Chương 4: Thưởng trà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lê Trường Sơn ung dung bước đến Trúc Cương phủ, bộ bạch y khi sáng đã thay bằng một bộ viên lĩnh xanh nhạt, hôm nay y không mang theo miếng ngọc bội hình hắc miêu như hôm thượng triều mà chỉ dắt bên hông một túi thơm tím nhạt. Chiếc quạt xếp cũng cài bên hông, Lê Trường Sơn thong dong bước theo gia nhân đi đến đình nhỏ bên hồ, nơi vị phó tướng đã đợi sẵn. Nhìn thấy Trường Sơn đến, Sơn Thạch vội đứng lên, hơi khách sáo hành lễ. Hắn tuy không muốn xa cách, nhưng lại chẳng dám sỗ sàng:

- Cảm ơn Trường Sơn huynh đã nhận lời đến đây, ta đã cho chuẩn bị trà và chút điểm tâm, có lẽ chút nữa sẽ mang lên ngay đây. Huynh ngồi đi.

Trường Sơn gật khẽ, từ tốn ngồi xuống:

- Trúc Cương phủ đúng là lớp lớp tre xanh, từng luỹ từng luỹ thẳng đều tăm tắp. Trông gia viên hồi được gia chủ, Sơn Thạch phó tướng hẳn đã dày công chăm sóc nơi đây lắm.

- Ta cũng mới chỉ được cha mẹ truyền lại nơi này vài năm nay, nhưng đúng là đã gắn bó từ nhỏ rồi. Huynh có thể xem thử rặng tre ở phía Tây kia, những cây đó là ta chăm sóc từ lúc còn là búp măng nhỏ xíu, giờ đã cao lắm rồi. - Sơn Thạch rất yêu vườn tre của mình, hiển nhiên hào hứng muốn khoe ra. Dõi theo chỉ tay của hắn, Trường Sơn ngắm rặng tre cao lớn xanh mướt, buột miệng đọc ra một câu thơ:

- Đê nhĩ tĩnh thinh nghi hữu thanh, Tây tùng thất hành kính nhi kiện. (Ghé tai nghe gió về qua đây đó, khóm bảy cây tre phía Tây đứng vững vàng) (*)

Chỉ là một câu trong một bài thơ cổ, Trường Sơn cũng không nghĩ người kia sẽ biết. Y tự thấy hơi ngượng vì bỗng nổi hứng như thế, định quay lại bàn sang chủ đề khác. Nào ngờ, người kia cũng đang chăm chú nhìn y, bỗng nói:

- U tư viễn tứ thiểu nhân biệt (tre nơi u tịch đẹp xa vời làm sao hay) (*) - Hắn nghiêng nghiêng đầu, lại nhìn thẳng vào mắt y, chẳng rõ vì sao lại như có ý ám chỉ. Câu thơ Sơn Thạch đọc cũng là một câu trong Họa trúc ca, nhưng không phải câu tiếp theo của hai câu Trường Sơn vừa ngâm trước đó, hắn cố tình trích của phần sau, dường như mượn thơ để trò chuyện cùng y.

Trường Sơn bất ngờ, lòng cũng tăng thêm điểm nể phục cho người trước mặt, y chẳng nghĩ một tướng sĩ lại còn biết ngâm thơ. Như nghe được tiếng lòng y, Sơn Thạch nói tiếp:

- Ta không am hiểu thi ca đâu, chỉ là từ nhỏ hay nghe ông ngâm Hoạ trúc ca mỗi lần cùng vào rừng nên thuộc thôi, huynh hỏi bài nào khác thì ta cũng chẳng nhớ nổi một từ. - Hắn thành thật, có lẽ trừ những áng quá đỗi quen thuộc thì thơ hắn nhớ cũng chỉ có thơ về tre.

- Trà và bánh đã chuẩn bị xong, mời thiếu gia và tiên sinh thưởng thức. - Tiếng gia nhân vang lên cắt ngang cuộc trò chuyện, theo đó là một khay bánh cốm sen thơm phức và mâm thưởng trà tinh tế.

Sơn Thạch gật đầu, ra hiệu cho gia nhân lùi ra, hắn muốn tự mình hãm trà. Hắn thoăn thoắt tráng chén, đong trà rồi lại thong thả đợi trà hãm, cũng là những hành động quen thuộc thôi nhưng Trường Sơn lại thấy động tác tay của người kia dường như thanh thoát lạ kì. Y không phủ nhận việc mình đang để ý đến người kia nhiều hơn dự tính, và lạ kì là y cũng không thấy khó chịu vì điều đó.

- Trường Sơn huynh, mời. - Sơn Thạch rót trà ra chén rồi đưa đến, Trường Sơn đưa tay nhận lấy mà như râm ran những đầu ngón chạm nhau. Y gạn nhẹ miệng chén, dợm uống, rồi lại chần chừ. Trường Sơn quyết định thổi thêm chút nữa, cẩn thận vẫn hơn. Tất cả những cử chỉ ấy thu hết vào mắt Sơn Thạch, hắn thầm cảm thán người kia thật sự quá đáng yêu, quan văn nhị phẩm nổi danh ấy thế mà lại có một chiếc lưỡi mèo. (**)

Nếm được vị trà sen âm ấm trong miệng, Lê Trường Sơn vô cùng hài lòng. Hương sen thơm ngát, vị trà thanh tao, dịu mát như cơn gió nhè nhẹ của chiều hạ, có lẽ là sen Bách Diệp trứ danh. Trường Sơn không cất lời khách sáo ca ngợi nữa, cả y và Sơn Thạch đều im lặng thưởng trà, nhấm nháp cả một chút bánh cốm sen. Chẳng hiểu sao chỉ mới gặp nhau thoáng qua vài lần, Sơn Thạch luôn đem đến cho Trường Sơn một cảm giác dễ chịu, tựa như, khi ở cùng người này, y không cần đa nghi phòng thủ quá nhiều. Trường Sơn thoáng chốc nghĩ đến việc đó, rồi lại gạt đi, y nghĩ rằng có lẽ chỉ là y mất tập trung do trà quá ngon, do bánh quá thơm, hoặc là do mắt người kia nhìn y quá hiền, đơn giản chỉ là vậy thôi.

Hai người nhàn nhã thưởng trà, đôi lúc lại hỏi thăm vài ba chuyện lặt vặt của nhau, tỉ như sau đó Trường Sơn biết được Sơn Thạch còn một người em cùng cha khác mẹ nhỏ hơn vài tuổi, hay Sơn Thạch biết được phần tóc xám bạc ở gáy người kia là do tự y làm chứ chẳng phải bẩm sinh.

Câu chuyện cứ chầm chậm trôi qua, cho đến khi lại một gia nhân tiến đến, tay cầm theo một chiếc hộp nhỏ:

- Thưa, Kim Anh nhị tiểu thư vừa từ Tây ngạn về, nghe thiếu gia có khách nên hẹn sẽ quay lại sau, tiểu thư có quà gửi lại cho thiếu gia ạ. - Nữ gia nhân để lại chiếc hộp trên bàn rồi rời đi, để lại hai đôi mắt cùng hướng về chiếc hộp mảnh dài. Sơn Thạch đưa tay mở hộp, bên trong là một cây sáo trúc nhìn thoáng qua cũng biết là thượng phẩm. Thân sáo tinh xảo, đôi chỗ còn chạm ngọc, sợi dây treo đuôi sáo cũng có một khoen thạch ngọc bích nhỏ, trông vừa hoà hợp lại nổi bật.

- Cây sáo đẹp và tinh xảo đến nhường này, có lẽ vị tiểu thư kia cũng đặt rất nhiều tâm ý vào món quà này đây. - Lê Trường Sơn nhướng mày, chính y cũng chưa nhận ra câu nói của mình có điểm gì lạ. Nhưng người nói vô ý kẻ nghe hữu tình, Sơn Thạch lại chẳng đầu chẳng đuôi đáp:

- Nàng ấy là biểu muội của ta, cũng xem như anh em ruột trong nhà.

Trường Sơn nghe vậy cũng chỉ gật đầu, mắt chưa hề rời cây sáo. Y thích đa số các loại nhạc cụ, cũng đã từng thử thổi sáo qua, nhưng đáng tiếc lại không có thiên phú lắm.

- Trường Sơn huynh chỉ nhìn cũng đã biết là sáo tốt, lại còn chăm chú quan sát như vậy, hẳn là cũng biết thổi sáo. Không biết ta có vinh hạnh được nghe một khúc không? - Sơn Thạch nói, tay nâng sáo đặt vào tay người kia. Trường Sơn định từ chối, nhưng ánh mắt kia kiên định như vậy, y thầm nghĩ có lẽ dù đã lâu không thổi nhưng một vài điệu ngắn thì không đến nỗi nào, đành nhận lấy.

- Mong Sơn Thạch huynh đừng chê cười. - Nói rồi môi mỏng mấp máy kê vào miệng sáo, vị phó tướng bên kia cũng hết sức mong chờ.

Một bản Xuân khúc vang lên, nhưng hình như mùa xuân này hơi lạ, có lẽ gió Xuân về không đủ nên cành lá chẳng tươi nổi, cảm âm trúc trắc chẳng được hanh. Thổi xong chính Lê Trường Sơn cũng tự thấy ngại, y vô thức hơi rụt vai, lại thêm đầu vẫn buốt vì đã lâu không thổi sáo, ngồi đơ ra một lúc. Những hành động đó vào mắt Sơn Thạch lại như một con mèo ngơ, ý cười đậm trên khoé mắt, hắn cất lời:

- Có lẽ là đã lâu chưa thổi sáo, nhưng bản Xuân khúc của huynh ta vẫn thấy rất có hồn.

Trường Sơn nghe người kia nói xong thì vừa ngượng, lại hơi giận lẫy:

- Ta tài mọn chỉ được thế thôi, Sơn Thạch huynh rành rẽ hơn sao không cho ta được dịp thưởng thức? - Y đưa tay ra, lại quên mất lau đi phần miệng sáo mà trực tiếp đẩy vào tay người kia. Đến lúc nhớ ra thì Sơn Thạch đã thản nhiên đón lấy, cười cười đặt sáo lên miệng. Hắn nhướng mày, nhìn thẳng vào mắt y rồi bắt đầu thổi, là âm điệu của "Ngoạn sơn ca".

(*) Bài thơ "Hoạ trúc ca" của Bạch Cư Dị, lời thơ dịch trong ngoặc là mình tự dịch lại dựa trên phiên âm và bản dịch nghĩa.

(**) lưỡi mèo: chỉ những người không dám ăn đồ cay/nóng vì sợ bỏng (tiếng Nhật có từ Nekojita á)

___________

Huhu hơi buồn 1 xíu là fic này đầu tư nhất nhma hỏng có nổi bằng 2 fic kia, mn cmt góp ý cho tui được hong dzạaa. Tui thích đọc cmt lắm á, camon mn ủng hộ ạa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro