Một vài cảm xúc khi xem phim Vợ Ba 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nói chung là phim này cũng được nhiều người nhận xét rồi nên có thể ý kiến của mình đôi khi các bạn thấy giống ở đâu đó. Mạch phim khá chậm và mang nhiều cảm xúc u ám. Với mình, Mây lúc ban đầu là một cô bé có một chút hi vọng và tò mò. Bước ngoặt cuộc đời khiến Mây có một cuộc sống mới, cuộc sống hoàn toàn khác so với trước kia. Trong bộ phim này, có lẽ ta nhìn thấy một Mây hồn nhiên ngây thơ qua hình ảnh của Nhàn, nhìn thấy một Mây khi bắt đầu lớn và gần tuổi cập kê qua hình ảnh của Liên. Mỗi sự kiện của cuộc sống mới khiến Mây dần thay đổi. Mây bắt buộc phải làm chồng hài lòng mỗi khi chăn gối, mặc dù "em chỉ thấy đau". Hình ảnh này không miêu tả quá nhiều nhưng chi tiết Mây quỳ gối đi đến chỗ chồng đã nói lên tất cả. Sự vâng lời và sự phục tùng của người phụ nữ trước những yêu cầu của chồng mà không có quyền lên tiếng. Tiếp theo, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội bấy giờ bắt buộc Mây "phải có con trai". Mây cầu nguyện Phật, Mây ao ước mang trong mình đứa con trai, thoát khỏi kiếp mang thai "bồ câu". Một chi tiết nữa khiến Mây thay đổi đó là thái độ của bố chồng đối với mình. Một đứa trẻ chưa ra đời với niềm hi vọng nó là con trai "Bây giờ thì ta hiểu tại sao con trai ta lại coi trọng con đến vậy". Nỗi lo lắng cùng với sợ hãi khiến Mây trở nên nhạy cảm với mọi thứ. Mây cảm thấy khó chịu khi biết chị Hà - vợ cả mang bầu. Mây ngày đêm cầu nguyện để mình có con trai "con chỉ muốn có con trai".
Rồi trong thời gian này, Mây lại vô tình phát hiện được sự việc mợ Hai gian díu với Sơn, con trai của mợ cả. Những hình ảnh đó tác động trực tiếp đến tình cảm và ham muốn của Mây. Người chồng coi việc sinh hoạt chăn gối như lẽ thường tình và là nghĩa vụ phải thực hiện khiến Mây không còn quá nhiều hứng thú. ( mà có lẽ ngay từ đầu Mây đã không có hứng thú và niềm vui. Mây coi đấy là nghĩa vụ phải thực hiện của người phụ nữ). Mây bắt đầu có những biến chuyển sai về suy nghĩ và hành động. Mây bắt đầu thấy chán ghét sự phục tùng và cảm thấy khó chịu khi ở bên người chồng của mình. Mây bắt đầu lầm tưởng sự quan tâm của mợ Hai đối với mình như một thứ tình yêu giống nam nữ. Khi Mây cảm thấy tội lỗi, cảm thấy sợ hãi tột độ khi cho rằng vì mình cầu nguyện có con trai khiến cho mợ cả sẩy thai, chính mợ hai là người an ủi và cho Mây thêm động lực. Mợ hai chăm sóc Mây từng chút một, chải tóc, tắm rửa và lo lắng từng bữa cho Mây. Hành động này của mợ hai giống hành động của một người mẹ với đứa con gái của mình nhiều hơn. Có lẽ Mây đã nhầm tưởng thứ tình cảm giống mẫu tử này như thứ tình yêu trai gái của mợ hai và Sơn. Để rồi trong lúc yếu đuối nhất của tâm hồn, Mây quyết định bày tỏ nỗi lòng mình. Mây hôn mợ hai. Mây học theo những hành động mà chồng làm với mình trong chuyện chăm gối. Sự đáp lại của mợ hai khiến Mây có thêm động lực hơn. Nhưng mọi chuyện không giống như những gì Mây suy nghĩ. Hành động dừng lại đột ngột và lời nói "chúng ta làm vậy là sai" khiến Mây thực sự bối rối về tình cảm của mình. Thứ tình cảm mà Mây cho là tình yêu đấy thực sự chỉ là sự an lòng khi trong lúc yếu ớt có một người ở bên và chăm sóc. Mây lầm tưởng tình cảm đó thành tình yêu. Với mợ hai, Mây như chính đứa con gái của mình. Còn Mây, sự lầm tưởng ấy khiến Mây cảm thấy có niềm tin hơn vào cuộc đời u ám ấy.
Bước ngoặt tiếp theo trong cuộc đời của Mây là khi Sơn, con trai của mợ cả lấy vợ. Sự phản kháng yếu đuối của Sơn với cuộc hôn nhân này cùng với tình cảm của Sơn dành cho mợ Hai khiến Mây có những suy nghĩ về chính cuộc đời mình. Sơn không muốn lấy một người phụ nữ mà mình không hề biết mặt. Sơn không muốn lấy một người phụ nữ mà Sơn không yêu. Người phụ nữ ấy cũng như Mây và hai người vợ khác trong gia đình. Họ không biết mặt chồng của mình trước khi cưới. Cuộc hôn nhân sắp đặt này mang lại nhiều sự mỉa mai. Đêm động phòng cũng chính là đêm mà người phụ nữ mới biết được mặt chồng mình, người sẽ chung sống cả đời với họ. Họ không có quyền được phản kháng với sự sắp đặt này. Nếu có, đó cũng chỉ là hành động mang tính nhất thời và không đi đến kết quả nào giống như Sơn. Mây nhìn thấy hình ảnh vợ Sơn đợi Sơn trong phòng. Bóng hình người vợ ấy như chính hình ảnh của Mây đêm đầu tiên đó. Chờ đợi trong bóng tối và lặng im để rồi được công nhận chính thức làm vợ lẽ chỉ bằng một vết máu đỏ "trinh tiết". Nếu không có vết máu này, Mây cũng sẽ phải cạo đầu vào chùa như cô gái gian díu với anh người làm trong nhà. Cạo đầu đi tu chính là cái kết cho vết son số phận ấy.
Tiếp theo, khi Mây sinh ra đứa bé "bồ câu", có lẽ sự hi vọng của Mây không còn. Những đau đớn và sợ hãi mà Mây phải gánh chịu trở nên nặng nề hơn. Ánh mắt Mây buồn và u ám. Mây khóc và tủi nhục khi cho con bú. Thời điểm này, Mây càng không thấy bóng dáng của người chồng đâu. Mây sinh con gái. Điều này quyết định trực tiếp đến địa vị và thân phận của Mây trong gia đình chồng.
Nỗi lo lắng cứ lớn dần trong Mây khi cô vợ danh nghĩa của Sơn bị trả về nhà mẹ đẻ. Còn nỗi nhục nào bằng nỗi nhục bị trả về nhà mẹ khi đã lấy chồng. Câu nói của người cha " con đã làm gì gây nên sự nhục nhã này cho gia đình" đã đổ hết lỗi lầm nên người phụ nữ. Họ không làm gì sai nhưng lại phải hứng chịu mọi điều. Rõ ràng là Sơn là người sai, là người không chấp nhận cuộc hôn nhân này nhưng lại khiến cho cô vợ ấy phải chịu hết lỗi lầm. Nếu ngay từ đầu Sơn kiên quyết với ý kiến của mình thì không có bi kịch này xảy ra. Chỉ một câu nói "sẽ thông báo với mọi người" về việc từ hôn này đã lấy đi hết tất thảy những danh dự và tiết tháo của người phụ nữ. Họ không quan tâm sự việc như thế nào, họ chỉ đánh giá kết quả. Cái thời đại coi trọng trinh tiết như báu vật thì ai còn quan tâm đến nguyên nhân ban đầu của sự việc. Thế rồi cái chết của cô vợ Sơn khiến Mây thực sự bế tắc. Nối lo sợ bủa vây. Sự u ám khiến Mây dần tuyệt vọng. Hình ảnh cánh bướm đậu trên mặt cô vợ Sơn trong quan tài khiến Mây suy nghĩ về sự giải thoát. Giải thoát khỏi sự vòng vo của lớp tơ, giải thoát chính cuộc sống của mình. Sự tự do đấy cần trải qua thời gian đau đớn. Có thể nó ngắn ngủi nhưng ý nghĩa hơn sự lặp lại xoay vần của những vòng quay dệt sợi.
Và rồi, Mây lựa chọn ra đi. Mây bế theo đứa con gái của mình. Mây nín lặng. Mây ngắt cho mình cành hoa ngón, thứ hoa vàng xinh xắn nhưng có độc. Hình ảnh của Mây trong bộ phim dừng lại ở chính phân đoạn này. Hoa ngón. Sự giải thoát nhẹ nhàng. Sự tươi đẹp nhưng đầy đau đớn. Bạn có thể có nhiều suy nghĩ về hành động của Mây. Nhưng mình thực sự mong rằng Mây nên lựa chọn cuộc sống này. Sự từ bỏ cuộc sống không nên nhanh chóng như thế. Đứa trẻ của Mây mới chỉ bắt đầu cuộc sống này. Nếu Mây lựa chọn cái chết cho cả hai mẹ con thì đó là sự giải thoát ích kỉ. Mây có thể muốn giải thoát chính cuộc sống của mình nhưng không nên đoạt đi sự sống và tương lai của đứa con.
Hình ảnh cuối phim là hình ảnh bé Nhàn cầm chiếc kéo cắt đi mái tóc dài của mình. Đây là hình ảnh mình ưa thích nhất và cũng là cô bé mình ấn tượng trong phim. Nhàn cắt mái tóc của mình một cách đầy dứt khoát và mạnh mẽ. Mái tóc dài là biểu tượng của người phụ nữ thời kì này và cũng là sự trói buộc họ với 4 chữ "tam tòng tứ đức". Hành động ấy như một sự quyết tâm vùng lên đấu tranh cho chính mình. Nó là sự khởi sắc trong cuộc sống và bước đầu khắng định câu nói của Nhàn " lớn lên em sẽ làm đàn ông". Bước ngoặt đem đến cho người xem hi vọng về cuộc sống của người phụ nữ trong tương lai, người phụ nữ có thể làm chủ chính vận mệnh của mình.
Nói chung, bộ phim này có nhiều chi tiết mình rất thích. Mình thích Nhàn, mình thích cái cách mà cô bé đối diện với cuộc sống này hơn Mây. Cô bé ngang bướng nhưng có chính kiến. Sự ngang bướng của cô bé như lời báo trước về tương lai của chính mình. Đó là sự quyết tâm đấu tránh cho chính cuộc sống của mình và là sự quyết tâm khẳng định giá trị của bản thân người phụ nữ. Nhàn muốn mình có quyền tự quyết định số phận như cha của mình " lớn lên em sẽ là đàn ông, em sẽ lấy nhiều vợ" ....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro