V. Hờ hững

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

V. HỜ HỮNG

Ngày nay xã hội thay đổi thì con người cũng phải thay đổi để còn thích ứng được. Cũng chẳng cần phải xa xôi ngày nay ngày xưa, cứ so sánh ở thành thị và ở nông thôn thì đã khác hẳn rồi. Ở quê thì còn đỡ, tình làng nghĩa xóm con người vẫn còn thân thiện vui vẻ, chứ ở thành phố ai biết thân mình, không lại thành lo chuyện bao đồng.

Con người ta sống càng ngày càng thờ ơ và lạnh nhạt với nhau. Nghe thì có vẻ giống đề văn nghị luận xã hội mà các bạn hay làm, nhưng mà trong bài văn thì không thể nào viết một cách thoải mái như ở trên đây được. 

Hôm trước tôi có đọc một bài báo mà tôi vẫn còn nhớ. Cũng mới đây thôi, có khi các bạn cũng biết. Có anh thanh niên gặp tai nạn giao thông trên đường, bị thương cũng khá nặng, ngã sõng xoài ra đất, vậy mà vẫn lôi điện thoại ra nằm chơi giữa đường. Ừ thì lúc đầu đọc có vẻ thấy anh này chắc bị hâm hâm, nhưng mà sự thật thì là không một ai giúp đỡ, người ta chỉ bàng quan đứng nhìn, lạnh lùng vô tình như chả liên quan gì đến mình. Người ta bu vào xem đông lắm, người ta chỉ trỏ nhiều lắm, nhưng không một ai đứng ra đỡ anh ý dậy hay chỉ là gọi một cuộc cấp cứu giúp. Không một ai. Anh thanh niên phải tự lấy điện thoại ra để gọi cấp cứu. May là anh còn tỉnh mà tự gọi, chứ không có khi ngoẻo rồi. 

Thế mới nói bây giờ chỉ có tự mình cứu mình chứ trông chờ trông mong gì vào được ai. Người ta thích xem náo nhiệt lắm, nhưng ai cũng sợ rước phiền phức vào người. Người ta sợ đưa anh kia vào viện xong nhỡ đâu phải trả thay viện phí, hay sợ bị tố là gây ra tai nạn cho anh, có khi lại sợ trễ việc của mình, blah blah... Người ta nghĩ ra cả trăm thứ nguyên nhân có thể gây hại cho mình mà không biết:" Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp."

Bây giờ thì giá trị đồng tiền được đẩy lên cao, giá trị tình người thì bị đẩy xuống thấp. Người ta bon chen, giẫm đạp lên nhau, bày đủ các thủ đoạn để kiếm chút lợi lộc cho mình. Ừ thì ai bảo có tiền là có tất cả? Có tiền mua tiên cũng được. Thực tế chút đi. Thời buổi này không có tiền chả làm được cái gì, đi đâu cũng phải đút thêm tiền, làm gì cũng phải có tiền. Ngày trước tôi rất ghét đi bệnh viện, đi thăm người ốm cũng sợ, tại nhỡ đâu tự nhiên đang đi có ông bác sĩ nào đi qua bảo tôi có bệnh lôi vào khám phát hiện ra bệnh nan y sắp chết (đúng là có hơi nhảm thật), nhưng bây giờ nghĩ có tiền còn chả đến lượt khám nữa là có ông tự nhiên rảnh hơi đi khám miễn phí. Tất nhiên là khám thì có phí, nhưng người ta còn nghĩ ra đủ trò đủ thuốc đủ kiểu để moi thêm tí nữa.

Ngày trước thì hàng xóm với nhau suốt ngày chào hỏi giao lưu, bây giờ thì nhà nào nhà đấy đóng cửa kín mít, có khi còn chả nhìn thấy mặt nhau bao giờ. Chắc là người ta sợ trộm cắp nhỉ? Bước vào nhà là đóng sập cửa, không hé ra tí nào luôn. Người ta lạnh lùng và hờ hững với nhau, vì chả dám tin ai nữa. Đấy, đạp lên đầu người khác để sống thì tin nổi ai được.

Có lần tôi đi du lịch đến Phú Quốc. Đi qua chỗ Rạch Giá thì phải chuyển từ ô tô sang đi tàu (hay phà). Đến Rạch Giá có xe trung chuyển, nhưng không hiểu sao có mỗi nhà tôi bị 2 thằng xe ôm lừa. Nó bảo là không có xe trung chuyển, ô tô khách chỉ đi đến đây thôi. Bây giờ phải đi xe ôm tới bến tàu và nó sẽ giúp đặt vé tàu cho. Lúc đầu nó nói một giá, đến nơi nó đòi giá khác. Mẹ tôi thuộc dạng ghê nhưng có văn hoá, thế mà cuối cùng cũng phải chịu thua mà đưa thêm tiền cho nó. Nó cứ lì ra đấy nhất quyết không chịu đi, mẹ tôi bảo đi chấp với cái loại này có mà nhọc xác ra à. Về sau mẹ tôi cứ hối hận mãi, không phải tiếc mấy đồng bạc, mà ghét cái kiểu cư xử lừa đảo như vậy:" Biết thế gọi xừ công an ra giải quyết, bọn lừa đảo này cứ nghe thấy công an là chạy mất dép!" Người dân quê tưởng thật thà chân chất mới tin, vậy mà làm cho em một vố thế này lần sau có bố em cũng chả dám tin! Cũng được cái chuyến đi lần đấy cũng gặp được nhiều người tốt nên cũng nguôi ngoai bớt, chứ không thì có mà hỏng hết cả kỉ niệm.

Tôi thì lại cứ thích nhìn vào mặt trái vấn đề mà xoáy, nhưng bên cạnh không phải không tồn tại những con người tốt. Ví dụ như có những người hay để bình nước ngoài trời nắng nóng cho người đi lại uống, hay có những quán cơm chỉ có mức giá vài nghìn đồng cho người lao động,... Chuyện gì cũng có hai mặt của nó, xung quanh ta chắc chắn vẫn sẽ có những người lương thiện, nhưng tại vì người tốt thì ít mà người xấu thì nhiều, cho nên là ta cứ phải tin tưởng vào bản thân mình trước đã. 

Các bạn đọc mấy truyện tầm phào này của tôi thì cũng đừng có mất lòng tin quá, kẻo tôi lại thành đầu độc các bạn. Hãy cứ làm người tốt đi thì khắc sẽ có người tốt giúp đỡ lại mình. Nhưng mà tốt một cách mù quáng là thành khờ dại mà thiệt thân đấy, biết đâu người ta còn bảo mình giả tạo. Miệng lưỡi thế gian thì kinh rồi, nhưng đừng sống chết quan tâm làm gì cho mệt, nhỉ?



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro