tai lieu loc uyen y nghia tinh than trai LU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ý Nghĩa và Tinh Thần TRẠI LỘC UYỂN

Trong hệ thống chương trình tu học Huynh trưởng phần huấn luyện có quy định bốn trại huấn luyện với danh hiệu, thứ tự từ dưới lên là: Trại Lôc Uyển (sơ cấp), Trại A Dục (cấp I), Trại Huyền Trang (cấp II), Trại Vạn Hạnh (cấp III).

Là người trại sinh đang bước vào cổng trại huấn luyện, nhiều anh chị em tất sẽ tự hỏi: Trại Lộc Uyển ý nghĩa như thế nào? Tại sao lại đặt danh hiệu là Lộc Uyển, trại này quan trọng và ảnh hưởng như thế nào đối với trại sinh?...

I. Ý NGHĨA TRẠI LỘC UYỂN:

Những ai có tìm hiểu ít nhiều về lịch sử đức Phật Thích Ca tất đã biết về đại danh Lộc Uyển. Nhưng ở đây là một trại huấn luyện Huynh trưởng sao lại mang tên là Lộc Uyển. Chúng ta có thể khái quát mấy ý nghĩa về danh từ Lộc Uyển.

1.Ý nghĩa Lịch sử:

a. Lộc Uyển là nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên:

Nói cách khác Lộc uyển là nơi đức Phật chuyển pháp luân. Lộc Uyển là một trong những thánh tích về cuộc đời đức Phật. Lộc Uyển hay còn gọi là Lộc Giả, nghĩa là Vườn Nai tên gọi cũ là Migadaya, về sau đổi lại là Sarnath, là một khu rừng ở Isipatana thuộc thành phố Ba La Nại (Benares) bên bờ sông Hằng thuộc Trung Ấn Độ. Đây là một khu vườn bình yên bên cạnh nhiều nhà ẩn sĩ tu hành thiền quán. Sau khi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề Đạo Tràng, đức Phật đã đến đây thuyết pháp lần đầu tiên bài pháp Tứ Diệu Đế tế độ cho nhóm năm người ông Kiều Trần Như. Nghe pháp Tứ Điệu Đế, nhóm ông Kiều Trần Như giác ngộ, bèn quy y Phật. Về sau Lộc Uyển trở thành một trong những thánh tích vĩ đại của cuộc đời đức Phật. Hiện nay di tích vẫn còn.

b.Lộc Uyển gợi nhắc một đoạn đời bi tráng khốc liệt trên bước đường tu đạo thành đạo của đức Phật:

Sau mấy lần tìm đạo học đạo nhưng không thoả mãn, thái tử Tất Đạt Đa quyết định sẽ tự mình chiêm nghiệm để tìm cho được đạo giải thoát. Ngài bèn đến khu rừng gần làng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) gọi là Khổ Hạnh Lâm ở phía Nam núi Tượng Đầu (núi đầu voi) nằm cạnh sông Ni Liên Thuyền (Neranjara) Vướng Xá (thủ đô nước Ma Kiệt Đà). Ở đây ngài tu khổ hạnh cùng với nhóm năm người bạn là các ông Kiều Trần Như. Ngài thực hành triệt để pháp ép xác hết sức khốc liệt trong sáu năm liền đến nổi thân thể gầy mòn chỉ còn da bọc xương, tâm trí mê mờ có lúc hoàn toàn kiệt sức ngã xuống bất tĩnh. Lúc tỉnh lại, Ngài mới nhận ra rằng khổ hạnh ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ.

Muốn tìm đạo giải thoát cần phải giữ cái thân mạng làm lợi khí cho tâm trí minh mẫn mà giác ngộ chân lý. Ngài quyết định ăn uống bình thường trở lại. Nhóm ông Kiều Trần Như thấy vậy tưởng lầm Thái tử đã thối chí, tỏ vẻ thất vọng xem thường bèn rời bỏ Thaí tử đi đến vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại tiếp tục tu hành. Còn lại một mình, thái tử quyết tâm tự mình nổ lực để giác ngộ chân lý. Sau khi dùng bát sữa do nàng thôn nữ Tu Xà Đề (Sujata) cúng dường, ngài thấy sức khoẻ phục hồi, tinh thần phấn chấn, bèn xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa sạch sẽ. Rồi ngài đến cội Bồ đề (pippala) ở gần đó trải cỏ làm nệm bắt đầu tĩnh toạ tu thiền định.

Tại đây, suốt 49 ngày đêm trầm tư mặc tưởng đắm mình trong thiền định, nỗ lực phấn đấu, chiến thắng tất cả mọi ma chướng cám dỗ, ngài đã hoàn toàn giác ngộ chân lý, thành Phật. Nơi đây sau trở thành thánh tích vĩ đại thiêng liêng nhất về cuộc đời đức Phật, gọi là Bồ đề Đạo Tràng.

Sau khi thành đạo và quyết định đem chánh hoá độ chúng sanh, đức Phật quan sát thấy năm người bạn đồng tu tại vườn Lộc Uyển, ngài bèn đến đấy lần đầu tiên chuyển pháp luân giáo hoá.

Như vậy, tuy không tu khổ hạnh ở đây, nhưng cùng với Bồ đề Đạo Tràng, Lộc Uyển là nơi có liên quan và đánh dấu một đoạn đời đầy bi tráng và oanh liệt trên con đường giác ngộ chân lý của đức Phật.

2.Lộc Uyển, Nơi Ba Ngôi Tam Bảo Hoàn Tựu:

Nếu tại Bồ đề đạo tràng đức Phật đã chứng ngộ chân lý, thành Phật, có nghĩa là Phật bảo đã xuất hiện, thì tại vườn Lộc Uyển với bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế được thuyết giảng, tức Pháp bảo đã ra đời và nhóm năm người Kiều Trần Như trở thành những đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật, tức là Tăng bảo hoàn toàn thành tựu, một thánh tích thiêng liêng cao cả trọn vẹn muôn đời vẫn làm rung động lòng người khát vọng tình thương trí tuệ và an lạc.

3.Ý Nghĩa Tượng Trưng:

Vậy nên không phài là tình cờ mà Lộc Uyển được tôn xưng là danh hiệu cho một trong những trại huấn luyện Huynh trưởng GĐPT.

a.Lộc Uyển là nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, đem giáo pháp giáo hóa chúng sanh. Cũng như vậy, trại Lộc Uyển tượng trưng cho bước đường đầu tiên của người Huynh trưởng. Từ vườn Lộc Uyển bánh xe Chánh pháp của đức Phật tiếp tục lưu chuyển khắp thế gian, tiếng trống chánh pháp truyền vang đến muôn nơi, ánh đạo vàng đời đời chiếu sáng tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời. Cũng như vậy, người Huynh trưởng bước ra từ trại Lộc Uyển sẽ mang ánh sáng tình thương trí tuệ và dũng lực của đức Phật phủ lấy cho tất cả các em, hướng dẫn các em vui sống bước đi trên con đường chân thiện mỹ.

“…nghìn tiếng hát vang rền vườn tươi, dìu mầm non vươn lớn trong hoà vui…”(trại ca Lộc Uyển)

b.Trước khi đến vườn Lộc Uyển chuyển pháp luân, đức Phật đã trải qua một đoạn đời vô cùng khốc liệt. Rồi từ đây đức Phật bôn ba khắp chốn suốt 45 năm, chịu đựng muôn vàn gian khổ để thuyết pháp cứu độ chúng sanh. Cũng như vậy, đến với trại Lộc Uyển có nghĩa là người trại sinh tự khổ hy sinh. Cho nên tại trại Lộc Uyển, noi gương cuộc đời oanh liệt của đức Phật, người trại sinh tập chịu đựng khổ nhọc vất vả để trang bị kiến thức, rèn tập tay nghề, luyện thép tinh thần nghị lực, chuẩn bị cho bước đường phía trước. Rồi từ trại Lộc Uyển chính thức trở thành người Đoàn phó, người Huynh trưởng còn phải phấn đấu vượt qua nhiều trở lực, kiên trì vượt qua khó khăn, mới mong làm tròn nhiệm vụ cao đẹp và vẻ vang của người Huynh trưởng GĐPT.

c.Lộc Uyển là nơi đức Phật chuyển pháp luân, là nơi ba ngôi báu hoàn tựu. Cũng như vậy, tại trại Lộc Uyển người trại sinh chính thức trở thành người Huynh trưởng GĐPT và phát nguyện trước Tam Bảo trọn đời sống đạo hoàn thành nhiệm vụ. Người Huynh trưởng là một thành viên của giáo hội, là cán bộ cốt cán của GĐPT, tất nhiên phải có bổn phận tôn kính cúng dường Tam Bảo, góp phần hoằng dương chánh pháp, thông qua nhiệm vụ chính là giáo dục Đoàn sinh quy y Tam Bảo và sống đúng theo giáo huấn của đức Phật.

III.SỰ QUAN TRỌNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA TRẠI LỘC UYỂN:

Với ý nghĩa chân thực và cao đẹp như trên, trại Lộc Uyển quả là có tầm quan trọng rất thiết yếu và ảnh hưởng sâu sắc.

Một người thợ khi tác nghiệp tất cần phải có những đồ nghề khí cụ cần thiết. Người thầy giáo phải đủ kiến thức chuyên môn sư phạm và lương tâm nghề nghiệp mới có thể dạy dỗ học sinh.

Cũng như vậy, trại Lộc Uyển là trường huấn luyện đầu tiên trang bị cho người Huynh trưởng một số kiến thức cơ bản về cơ cấu kỹ năng chuyên môn để có thể ứng dụng thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

- Không chỉ có kiến thức và khả năng chuyên môn, trại Lộc Uyển còn là “đạo tràng” uy nghiêm trang trọng để trại sinh tiếp tục trau dồi nhân cách xứng đáng của người Huynh trưởng bao gồm tư cách tác phong trong sáng, mẫu mực, lẫn đạo đức cao quý và sâu sắc

- Trại Lộc Uyển còn là lò lửa hồng đầu tiên cho người Huynh trưởng làm quen với sự luyện thép tinh thần, tôi rèn ý chí cho cương mãnh bền chắc để có thể đương đầu với những gian khó chướng ngại đang chờ đón mình ở đơn vị.

Đó thực sự là những hành trang bức thiết mà trại Lộc Uyển sẽ trang bị cho người trại sinh để vững bước đi vào đời Huynh trưởng.

Cho nên trại Lộc Uyển sẽ là dấn ấn sâu sắc nhất tác động mạnh mẽ đến tinh thần trại sinh. Như đứa trẻ thơ lần đầu cắp sách tới trường, sự bỡ ngỡ lo âu trong giờ nhập trại bài học đầu tiên, niềm vui nổi buồn suốt thời gian trại sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên có sức truyền cảm mãnh liệt đọng mãi trong tâm hồn người Huynh trưởng khiến cho họ cảm thấy yêu nghề Huynh trưởng hơn và ngày càng gắn bó với GĐPT.

+ Có thể nói trại Lộc Uyển sẽ quyết định một phần lớn sự trưởng thành của người Huynh trưởng, là sức mạnh tinh thần thúc đẩy người Huynh trưởng hăng hái nổ lực và phấn đấu tiếp bước trên con đường lý tưởng GĐPT.

III.NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI TRẠI SINH LỘC UYỂN:

1. Qua phân tích tìm hiểu về mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của trại Lộc Uyển, trước hết người trại sinh sẽ thấy vinh dự và tự hào lựa chọn và hành động của mình khi quyết định tham dự trại huấn luyện Huynh trưởng GĐPT mới làm nổi, một hành động cao thượng ít có, chỉ có ở GĐPT.

2. Phàm mọi việc lúc mới khởi sự bao giờ cũng khó. Chỉ với bài học ban đầu, người trại sinh đã thấy trước mắt bao khó khăn đang vây bủa, bao chướng ngại đang thách thức mình. Nhưng người Huynh trưởng cần bình tĩnh, sáng suốt và vững tâm, ghi nhớ lời chư Tổ dạy trong mười điều tâm niệm của người Phật tử:

- “Ở dưới đừng cầu không khó khăn vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy …

- Sự nghiệp đừng mong không chông gai vì không chông gai thì chí nguyện không kiên cường”.

Tục ngữ lại có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.

Vậy người Huynh trưởng sẽ mỉm cười trước khó khăn, ngưỡng đầu trước chướng ngại, thắng không kiêu, bại không nản, không nao núng sờn lòng mà luôn hăng hái tiến lên.

3. Suy nghiệm về cuộc đời đức Phật khi ngài khổ hạnh và bế tắc trên đường tìm chân lý, người Huynh trưởng cần tránh hai cực đoan trong lúc làm nhiệm vụ.

- Một là hăng say thái quá đến nổi lơ là học hành, bỏ bê gia đình, tắc trách nhiệm vụ xã hội. Đó chỉ là thứ tinh thần lửa rơm, bồng bột mà chóng tàn, người Huynh trưởng vì thế sẽ có lúc lụn tàn, nhuệ khí buông xuôi.

- Hai là quá tham lam dục vọng chỉ lo cung dưỡng bản thân hơn chen danh lợi, chạy theo tiền của, đắm mình trong hưởng thụ lạc thú cuộc đời mà quên tu dưỡng học tập rèn luyện trễ nãi trong nhiệm vụ của người Huynh trưởng.

4. Như một bánh xe nhỏ trong một guồng máy vĩ đại nếu bánh xe ấy gãy vỡ thì sự hoạt động của cả guồng máy sẽ bị hỏng hóc hay ngừng trệ. Cũng như vậy, từ trại Lộc Uyển, người Huynh trưởng trở thành một thành viên của Giáo hội, một cán bộ của GĐPT thì tư cách và danh dự của người Huynh trưởng nhất thiết liên quan ảnh hưởng đến uy danh đạo pháp và GĐPT. Người Huynh trưởng phải tỏ ra xứng đáng là người đủ tư cách được vinh dự đặt bàn tay mình lên bánh xe chánh pháp góp sức đầy lên phía trước. Người trại sinh hãy yên tâm niệm rằng trong nhiệm vụ và vai trò đặc thù của người Huynh trưởng thì chỉ có đời sống trí đức của chính mình mới đủ sức thuyết phục phụ huynh, mọi người xung quanh và khuyến dụ các em đi theo con đường chánh đạo của đức Phật.

Đạo pháp và GĐPT không cho phép người Huynh trưởng làm dốt các em Đoàn sinh bằng sự dốt nát và đầu độc các em bằng sự hư hỏng của chính mình. Người Huynh trưởng chân thực phải ghi tâm khắc cốt để luôn cẩn trọng và thực hành những chân lý đó.

KẾT LUẬN:

“Chọn GĐPT là chọn lý tưởng để sống và phụng sự”. Con đường lý tưởng GĐPT thật thênh thang sáng láng nhưng muôn dặm cam go, đòi hỏi người Huynh trưởng luôn có trí óc tinh anh và tỉnh thức, có trái tim đầy ắp tình thương, luôn sẵn sàng tinh thần dõng mãnh và niềm tin quyết thắng để thẳng bước tiến lên.

Lời trại ca Lộc Uyển luôn vang dội thôi thúc bên tai người trại sinh “… Về đây vun xới tình thân ái gieo mến thương quanh mình. Về cùng đàn anh dùng ngày xanh đắp xây gia đình …Thề quyết cùng đàn anh, gây đức tin nơi khu vườn xanh.”

Trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển đã tiếp sức cho anh chị em sắp sẵn hành trang. Vậy anh chị em hãy mạnh dạn phấn khởi và tin tưởng bước lên đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro