THẦN QUAN LÀ AI? MỐI QUAN HỆ GIỮA THẦN QUAN VÀ CON NGƯỜI.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thần quan, là những người "được thừa nhận" và sau đó được "phi thăng", lúc đó họ sẽ trở thành thần. Thần quan sau khi phi thăng sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí phù hợp dựa vào tài năng, công đức, chuyên môn mà mình đạt được trước khi phi thăng. Ví dụ, Địa sư sinh tiền là một thợ xây cực giỏi, sau khi phi thăng thì chưởng quản, phù hộ bình an trong việc xây dựng nhà cửa đường xá, giỏi các thuật pháp liên quan đến địa lý như Rút đất ngàn dặm. (Tuy địa sư ta thấy trong truyện là hàng fake nhưng Hạ Huyền làm diễn viên rất có đạo đức nghề nghiệp nên đây tuyệt đối là fake có chất lượng). Bùi Minh sinh tiền là một tướng quân dũng mãnh, dĩ nhiên phi thăng thành 1 võ thần chuyên trảm yêu trừ ma, bảo vệ bình an.


Sau khi trở thành thần quan, họ sẽ có thần lực và sử dụng thần lực ấy thực hiện nguyện vọng của tín đồ. Thần lực, địa vị của một vị thần quan, mạnh hay yếu, cao hay thấp, ngoài tài năng của bản thân còn phụ thuộc rất lớn vào số lượng đền miếu, tín đồ, cống phẩm, cúng dường ở nhân gian. Vì sao lại thiết lập như vậy?


Trong Thiên Quan Tứ Phúc, con người là khởi nguồn cho tất cả. Dù là thần quan cao quý chúng sinh thờ phụng hay ác quỷ người người kinh sợ, họ đều có xuất phát điểm từ con người (khác với trong các thần thoại thông thường, thần tiên là tự nhiên mà có hay tinh hoa đất trời hợp thành, ba mẹ là tiên nên con cũng là tiên các kiểu...). Vì đều có xuất phát điểm là con người nên hơn ai hết, các thần quan hiểu chúng sinh cần gì và bản thân làm làm thế nào để giúp đỡ chúng sinh. Trong một bộ truyện manga mình từng đọc có câu như thế này : "Tín ngưỡng vì kính úy mà sinh, từ đó cấp sức mạnh cho sự vật được kính úy. Sự vật được kính úy lại dùng chính sức mạnh này đi bảo hộ sinh linh kính úy đó. Các sinh linh được bảo vệ bởi vì thế đối với các sự vật đó càng thêm tôn kính. Từ cổ chí kim, nhân loại chính là như vậy mà cộng sinh với thánh thần."


Thần quan và chúng sinh có mối quan hệ không thể tách rời nhau. Vì có con người, vì có chúng sinh, thần mới tồn tại. Không có con người, khái niệm thần linh thậm chí còn không bao giờ xuất hiện trên cõi đời này. Con người không cần thần linh, thần linh sẽ tự động biến mất. Giống như trong Sprited Away, vì con sông đã mất đi, thần sông Haku không còn ai nhớ tới, thờ phụng mà dần trôi vào quên lãng.


Tạ Liên từng nói : "Chúng sinh bình đẳng, chúng thần bình đẳng" cũng không phải là không có cái lý của y. Cuộc đời rất công bằng, thật ra không ai cao quý hơn ai, mỗi người đều có vị trí của riêng mình, có trách nhiệm riêng cần đảm đương, phải hoàn thành. Thậm chí người càng có nhiều quyền lực, ở càng cao, trách nhiệm càng nặng nề, thật ra nghĩ kỹ thì cũng chẳng sung sướng gì cho cam.


Người thờ phụng thần, tôn kính thần, dâng cống phẩm cho thần, thần sẽ thực hiện lời cầu nguyện, giúp đỡ con người. Không còn điện thờ, tín đồ, không một lời cầu nguyện, thần không còn chức trách, không còn việc làm, hay nói vui là "bị sa thải", "mất việc", vậy thần đâu khác gì con người bình thường đâu. Bởi vậy, tác giả thiết lập việc thần lực của thần quan phụ thuộc vào tín đồ, điện thờ là vô cùng hợp lý, mình thấy hay tuyệt. Cũng như cảnh sát phải khoác lên mình quân phục để dân chúng nhận diện được công việc, chức trách của bản thân, vậy nên là thần quan, bắt buộc phải có tín đồ, có miếu thờ, có tượng thần, để chúng sinh biết được mình là thần để thờ phụng. Bởi vậy, việc đầu tiên Tạ Liên làm sau khi phi thăng chính là không ngại xấu hổ, mặt dày tự mình tốn tiền xuống nhân gian lập miếu thờ, tự mình thờ mình. Không phải Tạ Liên muốn vậy mà y buộc phải làm như vậy. Tạ Liên lần thứ ba phi thăng chỉ là thần đồng nát, chức vị nhỏ nhoi, dân chúng không ai quan tâm, nếu không sớm tìm tín đồ, chỉ e là lại bị giáng xuống lần thứ 3, mất mặt lắm. Với lại bản tính Tạ Liên, thương hoài chúng sinh, bản thân y đã là thần, dĩ nhiên mong muốn bản thân có thể có được nhiều năng lực hơn để hoàn thành trách nhiệm, thực hiện hoài bão của bản thân.


Thần lực của một thần quan, mạnh hay yếu, không chỉ phụ thuộc vào tín đồ, mà còn dựa vào tài năng của họ. Tín đồ, thần lực, tài năng, địa vị có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Quyền Nhất Chân và Dẫn Ngọc là ví dụ điển hình. Cùng là võ thần, cùng nhận được cung phụng từ tín đồ nhưng rõ ràng, địa vị của Kỳ Anh cao hơn hẳn. Vì sao? Vì Kỳ Anh có tài hơn Dẫn Ngọc rất nhiều. Thần quan tuy có thần lực, có pháp thuật nhưng không phải toàn tài, phẩy tay một cái là giải quyết xong mọi chuyện. Họ vẫn phải dựa vào năng lực bản thân mình mà thực hiện lời cầu nguyện của tín đồ. Thực hiện càng nhanh, càng nhiều, tức là vị thần này càng "linh", tất nhiên dân chúng đổ xô đi thờ phụng vị thần đó ngày càng nhiều, vậy là vị thần ấy lại có càng nhiều thần lực, địa vị càng cao, "lên chức" càng nhanh và ngược lại (như trường hợp của Dẫn Ngọc). Kỳ Anh chính là nhờ thực tài mà đi lên tới địa vị cao như ngày hôm nay. Mặc cho hắn tính tình quoái đản, kỳ lạ, có phần ngơ ngáo, trẻ con, lại không thích giao du với người khác, thậm chí còn đánh cả tín đồ của mình, nhưng người ta vẫn nườm nượp theo đi theo, các thần quan khác cũng phải theo nịnh nọt, kiêng dè phần nào. Kỳ Anh đã chứng minh cho câu nói: Người có tài ắt hẳn được trọng dụng.


Ngoài thần lực ra, con người, tín đồ còn ảnh hưởng tới thần quan về nhiều phương diện hơn ta tưởng, như nhân dạng, phạm vi chưởng quản,... Ví dụ, Linh Văn vốn dĩ là thân nữ nhi, nhưng lễ giáo không chấp nhận nữ nhân có liên quan đến học vấn, chữ nghĩa - vốn là việc của nam nhân nên nhân gian, tín đồ dần sửa tượng thần của nàng thành dáng vẻ của nam tử. Đó mới là hình tượng quan văn trong lòng của họ. Hay một trường hợp khác, do những truyền thuyết lưu hành, qua nhiều người bị sai khác, thêm thắt mà Thủy sư Vô Độ và Phong sư Thanh Huyền từ 2 anh em thành 2 vợ chồng (??? chi tiết này tui từ chối hiểu, từ anh em có thể biến tấu thành vợ chồng được luôn ), từ đó Phong sư nương nương tuy là nam nhân nhưng tượng thần lại mang dáng vẻ nữ thân. Mà ngặt nỗi, hình dáng của tượng thần được tín đồ xây đắp nhang khói mới là dáng vẻ mang pháp lực mạnh nhất của thần quan, điều này chứng tỏ dáng vẻ của thần quan là hình tượng họ khắc tạc, mong muốn. Thủy sư Vô Độ chủ yếu chưởng quản về đường nước, vốn dĩ chỉ phù hộ bình an cho người đi trên sông, suối, biển, hồ,... nhưng do đường sông biển là đường giao thông chủ yếu, liên quan nhiều tới giao thương hàng hóa nên kiêm luôn chưởng quản tài vận. Phong Tín là võ tướng, không liên quan gì tới tình duyên nhưng do sai lầm ngớ ngẩn của một ông vua nào đó về tên điện thờ nên nữ nhân nườm nượp tới cầu duyên, cầu tự. Vậy nên dù truyện không nêu rõ nhưng ta cũng tự hiểu Phong Tín chưởng quản luôn chuyện tình duyên, con cái ở nhân gian. Đáng lý ra, xét về tính cách hay kinh nghiệm, mảng tình duyên đào hoa này nên đến Minh Quang miếu cầu Bùi Minh mới đúng. Ngay bản thân Phong Tín, thê nhi còn không giữ nổi, chưởng quản tình duyên sao được?


Nhưng ngược lại, ảnh hưởng từ thần quan tới tín đồ của mình cũng không ít. Vũ sư Hoàng tính tình hòa nhã, hữu lễ, vô dục vô cầu, không thích ganh đua. Vì thế nàng khuyên tín đồ của mình sống tiết kiệm, tự lo bản thân mình cho tốt, chỉ cần nghiêm túc cúng bái, không cần lễ vật xa hoa. Vì thế, tín đồ của nàng tuy không nghèo khó gì nhưng lại không đốt cho nàng trường minh đăng, tính cách cũng không phù phiếm, trụy lạc, đều chân chất hiền lành. Phong Tín, Mộ Tình chí chóe cãi nhau suốt ngày dẫn tới việc tín đồ của họ cũng bất hòa, ganh đua với nhau từng chút một.


Bởi vậy mới nói, tín đồ đối với một vị thần quan là vô cùng quan trọng. Hoa Thành hiểu điều ấy. Vì muốn trả mối thù điện hạ của hắn bị vũ nhục năm xưa, nên Hoa Thành đã tuyên chiến với 33 vị thần quan, ép họ hạ phàm thành người. Họ thua cuộc lật lọng, Hoa Thành liền đốt sạch miếu thờ, mà đám thần quan đó còn tự bê đá đập chân mình, tự livestream khoảnh khắc bại trận nhục nhã gửi đến các tín đồ trong giấc mơ. Vậy là 33 vị đó mất sạch tín đồ, từ đấy mai danh ẩn tích. Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Thu hằng năm, các thần quan trên tiên kinh chơi đấu đèn, không chỉ chơi cho vui thôi đâu. Sự kiện ấy là ngấm ngầm khẳng định vị thế của mình trong thiên đình. Sự lớn mạnh, đông đảo, giàu có của tín đồ thể hiện qua số đèn Trường Minh đăng chính là địa vị, vinh quang của vị thần quan đó. Vì sợ thần minh của mình chịu ủy khuất, bị chê cười nên hắn vung tay thả 3000 ngọn đèn Trường Minh, cho người vinh quang, để người không bị bất kỳ ai coi thường.


Lại nói thêm một chút về mối quan hệ của Quân Ngô, Tạ Liên với chúng sinh. Quân Ngô hận chúng sinh, nói rằng chúng sinh không xứng để y bảo vệ, điều đó quả thật không sai. Dân chúng Ô Dung Quốc năm ấy, căn bản không tin tưởng hoàn toàn vào vị thần mà mình thờ phụng là thái tử Ô Dung, vì thế mà nhận lãnh kết cục kinh hoàng, chết không toàn thây. Thái tử một lòng yêu thương chúng sinh, không tiếc tiêu hao công sức, thần lực, làm chuyện hoang đường như xây cầu thông thiên. Vậy tín đồ đáp trả hắn như thế nào? Là phản bội, là bức ép, là phỉ nhổ. Đúng là thần quan phải có trách nhiệm bảo vệ chúng sinh, bảo vệ tín đồ của mình nhưng tín đồ cũng không phải thản nhiên thừa hưởng sự che chở ấy. Đã thờ phụng một vị thần thì phải tin tưởng, thành tâm, dành cho thần minh của mình một sự kính úy nhất định, có điều kiện một chút thì dâng cúng phẩm, tiền công quả, lời cầu khẩn được linh nghiệm thì phải hoàn nguyện, trả lễ. Như trong Tây Du Ký, Đường Tăng cũng phải trải qua 81 kiếp nạn để tỏ rõ lòng thành, dâng lễ cho Phật tổ là bát vàng ngự ban mới thỉnh kinh về được. Cái gì cũng phải có cái giá của nó, có qua có lại mới toại lòng nhau.


Lại nói Tạ Liên, tín đồ của y cũng không hiểu y, không tin y, hoàn toàn quay lưng với y khi Tạ Liên thất bại, không chỉ quay lưng mà còn lăng nhục, sỉ vả đủ kiểu. Nhưng Tạ Liên không chọn quay lưng lại với chúng sinh như Quân Ngô. Y chọn tha thứ và tiếp tục tin tưởng. Sau bao biến cố xảy ra, Tạ Liên nhận ra chúng sinh y muốn cứu vớt không hề bội bạc vô tình, họ rất đơn giản, thiển cận, nhưng vẫn đầy ắp tình người. Chúng sinh không hiểu Tạ Liên và Quân Ngô nhưng đồng thời, 2 người họ cũng không hiểu nỗi lòng chúng sinh. Hai người họ từ nhỏ sống trong nhung lụa, lại phi thăng khi còn quá trẻ, chưa trải sự đời, quả thực còn quá non kém. Vì thế, Tạ Liên dùng 800 năm để tỏ tường hỉ nộ ái ố của dân chúng, phiêu bạt khắp nơi, làm đủ ngành nghề, chậm rãi nếm trải hương vị nhân gian. Vì thế mới có một Tạ Liên một thân võ nghệ trác tuyệt, ôn hòa, điềm tĩnh, thấu tình đạt lý, nhưng cũng thông tuệ, ngoan cường.


Thật ra, có một điều mình vẫn chưa tìm được lời giải thích hợp lý, đó là vì sao thần quan hiển linh, hiện hình trước mặt tín đồ lại vi phạm quy định? Tính tạo thần uy, bí hiểm hay gì? Theo mình tìm hiểu thì chỉ cần người đối diện không nhận ra mình thần quan, không để lộ thân phận thì có thể hiện hình thoải mái như Tạ Liên, Quyền Nhất Chân,... đã từng. Vấn đề này vô cùng mong ngóng ý kiến từ các bạn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro