PHẦN I: TỪ VƯỜN ĐỊA ĐÀNG ĐẾN CAJAMARCA - CHƯƠNG 1. Trước vạch xuất phát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một điểm xuất phát thích hợp để từ đó so sánh những diễn tiến lịch sử trên các lục địa khác nhau là khoảng 11.000 năm tr.CN. Thời điểm này đại khái tương ứng với lúc khởi đầu cuộc sống theo làng mạc ở một vài khu vực trên thế giới, sự di dân đầu tiên đến châu Mỹ mà mọi người đều nhất trí, cuối kỷ Pleitoxen và thời kỳ Băng hà sau cùng, và là lúc khởi đầu của cái mà các nhà địa chất gọi là Kỷ Cận đại (Recent Era). Việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi đã bắt đầu ít nhất là ở một khu vực của thế giới trong vòng vài ngàn năm kể từ thời điểm này. Vào lúc đó, có phải các dân tộc sống ở một số lục địa đã có lợi thế xuất phát hoặc ưu thế rõ ràng so với các dân tộc sống ở các lục địa khác hay không?

Nếu vậy thì có lẽ cái lợi thế xuất phát ấy, ngày càng được tăng cường trong vòng 13.000 năm qua, sẽ cung cấp lời đáp cho câu hỏi của Yali. Vì lý do đó, chương này sẽ cho bạn có một cái nhìn chớp nhoáng về lịch sử loài người trên tất cả các lục địa, trong hàng triệu năm, từ khởi thủy của chúng ta với tư cách một loài cho tới 13.000 năm trước. Từng ấy chuyện sẽ được tóm gọn trong không quá 20 trang sách. Đương nhiên, tôi sẽ lướt qua các tiểu tiết và chỉ nhắc tới những gì tôi cho là các xu hướng có liên quan nhiều nhất đến cuốn sách này.

Những họ hàng còn sống gần gũi nhất của chúng ta là ba loài vượn lớn còn sống sót: khỉ đột, tinh tinh thường và tinh tinh nhỏ (còn gọi là bonobo). Việc ba loài này chỉ sống tại châu Phi, cùng với sự hiện diện rất nhiều chứng cứ hóa thạch, cho thấy những giai đoạn sớm nhất của sự tiến hóa loài người cũng đã diễn ra tại châu Phi. Khác với lịch sử các loài vật, lịch sử loài người đã khởi đầu tại đó chừng 7 triệu năm trước (con số ước tính dao động trong khoảng từ 5 đến 9 triệu năm trước). Vào khoảng thời gian đó, một nhóm vượn châu Phi đã tách ra thành nhiều nhóm, trong số đó một nhóm đã tiến hóa thành khỉ đột ngày nay, nhóm thứ hai tiến hóa thành hai nhóm tinh tinh hiện đại, nhóm thứ ba thì tiến hóa thành người. Dòng khỉ đột hình như đã tách ra ít lâu trước khi hai dòng tinh tinh và dòng người tách khỏi nhau.

Hóa thạch cho thấy dòng tiến hóa dẫn đến loài người chúng ta đã đạt đến tư thế chủ yếu đứng thẳng vào khoảng 4 triệu năm trước, sau đó thì bắt đầu tăng dần về kích thước thân thể và kích thước tương đối của não vào khoảng 2,5 triệu năm trước. Những người nguyên thủy này thường được gọi là Australopithecus africanus, Homo habilis và Homo erectus, hình như loài sau đã hình thành từ loài trước trong chuỗi thứ tự trên. Mặc dù Homo erectus, giai đoạn vào khoảng 1,7 triệu năm trước, gần với người hiện đại chúng ta nhất về kích thước cơ thể, song kích thước não của họ thì vẫn chưa bằng phân nửa của chúng ta. Công cụ bằng đá bắt đầu trở nên phổ biến vào khoảng 2,5 triệu năm trước, nhưng chỉ là những mảnh đá tước ra hoặc ghè đẽo rất thô sơ. Đối với tầm quan trọng và sự khác biệt về sinh vật học, Homo erectus tuy có hơn vượn nhưng vẫn còn kém xa so với người hiện đại.

Toàn bộ lịch sử loài người đó, trong khoảng 5 đến 6 triệu năm sau khi con người xuất hiện lần đầu tiên cách đây 7 triệu năm, vẫn chỉ bó hẹp trong phạm vi châu Phi. Tổ tiên đầu tiên của loài người bành trướng ra ngoài châu Phi là Homo erectus, điều này được minh chứng qua các hóa thạch phát hiện được ở đảo Java thuộc vùng Đông Nam Á và thường được gọi một cách quy ước là người Java (Xem Hình 1.1.). Hóa thạch "người" Java cổ nhất - có thể là đàn ông hoặc đàn bà - thường được cho là có tuổi khoảng một triệu năm. Tuy nhiên, gần đây lại có lập luận rằng trên thực tế nó có tuổi đến 1,8 triệu năm. (Nói nghiêm khắc ra thì cái tên Homo erectus là của chính các hóa thạch Java đó, còn hóa thạch châu Phi mà người vẫn xếp loại là Homo erectus có lẽ cần được đặt cho tên khác). Hiện nay, bằng chứng hiển nhiên sớm nhất của loài người ở châu Âu xuất hiện vào khoảng nửa triệu năm trước, nhưng cũng có ý kiến cho rằng còn sớm hơn nữa. Nhất định là người ta có thể giả định rằng việc chiếm cứ châu Á cũng đã cho phép loài người chiếm cứ châu Âu cùng một lúc, bởi Âu-Á là một khối lục địa duy nhất không bị chia cắt bằng những hàng rào tự nhiên đáng kể.

Điều đó minh họa cho một vấn đề sẽ trở đi trở lại nhiều lần trong cuốn sách này. Bất cứ khi nào có một nhà khoa học tuyên bố mình đã phát hiện ra "X cổ nhất" - dù X ở đây là hóa thạch người cổ nhất ở châu Âu, bằng chứng xưa nhất về việc thuần hóa cây ngô ở Mexico hay bất cứ cái gì cổ nhất ở bất cứ nơi đâu - thì y như rằng tuyên bố đó sẽ thách thức những nhà khoa học khác ra sức bác bỏ nó, bằng cách chứng minh mình đã tìm được một cái gì đó còn xưa hơn nữa. Trên thực tế, ắt phải có một cái "X" nào đó thực sự là "X cổ nhất", trong khi toàn bộ các X khác được cho làcổ hơn đều sai. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, hầu như với bất cứ X nào, mỗi năm người ta lại có những khám phá mới và tuyên bố về một X nào đó được cho là còn xưa hơn nữa, đồng thời bác bỏ một số hay tất cả các tuyên bố về những X gọi là cổ nhất. Các nhà khảo cổ thường phải mất hàng mấy thập kỷ mới có thể đi đến đồng thuận về những vấn đề này.

Hình 1.1: Sự bành trướng của loài người ra khắp thế giới.

Nơi phát nguyên: cách đây 7 triệu năm (châu Phi)

Đến khoảng nửa triệu năm về trước, hóa thạch người đã khác với các bộ xương Homo erectus cổ hơn ở chỗ sọ lớn hơn, tròn và ít góc cạnh hơn. Sọ người châu Phi và người châu Âu cách đây nửa triệu năm khá giống sọ người hiện đại chúng ta nên được xếp vào loài Homo sapiens thay vì Homo erectus. Sự phân biệt này là võ đoán, bởi Homo erectus đã tiến hóa thành Homo sapiens. Tuy nhiên, những người Homo sapiens xa xưa đó vẫn còn khác với chúng ta ở các chi tiết xương, sọ nhỏ hơn nhiều so với chúng ta, và khác biệt khá nhiều so với chúng ta ở công cụ chế tác và hành vi. Các dân tộc dùng công cụ bằng đá ở thời hiện đại, chẳng hạn như cụ tổ mấy đời của Yali, hẳn sẽ khinh miệt gọi những công cụ bằng đá cách đây nửa triệu năm đó là quá sức thô sơ. Thứ duy nhất đáng kể khác được bổ sung vào gia sản văn hóa của con người thời đó, mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn, là việc dùng lửa.

Những người Homo sapiens xa xưa đó chẳng hề để lại di sản nghệ thuật lẫn công cụ bằng xương hay bất cứ cái gì khác ngoài di cốt cộng thêm những công cụ bằng đá thô sơ kia. Hãy còn chưa có người ở châu Úc, vì lý do hiển nhiên rằng từ Đông Nam Á muốn sang châu Úc thì phải dùng thuyền. Cũng chưa hề có người ở bất cứ nơi nào tại châu Mỹ bởi muốn vậy thì trước hết con người phải chiếm cứ vùng nào của lục địa Âu-Á gần châu Mỹ nhất (tức Siberia), ngoài ra có lẽ cũng phải có kỹ năng đóng thuyền. (Eo Bering ngày nay chia cắt giữa Siberia và Alaska vốn nông, vào thời đó lúc thì là eo biển, lúc lại là một cầu lục địa nối giữa hai bên đất liền tùy theo mặt biển liên tục lên rồi lại xuống trong suốt Thời kỳ Băng hà). Tuy nhiên, kỹ năng đóng tàu cũng như sinh tồn ở vùng Siberia giá lạnh hãy còn vượt xa ngoài khả năng của những người Homo sapiens đầu tiên.

Sau nửa triệu năm, dân số loài người ở châu Phi và tây lục địa Âu-Á bắt đầu tách biệt khỏi nhau và tách biệt khỏi người Đông Á ở chi tiết xương. Dân cư châu Âu và Tây Á trong khoảng từ 130.000 đến 40.000 năm trước đây được đại diện bởi số di cốt đặc biệt nhiều được gọi là người Neanderthals, đôi khi được xếp thành một loài riêng là Homo neanderthanlensis. Tuy thường bị mô tả trong vô số tranh hoạt hình như những con dã thú giống như vượn sống trong hang động, song thật ra người Neanderthals có não lớn hơn não chúng ta một chút. Họ cũng là những người đầu tiên để lại chứng cứ hùng hồn về nghi thức mai táng người chết và chăm sóc người ốm. Thế nhưng công cụ bằng đá của họ vẫn còn thô sơ so với những chiếc rìu đá tinh xảo của người New Guinea và thường vẫn chưa được chế tác thành những dạng chuẩn, mỗi cái mang một chức năng riêng có thể nhìn thấy rõ.

Một ít mảnh xương châu Phi còn giữ được mà niên đại tương đương với người Neanderthals lại gần gũi với xương của người hiện đại chúng ta hơn là xương của người Neanderthals. Xương ở vùng Đông Á còn giữ được lại càng ít hơn nữa, nhưng hình như chúng lại cũng khác với cả người châu Phi lẫn người Neanderthals. Về lối sống vào thời đó, bằng chứng được lưu giữ tốt nhất là từ các vật dụng bằng đá và xương con mồi thu thập được ở các di chỉ miền nam châu Phi. Mặc dù những người châu Phi cách đây 100.000 năm đó có nhiều bộ xương giống người hiện đại hơn so với người Neanderthals sống cùng thời, nhưng họ cũng chỉ làm ra những công cụ bằng đá thô sơ y như người Neanderthals, nghĩa là vẫn không có hình dạng chuẩn. Họ không để lại di tích về nghệ thuật. Xét theo bằng chứng xương các con mồi mà họ săn, có thể thấy kỹ năng săn bắn của họ còn chưa có gì đặc sắc, chủ yếu nhằm vào các loài vật dễ giết và hoàn toàn không nguy hiểm. Họ vẫn chưa đủ sức giết trâu, lợn và các con mồi nguy hiểm khác. Thậm chí họ còn chưa biết bắt cá: nơi ở của họ ở ngay trên bờ biển nhưng lại không hề có dấu vết xương cá và lưỡi câu. Họ và những người Neanderthals cùng thời vẫn còn chưa đạt đến mức con người đầy đủ.

Lịch sử con người rốt cuộc đã cất cánh vào khoảng 50.000 năm trước, vào thời gian mà tôi từng gọi là Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước của chúng ta. Những dấu vết xác định sớm nhất của cú nhảy đó là ở các di chỉ Đông Phi với những công cụ bằng đá được chuẩn hóa và những đồ trang sức đầu tiên còn giữ được (những chuỗi hạt bằng vỏ trứng đà điểu). Chẳng bao lâu sau, những phát triển tương tự cũng xuất hiện ở vùng Cận Đông và Đông Nam châu Âu, kế đó (khoảng 40.000 năm trước) là ở Tây Nam Âu, nơi còn lại nhiều công cụ chế tác bên cạnh xương của những người được mệnh danh là Cro-Magnon hoàn toàn giống người hiện đại. Sau đó, những bãi rác thải còn giữ được ở các di chỉ khảo cổ nhanh chóng trở nên ngày càng thú vị hơn và khiến không còn nghi ngờ gì nữa rằng ở đây ta đang gặp những người hiện đại về cả mặt sinh học lẫn về mặt hành vi.

Những bãi rác thải của người Cro-Magnon bao gồm không chỉ công cụ bằng đá mà cả công cụ bằng xương, được chế tác thành những hình dạng thích hợp (chẳng hạn thành lưỡi câu), điều mà rõ ràng là những người tiền sử cổ hơn không biết tới. Các công cụ được sản xuất với nhiều hình dáng đa dạng và khác biệt, hiện đại đến mức chỉ nhìn là chúng ta ngày nay có thể nhận biết công năng của chúng như kim khâu, dùi, công cụ chạm khắc, v.v. Thay vì những công cụ chỉ gồm một bộ phận chẳng hạn như đồ nạo cầm tay, các công cụ gồm nhiều mảnh đã xuất hiện. Những vũ khí gồm nhiều bộ phận mà chúng ta có thể nhận ra ở các di chỉ Cro-Magnon bao gồm lao móc, dụng cụ ném lao, cuối cùng là cung và tên, tiền thân của súng trường và các vũ khí nhiều bộ phận hiện đại khác. Các phương tiện này cho phép giết thú hữu hiệu ở cự ly an toàn, nhờ vậy con người đã có thể săn các con mồi nguy hiểm như tê giác và voi, trong khi việc phát minh ra dây thừng để bện lưới, dây và bẫy cho phép người ta bổ sung chim và cá vào thực đơn hằng ngày. Di tích nhà cửa và quần áo may chứng minh rằng con người đã có bước tiến lớn về khả năng sinh tồn ở nơi có khí hậu lạnh, còn di tích đồ trang sức và các bộ xương được chôn cất cẩn thận chỉ ra rằng đã có những phát triển mang tính cách mạng về thẩm mỹ và tâm linh.

Trong số các sản phẩm của người Cro-Magnon còn giữ được đến nay, nổi tiếng nhất là các tác phẩm nghệ thuật: những bức tranh kỳ vĩ trong hang động, những bức tượng, và các nhạc cụ mà đến ngày nay chúng ta vẫn xem là nghệ thuật. Bất cứ ai từng trực tiếp trải nghiệm cái sức mạnh choáng ngợp của những bức tranh bò mộng và ngựa to bằng thật ở hang Lascaux miền nam nước Pháp sẽ lập tức hiểu ngay rằng, với tác giả những bức tranh đó, tâm trí họ ắt cũng phải hiện đại như là bộ xương của họ.

Hiển nhiên rằng đã có một thay đổi to lớn nào đó diễn ra trong năng lực của tổ tiên chúng ta trong khoảng từ 100.000 năm đến 50.000 năm trước. Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước này đặt ra hai câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp: nguyên nhân nào làm phát sinh cú nhảy đó, và vị trí địa lý của cú nhảy đó. Về nguyên nhân phát sinh Cú Nhảy Lớn, tôi đã lập luận trong cuốn Loài tinh tinh thứ barằng đó là sự hoàn thiện thanh quản, do đó là sự hoàn thiện cơ sở giải phẫu học của ngôn ngữ hiện đại, mà khả năng sáng tạo của con người phụ thuộc rất nhiều. Những người khác thì lại cho rằng vào thời gian đó đã có sự thay đổi trong tổ chức của não song kích thước não thì không thay đổi, nhờ vậy mới xuất hiện ngôn ngữ hiện đại.

Về địa điểm của Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước, liệu có phải nó đã diễn ra chủ yếu ở một khu vực địa lý duy nhất, trong một nhóm người duy nhất mà sau đó đã có thể bành trướng và thay thế những nhóm người trước đó ở các vùng khác trên thế giới? Hay cú nhảy đó đã diễn ra song song ở nhiều khu vực khác nhau, các cư dân cư ngày nay ở mỗi khu vực đó là hậu duệ của những cư dân sống ở đó từ trước cú nhảy? Những sọ trông có vẻ hiện đại hơn ở châu Phi cách đây khoảng 100.000 năm được cho là hỗ trợ cho giả thuyết đầu, theo đó thì cú nhảy đã diễn ra chủ yếu ở châu Phi. Các nghiên cứu phân tử (của cái gọi là DNA ti thể) ban đầu cũng được diễn dịch theo lối châu Phi là cội nguồn của con người hiện đại, dẫu rằng ý nghĩa của các phát hiện phân tử đó vẫn còn đáng ngờ. Mặt khác, sọ những người sống tại Trung Hoa và Indonesia hàng trăm ngàn năm trước được một số nhà nhân chủng học vật lý cho là mang những đặc điểm chung với người Trung Hoa và người châu Úc bản địa ngày nay. Nếu đúng vậy, phát kiến này sẽ gợi ý rằng đã có sự phát triển song song và có nhiều cái nôi của người hiện đại ở nhiều khu vực, chứ không phải chỉ có một Vườn địa đàng duy nhất. Câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

Bằng chứng về một cái nôi cục bộ của con người hiện đại, theo sau là việc con người bành trướng và thay thế những loại người khác ở một vùng khác, có vẻ là mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Cách đây khoảng 40.000 năm, người Cro-Magnon xuất hiện ở châu Âu, với bộ xương hiện đại, vũ khí ưu việt và các nét văn hóa tiên tiến khác. Trong vòng vài ngàn năm đã không còn một người Neanderthals nào nữa, dù chính người Neanderthals đã tiến hóa như là những cư dân duy nhất ở châu Âu trong suốt hàng trăm ngàn năm. Chuỗi sự kiện đó gợi ý mạnh mẽ rằng người Cro-Magnon hiện đại, bằng cách nào đó, đã dùng công nghệ vượt trội của mình, cùng với kỹ năng ngôn ngữ của bộ não, để gây bệnh, giết chết hoặc xua đuổi người Neanderthals, để lại rất ít hoặc không một bằng chứng nào về sự hợp huyết giữa người Neanderthals và người Cro-Magnon.

Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước trùng hợp với sự mở rộng địa vực sinh sống của con người lần đầu tiên mà khoa học chứng minh được kể từ khi tổ tiên chúng ta chiếm cứ lục địa Âu-Á. Sự mở rộng đó bao gồm việc xâm chiếm châu Úc và New Guinea mà hồi đó còn nối với nhau thành một lục địa duy nhất. Nhiều di tích phóng xạ chứng minh sự hiện diện của con người ở châu Úc/New Guinea trong khoảng từ 40.000 đến 30.000 năm trước (cộng với một số tuyên bố tìm được chứng cứ cổ hơn song hãy còn gây tranh cãi). Trong một khoảng thời gian ngắn của lần di dân nguyên thủy đó, con người đã bành trướng ra toàn bộ lục địa và thích nghi với môi trường đa dạng của nó, từ những khu rừng mưa nhiệt đới và những ngọn núi cao ở New Guinea cho tới những vùng nội địa khô hạn và chỏm đông nam ẩm ướt của châu Úc.

Trong suốt các Thời kỳ Băng hà, nước đại dương bị giam trong băng nhiều đến nỗi mực nước biển trên toàn thế giới thấp hơn mực nước biển hiện tại đến hàng mấy chục mét. Kết quả là, những nơi mà nay là các biển cạn giữa châu Á và các đảo Sumatra, Borneo, Java và Bali của Indonesia thì ngày xưa là đất cạn. (Các eo biển nông ở nơi khác như eo Bering và biển Manche cũng vậy). Bờ biển Đông Nam Á thời đó nằm cách vị trí ngày nay đến hơn 1.100 km về phía Đông. Tuy nhiên, các đảo trung tâm Indonesia giữa Bali và châu Úc thì vẫn nằm giữa và bị chia cắt bởi các eo biển sâu. Để đến châu Úc/New Guinea từ nội địa châu Á vào thời đó thì vẫn phải vượt qua ít nhất tám eo biển, eo rộng nhất có bề ngang ít nhất 80 km. Hầu hết các eo này chia cắt các hòn đảo với nhau khiến từ đảo này không thể thấy đảo kia, nhưng bản thân châu Úc thì ngay cả từ các đảo Indonesia gần nhất như Timor và Tanimbar vẫn có thể nhìn thấy được. Vậy nên, việc chiếm cứ châu Úc/New Guinea rất quan trọng, ở chỗ nó đòi hỏi phải có tàu biển và cung cấp bằng chứng sớm nhất về việc dùng tàu biển trong lịch sử. Mãi đến khoảng 30.000 năm sau đó (13.000 năm trước đây) mới có bằng chứng mạnh mẽ về việc tàu biển được dùng ở một nơi khác trên thế giới, ấy là ở Địa Trung Hải.

Ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng có khả năng việc chiếm cứ châu Úc/New Guinea chỉ là do một nhúm người làm được một cách tình cờ khi họ bị cuốn ra biển trong khi đang đánh cá trên bè gần một hòn đảo của Indonesia. Ở giả thuyết cực đoan nhất, người ta mô tả những người định cư đầu tiên đó chỉ là một phụ nữ duy nhất đang mang thai một bé trai. Song những người tin ở lý thuyết di dân tình cờ này đã ngạc nhiên trước những khám phá gần đây rằng cả những hòn đảo khác nằm về phía đông New Guinea cũng đã bị chiếm cứ chẳng bao lâu sau bản thân New Guinea, vào khoảng 35.000 năm trước. Đó là các đảo New Britain và New Ireland trong quần đảo Bismarck và đảo Buka ở quần đảo Solomon. Buka nằm khuất tầm nhìn từ hòn đảo gần nhất về phía đông và chỉ có thể đến được bằng cách vượt qua một khoảng cách chừng 160 km bằng đường biển. Như vậy, người châu Úc và New Guinea hẳn đã có khả năng du hành bằng đường biển một cách có chủ định đến các hòn đảo nhìn thấy được, và họ đã sử dụng phương tiện đường biển khá thường xuyên nên cũng hay tình cờ đến được cả các hòn đảo xa không nhìn thấy được.

Việc định cư ở châu Úc/New Guinea hẳn đã gắn liền với một sự kiện lớn đầu tiên khác ngoài việc con người lần đầu tiên sử dụng thuyền vượt biển và sự di cư lớn đầu tiên của loài người từ khi định cư ở lục địa Âu-Á: ấy là sự diệt vong lớn đầu tiên của các loài thú lớn bởi tay con người. Ngày nay chúng ta coi châu Phi chính là lục địa của các loài hữu nhũ lớn. Lục địa Âu-Á ngày nay cũng có nhiều loài hữu nhũ lớn (tuy không dồi dào phong phú như ở đồng bằng Serengeti của châu Phi), như tê giác, voi và hổ châu Á, nai sừng tấm, gấu và sư tử châu Âu (riêng sư tử thì mãi đến thời Hy-La vẫn còn). Châu Úc/New Guinea ngày nay không có loài hữu nhũ nào lớn tương đương như vậy, trên thực tế là không có loài nào lớn hơn con thú có túi nặng xấp xỉ 50 kg. Nhưng châu Úc/New Guinea trước kia từng có những loài hữu nhũ lớn đa dạng của riêng mình, trong đó có thú có túi khổng lồ, những con thú có túi giống như tê giác gọi là diprotodont và có kích thước bằng con bò, và một loài "báo" có túi. Ngày xưa vùng này còn có một loài chim không biết bay giống như đà điểu nặng gần 200 kg, cộng với một số loài bò sát cực lớn trong đó có một loài thằn lằn nặng một tấn, một loài trăn khổng lồ và những loài cá sấu sống trên cạn.

Tất cả các loài thú khổng lồ ở châu Úc/New Guinea đó đều đã biến mất sau khi con người xuất hiện. Tuy người ta vẫn còn tranh cãi về thời điểm chính xác chúng diệt vong, nhưng một số di chỉ khảo cổ tại Úc có niên đại hàng vạn năm, với rất nhiều dấu tích xương người, đã được khai quật cẩn thận, không hề bao gồm dấu vết nào của các loài vật khổng lồ vào 35.000 năm trước mà ngày nay đã tuyệt diệt. Vì vậy, các loài vật khổng lồ hẳn đã bị diệt vong chẳng bao lâu sau khi con người đặt chân đến châu Úc.

Sự biến mất gần như đồng thời của nhiều loài thú lớn như vậy hiển nhiên làm nảy sinh câu hỏi: Cái gì đã gây ra chuyện đó? Có thể có một câu trả lời hiển nhiên, ấy là chúng đã bị giết sạch hoặc bị tiêu diệt một cách gián tiếp bởi những người đầu tiên đến. Hãy nhớ rằng các loài thú châu Úc/New Guinea đã tiến hóa hàng triệu năm mà không hề có mặt những tay thợ săn của loài người. Ta biết rằng các loài chim và thú ở quần đảo Galápagos và Bắc Cực, vốn cũng đã tiến hóa mà không hề có mặt con người và cho mãi đến thời hiện đại vẫn chưa hề biết đến con người, đến ngày nay vẫn cứ hiền khô không chịu nổi. Lẽ ra chúng đã bị tuyệt diệt nếu các nhà bảo vệ môi trường đã không nhanh chóng áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trên các hòn đảo mới được phát hiện gần đây nơi các biện pháp bảo vệ không được thực thi nhanh chóng, tình trạng diệt chủng đã thật sự xảy ra: loài dodo ở đảo Mauritius hầu như đã trở thành biểu tượng của sự tuyệt diệt. Ngày nay ta cũng biết rằng, trên bất cứ hòn đảo đại dương nào có con người định cư kể từ thời tiền sử đến nay mà các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ, việc đến định cư của con người đều dẫn đến những cơn diệt chủng mà nạn nhân là chim moa ở New Zealand, loài vượn cáo khổng lồ ở Madagascar và loài ngỗng lớn không biết bay ở Hawaii. Cũng như người hiện đại đã lại gần lũ dodo và hải cẩu vốn không hề biết sợ người để giết chúng, người tiền sử hẳn cũng đã lại gần lũ moa và vượn cáo khổng lồ không hề biết sợ người rồi giết chúng.

Vì vậy có một giả thuyết về việc các con thú khổng lồ của châu Úc và New Guinea diệt chủng, ấy là chúng đã gặp cùng một số phận như nhau vào khoảng 40.000 năm trước. Ngược lại, hầu hết các loài thú lớn của châu Phi và Âu-Á vẫn còn sống sót đến ngày nay bởi chúng đã cùng tiến hóa bên cạnh người nguyên thủy suốt hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu năm. Nhờ vậy chúng đã có khối thì giờ để biết sợ người trong khi kỹ năng săn bắn ban đầu còn thô sơ của tổ tiên chúng ta được cải tiến rất chậm chạp. Các loài dodo, moa và có lẽ cả các loài thú khổng lồ của châu Úc/New Guinea đã thật không may khi chúng đột ngột phải đối mặt - mà không hề được chuẩn bị trước về mặt tiến hóa - với những con người hiện đại với kỹ năng săn bắt đã phát triển đầy đủ.

Tuy nhiên, cái "giả thuyết giết sạch" như người ta gọi không phải là không gặp ý kiến phản đối trong trường hợp châu Úc/New Guinea. Những người phê phán thuyết này nhấn mạnh rằng cho đến nay chưa hề có di tích xương nào của các loài thú khổng lồ châu Úc/New Guinea mang bằng chứng rõ ràng rằng chúng đã bị con người giết hay thậm chí rằng chúng từng sống bên cạnh con người. Những người bảo vệ "giả thuyết giết sạch" trả lời: Nếu như việc giết sạch các loài đó đã diễn ra rất nhanh và lại cách đây rất lâu, chẳng hạn chỉ trong vòng vài ngàn năm nhưng lại cách đây đến 40.000 năm, thì cũng khó mà mong tìm được di tích khảo cổ chứng minh cho việc đó. Những người chỉ trích đáp lại bằng một phản giả thuyết: rằng có lẽ các loài thú khổng lồ kia đã không bị giết mà bị chết vì một thay đổi khí hậu, chẳng hạn như hạn hán nghiêm trọng trên lục địa châu Úc vốn đã khô hạn triền miên. Cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp diễn.

Riêng tôi, tôi không thể hiểu tại sao các loài thú khổng lồ châu Úc đã sống sót qua không biết bao nhiêu lần hạn hán trong suốt hàng triệu năm lịch sử châu Úc, thế rồi đùng một cái lại cùng nhau chết gần như cùng một lúc (ít nhất là so với chặng thời gian hàng triệu năm) tình cờ đúng vào thời điểm những con người đầu tiên xuất hiện. Những loài khổng lồ đã tuyệt chủng không chỉ ở vùng trung tâm châu Úc khô hạn mà ở cả vùng tây New Guinea và vùng đông nam Úc vốn mưa như trút nước. Chúng cùng tuyệt chủng ở mọi môi trường, không có ngoại lệ, từ vùng sa mạc cho tới rừng mưa lạnh và rừng mưa nhiệt đới. Vì vậy, tôi cảm thấy khả năng lớn nhất là các loài thú khổng lồ đã bị con người tiêu diệt, cả một cách trực tiếp (giết để làm thức ăn) lẫn gián tiếp (do con người dùng lửa và làm thay đổi môi trường). Song dù giả thuyết giết sạch hay giả thuyết khí hậu tỏ ra là đúng, việc tất cả các loài thú lớn ở châu Úc/New Guinea biến mất, như chúng ta sẽ thấy, có những hậu quả nặng nề đối với lịch sử loài người từ đó về sau. Những sự diệt chủng đó đã loại bỏ tất cả các loài thú hoang lớn mà lẽ ra con người đã có thể thuần hóa, khiến người châu Úc và New Guinea bản địa không hề có lấy một con vật nuôi nào của riêng mình.

Vậy là, việc con người chiếm cứ và định cư ở châu Úc/New Guinea chỉ diễn ra vào khoảng thời gian Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước. Một cuộc di dân lớn của con người diễn ra không lâu sau đó là đến những vùng lạnh nhất của lục địa Âu-Á. Tuy người Neanderthals sống vào các thời kỳ Băng hà và đã thích nghi với cái lạnh, họ vẫn không đi lên phía Bắc xa quá miền bắc Đức và Kiev.Điều đó không lạ, bởi người Neanderthals rõ ràng là không có kim, không biết may quần áo, không có nhà cửa ấm và không có những công nghệ khác cần thiết để có thể sống còn ở những vùng khí hậu lạnh nhất. Những người hiện đại về mặt giải phẫu mà có các công nghệ đó thì đã bành trướng đến Siberia vào khoảng 20.000 năm trước (một số người đưa ra những thời điểm sớm hơn nhiều, tuy nhiên điều này còn tranh cãi). Sự bành trướng này hẳn là nguyên nhân cho sự tuyệt chủng của loài voi mamút lông dày và tê giác có lông của lục địa Âu-Á.

Với việc định cư ở châu Úc/New Guinea, con người giờ đây đã chiếm cứ ba trong số năm lục địa có thể sinh sống được. (Trong cuốn sách này, tôi xem Âu-Á là một lục địa duy nhất, đồng thời không kể Châu Nam cực bởi lục địa này mãi đến thế kỷ 19 con người mới đặt chân đến và chưa bao giờ có con người sinh sống tự túc). Vậy là chỉ còn lại hai lục địa, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Chắc chắn đó là hai lục địa được con người định cư sau cùng, vì lý do hiển nhiên là để đến được châu Mỹ từ Cựu Thế giới thì hoặc phải dùng thuyền (mà bằng chứng về sự có mặt của thuyền thì ngay cả ở Indonesia mãi đến 40.000 năm trước đây mới có, ở châu Âu thì càng muộn hơn nhiều) để vượt biển, hoặc phải chiếm lĩnh Siberia (mà mãi đến 20.000 năm trước vẫn chưa có người ở) thì mới có thể băng qua dải đất Bering.

Tuy nhiên, con người di cư sang châu Mỹ lần đầu tiên cụ thể vào khi nào trong khoảng từ 14.000 đến 35.000 năm trước thì vẫn còn chưa rõ. Di tích hiển nhiên xưa nhất của con người ở châu Mỹ là tại các di chỉ ở Alaska có niên đại khoảng 12.000 năm tr.CN, theo sau là một loạt di chỉ ở Hoa Kỳ phía nam biên giới Canada và ở Mexico vào các thế kỷ ngay trước 11.000 năm tr.CN. Các di chỉ ở Mexico được gọi là di chỉ Clovis, đặt theo tên của di chỉ tiêu biểu gần thị trấn Clovis, bang New Mexico, nơi những mũi lao lớn bằng đá đặc trưng của nó được tìm thấy lần đầu tiên. Đến nay người ta đã biết đến hàng trăm di chỉ Clovis, phủ khắp 48 bang nội địa Hoa Kỳ kéo dài đến tận Mexico. Bằng chứng hiển nhiên về sự hiện diện của con người chẳng bao lâu sau cũng xuất hiện ở Amazonia và Patagonia. Các sự kiện này gợi ý rằng các di chỉ Clovis chứng minh cho việc con người lần đầu tiên di cư sang châu Mỹ, sau đó nhanh chóng nhân lên, bành trướng rộng ra đầy cả hai lục địa.

Thoạt tiên người ta có thể lấy làm lạ rằng các hậu duệ của người Clovis đã có thể đến được Patagonia nằm cách biên giới Hoa Kỳ-Canada những 13.000 km trong vòng chưa tới một ngàn năm. Tuy nhiên, nếu chia khoảng cách ấy cho một ngàn năm thì người tiền sử đã nam tiến trung bình 13 km một năm, đó chỉ là chuyện vặt đối với người săn bắt hái lượm bởi có khi chỉ trong một ngày tìm thức ăn họ cũng đã đi được ngần ấy quãng đường rồi.

Chúng ta thoạt tiên cũng có thể ngạc nhiên rằng cư dân châu Mỹ thời đó đã trở nên đông đúc nhanh đến mức phải nghĩ đến chuyện di cư mãi về phía nam đến tận Patagonia. Song, sự tăng dân số đó cũng chẳng có gì lạ nếu ta xét kỹ những con số cụ thể. Nếu châu Mỹ rốt cuộc đã là nơi cư trú của những người săn bắt hái lượm với mật độ dân số trung bình khoảng dưới một người trên một dặm vuông (khoảng 1,6 km2, ND) (một con số cao so với những người săn bắt hái lượm hiện đại), thì toàn bộ diện tích châu Mỹ sẽ có dân số khoảng 10 triệu người săn bắt hái lượm. Nhưng thậm chí nếu những người đến định cư đầu tiên chỉ có khoảng 100 người và dân số của họ chỉ tăng với tốc độ 1,1% một năm thì hậu duệ của họ sẽ đạt ngưỡng 10 triệu người trong vòng một ngàn năm. Một lần nữa, tốc độ tăng dân số 1,1% một năm chẳng có gì là khó: thời hiện đại người ta đã quan sát được tốc độ tăng dân số tới 3,4%/năm khi người ta di cư sang các vùng đất hoang, chẳng hạn như khi những thủy thủ nổi loạn trên con tàu HMS Bounty và các bà vợ người Tahiti của họ di cư sang đảo Pitcairn.

Sự phong phú di chỉ của người săn bắn Clovis trong vài thế kỷ đầu tiên sau khi họ xuất hiện ở châu Mỹ cũng giống như sự phong phú di chỉ đã được chứng minh về mặt khảo cổ sau khi tổ tiên người Maori phát hiện ra New Zealand gần đây nhất. Một sự phong phú di chỉ khác cũng được chứng minh cho việc những người hiện đại về mặt khảo cổ di cư sang châu Âu vào thời kỳ xa xưa hơn nhiều, cũng như việc chiếm lĩnh châu Úc/New Guinea. Nghĩa là, bất cứ cái gì về hiện tượng Clovis và về việc họ bành trướng khắp châu Mỹ đều tương đồng với các khám phá mà khoa học đã chứng minh được về việc con người đến định cư tại các vùng đất hoang khác trong lịch sử.

Việc bùng nổ các di chỉ Clovis trong các thế kỷ ngay trước 11.000 năm tr.CN, chứ không phải các thế kỷ trước 16.000 hay 21.000 năm tr.CN, có thể có ý nghĩa gì? Hãy nhớ lại rằng Siberia vốn dĩ bao giờ cũng lạnh, và có một dải băng thường trực trải dài như một ranh giới không thể vượt qua suốt cả chiều ngang của Canada trong hầu hết thời đại Pleitoxen. Ta đã thấy rằng công nghệ cần thiết để chống chọi với cái lạnh cực độ kia đã không hề xuất hiện mãi đến khi những người hiện đại về mặt giải phẫu xâm chiếm châu Âu vào khoảng 40.000 năm trước, và rằng con người mãi đến 20.000 năm sau đó mới di cư sang Siberia. Cuối cùng, những người Siberia đầu tiên đó đã sang Alaska hoặc bằng đường biển qua eo Bering (mà đến ngày nay vẫn chỉ rộng 80 km) hoặc bằng cách đi bộ vào những thời băng hà khi eo Bering là một dải đất liền. Dải đất Bering, trong những lần hiện hữu cách quãng mà cộng lại cũng đến hàng ngàn năm, hẳn đã rộng đến hàng ngàn km, bao phủ toàn lãnh nguyên bằng phẳng, nơi những người đã thích nghi với khí hậu có thể dễ dàng băng qua được. Dải đất này gần đây bị ngập nước và lại trở thành eo biển khi mực nước biển dâng lên vào khoảng 14.000 năm tr.CN. Dù những người Siberia đầu tiên ấy đi bộ hay chèo thuyền đến Alaska, bằng chứng chắc chắn có sớm nhất về sự hiện diện của loài người ở Alaska có niên đại khoảng 12.000 năm tr.CN.

Chẳng bao lâu sau đó, một hành lang không có băng theo hướng Bắc-Nam đã mở ra trong mảng băng lớn ở Canada, cho phép những người Alaska đầu tiên băng qua để xuống vùng Đồng bằng Lớn (Great Plains) xung quanh khu vực thành phố Edmonton hiện nay của Canada. Việc này đánh dấu chấm hết cho cái rào cản lớn cuối cùng giữa Alaska và Patagonia đối với người hiện đại. Những người Edmonton tiên phong hẳn đã thấy vùng Đồng bằng Lớn có cơ man nào thú săn. Ắt hẳn là họ đã an cư, ngày một đông lên, và dần dần bành trướng về phía Nam để chiếm lĩnh toàn bộ Tây bán cầu.

Một khía cạnh khác của hiện tượng Clovis đáp ứng mong đợi của chúng ta về sự hiện diện đầu tiên của con người ở phía nam mảng băng lớn Canada. Cũng như châu Úc/New Guinea, thoạt tiên châu Mỹ cũng có đầy rẫy các loài thú lớn. Khoảng 15.000 năm trước, miền Tây châu Mỹ trông rất giống đồng bằng Serengeti của châu Phi ngày nay, với hàng đàn voi và ngựa bị sư tử và báo săn đuổi, lại còn có những loài đặc dị như lạc đà và con lười đất khổng lồ. Cũng như ở châu Úc/New Guinea, tại châu Mỹ hầu hết các loài thú lớn đó đều bị tuyệt chủng. Trong khi những sự tuyệt chủng có lẽ đã diễn ra tại châu Úc từ hơn 30.000 năm trước, thì tại châu Mỹ sự tuyệt chủng chỉ diễn ra trong khoảng 17.000 đến 12.000 năm trở lại đây. Đối với các loài thú lớn châu Mỹ đã tuyệt chủng mà xương vẫn còn vô số và có niên đại đặc biệt chính xác, người ta có thể xác định rằng sự tuyệt chủng đã diễn ra vào khoảng 11.000 năm tr.CN. Có lẽ hai sự tuyệt chủng được xác định niên đại chính xác nhất là của con lười đất Shasta và loài dê núi Harrington ở vùng Hang Lớn (Grand Canyon), cả hai đều đã biến mất trong vòng một, hai thế kỷ vào khoảng 11.000 năm tr.CN. Dù có tình cờ trùng hợp hay không, niên đại đó là đồng nhất - trong phạm vi dung sai thí nghiệm - với thời điểm những người săn bắn Clovis đặt chân đến khu vực Grand Canyon.

Việc phát hiện nhiều bộ xương voi mamút mà giữa xương sườn có cắm mũi giáo Clovis cho thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà các niên đại này khớp nhau. Những nhà săn bắn di cư về phía Nam băng qua châu Mỹ, khi gặp các loài thú lớn vốn trước đó chưa hề nhìn thấy con người, có thể đã nhận thấy rằng thú châu Mỹ quá dễ giết và đã tuyệt diệt chúng. Có một thuyết ngược lại cho rằng các loài thú lớn châu Mỹ tuyệt chủng không phải do bị giết mà là do khí hậu thay đổi vào cuối thời kỳ Băng hà cuối cùng vốn cũng đã xảy ra vào khoảng 11.000 năm tr.CN (điều chỉ khiến các nhà cổ sinh học hiện đại càng bối rối hơn khi họ cố công lý giải).

Về phần mình, tôi cũng gặp cùng một mắc mứu như vậy với lý thuyết cho rằng các loài thú lớn châu Mỹ diệt chủng vì sự thay đổi khí hậu như đã từng gặp với lý thuyết tương tự về châu Úc/New Guinea. Các loài thú lớn của châu Mỹ đã sống sót đến tận cuối 22 thời kỳ Băng hà trước đó. Tại sao hầu hết chúng lại chọn đúng thời kỳ Băng hà thứ 23 để diệt chủng đồng loạt khi có mặt những con người được giả định là vô hại kia? Tại sao chúng biến mất ở mọi môi trường, không chỉ ở những môi trường đã thu hẹp mà cả ở các môi trường đã mở rộng rất nhiều vào cuối Thời kỳ Băng hà sau cùng? Do vậy tôi ngờ rằng chính các thợ săn Clovis đã làm việc đó, nhưng cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết thúc. Dù lý thuyết nào được chứng minh là đúng thì hầu hết các loài thú hoang dã lớn lẽ ra đã có thể được người châu Mỹ bản địa thuần hóa cũng vì vậy mà bị xóa sổ.

Một câu hỏi nữa cũng chưa có lời giải đáp, ấy là liệu có thật các thợ săn Clovis là những người châu Mỹ đầu tiên không. Cũng như bất cứ khi nào ai đó tuyên bố tìm được cái gì đó là xưa nhất, người ta thường xuyên tuyên bố đã phát hiện được ở châu Mỹ di chỉ của những người còn xưa hơn người Clovis. Hằng năm, một vài tuyên bố như vậy quả thực có vẻ thuyết phục và hấp dẫn khi lúc đầu được đưa ra. Nhưng rồi lại không tránh khỏi nảy sinh những khó khăn trong cách diễn dịch. Liệu có thật các công cụ được tìm thấy ở các di chỉ đó là do con người làm ra không, hay chúng chỉ là những hình dạng đá tự nhiên? Liệu các niên đại cácbon phóng xạ được người ta tuyên bố kia là đúng chứ không bị loại bỏ bởi một trong rất nhiều khó khăn có thể xảy ra khi xác địnhniên đại bằng cácbon phóng xạ? Nếu niên đại là đúng thì liệu chúng có thực sự gắn liền với những sản phẩm của con người chứ không phải chỉ là một cục than 15.000 tuổi [tình cờ] nằm cạnh một công cụ bằng đá mà kỳ thực chỉ được làm ra khoảng 9.000 năm trước?

Để minh họa những vấn đề đó, ta hãy xét ví dụ điển hình sau đây về một tuyên bố tìm thấy di chỉ tiền Clovis mà người ta hay trích dẫn. Tại một hang đá ở Brazil tên là Pedra Furada các nhà khảo cổ tìm thấy những bức tranh hang động mà, không nghi ngờ gì nữa, là do con người làm ra. Trong những đống đá dưới chân một vách đá, họ cũng tìm thấy một số hòn đá mà hình dạng cho thấy có khả năng chúng là những công cụ thô sơ. Ngoài ra họ còn bắt gặp cái mà họ cho là những bếp lò trong đó có than đã đốt với niên đại khoảng 35.000 năm trước. Các bài viết về Pedra Furada được cho in trên tờ tạp chí khoa học thế giới đầy uy tín và rất ư kén chọn là Nature.

Nhưng không một hòn đá nào nơi chân vách đá đó hiển nhiên là công cụ do con người làm ra như các mũi lao Clovis và công cụ Cro-Magnon. Nếu đã có hàng trăm ngàn hòn đá từ một vách đá cao rơi xuống trong vòng hàng vạn năm thì nhiều hòn trong đó sẽ bị cắt xẻ và vỡ ra khi chạm đến các tảng đá bên dưới, trong đó một số hòn rốt cuộc sẽ trông như những công cụ thô sơ do con người ghè đẽo. Ở Tây Âu và vài nơi khác tại Amazonia, giới khảo cổ đã xác định niên đại các sắc tố được sử dụng trong các bức họa hang động, nhưng việc đó lại không được tiến hành ở Pedra Furada. Xung quanh đó thường xuyên xảy ra nạn cháy rừng tạo nên than, than này thường được gió và các dòng nước quét vào hang động. Không có bằng chứng nào nối kết những viên than có tuổi 35.000 năm với những bức tranh hang động không thể nghi ngờ ở Pedra Furada. Mặc dù những người khai quật đầu tiên vẫn tin tưởng vào quan điểm của mình, mới đây một nhóm nhà khảo cổ - vốn không tham gia khai quật nhưng cởi mở với các tuyên bố về phát hiện tiền Clovis - đã đến thăm di chỉ này, song khi trở về họ vẫn tỏ ra chưa bị thuyết phục.

Di chỉ Bắc Mỹ mà hiện nay được coi là di chỉ tiền Clovis có bằng chứng mạnh mẽ nhất là hang đá Meadowcroft ở Pennsylvania, cung cấp niên đại cácbon phóng xạ liên quan tới người khoảng 16.000 năm trước. Tại Meadowcroft không nhà khảo cổ nào phủ nhận rằng đã xuất hiện nhiều công cụ chế tác của con người ở nhiều tầng được khai quật cẩn thận. Nhưng niên đại cácbon phóng xạ xưa nhất không có ý nghĩa lắm, bởi các loài cây trồng và vật nuôi gắn liền với những di chỉ này lại là các loài vẫn sống ở Pennsylvania trong thời đại gần đây khi khí hậu ôn hòa, chứ không phải các loài thuộc thời đại băng hà cách đây 16.000 năm như người ta vẫn nghĩ. Vì vậy người ta buộc phải ngờ rằng các mẫu than có niên đại từ những lớp con người định cư xưa nhất bao gồm than sau thời Clovis lẫn với cácbon xưa hơn. Di chỉ được cho là tiền Clovis "nặng ký" nhất ở Nam Mỹ là di chỉ Monte Verde ở miền nam Chile, có niên đại ít nhất 15.000 năm trước. Di chỉ này hiện nay có vẻ cũng thuyết phục được nhiều nhà khảo cổ, song người ta vẫn phải thận trọng bởi đã nhiều lần bị tưởng bở để rồi thất vọng như thế rồi.

Nếu quả thật có những người tiền Clovis ở châu Mỹ thì tại sao việc chứng minh họ có tồn tại lại khó khăn đến như vậy? Các nhà khảo cổ đã khai quật hàng trăm di chỉ tại Mỹ mà tất cả đều có niên đại từ 2.000 đến 11.000 năm tr.CN, trong đó có hàng tá di chỉ Clovis tại miền tây Bắc Mỹ, các hang đá ở dãy Appalache và các di chỉ ở ven biển California. Dưới các lớp khảo cổ nơi sự hiện diện của con người là không thể nghi ngờ, tại nhiều di chỉ trong chính các di chỉ đó, người ta đã khai quật thêm nhiều lớp sâu hơn, xưa hơn, và tìm thấy nhiều di tích hiển nhiên của các loài thú, nhưng bằng chứng về con người thì không tìm thấy nữa. Bằng chứng về những người tiền Clovis tại châu Mỹ thật yếu ớt, trái ngược với bằng chứng mạnh mẽ ở châu Âu, nơi hàng trăm di chỉ minh chứng cho sự hiện diện của con người từ xưa hơn nhiều trước khi các thợ săn Clovis xuất hiện tại châu Mỹ khoảng 11.000 năm tr.CN. Còn hùng hồn hơn nữa là bằng chứng tại châu Úc/New Guinea, nơi chỉ có giỏi lắm là một phần mười số nhà khảo cổ so với số nhà khảo cổ chỉ riêng tại Mỹ, nhưng một dúm nhà khảo cổ đó lại đã phát hiện được trên một trăm di chỉ tiền Clovis không thể chối cãi rải rác trên toàn lục địa này.

Những con người cổ xưa chắc chắn là đã không bay bằng trực thăng từ Alaska đến Meadowcroft và Monte Verde, lướt qua tất cả các cảnh quan giữa các nơi đó. Những người biện hộ cho thuyết tiền Clovis gợi ý rằng, trong hàng ngàn hay thậm chí hàng vạn năm, những người tiền Clovis chỉ có mật độ dân số thấp hoặc khó nhận thấy được về mặt khảo cổ, vì những nguyên nhân chưa biết và chưa từng có tiền lệ ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tôi thấy đề xuất này lại còn kém thuyết phục hơn gấp bội so với đề xuất rằng vấn đề Monte Verde và Meadowcroft rốt cuộc rồi sẽ cũngđược diễn giải lại cũng như nhiều di chỉ tiền Clovis khác mà người ta từng tuyên bố. Tôi thì cảm thấy, nếu như quả thật đã có người tiền Clovis định cư ở châu Mỹ, ắt hẳn ngày nay chúng ta đã có thể thấy dấu vết hiển nhiên ở nhiều nơi chứ không phải cãi nhau suốt như vậy. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn đang bất đồng ý kiến về những vấn đề này.

Dù cách diễn giải nào là đúng đi nữa, hệ quả cho sự hiểu biết của chúng ta về tiền sử châu Mỹ gần đây vẫn là một. Hoặc, châu Mỹ đã có người đến định cư đầu tiên vào khoảng 11.000 năm tr.CN và nhanh chóng đầy người. Hoặc, việc định cư đầu tiên đã diễn ra sớm hơn (hầu hết các giả thuyết về người định cư tiền Clovis cho rằng việc đó diễn ra vào khoảng 15.000 hay 20.000 năm tr.CN, có thể 30.000 năm trước, một số nghiêm túc cho rằng còn sớm hơn nữa); song những người định cư tiền Clovis đó vẫn còn ít ỏi về số lượng, ít để lại dấu vết hoặc ít có ảnh hưởng cho mãi đến khoảng 11.000 năm tr.CN. Dẫu trường hợp nào đi nữa thì, trong năm lục địa mà con người có thể cư trú được, Bắc Mỹ và Nam Mỹ là các lục địa có giai đoạn tiền sử loài người ngắn ngủi nhất.

Với việc con người chiếm lĩnh châu Mỹ, hầu hết các khu vực có thể cư trú được của các lục địa và đảo lục địa, kể cả các hải đảo từ Indonesia đến vùng đông New Guinea đều đã có người. Việc định cư ở các hòn đảo còn lại của thế giới mãi đến thời hiện đại mới được hoàn tất: các đảo Địa Trung Hải như Crete, Cyprus, Corsica và Sardinia được định cư từ 8.500 đến 4.000 năm tr.CN, các đảo Caribê bắt đầu được định cư vào khoảng 4.000 năm tr.CN, các đảo Polynesia và Micronesia từ khoảng 1.200 đến 1.000 năm tr.CN, Madagascar khoảng năm 300 CN đến 800, và Iceland vào khoảng thế kỷ thứ IX. Người châu Mỹ bản địa, có lẽ là tổ tiên của người Inuit, đã bành trướng khắp vùng Bắc Cực vào khoảng 2.000 năm tr.CN. Như vậy, những khu vực duy nhất còn lại chưa có người ở, chờ đợi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân đến trong vòng 700 năm sau đó, là những hòn đảo xa xôi nhất của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương (như quần đảo Azores và Seychelles) cộng với Nam cực.

Việc các lục địa được con người đến định cư vào những thời điểm khác nhau liệu có ý nghĩa gì đối với lịch sử từ đó về sau? Nếu có, ý nghĩa ấy là gì? Giả định rằng có một cỗ máy thời gian có khả năng đưa các nhà khảo cổ đi ngược thời gian chu du vòng quanh thế giới vào thời điểm 11.000 năm tr.CN. Xét tình hình thế giới vào thời đó, liệu các nhà khảo cổ có thể tiên đoán xem các xã hội loài người trên những lục địa khác nhau sẽ phát triển súng, vi trùng và thép theo những trình tự nào và từ đó tiên đoán tình trạng của thế giới ngày nay hay không?

Các nhà khảo cổ hẳn sẽ xét đến những lợi thế khả dĩ của nơi có lợi thế xuất phát. Nếu lợi thế xuất phát là đáng kể thì châu Phi hẳn đã có lợi thế lớn lao: ở đó người nguyên thủy đã hiện hữu như một loài riêng biệt sớm hơn ở các lục địa khác ít nhất 5 triệu năm. Ngoài ra, nếu đúng là người hiện đại đã nảy sinh ở châu Phi khoảng 100.000 năm trước rồi mới bành trướng ra các lục địa khác,điều đó hẳn đã triệt tiêu bất kỳ lợi thế nào tích lũy được ở các nơi khác tại thời điểm đó và mang lại cho châu Phi một lợi thế xuất phát mới. Hơn nữa, sự đa dạng gen của người ở châu Phi là cao nhất: một khi con người đã đa dạng hơn thì họ hợp lại ắt sẽ cho ra nhiều phát minh đa dạng hơn.

Song nhà khảo cổ của chúng ta có thể lại phản tỉnh: thực ra thì cái "lợi thế xuất phát" này có ý nghĩa gì cho mục đích của cuốn sách này? Chúng ta không được hiểu cái ẩn dụ cuộc chạy đua [giữa các châu lục] theo nghĩa đen. Nếu bảo "lợi thế xuất phát" nghĩa là quãng thời gian cần thiết để con người chiếm cứ toàn bộ một lục địa sau khi một số người tiên phong đầu tiên đặt chân lên lục địa đó, thì quãng thời gian này tương đối ngắn: không quá 1.000 năm để con người bành trướng ra toàn bộ Tân Thế giới. Còn nếu "lợi thế xuất phát" hàm ý khoảng thời gian cần thiết để thích nghi với môi trường địa phương thì tôi công nhận rằng một số môi trường có tính cực đoan quả thật là đòi hỏi phải mất thời gian để thích nghi. Chẳng hạn, người ta phải mất tới 9.000 năm mới chiếm lĩnh được Bắc Cực sau khi đã chiếm cứ toàn bộ phần còn lại của châu Mỹ. Song người ta hẳn đã khai phá và thích nghi với hầu hết các khu vực một cách nhanh chóng, một khi khả năng phát minh của con người hiện đại đã phát triển. Chẳng hạn, sau khi tổ tiên người Maori đến được New Zealand, hình như họ chỉ mất chưa đầy một thế kỷ để phát hiện ra toàn bộ các nguồn cung cấp đá đáng kể, chỉ thêm vài thế kỷ nữa để tận diệt con moa cuối cùng ở những vùng địa hình hiểm trở nhất thế giới, và chỉ thêm vài thế kỷ để tách ra thành một loạt nhiều xã hội khác nhau, từ những người săn bắt hái lượm vùng duyên hải cho đến các nông dân biết áp dụng những cách lưu trữ lương thực mới.

Vì vậy nhà khảo cổ của chúng ta hẳn sẽ nhìn sang châu Mỹ và kết luận rằng người châu Phi, tuy rõ ràng là những người có lợi thế xuất phát, hẳn đã bị những người châu Mỹ đầu tiên hất cẳng trong vòng nhiều lắm là một ngàn năm. Sau đó, do châu Mỹ rộng hơn (so với châu Phi thì rộng hơn đến 50%) và môi trường đa dạng hơn nhiều nên người châu Mỹ bản địa đã có được lợi thế so với người châu Phi.

Nhà khảo cổ sau đó hẳn sẽ nhìn sang Âu-Á và lập luận như sau: Âu-Á là lục địa lớn nhất thế giới. Nó đã có người sinh sống từ lâu hơn tất cả các lục địa khác ngoại trừ châu Phi. Mặc dù châu Phi đã có người từ sớm hơn Âu-Á một triệu năm nhưng điều đó không đáng kể bởi người nguyên thủy lúc đó vẫn còn ở tình trạng hết sức sơ khai. Nhà khảo cổ của chúng ta có thể nhìn vào sự nở rộ của vùng tây nam châu Âu vào Hậu kỳ Đồ đá cũ cách đây từ 20.000 đến 12.000 năm với tất cả các tác phẩm nghệ thuật và công cụ phức tạp lừng danh đó mà tự hỏi liệu Âu-Á đã có lợi thế xuất phát ngay từ lúc đó chăng, ít nhất là trong phạm vi Âu-Á.

Cuối cùng, nhà khảo cổ sẽ quay sang châu Úc/New Guinea và trước hết sẽ lưu ý rằng đây là một khu vực nhỏ (lục địa nhỏ nhất), phần lớn bao phủ toàn sa mạc chỉ có khả năng nuôi sống một số ít người, nằm ở vị trí cô lập, và có người sinh sống muộn hơn so với châu Phi và Âu-Á. Tất cả những điều đó hẳn sẽ khiến nhà khảo cổ tiên đoán châu Úc/New Guinea sẽ phát triển chậm.

Nhưng hãy nhớ rằng người châu Úc và người New Guinea là những người có kỹ thuật hàng hải sớm nhất trên thế giới. Họ đã tạo ra những bức tranh hang động rõ ràng là muộn nhất thì cũng xưa như người Cro-Magnon ở châu Âu. Jonathan Kingdon và Tim Flannery đã lưu ý rằng việc di cư sang châu Úc/New Guinea từ các đảo ở vùng thềm lục địa châu Á đòi hỏi con người phải thích nghi được với những môi trường mới mà họ gặp trên các hòn đảo miền trung Indonesia - một mê cung những đường bờ biển cung cấp nguồn hải sản, rạn san hô và cây đước phong phú nhất trên thế giới. Khi những người định cư này vượt các eo biển chia cắt mỗi hòn đảo Indonesia với hòn đảo kế cận về phía đông, họ lại thích nghi từ đầu, chiếm lĩnh toàn bộ hòn đảo kế cận đó rồi lại tiếp tục di cư sang hòn đảo kế tiếp. Đó là một thời kỳ hoàng kim của sự bùng nổ dân số loài người mà đến nay chưa có tiền lệ. Có lẽ những chu kỳ đến định cư, thích nghi rồi bùng nổ dân số này là cái đã tạo điều kiện cho Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước mà sau đó lan truyền trở lại về phía tây đến Âu-Á và châu Phi. Nếu giả thuyết này là đúng thì châu Úc/New Guinea đã có một lợi thế xuất phát mạnh mà sau đó hẳn đã tiếp diễn hầu thúc đẩy sự phát triển của loài người tại đó mãi một thời gian dài sau Cú Nhảy Lớn Về Phía Trước.

Vậy, một nhà quan sát được đưa ngược thời gian về 11.000 năm tr.CN không thể tiên đoán xem các xã hội loài người trên châu lục nào sẽ phát triển nhanh nhất, song lại có thể biện luận rằng bất cứ lục địa nào cũng có thể là nơi phát triển nhanh nhất. Dĩ nhiên, ngày nay khi mọi việc đã rồi, ta biết Âu-Á là lục địa phát triển nhanh nhất. Song, những nguyên nhân thật đằng sau sự phát triển nhanh hơn của các xã hội Âu-Á hóa ra lại hoàn toàn không phải là các nguyên nhân mà nhà khảo cổ tưởng tượng của chúng ta vào năm 11.000 tr.CN có thể hình dung. Phần còn lại của sách này bao hàm cuộc tìm kiếm hầu khám phá những nguyên nhân thật đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro