Vua Mèo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(VTC News) - Con cháu họ Vương người lang bạt sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống, người đi bốc vác kiếm ăn qua ngày...


>>> Đọc thêm: Luật sư: Dinh thự Vua Mèo bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp
Mấy ngày gần đây, cả nước lại hướng về Hà Giang, với chuyện cháu của "Vua Mèo" Vương Chí Sình, là ông Vương Chí Bảo, gửi đơn lên Thủ tướng, kiến nghị tỉnh Hà Giang trả lại mảnh đất có tòa dinh thự trăm tuổi cho con cháu họ Vương ở Hà Giang.
Đây là công trình kiến trúc độc đáo nhất Hà Giang, là tài sản quý giá của quốc gia, và ai cũng biết nó do "Vua Mèo" xây dựng, do đó, nó thuộc sở hữu của con cháu vị "vua" này. Thế nhưng, đùng một cái, mảnh đất hình mu rùa ở thung lũng Sà Phìn (Đồng Văn), nơi có "vương phủ" đã ngự ở đó trăm năm, bỗng nhiên lại thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, quả thực khiến người ta khó hiểu.
Điều lạ hơn, là mảnh đất, gồm cả tài sản gắn liền trên đất đã thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn từ 6 năm trước, tức năm 2012, giờ mới lộ ra, khiến con cháu vị "Vua Mèo" huyền thoại này... ngã ngửa.
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 1
Cổng vào dinh thự nhà Vương. Ảnh: Dương Ngọc 
Tôi liên lạc lên Đồng Văn, tìm người đại diện của dòng họ Vương, thì mới biết, ông Vương Duy Bảo, cháu của "Vua Mèo" Vương Chí Sình, chắt của "Vua Mèo" Vương Chính Đức, hiện đang ở Hà Nội.
Hóa ra, ông Bảo từng giữ cương vị Phó Cục trưởng, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từng quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Ba Vì. Ông Bảo đã về hưu và sống cuộc đời bình dị trong căn nhà công vụ thuê của Nhà nước trên phố Trần Quang Diệu.
Dù ở thủ đô đã nửa thế kỷ, nhưng ông Bảo vẫn giữ được tính cách dân dã của đồng bào miền đá, hiếu khách và nhiệt tình,
Ông Bảo đeo chiếc kính lão trễ nải trên mũi, nhặt từng văn bản, hồ sơ từ sấp dày, sắp theo trình tự đưa cho tôi và bảo: "Nhìn cậu cũng cứng tuổi rồi, am hiểu luật pháp và hồ sơ, nên đọc cái là biết hết thôi, chắc tôi không cần phải nói nhiều đâu. Cán bộ Hà Giang họ dốt thật hay giả vờ dốt trong vận dụng luật, thì cứ đọc là biết".
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 2
Ông Vương Duy Bảo - cháu "Vua Mèo" Vương Chí Sình. Ảnh: Dương Ngọc
Tôi cầm bộ hồ sơ ông đưa, đặt trên mặt bàn, không giở ra vội. Tôi thích nghe những câu chuyện ngoài lề.
"Bố tôi, rồi đến tôi dòng dõi nhà Vương. Ông nội tôi là anh em kết nghĩa với Bác Hồ. Các lãnh đạo đất nước cũng phần nào tôn trọng gia tộc nhà tôi. Vậy mà họ còn ngang nhiên lấy cả nhà lẫn đất..." – ông Vương Duy Bảo thở dài.


Tuổi thơ của ông Vương Duy Bảo gắn liền với dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn. Năm tháng tuổi thơ vác địu lên nương cùng bố và ông nội khai thác thuốc phiện vẫn như cuốn phim trước mắt.
Không chỉ có dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn, mà theo lời ông Bảo, còn có một dinh thự nữa, mang tên Nhà Trắng ở Phó Bảng. Nhà Vương ở Sà Phìn dù xây dựng hoành tráng, nhưng nó chỉ có ý nghĩa phòng thủ, là nơi ở và sinh hoạt của cả nhà, vì giao thông không thuận tiện.
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 3
Bên trong dinh thự có rất nhiều phòng, với lối kiến trúc hết sức độc đáo. Ảnh: Dương Ngọc
Đầu thế kỷ 20, người Hoa, người Hán tập trung buôn gian bán lậu ở Phó Bảng rất đông. Thuốc phiện khắp vùng Đồng Văn do nhà Vương cai quản không chỉ bán cho người Pháp, mà còn bán cho người Hoa, người Hán ở Phó Bảng.
Địa điểm Phó Bảng lại chỉ cách Sà Phìn 1 giờ cưỡi ngựa, nên "Vua Mèo" Vương Chí Sình đã cho xây dựng một dinh thự nữa ở đây vào năm 1930. Đó là một dinh thự 2 tầng, gồm nhiều tòa ngang dãy dọc, pha trộn nhiều nét kiến trúc, vừa giống Gothic, mang dáng dấp Trung Hoa, lại giống một pháo đài. Điều thú vị, là trần nhà làm mái bằng, tường đá bao bọc xung quanh rất kiên cố.
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 4
Mộ "Vua Mèo" Vương Chí Sình, tức Vương Chí Thành. Ảnh: Dương Ngọc
Ông Vương Chí Sình cùng các chuyên gia sang tận Pháp nghiên cứu, rồi mang về một chiếc máy phát điện chạy bằng củi. Lắp xong chiếc máy, thì mất nguyên một căn phòng rộng. Mỗi lần đốt củi, máy phát điện chạy, thì toàn bộ dinh thự với cả trăm bóng điện sợi đốt sáng trưng, khiến dinh thự trở nên lung linh huyền ảo.
Bảo vệ dinh thự Nhà Trắng là một đội quân đông đảo. Có cả sân ngựa phía sau của đội bảo vệ phục vụ "Vua Mèo". Theo lời ông Bảo, năm 1962, khi ông Vương Chí Sình qua đời, khi đó ông Bảo cũng đã lớn, đứng xem mọi người bóc ván sàn, đem lên cả tấn súng đạn, đủ các loại súng hiện đại thời đó, đem nộp cho huyện đội.


Tiếc rằng, chiến tranh biên giới 1979, tòa dinh thự có tên Nhà Trắng ở Phó Bảng đã bị phá hủy. Giờ nó chỉ còn trong ký ức của con cháu họ Vương và những người già nơi đây.
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 5
"Vua Mèo" Vương Chính Đức chụp ảnh cùng vợ và con cháu. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại từ di tích nhà Vương.
"Sau khi kết nghĩa với Bác Hồ, thì ông tôi Vương Chí Sình một lòng theo cách mạng. Có bao nhiêu gia sản ông hiến hết cho Nhà nước. Gia tộc nhà tôi đào lên không biết bao nhiêu là chum lớn dưới nền nhà, trong vườn, chứa toàn bạc trắng và tiền Tưởng Giới Thạch. Các cụ cuộn tiền thành bó để trong chum. Lúc đó tiền này không còn giá trị, nên đem đốt. Còn bạc đổ ra sân, cả nhóm cán bộ ngân hàng kiểm kê suốt một ngày mới xong. Mọi người phải dùng xẻng xúc bạc già đóng vào bao, rồi một đoàn xe tải chở về Hà Nội" – ông Vương Duy Bảo kể lại.
Toàn bộ gia sản hiến hết cho cách mạng, "Vua Mèo" Vương Chí Sình kiêm đại biểu Quốc Hội, chẳng giữ lại gì ngoài ngôi nhà dưới những rặng sa mộc giữa thung lũng nên thơ, để con cháu trú ngụ, lao động kiếm sống.
Ngôi nhà ấy không chỉ là nơi trú ngụ, mà nó còn là kỷ niệm của gia đình quyền quý một thời vang bóng.
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 6
"Vua Mèo" Vương Chí Sình chụp ảnh tại Bắc Kinh năm 1919. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại từ di tích nhà Vương.
Là di tích vô cùng độc đáo, nên năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận ngôi nhà là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Theo lời ông Vương Duy Bảo, năm 2002, khi tỉnh Hà Giang tiến hành trùng tu dinh thự, thì gia tộc họ Vương mới biết có quyết định này. Lúc đó, vẫn có 6 hộ gia đình, toàn là con cháu của "Vua Mèo" sinh sống trong ngôi nhà đó. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ tổng số 500 triệu đồng, và yêu cầu 6 hộ gia đình với vài chục nhân khẩu rời khỏi ngôi nhà mà tổ tiên để lại cho mình.
Khi đó, bức xúc vì chuyện bỗng dưng tài sản tổ tiên để lại được vinh danh, dẫn đến mất nhà, ông Vương Quỳnh Sơn, cháu đích tôn của "Vua Mèo" Vương Chính Đức đã gửi đơn thư khắp nơi. Bộ trưởng Văn hóa – thông tin Phạm Quang Nghị đã khẳng định rõ ràng: "Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà Vương, là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Đó là mục đích và việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu và các di tích, cho các địa phương có di tích và cho toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp".
Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 7

Dinh thu nha Vuong va chuyen bong dung 40 con chau 'Vua Meo' mat nha hinh anh 8
Có tới 27 cây sa mộc trăm tuổi bị đốn hạ khi kéo điện thời điểm trùng tu di tích nhà Vương. Ảnh: Dương Ngọc
Ấy thế nhưng, theo lời ông Bảo, trùng tu xong dinh thự thì toàn bộ 6 gia đình với 40 nhân khẩu đã mất nhà. Với số tiền ít ỏi vài chục triệu mỗi hộ, chỉ đủ dựng tạm mấy "túp lều" ở một góc mảnh đất phía trước dinh thự. Con cháu họ Vương người lang bạt sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống, người đi bốc vác kiếm ăn qua ngày, người mổ lợn bán ở chợ, người quét chợ kiếm ăn, người vẫn tiếp tục gùi đất đổ lên hốc đá trồng ngô để cả nhà có mèn mén mà nhai. Còn chính quyền sau khi đốn hạ 27 cây sa mộc trăm tuổi, thì bán vé thu tiền du khách.
Việc con cháu họ Vương bỗng dưng mất nhà, sau khi ngôi nhà ấy được vinh danh, khiến những người Mông ở miền đá không chấp nhận. Gần 20 năm qua, ông Vương Quỳnh Sơn, rồi đến con trai là ông Vương Duy Bảo, liên tục đơn thư, đòi lại nhà, hoặc yêu cầu chính quyền bố trí một vài căn phòng để ở, để thờ cúng, để tụ họp gia đình trong những ngày trọng đại, nhưng không được giải quyết.


Đất đai, nhà cửa do tổ tiên để lại, với trách nhiệm là con cháu đích tôn, cần phải giữ gìn, nên mới đây, ông Vương Duy Bảo, đã đứng ra để làm "sổ đỏ", thì mới ngã ngửa, khi mảnh đất gần 1 vạn mét vuông, nơi có dinh thự đặc biệt đã thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.
--------------------------------------------------
Độc giả ở cả hai miền Nam Bắc hẳn đã từng rất say mê những cuốn tiểu thuyết giang hồ miền biên ải, với bối cảnh trải dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc, từ miền Quang Ninh, Cao Bằng vắt qua Hà Giang sang tận Lào Cai. Con người và vùng đất có thể khác nhau, song hầu hết những câu chuyện này đều dựa trên các biến cố lịch sử chủ yếu diễn ra trong giai đoạn sau năm 1945 đến đầu thập niên 1960, gọi nôm na là loạn phỉ.
Ở miền Nam, đáng chú ý nhất là các tác phẩm mang màu sắc võ hiệp kỳ tình hiện đại của nhà văn Hoàng Ly, nhất các cuốn "Lửa hận rừng xanh", "Một thời ngang dọc" và "Thập Vạn Đại Sơn Vương". Địa danh và sự kiện trong những cuốn tiểu thuyết đặc sắc này đều "mượn" bối cảnh và con người vùng Đông Bắc, nhất là Hà Giang. Tuy nhiên, câu chuyện là hoàn toàn hư cấu, bởi sự kiện được mô tả diễn ra vào cuối thập niên 1950, trong khi nhà văn Hoàng Ly (sinh năm 1915, người Hà Nội) đã di cư vào Nam từ 1954.
Ở miền Bắc, nổi bật là tiểu thuyết "Đồng bạc trắng xòe" (1979) của Ma Văn Kháng và thêm hai cuốn muộn hơn là tiểu thuyết "Vùng biên ải" (1983) và "Một mình một ngựa" (2007), cũng kể chuyện đấu tranh chống loạn phỉ nhưng dời bối cảnh về miệt Mường Khương, Lào Cai. Bóng dáng loạn phỉ còn được khắc họa bởi nhà văn Xuân Sách bằng cuốn truyện thiếu nhi "Phía núi bên kia" với nhân vật "Lồ Đại quan bị trói chôn gốc chuối" ngoài cửa ngõ Mường Khương... Tất cả đều bàng bạc sương rừng quan ải.
Cuoc tieu phi o Dong Van va goc nhin khac ve Vua Meo Vuong Chi Sinh hinh anh 1
Xử loạn phỉ ở Hà Giang. 
Với Hà Giang, sát sườn nhất, chân thực nhất phải kể đến cuốn truyện ký "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn", sau đó được tiểu thuyết hóa thành "Bên kia cổng trời" (1977) của cùng tác giả Ngôn Vĩnh - nhà văn, nguyên phóng viên, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân. Nhân vật trong tiểu thuyết đương nhiên có sự pha trộn, song bóng dáng con người, vùng đất và thời đại vẫn có thể hình dung rất rõ ràng, thực tế.
"Vua Mèo" đa tính cách với 5 bà vợ và lắm chuyện éo le đương nhiên lấy nguyên mẫu từ Vương Chí Sình. "Vai" nam chính Mã Chính Tâm, nhiệt huyết và mã thượng, hai tay hai súng Poọc hoọc cưỡi ngựa như bay không ai khác chính là ông Mã Chính Lâm, con trai Nho tướng Mã Học Văn ở ngoài đời, Huyện đội trưởng Đồng Văn. Ông là người hùng một mình một ngựa vào tận hang núi tay không quật ngã trùm phỉ. Ông Mã Chính Lâm, sau này là Đại tá, Tỉnh đội phó tỉnh Hà Tuyên.


Theo chân những huyền thoại trên cao nguyên đá, chúng tôi đã nhiều lần rong ruổi các miền ở Hà Giang, tìm gặp lại một số nhân chứng một thời, thu thập, gạn lọc các giai thoại, huyền thoại, đối chiếu các tư liệu để hình dung rõ nét nhất về bức tranh xác thực của một giai đoạn nhiều biến động.
Trong chuyến công tác về Đồng Văn, chúng tôi đã được ông Mã Phứ cung cấp nhiều tư liệu và giới thiệu, hướng dẫn đi gặp khá nhiều nhân vật từng tham gia trừ phỉ giai đoạn 1959 - 1960. Ông Phứ ở Phó Bảng, sinh năm 1947, là con trai ông Mã Chính Minh, gọi "Nho tướng" Mã Học Văn bằng ông nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Vương Chí Sình rời Phó Bảng dọn về sống trong dinh Sà Phìn. Vua Mèo sau đó đã trở thành Chủ tịch huyện Đồng Văn (gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn ngày nay). Trên danh nghĩa, gia đình họ Vương vẫn nắm quyền lãnh đạo toàn miền Đồng Văn, nhưng quyền lực thực tế thì đã bị thu hẹp đi nhiều.
Yên bình một thời gian, sau năm 1949, Cao nguyên đá lại nổi cơn ba đào. Bên kia biên giới, Giải phóng quân Trung Quốc đã đánh bại tập đoàn quân phiệt Tưởng Giới Thạch. Một bộ phận quân Quốc dân đảng theo Tưởng bỏ chạy ra đảo Đài Loan. Vùng Vân Nam, Quý Châu, nhiều tướng lĩnh quân phiệt Quốc dân đảng không theo Tưởng (từ năm 1946), cũng không quy thuận Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dựa lưng vào núi rừng hiểm trở của các miền biên giới giáp với Việt Nam, Lào, Myanmar thu thập tàn quân đánh trả các đợt truy quét của Giải phóng quân Trung Quốc, mong tìm đất cát cứ giang sơn nhất khoảnh tiếp tục chống Cộng.
Hầu hết các đơn vị quân đội lớn của Tưởng thuộc Quân đoàn Vân Nam, gồm các sư đoàn 93, 28 và 26 do các tướng Lý Mật, Lý Văn Huấn, Mã Thắng Quốc, Lý Thời Văn chỉ huy đều chọn cát cứ làm giải pháp. Tàn quân thu thập đông tới gần 12.000 người.
Sau nhiều chiến dịch truy quét quy mô, đến cuối năm 1950, đám quân cát cứ này đều bị quân Giải phóng Trung Quốc đánh bại, đa phần bị đẩy bật sang bên kia sông Salwen, trốn vào vùng rừng rậm núi cao của vùng Mong Hxat của Burma (nay là Myanmar). Các toán bại binh mất chủ nhỏ lẻ tản ra khắp nơi. Một số lùi dạt sang phía Đông Nam, lấy vùng Thập Vạn Đại Sơn thuộc các châu Tổng Cản, Phú Lình tỉnh Quảng Tây, và Vân Nam, dựa thế núi non trùng trùng trùng điệp điệp làm sào huyệt dung thân. Từ nơi đứng chân có nhiều kẻ mưu đồ tiến chiếm Cao nguyên đá Đồng Văn lập căn cứ.
Cuoc tieu phi o Dong Van va goc nhin khac ve Vua Meo Vuong Chi Sinh hinh anh 2
Phiên tòa xử loạn phỉ Đồng Văn.
Cho đến trước kỳ bầu cử HĐND năm 1959, tuy các địa phương ở Đồng Văn đều đã có chính quyền dân cử, nhưng các vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn nằm trong tay những người xuất thân quý tộc lớp trên. Quyền lực hành chính vẫn gắn chặt với quyền lợi của dòng tộc, gia tộc. Lợi dụng tình hình này, các nhóm tàn quân Tưởng đã đẩy mạnh tuyên truyền, móc nối, câu kết... với các thành phần quý tộc cũ của Đồng Văn, kích động nổi loạn, chiếm đất nhằm tiến tới thành lập cái gọi là "Vương quốc Mèo độc lập". Chúng phao lên, "Vua Mèo" Mèo Vạc Dương Trung Nhân được Mỹ và quốc tế giúp sức sắp trở về cai trị Đồng Văn. Những toán tàn quân Quốc dân đảng bên kia biên giới được tô vẽ thành "các đạo quân quốc tế" về nước giúp "Vua Mèo" khôi phục lãnh thổ thành lập vương quốc.
Không ít người Mông đã bị phân tâm, mê hoặc bởi luận điệu này, tham gia vào các đội quân mới thành lập vội vã để "đón tiếp vua Mèo". Do tập quán, bất kỳ một thanh niên trai tráng người Mông nào cũng sở hữu ít nhất 1 khẩu súng kíp. Tuy thô sơ, nhưng khi tập hợp lại, những kẻ cầm đầu bạo loạn cũng đã có trong tay nhiều toán quân đông đảo. Đầu năm 1959, chúng tổ chức đốt phá trụ sở Ủy ban hành chính xã Phố Cáo, bắt cán bộ và đốt phá nhà cửa của nhân dân ở xã Bạch Đích, cướp chính quyền tại xã Thắng Mố... khởi đầu cho hàng loạt cuộc bạo loạn ở nhiều địa phương khác.


Đứng trước tình hình dầu sôi lửa bỏng ấy, thái độ của lãnh đạo cao nhất miền Đồng Văn là Vương Chí Sình lại rất nước đôi. Khư khư bám lấy quyền lợi thống trị của gia tộc làm mục đích tối thượng, Vương cho rằng, dù Cách mạng hay phỉ Thập Vạn Đại Sơn nắm được Đồng Văn thì cũng cần đến vai trò của ông ta trong việc tập hợp và cai trị quần chúng.
Tình hình càng lắm tao loạn, vai trò của họ Vương càng có ý nghĩa. Do đó, tháng 5-1959, Vương Chí Sình đã về Sà Phìn họp bàn với một loạt thuộc hạ chủ chốt gồm Vàng Chúng Dình, Giàng Vạn Sùng, Vàng Chỉn Cáo, Lý Nhè Lùng, Giàng San Sấn, Vàng Vạn Ly... đồng ý cho những kẻ cầm đầu này tụ họp binh mã, mua sắm vũ khí, chiếm các vị trí quan trọng, sẵn sàng chờ thời để nổi dậy thâu tóm chính quyền, không có ý định ngăn phỉ khi chúng vừa dấy loạn.
Lực lượng quân sự Mông này đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Vàng Chúng Dình. Mã Học Văn và Giàng Vạn Sùng được quyền thay mặt Vương Chí Sình lãnh đạo khi tình hình có biến. Còn bản thân, Vương Chí Sình đưa hết gia đình về Hà Nội sống, giữ vai trò một đại biểu Quốc Hội nhằm tỏ ra vô can không dính dáng gì đến chuyện thành hay bại trong cuộc bạo loạn. Cũng có ý kiến cho rằng, thực chất Vương Chí Sình và gia đình đã cố tình bị giữ lại Hà Nội, phòng ý đồ quay lại cát cứ nắm trọn quyền lực ở Đồng Văn đòi quyền tự trị.
Trong số những tay chân họp bàn tại Sà Phìn, Vương Chí Sình đã quên không chú ý đến vai trò mấu chốt và khuynh đảo của Vàng Chúng Dình. Tên này người Mông Trung Quốc, có quan hệ thông gia với Vàng Vạn Ly, Giàng Vạn Sùng ở Đồng Văn. Ngoài mặt, hắn tỏ ra quy phục họ Vương. Thực chất hắn là cựu sĩ quan Quốc dân đảng, từng tham gia khởi loạn Quảng Tây chống Tưởng từ năm 1936. Vàng Chúng Dính đóng vai trò chính trong việc tìm đường để đưa các nhóm tàn quân Tưởng từ bên kia biên giới về Đồng Văn chiếm đất hoạt động lâu dài. Quy phục Vương Chí Sình chỉ là cách qua mặt, để âm mưu thâm nhập nội địa Việt Nam của tàn quân Tưởng không bị cựu Vua Mèo phát giác và ngăn chặn ngay từ đầu.
Vương Chí Sình vừa về Hà Nội, Vàng Chúng Dình đã nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động vũ trang vượt ra ngoài ý muốn và tầm kiểm soát của cựu Vua Mèo. Các đầu lĩnh người Mông Đồng Văn khác, vì quyền lợi thiển cận, cũng bỏ ngoài tai những dự định mà Vương Chí Sình chỉ đạo, răm rắp nghe theo sự chỉ huy của tên đặc vụ Tưởng. Ở quá xa, Vương Chí Sình đã không nắm được đầy đủ diễn tiến để có thể điều chỉnh các nước cờ quyền lực.
Ngày 30/11/1959, một trung đội phỉ 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt cổng trời Cắn Tỷ, cắt đứt đường giao thông từ Hà Giang lên Đồng Văn. Một ngày sau, bạo loạn "phỉ Đồng Văn" chính thức nổ ra. Hôm sau nữa, toán phỉ chặn cổng trời đã tấn công bắt giữ hai đoàn ngựa thồ hàng của tỉnh lên Đồng Văn, đuổi cán bộ, nhân viên tải hàng quay trở lại miền hạ Hà Giang. Một tuần sau đó, hàng loạt địa bàn các xã trên toàn Đồng Văn bị các toán phỉ cướp phá, lùng bắt cán bộ, đốt nhà cướp của.
Cuoc tieu phi o Dong Van va goc nhin khac ve Vua Meo Vuong Chi Sinh hinh anh 3
Đã có lúc Vua Mèo Vương Chí Sình giữ thái độ nước đôi trong nạn loạn phỉ
Nhằm tránh nổ ra xung đột vũ trang, ngày 9/12/1959, Khu Việt Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang đã cử ba cha con Vương Chí Sình, Vương Quỳnh Sơn, Vương Quỳnh Anh dẫn đầu đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc lên Đồng Văn thuyết phục các đầu lĩnh Mông buông vũ khí, giải tán các toán vũ trang, không tiếp tay dẫn đường cho phỉ Quảng Tây. Lá mặt lá trái, Vương Chí Sình lại bí mật chỉ đạo tay chân án binh bất động, không ngăn cản phỉ, trong khi lại yêu cầu bọn phỉ: "Đánh thật mạnh để mau chóng giành thắng lợi" (Dẫn theo Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Văn 1944-1975, tập I, trang 117).
Hậu quả là cuộc thương thuyết thất bại hoàn toàn. Từ ngày 12 đến ngày 28/12/1959, hàng loạt cuộc tấn công của phỉ nhằm vào bộ máy chính quyền đã nổ ra và bị trừng trị đích đáng. Vàng Chúng Dình dẫn 200 quân đánh vào thị trấn Đồng Văn. Vàng Dúng Mỷ tàn phá Mèo Vạc, cướp cửa hàng mậu dịch. Ngày 20/12, đầu lĩnh Phàn Chỉn Sài (người Dao) đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, sau đó tiến vào Bạch Đích, bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính tập bắn. Ngày 28/12, Giàng Quáng Ly chiếm xã Yên Minh, Vàng Chỉn Cáo, Phàn Dền (người Dao) chiếm Cắn Tỷ và Đông Hà, lùa dân đi làm bia đỡ đạn. Dân phản đối bị chúng giết, quăng xác xuống sông.


Trước tình hình đó, Trung ương và tỉnh Hà Giang đã phải điều động một số đơn vị bộ đội, công an, công an vũ trang phối hợp với dân quân tự vệ địa phương lập nên Đoàn công tác tiễu phỉ.
Những hành động vượt tầm kiểm soát đã phơi bày tội ác và mưu đồ cát cứ Đồng Văn của đám phản loạn, bị nhân dân các dân tộc miền Đồng Văn nhận rõ chân tướng. Sự phân hóa đã nổ ra sâu sắc. Ngay trong gia đình họ Vương, trong khi Vương Chí Sình giữ thái độ lừng khừng "ngư ông đắc lợi" thì hai con trai Vương Quỳnh Sơn, Vương Quỳnh Anh lại rất tích cực đóng góp vào việc vận động tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ, cát cứ và đóng góp nhiều cho công cuộc tiễu phỉ.
Nho tướng Mã Học Văn, người được Vương Chí Sình bí mật giao trách nhiệm thay mình chỉ đạo tình hình Đồng Văn cũng đã ly khai ý nguyện của chủ cũ để phục vụ lợi ích chung, sát cánh và giúp sức nhiều cho những cán bộ do cấp trên cử về trong công tác vận động quần chúng và tiễu phỉ. Họ Mã đã một mình tay không vào tận sào huyệt của Vàng Vạn Ly thuyết phục tay này đầu hàng. Vàng Vạn Ly không nghe. Mã Học Văn đã đích thân lập kế hoạch giúp đoàn công tác tiễu phỉ bắt sống tên này bằng trò chơi đặc vụ.
Hai con trai của cụ Mã Học Văn là Mã Chính Minh và Mã Chính Lâm cũng là những người có công lớn trong cuộc tiễu phỉ. Năm 1957, khi phong trào thổ phỉ mới manh nha, Mã Chính Minh cũng bị rủ rê đã tham gia từ đầu. Sau đó, anh nhanh chóng nhận mưu đồ đen tối, bị giật dây từ Trung Quốc nên đã ly khai, đưa cán bộ, dân quân luồn rừng, bạt núi lần theo dấu phỉ. Người em trai Mã Chính Lâm thì ngay từ đầu đã tỏ ra là một tay hảo hán, chống phỉ quyết liệt, chỉ huy bộ đội, dân quân địa phương đánh nhau với phỉ nhiều trận ác liệt.
Sau nhiều đợt truy quét, lực lượng vũ trang đã đẩy lùi các toán quân phỉ ra khỏi các khu dân cư, nhất là khu vực Đồng Văn, Phó Bảng, Phố Là, Sủng Là, cổng trời Cắn Tỷ... Những tên bị bắt, ta đưa về Yên Minh giáo dục, sau đó cho về quê quán, chỉ giữ lại bọn đầu sỏ, ngoan cố để tiếp tục đấu tranh.
Hàng loạt huyền thoại mới lại xuất hiện trên Cao nguyên đá. Xã đội trưởng Vần Chải Sùng Dúng Lù đã chỉ huy dân quân, du kích đẩy lui hàng chục đợt tấn công của phỉ, bảo vệ dân (Sùng Dúng Lù được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1967). Vào cuối chiến dịch tiễu phỉ, chính ông là người đã vào tận hang ổ bắt sống Vàng Vạn Ly, sau đó tay không một mình đi khắp vùng Vận Chải thuyết phục được hàng chục kẻ lầm đường buông súng. Hoàng Văn Bách, Chủ tịch thị trấn Đồng Văn, dù nắm trong tay chỉ một trung đội dân quân tự vệ cũng ngoan cường vật lộn suốt 12 giờ đánh bật nhiều đợt tấn công vào thị trấn của 200 tay súng do cựu sĩ quan Quốc dân đảng Vàng Chúng Dình chỉ huy.
Sau thất bại này, tên cầm đầu bạo loạn Vàng Chúng Dình đã cay cú điều thêm 300 quân tấn công Đồng Văn lần nữa, hạ quyết tâm không chiếm được cũng phải phá sạch, đốt sạch. Nhưng, với sự tăng cường của một đại đội vũ trang hỗn hợp gồm cả công an và công an vũ trang, Đồng Văn vẫn đứng vững, cuối cùng đuổi được Vàng Chúng Dình và các tay súng chạy dài về khu vực Ma Lé, Mã Sồ sát biên giới.
Không để cho chúng kịp trở tay, các lực lượng vũ trang lại tiếp tục truy kích. Chiến dịch mở ngày 29/1/1960 (29 tết) đến hết ngày 31/1/1960 (mùng 1 tết) thì thắng lợi hoàn toàn. Gần 400 tên phỉ bị đánh tan tác, phần lớn đều phải buông súng đầu hàng. Vàng Chúng Dình phải tháo chạy về vùng Thập Vạn Đại Sơn, khu vực thuộc Vân Nam (Trung Quốc) để lẩn trốn.
Cuoc tieu phi o Dong Van va goc nhin khac ve Vua Meo Vuong Chi Sinh hinh anh 4
Tác giả (trái) và ông Mã Phứ, con trai Mã Chính Minh, cháu Mã Học Văn.
Chưa bắt hoặc diệt được tên đầu sỏ đến từ bên kia biên giới, mầm bạo loạn sẽ vẫn còn chưa dứt, Ban chỉ huy chiến dịch quyết tâm lập kế điệu hổ ly sơn. Từ chỗ phao tin "Vua Mèo sắp trở lại, Mỹ và quốc tế can thiệp giúp Đồng Văn thành lập Vương quốc Mèo" nhằm lừa bịp nhân dân Đồng Văn, sau nhiều cuộc tấn công, quấy rối nhưng đều thảm bại, Vàng Chúng Dình bị cô lập, mù thông tin, đâm ra ảo tưởng, bị lừa bởi luận điệu lừa bịp do chính mình tung ra.
Khi Vàng Chúng Dình đã quá mệt mỏi và tuyệt vọng thì có hai vị cứu tinh là Vừ Sảo Cờ và Mùa Chứ Dính xuất hiện. Cả hai người này đều có quan hệ họ tộc hoặc thông gia với gia đình Vàng Chúng Dình. Họ cho biết, một phái viên cao cấp do chính quyền Ngô Đình Diệm cử ra đã bí mật có mặt tại Đồng Văn, sẵn sàng gặp Vàng Chúng Dình để mưu bàn đại sự hoặc đón tên này vào Sài Gòn, từ đó đi Đài Loan.


Sau nhiều lần kiểm tra, Vàng tin răm rắp, đồng ý rời đất Tàu theo "hai người anh em cứu tinh" về rúc trong hang đá biệt lập ở núi Tia Cẩu Chùa (góc Vách Đá), xã Phố Là. Đưa đường cho gã là Thào Giống Lùng, người trong xã. Tại hang này, gã đã được gặp "đặc phái viên" Vũ Âu Lạc và một kẻ đưa đường khác, từng tham gia quân phỉ từ thời manh nha là... Mã Chính Minh, hàng ngày cùng Vàng bàn bạc "quốc sự".
Hang đá treo lưng chừng núi dựng đứng, muốn trèo lên phải dùng dây thừng, sau đó gọi cho người trong hang bắc thang xuống. Hang cách biên giới, khu Tổng Cản, Trung Quốc không xa, khoảng 4km.
Mỗi ngày ba bữa, cô Vừ Thị Mỹ, vợ của Thào Giống Lùng đều từ Phố Là lên núi, đu dây lên hang cung cấp thức ăn, củi sưởi cho Vàng. Mỗi lần đều có một con gà, một lạng hạt tiêu và một ít thuốc phiện. Khi có ông "đặc phái viên" và hai người nữa cùng lên hang thì số gà mỗi bữa tăng lên 3 con.
Tên trùm phỉ Vàng Dúng Lình không hay biết rằng tất cả chỉ là một cái bẫy. Ông Vũ Âu Lạc là một cán bộ an ninh đóng giả vai "đặc phái viên". Những người khác liên quan cũng đều là thành viên đoàn tiễu phỉ.
Một tuần sau khi tay "đặc phái viên" xuất hiện, Vàng đồng ý rời hang. Cả nhóm vừa đi được một đoạn thì bất ngờ có thêm một người tướng to cao, chắc khỏe xuất hiện. Vừa kịp nhận ra người đó là Mã Chính Lâm, Huyện đội trưởng Đồng Văn mà mình đã cố công giết cho bằng được trong hai đợt tấn công vào thị trấn, Vàng đã bị Mã quật ngã và bắt sống.
Cuoc tieu phi o Dong Van va goc nhin khac ve Vua Meo Vuong Chi Sinh hinh anh 5
Ông Vừa Mí Kẻ.
Rắn bị đánh giập đầu, loạn thổ phỉ lắng dần, đến năm 1962 thì tan rã hoàn toàn. Phiên tòa xét xử những tên trùm thổ phỉ diễn ra vào năm 1963. Người ngồi ghế chánh án là ông Vừ Mí Kẻ, người Mã Phài từng được Vương Chí Sình tin cậy giao áp tải vàng bạc về Hà Nội ủng hộ "Tuần lễ vàng" năm 1945. Với phiên tòa này, quyền lực phong kiến cát cứ đã thực sự chấm dứt hoàn toàn trên Cao nguyên đá, trả lại cho Đồng Văn sự thanh bình để bắt đầu vào mùa xây dựng.
Lưu ý bạn đọc, từ phỉ hay thổ phỉ chỉ dùng để chỉ đám thảo khấu Trung Quốc vô chính phủ xâm nhập, giành đất, giành ảnh hưởng quyền lực vùng biên giới. Xưa, chúng là các nhóm khởi loạn, chống triều đình như đám Cờ Đen, Cờ Vàng. Sau này phỉ chỉ là đám tán quân Tưởng Giới Thạch vô chủ, âm mưu cát cứ và cướp phá. Người các sắc dân vùng biên viễn tham gia hoặc ủng hộ không gọi là thổ phỉ, bởi họ hoạt động trên chính quê hương họ, dù theo mục tiêu có thể do bị tuyên truyền, lừa bịp. Sau này, hai kình địch năm nào là Sùng Dúng Lù (đoàn tiễu phỉ) và người bị ông khuất phục, đầu lĩnh Vàng Vạn Ly đều sống hòa hợp, đã trở thành thông gia với nhau. Con cháu của cả hai nhà đều lần lượt tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương Đồng Văn. Sau tan là hợp, hoàn toàn không có chuyện phân biệt nào trong lý lịch của họ.
                   ------------------------
Những cuộc thiên di đẫm máu và Vua Mèo cứng đầu của bộ tộc bí ẩn
Thứ Năm, 23/08/2018 06:40 AM GMT+7
(VTC News) - Vua Mèo đánh bật phiến quân sang bên kia biên giới, đuổi cổ người Pháp khỏi cao nguyên đá, thống nhất biên cương.


>>> Đọc thêm: Dinh thự nhà Vương và chuyện bỗng dưng 40 con cháu 'Vua Mèo' mất nhà
Kỳ 1: Vị vua chân đất
Bộ tộc thiên di
"Người Mông có nguồn gốc từ châu Âu đấy" – một nữ tiến sĩ người Pháp nói với tôi như vậy, khi tôi gặp cô ở Sapa cách nay hơn chục năm. Cô từ trời Tây sang đây, đi hết bản làng này đến bản làng khác, ăn ngủ với người Mông để nghiên cứu họ.
Nữ tiến sĩ ấy bảo "cứ để ý mà xem, bản Mông nào cũng có vài đứa trẻ tóc vàng mắt xanh", nên đến bản Mông nào tôi cũng hay để ý và thấy đúng là như vậy.
Sau này, tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, thì đúng là người Mông di cư từ châu Âu, qua vùng Trung Á, về Tây Tạng, xuống Nam Trung Quốc và điểm đến cuối cùng là Việt Nam. Có lẽ gốc gác châu Âu, nên những đứa trẻ ở Sapa học tiếng Việt thì khó, chứ tiếng Anh thì nhanh. Nhiều thanh niên Tây sang Sapa du lịch, cũng thích gái Mông, tình nguyện ở rể, có lẽ do hợp văn hóa, hoặc có sự gần gũi về suy nghĩ.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 1
Vua Mèo Vương Chính Đức và con cháu. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại 
Đấy là nghiên cứu xa xôi, chứ người Mông vào Việt Nam có nhiều đợt và rất phức tạp. Riêng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện bây giờ (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) thì chủ yếu từ thế kỷ 17 – 18, muộn hơn so với người Tày, thậm chí nhóm nhỏ Lô Lô, Pu Péo đã sống rất lâu ở dải đá này.
Mặc dù vào Đồng Văn muộn, nhưng người Mông lại chiếm ưu thế về số lượng, và họ để lại dấu ấn khắp vùng đất này với những nương ngô xanh rì nơi kẽ đá.
Người Mông sống lâu đời ở vùng Hồ Nam và Quý Châu. Họ là dân tộc sống trên núi cao, cứng đầu, nên bị nhà Hán ghét bỏ. Nhà Hán khuất phục tất cả các bộ tộc, nhưng người Mông thì không thể. Các cuộc nam tiến chinh phạt đến xứ xở của người Mông đều nhận thất bại cay đắng. Nhưng, đối mặt với chiến tranh triền miên, nên cuộc sống của người Mông luôn bấp bênh.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 2
Một góc nhà Vương. Ảnh: Dương Ngọc
Tôi nhớ, có một nhà khoa học từng nói, người Mông có một khả năng đặc biệt, như thể thần giao cách cảm. Hễ có biến cố, nguy hiểm tính mạng, một người biết, thì ngay lập tức, cả bản đều cảm nhận thấy. Với khả năng kỳ lạ đó, tồn tại ở mọi bản, nên chỉ cần có biến cố, vài phút sau, họ đã tập hợp đông đủ, và tiến hành cuộc "thiên di".
Lại có một nhà nghiên cứu kể rằng, một vị khách lạ, với ý đồ đen tối đến nhà người Mông, họ vẫn tiếp đón tử tế, nhưng gia chủ cảm nhận thấy hết ý đồ đen tối và ngay lập tức tín hiệu đó truyền đến cho cả bản và tất cả cùng cảnh giác. Phải chăng, nhiều ngàn năm chạy loạn, những kiến thức siêu hình đó đã ghim vào bản năng của họ? Điều này khó hiểu, nên kể ra để tham khảo mà thôi.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 3
Ảnh: Dương Ngọc
Quay trở lại câu chuyện chạy loạn. Cuối thế kỷ 17, cuộc giao tranh quyết liệt giữa đại tộc Mông và người Hán, đã khiến người Mông tổn thất nặng nề, chết chóc không biết bao nhiêu mà kể.
Để bảo tồn giống nòi, thủ lĩnh người Mông đã hô hào đại tộc di cư về phương Nam, đến những nơi xa và sâu nhất, không có người ở, để dựng nhà lập bản, sinh con đẻ cái, tránh xa người Hán hung dữ.


Đó là cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử người Mông. Và, đó cũng là thời điểm mà người Mông có mặt đông đúc ở cao nguyên đá Đồng Văn như bây giờ.
Cậu bé mồ côi thành thủ lĩnh
Thế kỷ 18, Đồng Văn có khoảng 10 vạn người Mông chủ yếu đến từ vùng Quý Châu. Trong đó, họ Vàng (tức họ Vương) chiếm đa số. Cùng với họ Mã, họ Dương, họ Sùng... họ Vương có thủ lĩnh riêng. Thủ lĩnh là người đứng đầu, do các già bản suy tôn lên, có trách nhiệm bảo vệ an nguy cho cả dòng họ. Tổ chức của các dòng họ chặt chẽ như một "vương quốc".
Hầu hết các thủ lĩnh được suy tôn theo kiểu cha truyền con nối, nên đều có xuất thân cao quý. Thế nhưng, thế kỷ 19, lại xuất hiện một thủ lĩnh đặc biệt, đứng đầu tất cả các dòng họ, lãnh đạo toàn bộ cao nguyên đá Đồng Văn, lại có xuất thân hết sức hèn mọn.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 4
Cửa chính dẫn vào dinh thự Vua Mèo. Ảnh: Dương Ngọc
Là cháu đích tôn của nhà Vương, ông Vương Duy Bảo là người nắm rõ nhất gia phả, dòng tộc, cũng như thân thế cụ của mình, là Vua Mèo Vương Chính Đức.
Theo đó, vị Vua Mèo có tên thật là Vàng Dúng Lùng, xuất thân từ một gia đình rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bản thân lang thang nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai.
Cũng vì đói ăn, nên chàng trai Vàng Dúng Lùng, sinh năm 1865, tham gia tổ chức "Hươu Nai". Đây là tổ chức của người Mông ở Đồng Văn chống lại quân Cờ Đen từ bên kia biên giới.
Do mưu trí, dũng cảm, nên Lùng được thủ lĩnh Vừ Phán Lùng tin cậy. Vàng Dúng Lùng như một tướng quân kè kè bên thủ lĩnh.
Cuối thế kỷ 19 là thời kỳ vô cùng khốc liệt với dải núi đá tai mèo Đồng Văn. Triều đình Mãn Thanh liên tục đánh xuống phía Nam hòng tiêu diệt tất cả những dòng họ Mông xưng hùng xưng bá, để triệt nọc nguy cơ tạo phản. Từ phía xuôi, thực dân Pháp cũng tấn công lên để chiếm lĩnh biên giới, hòng chặn nhà Thanh tiến xuống. Các toán nổi dậy tạo phản ở Trung Quốc cũng tràn xuống Đồng Văn để tìm nơi cát cứ, nương thân.


Trong một trận giao tranh, Vừ Phán Lùng đã bị một nhóm phản loạn Trung Quốc giết chết. Hàng ngàn người Mông thời điểm đó bị tàn sát dã man.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 5
Vua Mèo Vương Chính Đức trong trang phục châu Âu. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại
Để tiếp tục giữ đất, người Mông ở Đồng Văn đã suy tôn Vàng Dí Tủa làm thủ lĩnh. Thế nhưng, Vàng Dí Tủa đã đột ngột qua đời do... bội thực. Sau nhiều ngày trốn trên núi, lúc có cơm gạo, vị thủ lĩnh này đã ăn no quá và chết tại chỗ. Không còn ai xứng đáng hơn, nên Vàng Dúng Lùng đã được đôn lên làm thủ lĩnh, lãnh đạo 10 vạn người Mông ở dải biên cương núi đá.
Với tài cầm quân và uy tín rất cao kết nối toàn bộ cộng đồng, Vàng Dúng Lùng đã đánh bạt tất cả phiến quân sang bên kia biên giới, đánh bật người Pháp khỏi cao nguyên đá, thống nhất toàn bộ dải biên cương.
Thật khó có thể tin nổi, triều đại Mãn Thanh hùng mạnh phương Bắc, thực dân Pháp cai trị cả thế giới, song không khuất phục nổi mấy vạn người Mông cùng một thủ lĩnh chân đất. Sau nhiều lần tấn công thất bại, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp quyết tâm thống trị toàn bộ vùng đất này, nên tiến hành hàng loạt cuộc chinh phạt.
Thế nhưng, các cuộc chinh phạt của người Pháp kéo dài suốt 10 năm từ Hà Giang lên, từ Cao Bằng sang chỉ chuốc lấy thất bại cay đắng. Không biết bao nhiêu quân pháp đã bỏ mạng trên đá.
Nhung cuoc thien di dam mau va Vua Meo cung dau cua bo toc bi an hinh anh 6
Thủ lĩnh Vàng Dúng Lùng được nhà Nguyễn phong chức quan Bang Cơ. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại
Biết rằng, không thể khuất phục được người Mông bởi tập tính sinh sống ở núi cao, rừng sâu hiểm trở, lại gan dạ, tính cố kết cộng đồng cao, nên người Pháp phải chấp nhận phương án để thủ lĩnh người Mông nắm quyền. Và, lựa chọn của họ tất nhiên là Vàng Dúng Lùng, cùng với ý của cộng đồng người Mông ở Đồng Văn. Người Pháp buộc phải cam kết rút khỏi Đồng Văn, để người Mông được quyền tự trị.
Nhà Nguyễn đã phong chức quan Bang Cơ cho Vàng Dúng Lùng, tự do cai quản vùng Đồng Văn. Đó là lý do Vàng Dúng Lùng đã đi vào lịch sử Đồng Văn với cái tên Vương Chính Đức. Là người giữ vững biên cương, bảo đảm cuộc sống an toàn cho người Mông trước thực dân Pháp và triều đại phong kiến Mãn Thanh, nên Vương Chính Đức thực sự là một vị vua trong tâm thức của người Mông ở Đồng Văn.
VTC News) - Gia tộc nhà tôi đào lên không biết bao nhiêu là chum lớn dưới nền nhà, trong vườn, chứa toàn bạc trắng và tiền Quốc dân Đảng.


>>> Kỳ 1: Những cuộc thiên di đẫm máu và Vua Mèo cứng đầu của bộ tộc bí ẩn
Kỳ 2 (kỳ cuối): Vương quốc thuốc phiện
Thời điểm đó, Đồng Văn được coi là "vương quốc thuốc phiện". Ngoài địa bàn chiến lược, thì nguồn lợi thuốc phiện béo bở cũng là lý do Đồng Văn biến thành mồi ngon cho các cuộc chiến tranh khốc liệt.
Nhưng khi đã trở thành Vua Mèo, thì Vương Chính Đức có toàn quyền quyết định với nguồn lợi thuốc phiện. Người Pháp đã phải chấp nhận mua thuốc phiện của Vua Mèo với giá rất cao, nếu không thuốc phiện sẽ bị bán cho người Hoa. Chính vì bán được giá cao, nên thời điểm đó người Mông ở Đồng Văn cực kỳ no ấm, và Vương Chính Đức thì trở nên giàu có vô kể, tiền vàng chất đống trong nhà, chôn kín lòng đất.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 1
Vua Mèo Vương Chính Đức chụp ảnh cùng vợ con. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại
Dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn được xây dựng vào thời kỳ hùng mạnh nhất của mình. Tương truyền, ông đã sử dụng hàng vạn đồng bạc cho công trình đó. Số tiền đó, quy đổi thời giá bây giờ, là khoảng 150 tỷ đồng.
Có nhiều giai thoại xung quanh việc xây dựng dinh thự này. Dân gian vùng Đồng Văn kể rằng, hồi còn là cậu bé, Vàng Dúng Lúng suốt ngày đi lang thang, ngày vào rừng săn thú, bẫy chuột kiếm miếng ăn, đêm ngủ trên cây tránh cọp dữ. Sáng sớm tỉnh dậy trên cành cây, thì thấy một đoàn lái buôn ngồi dưới gốc cây, trên tảng đá, có một người chỉ trỏ mảnh đất hình mu rùa dưới thung lũng Sà Phìn, mà rằng: "Thế đất hình mu rùa quá đẹp. Sau này, ai làm nhà, hoặc đặt mộ ở đó, thì đều xưng vương, đời đời no ấm".


Điều người thương lái đó nói đã in vào đầu Vàng Dúng Lùng, cho nên, khi đã giàu có, ông chọn luôn mảnh đất vồng lên như mu rùa ở Sà Phìn để dựng nhà.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 2
Dinh thự nhà Vương dựng trên một quả đồi hình mu rùa. Ảnh: Dương Ngọc
Tuy nhiên, theo lời ông Vương Chí Bảo, gọi Vua Mèo Vương Chính Đức là cụ, thì việc chọn đất xây nhà cầu kỳ hơn nhiều.
Vào năm 1890, Vương Chính Đức đã cho mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu ngụ ở xã Phố Là, tìm địa điểm xây nhà.
Sau cả năm trời đi khắp Đồng Văn, ông Trương Chiếu đã chọn mảnh đất Sà Phìn. Theo lời nhà phong thủy này, thì giữa cánh đồng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, nên xây nhà trên lưng con rùa thì sẽ giàu sang phú quý suốt đời.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 3

Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 4
Vật dụng sinh hoạt của Vua Mèo. Ảnh: Dương Ngọc
Sau lưng con rùa có dãy núi hình ghế tựa, có đất để coi duỗi chân. Bên phải có núi cao chọc trời, bên trái núi to ngang trời, phía trước có hai quả núi chẳng khác gì văn võ đứng hầu. Phía sau hai quả núi "văn – võ" là dãy núi như rồng uốn lượn. Thầy địa lý cắm mảnh đất đó và xác định luôn hướng nhà.
Chọn đất và hướng nhà xong, Vương Chính Đức giao cho cụ Hoàng, người Kinh gốc Nam Định, là mưu sĩ của ông, cùng Cử Chúng Lù, nghiên cứu phác họa tòa nhà trên mảnh đất này.
Phác họa xong, Vương Chính Đức mời Tống Bách Giao là người Hán ở huyện Tây Thọ  (Vân Nam, Trung Quốc) thiết kế và thi công. Toàn bộ các hạng mục của công trình rộng 3 ngàn mét vuông này đều được làm thủ công.
Phải đến 8 năm sau đó, tức là 1898, dinh thự mới khởi công xây dựng và năm 1903 mới khánh thành.
Vương Chính Đức sống ở dinh thự này 44 năm, sau đó giao lại cho con út là Vương Chí Sình.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 5

Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 6
Những hình khắc quả thuốc phiện là biểu tượng của sự giàu có. Ảnh: Dương Ngọc
Khu dinh thự nhà Vương này là kiểu nhà pháo đài phòng thủ, xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày gần 1m, cao 2m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố. Nhà thiết kế theo kiểu nhà của người Hán, các lò sưởi trong phòng kiểu Pháp, các tảng đá kê chân cột có hình quả thuốc phiện. Rất nhiều hoa văn gỗ trong nhà cũng có hình hoa và quả thuốc phiện nhằm tôn vinh thứ mang lại giàu sang, thịnh vượng cho "vương quốc" này.
Là người cực kỳ thấu hiểu tộc người Mông, nên năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Hoàng Việt Hưng, là cán bộ Việt Minh từ cao Bằng sang Sà Phìn gặp gỡ Vua Mèo Vương Chính Đức. Nhận thấy việc đi theo cách mạng là đúng đắn, nên Vua Mèo đã theo Bác Hồ chống lại quân Tưởng Giới Thạch và Thực dân Pháp.


Năm 1947, Vương Chính Đức qua đời, Bác Hồ đã cử nhiều nhân vật quan trọng từ chiến khu Việt Bắc lên tổ chức đám tang. Vua Mèo được chôn cất trong một công trình nghệ thuật bằng đá trên đỉnh núi La Gia Động cách thung lũng Sà Phìn 3km.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 7
Khách du lịch đi Đồng Văn đều tìm đến dinh thự Vua Mèo. Ảnh: Dương Ngọc
Sau khi Vương Chính Đức qua đời, thì con trai út là Vàng Seo Lử, tức Vương Chí Sình kế tục sự nghiệp.
Lử thông minh, ham học, quảng giao, nên từ nhỏ Vương Chính Đức đã lưu tâm và định hướng cho kế tục sự nghiệp. Ông Đức đã gửi cậu con út sang Vân Nam (Trung Quốc) học hành chữ nghĩa đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, Lử thích tư tưởng phương tây, nên kết giao khá rộng với người Pháp, học cả tiếng Pháp.
Có trình độ, giao du rộng, nên Vương Chí Sình quản lý toàn bộ hoạt động buôn bán của "vương quốc". Ông ta áp tải hàng tấn thuốc phiện xuống Hà Nội, Hải Phòng bán, rồi chở các nhu yếu phẩm lên đồng văn cung cấp cho toàn cao nguyên đá. Chính vì thế, Vương Chí Sình nhanh chóng giàu có khủng khiếp.
Năm 1930, Vương Chí Sình cho xây dựng tại thị trấn Phó Bảng một tòa nhà kiến trúc theo kiểu lai giữa Pháp và Trung Quốc, thường gọi là "Tòa Nhà Trắng". Tòa nhà này to ngang với dinh thự tại Sà Phìn. Tại tòa nhà này, Vương Chí Sình điều hành hoạt động buôn bán với Côn Minh (Trung Quốc). Sau này, ông cùng cả 3 bà vợ sống ở đây. Tiếc là, năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 8
Vua Mèo Vương Chí Sình khi ở Bắc Kinh. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 9
Ông Vương Chí Sình trong trang phục Mông và một người con. Ảnh: Dương Ngọc chụp lại
Năm 1935, để mở rộng việc buôn bán, Vương Chí Sình đã mua ngôi nhà số 55 Hàng Đường, Hà Nội, để làm nơi trung chuyển giữa Hà Giang và Hải Phòng. Đây cũng là nơi ở của ông khi trở thành Đại biểu Quốc hội.
Năm 1945, Bác Hồ có thư mời Vương Chính Đức về Hà Nội, nhưng tuổi cao sức yếu, không đi lại được, nên ông Đức cử con trai là Vương Chí Sình đi thay.


Gặp Bác ở Hà Nội, Vương Chí Sình rất ngưỡng mộ Bác Hồ với con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Ông nhận kết nghĩa anh em với Bác Hồ và được bác đặt cho tên mới là Vương Chí Thành. Tại buổi gặp gỡ, Vương Chí Thành hứa sẽ bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, lãnh đạo người Mông theo Việt Minh và khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong, sẽ trả lại mảnh đất Đồng Văn cho Bác.
Sau buổi gặp Bác Hồ, Vương Chí Sình trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và được giao trọng trách Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 10
Trong dinh thự có hai căn phòng bí mật và được xây dựng rất kiên cố, là nơi chứa thuốc phiện và của quý. Ảnh: Dương Ngọc
Năm 1946, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngân khố Chính phủ gần như cạn kiệt. Ông Vương Duy Bảo, cháu Vua Mèo Vương Chí Sình nhớ lại: "Có bao nhiêu gia sản ông hiến hết cho Nhà nước. Gia tộc nhà tôi đào lên không biết bao nhiêu là chum lớn dưới nền nhà, trong vườn, chứa toàn bạc trắng và tiền Quốc dân Đảng. Các cụ cuộn tiền thành bó để trong chum. Lúc đó tiền này không còn giá trị, nên đem đốt. Còn bạc đổ ra sân, cả nhóm cán bộ ngân hàng kiểm kê suốt một ngày mới xong. Mọi người phải dùng xẻng xúc bạc già đóng vào bao, rồi một đoàn xe tải của ngân hàng chở về Hà Nội. Sau này tôi mới biết tổng số tiền ông Vương Chí Sình hiến cho nhà nước là 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7kg vàng".
Dinh thu tren mu rua va thu linh sieu giau o 'vuong quoc thuoc phien' Dong Van hinh anh 11
Mộ của Vua Mèo Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành) có khắc 8 chữ do Bác Hồ tặng: Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ. Ảnh: Dương Ngọc
Cũng trong năm 1946, để khẳng định tình cảm và lòng tin của Bác với Vương Chí Sình, Bác đã cử ông Bùi Công Trừng mang 2 kỷ vật lên Sà Phìn tặng ông, gồm tấm áo trấn thủ của Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương tặng Bác và một thanh đao do xưởng Quân giới Việt Bắc rèn. Chính tay Bác Hồ viết 8 chữ Hán lên vỏ đao: Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ. 8 chữ này cùng với biểu tượng thanh đao giờ hiện diện trên bia mộ Vua Mèo Vương Chí Sình dưới rặng sa mộc ngay trước dinh thự.
Suốt từ năm 1947 đến 1954, là thời điểm chiến sự vô cùng khốc liệt ở Đồng Văn. Thực dân Pháp, Tưởng Giới Thạch tranh nhau lôi kéo các dân tộc theo chúng để chống lại cách mạng. Nhưng cuối cùng, Vương Chí Sình vẫn quyết tâm theo Bác Hồ, giữ đúng lời hứa: Giữ mảnh đất Đồng Văn cho cách mạng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tl