C61-65

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lục Thời Khanh đứng ở nơi cách ba trượng, khóe môi hơi cong, đôi mắt phượng nghiêng nghiêng thoáng ý cười.

Cô nàng này tiến bộ tốt lắm, biết quay về chốn cũ nhớ nhung y rồi. Xuôi nam một chuyến cũng xem như không uổng phí.

Y ngầm tự đắc trong bụng, Nguyên Tứ Nhàn căn bản không nghe rõ y hỏi gì, chỉ thẫn thờ nhìn y.

Tuy vào khoảnh khắc chiến sự kết thúc, sợi dây luôn căng thẳng trong đầu nàng đã hoàn toàn buông lỏng, nhưng ý nghĩ muốn gặp Lục Thời Khanh cắm rễ trong lòng nàng chẳng những không giảm mà ngược lại ngày càng phát triển tươi tốt, dù nàng giận y không gửi tin về, ngoài mặt vờ như không quan tâm, vờ như tâm trạng tốt đi chơi đạp thanh, nhưng vẫn không thể nào tự dối gạt mình.

Bằng không sao lúc được hỏi muốn đi đâu, nàng lại bật thốt ra nơi này? Nàng không thể không thừa nhận, khao khát muốn gặp y của nàng đã bức thiết đến mức cần đi về chốn cũ để giải tỏa cõi lòng.

Nàng thật sự bị y bắt rồi.

Đêm giao thừa, cha chất vấn nàng, người khác đều có thể thay Đại Chu đi chịu chết, vì sao chỉ Lục Thời Khanh là không thể.

Lúc đó nàng không đáp được, vì chính nàng cũng nghĩ không thông, nền giáo dục mà nàng được tiếp nhận từ nhỏ đâu cho nàng nói ra những lời đại nghịch bất đạo như vậy. Đến hôm sau nghe a huynh nói câu "trong cuộc u mê", nàng mới đột nhiên tỉnh ngộ, hóa ra đáp án là: vì nàng thích y.

Vì thích, cho nên ích kỷ, cho nên khắp thiên hạ, nàng chỉ quan tâm tới sinh tử của y.

Mặt trời mọc rồi lặn, vật sinh rồi vật diệt, đều không liên quan với nàng. Núi sông rộng lớn, thiên địa bao la, nhưng trong mắt nàng chỉ có y.

Lục Thời Khanh, từ một núi dựa đã trở thành một người sống sờ sờ. Người đó hiện đang ở trước mắt nàng, cách nàng chưa tới ba trượng, nàng muốn ôm lấy y.

Mắt Nguyên Tứ Nhàn nóng lên, nàng lao ra khỏi phòng, chạy tới giang tay ôm chầm y.

Lục Thời Khanh bị cái ôm bất thình lình làm cho tim gan tê tái, sững sờ cụp mắt nhìn nàng, nghe tiếng nức nở nỉ non. Nàng nói khóc là khóc ngay, vùi đầu bên gáy y, nước mắt tuôn ào ào nhanh chóng làm ướt áo y, nàng rầu rĩ nói:

– Chàng còn biết về!

Lục Thời Khanh hoảng.

Lần này y xuôi nam, quả thực là đi vì cứu quốc, nhưng nếu không vì Nguyên gia, chưa chắc y đã chọn đích thân làm. Từ đầu đến cuối y luôn cảm thấy Nguyên Tứ Nhàn trông có vẻ nhiệt tình nhưng kỳ thực con tim sắt đá, nếu y giúp nàng làm chuyện mà một chỗ dựa nên làm thì có thể thừa cơ đòi lại chút gì đó, chẳng hạn như để nàng quýnh lên.

Bởi vậy suốt đường về, dù tim như lửa đốt, ngựa không dừng vó để có thể sớm về Trường An cầu hôn nàng, y không ngại ngày ngày ăn gió nằm sương, nhưng lại nhiều lần nhịn xuống cơn kích động muốn báo tin cho nàng.Nhưng giờ y hối hận rồi.

Lục Thời Khanh há miệng rồi lại đóng, đóng rồi lại há. Cái con người khi đối đầu với kẻ địch mạnh vẫn mồm mép láu lỉnh ấy, thế nhưng lại vì nước mắt của một người con gái mà một chữ cũng không nói được.

Sau khi trầm mặc hồi lâu, nước mắt Nguyên Tứ Nhàn cũng khóc khô. Nàng phục hồi tinh thần khỏi cảm xúc mãnh liệt ban đầu, cánh tay khẽ buông, ngửa đầu nhìn y, uất ức nói:

– Lục Thời Khanh, chàng quá vô tình vô nghĩa, không nói tiếng nào đã bỏ đi biệt tích, dọc đường về không báo tin đã đành, bây giờ ta khóc thành thế này mà chàng ngay cả ôm cũng không ôm ta hả?

Lục Thời Khanh lúc này mới ý thức được đầu mình như đơ lại, vội đưa tay ôm nàng. Cái ôm này khiến y cảm giác được tấm lưng nàng trong y phục gầy sọp đi, trước kia nó nhẹ nhàng yểu điệu còn giờ đây yếu ớt vô cùng.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vẻ mặt sững sờ của y, nàng giơ tay lau nước mắt, lòng khẽ hừ một tiếng. Hẳn là y đã nhận ra mặt nàng gầy đi chứ gì.

Nàng thút thít, oán trách:

– Chỉ ôm là xong hả? Nhiều nước mắt như vậy, chàng cũng không lau à?

Nói rồi nàng hất cằm cụp mắt, ra hiệu nước mắt trên mặt mình.

Quả thực khóc nước mắt như mưa, đôi mắt vốn ẩm ướt như sương mờ mông lung đã biến thành một cái ao, Lục Thời Khanh cuối cùng mở miệng nhìn nàng nói:

– Ta không có khăn.

Không có khăn thì không lau à, không có khăn thì không biết dùng tay à. Có phải y lại đang chê nàng bẩn không?

Nguyên Tứ Nhàn đang rít gào trong lòng thì chợt thấy Lục Thời Khanh siết chặt vòng tay đang ôm sau lưng nàng, sau đó cúi đầu áp đến chỗ cằm nàng, hôn lên.

Nói chính xác, là ngậm lấy giọt nước mắt còn ở đó chưa rơi xuống.

Y nói tiếp câu trên:

– Chỉ có thể lau như vậy.

Hàng mi Nguyên Tứ Nhàn khẽ run nhưng không nói lời chống cự mà thuận theo nhắm mắt, ngửa mặt ra vẻ muốn y hầu hạ.

Lục Thời Khanh hơi dừng lại, được cho phép liền dời lên trên môi, tiếp tục hôn nước mắt nàng, dịch chuyển từng chút một, chậm mà cẩn thận, từ gò má đến dưới mắt, rồi lại tới những nơi không hề có nước mắt như chóp mũi, mí mắt, trán.

Mỗi một nụ hôn đều như chuồn chuồn lướt nước, nhưng mỗi một nụ hôn đều tình thâm nghĩa trọng.

Trong những nụ hôn tới tấp của y, Nguyên Tứ Nhàn nghĩ, ban đầu mình bị Hứa Như Thanh gạt. Từ khi nghe đề nghị của nàng ấy, nàng liền xem chủ động ôm ấp thành thủ đoạn để tóm Lục Thời Khanh, bởi vậy mới chủ động hiến hôn, hoặc khi bị y hôn thì ỡm ờ lơ lửng.

Ý nghĩ muốn chinh phục y quá mạnh, che mất những rung động vốn có, khiến nàng quên một điều cực kỳ quan trọng: nếu mới bắt đầu, dù muốn lấy lòng y cỡ nào, nàng cũng tuyệt đối không đồng ý làm như vậy.

Nàng đồng ý, vì trong tiềm thức, nàng không coi sự thân mật thế này là hi sinh.

Sau nụ hôn trán cuối cùng, hầu kết Lục Thời Khanh lăn xuống, giọng khàn khàn:

– Lau xong rồi.

Nguyên Tứ Nhàn cau mày, tiếp tục nhắm mắt, giục:

– Chưa.

Nói xong, nàng chu môi ra hiệu.

Lục Thời Khanh thừa lúc nàng không thấy, không kìm được lặng lẽ cười, lại cúi đầu áp vào chóp mũi nàng, sau đó chạm nhẹ vào môi nàng.

Vậy là xong à? Nguyên Tứ Nhàn mở mắt, ánh mắt ai oán.

Trước đây y rõ ràng đâu phải hôn như thế, kiểu hôn như lên trời xuống đất, sói chạy hổ gào, dời non lấp biển đâu?

Lục Thời Khanh liếc xuống dưới trúc lâu, thở dài:

– Chờ ta móc mắt a huynh cô trước đã.

Trong lòng Nguyên Tứ Nhàn bỗng dâng cơn sóng lớn cuồn cuộn, nàng tránh khỏi y, quay đầu nhoài người bên lan can nhìn xuống dưới, thấy Nguyên Ngọc một tay bịt mắt, một tay ra dấu với bên trên ý bảo họ tiếp tục, từ từ lùi về sau.

Nàng nhăn mặt than thở, quên mất a huynh và mẹ cũng đang ở Phù Dung Viên.

Nguyên Tứ Nhàn quay đầu nhìn Lục Thời Khanh, thấy y nhìn mình chăm chú, lần này nàng hơi xấu hổ, ngẩng đầu nhìn trời, chỉnh lại tóc tai, sau đó tìm đề tài nói:

– Sao chàng tìm được Phù Dung Viên?

Y bất đắc dĩ đáp:

– Vì tới cửa cầu hôn nhưng phát hiện đàng gái không ở nhà.

– ...

Trời xanh ơi, nàng đã bỏ lỡ gì vậy nè.

Nguyên Tứ Nhàn vội nói:

– Ở nhà ở nhà, ở nhà ngay đây, đàng gái bây giờ sẽ về nhà.

Nói xong nàng co cẳng chạy.

Lục Thời Khanh dở khóc dở cười, bước nhanh mấy bước kéo cánh tay nàng:

– A huynh và mẹ cô có lẽ đã về trước rồi.

Ý là, nàng không có xe ngựa để về.

– Được rồi.

Nàng nhăn mặt, cảm thấy bước chân có gì đó là lạ:

– Vậy ta ngồi xe ngựa của chàng, cùng chàng đi cầu hôn...

Lên xe ngựa Lục Thời Khanh, nhìn bày trí bên trong, Nguyên Tứ Nhàn phát hiện hình như y căn bản chưa từng về nhà. Tức là, y phong trần mệt mỏi tới Trường An, dọc đường chỉ huy từ xa, sắp xếp người mai mối, sau đó đi thẳng đến phường Thắng Nghiệp.

Nhưng nàng đoán cái kẻ kín miệng như hũ nút lại còn mạnh miệng này đại khái sẽ không chủ động kể lể, bèn nói:

– Kỳ thực chàng có thể về nhà trước, không cần gấp vậy đâu, ta đâu có chạy.

Lục Thời Khanh nghĩ nàng đã đưa nhẫn ngọc tới Điền Nam luôn rồi mà bảo không chạy, chắp cánh bay phành phạch luôn thì có, nhưng ngoài mặt y cười giễu:

– Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy, ta chỉ là thực hiện lời hứa mà thôi.

Cứ nói nhảm đi. Điền Nam cách Trường An bao xa nàng quá rõ, y đi kiểu này đã gấp tới mức như muốn cưỡi gió luôn rồi.

Nghĩ tới đây, nàng không sợ gì cả:

– Đã nói lần sau gặp lại chính là cầu hôn, chàng có thể mãi mãi cũng không gặp ta nữa.

Lục Thời Khanh nghẹn không nói nên lời.

Mãi mãi không gặp? Nghĩ hay nhỉ. Trừ phi y chết.

Đến Nguyên phủ ở phường Thắng Nghiệp, Nguyên Tứ Nhàn vừa xuống thì thấy có một chiếc xe ngựa lớn dừng ở cổng phủ, hạ nhân đang dọn đồ từ bên trong xuống, gồm một con nhạn, một con cừu non và một hộc rượu kê mì gạo.

Đây là lễ vật đính hôn thuộc khâu nạp thái, nghi thức đầu tiên trong sáu nghi thức hôn lễ theo quy định của Đại Chu. Từ hoàng tử cho đến quan cửu phẩm đều có cùng một quy chế như nhau.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn sững sờ, quay đầu hỏi Lục Thời Khanh:

– Như vầy nhanh quá, cha ta chưa đồng ý mà, sao chưa gì chàng vội đưa lễ nạp thái qua rồi?

Y nhàn nhạt ừ:

– Ta công vụ bề bộn, làm một lần luôn. Không đồng ý thì tính sau.

Nguyên Tứ Nhàn liếc y, bước vào cổng phủ trước, chợt nghe một tiếng chó sủa, nàng ngước mắt thấy Tiểu Hắc phóng ra như đánh hơi được mùi của đồng loại, à không, là mùi của không phải nhân loại, liền bổ nhào về phía hạ nhân Lục phủ, muốn tha con chim nhạn trong tay hắn.

Hạ nhân kia không đề phòng một con chó săn đen to như vậy đột nhiên tập kích, tay run lên, kinh hãi quăng con nhạn lên cao.

Con nhạn sống đã bị trói cánh, không bay được, lên đến giữa không trung, sắp rơi xuống nát bấy thành nhạn chết.

Đây là muốn phá hôn sự mà.

Lục Thời Khanh cắn răng, hạ quyết tâm, tiến lên vươn tay ra.

Sau một tiếng vang "phịch", chim nhạn rơi vào ngực y, trên trời lác đác rơi xuống vài cọng lông nhạn đúng lúc hạ trên đỉnh đầu y.

Lục Thời Khanh đen mặt.

Nguyên Tứ Nhàn là ma chú của y, ma chú cả đời của y.

Tất cả những chuyện này đều xảy ra trong nháy mắt, Nguyên Tứ Nhàn sững sờ quay đầu, nhịn rồi lại nhịn nhưng không nhịn được, phì cười thành tiếng, cùng lúc đó, trong đầu nhanh chóng lướt qua cảnh trước đây y rơi xuống hồ sen chật vật.

Lục Thời Khanh oán hận lườm nàng, lại cúi đầu, không biết Tiểu Hắc từ khi nào đã vòng đến bên chân y, đang ngửa đầu háo hức nhìn con nhạn sống trong tay y.

Chó và nhạn, không tới mức sinh ra tình cảm chứ...

Y gian nan nuốt nước miếng, ôm nhạn chặt hơn, sau đó nghe một giọng nói sang sảng vang lên:

– Không sợ chó, không sợ bẩn, rất tốt, Lục thị lang, miễn cưỡng xem như qua được ải của ta, mời vào trong.

Lục Thời Khanh ngẩng đầu nhìn Nguyên Ngọc xa xa đang cười vô cùng muốn ăn đòn, y nhẫn nhịn:

– Đa tạ Nguyên tướng quân.

Nguyên Ngọc khoát tay:

– Không khách sáo, nể mặt cậu muốn gọi ta là đại cữu tử như vậy, ta đương nhiên nên quan tâm cậu nhiều hơn.

Lúc nói chuyện, hắn nhấn mạnh chữ "đại".

Lục Thời Khanh thật phiền cái bối phận đau đầu này, thế nhưng hôm nay đang ở dưới mái hiên, không thể không cúi đầu, y gật nhẹ đầu với hắn, bước chân cứng nhắc vòng qua Tiểu Hắc, giao nhạn sống vào lại tay hạ nhân.

Nguyên Tứ Nhàn đang định tiến lên giúp y lấy cọng lông chim trên đầu xuống thì bị Nguyên Ngọc gọi lại:

– Tứ Nhàn, muội vẫn còn mang họ Nguyên đấy, qua đây cho huynh.

Nàng đành cười xấu hổ với Lục Thời Khanh, sau đó theo a huynh rời đi.

Bà mai đã ở phòng chính ba hoa lời mai mối với Nguyên Dị Trực và Phùng thị, nói Lục Thời Khanh tướng mạo phi phàm thế nào, thanh niên tuấn kiệt hiếm thấy ra làm sao.

Theo quy củ, Nguyên Tứ Nhàn không thích hợp lộ mặt, nhưng nàng tò mò kết quả nên muốn đi nghe lén. Tiếc rằng cha nàng khôn khéo, chút kỹ xảo đầu trộm đuôi cướp của nàng miễn cưỡng dùng được ở chỗ khác chứ ở chỗ này nàng vừa tới sau cửa sổ liền bị hạ nhân kéo cánh tay đưa về phòng. Đợi người trong phòng chính đi hết, nàng mới ra dò hỏi.

Thập Thúy lập tức đến báo với nàng:

– Tiểu nương tử, thành rồi thành rồi, hôn sự của người và Lục thị lang thành rồi!

Cảnh này quả thực y như đậu trạng nguyên.

Nguyên Tứ Nhàn hỏi:

– Cha mẹ nói thế nào?

– Họ đồng ý với Lục thị lang trước tiên định ra hôn sự, sai người đi tính sinh thần bát tự của tiểu nương tử và ngài ấy, bốc quẻ cát hung, nhưng chuyến này vội vàng nên tạm thời chưa bàn ngày cưới cụ thể mà để bàn sau.

Chuyện bốc quẻ cát hung này thực ra là khâu thứ hai – lễ vấn danh trong sáu lễ, lẽ ra do Lục Thời Khanh tới lần thứ hai mới làm, nhưng Nguyên Dị Trực đã ở lại Trường An hơn một tháng, tình hình Điền Nam lại là vừa kết thúc chiến tranh, ông sợ không có nhiều thời gian để dây dưa tiếp, bèn dứt khoát thỏa mãn ý Lục Thời Khanh, hai lễ gộp làm một.

Nguyên Tứ Nhàn ờ, thầm nghĩ chắc chắn là cát, đăm chiêu gật đầu, lại hỏi:

– Lục Thời Khanh đâu?

Lục Thời Khanh đang ở ngoài cổng Nguyên phủ. Nguyên Dị Trực theo y vào trong xe ngựa, thấy y đưa lại khối ngọc đế hoàng hình trăng khuyết ban đầu.

Ban nãy nhiều người phức tạp, Lục Thời Khanh không có cơ hội giao cho ông, trước khi đi y đưa mắt ra hiệu nên ông mới đi theo.

– Dù chưa phát huy tác dụng nhưng vẫn cảm tạ ngài đối đãi như thế với Lục mỗ.

Lục Thời Khanh đưa ngọc xong nói.

Nguyên Dị Trực không có biểu cảm gì:

– Đều là vì Tứ Nhàn thôi. Nếu cậu thật lòng cảm kích thì hãy kín miệng như bưng với nó, cả huynh trưởng và mẫu thân nó nữa. Họ đều không biết chuyện khối ngọc này.

Lục Thời Khanh cụp mắt cười:

– Lục mỗ hiểu.

Nguyên Dị Trực gật đầu xuống xe ngựa. Lục Thời Khanh cũng thức thời, không quay lại chào Nguyên Tứ Nhàn mà bảo phu xe đi về hướng phường Vĩnh Hưng, vừa đến Lục phủ liền dặn Tào Ám mang sinh thần bát tự của hai người đi bốc quẻ hỏi cát hung.

Chuyện bốc quẻ này vốn nên giao cho Tuyên thị làm, Tào Ám không hiểu sao y lại nóng ruột như vậy, hắn lĩnh mệnh rời đi mãi đến hoàng hôn mới về, dâng lên một tờ giấy với vẻ mặt nghiêm trọng.

Lục Thời Khanh vừa nhìn vẻ mặt hắn liền biết đại khái kết quả, mở giấy ra nhìn, quả nhiên thấy bên trên là một chữ "hung".

Tào Ám giải thích:

– Lang quân, tiểu nhân giở trò vô lại, bốc liên tiếp cho ngài bốn quẻ, nhưng không ngờ quẻ nào cũng hung, dựa theo sinh thần bát tự thì Lan Thương huyện chúa đúng là khắc ngài đấy ạ.

Lục Thời Khanh cười nhạt, đưa tờ giấy tới ngọn đèn bên cạnh cho bén lửa cháy hết rồi lấy một tờ giấy khác, nhấc bút nhúng mực, vẽ từng nét từng nét: ngang, dọc, ngang, dọc, ngang, dọc, ngang.

Lát sau, y đưa tờ giấy bắt chước xong giao cho Tào Ám:

– Trong số mệnh của ta và nàng không có nét chấm phẩy gì hết, chỉ có ngang với dọc thôi, cầm đưa cho Nguyên gia. (1)

(1) Lục Thời Khanh sửa chữ 'hung' () thành chữ 'cát' ().

---------

Dặn dò xong, y hỏi:

– Chuyện nhẫn ngọc có kết quả chưa?

Tào Ám vội nói:

– Dạ tra được rồi, thưa lang quân. Nhẫn ngọc đó được làm từ một khối ngọc thô do Nam Chiếu cống lên, không phải đồ của huyện chúa mà là đồ của nàng ấy hỏi xin Thiều Hòa công chúa.

Lục Thời Khanh nghe vậy thoáng sửng sốt.

Ban đầu lúc nhìn thấy nhẫn ngọc này ở quân doanh Nam Chiếu, y đương nhiên đoán được là do Nguyên Tứ Nhàn nghĩ cho an nguy của y nên mới tặng Tế Cư, bằng không thì đêm đó hai quân giao chiến sẽ không dễ dàng kết thúc như thế, lời đàm phán của y cũng không thuận lợi thốt ra khỏi miệng.

Nhưng y không hiểu một cái nhẫn ngọc sao lại khiến Nam Chiếu chọn đình chiến. Liên tưởng đến lời Nguyên Tứ Nhàn từng nói, lần đầu nàng và Tế Cư gặp nhau là vào một buổi hoàng hôn đi chơi xuân, nghe rất gì và này nọ, thế là y không khống chế được tự phác thảo trong đầu 17 18 phiên bản câu chuyện yêu đương, cuối cùng cho ra kết luận: nhẫn ngọc này có lẽ là tín vật mà Tế Cư giao cho nàng, thấy nhẫn như thấy người, sẽ đổi được Tế Cư đồng ý vô điều kiện với một yêu cầu của nàng.

May mà sự thực chứng minh, trí tưởng tượng của y quá phong phú.

Y hơi suy nghĩ, biết được ngọn nguồn phía sau cống phẩm thì cong môi bật cười, nói:

– Ta biết rồi, ngươi lui xuống làm việc đi, nghĩ một bản lời bói quẻ giao cho lão phu nhân xem.
Hôm sau, lúc Nguyên Dị Trực nhận được lời bói quẻ mà Lục phủ đưa đến, ông và Phùng thị nhìn nhau thở dài.

Chuyện sinh thần bát tự hợp hay không hợp, đương nhiên không phải do một nhà nói. Hôm qua sau khi hai bên trao đổi canh thiếp, Nguyên gia cũng đã sai người đi bốc quẻ, kết quả đúng là quẻ hung như Lục Thời Khanh lấy được lúc đầu: nhà trai không xung nhà gái, nhưng nhà gái đúng là khắc chắc nhà trai.

Lúc bốc được quẻ hung, hai vợ chồng đều cảm thấy hôn sự này e không thể thành. Dù Lục Thời Khanh có tâm đến mấy nhưng Lục gia còn có trưởng bối ở đó, Tuyên thị xưa nay một lòng tin Phật sao có thể cho phép rước con dâu như vậy về nhà? Nhưng không ngờ Lục phủ đưa tới lại là quẻ cát mỹ mãn.

Bốc quẻ vì thiên thời mà sẽ có sai lệch nhỏ bé, nhưng sinh thần bát tự là thứ bất biến, đâu tới mức đổi trắng thay đen? Cách giải thích duy nhất là, Lục Thời Khanh tự ý đổi quẻ, lừa Tuyên thị.

Lần này, hai vợ chồng đều do dự. Ý Lục Thời Khanh đã rất rõ ràng, chính là nói rõ y không hề để ý mệnh lý hay số mệnh, nhưng họ là người biết chuyện, sao có thể yên tâm thoải mái gả nữ nhi đi?

Nguyên Dị Trực hỏi:

– Chuyện này vẫn chưa nói với Tứ Nhàn phải không?

Phùng thị lắc đầu. Con bé hôm qua sướng điên lên, sao bà nỡ đả kích con bé chứ.

Nguyên Dị Trực gật đầu:

– Đích thực không nói là tốt. Nếu Tử Chú đã quyết tâm, bây giờ chúng ta vạch trần là phá rối uyên ương, dù sao hai đứa nó vẫn chưa thành thân, chúng ta cứ theo dự tính ban đầu, tạm hoãn ngày cưới, quan sát trước đã rồi tính sau.

Hôm qua sở dĩ Nguyên Dị Trực yêu cầu dời ngày cưới lại bàn sau đương nhiên không phải xuất phát từ nguyên do "vội vàng". Mà vì tình thế Đại Chu bây giờ thực quá phức tạp, Lục Thời Khanh là thần tử được thánh nhân sủng ái nhất nhưng thực tế lại lặng lẽ thao túng triều cục, âm thầm nâng đỡ Trịnh Trạc, những ngày tháng mũi đao liếm máu như vậy không thể kết thúc một sớm một chiều, Nguyên Dị Trực chung quy không thể hoàn toàn yên tâm giao nữ nhi cho y. Song, ông cũng thực sự bị thành tâm và những gì Lục Thời Khanh bỏ ra làm dao động, nên mới tạm đồng ý đính hôn.

Phùng thị hỏi:

– Hôm qua chàng chưa biết quẻ này là cát hay hung mà đã đề nghị tạm hoãn ngày cưới, là có điều gì lo lắng à? Chàng trai Lục gia đó có gì không ổn sao?

Nguyên Dị Trực thoáng im lặng.

Ông trước giờ không muốn bàn chuyện triều đình với Phùng thị và con cái, một là sợ họ biết càng nhiều càng nguy hiểm, hai là sợ họ nhọc tâm, lo nhiều hại thân, cho nên ông luôn thể hiện như ngoan cố bảo thủ, một tấm lòng son chính trực, thậm chí hơi ngu trung. Nhưng thực tế, thánh nhân đùa bỡn quyền mưu hay các đảng phái trong triều mọc lên như nấm, ông đều rõ cả. Ông trung thành với Đại Chu nhưng không phải hoàn toàn không biết ứng biến.

Nguyên Dị Trực trầm mặc rồi vẫn lựa chọn che giấu, nói dối:

– Không phải không ổn, chỉ là thực sự quá vội. Chúng ta quanh năm không ở kinh thành, cũng chưa hiểu rõ cậu ta, quan sát nhiều hơn là để tốt cho Tứ Nhàn.

Nói xong, ông thở dài trong bụng.

Kỳ thực không cần quan sát nữa. Lục Thời Khanh đối đãi với Nguyên Tứ Nhàn thế nào, ông đã nhìn khá rõ. Nếu đã như vậy, ông cũng tuyệt đối không phụ bạc tiểu tử đó. Thánh nhân kiêng kỵ ông tới mức này, ép ông không thể không chọn minh chủ để thờ, mà Trịnh Trạc lại đúng là một người hiếm thấy trong hoàng thất lòng mang trăm họ dân sinh, vậy thì, ông sẽ giúp Lục Thời Khanh chút sức, toàn lực ủng hộ những gì cậu ta ủng hộ.

Nghĩ tới đây, ông chợt nghe ba tiếng gõ cửa, hỏi mới biết là hai huynh muội tới.

Nguyên Tứ Nhàn và Nguyên Ngọc sau khi vào thì đùn đùn đẩy đẩy như có điều muốn nói nhưng không biết mở miệng thế nào, đều ép người kia nói trước. Cuối cùng vẫn là muội muội véo mạnh eo huynh trưởng, đẩy hắn lên.

Nguyên Ngọc lảo đảo bị đẩy ra, đành trưng mặt cười ha ha với Nguyên Dị Trực và Phùng thị, nói:

– Thưa cha thưa mẹ, con và Tứ Nhàn có chuyện muốn nói với hai người ạ.

Hơn một tháng nay, hai huynh muội đã nhiều lần muốn bàn chuyện triều đình với Nguyên Dị Trực, bàn về hướng đi tương lai của Nguyên gia, xem liệu có thể đổi giấc mơ hoang đường thành một cách nói khác có thể khiến ông chấp nhận và tin tưởng hay không, để nhắc nhở ông có phòng bị trong lòng, đừng tiếp tục chính trực mù quáng nữa, nhưng lần nào họ mở miệng cũng bị cưỡng chế cấm vọng ngôn bàn về quốc sự.

Thấy cha mẹ mai về Điền Nam, thư từ qua lại sau này sẽ bị thánh nhân giám thị, giờ mà không nói thì không còn cơ hội nữa, hai người mới lấy dũng khí, chuẩn bị thử nghiệm lần cuối cùng.

Nguyên Dị Trực liếc hắn:

– Có gì thì nói, ấp a ấp úng ra thể thống gì.

Nguyên Ngọc thầm nghĩ hắn ấp a ấp úng chẳng phải vì sợ nói ra sẽ bị đánh sao, hắn nhìn Nguyên Tứ Nhàn rồi dựa theo cách nói "vòng vo cứu nhà" mà trước đó đã thương lượng xong, uyển chuyển nói:

– Dạ thưa cha, là thế này ạ, cha có điều không biết, lúc Tứ Nhàn mới tới Trường An, trong triều có lục hoàng tử và cửu hoàng tử đều thi nhau lấy lòng muội muội. Nhưng lúc đó thái độ của thánh nhân rất kỳ lạ, hình như không chịu để cửu hoàng tử dính líu quá nhiều với muội muội, nhưng lại có ý muốn để lục hoàng tử cưới muội muội.

Nguyên Dị Trực hơi nhướng mày.

Nguyên Tứ Nhàn nói tiếp:

– Ban đầu con và a huynh không hiểu, nhưng sau đó thì có đáp án. Điều này là vì thánh nhân thương cửu hoàng tử nhưng không thương lục hoàng tử. Với uy vọng của Nguyên gia chúng ta, bất luận hoàng tử nào có dính dáng với con đều sẽ khiến các hoàng tử khác kiêng kỵ. Xét tình cảm thì cửu hoàng tử vốn yếu ớt nhiều bệnh, thánh nhân không nhẫn tâm để ngài ấy tham gia vào mạch nước ngầm trong triều. Xét triều cục thì mẫu thân ngài ấy đứng hàng tứ phi, thế lực ngoại thích lớn, cũng nên ngăn chặn việc qua lại thân thiết với Nguyên gia chúng ta.

Sắc mặt Nguyên Dị Trực càng lúc càng khó coi.

Nguyên Ngọc cười ngăn ông:

– Cha, cha khoan giận, để Tứ Nhàn nói hết đã.

Nguyên Tứ Nhàn kiên trì nói tiếp:

– Nhưng lục hoàng tử thì khác. Sau khi tiên thái tử bị phế, trong triều, nhị hoàng tử và Bình vương mỗi người chống nửa mảng trời, thánh nhân lo lại xuất hiện người thứ hai có ý đồ uy hiếp sớm kéo ông ta xuống khỏi long tọa, bèn làm chút công phu ngoài mặt, giả vờ bồi dưỡng một nhi tử để cân bằng hai thế lực này. Dù sao xưa nay chỉ có tam giác mới là vững chắc nhất. Cho nên ông ta chọn lục hoàng tử làm con cờ này, làm lá chắn.

...

– Nguyên nhân rất đơn giản. Một, nhà mẹ của lục hoàng tử là một thương hộ sa sút, thế đơn lực mỏng, không có chỗ dựa. Hai, hắn không ham danh lợi, không có hành vi khoa trương, cũng không được lòng triều thần.

Nói tới đây nàng hơi khựng lại:

– Ít nhất bề ngoài là vậy.

...

– Chỉ cần con và lục hoàng tử định ra hôn sự, thì các triều thần, bao gồm nhị hoàng tử và Bình vương đương nhiên sẽ chú ý tới hắn, đảng phái đương nhiên cũng sẽ có sự phân luồng. Mà một khi lục hoàng tử thật sự nổi lên tâm tư bất chính, hoặc đến mức không thể khống chế, thánh nhân sẽ dùng thủ đoạn để phá hủy mối hôn sự này.

Ví dụ như kiếp trước, nàng tin trong mưu gian của Khương gia cũng có ý của thánh nhân. Bằng không chỉ dựa vào tỷ muội Khương thị trong ứng ngoài hợp, e chưa tới mức khiến Trịnh Trạc trúng chiêu. Hẳn là sau khi hắn chuyển từ trong tối ra ngoài sáng đã khiến thánh nhân cảm nhận được uy hiếp, từ đó mượn tay Khương gia ly gián hắn và Nguyên gia.

Nguyên Dị Trực cau mày:

– Hai huynh muội con vòng vo nhiều như vậy, rốt cuộc muốn nói gì cứ nói thẳng.

Nguyên Tứ Nhàn cười xấu hổ:

– Con muốn nói, cha xem, thánh nhân đối với nhị hoàng tử và Bình vương là e ngại và kiêng kỵ, đối với lục hoàng tử là khống chế và lợi dụng, đối với cửu hoàng tử là bảo vệ và yêu thương. Mấy hoàng tử này, thực ra không ai là ứng viên thái tử chân chính trong lòng thánh nhân. Vậy, trong triều còn lại ai? Không phải chính là thập tam hoàng tử sao?

Nguyên Tứ Nhàn nói xong liền thở phào nhẹ nhõm. Nói thẳng là nàng mơ thấy thập tam hoàng tử đăng cơ thì quá vô căn cứ, trước mắt cuối cùng cũng nói xong có lý lẽ đường hoàng rồi.

Nguyên Dị Trực trầm mặc rất lâu mới nói:

– Là kẻ làm cha đây vô dụng, khiến một cô nhóc như con cả ngày suy nghĩ những thứ này.

Nàng trấn an:

– Cha, con thông minh như vậy, suy nghĩ nó không hề tốn sức đâu ạ!

– Điều con nói, cha đều hiểu cả. Nếu con thật bận tâm những thứ này thì cha không giấu con nữa.

Nói xong ông thở dài. Ông vốn muốn tránh cho con cái tham gia vào tranh đấu triều chính nhưng Nguyên Tứ Nhàn phân tích mạch lạc rõ ràng như vậy, hiển nhiên dính dáng đã sâu, nếu còn giấu tiếp, e ngược lại sẽ khiến nàng rơi vào nguy hiểm, đi sai đường.

Ông do dự một lát, cuối cùng như hạ quyết tâm, nhìn Phùng thị luôn im lặng ở bên cạnh, sau đó nói:

– Quả thật, thánh nhân có lẽ có ý để thập tam hoàng tử kế vị, nhưng triều cục chưa chắc sẽ phát triển theo hướng đó, dù là thánh nhân tôn quý cũng có thứ không thể nào khống chế, đó chính là lòng người. Kẻ được lòng người sẽ có được thiên hạ, theo tình thế hiện nay, cha tin rằng, người có được lòng người, tuyệt đối không phải thánh nhân, cũng không phải thập tam hoàng tử tuổi còn quá nhỏ, mà là người bị xem như quân cờ và lá chắn, có thể tùy tiện vứt đi mà con nói: lục hoàng tử.

Lời Nguyên Dị Trực vô cùng gọn gàng dứt khoát, thể hiện tâm của ông hướng về Trịnh Trạc.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn lập tức nghẹn đơ tại chỗ, đưa mắt ra hiệu với Nguyên Ngọc cũng đang chấn động, đờ người chốc lát.

Kiếp này Trịnh Trạc rõ ràng không còn liên quan gì với nàng nữa, vì sao Nguyên gia vẫn đi con đường ấy?

Hôm sau, phu thê Điền Nam vương khởi hành rời kinh, Nguyên Tứ Nhàn do đã định ra hôn sự với Lục Thời Khanh nên không về Điền Nam nữa mà ở lại.

Hai huynh muội tiễn cha mẹ ra khỏi thành xong về phường Thắng Nghiệp, vừa tới Nguyên phủ thì thấy Tào Ám chờ ở trước cửa, thấy Nguyên Tứ Nhàn, Tào Ám vội tiến lên nói:

– Thưa Lan Thương huyện chúa, lang quân sai tiểu nhân mang đồ cho huyện chúa ạ.

Nàng sững sờ, cúi đầu nhìn thiệp mời nhũ vàng trong tay hắn:

– Đây là?

Tào Ám cười nói:

– Thưa, bốn ngày sau, ngày 14 tháng 2 là tiệc lưu thương (1) do lục hoàng tử tổ chức, ngài ấy mời lang quân và huyện chúa đi dự tiệc. Huyện chúa xem, người có định đi không ạ?

(1) Lưu thương (lưu thương khúc thủy): một thú vui xưa của các văn nhân mặc khách, mọi người tụ tập bên con suối, thả ly rượu từ đầu nguồn trôi theo dòng nước, ly rượu dừng ở chỗ người nào thì người đó phải làm thơ hoặc thực hiện yêu cầu của trò chơi.

---------

Vừa có thể gặp Lục Thời Khanh vừa có thể thăm dò phủ hoàng tử, Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên đi, nhưng nàng hơi hiếu kỳ:

– Lục hoàng tử tổ chức tiệc lưu thương, sao lại là lang quân nhà ngươi đưa thiếp mời cho ta?

– Thưa, hạ nhân của phủ hoàng tử tới phường Vĩnh Hưng trước, lang quân lấy luôn thiếp mời của huyện chúa, bảo tiểu nhân đưa thay ạ.

Nói tới đây, Tào Ám hắng giọng:

– Ý của lang quân là, nay đã khác xưa, sau này người lạ có mời gì đều phải qua tay lang quân trước, sau đó lang quân sẽ ra mặt cho huyện chúa...

Ai cho y quy định? Vị hôn phu này vượt quyền quá đấy.

Nguyên Tứ Nhàn mắng "nhỏ nhen" nhưng khóe môi lại cong cong.

Nguyên Ngọc nhìn hết nổi, tức giận nói với Tào Ám:

– Thiệp mời của ta đâu? Cũng bị lang quân nhà ngươi lấy à?

– Thưa không phải ạ, là bị lang quân cất rồi.

Tào Ám cười xấu hổ, giải thích:

– Lang quân nói, Nguyên tướng quân công vụ bộn bề, vả lại cũng không phải người thích thơ văn, hà tất đem chuyện vô vị này tới quấy rầy ngài.

Nguyên Ngọc suýt tức xì khói, thế mà Nguyên Tứ Nhàn cũng không có ý ra mặt thay hắn, nàng trầm ngâm nói:

– Phải đấy, a huynh ngày nào cũng phải đi dạo cùng Tiểu Hắc, quá vất vả, cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đi.

– ...Nàng vỗ vai huynh trưởng tỏ ý an ủi, ôm thiệp mời dặn Tào Ám:

– Bảo lang quân nhà ngươi tới đón ta sớm nhé.

Ngày 14 tháng 2, Lục Thời Khanh đến quá sớm. Nguyên Tứ Nhàn còn đang say giấc thì bị Thập Thúy gọi dậy, nghe nói y đã đợi ngoài cổng phủ.

Nàng ngồi ngẩn ngơ trên giường chốc lát, nhìn trời tang tảng sáng mới dần lấy lại sức.

Lúc nãy nàng lại nằm mơ.

Giấc mơ lần này nhảy tới nhiều năm sau khi nàng chết, vào đêm trước khi thập tam hoàng tử đăng cơ. Nàng nghe bách tính bàn tán:

– Nghe nói chưa? Đêm qua cung Đại Minh xảy ra bạo loạn, thi thể khắp nơi, máu chảy thành sông... Lục trung thư đúng là đủ ác.

Lại có người nói một cách thần bí:

– Y ác cũng đâu phải ngày một ngày hai. Mấy năm nay, các hoàng tử trong triều người thì chết, người thì tàn phế, bây giờ nhìn lại, có cái nào không phải là tác phẩm của y? Theo ta thấy, lục hoàng tử trước đây chết đột ngột, e cũng không thoát khỏi liên quan tới y.

Người trước đó tiếp tục cảm khái:

– Phải đấy, đợi mai thập tam hoàng tử đăng cơ, ấu đế chính là một con rối, tể phụ như y lại càng muốn gió được gió, muốn mưa được mưa. Nói không chừng qua không lâu nữa, giang sơn Đại Chu phải đổi họ...

– Suỵt!

Có một giọng nói ngắt lời hai người:

– Ngậm miệng, chớ bàn quốc sự.

Nguyên Tứ Nhàn nghe đến đó thì bị đánh thức.

Thập Thúy thấy nàng hai mắt đăm đăm ngơ ngẩn, bèn nhắc nhở nàng lần nữa:

– Tiểu nương tử, Lục thị lang đã chờ người bên ngoài ạ.

Nàng ừ, từ từ vén đệm chăn.

Bây giờ là Lục thị lang, sau này là Lục trung thư.

Nàng nhiều lần hồi tưởng lại lời trong giấc mơ, như người mộng du trang điểm xong, ra khỏi viện gặp Nguyên Ngọc, có lẽ thấy tinh thần nàng sa sút, hắn hỏi nàng làm sao.

Nàng thoái thác:

– Không có gì, muội ra ngoài đây.

Nguyên Ngọc để nàng đi mấy bước, thấy bước chân nàng chậm chạp như có điều không ổn, hắn lại ngăn nàng lần nữa, nhỏ giọng hỏi:

– Bộ dạng chưa tỉnh ngủ này của muội, không phải lại mơ gì kỳ lạ nữa chứ?

Nguyên Tứ Nhàn do dự chốc lát, thực sự lòng bức bối hoảng hốt, bèn nói với Thập Thúy:

– Bảo Lục thị lang chờ ta thêm một lát, ta có mấy lời muốn nói với a huynh.

Nói xong nàng theo Nguyên Ngọc về thư phòng, lời ít ý nhiều kể rõ nội dung mới trong giấc mơ.

Nguyên Ngọc nghe cũng kinh hãi, thầm nghĩ thảo nào muội muội mất hồn mất vía như vậy, ngập ngừng nói:

– Nói vậy, Lục Tử Chú có lẽ tham mộ quyền thế nên mới phò tá thập tam hoàng tử đăng cơ?

– Sao có thể chứ!

Nguyên Tứ Nhàn nói như đinh đóng cột, xong mới lẩm bẩm:

– Chàng không phải loại người đó...

Nguyên Ngọc khó xử nói:

– A huynh chưa nói Lục Tử Chú chắc chắn không tốt, nhưng con người y tâm cơ thâm trầm là thật. Muội cứ nhìn những gì y làm hơn nửa năm nay là biết, thứ nhất y không trung thành tuyệt đối với thánh nhân, thứ hai y không dựa dẫm nhị hoàng tử và Bình vương, lại nói theo giấc mơ thì vấn đề lục hoàng tử chết đột ngột... e rằng y thực sự dính líu quá nhiều, khó đảm bảo không phải hạng người lòng lang dạ sói. A huynh chỉ nhắc nhở muội, đừng bị tình cảm làm mê muội đầu óc, kẻ đứng trước mặt muội chưa chắc là y chân chính.

– Theo lời huynh nói, mắt thấy chưa chắc là thật, vậy tai nghe há chẳng phải càng hư vô sao?

Nàng tranh cãi:

– Lời của mấy bách tính phố phường thì có thể chứng minh được gì? Ép vua thoái vị hay lật đổ mấy hoàng tử đều là thủ đoạn mà họ thấy, nhưng sao có thể biết mục đích của y rốt cuộc là công hay tư? Nếu nhiều năm về sau, xác thực là thánh nhân bất nhân, các hoàng tử đều vô dụng, thì dù giang sơn đổi họ cũng có hề chi?

Dứt lời, nàng chợt đứng dậy:

– Muội đi đây.

Sau đó nàng đi ra ngoài phủ, đến trước xe Lục Thời Khanh, vén màn xe y.

Vì đang giận nên động tác của nàng hơi mạnh. Lục Thời Khanh đang ở bên bàn viết công văn ngước mắt lên khó hiểu, hỏi:

– A huynh nàng cho nàng uống thuốc độc à?

Nguyên Tứ Nhàn không muốn để một chuyện mà hiện tại vẫn là hư vô không có thật làm hỏng tâm trạng, bèn nói:

– Lần đầu xuất hiện với tư cách vị hôn thê, đương nhiên ta phải nhiệt tình như lửa chứ.

Còn bày đặt nhiệt tình như lửa. Lục Thời Khanh liếc nàng, đẩy một bát cháo loãng bên tay qua, ra hiệu nàng ăn:

– Tự nếm thử xem ta đợi bao lâu rồi.

Ý là đợi tới mức cháo cũng nguội luôn đấy.

Nguyên Tứ Nhàn đến chỗ y ngồi, nếm một ngụm nếm thử mùi vị, sau đó múc một muỗng đưa đến bên miệng y:

– Độ nóng rất vừa, không tin chàng thử xem.

Lục Thời Khanh cúi đầu nhìn cái muỗng nàng từng nếm, nhất thời đơ ra.

Thấy y không chịu, nàng nói "không ăn thì thôi" rồi đưa muỗng vào miệng mình.

Lục Thời Khanh từ lâu đã phá lệ với nàng, chỉ là y mang bệnh sạch sẽ nhiều năm, gặp cảnh như vậy sẽ vô thức lưỡng lự mà thôi, ai ngờ nàng lại từ bỏ nhanh như vậy, đến mức y chỉ kịp thấy nàng đưa muỗng cháo vào miệng, sau đó để lại một giọt nước nhỏ nơi khóe miệng.

Giọt nước trắng sữa treo trên bờ môi đỏ hồng giống như trong nháy mắt tiếp theo sẽ bị nàng cắn vào trong miệng, ý niệm của Lục Thời Khanh vừa động liền cảm thấy miệng khô lưỡi khô, y sáp qua, nhanh chóng ngậm giọt nước kia vào miệng.

Tim Nguyên Tứ Nhàn cũng lay động theo, nàng chợt cảm thấy trong xe chật chội nhỏ hẹp hơi khó thở, thì thấy Lục Thời Khanh đã ngồi đoan chính lại, tiếp tục viết công văn, chỉ là dưới ngòi bút quẹt ra một gợn sóng nhỏ.

Sau đó nàng nghe y giả vờ đạm nhạt nói:

– Lãng phí lương thực là đáng xấu hổ.

Xe ngựa không rộng rãi như nơi khác, thân mật chút xíu cũng có thể khiến người khác nóng tai, đáy lòng Nguyên Tứ Nhàn thầm oán y tìm cớ thật giỏi, nhưng ngoài mặt nàng lại thuận theo ý y, vờ như không có gì, ờ một tiếng tỏ ý đã biết, sau đó ngẩng đầu nhìn nóc xe, liếc thành xe, rồi tiếp tục húp cháo.

Chờ xe ngựa lộc cộc ra khỏi phường Thắng Nghiệp, Nguyên Tứ Nhàn thấy không phải đi về hướng phủ đệ Trịnh Trạc mới mở miệng hỏi:

– Lục hoàng tử ở phường An Hưng mà?

Hỏi xong, hình như nàng mới nhớ ra:

– Ngài ấy thiết yến buổi chiều nhỉ, sớm thế này chàng dẫn ta đi đâu?

Dứt lời, nàng nhìn Lục Thời Khanh với ánh mắt hơi mong đợi.

Nhưng đáp án của y rất đường hoàng:

– Có mấy công văn muốn giao cho thánh nhân, tới tới lui lui rất phiền toái nên nàng đi cùng ta đi.

– ...

Đúng là chưa từng thấy ai không có tình thú hơn Lục Thời Khanh. Nàng than thở trong lòng, ai oán:

– Chỉ là một quan tứ phẩm thôi mà, cần mẫn như thế làm gì chứ.

Nói lời này, nàng chợt nhớ tới giấc mơ, nửa đùa nửa thật:

– Hôm qua ta mơ một giấc mơ lạ, mơ tới rất nhiều năm sau, chàng làm một đại quan.

Lục Thời Khanh thoáng sửng sốt:

– Rất nhiều năm sau? Vậy nàng thì sao?

Nguyên Tứ Nhàn đơ. Nàng cho rằng Lục Thời Khanh chắc chắn sẽ hỏi y làm quan gì, không ngờ y lại quan tâm khi bản thân phú quý thì nàng đang ở đâu.

Một người như vậy sao có thể tham mộ quyền thế chứ.

Nàng bình tĩnh nhìn y, cuối cùng không nói thật mà qua một lát mới cười nói:

– Ta í hả, đương nhiên là làm phu nhân của đại quan rồi, còn cần hỏi à?

Lục Thời Khanh hình như cũng chỉ xem như nàng đang đùa, y cong khóe môi, đổi chủ đề:

– Ta đưa công văn cho thánh nhân xong còn phải đến chỗ thập tam hoàng tử đọc sách, nàng thấy chán thì tự đi dạo trong cung đi.

Nguyên Tứ Nhàn luôn muốn tiếp xúc với Trịnh Hoằng, chỉ là không tìm được cơ hội, trước mắt sao từ bỏ được, vội nói:

– Ở bên chàng thì đi đâu cũng không chán!

Nàng đã trêu y riết quen, mấy lời sến súa mở miệng là có, Lục Thời Khanh liếc nàng:

– Ta còn đến Môn hạ tỉnh một chuyến lo công vụ, nàng cũng đi cùng?

Nguyên Tứ Nhàn lập tức lộ nguyên hình:

– Ồ thế à, thế ta không đi, ta ở lại Hàm Lương điện giúp chàng trông thập tam hoàng tử.

Lúc Lục Thời Khanh và Nguyên Tứ Nhàn đến Hàm Lương điện, Trịnh Hoằng đang cùng cung nhân thả diều, vui vẻ chạy qua chạy lại, đầu toát mồ hôi ướt đẫm, thấy hai người còn vẫy lại chơi chung.

Nói chính xác là vẫy Lục Thời Khanh. Trịnh Hoằng mới 5 tuổi, chỉ từng gặp Nguyên Tứ Nhàn một lần hồi năm ngoái, hình như không nhớ ra nàng.

Nhưng Lục Thời Khanh đương nhiên không phải người sẽ chơi thả diều với trẻ con, y cho cung nhân lui hết, sau đó cho Trịnh Hoằng làm bài tập, cúi đầu nhìn cậu bé có vẻ mặt không vui, nói:

– Thần hiện tại phải đi làm việc, xin điện hạ tự ôn bài, đợi thần về sẽ kiểm tra.

Trịnh Hoằng lẩm bẩm:

– Ta chơi chưa đã, ta không học đâu! Ta muốn tỷ tỷ xinh đẹp này theo ta thả diều cơ!

Lục Thời Khanh nhìn vị "tỷ tỷ xinh đẹp" bên cạnh, nói:

– Điện hạ, nàng không phải tỷ tỷ xinh đẹp của ngài.

Cậu bé bĩu môi hỏi:

– Vậy là ai?

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy cậu bé này đáng yêu, lại thấy hôm nay đúng lúc Thiều Hòa không có đây, chỉ cần Lục Thời Khanh đi rồi, Hàm Lương điện này sẽ là thiên hạ cho nàng và hoàng đế tương lai vun đắp tình cảm, nàng cười híp mắt nói:

– Tôi là sư mẫu xinh đẹp của ngài.

Dứt lời, nàng nói với Lục Thời Khanh:

– Chàng mau đi làm việc đi, cứ giao ngài ấy cho ta.

Lục Thời Khanh nghẹn. Cô nàng này đuổi người đuổi cũng đủ nhanh. Nhưng y đang có công vụ, đành xoay người rời đi, được vài bước lại quay người căn dặn:

– Đợi ta về, nếu ngài ấy không trả lời được bài tập thì phạt luôn nàng.

----------

Lục Thời Khanh đi đến Tử Thần điện. Từ Điền Nam quay về, y còn một đống công vụ tồn đọng phải giải quyết nên mấy ngày nay vô cùng bận rộn, trình vài công văn quan trọng lên thánh nhân xong, y lại bị lôi kéo hỏi dò ý kiến về ứng cử viên mới cho chức đại lý tự khanh.

Lúc y không ở Trường An, triều đình đã định tội của Khương tự khanh, cách chức ông ta với tội danh móc nối tự khai thác quặng sắt ở Lĩnh Nam, đày ông ta đến Phòng Lăng, đồng thời quy định ba đời chi thứ hai của Khương gia không được nhập vào quan tịch. Khương gia cứ thế sụp đổ, cả nhà trên dưới tan tác trong một đêm, người có chút lương tâm thì theo Khương Dân đi Phòng Lăng, còn lại ai đi đường nấy. Tuy thánh nhân không cấm người Khương gia ra vào kinh thành nhưng người hơi biết chút nội tình đều không dám ở lại đất thị phi này nữa.

Dù sao Huy Ninh Đế nổi giận như vậy không liên quan tới tội danh bề ngoài là "tự khai thác quặng sắt", mà giận vì Khương Dân nói lời ngon tiếng ngọt khiến ông tin tưởng nhưng lại âm thầm ủng hộ Bình vương, ngay cả vũ khí quân đội cũng dám động vào. Lần này loại bỏ triệt để Khương gia cũng là cho Bình vương một lời cảnh cáo.

Lục Thời Khanh đề cử đại lý tự khanh dựa vào năng lực ưu tú, nhưng Huy Ninh Đế trầm ngâm:

– Trẫm không hỏi khanh ai có năng lực hơn, mà là ai có thể khiến trẫm an tâm hơn. Đại lý tự đứng đầu tam pháp ti, rất quan trọng với triều đình, trẫm không muốn thấy một Khương tự khanh thứ hai nữa.

– Thần không cách nào kết luận được rốt cuộc ai khiến bệ hạ yên tâm nhất, nhưng thăng cấp vượt mức chung quy không ổn, nếu bệ hạ thực sự lo ngại về Đỗ thiếu khanh thì có thể cân nhắc Thái tự thừa, như vậy cũng không tính là chênh lệch quá nhiều.

Huy Ninh Đế gật gù như có điều suy nghĩ.

Biết lão hoàng đế đang cân nhắc Thái tự thừa, trong lòng y hơi bình tĩnh.

Thái tự thừa là người của Trịnh Trạc, với địa vị của Lục Thời Khanh trong lòng Huy Ninh Đế vốn có thể trực tiếp đề cử ông ấy. Nhưng chuyện Khương Dân hiển nhiên đã đánh một hồi chuông cảnh báo cho lão hoàng đế, kéo theo vị "sủng thần" này cũng bị liên lụy, trước mắt tốt nhất là bớt đi những động tác quá trực tiếp, đi đường vòng nhiều hơn.

Huy Ninh Đế nói xong chính sự, trước khi y đi thì hỏi:

– Trẫm nghe nói hôm nay Tứ Nhàn cũng vào cung?

Lục Thời Khanh đáp:

– Vâng.

Huy Ninh Đế khẽ bật cười:

– Khanh có thể nghĩ thông suốt là tốt nhất, có khanh ở đây, trẫm cũng an tâm với Nguyên gia hơn.

Ý là mong Lục Thời Khanh thay ông ta theo dõi Nguyên gia.

Ban đầu Huy Ninh Đế đã có ý tác hợp hai người, một là để giữ chân Tứ Nhàn, hai là để theo dõi Nguyên gia, nhưng Lục Thời Khanh luôn tỏ vẻ không muốn nên ông không tiện thúc ép quá mức. Mãi tới khi Nguyên Dị Trực sắp về Điền Nam, thấy nếu chưa định hôn sự cho Nguyên Tứ Nhàn thì nàng sẽ phải theo họ rời kinh, ông mới hạ quyết tâm, dù Lục Thời Khanh không chịu, ông cũng sẽ ban hôn.

May mà Lục Thời Khanh nghĩ thông suốt, chủ động tới cầu hôn, khiến ông không tới mức dùng thủ đoạn mạnh tác hợp họ, khiến mặt mũi hai bên đều khó coi.

Lục Thời Khanh thảo mai:– San sẻ thay bệ hạ là chức trách thần nên làm ạ.

Huy Ninh Đế lại quan tâm hỏi:

– Mấy ngày trước cầu hôn, người Nguyên gia có làm khó khanh không?

Y lắc đầu:

– Lần này thần giải nguy cho Điền Nam, Điền Nam vương rất khách sáo với thần ạ.

– May nhờ có khanh mới không tới mức Điền Nam khăng khăng với Nguyên gia. Bên cạnh trẫm có người hữu dụng như khanh là đủ rồi.

Lục Thời Khanh cười:

– Bệ hạ quá khen.

Huy Ninh Đế phất tay với y hào phóng ra hiệu:

– Mau đến Môn hạ tỉnh làm việc đi, xong thì cùng Tứ Nhàn tới tiệc lưu thương chơi, lần này đúng lúc tới lượt lục lang chủ trì, khanh cũng thay trẫm trông coi nó nhiều chút.

Lúc Lục Thời Khanh thảo mai với Huy Ninh Đế ở Tử Thần điện, Nguyên Tứ Nhàn đang vắt óc lo xử lý tên nhóc Trịnh Hoằng.

Tên nhóc 5 tuổi này quá nghịch, quá ham chạy, có lẽ bình thường đều nhờ Thiều Hòa công chúa hoặc Lục Thời Khanh trấn áp mới ngoan ngoãn đọc sách luyện chữ. Nguyên Tứ Nhàn do hạn chế thân phận không tiện đánh mắng, lại muốn để lại ấn tượng "mẹ hiền" cho hoàng đế tương lai, nên bó tay bó chân, phí cả nén nhang cũng không làm gì được cậu.

Nhìn Trịnh Hoằng chạy đỏ cả mặt, đầu đầy mồ hôi, nàng thở dốc vịn đầu gối nói:

– Điện hạ... ngài còn không đọc sách thì sư mẫu xinh đẹp của ngài sẽ phải chịu phạt chung với ngài đó, ngài biết không?

Nguyên Tứ Nhàn than khóc trong lòng, Lục Thời Khanh đuổi cung nhân đi làm gì chứ, Hàm Lương điện to thế này, nàng ngay cả một trợ thủ cũng không có, làm sao khiến con cá chạch nhỏ này nghe lời đây chứ. Đúng là quá khiến người ta "lạnh lẽo" mà (1).

(1) "Hàm lương" nghĩa là "lạnh lẽo".

Trịnh Hoằng mở to đôi mắt tròn cười khúc khích, chắp tay ra dáng người lớn nói:

– Nên phạt!

Nguyên Tứ Nhàn nhẫn nại:

– Điện hạ muốn thế nào mới chịu đọc sách?

– Cô chơi với ta, ta sẽ đọc sách.

Nàng cắn răng:

– Điện hạ chơi xúc xắc không?

Khi Lục Thời Khanh về Hàm Lương điện thì thấy Nguyên Tứ Nhàn đang cùng Trịnh Hoằng thi thả xúc xắc.

Nguyên Tứ Nhàn hình như thả được 6 điểm, vỗ tay nói:

– Tôi thắng nữa rồi, điện hạ thua, đọc một câu nghe nào.

Trịnh Hoằng tức giận trừng mắt, rất không cam tâm mà đọc một câu cho nàng nghe.

Lục Thời Khanh nheo mắt, bước qua ngưỡng cửa, tiến lên nói:

– Nguyên Tứ Nhàn, nàng đang dạy điện hạ chơi cờ bạc hử?

Nguyên Tứ Nhàn nghe tiếng chợt ngẩng đầu, hơi chột dạ. Biện pháp này quả thực không tốt, dễ khiến người ta ham chơi mất ý chí, nếu không phải thực hết cách, nàng cũng sẽ không ra hạ sách này.

Nàng giải thích:

– Ta hết cách với ngài ấy mà, vả lại ta nghĩ lục điện hạ tinh thông xúc xắc, nói không chừng thập tam điện hạ cũng sẽ thích.

Nàng không nói còn đỡ, nói đến chuyện này, Lục Thời Khanh từ giận giả biến thành giận thật.

Đúng nhỉ, ban đầu ở Phù Dung Viên, Trịnh Trạc muốn chung thuyền với Nguyên Tứ Nhàn nên gian lận xúc xắc, còn y vì muốn giúp mà phí tâm phí sức ném ra số lẻ.

Mặt khác, hồi đông chí, trò ngũ mộc mà Nguyên Tứ Nhàn chơi say mê cũng là một trong những sở thích của Trịnh Trạc.

Ha ha. Lục Thời Khanh xụ môi, không nói chuyện với nàng, quay đầu nghiêm túc nói với Trịnh Hoằng:

– Điện hạ, thần tới kiểm tra bài.

Mỗi lần mắt phượng của y nheo lại là Trịnh Hoằng hơi sợ hãi, cậu rụt ra sau Nguyên Tứ Nhàn, nắm ống tay áo của nàng không chịu buông, nhỏ giọng nói:

– Sư mẫu, con gọi người một tiếng sư mẫu, người phải bảo vệ con đấy.

Lúc nãy Nguyên Tứ Nhàn ép cậu gọi "sư mẫu" cả buổi cũng không ép được, bây giờ nghe từ này lập tức như mở cờ trong bụng, hào quang mẫu tính tỏa ra bốn phía, nàng ôm Trịnh Hoằng nói với Lục Thời Khanh:

– Chàng kiểm tra thì kiểm tra, hung dữ như vậy làm gì.

Lục Thời Khanh hơi nhướng mày:

– Vậy nàng đáp thay nhé?

Thế thì thôi đi. Nguyên Tứ Nhàn không thích đọc sách cho lắm.

Nàng cười với y, sau đó nhìn Trịnh Hoằng:

– Điện hạ yên tâm, chàng không dám làm gì ngài đâu.

Lục Thời Khanh ngồi xuống đối diện hai người, rút quyển sách ra, tiện tay lật một trang hỏi:

– Trong "Thượng thư lữ hình" nói "sĩ chế bách tính vu hình chi trung", "duy lương chiết ngục, võng phi tại trung" và "minh khải hình thư tư chiếm, hàm thứ trung chính". Thần hỏi điện hạ, "hình chi trung", "tại trung" và "trung chính" trong các câu trên chỉ điều gì? (2)

(2) "Lữ hình" là bộ luật thời Tây Chu, nay đã thất truyền. Trong "Thượng thư" có một phần của "Lữ hình" còn sót lại.

+ Sĩ chế bách tính vu hình chi trung: Sĩ sư dùng hình phạt công chính để chế ngự bách quan và thần dân.

+ Duy lương chiết ngục, võng phi tại trung: Người hiền lành thẩm tra án thì không có chuyện không công bằng hợp lý.

+ Minh khải hình thư tư chiếm, hàm thứ trung chính: Phải tra cứu hình thư rõ ràng, cân nhắc đắn đo, lấy công chính làm tiêu chuẩn.

Miệng Trịnh Hoằng méo xẹo nhìn Nguyên Tứ Nhàn, nói nhỏ:

– Sư mẫu, lúc nãy người không giảng cho con câu này.

– ...

Tội này, Nguyên Tứ Nhàn không gánh... có được không?

Cơ hội lấy lòng Trịnh Hoằng đang ở ngay trước mắt, nàng chấp nhận không chút do dự, nói với Lục Thời Khanh:

– Ta quên giảng cho điện hạ, chàng đổi câu hỏi khác đi.

Lục Thời Khanh liếc nàng:

– Câu này mà ngài ấy đáp không được thì phạt chung hết hai người.

– Vậy ta đáp thay có được không?

Nàng mặt nhăn mày nhó nói.

Nàng không biết xấu hổ đi trả lời câu đơn giản vậy hả?

Khóe môi Lục Thời Khanh giật giật:

– Nguyên Tứ Nhàn, nàng mấy tuổi?

Nàng ai oán lườm y rồi nhìn Trịnh Hoằng:

– Điện hạ, ngài thật sự không trả lời được sao? Chàng không dám làm gì ngài nhưng dám làm gì tôi đấy. Ngài không sao nhưng sư mẫu xinh đẹp của ngài rất nguy hiểm...

Trịnh Hoằng do dự một lát, nói:

– Nể mặt sư mẫu dạy con thả xúc xắc, con vẫn phải nỗ lực trả lời. "Trung" trong câu này...

Cậu nhìn Lục Thời Khanh:

– Có lẽ là chỉ "trong lòng", ý nói luật pháp là ở trong lòng con, trong lòng con muốn thế nào thì luật pháp nó như thế nấy.

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn.

Ý nghĩ này nguy hiểm lắm đó.

Lục Thời Khanh cũng nhíu mày:

– Điện hạ, là ai dạy ngài rằng luật pháp ở trong lòng ngài?

Trịnh Hoằng ấp úng:

– Con không nhớ...

– Điện hạ phải nhớ, luật pháp không phải là vật tùy tâm, nó không ở trong lòng ngài, cũng không ở trong lòng bất kỳ ai.

Lục Thời Khanh giải thích.

Cậu chớp chớp mắt:

– Vậy "trung" trong câu đó có nghĩa gì?

Nguyên Tứ Nhàn tranh thể hiện:

– "Trung" trong câu đó là chỉ trung dung, ý nói người chấp hành luật pháp phải chấp hành nghiêm ngặt, đúng đắn không thiên vị, không quá mức cũng không bất cập.

Nói xong, nàng cười với Lục Thời Khanh:

– Ta nói đúng không, Lục thị lang?

Lục Thời Khanh nhìn nàng, không đáp mà hỏi ngược lại Trịnh Hoằng:

– Ngài nhớ rồi chứ?

Trịnh Hoằng chỉ chỉ ngực:

– Dạ nhớ, cái này con để trong lòng.

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy trẻ nhỏ dễ dạy, vừa cao hứng liền quên mất còn nợ Lục Thời Khanh một hình phạt, nàng nói với Trịnh Hoằng:

– Điện hạ, lúc nãy ngài hứa với tôi là sẽ viết chữ cho tôi đấy, ngài có nhớ trong lòng không?

Trịnh Hoằng trưng bộ dạng hết cách với nàng, thở dài:

– Được rồi được rồi, có thua có chịu, ta viết là được chứ gì.

Nguyên Tứ Nhàn kích động xoa xoa tay:

– Ngài đừng viết sai chữ, với lại, nhớ ký tên nữa nha.

Lục Thời Khanh khó hiểu nhìn hai người, thấy Trịnh Hoằng trải giấy ra, nhấc bút viết mấy chữ to: Nguyên – sư – mẫu – là – người – đẹp – nhất – cả – Đại – Chu. Sau đó ký tên: Trịnh Hoằng.

– ...

Nguyên Tứ Nhàn cuốn chữ lưu niệm do Trịnh Hoằng tự tay viết cho vào trong tay áo, quyết định sau khi về nhà sẽ trang trí lại rồi cất kỹ. Đợi sau này cậu đăng cơ, vật này sẽ là bảo bối vô giá, đến lúc đó nhất định phải treo trước cổng lớn Nguyên phủ, à không, Lục phủ, để người khắp thiên hạ đều tới chiêm ngưỡng mới được.

Nhìn hành động hám lợi của nàng, tâm trạng Lục Thời Khanh rất phức tạp, y ngẫm nghĩ rồi vẫn cảm thấy nên để nàng tránh xa Trịnh Hoằng, tránh dạy hư trẻ nhỏ thì hơn, thế là y vội vàng cáo từ, dẫn nàng rời cung.

Sự hưng phấn của Nguyên Tứ Nhàn từ đầu đến cuối luôn thể hiện rõ, nàng tính toán xem lần sau lại kiếm về vật gì có giá trị kỷ niệm, vào trong xe ngựa rồi nàng còn nói với Lục Thời Khanh:

– Chừng nào chàng đi dạy thập tam hoàng tử học nữa? Sau này ta sẽ luôn đi với chàng.

Y liếc nàng:

– Nàng muốn tới lần nào bị ta phạt lần nấy hả?

Nàng nghẹn, oán giận:

– Hôm nay có phải chàng cố ý gài ta không?

Đương nhiên. Bài đó Lục Thời Khanh chưa từng bảo Trịnh Hoằng xem.

Nhưng ngoài mặt y lại nhàn nhạt nói:

– Nhìn ta giống người nhàm chán vậy à?

Nàng nhìn y đầy chê bai, thầm nhủ đúng là không giống, bởi y rõ ràng là người nhàm chán. Nàng hỏi:

– Vậy chàng muốn phạt gì?

Lục Thời Khanh suy nghĩ, nhẹ nhàng đáp:

– Ghi sổ chung với vụ ngũ mộc lần trước, để tính sau.

Nói xong y gọi với ra dặn Triệu Thuật bên ngoài:

– Đi phường An Hưng, phủ lục hoàng tử.

Xe ngựa từ từ lăn bánh tới phường An Hưng. Nguyên Tứ Nhàn hỏi thăm nước tới chân mới nhảy:

– Ta rời kinh nhiều năm, không nhớ cách chơi tiệc lưu thương nữa. Năm nay sao lại là lục hoàng tử chủ trì yến tiệc?

Nàng nhớ Trường An có một tập tục truyền thống, là vào đêm trước tết hoa triều (3) hàng năm, tức ngày 14 tháng 2, thanh niên tuấn kiệt trong kinh thành sẽ thay phiên chủ trì yến tiệc lưu thương, mời những người tao nhã khắp nơi tới tham gia, một là để mừng trăm hoa đua nở, xuân về xinh tươi, hai là để những thanh niên có tài tụ tập tỷ thí với nhau.

(3) Tết hoa triều: còn gọi là tết hoa thần, sinh nhật bách hoa... là ngày lễ kỷ niệm sinh nhật bách hoa. Vào ngày này, mọi người ra ngoại thành du lịch ngắm hoa, các cô gái cắt giấy đủ màu đính lên cành hoa. Do điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau, ở miền bắc Trung Quốc tết này vào ngày 15 tháng 2, còn ở miền nam thì vào ngày 12 tháng 2.

Lục Thời Khanh giải thích:

– Mấy năm nay đổi quy tắc rồi, người thắng đến cuối cùng của tiệc lưu thương năm trước sẽ có tư cách chủ trì tiệc năm sau.

Nguyên Tứ Nhàn bừng tỉnh, lại cảm thấy không đúng:

– Không phải chứ, năm ngoái chàng không tham gia tiệc lưu thương à?

Y vô thức nói thật:

– Có tham gia.

– Vậy sao lại là lục hoàng tử thắng đến cuối cùng, thám hoa lang như chàng nhục mặt quá!

Mặt Lục Thời Khanh thoắt trở nên u ám.

-------

Chuyện năm ngoái là thế này:

Ngày diễn ra tiệc lưu thương có biểu ca bà con xa của cửu hoàng tử Trịnh Bái tới. Tháng 2 là thời điểm khoa cử yết bảng, vị biểu ca bà con xa tự cao tự đại kia vừa thi rớt, lòng mang oán hận, thế là bung xõa trên bữa tiệc, nhìn ai cũng thấy khó chịu, lúc nói chuyện không hiểu sao nói tới đề tài thương nhân, liền đem đầy bụng "kinh luân" của mình ra để chế giễu châm chọc.

Đại Chu buôn bán phồn vinh, nhưng địa vị của thương nhân suy cho cùng vẫn luôn thấp, những lời chửi thẳng hay chửi xéo của hắn ta đều rất khó nghe. Mẫu thân Trịnh Trạc xuất thân từ thương hộ nên trong lòng Trịnh Trạc rất không thoải mái. Lục Thời Khanh lập tức viết ngay một bài thơ lén đưa cho hắn, bảo hắn thể hiện. Sau đó Trịnh Trạc "thành danh sau một bữa tiệc".

Nhưng y có thể nói rõ chân tướng sao? Không, không thể. Nói ra chẳng khác nào tuyên bố mình và Trịnh Trạc "chung phe". Chưa tới lúc cần thiết, y không muốn nói những việc ngấm ngầm xấu xa trong triều đình cho Nguyên Tứ Nhàn nghe, tránh cho nàng biết nhiều sẽ thêm nguy hiểm. Dù sao ý của Nguyên Dị Trực cũng là như vậy.

Lục Thời Khanh có nỗi khổ không nói được, lòng rầu rĩ, nhưng ngoài mặt tỉnh bơ:

– Giang sơn thời nào cũng có tài tử, tiền bối sao có thể chắn đường hậu sinh chứ, đương nhiên là phải khiêm nhường rồi.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn y với ánh mắt chê bai:

– Hậu sinh với chả không hậu sinh, lục hoàng tử cùng tuổi với chàng, nếu tính kỹ thì còn lớn hơn chàng nửa tuổi đấy.

Y bật thốt:

– Sao nàng biết sinh nhật hắn?

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn. Đương nhiên là vì nàng từng điều tra Trịnh Trạc chứ sao.

Nhưng nàng có thể nói cho Lục Thời Khanh nghe sao? Không, ít nhất hiện tại không thể. Tin tức từ giấc mơ lộn xộn lung tung, cộng thêm tai nghe là giả, rất nhiều suy đoán của bách tính phố phường không phải sự thật, nên quan điểm của nàng về Trịnh Trạc luôn dao động không ngừng. Chuyện này liên quan đến cả gia tộc, trước khi hoàn toàn hiểu thấu triều cục, nàng không thể tùy tiện khai báo mối liên quan giữa Nguyên gia và Trịnh Trạc ra ngoài. Dẫu người đó có là Lục Thời Khanh đi chăng nữa.

Nàng nói dối che dấu sự chột dạ:– Chàng nói ta biết mà.

Lục Thời Khanh hiển nhiên không tin.

Nguyên Tứ Nhàn nghiêm túc nói:

– Thật, lần chàng xuôi nam quay về bị sốt choáng váng í, lúc mê man chàng gọi tên lục hoàng tử.

Nàng giả vờ hồi tưởng lại:

– Đúng, chàng gọi lục hoàng tử là "A Trạc"!

– ...

Đây đúng là xưng hô y gọi Trịnh Trạc lúc ở riêng với nhau. Y nhất thời bán tín bán nghi, không phản bác ngay.

Nguyên Tứ Nhàn liền thừa cơ cắn ngược lại:

– Chàng chưa gọi ta như vậy bao giờ, ta không vui.

– Ta...

Lục Thời Khanh á khẩu, nói hươu nói vượn:

– Chắc là ta gọi "An Trác" đấy, hồi nhỏ ta từng nuôi một con chim yến, đặt tên nó như vậy.

Nguyên Tứ Nhàn không khỏi mở to mắt. Chim nuôi hồi nhỏ thì chắc chắn đã chết từ lâu, thế mà y nhớ mãi không quên đến nay?

Nàng bĩu môi:

– Chim trống hay chim mái?

Hỏi xong nàng sực tỉnh:

– Chắc không phải là một con chim thành tinh đạo hạnh rất cao, có thể biến thành hình người chứ? Chàng an bài cho nó ở trong nhà, nâng niu trong lòng bàn tay, cho nó mổ thức ăn trên tay chàng, nên đặt tên nó là "An Trác"? (1)

(1) Trác: mổ.

– ...

Trong đầu nàng chứa gì thế không biết.

Lục Thời Khanh đang muốn bỏ đi ý nghĩ nhảm nhí của nàng thì nghe Triệu Thuật ngoài rèm xe kêu lên thán phục, quay đầu nói vào bên trong:

– Câu chuyện thật thú vị! Để tôi nghĩ, tôi nghĩ... ừm, rồi về sau có một hôm, chim yến thành tinh bị diều hâu tha mất, trở thành ánh trăng sáng trong mắt lang quân, thành nốt chu sa trong lòng lang quân...

Nguyên Tứ Nhàn gật gù tán thành, tiếp tục bịa:

– Sau đó nữa, chim yến thành tinh thấy chàng đau khổ bèn đầu thai chuyển kiếp làm người, sau khi lớn thì đến bên cạnh chàng báo ân.

Nói rồi nàng ôm cánh tay Lục Thời Khanh, nhìn y không chớp mắt, đang định tình cảm dạt dào nói "và bây giờ thành vị hôn thê của chàng" thì đột nhiên bị y ngắt lời tỉnh rụi:

– Trà lâu ở chợ tây đang tuyển người kể chuyện đấy, muốn đi không?

Nguyên Tứ Nhàn oán thầm suốt dọc đường, đến phủ hoàng tử, vừa vào trong thì nghe nói tiệc lưu thương bắt đầu đã lâu, do nàng và Lục Thời Khanh tiến cung nên làm lỡ canh giờ. Vốn dĩ cũng không có gì, các yến tiệc tao nhã thế này thường rất thoải mái, có thiệp mời là vào được, không quan tâm sớm muộn, chỉ là ngoại hình hai người đều quá nổi trội nên khi đến hậu viên tổ chức tiệc của phủ, khó tránh hấp dẫn ánh nhìn của người khác.

Tháng hai đầu xuân đã qua tiết kinh trập, thời tiết dần chuyển ấm, tiệc lưu thương tổ chức ngoài trời, bên cạnh khe suối nhân tạo ở hậu viên. Bên suối đặt một dãy các bàn dài, trên bàn bày ấm trà chung rượu, trái cây tươi mới, các thanh niên tuấn kiệt ngồi bệt xuống đất bên bàn đang ngắm cảnh nói cười nhưng vừa thấy Nguyên Tứ Nhàn thì đồng loạt im lặng.

Thiếu nữ trông 16-17 tuổi này chải búi tóc rủ xuống, trên tóc điểm xuyết bằng một đôi trang sức màu vàng nhạt, áo váy giày dép chẳng những màu sắc xuất chúng mà phong thái cũng thướt tha yêu kiều, từng động tác bước đi, mắt mi môi miệng nàng đều như tranh vẽ, khiến người ta không thể dời mắt.

Lúc chú ý tới Lục Thời Khanh lần nữa, ánh mắt họ đã có thêm vài phần hâm mộ.

Lục Thời Khanh mặc kệ họ đố kỵ cỡ nào, nhận ra những ánh mắt như lang sói từ bốn phương tám hướng bắn tới, sắc mặt y trầm xuống. Y quên chuẩn bị mũ có rèm cho Nguyên Tứ Nhàn.

Y cắn răng, hơi nghiêng người chắn nơi ánh mắt lang sói dày đặc nhất.

Nữ tử được mời đến đây dù sao cũng là số ít, vài người kín đáo còn đeo mũ có màng che mặt. Nguyên Tứ Nhàn không nhận ra vị hôn phu nhà mình gây chú ý cỡ nào, nàng hơi gật đầu với Trịnh Trạc ngồi ghế trên đang nhìn hai người rồi đi theo Lục Thời Khanh tới bên một cái bàn dài, dọc đường nghe một thanh niên lúc nãy mới đối thơ được một nửa nói:

– Lúc nãy Lý huynh hỏi, Đàn lang Tạ nữ (2) ngủ nơi nào, nhìn kìa, Lục thị lang và Lan Thương huyện chúa chẳng phải đến rồi sao?

(2) Đàn lang: tức Phan An – người có dung mạo xinh đẹp thời Tấn, Tạ nữ: tức Tạ Đạo Uẩn – một người tài hoa xuất chúng thời Tấn, hai người này không có dính dáng gì với nhau, chỉ là do thi nhân ghép bừa tạo ra câu thành ngữ "Đàn lang Tạ nữ" ý chỉ đôi vợ chồng hoặc tình nhân tài mạo song toàn.

Lời này là đang dùng Phan Nhạc và Tạ Đạo Uẩn thời Tấn để ví von nịnh nọt hai người. Không ít người có mặt hơi khựng lại.

Chuyện Nguyên Tứ Nhàn theo đuổi Lục Thời Khanh bị thêu dệt ra 17 18 phiên bản lưu truyền khắp đầu đường cuối ngõ, đa số mọi người có mặt đều từng nghe chút ít. Tuy triều Đại Chu văn hóa cởi mở nhưng nữ tử có hành vi cọc đi tìm trâu như vậy không được số đông chấp nhận, do đó những lời bình luận đánh giá về Nguyên Tứ Nhàn không tốt lắm.

Vì Lục Thời Khanh chưa kịp thay quan phục nên đa số những người có mặt đều nhận ra y, nhưng vì chưa từng gặp Nguyên Tứ Nhàn nên thoạt đầu không biết nữ tử này là Lan Thương huyện chúa trong truyền thuyết, chỉ nhủ rằng Lục Thời Khanh quả nhiên là danh hoa có chủ. Bây giờ nghe chân tướng, trong lòng khó tránh sinh ra cảm giác khinh thường.

Buổi tiệc như hôm nay, e cũng là vị huyện chúa này bám dính đòi theo.

Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên nhận ra bầu không khí cứng ngắc ấy nhưng không để bụng, nàng chỉnh mép váy định ngồi xuống bên bàn dài, không ngờ Lục Thời Khanh đột nhiên đè mu bàn tay nàng ra hiệu đừng nhúc nhích, kế đó y khom người đưa tay vuốt phẳng lại cái đệm ngồi chỗ nàng rồi mới nói:

– Nàng ngồi đi.

Mọi người xung quanh lặng lẽ hít sâu một hơi.

Trong số họ có không ít quan viên có qua lại với Lục Thời Khanh, dù chưa từng tiếp xúc trực tiếp với y thì đa phần cũng đã nghe nói về danh tiếng kiêu căng, soi mói, mặt mày cáu kỉnh của y, cho nên thực không ngờ một người như vậy lại làm ra hành động hạ mình vì một tiểu cô nương.

Sao bảo là Lan Thương huyện chúa đeo bám Lục thị lang cơ mà?

Nguyên Tứ Nhàn cũng hơi sững sờ, ừ một tiếng rồi ngồi xuống, thấy Lục Thời Khanh tự tay rót một ly trà đưa cho nàng.

Lần này nàng hơi hiểu ý của y rồi.

Lục Thời Khanh không muốn mọi người nhìn nàng như vậy, nên thà rằng người bị chê trách là mình.

Trong lòng nàng có cảm giác khó tả, vừa ngọt lại vừa chua, nàng nhìn y, cầm một trái cây đưa qua, đại khái mang ý có qua có lại.

Lục Thời Khanh bật cười, vừa nhận lấy thì chợt nghe Trịnh Trạc phía trên lớn tiếng nói:

– Lục thị lang hôm nay tới đây cùng giai nhân là có ý cho chúng ta biết, không lâu nữa là có thể ghé phủ của ngài ăn tiệc phải không?

Hôn ước giữa Lục Thời Khanh và Nguyên Tứ Nhàn được định ra rất giản dị, chưa truyền ra bên ngoài, cho nên mọi người vừa rồi mới có phản ứng như vậy. Trịnh Trạc hỏi câu này cũng là đang giúp Nguyên Tứ Nhàn chính danh.

Lục Thời Khanh vô cùng ăn ý phối hợp nói:

– Điện hạ gấp gáp công bố tin hôn sự thay Lục mỗ, thực có hiềm nghi đòi rượu uống đấy nha.

Mọi người lần này đương nhiên đều tự hiểu, kinh ngạc xong thì vội tới chúc mừng Lục Thời Khanh và thi nhau nói những lời khen ngợi Nguyên Tứ Nhàn.

Bất kể chân tình hay giả ý, dù sao Nguyên Tứ Nhàn nghe rất sướng tai, chờ tiệc lưu thương bị ngắt ngang lại tiếp tục, nàng lặng lẽ nói bên tai Lục Thời Khanh:

– Lục Thời Khanh, hình như ta lại thích chàng nhiều thêm một chút rồi.

Lục Thời Khanh nghiêng đầu nhìn nàng, chớp chớp mắt:

– Chỉ một chút thôi à?

Nàng hất cằm, ra hiệu y cứ đắc ý đi, sau đó nàng đưa tay chỉ mấy dĩa thức ăn trên bàn:

– Chàng lột hạch đào cho ta, ta sẽ thích chàng nhiều thêm chút nữa.

Lục Thời Khanh giễu cợt, lại khôi phục thái độ thường ngày:

– Không lột, thích thì thích không thích thì thôi.

Tiếng nước xung quanh róc rách, một chiếc cốc bạc lượn lờ trôi theo dòng nước trong khe suối quanh co, Nguyên Tứ Nhàn thấy cốc rượu đã cách xa nàng và Lục Thời Khanh thì bĩu môi, đưa tay lấy quả hạch đào, tay làm hàm nhai, vừa lột xong thịt quả, định cúi đầu ăn thì chợt nghe một giọng nói vang lên:

– Tiểu nữ tử không giỏi đối thơ, tự uống ba ly để thay.

Giọng này hơi quen tai, nhưng không hoàn toàn giống âm sắc nàng từng nghe.

Nàng chợt ngẩng đầu nhìn theo hướng đó, thấy một thiếu nữ che người trong mũ có rèm màu trắng bị cốc rượu chọn trúng nên đang cúi người rót rượu.

Thấy ánh mắt của nàng, Lục Thời Khanh nghiêng đầu hỏi:

– Sao thế?

Nàng cau mày, thầm nhớ lại, lắc đầu:

– Không có gì, cảm thấy hơi giống ai đó, có lẽ ta nghe nhầm.

Ngoài miệng tuy nói không có gì nhưng trong phần tiệc lưu thương kế tiếp, ánh mắt Nguyên Tứ Nhàn cứ thỉnh thoảng liếc thiếu nữ kia, mãi đến khi thấy nàng ấy đứng dậy rời tiệc mới hoàn toàn thu hồi tầm mắt. Trùng hợp là, sau khi nàng ấy đi không lâu thì có một tỳ nữ cúi đầu nói gì đó bên tai Trịnh Trạc, kế đó Trịnh Trạc cũng rời tiệc.

Nỗi nghi ngờ trong đầu Nguyên Tứ Nhàn càng đậm hơn, nàng nhẫn nhịn chốc lát rồi đứng dậy theo.

Lục Thời Khanh liếc nàng:

– Nàng đi đâu đó?

Nguyên Tứ Nhàn nhỏ giọng:

– Ta đi vệ sinh chàng cũng quản à?

Lục Thời Khanh đương nhiên không có cách nào quản, dù đoán được vì sao nàng đi cũng chỉ đành tạm thời dằn xuống.

Nguyên Tứ Nhàn trước đó đã chú ý hướng mà Trịnh Trạc và thiếu nữ kia rời đi, nàng lấy lý do đi vệ sinh để lần dò qua đó. May là hai người họ không đi vòng mà ở ngay hành lang phía trước không xa.

Nàng nhìn thấy người thì dừng lại, lặng lẽ náu mình ở khúc quanh, ló mắt ra quan sát.

Thiếu nữ quỳ dưới chân Trịnh Trạc, kéo góc áo hắn, ngửa đầu nói chuyện, tâm trạng có vẻ hơi kích động, bộ dạng trông như đang cầu xin hoặc khóc lóc kể lể.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn cách khá xa, không nghe được nàng ấy nói gì.

Trịnh Trạc luôn im lặng đứng nguyên tại chỗ, không tránh né nhưng cũng không mảy may dao động, hồi lâu mới lùi về sau một bước, tránh tay thiếu nữ, nhìn về hướng Nguyên Tứ Nhàn.

Nguyên Tứ Nhàn rụt đầu về nhưng biết rõ Trịnh Trạc đã phát hiện ra mình. Kỳ thực nàng không trông mong có thể nhìn trộm thành công, dù sao đây cũng là địa bàn người ta. Nàng chỉ tin chắc lý do của mình đủ để Trịnh Trạc không so đo, bởi vậy mới dám tới đây một chuyến.

Nàng lẳng lặng đợi ở khúc quanh, nghe tiếng bước chân hai người rời đi một lát thì quả nhiên có một tỳ nữ tới, giao cho nàng một tờ giấy:

– Thưa huyện chúa, điện hạ mời người về bàn tiệc trước, tránh cho người khác sinh nghi. Ngài ấy nói, chuyện huyện chúa muốn biết ở trong tờ giấy này ạ.

Nguyên Tứ Nhàn nói đa tạ với tỳ nữ rồi xoay người đi về hậu viên, vừa đi vừa mở tờ giấy trong tay, thấy bên trên có một dòng chữ nhỏ: "Giờ thìn ngày mai, cổng Diên Hưng".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yt