Tập 41 - Nỗi lòng của người làm cha

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng nay, tôi tỉnh dậy và thấy những trang giấy còn đọc dở. Đã lâu rồi tôi mới cảm giác ngủ ngon đến như vậy. Những miền kí ức gợi mở ra chân trời tươi sáng...

Vẫn như thường ngày, tôi pha một tách cà phê không đường, vừa nhâm nhi vừa tận hưởng cái niềm vui nhỏ nhỏ giữa không gian chật hẹp của phố thị. Tôi tưới nước cho cây lan tím treo ngoài cửa sổ. Cây lan hé nụ. Những em bé xanh xanh e ấp hệt như lúc tôi làm nũng với anh Bảo, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, không quá lố bịch. Tôi mong chờ các em phát triển nhanh chóng, lột bỏ bộ áo xanh và vươn mình thành cánh tím.

Từ ngày về thành phố, tôi ít khi được thấy lan. Có lẽ công việc quần quật suốt ngày khiến tôi chẳng còn thú ngắm hoa. Một hôm, đi ngang qua tiệm hoa, chợt thấy một cô gái bán hoa đang cắt tỉa mấy đóa lan, tôi nhớ lại khu vườn lan trên rừng. Ngày ấy, bé Niên hay dẫn tôi vào rừng sâu, tìm mấy nhánh lan đem về trồng. Hoa lan rừng là quý nhất bởi cái sự thanh tao do đất rừng ban cho. Nhớ đến cái thời còn ở rừng với bao thú vui thiên nhiên, tôi nghĩ lại thấy mình đã bỏ sót thứ gì đó, tôi mua một chậu lan con về chăm sóc. Đến nay, cũng đã gần ba tháng, tôi mới thấy vài nụ be bé. Chúng hệt như tôi vậy, chúng ấp ôm những hoài bão trong bầu nụ và chờ đến ngày vươn mình đón ánh dương...

Sau bữa cơm tối, tôi sực nhớ đến những trang giấy anh Bảo viết. Định bụng, tôi giở từng trang để ôn lại kỉ niệm xưa và kiếm chút vui vẻ từ cái sự ngây ngô của anh. Đang chuẩn bị mở chiếc hộp, tiếng mèo hoang giữa đêm làm tôi giật mình, chiếc hộp đổ xuống đất, từng trang giấy bay tứ tung. Tôi nhặt lại nhưng chợt phát hiện ra một mảnh giấy cũ, trên đấy có vệt máu đã khô. Đặc biệt, tờ giấy chỉ còn lại một nửa. Tôi thấy một dòng chữ đến bàng hoàng, "khế ước"... Tại sao lại là khế ước? Anh Bảo đã từng hứa điều gì ư? Tôi đọc mãi nhưng vẫn không tường được mọi sự việc vì một nửa nội dung còn lại chẳng biết ở nơi đâu. Tôi chỉ chú ý đến một cụm từ "...hứa chăm sóc suốt đời...", có phải người viết tờ giấy này xem tôi như một món hàng; có phải người đó từng yêu tôi và khi đã hết yêu, người đó rũ bỏ và nhường cho anh Bảo;... Bao điều thắc mắc vây quanh tôi lúc này như thể tôi đang ở một thế giới mà nhiều người gạt gẫm khi biết tôi không còn nhớ ra họ, đúng chất là một trò đùa. Còn vết máu khô trên tờ giấy? Tôi nghĩ có lẽ bản khế ước ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo nào đấy. Bây giờ, anh Bảo đã đi xa, tôi cũng chẳng biết phải hỏi ai về điều này.

Tôi bức bối, vứt tờ giấy vào sọt rác. Nhiều điều không may mắn đã đến với tôi quá nhiều, sức tôi có hạn, không thể chịu quá nhiều sự đả kích thêm nữa. Liệu có phải khi tôi vứt bỏ mảnh giấy thì mọi chuyện sẽ dần trở ổn định hay tôi phải sống một cuộc sống mơ hồ, chẳng biết nguồn gốc của mình? Tôi lục lại sọt rác và tìm. Mảnh giấy nhăn nhúm, tôi kéo phẳng ra rồi lại vò nát, quẳng sang một góc phòng, chẳng hiểu nổi con người mình.

Sáng tôi đi làm sớm. Hôm nay, tôi thấy bác chủ tiệm phở có vẻ mặt buồn buồn. Sau giờ làm, tôi hỏi thăm bác:

- Con nhìn thấy sắc mặt bác không tốt? Không biết bác có chuyện gì buồn, bác có thể tâm sự cho con nghe không?

- Con làm ở quán bác cũng lâu rồi. Bác xem con như con cái trong nhà, thế thì bác kể... (lặng thinh vài giây) Bác có một đứa con trai. Cách đây mấy năm, nó rơi vô trầm cảm vì bác cấm cản nó yêu con trai. Sau đó, nó nhảy lầu nhưng không chết, mất trí nhớ rồi trở nên điên dại. Sáng nay, bác nhận được tin nó bị tông xe. Nhưng... bác không dám vô bệnh viện thăm nó. Lúc xưa cấm cản, bác đã từng trói nó, nhấn nước nó để nó thoát khỏi cái căn bệnh kì cục này. Sau này, bác hối hận vì đã đối xử tàn bạo với nó. Bây giờ, nó không còn nhớ ra bác nữa, bác đau lòng lắm. Giờ bác chỉ mong nó tỉnh lại. Bác không trông mong nó tha thứ, chỉ cần nó tỉnh, bác sẽ không cấm cản nó nữa, để nó tự làm chủ cuộc đời...

- Bác đừng buồn nữa! Con có lẽ may mắn hơn con bác. Tuy con mất trí nhớ nhưng đầu óc con vẫn minh mẫn. Trước đây, con cũng từng yêu con trai. Con không hiểu vì sao con lại khác với mọi người xung quanh... (ngập ngừng) Nhưng con nghĩ rằng ông trời để cho con và những người như con tồn tại chắc chắn phải có lí do nào đó. Khi sinh ra, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc mà bác. Ép buộc ai làm theo ý mình thì họ sẽ sống theo ý mình nhưng thực tế, họ chỉ cố tỏ ra vui vẻ thôi, thâm tâm họ vẫn muốn mình được tự do...

- Bác hiểu những gì con nói chứ nhưng bác không đành lòng thấy con mình yêu con trai...

- Bác à, con trai hay con gái đâu quan trọng đến thế. Nếu bác đồng ý, bác sẽ được hai người con trai mà. Bác sợ không có người nối dõi đúng không?

- Ừ thì...

- Có con có cái là do trời ban. Mình cứ sống tốt thôi, có thể xin con nuôi. Phước phần lắm khi nuôi dạy một đứa bé lạc tay cha mẹ khôn lớn. Giới tính nào cũng vậy, họ có quyền được sống hạnh phúc mà bác, tình thân chỉ ràng buộc được thân xác họ nhưng trái tim họ không hề đứng yên tại chỗ. Bác nỡ thấy con mình sống như cái vỏ rỗng sao? Bác nỡ đóng vai ác sao?

- Bác hiểu chứ nhưng vẫn không nỡ thấy nó như vậy.

- Cho dù bác ép con trai bác lấy vợ thật nhưng sau khi cưới, người con gái sẽ là người chịu khổ. Rồi khi con cái lớn lên, nó sẽ nhìn vào người cha nó như thế nào. Người ta thường nói, mình thương con bao nhiêu thì khi về già sẽ đối xử với mình bằng tình yêu thương bấy nhiêu. Bác đừng suy nghĩ nhiều, cứ sống thôi, không cần âu lo quá... Hàng xóm có dị nghị nhưng họ đâu phải là người điều khiển cuộc sống của mình. Sống bỏ ngoài tai mọi điều thị phi của thế sự mới là sự thanh thản của tâm hồn. Không vướng bận điều gì thì có phải tốt hơn không?

- Con nói y như từng trải vậy đó.

- Thì thật mà bác. Tuy con mất trí nhớ, không nhớ ra cha mẹ mình, tha phương đến nơi đây, con thật "may mắn" vì không có ai la rầy mình. Con cũng trải qua nhiều biến cố đau lòng trong tình yêu nên con hiểu được cảm giác của con trai bác. Bác cứ nghĩ thoáng thì tình cảm giữa bác và con trai cũng sẽ sớm được hàn gắn, con tin như vậy. Bác hãy vào bệnh viên thăm con bác đi. Biết đâu, với cử chỉ của một người cha săn sóc con từng đêm dài, con bác sẽ không giận bác nữa. Con tin thế. (tôi cười)

- Cái thằng bé này, nói chuyện như ông cụ non. Thôi để tối tối, bác vào thăm nó, mang theo chút thịt hầm.

- Mà bác, cuối tháng này cho con xin nghỉ việc.

- Con nghỉ mấy ngày được mà, bác cho phép.

- Không, con về quê luôn.

- Sao vậy con?

- Đã lâu rồi con chưa về thăm quê. Lần này trở lại thành phố, con kiếm mớ tiền rồi về quê ở luôn.

- Con đi chắc bác buồn lắm. Từ ngày thằng con bác điên dại như thế kia, chỉ có con nói chuyện hủ hỉ với bác.

- Con tin con bác sẽ tỉnh lại sớm thôi. Rồi lại có người nói chuyện với bác suốt ngày. Có khi con rễ với bác tíu tít không quan tâm trời đất xoay chuyển như thế nào luôn đó. (tôi cười với vẻ mặt tràn trề hi vọng như chính câu chuyện của bản thân)

- Bác mong là như lời con nói. Sau này, có đi ngang quán bác, nhớ ghé làm một tô phở nha.

- Bác có miễn phí không?

- Chơi luôn. Miễn phí. Ha ha...

Tôi về nhà sau khi cuộc trò chuyện giữa bác và tôi kết thúc. Tôi hiểu tấm lòng của bác dành cho con cái, cha mẹ nào mà chẳng thương con nhưng thương mà chưa thấu được lòng con đôi khi lại phản tác dụng. Tôi mở cửa bước vào, chợt thấy cục giấy vò nằm dưới chân giường. Tôi nhặt lên và lại kéo phẳng ra. Có lẽ mất trí nhớ là một loại đau khổ chăng? Con bác chủ quán phở cũng vì mất trí nhớ mà điên dại, không hiểu được sự lo lắng và tình yêu thương của cha mẹ, đến khi con bác bị tông xe, lòng bác rối bời, cả hai đều đau khổ. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh tan thương ấy nên đem mảnh giấy vò cất lại vào chiếc hộp, lòng nhất quyết phải tìm lại quá khứ, tìm cha, tìm mẹ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro