LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH THẦN QUAN?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một người, không kể nguồn gốc, xuất thân, chỉ cần "được thừa nhận", thiên kiếp giáng xuống, người đó sẽ trở thành thần quan, mặc nhiên sẽ được thiên đình thừa nhận. Từ một người bình thường, nhận thiên kiếp, trở thành thần quan, quá trình đó được gọi là "phi thăng". Phi thăng thành thần, tuyệt đối không phải là một chuyện dễ dàng, là chuyện không phải cứ muốn là được, không phải ai cũng có thể làm được. Thế gian rộng lớn đến thế, hằng hà sa số con người qua bao thế hệ, nhưng thần quan trên thượng thiên đình, những vị tôn quý muôn phần, hưởng được nhang khói, tôn thờ của chúng sinh ấy chỉ có vài trăm vị. Vậy những vị ngồi điện vàng, hưởng thờ phụng ấy, có gì khác so với chúng sinh dưới kia mà có thể có được vinh quang vô hạn, trở thành thần quan như vậy?


Ta nên nhớ, thần quan, không phải là dân "ngồi không ăn bát vàng", họ cũng có công việc, có trách nhiệm của riêng mình. Thậm chí ngồi càng cao, chức càng lớn, công việc sẽ càng nhiều, trách nhiệm họ gánh vác càng nặng nề. Công việc của thần quan là loại công việc không phải ai cũng đảm đương được. Họ lắng nghe lời cầu khẩn của tín đồ, nhận hương khói, lễ bái, cống phẩm, sau đó đáp ứng nguyện vọng của tín đồ. Nguyện vọng của chúng sinh lại đa dạng vô cùng, nhỏ thì có cầu tiền tài, cầu nhân duyên, cầu bình an,... lớn thì diệt trừ yêu ma, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Mà đã là 1 thần quan, trung bình số tín đồ là không hề nhỏ. Giả như chỉ riêng Phong Tín, đã có gần 8000 miếu thờ, tín đồ nhiều không kể xiết, số lời cầu nguyện dĩ nhiên theo đó mà nhân lên. Như thế cũng đủ thấy, công việc của một thần quan là vô cùng nặng nề, ngồi ở vị trí thần quan cũng không dễ dàng chút nào. Họ cần phải có đủ TÀI NĂNG để thực hiện, đủ BẢN LĨNH để đảm đương, gánh vác khối công việc khổng lồ đó. Đó cũng là điều kiện đầu tiên để trở thành thần.


Nhìn khắp tiên kinh, có vị thần quan nào là năng lực tầm thường không? Họ đều là những nhân vật xuất sắc, có tài năng hơn người. Mình xin chia tài năng, bản lĩnh mà các thần quan đạt được theo 2 hướng: truyền thống và không truyền thống.


Thứ nhất, theo truyền thống, năng lực mà họ có được là do tu đạo mà thành. Có nghĩa ngay từ đầu, họ đã được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ các kiến thức về yêu ma quỷ quái thần tiên, các thuật pháp, bùa chú,..., dựa theo thời gian tu hành sẽ đạt được pháp lực nhất định, có thể đối kháng với những những thứ không phải là người nữa. Và những người đó dc gọi là tu sĩ, đạo sĩ hay đạo trưởng, bái thần đạo, tu hành ở đạo quán. Mục đích tu hành, luyện tập cuối cùng là trở thành thần, thành tiên. Có nghĩa, theo phương pháp truyền thống là tu đạo, những người đó ngay từ đầu đã xác định bản thân muốn trở thành thần tiên, nên cứ thế mà tập trung tu tập, rèn luyện. Có thể tìm một nơi phong thủy tốt, tích tụ nhiều tiên khí để rút ngắn thời gian, thúc đẩy pháp lực tăng nhanh hơn, sớm ngày đợi thời cơ phi thăng tới, như trường hợp Tạ Liên, Mộ Tình năm xưa (Ôi, nhớ lại cảnh đó lại thấy đau lòng cho điện hạ của tui). Những thần quan phi thăng theo con đường tu đạo chính thống bao gồm: Quân Ngô, Tạ Liên, Mộ Tình, Thủy sư Vô Độ, Vũ sư Hoàng, Dẫn Ngọc, Quyền Nhất Chân, Lang Thiên Thu,...


Thứ hai, theo cách không truyền thống, có nghĩa những thần quan ấy chưa từng tu đạo, tu tiên. Tài năng của họ chỉ dựa vào năng lực vượt trội của chính bản thân mình. Ví dụ như Linh Văn là có trí thông minh vượt trội, thi phú thuộc hàng thượng thừa, trở thành đệ nhất văn thần. Địa sư (dĩ nhiên là bản gốc) là một thợ xây lành nghề, tay nghề điêu luyện, thành thục, chuyên xây nhà cửa, đường xá,... nên trở thành địa sư chưởng quản đất đai, phù hộ bình an trong xây dựng công trình. Dựa vào chuyên môn, tài năng tinh thông vượt bậc trong sở trường của mình khi còn ở hạ giới, họ được giao cho chức vụ phù hợp.


Còn một trường hợp khác đó là dựa vào bản lĩnh để phi thăng (dĩ nhiên, thiên tư của họ cũng không hề kém, chỉ là không quá nổi bật để phi thăng thôi). Tức là cậy vào sự chuyển giao quyền lực ở nhân gian, tranh đấu sát phạt để phi thăng. Bùi Minh và Bùi Túc là ví dụ điển hình. Bùi Minh là tướng quân dũng mãnh, thiện chiến, từng san bằng cả 1 đất nước rộng lớn là Vũ Sư quốc. Bùi Túc thì phi thăng nhờ đồ sát thành Bán Nguyệt. Tuy đây không phải là việc tốt đẹp gì nhưng "vinh quang luôn đi kèm với máu tươi, phi thăng rồi sẽ xí xóa tất cả", suy cho cùng thí đó cũng là bản lĩnh tự họ gầy dựng nên. Tuy nhiên, vì phi thăng mà dùng tới tà pháp như hoán mệnh, tổn hại mệnh cách, tính mạng của con người, thì đó lại là chuyện khác.


Ta có thể thấy, thần quan trong Thiên Quan Tứ Phúc không hề giống định nghĩa thần tiên bình thường ta nghĩ là phải trong sáng như gương, tâm tĩnh như nước, họ cũng có hỉ nộ ái ố như người bình thường, có toan tính, có ganh đua, có xu nịnh, có mưu hại, có chèn ép,... Họ đều có điểm xấu, điểm tốt riêng nhưng các thần quan đều có điểm chung rõ ràng, họ đều rất có "cá tính", mà cá tính cực mạnh, nổi trội hẳn so với người thường. Chẳng hạn như Thủy sư Vô Độ, tính cách cao ngạo, đến chết cũng không nhận sai mà còn cao giọng "Tất cả những gì hôm nay ta có được, đều là tự tay ta giành lấy. Thứ không có, tự ta giành. Mệnh không có, tự ta sửa! Mệnh ta ta định chẳng tại trời!" khiến Hạ Huyền, Tạ Liên phải chấn động không thôi. Vũ sư Hoàng, tuy 1 công chúa bị ghét bỏ, khinh thường, cả một đời lủi thủi ở đạo quán, nhưng nàng vẫn luôn mang tâm thế bình thản, xem mọi ưu phiền như gió thoảng mây trôi, một lòng hướng về chúng sinh, không tiếc hi sinh tính mạng để bảo vệ gia đình và dân chúng Vũ sư quốc. Tâm nàng tựa sen, không oán không hận, độ lượng bao dung, xem vinh hoa phú quý chỉ là phù du, một lòng thanh bạch tại nhân gian. Quyền Nhất Chân, tuy thiên phú xuất chúng, anh dũng thiện chiến, nhưng tính cách lại đơn giản, không hiểu gì về đạo lý đối nhân xử thế, có phần ngờ nghệch như đứa trẻ. Thế mà kỳ thực, hắn vô cùng cố chấp, kiên định, có tính định hướng cực kì mạnh. Một khi đã nhận định điều gì thì chín trâu mười bò cũng không lay chuyển nổi, không hề bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai. Kỳ Anh hắn, dù được chúng thần quan khác bợ đỡ, xu nịnh nhưng tuyệt nhiên chỉ giao thiệp, yêu quý, đeo bám, tin tưởng một mình Dẫn Ngọc. Vì một lần Tạ Liên ra tay giúp đỡ, hắn đã nhận định là luôn bênh vực, giúp đỡ, đứng về phía Tạ Liên mọi lúc, mọi nơi. Có thể thấy, tài năng tuy có thể giống nhau (như các võ thần đều giỏi võ, mạnh mẽ, thiện chiến), nhưng mỗi người họ đều có cho mình một PHẨM CÁCH bất phàm, nổi trội, đặc biệt hơn người thường rất nhiều. Đó cũng là một trong những điều kiện để phi thăng thành thần.


Cuối cùng là mệnh cách thần quan. Mình cảm thấy cái mệnh cách thần quan trong truyện khá mơ hồ. Có mệnh cách thần quan, người đó đã bước 1 chân vào cánh cổng tiên kinh rồi, chỉ cần đợi độ kiếp phi thăng thôi. Phần này mình sẽ viết hẳn một bài riêng vì chủ đề này khá đặc biệt


Lên được chức thần quan không phải sẽ mãi mãi thừa hưởng vị trí ấy. Một vị thần quan không phải cả đời chỉ độ kiếp một lần. Độ càng nhiều Thiên kiếp thì cảnh giới càng cao, địa vị càng vững, pháp lực càng mạnh. Đây cũng hệt như cuộc thi định kỳ để kiểm tra năng lực thần quan vậy. Người đủ sức mạnh, thì thuận lợi vượt qua, chứng tỏ bản thân vẫn đủ tư cách đảm nhận vị trí thần quan. Người năng lực yếu kém, thì độ kiếp thất bại, mất tư cách thành thần, trở về làm người phàm. Một là chìm vào quên lãng, hai là cố gắng tu tập lại từ đầu, chờ đợi lần phi thăng thứ hai.


Một người có tư cách làm thần quan hay không, chỉ có trời cao mới đủ tư cách phán xét, vượt qua thiên kiếp, họ là thần quan. Nhưng muốn một thần quan trở về làm người phàm, không chỉ có trời mới quyết được, người có thể quyết định chính là tín đồ, là con người dưới nhân gian kia. Khi một thần quan phạm lỗi, Võ Thần Đại Đế đứng đầu chúng thần quan có quyền trách phạt, lưu đày, giáng chức, hạn chế thần lực thông qua gông nguyền rủa nhưng không thể tước đi thần cách của họ. Người thật sự khiến họ trở về làm người thường là tín đồ của họ. Thử nghĩ xem, 1 thần quan không còn thần lực, bị lưu đày, những lời cầu nguyện dĩ nhiên không ai thực hiện. Tín đồ cảm thấy thần tiên mình thờ phụng không còn linh thiêng nữa, dĩ nhiên sẽ rời bỏ thần quan của họ. Tín đồ không còn, miếu không hương khói, thậm chí bị dỡ bỏ, căn cơ mất hết, sao còn gọi là thần quan được nữa. Rồi họ dần rơi vào quên lãng.


Ở phần tiếp theo, mình sẽ viết về mệnh cách thần quan. Mong các bạn ủng hộ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro