tai lieu locuyen nguoi HT voi van der huan luyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG VỚI VẤN ĐỀ HUẤN LUYỆN

Các anh chị em thân mến!

Cuộc hội ngộ hôm nay chúng ta không phải là một sự tình cờ mà là một nhân duyên lớn. Trong anh chị em chúng ta, phần lớn chưa hề gặp mặt biết tên, mỗi người một nơi, mỗi người một hoàn cảnh riêng, nghề nghiệp khác nhau…Nhưng tất cả chúng ta đều có chung một điểm lớn là chúng ta cùng chung niềm tin vào đức Phật và Chánh pháp, chúng ta mến trẻ và yêu nghề dạy trẻ nên tự nguyện chọn GĐPT làm lý tưởng để sống và phụng sự, trên căn bản tình thương và hy sinh, cùng chung trách nhiệm và niềm vinh dự tự hào được làm người Huynh trưởng GĐPT. Thế nên, hôm nay tất cả anh chị em đã tạm gác lại sau lưng những tất bật đa đoan của đời thường để quy tụ về đây, dưới mái nhà chung Áo Lam, trại trưởng huấn luyện, nơi luyện thép nghề Huynh trưởng GĐPT.

Vậy tại sao người Huynh trưởng cần phải được huấn luyện, việc huấn luyện Huynh trưởng có ý nghĩa, mục đích và nội dung thế nào? Đó là một số vấn đề cần thông suốt trước khi đi sâu vào chương trình trại huấn luyện của chúng ta.

I.VAI TRÒ NHIỆM VỤ NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG:

Trên ngưỡng của cuộc đời Huynh trưởng, chắc răng nhiều anh chị em chúng ta đều có niềm tự hào vinh dự nhưng đồng thời không khỏi bối rối băn khoăn.

Chúng ta vinh dự tự hào vì chúng ta thực sự là người có uy tín, có tài đức năng lực nhất định nên được Giáo hội tin cậy giao cho nhiệm vụ giáo dục con em của đạo hữu tín đồ trong vai trò Huynh trưởng GĐPT. Điều đó có nghĩa chúng ta đang là người “cán bộ” của Giáo hội nói chung, là thành viên cốt cán của GĐPT nói riêng.

Chúng ta tự hào vì rằng làm Huynh trưởng là tự chọn một nghề không có vinh hoa phú quý do lương bổng vật chất, đại vị chức quyền, mà là một nghề trọn đời tay trắng, chỉ biết hy sinh và phục vụ.

Chúng ta lại bối rối băn khoăn bởi phải đặt lên vai mình nhiệm vụ khó khăn nặng nề, một vai trò cao thượng, thì cần phải trang bị những gì, những phương tiện cần thiết tìm kiếm ở đâu, phương thức hoạt động ra sao…để hổ trợ cho chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò của người “Kỹ sư tâm hồn Áo Lam”.

II.SỰ QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG:

Trước hết anh chị em cần nhận thức sâu sắc rằng tự thân người Huynh trưởng luôn liên quan ảnh hưởng đến sự thịnh suy của tổ chức nói chung, một GĐPT, một Đoàn nói riêng.

Điều thứ hai là khi dấn thân vào nghề Huynh trưởng thì tự thân mỗi người chúng ta tất yếu khoác lên mình tính chất đặc thù và thách thức thường trực là “khả năng và đạo đức không thể tách rời, kiến thức và kinh nghiệm phải được thực hiện nương nhau”, mới có đủ yếu tố để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của người Huynh trưởng GĐPT.

Đây là điều đã được đúc kết trong nội quy, thể hiện rõ tính cách quan yếu, mục đích chủ trương về tu học huấn luyện của người Huynh trưởng GĐPT: “Tu học chánh pháp, trau hồi kiến thức là vấn đề trường kỳ và quan yếu hàng đầu đối với đời sống Huynh trưởng GĐPT. Chương trình tu học và đào luyện gồm các mục đích cơ bản: Xây dựng nếp sống tinh thần, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức tổng quát, có năng lực chuyên môn và tinh thần sáng tạo để hướng dẫn tu học cho đoàn sinh GĐPT cũng như để phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Sở học là mênh mông, chương trình tu học và các khóa trại có giới hạn, tuy nhiên nó có tính chất cốt lõi, cơ bản và tiệm tiến, được quy định như sau …”(*)

 Nội Quy GĐPT/GHPGVN – 2002 – Chương V

Nói cụ thể hơn muốn làm tròn nhiệm vụ giáo dục, vai trò cốt cán của GĐPT, người Huynh trưởng nhất định phải hội đủ ba yếu tố căn bản nhất:

- Đạo đức trong sáng, tác phong nghiêm chỉnh.

- Kiến thức sâu rộng, khả năng đầy đủ.

- Tinh thần thanh cao, ý chí kiên cường.

Lẽ đương nhiên những điều căn bản ấy không thể do bẩm sinh mà có, không phải tự nhiên mà nên, cũng không thể vay mượn hay xin cho, mà chỉ nhất định phải được thông qua con đường tu học và rèn luyện của người Huynh trưởng. Và lại, mục đích của GĐPT là: “Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội”, thì đối tượng của GĐPT không nhất thiết chỉ là Đoàn sinh, mà phải hiểu là kể cả thành phần Huynh trưởng. Như vậy, người Huynh trưởng vừa đóng hai vai trò vừa là người thực hiện nhiệm vụ giáo dục đồng thời cũng là đối tượng của giáo dục. Đây cũng là một tính cách đặc thù của người Huynh trưởng. Cho nên việc tu học và rèn luyện cùa Huynh là tất yếu.

III.CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC HUẤN LUYỆN CỦA HUYNH TRƯỞNG:

Bởi tính cách tất yếu và quan trọng của việc tu học huấn luyện của Huynh trưởng, nên từ khi ra đời đến nay, GĐPT đã xây dựng nhiều chương trình tu học huấn luyện Huynh trưởng cho từng trình độ, từng cấp và quá trình hoạt động của các hàng Huynh trưởng khác nhau. Nội dung chương trình tu học Huynh trưởng cũng không ngừng được tu chỉnh, cải tiến ngày mỗi được phong phú hoàn thiện hơn.

Về cấu trúc hệ thống chương trình tu học Huynh trưởng cho đến nay được chia làm hai loại chương trình: Chương trình tu học và chương trình huấn luyện.

1. Chương Trình Tu Học:

(Lần tu chỉnh năm 1973 gọi là chương trình tu học trường kỳ) là loại chương trình theo đó người Huynh trưởng phải tu học trong một thời gian khá dài từ một năm trở lên, theo quy định từng bậc vơi nội dung tương đối nhiều bao gồm kiến thức về nhiều lãnh vực. Chương trình tu học chia thành bốn bậc học từ thấp lên cao:

- Bậc Kiên: Thời gian học một năm dành cho những người tập sự Huynh trưởng.

- Bậc Trì: Thời gian hai năm dành cho các Huynh trưởng có chứng chỉ trại Lộc Uyển.

- Bậc Định: Thời gian ba năm dành cho các Huynh trưởng có chứng chỉ trại A Dục và đã thọ cấp Tập.

- Bậc Lực: Thời gian bốn năm dành cho các Huynh trưởng có chứng chỉ trại Huyền Trang và đã thọ cấp Tín.

Sau khi đã hòan tất chương trình tu học, Ban hướng dẫn GĐPT tỉnh sẽ tổ chức kỳ thi khảo sát kết khóa (bậc Lực sẽ do BHD/GĐPT/TW phụ trách) và cấp chứng chỉ bậc Lực cho Huynh trưởng đạt số điểm quy định. Các Huynh trưởng xin tham dự các trại huấn luyện Huynh trưởng tương ứng.

2. Chương Trình Huấn Luyện Huynh Trưởng:

Chương trình huấn luyện Huynh trưởng là loại chương trình thực hiện trong một thời gian ngắn, thường là vài ngày đêm và nội dung nhìn chung có khác với nội dung chương trình tu học. Chương trình huấn luyện Huynh trưởng từ căn bản lên cao tầng như sau:

a. Trại huấn luyện sơ cấp: Danh hiệu là Lộc Uyển. Điều kiện để tham dự trại là Huynh trưởng tập sự, phải có chứng chỉ tu học bậc Kiên.

b. Trại huấn luyện Huynh trường cấp I: Danh hiệu là A Dục. Điều kiện dự trại là Huynh trưởng phải có chứng chỉ tu học bậc Trì.

c. Trại huấn lưyện Huynh trưởng cấp II: Danh hiệu là Huyền Trang. Điều kiện tham dự trại là Huynh trưởng phải có chứng chỉ tu học bậc Định, đã thọ cấp Tập.

d. Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp III. Danh hiệu là Vạn Hạnh. Điều kiện dự trại là Huynh trưởng phải có chứng chỉ tu học bậc Lực, đã thọ cấp Tín.

IV.MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC HUẤN LUỴÊN HUYNH TRƯỞNG:

Nói chung, chương trình tu học huấn luyện Huynh trưởng nhằm mục đích đào luyện, trang bị cho Huynh trưởng có đủ các yếu tố căn bản của người Huynh trưởng, có đạo đức tác phong gương mẫu đúng đắn, có kiến thức, khả năng chuyên môn, và có tinh thần ý chí dũng mãnh giúp cho người Huynh trưởng có thể tổ chức điều kiện các sinh hoạt của GĐPT và giáo dục Đoàn sinh đạt kết quả tốt.

Ngoài ra tùy mỗi loại chương trình, mỗi trại huấn luyện có một số mục đích riêng và các nội dung chương trình huấn luyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cấp bậc Huynh trưởng.

1. Chương Trình Tu Học:

Nhằm mục đích đào luyện Huynh trưởng có được một số kiến thức chính:

- Có căn bản giáo lý.

- Có kiến thức phổ thong.

- Có khả năng chuỵên môn và tinh thần sáng tạo góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.

2. Chương Trình Huấn Luyện:

Mục đích của chương trình huấn luyện Huynh trưởng được cô đọng và cụ thể là:

- Thống nhất tổ chức, thống nhất điều hành.

- Rèn luyện ý chí.

Để đạt mục dích này, chương trình các trại huấn luyện đều tập trung vào việc trang bị cho trại sinh các nội dung kiến thức khả năng và tinh thần gồm:

Rèn luyện tinh thần ý chí:

Trại huấn luyện là cơ hội cho Huynh trưởng nâng cao nhận thức nhận thức về mục đích lý tưởng GĐPT, kiên định hơn về lập trường, vai trò, trách nhiệm của người Huynh trưởng… Trại huấn luyện còn là môi trường để người Huynh trưởng chịu luyện thép tinh thần, un đúc ý chí tăng cường nghị lực làm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn chướng ngại tiến bước trên con đường tu học và phục vụ GĐPT, phụng sự Chánh pháp và Dân tộc.

Cung cấp kiến thức về tổ chức và điều hành GĐPT:

Muốn công việc tổ chức và điều hành GĐPT được thống nhất và hiệu quả, người Huynh trưởng phải am hiểu về cơ cấu tổ chức, quản trị GĐPT các cấp, nhất là đơn vị căn bản như GĐPT cơ sở, Đoàn, Đội, Chúng… thông suốt phương pháp giáo dục GĐPT, chương trình tu học, thể thức tổ chức thực hiện các hình thức tu học sinh hoạt…

Đây là một mục đích quan trọng là những nội dung rất căn bản mà tất cả các trại huấn luyện đều nhắm đến cung cấp cho trại sinh.

Luyện tập kỹ năng chuyên môn:

Trong việc tổ chức điều khiển GĐPT, kiến thức chỉ có hiệu quả thực tế khi được vận dụng thực hiện bằng kỹ năng chuyên môn thành thạo, nếu chưa nói là điêu luyện. Cho nên trại huấn luyện còn nhằm giúp cho trại sinh nắm bắt các thủ thuật, kỹ năng chuyên môn nhất là về điều khiển sinh hoạt như hoạt động thanh niên, văn nghệ… và rèn tập cho thành thạo. Đây là một mục đích, đặc biệt là các trại căn bản như Lộc Uyển, A Dục. Vì vậy các trại sinh cần lưu ý tiếp thu đầy đủ và tận dụng thời gian để luyện tập càng nhiều càng tốt.

Có thể tạm ví trại huấn luyện là một “nhà máy”, “một công trường”, ở đó Huynh trưởng là một công nhân học việc đang thực tập các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cần thiết trước khi trở thành một công nhân chính thức vậy.

Ngoài các mục đích chung trên, mỗi trại huấn luyện còn có mục đích riêng gần hơn, đồng thời có phương pháp huấn luyện và nội dung chương trình phù hợp.

- Trại sơ cấp (Lộc Uyển): Nhằm đào tạo Đoàn phó thực thụ.

- Trại cấp I (A Dục): Nhằm đào tạo Đoàn trưởng.

- Trại cấp II (Huyền Trang): Nhằm đào tạo Liên Đoàn Trưởng.

- Trại cấp III (Vạn hạnh): Nhằm đào tạo Ban viên chuyên trách GĐPT.

V. Ý THỨC CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG VỀ VIỆC HUẤN LUYỆN:

Hiểu được vai trò quan trọng, nhiệm vụ cao đẹp vẻ vang của mình trong tổ chức và tính cách thiết yếu của công việc tu học huấn luyện, người Huynh trưởng cần phải có những suy nghĩ, nhận thức sâu sắc đúng đắn và quyết tâm thực hiện.

- Để xứng đáng với vai trò của mình, người Huynh trưởng phải biết đặt việc tu học huấn luyện trước hết có tính cách trường kỳ, liên tục và đồng thời kết hợp với cấp thời gian ngắn hạn, đòi hỏi người Huynh trưởng phải ra sức học tập mãi mãi, tu dưỡng thường xuyên không ngừng nghỉ.

- Người Huynh trưởng phải đặt mình dưới sự huấn luyện của GĐPT, những vị thầy trên hết và trước hết của người Huynh trưởng là chư vị tôn túc Tăng Ni, Cao đức, chư vị cố vấn giáo hạnh ân sư của GĐPT, xuất phát từ tình thương mà giáo dưỡng huấn thị những điều cao thượng cho chúng ta. Rồi kinh điển sách báo, là những vị thầy gián tiếp nhưng đáng tin cậy cho chúng ta được tắm mình trong bể học mênh mông cao quý của giáo pháp. Nhưng trực tiếp và thường xuyên gần gũi và ảnh hưởng mãnh liệt đến chúng ta là các bậc Huynh trưởng đàn anh. Ở một góc nhìn nhất định, một số anh chị có thể có đôi điểm nào đó không bằng chúng ta, có thể có điều hạn chế, có thể nghệ thuật chưa điêu luyện lắm, thủ thuật chưa thực hoàn hảo tuyệt vời, thậm chí còn có nhược điểm… bởi tuổi tác chồng chất, sức khoẻ không cho phép…, nhưng các anh chị thực sự là những người đi trước, có nhiều cống hiến cho tổ chức, từng trải kinh nghiệm trong tổ chức điều hành, phải chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh. Cho nên chúng ta hãy sẵn sàng và vinh dự tiếp thu sự trao truyền của các Huynh trưởng đàn anh. Hãy học tập đầy đủ kiến thức, ý chí, nghệ thuật, những tinh hoa trí tuệ lẫn tinh thần của các anh, đồng thời hãy xem những nhược điểm ở đàn anh chính là bài học giúp ta rèn luyện trí sáng tạo, óc tổng hợp phân tích, sự phán đoán nhận xét nhanh nhạy sắc bén và nhẫn nhục quý báu của người Huynh trưởng.

- Ngoài việc hoàn tất đầy đủ các chương trình tu học các bậc, người Huynh trưởng hãy sẵn sàng xin tham dự các trại huấn luyện đúng quy định. Tại đất trại, hãy ghép mình vào nội quy kỷ luật và đời sống của trại. Không những chấp hành mọi sự hướng dẫn của Ban Quản trại, các giảng viên, nổ lực tiếp thu nội dung chương trình huấn luyện một cách cao nhất mà còn hoà hợp đoàn kết thân ái sẻ chia và học tập ở nơi anh chị em trại sinh đồng học.

- Coi trọng tất cả các trại huấn luyện, không được xem thường các trại dưới, không đòi hỏi vượt cấp. Đó là bệnh ấu trĩ và sự thiển cận của những người kiêu ngạo, ngông nghênh và tham vọng mà bất cứ người Huynh trưởng có ý thức tổ chức, có nhận thức đúng đắn, có tinh thần khiêm tốn cầu học và biết chịu huấn luyện đều phải tránh. Một Huynh trưởng được dự học tất cả bốn trại huấn luyện thì quả là một điều tự hào lớn trong cuộc đời Huynh trưởng.

KẾT LUẬN:

Trong xã hội, không có một ngành nghề nào mà người làm nghề không cần qua sự đào tạo huấn luyện tay nghề, không có một sản phẩm có giá trị nào mà không được làm ra từ khối óc tinh anh và đôi tay khéo léo của người thợ lành nghề.

Một thanh sắt hoen rỉ tưởng như vô dụng, nhưng khi đưa đến người thợ rèn giỏi nghề, và nỗ lực cũng sẽ trở thành một con dao sắc bén lợi ích thiết thực. Một viên ngọc vừa lấy ra từ đá nếu không qua đôi tay mài dũa của người thợ kim hoàn thì sao được óng ánh sắc màu giá trị. Khối đá tảng thô ráp xù xì kia, nếu được đẽo gọt bởi đôi bàn tay điêu luyện của một nghê nhân tài hoa, tất sẽ thành ngôi tượng đẹp.

Cũng như vậy, người Huynh trưởng muốn hoàn thiện chân dung một người Huynh trưởng xứng đáng nhân cách lẫn kiến thức, năng lực lẫn tinh thần ý chí, tất phải được tôi rèn qua các trường huấn luyện. Đó là tiền đề là điều kiện tiên quyết để người Huynh trưởng có thể hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ tổ chức điều hành GĐPT và giáo dục các em Đoàn sinh.

Vậy anh chị em chúng ta hãy khởi hăng hái và tin tưởng bước vào ngưỡng cửa trại huấn luyện Huynh trưởng GĐPT và hạ thủ công phu ./.

Tài Liệu Huấn Luyện

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro