nơi mà ngay ở thời hiện đại tất cả các dân tộc bản địa vẫn không hề có một dấu hiệu nào của cái gọi là văn minh - không trồng trọt, không chăn nuôi, không kim loại, không cung tên, không công trình xây dựng lớn, không có làng định cư, không chữ viết, không tù trưởng quốc, không nhà nước. Thay vì vậy, người Australia bản địa là những người săn bắt hái lượm du cư hoặc bán du cư, chia thành bầy người, sống trong những túp lều tạm bợ và vẫn còn dùng công cụ bằng đá. Trong 13.000 năm trở lại đây, sự tích lũy những thay đổi văn hóa ở Australia là ít ỏi hơn hết so với mọi châu lục khác. Những lời sau đây của một nhà thám hiểm Pháp thời kỳ đầu là tiêu biểu cho quan điểm phổ biến của người châu Âu về người Australia bản địa: "Họ là dân tộc khốn khổ nhất trên thế giới, là những con người gần hơn cả với những con vật hung ác".

Thế nhưng, cách đây 40.000 năm, người Australia bản địa từng có bước khởi đầu sớm hơn nhiều so với các xã hội ở châu Âu và các châu lục khác. Người Australia bản địa thời đó đã phát triển một số công cụ bằng đá thuộc hàng xưa nhất người ta từng biết, có mép được mài nhẵn, những công cụ bằng đá đầu tiên có tra cán (nghĩa là đầu rìu bằng đá gắn vào chuôi cầm), và những phương tiện đi lại trên nước từ rất sớm so với mọi châu lục khác trên thế giới. Một số bức họa xưa nhất trên mặt đá mà người ta từng biết là ở Australia. Những con người hiện đại về mặt giải phẫu hẳn đã đến định cư ở Australia trước khi di cư sang phía tây châu Âu. Vậy thì tại sao, mặc dù xuất phát muộn hơn như vậy nhưng rốt cuộc người châu Âu lại chinh phục Australia chứ không phải là ngược lại?

Câu hỏi đó lại bao hàm một câu hỏi khác. Suốt các thời kỳ Băng hà trong Kỷ Pleitoxen, khi hầu hết nước đại dương còn bị còn bị giam dưới những tảng băng lục địa và mực nước thấp hơn hiện nay rất nhiều, biển nông Arafura ngăn giữa Australia và New Guinea ngày nay là một dải đất thấp, khô. Khi các tảng băng tan trong khoảng từ 12.000 đến 8.000 trước, mực nước biển dâng lên, vùng đất thấp đó bị ngập nước, và lục địa Đại Australia xưa kia bị tách rời thành hai nửa lục địa là Australia và New Guinea (Hình 15.1).

Các xã hội loài người của hai mảng lục địa vốn dĩ gắn liền với nhau này rất khác nhau cho mãi tới thời hiện đại. Trái với tất cả những gì tôi vừa nói về người Australia bản địa, hầu hết người New Guinea, chẳng hạn như dân tộc của Yali, là những người trồng trọt và nuôi lợn. Họ sống thành làng định cư và về mặt chính trị được tổ chức thành bộ lạc chứ không phải bầy người. Tất cả người New Guinea đều có cung tên, nhiều người có sử dụng đồ gốm. Người New Guinea thường có nhà ở khang trang hơn, nhiều tàu thuyền đi biển tốt hơn, nhiều vật dụng phong phú hơn so với người Australia. Do hệ quả việc sống bằng sản xuất lương thực chứ không phải săn bắt hái lượm, người New Guinea có mật độ dân số cao hơn nhiều so với người Australia: về diện tích, New Guinea chỉ bằng một phần mười Australia, nhưng lại nuôi được số dân đông hơn Australia gấp mấy lần.

Tại sao các xã hội loài người trên mảng lục địa lớn hơn tách ra từ lục địa Đại Australia vào Kỷ Pleitoxen lại "lạc hậu" hơn trong quá trình phát triển, trong khi các xã hội trên mảng lục địa nhỏ hơn là New Guinea lại phát triển nhanh hơn gấp bội? Tại sao tất cả những cách tân kia ở New Guinea đã không bành trướng sang Australia vốn chỉ cách New Guinea vỏn vẹn có 90 dặm (hơn 140 km) qua eo biển Torres? Xét từ góc độ nhân chủng học văn hóa thì khoảng cách địa lý giữa Australia và New Guinea thậm chí còn không tới 90 dặm, bởi vì rải rác khắp cả eo Torres là những hòn đảo có người ở, những người này biết trồng trọt, dùng cung tên và về văn hóa giống người New Guinea. Hòn đảo lớn nhất giữa eo Torres chỉ cách Australia 10 dặm (16 km). Dân đảo buôn bán nhộn nhịp với cả dân Australia bản địa lẫn người New Guinea. Thế thì tại sao hai vũ trụ văn hóa khác biệt nhau nhường ấy vẫn cứ mỗi bên một cõi dù chỉ cách nhau một eo biển bình lặng rộng vỏn vẹn 10 dặm và thường xuyên có người qua kẻ lại bằng xuồng?

So với người Australia bản địa, người New Guinea được xếp hạng là "tiên tiến" về văn hóa. Song hầu hết người hiện đại vẫn coi ngay cả người New Guinea là "lạc hậu". Cho tới khi người New Guinea bắt đầu di cư sang New Guinea vào cuối thế kỷ XIX, tất cả người New Guinea đều không biết chữ, chỉ dùng công cụ bằng đá và về chính trị vẫn chưa được tổ chức thành nhà nước hoặc tù trưởng quốc (trừ một vài ngoại lệ ít ỏi). Cứ cho là người New Guinea đã "tiến xa" hơn người Australia bản địa, cớ sao họ đã chẳng "tiến xa" như nhiều dân tộc ở Âu-Á, châu Phi và châu Mỹ? Vậy nên dân tộc của Yali và những người anh em Australia của họ đặt ra cho ta một bài toán khó bên trong một bài toán khó.

Hình 15.1. Bản đồ khu vực từ Đông Nam Á đến Australia và New Guinea. Đường vạch liền biểu thị bờ biển ngày nay; đường vạch đứt biểu thị bờ biển vào thời Pleistocene khi mực nước biển thấp hơn ngày nay, nghĩa là mép thềm lục địa của châu Á và Đại Australia. Vào thời đó New Guinea và Australia còn nối liền với nhau thành Đại Australia, còn Borneo, Java, Sumatra và Đài Loan vẫn còn nằm trong nội địa châu Á.

Nếu được hỏi đâu là nguyên nhân khiến xã hội Australia bản địa "lạc hậu" về văn hóa, nhiều người Australia da trắng có một câu trả lời đơn giản: do những khiếm khuyết cố hữu trong bản thân thổ dân Australia. Về cấu trúc khuôn mặt và màu da, người Australia bản địa chắc chắn là khác người châu Âu, điều này đã khiến một vài tác giả cuối thế kỷ X coi họ là một mắt xích còn thiếu giữa vượn và người. Nếu không thì làm sao giải thích do đâu các nhà thực dân châu Âu da trắng đã tạo ra được một nền dân chủ có chữ viết, sản xuất lương thực và công nghệ, chỉ sau vài thập kỷ thực dân hóa một lục địa mà cư dân ở đó sau hơn 40.000 năm vẫn cứ là những kẻ săn bắt hái lượm không chữ viết? Đặc biệt đáng lưu ý là Australia có một trong những quặng sắt và nhôm dồi dào nhất trên thế giới cũng như nguồn tài nguyên phong phú về đồng, thiếc, chì và kẽm. Đã vậy thì tại sao người Australia bản địa vẫn chẳng biết gì về công cụ kim loại mà vẫn cứ sống trong thời Đồ đá?

Dường như đây là một thử nghiệm được kiểm soát hoàn hảo về sự tiến hóa các xã hội loài người. Cũng một lục địa đó thôi, chỉ có con người là khác [trước là người Australia bản địa, sau là người châu Âu, ND]. Vậy thì, lời giải thích cho sự khác biệt giữa xã hội Australia bản địa với xã hội người Australia gốc châu Âu ắt phải nằm ở sự khác biệt giữa bản thân các dân tộc khác nhau làm nên những xã hội đó. Logic làm cơ sở cho kết luận mang tính phân chủng này nghe có vẻ thật chí lý. Tuy nhiên, ta sẽ thấy rằng bên trong nó có một sai lầm đơn giản.

Ở giai đoạn đầu khảo sát cái logic này, ta hãy xét nguồn gốc của bản thân các dân tộc. Cả Australia lẫn New Guinea đều có người đến ở muộn nhất là 40.000 năm trước, khi chúng vẫn còn gắn liền với nhau thành Đại Australia. Nhìn bản đồ (Hình 15.1), ta sẽ thấy những người di cư đầu tiên đến vùng này ắt hẳn đã xuất phát từ lục địa gần nhất là Đông Nam Á, bằng cách nhảy từ đảo này sang đảo khác băng qua quần đảo Indonesia. Kết luận này được hỗ trợ bằng những mối liên hệ về di truyền giữa người Australia, người New Guinea và người châu Á hiện đại, và qua việc ngày nay vẫn còn một số người có ngoại hình phần nào giống nhau ở Philippines, bán đảo Malay và quần đảo Andaman ngoài khơi Myanmar.

Khi những kẻ di cư đã đến được bờ biển Đại Australia, họ bắt đầu nhanh chóng lan tràn ra toàn bộ lục địa để chiếm lĩnh ngay cả những rẻo đất xa xôi nhất và những môi trường ít hiếu khách nhất. Đến 40.000 năm trước, hóa thạch và công cụ đá khẳng định sự hiện diện của họ ở góc tây nam của Australia; đến 35.000 năm trước họ đã có mặt ở góc đông nam Australia và đảo Tasmania, góc xa nhất so với miền tây Australia hoặc New Guinea (những vùng gần Indonesia và châu Á nhất) nơi mà chắc hẳn họ đã dùng làm điểm xuất phát sau khi đặt chân đến lục địa này; đến 30.000 năm trước thì họ đã xuất hiện ở cao nguyên New Guinea lạnh giá. Hẳn họ đã có thể đến được tất cả các vùng kể trên bằng đường bộ từ điểm xuất phát ở phía tây. Tuy nhiên, để di cư đến cả quần đảo Bismarck lẫn quần đảo Solomon ở phía đông bắc New Guinea vào hơn 35.000 năm trước thì còn phải vượt qua thêm hàng chục km đường biển nữa. Việc chiếm cứ [hai mảng lục địa này] có khi đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với niên đại bành trướng biểu kiến từ 40.000 đến 30.000 năm trước, vì các niên đại này hầu như không khác nhau trong dung sai thử nghiệm của phương pháp định niên đại bằng cácbon phóng xạ.

Vào Kỷ Pleitoxen, khi Australia và New Guinea lần đầu tiên có người đến chiếm lĩnh, lục địa châu Á vươn dài về phía đông bao gồm cả các đảo Borneo, Java và Bali ngày nay, gần Australia và New Guinea hơn so với bờ biển Đông Nam Á ngày nay gần 1.000 dặm (1.600 km). Tuy nhiên, vẫn còn phải vượt qua ít nhất tám eo biển bề rộng có thể tới 50 dặm (80 km) thì mới từ Borneo hay Bali đến được Đại Australia vào Kỷ Pleitoxen. Bốn mươi ngàn năm trước, người ta có thể vượt các eo biển đó bằng bè tre, những phương tiện thô sơ nhưng có thể vượt biển mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở miền duyên hải phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, bản thân việc vượt biển đó ắt hẳn là rất khó, bởi sau chuyến đổ bộ đầu tiên đó vào 40.000 năm trước dữ liệu khảo cổ không ghi nhận được bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vẫn tiếp tục có người di cư từ châu Á sang Đại Australia trong suốt hàng vạn năm. Cho mãi đến mấy ngàn năm gần đây nhất ta mới gặp bằng chứng kế tiếp đủ vững chắc, qua những con lợn được nuôi ở New Guinea và chó được nuôi ở Australia, cả hai loài đều có nguồn gốc từ châu Á.

Như vậy, các xã hội loài người ở Australia và New Guinea đã phát triển một cách cô lập đáng kể so với các xã hội châu Á vốn là nguồn gốc ban đầu của chúng. Sự cô lập đó được phản ánh ở các ngôn ngữ mà họ nói ngày nay. Sau hàng ngàn năm cô lập, chẳng một ngôn ngữ Australia bản địa nào, cũng chẳng một nhóm ngôn ngữ chính nào của New Guinea (cái gọi là ngôn ngữ Papua) ngày nay cho thấy có quan hệ rõ ràng với bất kỳ ngôn ngữ châu Á hiện đại nào.

Sự cô lập đó cũng được phản ánh ở đặc điểm di truyền và nhân chủng của cơ thể. Nghiên cứu di truyền cho thấy người Australia bản địa và người vùng cao New Guinea có phần giống người châu Á hiện đại hơn so với các dân tộc ở những lục địa khác, song mối quan hệ này không gần. Về hệ xương và ngoại hình, người Australia bản địa và người New Guinea cũng khác biệt với hầu hết dân Đông Nam Á, điều này thật hiển nhiên nếu ta so sánh ảnh của người Australia bản địa hay người New Guinea với ảnh người Indonesia hoặc người Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến những sự khác biệt đó một phần là bởi những người châu Á đầu tiên di cư đến Đại Australia đã có một thời gian dài tách hẳn khỏi những người anh em vẫn ở lại châu Á, và suốt hầu hết thời gian đó hai bên chỉ trao đổi về di truyền rất hạn chế. Nhưng một nguyên nhân khác quan trọng hơn có lẽ là giống người Đông Nam Á nguyên thủy, tổ tiên của những người đầu tiên di cư sang Đại Australia, đến ngày nay đã bị thay thế một phần lớn bởi những người châu Á khác từ Trung Hoa bành trướng xuống.

Người Australia bản địa và người New Guinea cũng trở nên khác biệt nhau về di truyền, ngoại hình và ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong các nhóm máu chính (xác định theo di truyền) của loài người, nhóm B của cái gọi là hệ ABO và S của nhóm MNS gặp ở New Guinea cũng như ở hầu hết các khu vực khác trên thế giới, song hầu như vắng mặt ở Australia. Mái tóc xoăn tít của hầu hết người New Guinea trái ngược với mái tóc thẳng hoặc lượn sóng của hầu hết người Australia. Các ngôn ngữ Australia và các ngôn ngữ Papua của New Guinea không những chẳng có liên hệ gì với các ngôn ngữ châu Á mà cũng chẳng có liên hệ nào với nhau cả, ngoại trừ một ít từ vựng vay mượn lẫn nhau qua hai bên bờ eo Torres.

Tất cả những khác biệt đó giữa người Australia và người New Guinea với nhau phản ánh sự cô lập kéo dài trong những môi trường rất khác nhau. Do biển Arafura dâng lên chia cắt Australia và New Guinea khỏi nhau vào khoảng 10.000 năm trước, việc trao đổi di truyền bị thu hẹp lại chỉ còn những tiếp xúc lẻ tẻ thông qua chuỗi đảo trên eo Torres. Điều đó đã cho phép cư dân hai nửa lục địa thích nghi với môi trường riêng biệt của mình. Tuy những thảo nguyên và cây đước của miền duyên hải phía nam New Guinea cũng khá giống như ở miền bắc Australia, song các môi trường sống khác ở hai nửa lục địa này rất khác biệt nhau ở mọi phương diện chính.

Sau đây là một số trong những khác biệt đó. New Guinea nằm gần như ngay trên xích đạo, trong khi Australia trải dài đến vùng ôn đới, xuống đến vĩ độ 40 về phía nam xích đạo. New Guinea nhiều núi cực kỳ lởm chởm, cao đến 16.500 bộ (trên 5.000 mét, ND) và những đỉnh cao nhất phủ băng quanh năm, trong khi Australia hầu hết là thấp và phẳng - 94% diện tích thấp dưới 2.000 bộ (khoảng 600 m). New Guinea là một trong những khu vực nhiều mưa nhất trên thế giới, còn Australia là một trong những khu vực khô hạn nhất. Hầu hết New Guinea có lượng mưa trên 100 inch (2,54 mét) hàng năm, lượng mưa ở hầu hết vùng cao nguyên còn lên tới trên 200 inch (trên 5 mét), trong khi hầu hết Australia chỉ nhận được dưới 20 inch (0,50 mét). Khí hậu xích đạo của New Guinea chỉ thay đổi vừa phải từ mùa này qua mùa khác và năm này qua năm khác, nhưng khí hậu Australia thì thay đổi rất lớn theo mùa, thậm chí thay đổi từ năm này qua năm khác nhiều hơn gấp bội so với bất cứ lục địa nào khác. Hệ quả là ngang dọc khắp New Guinea có những dòng sông lớn quanh năm, trong khi Australia thì hầu như năm nào cũng chỉ ở phía đông mới có những dòng sông thường xuyên chảy, và thậm chí hệ thống sông lớn nhất của Australia (hệ Murray-Darling) cũng ngừng chảy hàng tháng trời những khi hạn hán. Hầu hết diện tích đất của New Guinea phủ kín rừng mưa dày đặc, trong khi hầu hết diện tích Australia chỉ có sa mạc và rừng khô trống trải.

Khắp New Guinea bao phủ một lớp đất trẻ và màu mỡ do hậu quả của hoạt động núi lửa, các băng hà cứ không ngừng hết tiến lại lùi chà xát vùng cao nguyên, và những dòng suối trên núi mang rất nhiều phù sa xuống các vùng đất thấp. Ngược lại, Australia có chất đất già nhất, cằn cỗi nhất, bạc màu nhất trong tất cả các lục địa, bởi Australia ít có hoạt động núi lửa, cũng thiếu những ngọn núi cao và băng hà. Mặc dù diện tích chỉ bằng một phần mười so với Australia, New Guinea có số lượng loài hữu nhũ và loài chim xấp xỉ bằng Australia, ấy là do New Guinea nằm ở xích đạo, có lượng mưa cao hơn nhiều, độ cao so với mặt biển đa dạng hơn nhiều, và màu mỡ hơn nhiều. Tất cả những khác biệt môi trường đó ảnh hưởng đến lịch sử văn hóa rất khác nhau của hai nửa lục địa này mà chúng ta sẽ xét dưới đây.

Nền sản xuất lương thực sớm nhất và thâm canh nhất, cũng như quần thể dân cư dày đặc nhất của Đại Australia phát sinh ở các thung lũng cao nguyên của New Guinea ở độ cao từ 4.000 bộ (khoảng trên 1.200 mét) đến 9.000 bộ (trên 2.700 mét) trên mực nước biển. Các cuộc khai quật khảo cổ đã phát hiện ra những hệ thống mương thoát nước có niên đại từ 9.000 năm trước và trở nên rộng khắp vào khoảng 6.000 năm trước, cũng như những nền đất đắp cao nhằm giữ độ ẩm của đất ở những khu vực tương đối khô. Các hệ thống mương thoát nước này tương tự như các hệ vẫn được sử dụng ngày nay ở vùng cao để tháo nước những nơi đất lầy dùng làm vườn tược. Phân tích phấn hoa cho thấy, từ khoảng hơn 5.000 năm trước đã có tình trạng phá rừng phổ biến ở các thung lũng cao nguyên, hẳn là do người ta phát quang rừng để trồng trọt.

Ngày nay, cây trồng chính của nông nghiệp vùng cao là các loài cây mới được đưa vào gồm khoai tây cùng khoai sọ, chuối, khoai mỡ, mía, các loài cây thân thảo ăn được và một số loại rau ăn lá. Bởi khoai sọ, chuối và khoai mỡ là các loài cây bản địa Đông Nam Á, một khu vực chắc chắn là nguồn thuần hóa cây trồng, cho nên trước kia người ta vẫn cho rằng các cây trồng vùng cao New Guinea ngoài cây khoai lang đều có gốc gác từ châu Á cả. Tuy nhiên, cuối cùng người ta nhận ra rằng tổ tiên hoang dã của cây mía, các loài rau ăn lá và cây thân thảo ăn được đều là ở New Guinea, rằng giống chuối được trồng ở New Guinea có tổ tiên ở New Guinea chứ không phải ở châu Á, và khoai sọ cũng như một số giống khoai mỡ là cây bản địa của cả New Guinea lẫn châu Á. Giá như nông nghiệp New Guinea quả thật có nguồn gốc từ châu Á thì ắt hẳn người ta đã phải tìm thấy những loài cây trồng vùng cao bắt nguồn chỉ từ châu Á, song trên thực tế chẳng có loài nào như vậy. Vì những lý do trên, hiện nay ý kiến chung đều thừa nhận rằng nông nghiệp đã phát sinh độc lập ở vùng cao New Guinea, với sự thuần hóa một số loài cây dại bản địa của New Guinea.

Như vậy New Guinea, cùng với Lưỡi liềm Phì nhiêu, Trung Hoa và một ít khu vực khác, là một trong các trung tâm thuần hóa cây trồng độc lập. Không một dấu tích nào của những cây trồng thật sự đã được trồng ở vùng cao New Guinea cách đây 6.000 năm còn sót lại ở các di chỉ khảo cổ. Tuy nhiên điều đó chẳng lạ, vì các cây trồng chính hiện đại là những loài cây không để lại dấu vết nào có thể nhận diện được về khảo cổ, trừ trong những điều kiện ngoại lệ. Vì vậy có lẽ một số loài trong đó cũng là những cây trồng sáng lập của nền nông nghiệp vùng cao, nhất là vì các hệ thống mương thoát nước cổ đại rất giống các hệ thống mương thoát nước dùng để trồng khoai sọ ngày nay.

Trong nền sản xuất lương thực của vùng cao New Guinea, có ba thành tố rõ ràng có nguồn gốc nước ngoài mà những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên từng chứng kiến là gà, lợn và khoai lang. Gà và lợn được thuần hóa ở Đông Nam Á và được người Nam Đảo (Austronesia) - một dân tộc có gốc gác nguyên thủy từ Nam Trung Hoa mà chúng ta sẽ đề cập đến ở Chương 17 - đưa đến New Guinea cũng như hầu hết các đảo Thái Bình Dương khác vào khoảng 3.600 năm trước. (Riêng lợn thì có thể sớm hơn). Còn cây khoai lang, vốn có nguồn gốc tận Nam Mỹ, thì dường như chỉ đến được New Guinea trong mấy thế kỷ trở lại đây sau khi người Tây Ban Nha mang nó đến quần đảo Philippines. Khi đã vững chân ở New Guinea, khoai lang liền đoạt mất vị trí loài cây hàng đầu của vùng cao vốn trước đó thuộc về khoai sọ, bởi thời gian tăng trưởng của khoai lang ngắn hơn, năng suất cao hơn trên một hécta và chịu đựng tốt hơn với điều kiện đất xấu.

Sự phát triển nền nông nghiệp vùng cao New Guinea ắt hẳn đã kích thích một sự bùng nổ dân số lớn từ hàng ngàn năm trước, bởi sau khi hệ động vật nguyên thủy của New Guinea với những loài thú có túi lớn đã bị tuyệt chủng thì các vùng cao này chỉ có thể nuôi sống những người săn bắt hái lượm với mật độ dân cư ít ỏi. Cây khoai lang xuất hiện ở đây đã gây ra một sự bùng nổ dân số khác trong mấy thế kỷ gần đây. Khi người châu Âu lượn máy bay trên vùng cao nguyên New Guinea vào thập niên 1930, họ sửng sốt thấy bên dưới mình một cảnh quan tương tự như nước Hà Lan. Các thung lũng rộng bị phá trụi hết rừng, chi chít những làng mạc, những cánh đồng được thoát nước và quây rào để sản xuất lương thực thâm canh phủ kín toàn bộ bề mặt các thung lũng. Quang cảnh đó chứng minh cho mật độ dân số ở vùng cao của những người nông dân sử dụng công cụ đá.

Địa hình dốc, mây phủ thường xuyên, bệnh sốt rét, cùng nguy cơ hạn hán ở các cao độ thấp khiến cho nông nghiệp vùng cao New Guinea bị giới hạn ở những độ cao trên 4.000 bộ (trên 1.200 mét). Trên thực tế, vùng cao nguyên New Guinea là một ốc đảo cao ngất giữa trời xanh gồm những quần thể dân cư dày đặc làm nghề nông, vây quanh bốn bề bên dưới là cả một biển mây. Những người New Guinea ở miền đất thấp duyên hải và dọc các con sông thì sống chủ yếu dựa vào cá, còn những người sống ở vùng đất khô xa bờ biển và các con sông thì sống với mật độ thưa thớt bằng nghề nông đốt rừng làm rẫy trồng chuối và khoai sọ, bổ sung thêm bằng săn bắt hái lượm. Ngược lại, cư dân vùng đầm lầy đất thấp New Guinea sống theo lối săn bắt hái lượm du cư nhờ thứ cùi nhiều bột của cây khoai sọ dại vốn có năng suất rất cao và cung cấp lượng calori trên một giờ công nhiều gấp ba lần so với làm vườn. Các đầm lầy New Guinea do đó cho ta một ví dụ nhãn tiền về một môi trường nơi người ta vẫn tiếp tục sống bằng săn bắt hái lượm bởi làm nông nghiệp không cạnh tranh nổi với lối sống săn bắt hái lượm.

Những người săn bắt hái lượm sống bằng khoai sọ ở vùng đầm lầy đất thấp là tiêu biểu cho tổ chức bầy người săn bắt hái lượm du cư ắt hẳn từng là đặc trưng cho toàn bộ cư dân New Guinea. Vì tất cả các lý do mà ta đã đề cập tới ở Chương 13 và 14, các dân tộc làm nông và đánh cá là những dân tộc đã phát triển được công nghệ, xã hội và tổ chức chính trị phức tạp hơn. Họ sống thành làng định cư và xã hội bộ lạc, thường do một nhà lãnh đạo đứng đầu. Một số dân tộc này xây dựng những ngôi nhà lớn, trang trí tinh xảo dùng cho nghi lễ. Nền nghệ thuật tuyệt diệu của họ - dưới dạng tượng gỗ và mặt nạ gỗ - được đánh giá cao trong các viện bảo tàng trên khắp thế giới.

Như vậy New Guinea đã trở thành bộ phận có công nghệ, tổ chức xã hội và chính trị cũng như nền nghệ thuật tiên tiến hơn ở Đại Australia. Tuy nhiên, xét từ quan điểm của người Mỹ hay người châu Âu thì New Guinea vẫn bị xếp vào hàng "sơ khai" chứ không phải "tiên tiến". Tại sao người New Guinea vẫn tiếp tục dùng công cụ bằng đá chứ không phát triển lên công cụ bằng kim loại, vẫn không có chữ viết, vẫn không tự tổ chức được thành tù trưởng quốc và nhà nước? Hóa ra, New Guinea bị cản trở bởi một số yếu tố sinh học và địa lý.

Thứ nhất, mặc dù nền sản xuất lương thực bản địa đã phát sinh ở vùng cao New Guinea, song ta đã thấy ở Chương 8 rằng nó mang lại không nhiều protein. Các loại cây trồng chính đều là những cây cho củ có hàm lượng protein thấp, còn sản lượng từ các loài vật nuôi thuần hóa ít ỏi (lợn và gà) thì quá thấp không đủ bổ sung lượng protein cho người. Bởi cả lợn lẫn gà đều không thể dùng để kéo cày nên dân vùng cao vẫn chẳng có nguồn lực nào khác ngoài cơ bắp của người, cũng không làm tiến hóa được những căn bệnh truyền nhiễm có khả năng đẩy lùi những kẻ xâm lược châu Âu về sau.

Hạn chế thứ hai khiến dân số vùng cao không đông là diện tích hạn chế: vùng cao New Guinea chỉ có vài thung lũng rộng, đáng chú ý là các thung lũng Wahgi và Baliem có thể làm nơi sinh sống cho quần thể dân cư đông đúc. Lại còn một hạn chế nữa, ấy là thực tế rằng vùng lưng chừng núi từ 1.200 m đến 2.700 m là cao độ duy nhất ở New Guinea nơi có thể tiến hành sản xuất lương thực thâm canh. Không hề có sản xuất lương thực ở bất cứ môi trường núi cao nào trên 2.700 mét, không nhiều sản xuất lương thực trên các sườn đồi từ 1.200 m xuống đến 300 m, còn ở vùng thấp thì chỉ có nông nghiệp đốt rừng làm rẫy, mật độ dân cư thấp. Thành thử, sự trao đổi lương thực trên quy mô lớn - giữa các cộng đồng ở các độ cao khác nhau, mỗi cộng đồng chuyên về một kiểu sản xuất lương thực - chưa từng phát triển ở New Guinea. Những sự trao đổi như vậy [giữa các độ cao khác nhau] ở vùng Andes, Alpes và Himalaya không chỉ làm tăng mật độ dân số ở các khu vực đó nhờ mang lại cho cư dân ở mọi độ cao một chế độ ăn uống cân bằng hơn, mà còn kích thích sự hợp nhất về kinh tế và chính trị trong khu vực.

Vì tất cả các lý do trên, dân số của New Guinea truyền thống chưa bao giờ vượt quá 1.000.000 cho tới khi các chính phủ thực dân châu Âu mang thuốc men của phương Tây đến và chấm dứt cuộc chiến giữa các bộ lạc. Trong số khoảng chín trung tâm phát nguyên nông nghiệp trên thế giới mà ta đã đề cập tới ở Chương 5, New Guinea là trung tâm có dân số ít ỏi hơn hết. Với vỏn vẹn 1 triệu người, New Guinea không thể phát triển được công nghệ, chữ viết và các hệ thống chính trị vốn chỉ hình thành ở các quần thể dân cư hàng chục triệu người như ở Trung Hoa, Lưỡi liềm Phì nhiêu, dãy Andes và Trung Mỹ.

Dân số New Guinea không chỉ ít ỏi nếu gộp chung lại, mà còn bị chia cắt thành hàng ngàn quần thể nhỏ manh mún bởi địa hình lởm chởm: đầm lầy ở hầu hết vùng đất thấp, những rặng núi dốc và hẻm núi hẹp xen kẽ nhau ở vùng cao, và rừng rậm bao phủ cả vùng cao lẫn vùng đất thấp. Hồi tôi còn đi thăm dò sinh vật học ở New Guinea với những nhóm người New Guinea làm trợ lý điền dã, thậm chí dù men theo những đường mòn có sẵn nhưng nếu mỗi ngày tiến được ba dặm là tôi đã coi như thành công ghê gớm lắm rồi. Hầu hết dân vùng cao New Guinea truyền thống suốt đời không đi đâu quá 10 dặm (16 cây số) khỏi nhà mình.

Những khác biệt đó về địa hình, kết hợp với tình trạng chiến tranh lúc có lúc không vốn đặc trưng cho quan hệ giữa các bầy người hay các làng New Guinea với nhau, là nguyên nhân cho sự phân tán của New Guinea về ngôn ngữ, văn hóa và chính trị. New Guinea có độ tập trung cao nhất về ngôn ngữ vượt xa mọi khu vực khác trên thế giới: 1.000 trong số 6.000 ngôn ngữ của toàn thế giới chen chúc trên một diện tích chỉ rộng hơn bang Texas đôi chút, lại chia ra thành hàng tá ngữ tộc và ngôn ngữ cá biệt khác xa nhau như tiếng Anh khác xa tiếng Trung Hoa. Gần một nửa tất cả các ngôn ngữ New Guinea chỉ có không đầy 500 người nói, và thậm chí nhóm ngôn ngữ lớn nhất (vẫn chỉ có vỏn vẹn 100.000 người nói) cũng chia cắt về mặt chính trị thành hàng trăm làng, các làng này đánh nhau ác liệt chả kém gì đánh nhau với những làng nói các ngôn ngữ khác. Mỗi một xã hội trong số xã hội siêu nhỏ đó quá nhỏ nên không thể nào sinh ra được tầng lớp tù trưởng và thợ thủ công chuyên nghiệp, hay để phát triển nghề luyện kim và chữ viết.

Ngoài dân số ít ỏi và phân chia manh mún, một hạn chế khác đối với sự phát triển của New Guinea là sự cô biệt về địa lý, khiến công nghệ và ý tưởng từ nơi khác khó lòng vào được. Ba láng giềng của New Guinea thảy đều bị chia cách với New Guinea bởi đường biển, và mãi đến cách đây mấy ngàn năm những vùng này thậm chí còn chậm tiến hơn cả New Guinea (nhất là vùng cao của New Guinea) về công nghệ và sản xuất lương thực. Trong ba láng giềng đó, người Australia bản địa vẫn sống bằng săn bắt hái lượm nên hầu như chẳng có gì để mang lại cho người New Guinea mà người New Guinea chưa có. Láng giềng thứ hai của New Guinea là các hòn đảo Bismarck và quần đảo Solomon nhỏ hơn nhiều về phía đông. Còn lại láng giềng thứ ba, ấy là các hòn đảo đông Indonesia. Thế nhưng kể cả khu vực đó cũng là một nơi lạc hậu về văn hóa, chỉ có những người săn bắt hái lượm sinh sống gần như suốt cả quá trình lịch sử. Người ta không thể xác định liệu đã có một thứ gì đến được New Guinea thông qua Indonesia từ sau khi New Guinea có người ở lần đầu tiên hơn 40.000 năm trước cho đến khi người Nam Đảo bành trướng vào khoảng năm 1.600 tr.CN.

Với sự bành trướng đó, Indonesia bắt đầu bị chiếm lĩnh bởi những người sản xuất lương thực có nguồn gốc từ châu Á, có những con vật được thuần hóa, có nông nghiệp và công nghệ ít nhất cũng phức tạp như công nghệ của New Guinea, và có kỹ năng đi biển giúp họ đi lại hữu hiệu hơn nhiều từ châu Á sang New Guinea. Người Nam Đảo di cư đến các hòn đảo phía tây, phía bắc và phía đông New Guinea, đến cả vùng bờ biển cực tây, phía bắc và phía đông nam của bản thân New Guinea. Người Nam Đảo đến New Guinea mang theo nghề làm đồ gốm, gà, có thể cả chó và lợn. (Các điều tra khảo cổ từ đầu đã tuyên bố tìm thấy xương lợn ở vùng cao New Guinea trước năm 4.000 tr.CN, song các tuyên bố này chưa được xác nhận). Ít nhất là trong mấy ngàn năm trở lại đây, thương mại đã nối liền New Guinea với các xã hội tiên tiến hơn nhiều về công nghệ ở Java và Trung Hoa. New Guinea xuất khẩu [sang các vùng này] lông chim phượng hoàng và gia vị, đổi lại họ nhận hàng hóa của Đông Nam Á trong đó có cả những thứ xa xỉ như trống đồng Đông Sơn và đồ sứ Trung Hoa.

Cùng với thời gian, sự bành trướng của người Nam Đảo ắt hẳn sẽ có nhiều tác động hơn đến New Guinea. Tây New Guinea ắt hẳn sẽ được hợp nhất về chính trị với các tiểu quốc Hồi giáo (sultanate) ở miền đông Indonesia, và công cụ bằng kim loại ắt hẳn sẽ bành trướng từ đông Indonesia sang New Guinea. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra cho mãi đến năm 1511, năm mà người Bồ Đào Nha đặt chân đến Molucca và cắt đứt con đường phát triển riêng biệt của Indonesia. Khi người châu Âu đến New Guinea chẳng bao lâu sau đó, cư dân New Guinea vẫn hãy còn sống thành bầy người hoặc thành từng làng nhỏ quyết liệt đòi tự trị và vẫn còn dùng công cụ đá.

Trong khi bán lục địa New Guinea của Đại Australia đã phát triển được cả chăn nuôi lẫn trồng trọt thì Australia chẳng có cả cái này lẫn cái kia. Trong suốt các thời kỳ Băng hà Australia thậm chí từng có nhiều loài thú có túi lớn hơn cả New Guinea, trong đó có con diprotodont (loài có túi tương đương với bò và tê giác), chuột túi khổng lồ và gấu túi khổng lồ. Nhưng tất cả các loài có túi lẽ ra có thể được thuần hóa làm gia súc đều biến mất trong làn sóng tuyệt chủng (hoặc diệt chủng) đi liền với việc con người di cư đến Australia. Điều đó khiến cho Australia, cũng như New Guinea, không có lấy một loài thú hữu nhũ thuần hóa nào là loài bản địa. Loài thú hữu nhũ thuần hóa duy nhất được du nhập từ ngoài vào Australia là chó, chắc hẳn đã được người Nam Đảo mang từ châu Á đến bằng xuồng vào khoảng 1500 năm tr.CN và thích nghi với môi trường hoang dã Australia mà biến thành loài chó dingo. Người Australia bản địa nuôi chó dingo bắt được làm bầu bạn, để giữ nhà, thậm chí để dùng làm những tấm chăn sống [đắp lên mình cho đỡ lạnh, ND], từ đó mới có câu thành ngữ "đêm năm con chó" ý nói một đêm cực lạnh. Nhưng họ không dùng chó dingo hay chó [thuần gốc] làm thức ăn như người Polynesia, cũng không dùng chúng để đi săn thú hoang như người New Guinea.

Nông nghiệp cũng đã không khởi đầu ở Australia, bởi đây không chỉ là lục địa khô nhất mà còn là lục địa cằn cỗi nhất. Thêm nữa, Australia chẳng giống một nơi nào khác còn ở chỗ khí hậu trên hầu khắp lục địa này chịu ảnh hưởng áp đảo của một chu trình bất thường không theo năm, [cái gọi là] ENSO (viết tắt của Dao động phía nam của El Niño) chứ không phải theo chu kỳ hằng năm đều đặn luân chuyển giữa các mùa vốn rất quen thuộc ở hầu hết các phần khác trên thế giới. Những cơn hạn hán nghiêm trọng không thể đoán trước kéo dài từ năm này sang năm khác, điểm xuyết bằng những trận mưa như trút và lũ xối xả cũng không thể đoán trước y như vậy. Ngay cả ngày nay, có những loại cây trồng Âu-Á, có xe tải và đường sắt để chuyên chở sản phẩm, vậy mà sản xuất lương thực ở Australia vẫn cứ là một ngành kinh doanh lắm rủi ro. Những bầy gia súc được gầy dựng trong những năm tốt trời chỉ để rồi chết sạch trong một lần hạn hán. Bất cứ nhà nông sơ khai nào ở Australia bản địa ắt cũng đã đối mặt với những chu trình tương tự trong quần thể của mình. Nếu trong những năm khí hậu tốt họ đã sống định cư thành làng, trồng trọt, sinh con đẻ cái, thì số dân đông đảo ấy rồi cũng sẽ đói ăn mà chết dần mòn trong những năm hạn hán khi đất đai chỉ nuôi nổi một dúm người ít hơn nhiều.

Một trở ngại chính khác cho sự phát triển sản xuất lương thực ở Australia là những loài cây hoang có thể thuần hóa được thật hiếm hoi. Ngay cả các nhà di truyền học cây trồng người châu Âu hiện nay cũng không phát triển được bất cứ loại cây trồng nào khác trừ hạt macadamia từ các loài thực vật bản địa của Australia. Trong danh sách các loài cây ngũ cốc có tiềm năng của thế giới - 56 loài cây thân thảo có hạt nặng nhất - chỉ có hai loài là của Australia, cả hai đều xếp ở gần cuối danh sách (hạt nặng có 13 miligram, so với những 40 miligram của hạt nặng nhất ở một nơi khác trên thế giới). Nói thế không có nghĩa là Australia chẳng có lấy một loại cây trồng tiềm năng nào hoặc người Australia bản địa sẽ chẳng bao giờ phát triển nổi một nền sản xuất lương thực bản địa. Một số cây như một số loài khoai sọ, khoai mỡ và cây hoàng tinh được trồng ở New Guinea nhưng cũng mọc hoang ở bắc Australia và được thổ dân ở đó thu hoạch. Như ta sẽ thấy, thổ dân ở những vùng có khí hậu thuận lợi nhất của Australia đang tiến hóa theo một hướng có khả năng sẽ dẫn đến sản xuất lương thực. Song, cho dẫu sản xuất lương thực bản địa có ra đời ở Australia đi nữa, nó cũng sẽ bị hạn chế bởi thiếu các loài vật có thể thuần hóa được, quá ít loài cây có thể thuần hóa được, bởi những khó khăn do đất cằn cỗi và khí hậu khôn lường.

Lối sống du cư, săn bắt hái lượm và đầu tư tối thiểu vào nhà ở cũng như tài sản là những biện pháp hợp lý nhằm thích nghi với tính bất khả tiên đoán của tài nguyên do tác động của ENSO ở Australia. Khi điều kiện sống ở một nơi bắt đầu xuống cấp, thổ dân chỉ việc chuyển đến một khu vực khác nơi điều kiện tạm thời tốt hơn. Thay vì chỉ lệ thuộc vào dăm ba loại cây trồng có thể mất mùa, họ giảm thiểu rủi ro bằng cách phát triển một nền kinh tế dựa trên rất nhiều loại lương thực hoang dã [bởi vì] khó có chuyện tất cả các nguồn lương thực đó trở nên khan hiếm cùng một lúc. Thay vì có một dân số lúc tăng lúc giảm thường xuyên vượt quá nguồn tài nguyên có hạn để rồi chết đói, họ duy trì dân số ít đặng có thể tận hưởng thức ăn dồi dào trong những năm được mùa và vẫn đủ ăn trong những năm khốn khó.

Thay cho sản xuất lương thực, thổ dân Australia bản địa tiến hành cái gọi là "nông nghiệp đốt rừng". Thổ dân điều chỉnh và quản lý cảnh quan xung quanh mình bằng những cách sao cho nâng cao được sản lượng cây và con ăn được mà không phải canh tác đất. Cụ thể, họ cố ý đốt hầu hết đất đai một cách định kỳ. Việc đó nhằm nhiều mục đích: lửa khiến cho các loài thú chạy ra [khỏi rừng], thế là con người có thể giết chúng mà ăn thịt ngay lập tức; lửa biến những vùng rừng cây dày đặc thành đất trống nơi con người có thể đi lại dễ dàng hơn; khu đất trống đó cũng là môi trường lý tưởng cho chuột túi, mồi săn số một của Australia; lửa lại còn kích thích sinh trưởng cho lớp cỏ mới làm thức ăn cho chuột túi lẫn rễ cây dương xỉ làm thức ăn cho bản thân các thổ dân.

Chúng ta thường cho rằng thổ dân Australia là dân sa mạc, nhưng hầu hết họ không phải vậy. Thay vào đó, mật độ dân cư của họ thay đổi tùy theo lượng mưa (bởi lượng mưa chi phối năng suất lương thực từ các loài cây dại và thú vật sống trên mặt đất) và tùy theo lượng thủy sản ở biển và sông hồ. Mật độ dân số cao nhất của thổ dân là ở các khu vực có lượng mưa cao nhất và năng sản nhất: hệ thống sông Murray-Darling ở miền đông nam, vùng duyên hải phía đông và phía bắc, góc tây nam. Các khu vực này về sau rồi cũng nuôi sống được mật độ dân cư cao nhất những người di cư châu Âu ở Australia ngày nay. Sở dĩ chúng ta vẫn cho rằng thổ dân Australia là dân sa mạc đơn giản là do người châu Âu đã tàn sát họ hoặc đuổi họ ra khỏi những vùng đất đáng ao ước nhất, chỉ cho phép những quần thể thổ dân Australia cuối cùng còn nguyên vẹn sống ở những khu vực mà người châu Âu không thèm.

Trong vòng 5.000 năm trở lại đây, một số khu vực năng sản đó đã chứng kiến sự chuyên sâu hóa các phương pháp thu lượm lương thực của thổ dân Australia, và mật độ dân số thổ dân đã tăng dần. Ở miền đông Australia, người ta phát triển những kỹ thuật nhằm chế biến các loại hạt có rất sẵn và nhiều bột nhưng cực độc sao cho ăn được, bằng cách tẩy hoặc cho chất độc lên men. Những vùng cao nguyên đông nam Australia mà trước đây chưa được khai thác bắt đầu có người thường xuyên lui tới trong mùa hè, ấy là những thổ dân vốn không chỉ sống bằng hạt mè và khoai lang mà còn ăn cả một loài bướm đêm di trú gọi là bướm bogong thường ngủ đông với số lượng khổng lồ, loài này nướng lên có vị như hạt dẻ rang. Một dạng hoạt động thu lượm lương thực chuyên sâu khác mà thổ dân Australia đã phát triển được là nghề săn lươn nước ngọt ở hệ thống sông Murray-Darling nơi mực nước ở các đầm lầy dao động tùy lượng mưa theo mùa. Thổ dân Australia xây những hệ thống kênh phức tạp dài tới 1 dặm (1,6 km) và rộng tới nửa dặm (0,8 km) để lươn có thể di chuyển từ đầm này sang đầm kia. Họ bắt lươn bằng những chiếc đăng cũng phức tạp không kém, bẫy đặt ở các kênh cụt nằm hai bên, và những bức tường đá chắn ngang kênh, chính giữa tường có một lỗ thủng chăng lưới. Những chiếc bẫy đặt ở các độ sâu khác nhau trong đầm hoạt động tùy theo mực nước lên cao xuống thấp. Xây các "ngư trường" như vậy ắt hẳn mất rất nhiều công sức, song bù lại chúng nuôi sống được nhiều người. Những người châu Âu đến đây vào thế kỷ mười chín đã nhìn thấy những ngôi làng gồm hàng tá căn nhà của thổ dân Australia ở các trại lươn, có cả di tích khảo cổ của những ngôi làng gồm tới 146 căn nhà bằng đá cho thấy dân số theo mùa ở đó ít nhất cũng lên tới hàng trăm người.

Lại còn một tiến triển khác nữa ở miền đông và miền bắc Australia, ấy là thu hoạch hạt của một loài cây dại thuộc cùng một giống với hạt kê bắp chổi (broomcorn millet) vốn là một loại cây trồng chính của nền nông nghiệp Trung Hoa thời kỳ đầu. Người ta dùng dao bằng đá để gặt kê, chất thành đống rồi tuốt hạt, trữ hạt trong bao da hay đĩa gỗ rồi dùng cối đá để xay. Một số công cụ được dùng trong quá trình này, chẳng hạn như dao đá để gặt và đá cối xay, cũng giống như các công cụ được phát minh độc lập ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu để xử lý hạt của các loài cây thân thảo khác. Trong tất cả các phương pháp thu lượm lương thực của thổ dân bản địa Australia, thu hoạch kê có lẽ là phương pháp có khả năng tiến hóa thành trồng trọt nhất.

Cùng với sự thu lượm lương thực chuyên sâu trong 5.000 năm trở lại đây, người ta cũng chế ra những loại công cụ mới. Những lưỡi dao và mũi nhọn nhỏ bằng đá cho phép mỗi đơn vị trọng lượng công cụ có cạnh sắc dài hơn so với các công cụ đá có kích thước lớn trước kia. Những chiếc rìu có cạnh đá mài nhẵn mà trước kia chỉ có ở một số vùng của Australia nay phổ biến khắp nơi. Lưỡi câu bằng vỏ sò xuất hiện trong một ngàn năm trở lại đây.

Do đâu Australia đã không phát triển được công cụ bằng kim loại, chữ viết và xã hội phức tạp về chính trị? Một nguyên nhân chính là bởi thổ dân Australia vẫn tiếp tục là dân săn bắt hái lượm, trong khi - như ta đã thấy ở Chương 12-14 - những bước tiến đó chỉ nảy sinh ở những xã hội sản xuất lương thực, đông dân và chuyên môn hóa về kinh tế. Ngoài ra, tình trạng mưa khan hiếm, đất cằn cỗi và khí hậu khó lường khiến cho dân số những người săn bắt hái lượm Australia không thể vượt quá mức vài trăm ngàn. So sánh với hàng chục triệu người ở Trung Hoa hay Trung Mỹ cổ đại, điều đó có nghĩa là Australia có số nhà phát minh tiềm năng ít ỏi hơn nhiều, cũng như số xã hội ít ỏi hơn nhiều, không đủ để thử nghiệm việc tiếp thu cái mới. Đã vậy, vài trăm ngàn người đó cũng chẳng được tổ chức thành những xã hội có tiếp xúc chặt chẽ với nhau. Thay vì vậy, Australia bản địa là cả một sa mạc mênh mông cực kỳ thưa thớt dân cư, rải rác trên đó là những "ốc đảo" có điều kiện sinh thái thuận lợi hơn, mỗi ốc đảo chỉ bao gồm một phần nhỏ dân số của toàn lục địa, các ốc đảo này ít tiếp xúc với nhau vì khoảng cách xa xôi. Ngay cả ở vùng phía đông tương đối ẩm ướt và sản vật dồi dào hơn, sự trao đổi giữa các xã hội cũng bị hạn chế bởi khoảng cách 1.900 dặm (hơn 3.000 km) từ vùng rừng mưa xích đạo Queensland ở phía đông bắc đến vùng rừng mưa ôn đới Victoria ở phía đông nam, một khoảng cách về địa lý và sinh thái cũng lớn như khoảng cách từ Los Angeles đến Alaska vậy.

Một số trường hợp thoái bộ về công nghệ mang tính khu vực hoặc toàn lục địa ở Australia có thể có nguyên nhân từ vị thế cô lập và số dân khá ít ỏi ở các trung tâm dân cư của nó. Chiếc boomerang, thứ vũ khí quốc hồn quốc túy của Australia, đã bị người dân vùng bán đảo Cape York ở đông bắc Australia từ bỏ. Khi gặp người châu Âu lần đầu tiên, các thổ dân vùng tây nam Australia không ăn sò. Chức năng của những mũi nhọn nhỏ bằng đá vốn xuất hiện ở các di chỉ khảo cổ Australia khoảng 5.000 năm trước vẫn còn chưa rõ: tuy có thể giải thích một cách dễ dãi rằng hẳn người Australia dùng chúng để gắn vào mũi lao hay làm ngạnh tên, nhưng chúng lại giống đến đáng ngờ với những mũi nhọn và ngạnh bằng đá được dùng làm mũi tên ở vài nơi khác trên thế giới. Nếu quả thực công dụng chúng là như vậy thì hẳn ta có thể lý giải điều bí ẩn rằng cung tên có mặt ở New Guinea hiện đại nhưng lại vắng bóng ở Australia: có lẽ người Australia quả thực đã tiếp thu cung tên trong một thời gian, sau đó lại từ bỏ chúng trên toàn bộ lục địa này. Các ví dụ này nhắc ta nhớ lại trường hợp người Nhật đã tiếp thu súng rồi lại từ bỏ súng, người Polynesia từng tiếp thu cung tên và đồ gốm rồi lại từ bỏ những thứ này, và những trường hợp các xã hội cô lập khác tiếp thu rồi lại bỏ những công nghệ khác (Chương 13).

Trường hợp đánh mất công nghệ một cách cực đoan nhất ở Australia xảy ra trên hòn đảo Tasmania, cách bờ Đông Nam Australia 130 dặm (hơn 200 km). Vào thời Pleitoxen khi mực nước biển thấp, eo biển hẹp Bass mà ngày nay ngăn giữa Tasmania với Australia hãy còn là dải đất khô và những người sống ở Tasmania hãy còn là một bộ phận của quần thể người phân bố đều khắp trên lục địa Australia mở rộng. Khi eo biển này rốt cuộc bị ngập nước vào khoảng 10.000 năm trước, người Tasmania và cư dân lục địa chính Australia bị chia cắt khỏi nhau bởi không nhóm nào có tàu bè đủ khả năng vượt qua eo Bass cả. Từ đó trở đi, dân số Tasmania gồm 4.000 người săn bắt hái lượm lâm vào tình trạng mất liên lạc với tất cả những người khác trên Trái đất, sống trong một sự cô biệt mà có chăng người ta chỉ biết tới trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng.

Khi rốt cuộc cũng tiếp xúc với người châu Âu vào năm 1642, người Tasmania có nền văn hóa vật chất thô sơ nhất so với bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới hiện đại. Cũng như lục địa chính Australia, họ là những người săn bắt hái lượm không có công cụ bằng kim loại. Thế nhưng họ còn không có nhiều công nghệ và vật dụng khác mà ở Australia là phổ biến, trong đó có lao ngạnh, công cụ bằng xương đủ loại, boomerang, công cụ bằng đá có mài hoặc đánh bóng, công cụ đá có cán, lưỡi câu, lưới, lao có răng, lao có ngạnh, bẫy, không biết bắt cá và ăn cá, không biết khâu vá, không biết nhóm lửa. Một số công nghệ trong số này có thể đã được du nhập hoặc được phát minh ở lục địa chính Australia chỉ sau khi Tasmania bị tách ra, trong trường hợp đó ta có thể kết luận rằng dân cư ít ỏi của Tasmania đã không tự phát minh được các công nghệ đó. Những công nghệ khác trong số này đã được mang đến Tasmania vào thời nó vẫn còn là một bộ phận của lục địa chính Australia, nhưng về sau, khi Tasmania bị cô lập khỏi Australia thì các công nghệ này cũng mất. Chẳng hạn, tài liệu khảo cổ Tasmania ghi nhận sự biến mất của nghề câu cá, của cái dùi, kim và các công cụ bằng xương khác vào khoảng 1.500 năm tr.CN. Trên ít nhất ba hòn đảo nhỏ hơn (Flinders, Kangaroo và King) đã bị tách rời khỏi Australia hay Tasmania khi nước biển dâng lên khoảng 10.000 năm về trước, những quần thể dân cư ở đó, ban đầu có khoảng 200 đến 400 người, đã hoàn toàn tuyệt chủng.

Như vậy Tasmania và các hòn đảo nhỏ hơn kia minh họa bằng hình thức cực đoan một kết luận có thể mang tầm quan trọng lớn lao đối với lịch sử thế giới. Những quần thể người gồm vỏn vẹn vài trăm người không có khả năng sống sót trong tình trạng hoàn toàn bị cách ly. Một quần thể gồm 4.000 người thì có khả năng sống sót trong 10.000 năm, nhưng với những mất mát to lớn về văn hóa và thiếu trầm trọng khả năng sáng tạo cái mới, khiến quần thể đó chỉ còn lại một nền văn hóa vật chất thô sơ có một không hai. 300.000 dân săn bắt hái lượm ở lục địa chính Australia thì đông đúc hơn và ít bị cách ly hơn so với Tasmania song vẫn là quần thể người nhỏ nhất và cô biệt nhất sao với bất cứ lục địa nào khác. Các trường hợp được ghi nhận về sự thoái bộ công nghệ trên lục địa chính Australia và ví dụ về Tasmania cho thấy sự lạc hậu của thổ dân Australia so với các dân tộc trên những lục địa khác có thể một phần bắt nguồn từ ảnh hưởng của tình trạng cô biệt và số dân ít ỏi đối với sự phát triển và duy trì công nghệ - cũng giống như các ảnh hưởng tương tự trên Tasmania, song ít cực đoan hơn. Suy ra, cũng chính những ảnh hưởng đó hẳn đã góp phần tạo nên sự khác biệt về công nghệ giữa lục địa lớn nhất (Âu-Á) với các lục địa khác lần lượt nhỏ hơn (châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ).

Tại sao công nghệ tiên tiến hơn từ các láng giềng Indonesia và New Guinea đã không đến được Australia? Về phần Indonesia, nó bị biển ngăn cách với phía tây bắc Australia, mặt khác nó cũng khác xa Australia về sinh thái. Ngoài ra, bản thân Indonesia cho mãi đến vài ngàn năm gần đây cũng là một khu vực chậm tiến về văn hóa và công nghệ. Không có bằng chứng nào cho thấy có công nghệ hay phát minh mới được du nhập vào Australia qua ngả Indonesia từ sau khi có người di cư đến Australia lần đầu tiên vào 40.000 năm trước cho đến khi chó dingo xuất hiện ở đây vào khoảng 1500 năm tr.CN.

Chó dingo đặt chân đến Australia vào thời điểm cao trào bành trướng của người Nam Đảo xuất phát từ Nam Trung Hoa qua ngả Indonesia. Người Nam Đảo đã thành công trong việc định cư ở mọi hòn đảo của Indonesia, trong đó có hai đảo gần Australia nhất là Timor và Tanimbar (chỉ cách Australia hiện đại lần lượt là 275 và 205 dặm - 440 và 328 km). Do người Nam Đảo từng vượt những quãng đường biển còn xa hơn nhiều trong quá trình bành trướng ra khắp Thái Bình Dương, nên hẳn ta phải đặt giả thiết rằng họ đã thường xuyên tới Australia, thậm chí dù ta không có loài chó dingo để làm bằng chứng đi chăng nữa. Trong nhiều thời kỳ lịch sử, hằng năm đều có những chuyến viếng thăm miền tây bắc Australia bằng xuồng có buồm xuất phát từ hạt Macassar trên đảo Sulawesi (Celebes) của Indonesia, cho tới khi chính phủ Australia chấm dứt các chuyến đi này vào năm 1907. Bằng chứng khảo cổ cho thấy các chuyến thăm đó đã khởi đầu từ khoảng năm 1000, thậm chí còn có thể từ xưa hơn nữa. Mục đích chính của những chuyến thăm này là để kiếm hải sâm, loài có họ hàng với sao biển được xuất từ Macassar sang Trung Hoa làm một thứ thuốc kích dục được cho là hiệu nghiệm hoặc làm một thành phần đắt giá trong các món canh.

Lẽ tự nhiên, sự trao đổi được hình thành trong quá trình những chuyến thăm đó của người Macassar đã để lại nhiều di sản ở miền tây bắc Australia. Người Macassar trồng cây me ở các chỗ cắm trại của họ dọc theo bờ biển và sinh con đẻ cái với phụ nữ thổ dân Australia. Họ mang theo vải vóc, công cụ kim loại, đồ gốm và thủy tinh làm đồ trao đổi, mặc dù thổ dân Australia chẳng bao giờ học được cách tự sản xuất ra những thứ kia. Thổ dân Australia quả là có vay mượn từ người Macassar một số từ ngữ, một vài nghi lễ, kỹ năng dùng xuồng độc mộc căng buồm và tập quán hút thuốc bằng tẩu.

Thế nhưng không một ảnh hưởng nào trong số đó làm thay đổi được đặc tính cơ bản của xã hội Australia. Còn quan trọng hơn những gì đã xảy ra do hệ quả những chuyến thăm của người Macassar là những gì đã không xảy ra từ đó. Người Macassar đã không định cư ở Australia, rõ ràng là bởi vùng tây bắc Australia đối diện với Indonesia quá ít mưa không thích hợp với nghề nông Macassar. Giá như Indonesia đối diện với vùng rừng mưa nhiệt đới và đồng cỏ miền đông bắc Australia thì ắt hẳn người Macassar đã có thể ở lại định cư, song không có bằng chứng nào cho thấy họ đã đi xa đến thế. Bởi người Macassar chỉ đến từng nhóm nhỏ, lưu lại một thời gian có hạn và không bao giờ đi sâu vào nội địa, nên chỉ một vài nhóm Australia trên những dải hẹp ven biển là tiếp xúc với họ thôi. Mà ngay cả dăm ba người Australia đó cũng chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của văn hóa và công nghệ Macassar chứ không phải toàn bộ xã hội Macassar gồm những cánh đồng lúa, lợn, làng mạc và công xưởng. Bởi người Australia vẫn là dân săn bắt hái lượm du cư, nên họ chỉ tiếp thu vài ba sản phẩm và tập quán Macassar khả dĩ thích nghi với lối sống của họ thôi. Xuồng độc mộc có buồm và tẩu thì được, nhưng lò rèn và lợn thì không.

So với việc người Australia từ chối tiếp nhận ảnh hưởng của người Indonesia thì việc họ từ chối ảnh hưởng của New Guinea có vẻ như kỳ lạ hơn nhiều. Ngang qua dải nước hẹp với cái tên eo Torres, những nhà nông New Guinea nói ngôn ngữ New Guinea và có lợn, đồ gốm, cung tên đối mặt với những người Australia nói ngôn ngữ Australia và không có lợn, đồ gốm, cung tên. Hơn nữa, eo biển này chẳng phải một hàng rào ngăn cách toàn là nước mà rải rác một chuỗi đảo, trong số đó hòn đảo lớn nhất (đảo Muralug) chỉ cách bờ biển Australia vỏn vẹn có 10 dặm (16 km). Người ta vẫn thường xuyên qua lại trao đổi hàng hóa giữa Australia với các đảo và giữa các đảo với New Guinea. Nhiều phụ nữ thổ dân Australia lấy chồng là dân đảo Muralug, sống ở đó và nhìn thấy vườn tược, cung tên của người Muralug. Thế thì vì cớ gì những nét New Guinea đó đã không lan sang Australia được?

Tuy nhiên, cái rào cản văn hóa là eo Torres đó chỉ khó hiểu nếu ta tự làm mình lạc lối khi tự hình dung một xã hội New Guinea đủ lông đủ cánh, có trồng trọt thâm canh và biết nuôi lợn chỉ cách Australia vỏn vẹn 10 dặm bên kia eo biển. Trên thực tế, thổ dân vùng Cape York chưa bao giờ gặp một người New Guinea "chính hiệu" nào. Thay vào đó chỉ có sự trao đổi giữa New Guinea với các đảo gần New Guinea nhất, sau đó là giữa các đảo đó với đảo Mabuiag và đảo Badu xa hơn xuôi theo eo biển, kế đó là giữa đảo Badu với đảo Muralug, cuối cùng mới đến trao đổi giữa Muralug với Cape York.

Càng đi xa dọc theo chuỗi đảo đó thì xã hội New Guinea càng loãng dần. Lợn hiếm gặp hoặc hoàn toàn vắng bóng trên các đảo. Người dân vùng đất thấp Nam New Guinea dọc theo eo Torres không làm nông nghiệp thâm canh như trên vùng cao New Guinea mà chỉ trồng trọt theo lối đốt rừng làm rẫy, phụ thuộc nặng nề vào hải sản, săn bắt và hái lượm. Tầm quan trọng của ngay cả lối đốt rừng làm rẫy đó cũng ngày càng suy giảm từ miền nam New Guinea đến Australia dọc theo chuỗi đảo. Bản thân hòn đảo Muralug gần Australia nhất thì khô hạn, khó trồng trọt được, chỉ có thể nuôi sống một số ít người, những người này sống chủ yếu nhờ hải sản, khoai sọ hoang và quả đước.

Như vậy, diện tiếp xúc giữa New Guinea với Australia thông qua eo Torres gợi cho ta nhớ trò chơi điện thoại của trẻ con: bọn trẻ ngồi thành vòng tròn, một đứa thì thầm một từ vào tai đứa thứ nhì, đứa này thì thầm lại cái mà nó nghe được vào tai đứa thứ ba, đến khi đứa cuối cùng sau khi nghe xong liền thì thầm trở lại vào tai đứa đầu tiên thì cái từ đó hoàn toàn chẳng giống từ ban đầu một tí nào. Cũng vậy, việc trao đổi dọc theo chuỗi đảo trên eo Torres là một trò chơi điện thoại mà cuối cùng cái được trình ra trước mắt thổ dân vùng Cape York là khác xa với xã hội New Guinea. Ngoài ra, chúng ta không nên tưởng tượng rằng quan hệ giữa dân đảo Muralug với thổ dân Cape York là một cuộc hội hè liên tục trong tinh thần hữu ái mà trong đó thổ dân Australia háo hức nuốt từng lời dạy dỗ từ những vị thầy đến từ hòn đảo nọ. Thay vì vậy, sự trao đổi [hòa bình] có những lúc bị ngắt quãng bởi những cuộc chiến tranh nhằm mục đích săn đầu người và bắt phụ nữ về làm vợ.

Mặc dù văn hóa New Guinea bị loãng đi do khoảng cách và chiến tranh, song một vài ảnh hưởng của New Guinea vẫn đến được Australia. Việc hôn phối giữa hai bên đã mang đến bán đảo Cape York một số nét ngoại hình của New Guinea như tóc quăn thay vì tóc thẳng. Bốn ngôn ngữ Cape York có những âm vị bất thường so với Australia, có lẽ do ảnh hưởng của ngôn ngữ New Guinea. Trong những cái đã lan truyền từ New Guinea sang Australia thì quan trọng nhất là lưỡi câu cá bằng vỏ sò vốn đã bành trướng sâu vào nội địa Australia, và thuyền có mái chèo, bành trướng xuống bán đảo Cape York. Trống, mặt nạ nghi lễ, trụ mai táng và ống tẩu của người New Guinea cũng được tiếp thu ở Cape York. Nhưng thổ dân Cape York đã không tiếp thu nghề nông, một phần bởi cái mà họ thấy trên đảo Muralug chỉ là hình ảnh mờ nhạt của nghề nông New Guinea "chính hiệu" mà thôi. Họ không tiếp thu lợn, bởi trên các đảo dọc eo Torres có rất ít hoặc không có lợn, và bởi nếu không có nghề nông thì đằng nào cũng chẳng biết nuôi chúng bằng gì cả. Họ cũng không tiếp thu cung tên mà vẫn dùng lao và ná bắn lao.

Australia thì rộng, New Guinea cũng vậy. Nhưng sự giao tiếp giữa hai khối đất liền lớn đó chỉ hạn chế ở những nhóm dân đảo eo Torres ít ỏi, với một nền văn hóa New Guinea đã nhạt đi rất nhiều, tiếp xúc với dăm ba nhóm thổ dân ít ỏi ở Cape York. Quyết định của thổ dân Cape York - vẫn dùng lao chứ không dùng cung tên và không tiếp thu một số nét khác của nền văn hóa New Guinea mà họ thấy do nó đã bị nhạt đi nhiều - đã ngăn cản việc lan truyền các nét văn hóa New Guinea đó vào phần còn lại của Australia. Hậu quả là chẳng một nét New Guinea nào bành trướng sâu vào nội địa New Guinea ngoại trừ lưỡi câu bằng vỏ sò. Giá như hàng trăm ngàn nhà nông ở vùng cao New Guinea có dịp tiếp xúc gần gũi với thổ dân ở những vùng cao mát mẻ phía đông nam Australia thì ắt hẳn sự chuyển giao ồ ạt nền sản xuất lương thực thâm canh và văn hóa của New Guinea sang Australia đã có thể diễn ra. Nhưng các vùng cao New Guinea lại cách xa các vùng cao Australia những 2.000 dặm (3.200 km) cảnh quan rất khác nhau về sinh thái. Nếu nói về cơ hội để người Australia có thể quan sát và tiếp thu tập quán của dân vùng cao New Guinea thì vùng cao New Guinea cũng xa xôi diệu vợi chẳng khác gì núi trên mặt trăng vậy.

Nói ngắn gọn, thoạt trông thì việc những người săn bắt hái lượm du cư Australia thời Đồ đá dù tiếp xúc với các nhà nông New Guinea thời Đồ đá và các nhà nông Indonesia thời Đồ sắt vẫn khăng khăng không chịu từ bỏ lối sống của mình có vẻ chỉ là do người Australia cố chấp mà thôi. Nhưng nếu xét kỹ, việc đó chẳng qua chỉ phản ánh vai trò của địa lý - điều ở đâu cũng gặp - đối với sự lan truyền văn hóa và công nghệ của loài người.

Giờ chúng ta còn phải khảo sát những cuộc đụng độ giữa các xã hội thời Đồ đá của New Guinea và Australia với những người châu Âu thời Đồ sắt. Một nhà hàng hải Bồ Đào Nha "phát hiện" ra New Guinea vào năm 1526, Hà Lan tuyên bố quyền sở hữu nửa phía tây New Guinea vào năm 1828, còn Anh và Đức chia nhau nửa phía đông vào năm 1884. Những người châu Âu đầu tiên định cư ở miền ven biển, và phải mất một thời gian dài họ mới thâm nhập vào trong nội địa, song đến năm 1960 thì các chính phủ châu Âu đã thiết lập quyền kiểm soát về chính trị trên hầu hết lãnh thổ New Guinea.

Nguyên nhân khiến người châu Âu chiếm New Guinea làm thuộc địa - chứ không phải ngược lại - thật hiển nhiên. Người châu Âu chính là kẻ có những con tàu có khả năng vượt đại dương và la bàn để đến được New Guinea, có chữ viết và máy in để in bản đồ, các tường trình chi tiết và những giấy tờ hành chính cần thiết để xác lập quyền kiểm soát New Guinea, có những thể chế chính trị hầu tổ chức được tàu bè, binh lính và chính quyền, và có súng để bắn những người New Guinea chống đối mà trong tay chỉ có cung tên với dùi cui. Thế nhưng số lượng người di cư châu Âu bao giờ cũng rất ít ỏi, và đến nay phần lớn cư dân New Guinea vẫn là người New Guinea. Điều đó tương phản sâu sắc với tình hình ở Australia, châu Mỹ và Nam Phi nơi người châu Âu di cư sang đông đảo, định cư lâu dài và thay thế hẳn cư dân bản địa khắp những vùng rộng lớn. Tại sao New Guinea lại khác hẳn vậy?

Một nhân tố chính khiến những nỗ lực của người châu Âu hòng định cư ở vùng đất thấp New Guinea đều thất bại cho mãi đến thập niên 1880 là bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác, mà không một bệnh nào trong đó là bệnh của đám đông có tính truyền nhiễm và cấp tính như ta đã đề cập đến ở chương 11. Kế hoạch nhiều tham vọng nhất của người châu Âu hòng định cư ở miền đất thấp là kế hoạch của bá tước de Rays người Pháp vào khoảng năm 1880 trên hòn đảo New Ireland lân cận, song kết quả là trong số 1.000 người châu Âu định cư thì hết 930 chết trong vòng có ba năm. Ngay cả với những cách chữa bệnh hiện đại ngày nay, nhiều bạn bè người Mỹ và người Âu của tôi ở New Guinea vẫn buộc phải rời khỏi xứ này vì bệnh sốt rét, viêm gan hay những bệnh khác, còn bản thân tôi cũng từng bị sốt rét suốt một năm và lỵ cũng suốt một năm trong thời gian sống ở New Guinea.

Trong khi người châu Âu đã và đang bị các vi trùng vùng đất thấp New Guinea quật ngã thì tại sao vi trùng của Âu-Á lại không quật ngã trở lại người New Guinea? Một số người New Guinea cũng có nhiễm các căn bệnh của Âu-Á thật, nhưng không phải trên quy mô lớn như các bệnh đó đã giết chết hầu hết cư dân bản địa Australia và châu Mỹ. Một cái may cho người New Guinea là người châu Âu đã không hề định cư dài hạn ở New Guinea cho mãi đến thập niên 1880, cho đến khi đó thì những khám phá trong lĩnh vực y tế công cộng đã đạt được tiến triển trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa và các bệnh truyền nhiễm khác của cư dân châu Âu. Ngoài ra, sự bành trướng của người Nam Đảo đã liên tục đưa những dòng người di cư và thương nhân Indonesia đến New Guinea trong suốt 3.500 năm. Bởi các bệnh truyền nhiễm của châu Á đã tồn tại vững chắc ở Indonesia, nên người New Guinea đã có cơ hội tiếp xúc và tạo được kháng thể chống các vi trùng Âu-Á này một cách hữu hiệu hơn nhiều so với thổ dân bản địa Australia.

Bộ phận duy nhất của New Guinea nơi người châu Âu không phải gặp những rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe là vùng cao nguyên phía trên ngưỡng độ cao của bệnh sốt rét. Tuy nhiên mãi đến thập niên 1930 người châu Âu mới đặt chân tới được vùng cao nguyên New Guinea nơi đã có người New Guinea sinh sống đông đúc. Đến khi đó thì chính phủ thuộc địa Australia và Hà Lan không còn có ý muốn mở đất cho người châu Âu định cư bằng cách tàn sát đại quy mô dân bản địa hoặc đuổi họ ra khỏi xứ sở mình như thực dân châu Âu vẫn làm trong các thế kỷ trước nữa.

Trở ngại còn lại cho những người châu Âu muốn định cư là cây trồng, vật nuôi và các phương pháp nuôi trồng của châu Âu không mang hiệu quả cao ở bất cứ đâu trong điều kiện môi trường và khí hậu New Guinea. Tuy người ta có thể trồng các loại cây trồng có nguồn gốc châu Mỹ như bí, ngô và cà chua với số lượng nhỏ và những đồn điền trà, cà phê cũng đã được hình thành ở vùng cao nguyên Papua New Guinea, song các cây trồng châu Âu như lúa mì, lúa mạch và đậu chẳng bao giờ đứng chân được. Bò và dê từ châu Âu đưa sang - được nuôi thành từng bầy nhỏ - cũng mắc các bệnh nhiệt đới như chính người châu Âu vậy. Sản xuất lương thực ở New Guinea vẫn chủ yếu dựa trên các loại cây trồng và phương pháp canh tác mà người New Guinea đã ưa chuộng suốt hàng ngàn năm qua.

Tất cả những vấn đề đó - bệnh tật, địa hình hiểm trở và điều kiện sống - đã góp phần khiến người châu Âu để lại phần phía đông New Guinea (nay là quốc gia Papua New Guinea độc lập) cho người New Guinea sinh sống và nắm quyền cai trị, mặc dù người New Guinea vẫn dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, viết bằng chữ cái, sống dưới một thể chế chính phủ dân chủ rập khuôn theo mô hình nước Anh, và dùng súng sản xuất ở nước ngoài. Phía tây New Guinea thì khác hẳn: khu vực này bị người Indonesia đoạt lấy từ tay Hà Lan vào năm 1963 và đổi tên thành tỉnh Irian Jaya. Tỉnh này hiện nay do người Indonesia cai trị, cho người Indonesia. Cư dân vùng nông thôn ở tỉnh này vẫn chủ yếu là người New Guinea, nhưng cư dân thành thị của nó là người Indonesia, do kết quả chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích người Indonesia di cư sang khu vực này. Người Indonesia vốn từ lâu đã tiếp xúc với bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác mà người New Guinea cũng mắc nên không phải đương đầu với rào cản vi trùng như người châu Âu trước kia. Họ cũng được chuẩn bị tốt hơn người châu Âu để có thể sống còn ở New Guinea, bởi nghề nông Indonesia vốn dĩ đã bao gồm chuối, khoai lang và một số cây trồng chính khác giống như nghề nông New Guinea. Những đổi thay đang diễn ra ở Irian Jaya phản ánh sự tiếp diễn cuộc bành trướng của người Nam Đảo đến New Guinea vốn đã khởi đầu từ 3.500 năm trước, song lần này được hậu thuẫn bởi toàn bộ lực lượng của một chính phủ tập trung. Người Indonesiachính là người Nam Đảo.

Người châu Âu đã thực dân hóa Australia chứ không phải thổ dân Australia thực dân hóa châu Âu cũng vì chính những nguyên nhân như ta vừa thấy trong trường hợp New Guinea. Tuy nhiên, số phận người New Guinea và số phận thổ dân bản địa Australia rất khác nhau. Ngày nay Australia được chiếm cứ và cai trị bởi 20 triệu người không phải thổ dân, hầu hết trong số đó có nguồn gốc châu Âu, cộng thêm số người châu Á ngày càng tăng từ khi Australia hủy bỏ chính sách nhập cư cũ (chỉ cho phép người da trắng nhập cư) vào năm 1973. Dân số thổ dân sụt giảm đến 80%, từ khoảng 300.000 người vào thời điểm người châu Âu bắt đầu đến định cư xuống còn mức tối thiểu 60.000 người vào năm 1921. Ngày nay thổ dân bản địa là một tầng lớp dưới trong xã hội Australia. Nhiều thổ dân sống trong các trung tâm truyền giáo [của người da trắng] hoặc các khu bảo tồn của chính phủ, nếu không thì làm nghề chăn gia súc cho các ông chủ da trắng. Tại sao số phận của thổ dân Australia lại hẩm hiu hơn nhiều so với người New Guinea như vậy?

Nguyên nhân cơ bản là một số khu vực của Australia thích hợp với nền sản xuất lương thực của châu Âu và thích hợp để người châu Âu định cư, kết hợp với vai trò của súng, vi trùng và thép của người châu Âu trong việc quét sạch thổ dân khỏi đường đi của họ. Tuy tôi có nhấn mạnh những khó khăn do khí hậu và thổ nhưỡng của Australia, song những khu vực năng sản hoặc màu mỡ nhất của lục địa này lại thích hợp với nghề nông của châu Âu. Nông nghiệp ở vùng ôn đới Australia ngày nay gồm chủ yếu là các loại cây trồng ôn đới có xuất xứ từ Âu-Á như lúa mì (cây trồng hàng đầu của Australia), lúa mạch, kiều mạch, táo và nho, cùng với lúa miến và bông có nguồn gốc từ vùng Sahel của châu Phi và khoai tây có gốc từ vùng Andes. Ở các khu vực nhiệt đới miền đông bắc Australia (Queensland) bên ngoài phạm vi tối ưu của các cây trồng Lưỡi liềm Phì nhiêu, các nhà nông châu Âu canh tác các cây trồng có nguồn gốc New Guinea như mía, nguồn gốc Đông Nam Á nhiệt đới như chuối và chanh, nguồn gốc Nam Mỹ nhiệt đới như lạc. Còn về gia súc, cừu Âu-Á giúp dân châu Âu định cư có thể sản xuất lương thực ở cả các vùng khô cằn không thể trồng trọt được, còn bò Âu-Á thì có thể nuôi ở các vùng ẩm ướt hơn bên cạnh cây trồng.

Như vậy, việc phát triển sản xuất lương thực đã phải đợi tới khi có các loại cây trồng không phải là cây bản địa cũng như các loài vật nuôi đã được thuần hóa ở những khu vực khác trên thế giới có khí hậu tương tự song vì quá xa nên phải đợi đến khi có tàu biển vượt đại dương thì mới chở tới Australia được. Không như New Guinea, hầu hết Australia không có những chứng bệnh đủ nghiêm trọng để người châu Âu phải chùn chân. Chỉ ở vùng nhiệt đới phía bắc Australia thì bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác mới buộc được người châu Âu từ bỏ ý đồ tới định cư, và mãi sang thế kỷ XX họ mới đến sống ở vùng này được nhờ những tiến bộ trong y học.

Dĩ nhiên, thổ dân Australia là trở ngại ngáng trên con đường sản xuất lương thực của người châu Âu, nhất là vì những khu vực lẽ ra có thể biến thành vùng trồng trọt và chăn nuôi trù phú nhất thì lại đang nuôi sống những quần thể thổ dân đông đúc nhất sống bằng săn bắt hái lượm. Sự di cư của người châu Âu khiến số lượng thổ dân sụt giảm theo hai cách. Một cách là bắn chết hết họ, cách này thì hồi thế kỷ 18 và cuối thế kỷ XIX người châu Âu cho là có thể chấp nhận, song đến khi họ đặt chân tới vùng cao New Guinea vào thập niên 1930 thì họ thấy không còn phù hợp nữa. Cuộc thảm sát quy mô lớn cuối cùng - giết chết 31 thổ dân - xảy ra ở Alice Springs vào năm 1928. Cách còn lại là đưa vào Australia những con vi trùng gốc châu Âu mà thổ dân chưa từng có cơ hội miễn dịch hay hình thành kháng thể di truyền. Trong vòng một năm sau khi những người định cư châu Âu đầu tiên đặt chân đến Sydney vào năm 1788, đâu đâu cũng nhan nhản xác thổ dân chết vì bệnh dịch. Những thủ phạm gây bệnh chính mà người ta ghi nhận được là đậu mùa, cúm, sởi, thương hàn, sốt phát ban, thủy đậu, ho gà, lao và giang mai.

Bằng hai cách đó, các xã hội thổ dân Australia độc lập đã bị loại bỏ khỏi bất cứ khu vực nào phù hợp với nền sản xuất lương thực của người Âu. Những xã hội duy nhất còn sống sót và ít nhiều được yên thân là những xã hội sống ở miền bắc và miền tây Australia mà đối với người Âu là vô dụng. Trong vòng một thế kỷ người Âu thực dân hóa Australia, 40.000 năm truyền thống thổ dân đã hầu như bị quét sạch.

Giờ ta có thể quay lại vấn đề tôi đã đặt ra ở gần đầu chương này. Nếu không phải vì những nhược điểm trong bản thân thổ dân Australia thì làm sao có thể giải thích việc các thực dân Anh da trắng rõ ràng đã tạo ra một nền dân chủ sản xuất lương thực, có chữ viết và công nghệ chỉ trong vòng vài thập niên thực dân hóa một lục địa nơi mà cư dân bản địa suốt 40.000 năm lịch sử vẫn cứ là những kẻ săn bắt hái lượm du cư không chữ viết? Chẳng phải đó là một thử nghiệm được kiểm soát thật hoàn hảo trong quá trình tiến hóa các xã hội loài người, buộc chúng ta phải đi đến một kết luận giản đơn theo lối phân biệt chủng tộc hay sao?

Lời đáp cho câu hỏi này không khó. Thực dân Anh da trắng đã không tạo ra một nền dân chủ sản xuất lương thực, có chữ viết và công nghệ ở Australia. Thay vì vậy, họ đã nhập khẩu tất cả các yếu tố đó từ bên ngoài Australia: gia súc, mọi loại cây trồng (ngoại trừ hạt macadamia), kiến thức về luyện kim, động cơ hơi nước, súng, bảng chữ cái, các thể chế chính trị, kể cả vi trùng nữa. Tất cả các thứ đó là sản phẩm cuối của 10.000 năm phát triển trong môi trường Âu-Á. Do ngẫu nhiên về địa lý, những kẻ thực dân đặt chân đến Sydney vào năm 1788 đã thừa hưởng các yếu tố đó. Người châu Âu chưa bao giờ học xem làm thế nào sống được ở Australia hay New Guinea nếu không có công nghệ thừa hưởng từ Âu-Á. Robert Burke và William Wills đủ thông minh để viết, nhưng không đủ thông minh để sống còn trong sa mạc Australia nơi thổ dân Australia vẫn sống tự bao đời.

Những người đã thực sự tạo ra một xã hội ở Australia là các thổ dân Australia. Dĩ nhiên, cái xã hội mà họ tạo ra không phải là một nền dân chủ sản xuất lương thực, có chữ viết và công nghệ. Nguyên nhân cho điều đó phát sinh trực tiếp từ các đặc tính của môi trường Australia.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro