tai lieu loc uyen nguot Ht GDPT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu đồng niên của Giáo hội Phật giáo Trung ương chuyên trách, có mục đích “đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”.

Trong Nội quy GĐPT có quy định hai thành phần nhân sự, đối tượng của GĐPT gồm:

•Thành phần Huynh Trưởng

•Thành phần Đoàn sinh

Vậy, người Huynh Trưởng GĐPT là ai, muốn làm Huynh Trưởng phải có điều kiện hay tiêu chuẩn gì, tư cách nhiệm vụ bổn phận của Huynh trưởng là thế nào? Đó là một số vấn đề mà những ai quan tâm đến GĐPT, nhất là người muốn trở thành Huynh Trưởng cần nên am hiểu.

I.NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG LÀ AI?

Nội quy GĐPT có nhiều chương, điều, mục quy định về tổ chức cơ cấu thành phần Huynh trưởng các cấp, nhiệm vụ của Huynh Trưởng, tu học và huấn luyện hoặc xét xếp cấp Huynh Trưởng. Từ nội dung các vấn đề trên, chúng ta có thể tạm thời đưa ra một nhận định có thể được xem như là một định nghĩa về người Huynh Trưởng: Huynh Trưởng GĐPT là một cư sĩ Phật tử (Nam hoặc Nữ) từ 18 tuổi trở lên, đã hiểu rõ và tự nguyện chấp nhận mục đích, lý tưởng GĐPT, có lòng yêu trẻ, thích nghề dạy trẻ, có tư cách đạo đức, uy tín được giáo hội Phật giáo tin cậy, đào luyện về kiến thức, khả năng chuyên môn về GĐPT, rèn luyện tinh thần, ý chí và đã phát nguyện trước Tam bảo suốt đời góp phần phụng sự đạo pháp xây dựng xã hội qua nhiệm vụ điều khiển, hướng dẫn giáo dục Đoàn sinh theo đường lối giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và GĐPT.

Như vậy, một người khi nhận làm Huynh trưởng GĐPT là một cử chỉ hoàn toàn tự nguyện tự giác là vị hoàn toàn không do một cá nhận hay thế lực nào buộc anh ấy (hay chị ấy) phải làm như vậy, là một hành động dấn thân vì nhận nhiệm vụ giáo dục trẻ là một công việc thiêng liêng cao quý, và là một cử chỉ hy sinh cho lý tưởng vì làm Huynh trưởng hoàn toàn không có lương tiền bổng lộc địa vị hay danh lợi mà là xuất phát từ tinh thần mến đạo yêu quê hương, lòng yêu trẻ thích nghề dạy trẻ mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh, kiên trì và nhẫn nhục cho mục đích duy nhất là hướng dẫn thế hệ tương lai của đạo pháp, mầm non của đất nước tiến đến chân trời Chân-Thiện-Mỹ.

Cho nên có thể nói, người Huynh trưởng GĐPT là con người giàu tình thương và đầy nghị lực, sống trọn cuộc đời tinh khiết thanh cao, suốt đời tận tụy vì lý tưởng cao rộng theo tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật.

II.NHỮNG ĐIỀU KIỆN CĂN BẢN CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG:

Bởi tánh cách đặc thù cao thượng và vai trò quan trọng của người Huynh trưởng nên khó nói đầy đủ những yếu tố, những tiêu chuẩn cần thiết đối với người Huynh trưởng. Nhưng chúng ta có thể xứng đáng với vai trò nhiệm vụ của người Huynh trưởng.

1.Đạo Đức Tác Phong:

Là người đảm nhận nhiệm vụ giáo dục Đoàn sinh nên trước hết người Huynh trưởng phải có đạo đức trong sáng, có đời sống mẫu mực, tác phong nghiêm chỉnh, có vậy người Huynh trưởng mới được các em kính phục, là tấm gương sáng cho các em noi theo đồng thời phụ huynh, quần chúng và kể cả các giới chức năng xã hội mới cảm mến tin cậy gửi gắm con em cho mình hướng dẫn dạy dỗ.

Nhân cách và đạo đức của người Huynh trưởng được hình thành trên nền tảng tiếp thu giáo lý đạo Phật mà căn bản là sự lãnh thọ ba pháp Quy Y Tam Bảo và tuân Giữ Năm Giới cấm : Người Huynh trưởng không thể nào răn dạy các em nên tập những nết hay tánh tốt trong khi bản thân mình có nhiều thói hư tật xấu, không thể khuyên dạy các em sống đời trong sạch làm lành tránh dữ, trong khi chính mình thì bê tha phóng đãng.

Người Huynh trưởng không được phép dạy các em bằng lời nói suông, hay là “ Các em hãy làm theo những gì anh nói, chứ đừng làm theo những gì anh làm”.

Người Huynh trưởng chỉ dạy các em bằng hành động, tác phong và cuộc sống của chính mình. Đó gọi là phương pháp thân giáo thần hiệu của người Huynh trưởng. Vậy nên có thể khẳng định đạo đức tác phong là tiêu chuẩn hàng đầu và vô cùng quan trọng của mỗi người Huynh trưởng GĐPT. Đây là điều mà người Huynh trưởng phải luôn luôn ghi tâm khắc cốt và thể hiện rõ ràng minh bạch.

2.Kiến Thức, Khả Năng:

Tuy là quan yếu hàng đầu, nhưng nếu người Huynh trưởng chỉ có đạo đức không thôi thì chưa đủ, vì giáo dục GĐPT không chỉ có đức dục mà là giáo dục toàn diện về cả ba mặt đức dục, trí dục và thể dục.

Một Huynh trưởng mà kiến thức kém cỏi, trình độ hiểu biệt cạn cợt, ngu ngơ, kỹ năng vụng về trầy trật tất sẽ không thể truyền đạt được gì cho các em, chẳng đem lại lợi ích gì cho GĐPT và cho người khác.

Kiến thức của người Huynh trưởng bao gồm kiến thức về Phật pháp lẫn kiến thức phổ thông như nhân văn, khoa học, xã hội và các kỹ năng chuyên môn khác. Nói cách khác người Huynh trưởng cần phải có trình độ kiến thức nhất định về Phật học lẫn thế học để không những từ lợi về lặt tu dương cũng như xây dựng đời sống an lành về vật chất tinh thần. Để có được tiêu chuẩn này, tùy chỉ ở mức độ tương đối, người Huynh trưởng tập sự phải trải qua những chương trình tu học và huấn luyện quy định trong nội quy, mà căn bản nhất là trại huấn luỵên Huynh trưởng sơ cấp – danh hiệu Lộc Uyển. Với kết quả trúng cách và tham dự lễ phát nguyện trước Tam bảo mới thực sự trở thành người Huynh trưởng GĐPT.

3.Nghị Lực Và Ý Chí:

Một người Huynh trưởng dù có đạo đức tác phong đúng đắn, có kiến thức sâu rộng và năng lực dồi dào, nhưng nếu thiếu nghị lực và ý chí thì chưa phải hoàn thiện, khó có thể làm tròn nhiệm vụ của người Huynh trưởng là rất nặng nề, biết rằng nhiệm vụ của người Huynh trưởng không những lâu dài và nhiều chướng ngại bủa vây, nhiều trở lực cản lối từ bên trong lẫn bên ngoài, từ trong đạo ra ngoài đời, từ gia đình đến xã hội, từ tinh thần đến vật chất, thì một con người tầm thường, nhút nhát, sợ hải, biếng nhác tất sẽ không thể vượt qua, sẽ buông xuôi, đầu hàng và bỏ cuộc.

Chỉ có nghị lực, ý chí và tinh thần dũng cảm là sức mạnh tinh thần mới thúc đẩy người Huynh trưởng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi trở ngại, không ngừng phấn đấu vượt lên tới để hoàn thành nhiệm vụ và tiến lên trên con đường lý tưởng GĐPT.

Như vậy nghị lực và ý chí là tố chất vô cùng quan thiết không thể thiếu với bất cứ người Huynh trưởng nào. Nghị lực và ý chí ấy tuy không ồn ào nhưng tiềm tàng nóng bỏng, tuy tận thâm trầm nhưng rất dũng mãnh bền bỉ nó làm nên nét đẹp tinh thần đầy hoa mỹ đặc sắc trên bức chân dung linh động và đẹp đẽ của người Huynh trưởng GĐPT.

III.TƯ CÁCH NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG:

Tư cách của một người là sự biểu hiện tinh thần, tính cách và mức độ đạo đức của người ấy qua lối sống, hành vi, thái độ khi đối đãi, ứng xử với cộng đồng, với người khác hay công việc xung quanh.

Với người Huynh trưởng, tư cách là tiêu chí quan trọng hang đầu vì nó thể hiện đạo đức giá trị, uy tín danh dự có xứng đáng với vai trò trách nhiệm giáo dục của mình hay không. Tư cách người Huynh trưởng GĐPT được xây dựng trên hai yếu tố căn bản là tác phong bên ngoài và đức độ bên trong.

1.Tác Phong Bên Ngoài:

Tác phong là phong thái bên ngoài, là cách thức, thái độ của người khi làm việc hay ứng xử với người khác, thể hiện phần nào tinh thần và đức độ người ấy. Tác phong của người Huynh trưởng được biểu hiện qua các hình thức chính:

Trang phục: Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, người Huynh trưởng đều phải ăn mặc đứng đắn, giản dị không luộm thuộm, lòe loẹt, không chưng diện, chạy theo thời trang kệch cởm. Tóc tai gọn gàng, thân thể sạch sẽ. Lúc sinh hoạt, công tác Phật sự thì đồng phục chỉnh tề, đầy đủ đúng quy định.

Lời nói: Người Huynh trưởng luôn nói lời trong sạch, lịch sự, thành thật, từ ôn hòa xây dựng, điềm tĩnh bất cứ ở tình huống nào, luôn tỏ ra khiêm tốn, biết kính trên nhường dưới chứ không ăn nói thô lỗ, cộc cằn hống hách kiêu ngạo hay ba hoa khoác lác.

Cử chỉ hành động: Người Huynh trưởng lại phải có chỉ khoan thao tự nhiên chứ không hốp tốp lụp chụp, hay làm dáng điệu bộ. Quan trọng hơn nữa là việc làm phải đúng đắn, chính đáng hợp đạo đức, nhất là đời sống phải luôn trong sạch, liêm khiết lương thiện, đúng chánh pháp, không được bê tha phóng đảng, ham mê rượu chè, cờ bạc, chơi bời, nghiện hút, không làm những việc ngược đạo đức, trái thuần phong mỹ tục.

2.Đức Độ Bên Trong:

Lịch sử loài người luôn chứng mình rằng chỉ những người đức độ mới xây dựng gia đình được hạnh phúc, cai quản làng xóm yên vui, điều khiển cơ quan đoàn thể tốt đẹp, lãnh đạo đất nước được thái bình thịnh vượng ấm no. Vì vậy, đối với người Huynh trưởng, đức độ là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công trong nhiệm vụ giáo dục, sự thịnh suy, mất còn cùa một đơn vị và tổ chức. Để đáp ứng vai trò, tính chất và nhiệm vụ, đức độ của người Huynh trưởng được đảm bảo trong mấy đức tính cốt yếu là: Tình thương, hy sinh, kiên nhẫn, trung kiên và cầu học.

a.Tình thương: Tình thương là động lực chính thúc đẩy người Huynh trưởng đến với GĐPT để yêu thương và phụng sự tuổi trẻ. Vì tình thương mà ta lo cho cuộc đời của các em, không đành để các em phải thiệt thòi, dốt nát, hư hỏng, mà yêu thương che chở, chăm sóc và dạy dỗ các em nên người. Với Huynh trưởng tình thương là nhựa sống, là chất liệu kết giao là thứ tình thương dịu dàng, trong sạch, vô ngã, vị tha, không vụ lợi, phân biệt, mà là chân thành thắm thiệt một cách sâu sắc với bất cứ ai, trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ đây là điểm khác nhau giữa tình thương của người Huynh trưởng trong GĐPT với tình thương của người thầy giáo đối với học sinh nhà trường.

b.Hy sinh: Vì tình thương, người Huynh trưởng sẽ quên mình, không những chẵng nghĩ đến lợi lộc riêng tư mà còn phải chịu đựng khó nhọc, vất vả, nhận nhục nhiêu điều để cho các em nên người tốt đẹp an vui. Khác với đời thường, GĐPT không phải là nơi ta đến để tìm vui, tiêu khiển thời gian nhàn hạ, hay kiếm tìm một chút hư danh, lại càng không phải để mưu cầu lợi lộc. GĐPT chỉ là một tổ ấm, để yêu thương và được yêu thương, để sống cuộc đời đáng sống, trong đó người Huynh trưởng đồng nghĩa với hai tiếng HY SINH.

c.Kiên nhẫn: Công việc của người Huynh trưởng nặng nhọc đã đành mà còn phức tạp và nhiều khó khăn trở ngại vây bủa. Ở Đoàn cũng như ở nhà, nơi trường học hay ngoài xã hội, lúc nào chúng ta cũng là người Huynh trưởng, mà hoàn cảnh thì không phải luôn chịu thuận ý ta, hỗ trợ cho ta. Đàn em thì ngỗ nghịch, phụ huynh thường khó tính, bạn bè hay chống trái, cấp trên nghiêm khác, công việc bề bộn, hoàn cảnh lại éo le ngáng trở, cuộc sống khó khăn chạy vạy, Đoàn thì đông lúc ít, gia đình nay thịnh mai suy, vui đây buồn đó …Hàng trăm điều thách thức người Huynh trưởng phải biết chịu dựng, nhẫn nại mới khỏi nản lòng thối chí. Đức kiên nhẫn là sức mạnh tinh thần vĩ đại thôi thúc người Huynh trưởng luôn mĩm cười trước mọi khó khăn, luôn đứng thẳng trước những thách thức ma chướng, luôn nói không với mọi thứ cám dỗ, tự chiến thắng mình, chiến thắng hoàn cảnh, dũng mãnh tiến bước trên con đường lý tưởng GĐPT, quyết không ngừng lại, thối lui hay đầu hàng bỏ cuộc.

d.Trung kiên: Bất cứ nền đạo lý nào cũng đề cao đức tính kiên nhẫn, trung thành. Tính kiên nhẫn giúp con người un đúc nên lòng trung kiên. Người Huynh trưởng khi đã nhận chân giá trị mục đích của GĐPT và tự nguyện trở thành một đoàn viên phục vụ cho GĐPT thì dù phải gặp muôn ngàn khó khăn trở ngại, sức ép và từ nhiều phía, sự cám dỗ của lợi danh cũng không chùn bước, sa ngã mà quay lưng, xa rời hay làm hại đạo pháp và tổ chức. Hơn 60 năm từ khi khởi phát, trải qua biết bao cam go thử thách, thăng trầm mà GĐPT vẫn tồn tại là nhờ chúng ta có mục đích rõ ràng, tốt đẹp, trong sáng, có lý tưởng cao thượng, có đường lối đúng đắn và đồng thời có nhiều đoàn viên trung kiên với tổ chức, thiết tha với lý tưởng, dù đã phải trải qua bao hy sinh, chịu đựng bao gian khổ nhọc nhằn mà không hề quên GĐPT.

e.Cầu học: Có tình thương, biết hy sinh nhẫn nại và trung kiên là đáng quý. Nhưng nếu người Huynh trưởng kiến thức thô thiển và năng lực yếu kém thì chưa thể hoàn thiện tư cách người Huynh trưởng. Người Huynh trưởng mà không có trình độ Phật pháp, thiếu kiến thức phổ thông, không am hiểu phương pháp tổ chức, giáo dục GĐPT, kỹ năng chuyên môn, điều khiển kém cỏi vụng về thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp, hiệu quả cống hiến sẽ không nhiều. Vì vậy người Huynh trưởng vừa không ngừng tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng tinh thần ý chí mà còn phải đề cao tinh thần CẦU HỌC.

Người Huynh trưởng học tập để tiến bộ bản thân, để phục vụ tổ chức có hiệu quả. Giống như một người viễn du hay nhà thám hiểm cần hành trang, tư tưởng cần thiết, người Huynh trưởng phải siêng năng tu học giáo lý, học tập văn hóa để nâng cao trình độ kiến thức phổ thông, phải am hiểu phương pháp, cách tổ chức điều hành GĐPT, phải rèn luyện cho thành thạo các kỹ năng chuyên môn, nghệ thuật điều khiển để làm khí cụ sắc bén trong lúc làm nhiệm vụ. Tài năng vá trình độ không phải tự nhiên mà có hay là món quà do người khác ban tặng. Người Huynh trưởng học tập rèn luyện ở các lớp học của GĐPT hay ở các trại Huấn luyện, nhưng chủ yếu vẫn là tự tu học. Mấy ngày ngắn ngủi ở một trại huấn luyện không đủ để cung cấp mọi thức cần thiết, mọi nghệ thuật của nghề Huynh trưởng, nên chúng ta nhất thiết phải thường xuyên liên tục tự học, tự luyện: Học tập ở quý thầy, ở các Huynh trưởng đàn anh đi trước, ở các bạn bè, ở nhà trường, trong sách vở, ngoài xã hội, cả với các em và suy tư rút kinh nghiệm trong các buổi sinh hoạt của GĐPT. Một Huynh trưởng mà không chịu học tập thì hoặc là do lười biếng, ươn hèn, sợ khó không chí tiến thủ, thiếu nghị lực hoặc tự kiêu, tự mãn hoặc tự ti, tiêu cực cam tâm chịu dốt, thì không ngừng tự làm dốt mình mà còn lám dốt các em và làm hại lây tổ chức.

Tóm lại, với tư cách hoàn hảo, thể hiện chân dung đẹp đẽ gướng mẫu đáng yêu của người Huynh trưởng cả tác phong bên ngoài lẫn đức độ bên trong, người Huynh trưởng sẽ được các em yêu kính, noi gương học tập, mọi người xung quanh nhất là phụ huynh cảm tình, mến mộ, tin cậy thí nhiệm vụ giáo dục của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp, nêu cao uy tín của GĐPT trong qưần chúng nhân dân và xã hội.

IV.NHIỆM VỤ VÀ BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG:

Nhiệm vụ chủ yếu của người Huynh trưởng là giáo dục các em đoàn sinh thành Phật tử chân chính trên nền tảng giáo lý đạo Phật nhằm thực hiện mục đích của GĐPT. Ngoài ra người Huynh trưởng còn có một số nhiệm vụ khác tùy theo chức vụ phần hành mà tổ chức phân công và quy định, đồng thời người Huynh trưởng còn có nhiều bổn phận trách nhiệm thiêng liêng cao cả.

1.Bổn phận với Đạo pháp và Giáo hội:

Trứơc hết người Huynh trưởng phải tu học giáo lý để xây dựng đức tin chánh tín vững chắc, tuân giữ giới luật, thực hành đúng chánh pháp, bảo vệ sự trong sáng của Chánh pháp, chống lại các hình thức mê tín, lễ nghi xuyên tạc chánh pháp. Đối với tổ chức giáo hội, phải tuân thủ chủ trương đường lối của Giáo hội, tùy sức mà góp phần công đức hộ trì Giáo hội, cảnh giác trước những âm mưu xuyên tạc chia rẽ Giáo hội, tham gia đóng góp công sức xây dựng Phật sự tại địa phương.

2.Bổn phận đối với Đất nước và Dân tộc:

Một người mà chỉ biết yêu đạo của mình mà không có lòng yêu đất nước, quê hương, tự hào dân tộc thì chưa phải là người Huynh trưởng đúng nghĩa. Yêu đạo, yêu nước là bổn phận kép của người Huynh trưởng GĐPT. Cho nên người Huynh trưởng tất nhiên phải biết xây dựng bản thân mình mà còn giáo dục các em tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc như mình vậy.

Cụ thể người Huynh trưởng phải tuân thủ pháp luật, phát triển tài năng, sống cuộc sống chơn chánh, làm ăn lương thiện, làm tròn chức trách, làm việc lợi ích quê hương, giúp đỡ đồng bào, góp phần bảo vệ xây dựng đất nước.

3.Bổn Phận Đối Với GĐPT:

Nói chung, nhiệm vụ chính yếu của người Huynh trưởng là giáo dục đoàn sinh trên nền tảng giáo lý đạo Phật và thự hiện mục đích GĐPT.

Nhưng nếu là Huynh trưởng Đoàn (Đoàn trường, đoàn phó) thì nhiệm vụ chính là trực tiếp trực tiếp điều khiển Đoàn sinh hoạt tu học theo chương trình kế hoạch đã vạch sẵn, dựa trên chương trình tu học của đơn vị.

Nếu giữ các chức vụ khác, có tính chất lãnh đạo hoặc chuyên môn thì theo nhiệm vụ quy định cho từng phần hành như nhiệm vụ điều động sinh hoạt chung, thi hành chỉ thị cấp trên, báo cáo hoạt động của đơn vị (Liên Đoàn Trưởng) hoặc thực hiện việc tổ chức hành chánh quản thủ hồ sơ sổ sách (thư ký), quản lý tài chánh, ngân qũy, khí mãnh của đơn vị (thủ qũy).

Nhưng dù giữ bất kỳ chức vụ gì, tất cả mọi người Huynh trưởng đều phải có những bổn phận đối với GĐPT như nhau:

Người Huynh trưởng phải làm tròn nhiệm vụ tùy theo chức vụ mà mình đảm trách. Ngoài ra người Huynh trưởng phải nêu cao tinh thần kỷ luật ý thức tổ chức, luôn chấp hành sự phân công của Ban Huynh trưởng trong các hoạt động của đơn vị.

Luôn trau dồi đạo đức, tác phong nghiêm chỉnh, siêng năng tu học để xứng đáng với vai trò Huynh trưởng.

Nêu cao và bảo vệ danh dự của GĐPT, không có bất cứ hành động gì làm tổn thương uy danh của tổ chức.

Triệt để thực hiện phép Lục Hòa, tình thần đoàn kết tương thân tương ái bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, đặc biệt là trong nội bộ Ban Huynh trưởng để đơn vị có điều kiện sinh hoạt ổn định và phát triển.

Tất cả mọi Huynh trưởng đều có sự tương quan mật thiết với nhau, đều liên đới trách nhiệm về sự thịnh suy của sinh hoạt góp phần làm cho đơn vị sinh hoạt đều đặn, phát triển sánh vai cùng các đơn vị bạn.

4.Bổn phận đối với Đoàn sinh:

Bổn phận của người Huynh trưởng đối với Đoàn sinh được xem là bổn phận trung tâm điểm, cao cả trong đời hoạt động của mình, nên mọi người Huynh trưởng phải luôn trân trọng và tâm niệm làm tròn.

Trên hết và trước hết là người Huynh trưởng phải biết yêu thương chân thật và tôn trọng nhân phẩm của các em. Người Huynh trưởng phải có bổn phận giáo dục các em trên căn bản tình thương, đúng tinh thần và phương pháp giáo dục cùa GĐPT, tuyệt đối không được cộn cằn thô lỗ, bạo hành, xúc phạm đến nhân phẩm các em.

Người Huynh trưởng giỏi, lành nghề và tâm huyết phải biết tìm hiểu tâm lý, sinh lý, hoàn cảnh, đời sống, sự học tập, sinh hoạt hàng ngày của các em, không những lúc đến chùa mà còn ở trường học, gia đình và ngoài xã hội để có sự hướng dẫn phù hợp, gần gũi, chăm sóc giúp đỡ, động viên an ủi khi. Cần có như vậy công việc giáo dục của chúng ta mới có hiệu quả.

Gây không khí Lục Hòa, đòan kết thân ái yêu thương, gần gũi giữa các em với nhau, cho các em thấy rằng GĐPT thật sự là một mái nhà chung, là tổ ấm mà thêm yêu mến gắn bó với GĐPT.

5.Bổn phận đối với cấp Lãnh đạo:

Một nét đặc thù trở nên một truyền thống của GĐPT mà ít tổ chức nào có được là TINH THẦN TỰ GIÁC, TÌNH THÂN ÁI – KỶ CƯƠNG giữa các hàng Huynh trưởng với nhau, giữa Huynh trưởng với đoàn sinh.

Người Huynh trưởng luôn kính mến, lễ độ và tuân phục các cấp lãnh đạo GĐPT, dù biết rằng GĐPT hoàn toàn không có quyền uy bởi danh vọng, địa vị lợi lộc để áp đặt người Huynh trưởng. Chỉ có danh dự người Huynh trưởng, tình thương và lý tưởng cao thượng của GĐPT un đúc nên tinh thần kỷ luật gang thép nơi mỗi người Huynh trưởng. Thói thường kẻ tiểu nhân thì hay “ được đằng chân lên đằng đầu”, bởi quen thân dễ sinh khinh nhờn sàm sỡ hoặc cậy tài kiêu ngạo mà sinh thói “ cá đói bằng đầu”, coi nhẹ cấp trên, khinh thường kẻ dưới. GĐPT thì ngược lại. Kính nhường tuân thủ cấp trên và đàn anh, tôn trọng bình đẳng với người ngang hàng, thân mến với đàn em là một biểu hiện của đạo đức, là một hình thức tu dưỡng rèn luyện, là ý thức tổ chức nêu cao danh dự và truyền thống GĐPT của người Huynh trưởng.

Có ý thức trong cấp lãnh đạo, người Huynh trưởng mới chấp hành mọi sự phân công và nổ lực hoàn thành nhiệm vụ.

6.Bổn phận đối với Phụ huynh:

Quan hệ giữ phụ huynh đoàn sinh với Huynh trưởng, nhất là Huynh trưởng điều khiển đoàn là đặt biệt hệ trọng và tế nhị bởi đó vừa là sự quan hệ trong Đạo lẫn ngoài đời, còn là sự tương tác giữa gia đình và đoàn thể trong nhiệm vụ chung là giáo dục của em.

Thái độ kính trọng, lễ độ với phụ huynh không phải chỉ là bổn phận mà còn là biểu hiện tư cách đạo đức tác phong của người Huynh trưởng.

Người Huynh trưởng còn phải có sự gần gũi với phụ huynh bằng cách thường thăm viếng hỏi han, vừa thể hiện tình cảm vừa có dịp tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm lý, sức khỏe điều kiện học tập sinh hoạt của các em, lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời để tìm cách giúp đỡ khi cần thiết.

V.VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐOÀN PHÓ:

Người Đoàn phó là một thành viện của một đơn vị GĐPT nói chung và là thành viên của Ban Huynh trưởng phụ trách Đoàn nói riêng gồm một Đoàn Trưởng và một hoặc hai Đoàn phó.

Nói cách khác Đoàn phó là người Huynh trưởng trợ tá cho Đoàn trưởng trong việc tổ chức điều khiển mọi việc tu học sinh hoạt của Đoàn. (VD: Đoàn phó đoàn Thiếu Nam, Đoàn phó Đoàn Thiếu Nữ, Đoàn phó Đoàn Oanh Vũ,….)

Như vậy, tuy chức vụ có cao thấp khác nhau, nhưng người Đoàn phó cũng như Đoàn trưởng hay các Huynh trưởng khác đều có vai trò chung là tổ chức, hướng dẫn điều khiển GĐPT có nhiệm vụ chính là giáo dục các Đoàn sinh theo chương trình tu học kế hoạch sinh hoạt, đúng chủ chương mục đích của GĐPT.

V.NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐOÀN PHÓ:

Nhiệm vụ của người Đoàn phó là phụ tá cho Đoàn trưởng trong công việc tổ chức, điều khiển Đoàn tu học sinh hoạt. Cụ thể hơn, người Đoàn phó có mấy nhiệm vụ như sau:

Cùng với Đoàn trưởng tổ chức quản trị Đoàn, vạch kế hoạch chương trình sinh hoạt tu học của Đoàn.

Cùng với Đoàn trưởng vạch kế hoạch phát triển Đoàn sinh.

Sẵn sàng chịu sự phân công của Đoàn trưởng trong việc điều khiển Đoàn và luôn phấn đấu để hoàn thành công tác được giao.

Luôn gần gũi với Đoàn trưởng để hội ý nhau trong mọi công tác.

Chấp hành mọi sự phân công của BHT nói chung, Liên Đoàn Trưởng, Gia trưởng nói riêng.

Điều khiển Đoàn sinh hoạt theo chương trình đã vạch khi Đoàn trưởng vắng mặt, sau đó báo cáo kết quả cho Đoàn trưởng.

Lời nói, hành động, cử chỉ, cách cư xử luôn tỏ ra tôn trọng lễ độ với cấp trên, nhất là tôn trọng bảo vệ uy tín của Đoàn trưởng. Không được có thái độ chống đối, coi thường, công kích, mà phải luôn cẩn thận, đoàn kết hoà hợp với Đoàn trưởng, cũng không ỷ lại, tiêu cực, thụ động, buông xuôi mọi việc cho Đoàn trưởng.

Gần gũi thương yêu chăm sóc động viên giúp đỡ các em Đoàn sinh. Người Đoàn phó là sợi dây nối kết dung hoà giữ anh, chị Đoàn trưởng với các em Đoàn sinh trong Đoàn vả giữa các em Đoàn sinh với nhau.

KẾT LUẬN:

Người Huynh trưởng GĐPT là một nhân cách trong sách thanh cao, mẫu mực khiến mọi người chung quanh, nhất là các em Đoàn sinh cảm mến, được các bậc phụ huynh tin cậy và yên long gửi gắm con em cho mình giáo dục. Huynh trưởng GĐPT là TẤM GƯƠNG SÁNG cá thể chất lẫn tâm hồn, cả trí tuệ lẫn tình thương và ý chí cho các em kính phục noi theo, cảm thấy tự hào có người anh, người chị tài năng đức độ gần gũi yêu thương chăm sóc, dạy dỗ. TOÀN THỂ CON NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG LÀ MỘT BÀI GIẢNG KHÔNG LỜI MÀ SINH ĐỘNG HẤP DẪN và HIỆU QUẢ NHẤT ĐỐI VỚI ĐOÀN SINH.

Xây dựng nhân cách người Huynh trưởng hoàn mỹ là điều rất khó, nhiệm vụ, bổn phận của người Huynh trưởng hoàn mỹ là điều rất khó. Nhiệm vụ, bổn phận của người Huynh trưởng rất cao đẹp nhưng hết sức nặng nề, ít người có đủ nghị lực ý chí để tự nguyện đảm đương.

Nhưng để đổi lại bao công đức nhọc nhằn, hy sinh chịu đựng, tâm huyết, trăn trở, giá trị của người Huynh trưởng càng lớn khi chúng ta hoàn thành nhiệm vụ giáo dục các em đi trên con đường sáng tươi – thành Phật tử chân chính.

Sau cùng, người Huynh trưởng chỉ có một phần thưởng duy nhất giản dị mà đẹp đẽ, quý hiếm và không thể trao đổi, bán mua bằng vàng bạc địa vị hay danh vọng:” HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ.. “ ./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro