1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.

Sài Gòn ơi!

Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng!

Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!

Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân".

Trích lời bài hát Đất nước trọn niềm vui

30 tháng 4 năm 1975 - ngày non sông nối liền một dải.

Vào ngày Tết thống nhất, Thái Hanh và Chính Quốc không may mắn được có mặt tại mảnh đất Sài Gòn. Nhưng, dẫu có xa mặt tới đâu thì lòng vẫn chẳng cách. Cả hai cùng với hàng chục triệu người Việt Nam khác, trong ngày lịch sử này, đều một lòng hướng trái tim mình về thành phố Sài Gòn - Gia Định bằng tất cả niềm thiết tha và tự hào nhất.

Hôm nay, thầy giáo Hanh được nghỉ, hàng phở gánh của Quốc cũng không thấy xuất hiện ở ga tàu. Chung vui niềm vui ngày giải phóng, ai lại nỡ đi làm? Đôi trẻ dành một ngày để cảm nhận những gì tươi mới nhất, cảm nhận điều tuyệt vời nhất khi lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Hướng lên lá cờ bay phấp phới trong gió, mắt lại hơi ươn ướt. Trong lòng đều thầm cảm ơn những chiến sĩ cách mạng hết lòng vì nước vì nhân dân mà đem sức trẻ sẻ dọc Trường Sơn, lấy máu của mình để tô đẫm lên màu cờ Tổ quốc thân yêu. Bản hùng ca tuổi trẻ ngày ấy các anh ghi lên, muôn đời sẽ được nhớ ơn và gìn giữ.

Nắm tay dạo quanh Hà Nội, ánh mắt, nụ cười, dáng đi, tiếng nói... của người Hà Nội như thân quen tất cả, như đã gặp nhau từ rất lâu rồi. Gặp ai cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó cho thỏa những ngày mong đợi.

Ôi, thế là thống nhất rồi đấy à? Đi đâu cũng thấy hai từ thống nhất. Cũng phải thôi, hơn 20 năm đất nước tạm thời bị chia cắt, đồng bào và chiến sĩ miền Bắc đều canh cánh bên lòng hai tiếng thống nhất. Một nhà máy mang tên Thống Nhất, một công trường Thống Nhất, một cửa hàng Thống Nhất, một con đường, một khách sạn, một câu lạc bộ, một vườn hoa...mang tên Thống Nhất. Có biết bao em bé chào đời trong những năm qua cũng mang nhiều tên quê hương miền Nam để kỷ niệm một thời khát vọng Bắc Nam một nhà của các bậc làm cha mẹ: Hoài Nam, Long Giang, Hương Giang, Hoa Mai, Hiền Lương, Bến Hải, Trường Sơn...

Và điều lớn lao hơn, suốt 30 năm dài kháng chiến đầy gian khổ, máu của chiến sĩ, đồng bào miền Nam đổ xuống cũng vì mấy tiếng Độc Lập, Thống Nhất.

Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ!

Thống nhất rồi, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

Vậy thì chúng mình cũng về nhà thôi anh.

Những ngày về sau, ta sẽ cùng sống ở nơi thủ đô phồn hoa, ngắm nhìn đất nước đi lên sau những tháng năm vất vả.

Anh đi dạy học, em quảy hàng đi bán. Một cuộc sống yên bình mà bố mẹ đã từng ước mong.

✦✧✧

Đêm khuya, trăng một mình leo lên đỉnh, khuất sau những dải sương mờ, sau những rặng cây nối nhau san sát che hẹp cả bầu trời.

Trăng lặng lẽ mọc, lặng lẽ tàn, ngó xuống trần gian ồn ào náo nhiệt.

Phố thị rực rỡ bởi những ánh đèn muôn màu muôn sắc. Những ánh đèn còn sáng hơn cả trăng.

Nhưng ở trong con ngõ nhỏ thì lấy đâu ra đèn điện sáng trưng? Có chăng cũng chỉ là ánh đèn mập mờ lúc sáng lúc tối, nên người dân nơi đây vẫn phải nhờ tới ánh trăng.

Trăng rất sáng, soi cả con đường mới trải nhựa. Trăng lung linh trên mặt hồ lăn tăn nước gợn, trăng theo về trước cửa, theo cả về trong những niềm hân hoan.

Đồng hồ mới điểm một giờ ba mươi, Chính Quốc xoay người, khẽ khàng rời giường, cẩn thận không để người bên cạnh thức giấc. Em phải dậy đi làm thôi.

Một bên thúng để nồi nước dùng còn nóng hôi hổi, bên còn lại đặt bát đũa, thịt bò tươi nguyên và bánh phở trắng tinh. Hàng của em đấy. Hàng phở gánh mở cửa từ lúc hai giờ sáng.

Kê vai vào chiếc đòn gánh, em lấy sức chuẩn bị đứng lên thì bỗng dưng nhẹ bẫng, quay lưng lại đã thấy Kim Thái Hanh đỡ đòn gánh cho em từ lúc nào.

"Sao anh lại ra đây? Em làm anh tỉnh giấc à? Em xin lỗi nhé! Mình vào ngủ tiếp đi, em đi bán đây."

Thái Hanh lắc đầu:

"Không, anh dậy trước em cơ. Để đó anh gánh cho, em xách chồng ghế đi."

Quốc xua tay:

"Anh vào đi ngủ đi, không khéo tí nữa sáng ra đi dạy lại ngủ gật trên bục giảng. Em tự gánh được mà."

"Nghe lời anh, xách ghế đi. Anh gánh ra đến nơi rồi anh về."

Hai giờ sáng là khoảng thời gian mà phố phường đã chìm trong giấc ngủ. Thế nhưng, đó là thời gian mà quán phở gánh của Quốc bắt đầu dọn hàng và chuẩn bị bán. Mà cũng chẳng cần phải đợi lâu đâu, bởi vừa dọn ra thì khách cũng bắt đầu kéo đến.

Một quán phở giản đơn, không bàn gỗ ghế cao, cũng chẳng hề có biển hiệu, ấy vậy mà vẫn đông đúc, tấp nập khách ra khách vào. Khách đến ăn phở ở đây thuộc rất nhiều tầng lớp. Có những người dân lao động dậy sớm và chuẩn bị ngày mới, họ mở đầu cho một ngày làm việc vất vả bằng bát phở đầy đủ hương vị. Có người lại vừa đi làm về, ghé qua ăn bát phở đêm để đẩy lùi cơn đói giữa cái lạnh se sắt của tiết trời gần đêm về sáng.

Một bát phở ngon cũng như một vị chuyên gia vậy, chính là mang trong mình nó lắm yêu cầu khắt khe. Nước dùng hay còn gọi linh hồn của bát phở phải thật trong và ngọt, cái ngọt ấy phải được chiết ra từ xương ống của heo của bò chứ không phải từ thứ gia vị mà ngày nay người ta vẫn thường quảng cáo "ngon từ thịt ngọt từ xương". Những bát phở mà ngọt kiểu ấy ăn được dăm miếng thì đã thấy vị mì chính lên tận óc, chẳng lấy gì làm ngon, và tiệm ấy chắc cũng sớm mất khách, nếu ở Hà Nội. Thêm nữa là bánh phở phải trắng và không bị nát. Khi gắp lên thấy sợi phở mượt, ăn vào thì dai mềm đó mới đúng là tuyệt vời. Đồng thời những thứ gia vị như vài giọt chanh gắt, ớt cay, hành tây và chút rau thơm tươi thì không bao giờ được thiếu. Ngoài ra còn có chỗ người ta thêm một chút hồ tiêu Bắc, vài giọt cà cuống để phở được đậm vị và dậy mùi hơn. Phở truyền thống thì ắt phải có thịt bò, người ta có nhiều cách ăn, người thích tái, kẻ thích nạm, kẻ thích ăn xương thịt, có người lại ưng nửa nạc nửa mỡ, người ưng ăn ba chỉ,... Nói chung tùy khẩu vị mà người bán phở đáp ứng cho thực khách.

"Cho bát phở chín nhé cậu đẹp trai!" Một bác lao công đi làm về trễ, lấy vội chiếc ghế gỗ ngồi xuống, xoa xoa đầu gối có chút ân ẩn đau.

"Dạ vâng, bác chờ cháu chút!"

Chính Quốc nhanh chóng sắp bánh phở ngay ngắn vào một bát, lại sắp hành tây, thịt bò thái mỏng lên trên, rồi múc lấy thứ nước đang sôi sùng sục trong nồi đổ vừa ngập bánh phở, rồi nhanh tay bốc lấy chút ngò gai bỏ lên trên mặt, sau đó em cười tươi, lễ phép đưa tô phở nóng cho bác.

"Bán hàng bận bịu thế mà chả có cô nào giúp nhể! Mày đẹp thế này, vậy đã có người yêu chưa? Bác có đứa con gái xinh lắm, nó vừa mới học xong cấp ba thôi. Bữa nào bác bảo nó ra đây phụ mày bán nhé?"

"Dạ thôi bác ơi, để em ngủ ạ. Cháu dậy sớm, sợ em không quen giấc đâu."

Bác lao công bĩu môi:

"Gớm đời, có người phụ chả thích quá. Tập dần đi, từ sau phải gọi tôi là mẹ vợ đấy nhá!"

Chính Quốc không trả lời mà cũng chỉ cười đáp lại cho qua. Gì chứ, em còn có người nguyện cả đời này phụ em đang chờ ở nhà kia kìa.

✦✧✧

Tờ mờ sáng, cả phố phường đã nhẹ nhàng tỉnh giấc, đèn sáng lên ở khắp mọi nẻo đường. Ngày mới ở thủ đô bắt đầu sớm tinh mơ và vội vã như thế. Nào tiếng xe đạp của bác xích lô, của người hàng rong, tiếng động cơ xe gào rú. Nào tiếng đạp xe và tiếng rao "Ai xôi lạc, bánh khúc đây", "Ai bánh giò nóng nào..."

Trên những con đường lớn, vài chiếc xe đạp chở đầy những bông hoa xinh đẹp và rực rỡ. Rồi những sắc màu ấy mờ nhòe dần, khuất dần trong dòng người qua lại ngược xuôi.

Tất cả quyện vào nhau đặc trưng cho hương vị ngày mới của thủ đô.

Phở đã bán hết, nước dùng cũng chỉ còn lại vài muôi ít ỏi. Quốc kiểm lại số tiền đã kiếm được, Thái Hanh thì đã ra đây phụ em từ lúc gà gáy sáng đang mải miết dọn hàng. Cuối cùng, khi mọi thứ đã xong xuôi, anh lại nhấc đòn gánh lên vai gánh hàng phở về nhà, Quốc lại xách theo chồng ghế gỗ.

Về đến căn nhà gạch nằm sâu trong ngõ, sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, Thái Hanh đeo cặp chéo đi dạy, trước khi đi không quên đưa em một cái bánh mì nóng.

"Ăn sáng đi em, lát còn đi chợ. Anh đi dạy đây."

Quốc nắm tay anh, chia ổ bánh mì ra làm đôi:

"Mình cũng ăn nhé, từ sáng tới giờ phụ em đã ăn gì đâu."

Thái Hanh lắc đầu từ chối, thực ra là anh chưa ăn gì, nhưng Quốc đi bán từ sớm, ngủ chưa đủ giấc, ăn nửa ổ bánh mì sao có sức đi chợ, sao có sức về nấu phở, sao có sức đi bán?

"Anh ăn rồi từ lúc ra phụ em cơ, em ăn đi không đói."

"Đừng nhường em. Mình cứ ăn đi. Hay là em đút mình ăn nhé?"

Thầy giáo Thái Hanh, hiện tại đang công tác ở trường tiểu học cách nhà mười lăm phút đạp xe, sáng nay đi làm muộn. Còn vì sao muộn, thầy lại không nói...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro