[Phân tích] đoạn trích Đêm tình mùa xuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Cảm nhận đoạn trích sau:
"Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường, mà từ từ vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi..."
Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" thông qua đoạn trích trên.

Phân tích đề:
Nội dung đoạn trích: Mị trong đêm tình mùa xuân.
Câu hỏi đuôi: Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" thông qua đoạn trích trên.

Bài làm:
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài tính đến nay đã già nửa thế kỉ. Ông là nhà văn thâm canh tăng vụ bằng nhiều thể loại, là tác giả của hàng trăm đầu sách, hàng nghìn bài báo. Các tác phẩm của ông lớn lên, đồng hành cùng người đọc từ thủa nhỏ với tập truyện gối đầu giường "Dế Mèn phiêu lưu kí", lớn lên lại thổn thức suy tư cùng tập "Truyện Tây Bắc". Mà linh hồn của tập truyện ấy chính là "Vợ chồng A Phủ", là một truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài miền núi Tây Bắc. Những trang văn tái hiện cảnh núi mờ sương, hay giở ra những phận đời cơ cực, bị áp bức trong xã hội cũ nhưng ẩn sâu trong họ vẫn cháy lên khát vọng sống tiềm tàng mãnh liệt. Phẩm chất tốt đẹp ấy được Tô Hoài phản ánh sâu sắc thông qua nhân vật Mị ở đoạn trích Mị trong đêm tình mùa xuân.

Nhà văn người Hà Nội ấy, tự học mà thành tài. Đời chẳng cho ông chi nhiều ngoài những năm tháng cơ cực lăn lộn thuở niên thiếu, cũng vì thế ông đồng cảm và thấu hiểu với những người lao động nghèo khổ, với cuộc sống mưu sinh lam lũ. Lượm nhặt và bắt rễ những tác phẩm của mình từ chính nhân dân, "Vợ chồng A Phủ" cũng cứ thế mà ra đời. Để viết tác phẩm này, ông đã lấy vốn từ chuyến đi dài tám tháng nhân dịp tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952, cùng ăn cùng ở với đồng bào miền núi, hòa mình vào cuộc sống của họ. "Vợ chồng A Phủ" kể về cuộc đời cô Mị, một cô gái người Mèo, xinh đẹp có tài thổi sáo. Nhưng không may, vì gia đình chịu món nợ truyền đời, Mị bị bắt đến nhà thống lý làm con dâu gạt nợ. Ban đầu Mị không chấp nhận cuộc sống nô lệ và có ý định tự tử. Nhưng vì thương bố Mị đành sống tiếp. Lâu dần, Mị quen với cái khổ, bố chết cũng không còn muốn tự tử nữa. Nhưng rồi mùa xuân lại đến, Hồng Ngài hồi sinh sức sống mới, Mị cũng như được truyền vào thứ nhựa xuân tràn trề. Đây chính là diễn biến tiếp theo mà đoạn trích nhắc tới, Mị với tâm trạng và hành động trong đêm tình mùa xuân.

Điều đầu tiên tác động vào tâm lý Mị là khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài. Mùa xuân đã đến, cơn gió lạnh đã mang một nỗi cô đơn lạnh lẽo, lại thêm cái không khí vui tươi rộn rã như đánh vào lòng người ta ham vui, đi tìm hạnh phúc mới. Song lúc này, Mị vẫn ở nhà, trong cái khung cảnh "rượu đã tan", người "đã vãn", Mị "vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà". Rượu đã làm cho cô say, nhưng cảnh lại làm cho Mị buồn và cô quạnh. Hình dáng Mị im lìm cô đơn, nó vừa đối lập với cái nhà thống lí rộng lớn, vừa đối lập với khung cảnh mùa xuân rộn rã, vừa đối lập với sự ấm áp của men rượu. Có lẽ vì suy nghĩ miên man ấy nên "mãi sau Mị mới đứng dậy". Nhưng men rượu chưa đủ để Mị phá cũi sổ lồng, vì thế trong hai vế câu, Mị không chọn "bước ra đường chơi", mà "từ từ bước vào buồng". Căn "buồng" tượng trưng cho hiện thực của Mị, tượng trưng cho cái tương lai vô định, tối tăm, không thể xác định được phương hướng, và chỉ có "cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng". Căn buồng chỉ hướng đến nơi có ánh sáng duy nhất, thứ ánh sáng như ảo ảnh, chỉ để tô đậm thêm sự tối tăm mòn mỏi. Như chính cuộc sống của Mị, đã vào nhà thống lý, chỉ còn một cách để quên khổ, là làm việc cho đến chết. Vì vậy khi bước vào căn buồng hiện thực, trong đầu Mị xuất hiện ranh giới mà A Sử đã đặt ra cho mình: "Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết". Cái ranh giới vô lý ấy hẳn đã được lặp lại nhiều lần đến mức Mị chấp nhận nó là sự thật: "Mị cũng chẳng buồn đi." Đến đây ta thấy được sự áp đặt, trói buộc của gia đình nhà thống lý quá tàn nhẫn và bất công. Chúng trói buộc Mị từ thể xác đến tâm hồn, không để Mị có quyền được tự do dù chỉ một chút. Mị ra ngoài chỉ để phục dịch cho chúng, để bị đày ải với những công việc ngày này tháng khác, không phải đi chơi và không được quyền đi chơi. Nếu có thể thống trị hoàn toàn tinh thần và trí lực Mị, thống lý chắc chắn sẽ làm thế, nhưng đáng tiếc là hắn không thể. May thay, với một chút tiếng xuân lòng Mị đã có những dấu hiệu hồi sinh. Giờ đây, ngồi trong căn buồng, Mị "phơi phới trở lại" và "đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Mị đã khôi phục được cảm giác hạnh phúc và nhận thức được không thời gian. Bất kể có bao nhiêu rào cản đi chăng nữa, sức sống tiềm tàng trong Mị lúc này đã bùng lên mãnh liệt. Mị xuất hiện một loạt những nhận thức về bản thân mình. Những "đêm Tết trước" chính là khởi nguồn từ quá khứ dội về để Mị nhận ra: "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ." Bao lâu lùi lũi như con rùa, mặt buồn rười rượi, bây giờ người con gái ấy lại thấy mình trẻ ra, đẹp lên. Mị nhận ra giá trị của bản thân mình, một người biết được giá trị của bản thân, sẽ không để bản thân bị định giá như một món hàng, cũng không để ai đặt giới hạn cho chính mình. Mị đã không còn nghĩ đến cái ranh giới A Sử không cho Mị đi chơi nữa, mà khẳng định ngay: "Mị muốn đi chơi" và lập luận cho ý muốn của mình: "Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết." Song cùng lúc đó, Mị nhận ra tấn bi kịch của đời mình "A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau". Mị đang ở trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, không có quyền đơn phương kết thúc, Mị nhận ra mình đã mất đi năng lực tự chủ cuộc đời mình. Càng nghĩ càng cào vào vết thương lòng tưởng chừng đã tê dại. Lúc Mị muốn sống nhất, Mị lại bị tước đoạt thứ quyền ấy, ý nghĩ ăn lá ngón tự tử lại xuất hiện, "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa". Đây là sự oái oăm nghịch lý khi thèm sống nhất, lại phải tìm đến cái chết vì không được sống cho ra hồn. Đây cũng là biểu hiện của lòng ham sống của con người giàu tự trọng, có ý thức cao về cuộc sống cũng như phẩm giá của chính mình. Mị thà chết như con người, còn hơn sống như con vật. Mị đau đớn đứng bên lề của đau khổ mà không thể chạm tới được hạnh phúc tưởng như rất gần, "Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường". Một bên là "dòng nước mắt" của kẻ ở dưới địa ngục trần gian, một bên là "tiếng sáo" "lơ lửng bay ngoài đường". Chính vì muốn được "chạm vào" tiếng sáo tự do này, Mị đã đứng lên đấu tranh với những gì mình đáng có. Cuối cùng trong đầu Mị cũng chỉ còn giai điệu của tiếng sáo mà Mị đã từng thuộc lời đến nằm lòng:
"Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi..."
Một người đã từng thổi sáo đến ngây ngẩn lòng người như Mị, làm sao có quên được giai điệu thấm đẫm cả tự do và tình yêu ấy! Tiếng sáo đã đang và sẽ tiếp tục tác động vào Mị ý thức và tiếp nối những hành động quyết liệt hơn trong đêm tình mùa xuân. Kết thúc của đoạn trích hé mở ra một tiếp diễn chắc chắn rằng, rồi bằng cách nào, sớm hay muộn, Mị cũng sẽ phá cũi sổ lồng và đấu tranh quyết liệt. Trong đoạn diễn biến này, ta thấy được cái tài Tô Hoài, bẻ lái tâm lý Mị rất nhanh, song lại tự nhiên đến lạ thường! Trước khi sức sống tiềm tàng trỗi dậy, Mị yếu đuối, không dám giành quyền lợi của mình, sau khi sức sống tiềm tàng trỗi dậy, nhận thức của Mị được dẫn lối rành mạch, chỉ rõ những áp bức phi lý mình phải chịu. Bằng nghệ thuật phân tích tâm lý sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã diễn tả những phức tạp, đa chiều trong dòng suy nghĩ của nhân vật Mị. Từ đó, tự để nhân vật Mị dẫn lối ham muốn giải thoát chính mình qua chi tiết "tiếng sáo", mở cho họ con đường được sống. Đồng thời ông phát hiện, ca ngợi sức phản kháng mãnh liệt của những người dân lao động vùng cao Tây Bắc, cho dù lâm vào bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần một chút hi vọng họ cùng không từ bỏ cuộc sống.

Tóm lại qua những phân tích trên, tuy chỉ là đoạn trích ngắn về đêm tình mùa xuân trong "Vợ chồng A Phủ" nhưng đã thể hiện được rất rõ giá trị nhân đạo của tác phẩm. Qua việc miêu tả diễn biến nhân vật Mị, Tô Hoài đã khẳng định ý chí khát sống, tình yêu tự do luôn âm thầm chảy trong máu thịt con người, dù có bị áp bức, đày đọa, giam hãm đến đâu đi chăng nữa. Niềm tin vào sức sống mãnh liệt của Tây Bắc cũng là niềm tin vào con người, tin vào tự do, hạnh phúc. Những điều hay, nghĩa đẹp ấy làm "Vợ chồng A Phủ" sống mãi trong lòng người đọc. Chính vậy, văn học là dẫn lối của chân thiện mỹ.

Đề bài 2: Cảm nhận của anh chị về đoạn văn sau. Từ đó bình luận về nét độc đáo của nhà văn khi miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật.
"Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, sắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro