Chương 5-10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chương 6

Hoa Anh túc!
Hoa Anh túc!
Nở rộ mời chào khắp mọi nơi
Hỡi loài ong bướm đừng khinh suất
Sa chân 1 phút hận một đời
°
Hoa Anh túc!
Hoa Anh túc!
Sắc nước hương trời, lòng dạ đen
Nhà thơ mê mệt nên sinh bệnh
Để kẻ xấu kia hả hê cười
°
Hoa Anh túc!
Hoa Anh túc!
Người chính là chồn là quỷ ma
Là loài thú dữ gây tai vạ
Đó chính là cô gái Nhật trường ta
Đây là bài hát Dương Sơn soạn. Và hoa anh túc trong bài đương nhiên là chỉ Anh Tử.
Các bạn trong lớp tôi đương nhiên là không tin điều Dương Sơn bịa đặt – kẹo bánh Anh Tử mạng lại cho có độc, nhưng mọi người cũng không dám ăn nữa vì sợ các món quà bánh kia mua chuộc lòng yêu nước của mình.
Sau bữa họp đó. Việc trà nước cứu thương, Lưu Đại Khôi giao cho Mộc Ly Tô Huệ Vân và Vương Ngọc Anh đảm trách. Liễu Ngạn Phong thì phụ trách phần ca hát giải khuây. Bài hát giúp vui phần lớn là những bài ca yêu nước, chống giặc.
Thế là bao nhiêu tình cảm Anh Tử dày công xây đắp đã tan thành mây khói. Sự rỉ tai vận động của Dương Sơn đã khiến mọi người e dè với Anh Tử. Tôn Thắng Nam từ lúc nào đến giờ đã ác cảm với Anh Tử được dịp nói xấu Anh Tử nhiều hơn. Nào là Anh Tử giả nhân giả nghĩa, những bài Anh Tử hát không đúng đắn có ý mê hoặc các nam sinh. Thậm chí chê cả cái đẹp của Anh Tử. Nào là nước da tái xanh như kẻ suy nhược. Má hồng có được chẳng qua là vì đánh phấn. Eo nhỏ quá coi chừng rất dễ đau ruột. Bộ ngực to chỉ để khiêu khích đàn ông. Nhưng điều mà Tôn Thắng Nam tâm đắc nhất là Anh Tử lùn hơn cô nàng đến cả một cái trán.
Vì tướng tá giống đàn ông nên Tôn Thắng Nam không dám so sánh Anh Tử với mình. Cô chỉ nói Anh Tử không thâm trầm bằng Mục Ly. Không thật thà như Tô Huệ Văn. Yếu đuối, nếu ra sân vận động đương nhiên bị cô ta ăn bức.
Anh Tử bị gán cho biệt hiệu ác độc – Hoa anh túc (hoa á phiện). Rồi bị phỉ báng, boi nhọ một cách bất công. Nhưng có lẽ Anh Tử không biết. Vì đã mấy ngày qua nghe nói cô ấy bị cảm, nên không thể đến chỗ bọn tôi lao động.
Thầy Dương thấy kế hoạch của chúng tôi khởi đầu đã có tác dụng nên rất hài lòng. Công việc của chúng tôi vì thế mà hoàn thành sớm hơn hoạch định hai hôm.
°
Thành quả sau hai tuần lao động là vườn hoa đã có bộ mặt mới. Những cây hoa xinh xắn thay thế cho những cành già cỗi trong vườn cũ. Cỏ dại lại được dẹp sạch, nguồn gốc được khai thông dẫn đến hồ sen trong vắt. Ngôi lâu chuông được quét vôi đã có dáng dấp mới trang trọng hơn. Nhờ vậy mà tiếng chuông như ngân vang hơn vào mỗi buổi sáng sớm.
Khi công việc hoàn tất, nhà trường đã tổ chức lễ hoàn công ăn mừng. Ông hiệu trưởng đã biểu dương "tinh thần lao động của chúng tôi và nhấn mạnh ý nghĩa chuyện lấy công chuộc tội". Thầy Dương cũng khen ngợi "tinh thần đoàn kết". Thầy Uông chỉ phát biểu mấy câu chúc mừng rồi lấy lý do bận việc cáo từ. Sau khi nghi lễ kết thúc, bọn hiến binh Nhật cử đoàn chiếu phim đến. Đương nhiên là phim chẳng hợp với khẩu vị bọn tôi, nên từng đứa một lặng lẽ rút lui khỏi giảng đường.
Ra đến bên ngoài, đêm lặng lẽ. Ánh trăng khuyết nghiêng nghiêng trên đỉnh lầu. Cỏ cây hoa lá tỏa hương làm không khí thấm đậm một màu tinh khiết.
Tính tôi rất thích sự tĩnh lặng, nhất là cái tĩnh lặng của ban đêm. Được cũng hai người bạn thân thủ bộ vừa tâm sự dưới ánh trăng thì tuyệt biết bao. Vậy mà hôm nay, trong cái vắng lặng tĩnh mịch này tôi lại nảy sinh một chút cảm hoài. Tôi nghĩ đến đất nước, đến thân phận con người, đến bản thân mà không vui nổi.
Thế là tôi quay về ký túc xá. Giờ này ở ký túc xá cũng không có lấy một bóng người, tôi tắt đèn rồi leo lên giường ngủ.
Trong cơn mơ màng, tôi nghe có tiếng bước chân rất khẽ bên ngoài. Tôi nghĩ có lẽ là ông giám thị đang đi kiểm soát những đứa học sinh bỏ lễ không dự, nên nằm yên chẳng dám động đậy. Tiếng bước tới gần hơn rồi dừng lại bên song cửa sổ. Kế đó là tiếng huýt sáo. Hay là Dương Sơn đã phát hiện ra chuyện tôi bỏ xem chiếu bóng, nên đến chọc phá? Tôi cố giả tiếng ngáy thật đều.
Sau đó tiếng chân bước tới cạnh giường, rồi một bàn tay vuốt nhẹ lên mặt tôi.
- Anh Hán Thanh! Anh ngủ rồi à?
Tiếng của con gái chứ không phải của Dương Sơn. Ai vậy? Tôi cố gồng mình nằm yên. Nhưng không được, người đó đã kề sát mặt xuống má và môi tôi.
Tôi không chịu được nữa, ngồi bật dậy hỏi.
- Ai!
- Á!...
Cái bóng đen kia hoảng hồn la lên rồi quay đầu bỏ chạy. Đến khi tôi sửa soạn lại quần áo chạy ra thì cái bóng đen kia đã biến mất trong rừng cây.
Có lẽ là Tôn Thắng Nam tỏ tình với Ngô Hán Thanh chăng? Tôi nghĩ chỉ có cô ấy mới đủ can đảm đi vào ký túc xá nam. Nhưng đây có phải là cuộc hẹn hò sắp đặt trước? Hay chỉ là một cuộc viếng thăm bất ngờ? Tôi nhớ lại những cái vuốt ve ban nãy mà vẫn cảm thấy nóng bỏng.
Sự tò mò khiến tôi đi theo vết chân cũ. Ra đến hoa viên nhà trường vẫn chẳng thấy ai. Đang ngơ ngẩn chợt tôi thấy có bóng người ngồi trên thuyền ở hồ sen. Một người cầm sào, một người lái. Chiếc thuyền đang hướng về phía bụi rậm. Tôi định đuổi theo nhìn cho rõ là ai, thì thấy một bóng người từ phía sau hòn giả sơn bước ra.
- Chào thầy ạ.
Tôi lúng túng chào người vừa xuất hiện, đó là thầy Uông Đông Nguyên. Thầy Nguyên thấy tôi cũng ngạc nhiên không kém.
- Tại sao không ở trong đấy xem chiếu phim? Em ra đây làm gì?
Tôi lúng túng.
- Dạ trong ấy nóng quá, em định ra đây hít thở không khí tươi mát.
- Thế em có thấy Anh Tử đâu không?
- Dạ, không thấy, mấy hôm nay nghe nói cô ấy bệnh.
Thầy Nguyên gật đầu.
-Đứng. Bệnh mà chẳng chịu nằm nhà nghỉ. Mấy hôm rày đêm nào cũng đi đến khuya.
Rồi như cảm thấy mình hớ điều gì ông tiếp.
- Tôi từ nhà Anh Tử ra. Nghe cô ấy ra đây hóng mát, nên tôi cũng ra đây. Hay là cô ấy xem chiếu bòng.
Tôi nhìn đồng hồ.
- Có thể lắm, và phim cũng sắp hết rồi.
Thầy Uông gật đầu rồi bước tới cạnh hồ sen, đưa mắt nhìn ra ngoài hồ.
Chỉ một lúc sau, ánh đèn trong giảng đường bật sáng, rồi những học sinh xem phim đổ túa ra, trong đó có Dương Sơn và Vương Ngọc Anh.
Tôi hỏi.
- Dương Sơn, mi có thấy Anh Tử đâu không?
Vương Ngọc Anh nhìn tôi với ánh mắt tò mò.
- Anh Tử đang bệnh nằm ở nhà cô ấy. Chớ sao anh lại hỏi?
Tôi lắc đầu.
- Thầy Nguyên đang tìm cô ấy chứ không phải tôi.
Dương Sơn nhổ nước bọt nói khẽ.
- Đúng là... không biết ngượng.
Vương Ngọc Anh thì trừng mắt với tôi.
- Anh rõ là hay lo chuyện bao đồng, tốt hơn là nên đến an ủi Tôn Thắng Nam đi. Cô ả đang khóc đỏ cả mặt. Nghe nói Ngô Hán Thanh hẹn người ta rồi cho người ta leo cây.
Lời của Vương Ngọc Anh làm tôi giật mình. Vậy ra cô gái đã hôn tôi là... Nếu thật vậy thì thật lợm giọng. Tôi gặng hỏi.
- Cô chắc vậy chứ? Thế còn Ngô Hán Thanh hiện ở đâu? Dương Sơn thấy vậy kéo tôi qua một bên, kề tai nói nhỏ.
- Ngô Hán Thanh đang ở trong phòng thầy Dương, nhưng đừng tiết lộ chuyện này cho Tôn Thắng Nam. Cô ấy là người không biết giữ mồm giữ miệng đâu.
Tôi ngạc nhiên.
- Chuyện đó có gì bí mật đâu mà phải giấu? Tài liệu này nghe nói viết lâu lắm rồi mà? Sao mãi đến bây giờ chưa xong?
Dương Sơn trừng mắt.
- Sao mi tối dạ quá vậy? Tài liệu là những truyền đơn chống Nhật đấy. Chuyện này mình ta với ngươi biết thôi.
Tôi mới vỡ lẽ ra, hèn gì lúc gần đây rất ít khi gặp mặt Thanh. Hắn đang làm công tác bí mật quan trọng. Vậy mà... lại vẫn không yên thân được với tình yêu/
°
Đêm đó tôi đã mất ngủ.
Mất ngủ vì chuyện bị cô gái hôn lầm. Ngỡ tôi là Ngô Hán Thanh. Theo lời Vương Ngọc Anh thì cô ta chính là Tôn Thắng Nam. Nhưng theo trực giác của tôi thì chắc chắn không phải. Vì những gót chân nhẹ nhàng, giọng nói êm ái.Vậy làm sao là Tôn Thắng Nam được chứ. Chẳng lẽ khi ta yêu thì mọi thứ lại thay đổi? Nhưng vậy thì vô lý. Vì khi tôi đến an ủi cô ta thì mọi thứ đâu có gì khác. Vẫn những cái giậm chân rầm rầm, lời trách cứ ồn ồn chẳng hề có một âm thanh êm dịu.
Vậy cô nàng đó là ai? Mục Ly? Tô Huệ Vân? Vương Ngọc Anh? Càng không đúng. Ai cũng có người yêu. Vả lại trong suốt buổi chiếu, họ vẫn có mặt. Điều này Lưu Đại Khôi, Cao Triết Huê và Dương Sơn đều xác nhận. Bằng phương pháp loại suy tôi nghĩ chỉ có Khuyển Dưỡng Anh Tử. Chuyện đó xét kỹ càng vô lý. Vì mối liên hệ giữa Anh Tử và thầy Uông Đông Nguyên thế nào, cả trường đều biết rõ cơ mà?

Tháng Ngày Có Em

Chương 7

Chuyện thắc mắc vẫn còn đó.
Một tuần lễ sau Anh Tử mới quay trở lại lớp học.
Cô nàng chẳng tươi tắn như xưa. Thần sắc hốc hác như chưa qua khỏi bệnh. Theo tinh thần buổi họp hôm trước, bổn phận tôi là theo dõi Anh Tử, nên tôi phải đặc biệt chú ý đến nàng. Chuyện đó với tôi cũng không mấy khó khăn, vì tôi ngồi cạnh Anh Tử. Nhất cử nhất động của Anh Tử trong lớp tôi dễ dàng nhận biết và có thể báo cáo lại với thầy Dương sau giờ học. Đó là chuyện cụ thể. Riêng về cái sự việc xảy ra đêm hôm nọ, thì tuy có thắc mắc, ngờ vực, nhưng tôi không dám nói lại cho thầy nghe.
Trong lớp, tôi chưa hề ra mặt đả kích, nên tình cảm Anh Tử dành cho tôi khá đặc biệt. Anh Tử chưa nghi ngờ gì tôi và vai trò tôi vì có sự tán đồng của mọi người nên tôi cũng không bị ai công kích.
Nhận xét đầu tiên của tôi là sau cơn bệnh đi học lại Anh Tử có một chút thay đổi. Nàng không còn tươi cười hồn nhiên như xưa. Trái lại hay ngồi tư lự. Nhiều lúc tôi thấy cả chuyện Anh Tử lặng lẽ khóc.
Phải chăng Anh Tử sợ bị chúng tôi báo thù chuyện bị phạt lao động ngày nào? Hay là vì Anh Tử có chuyện buồn riêng tư ở gia đình ? Mọi thứ đều không có cơ sở. Chuyện chúng tôi bị phạt là vì dám lớn tiếng với thầy Uông. Còn ở gia đình, Khuyển Dưỡng Quang Hùng mất vợ từ lâu nên cưng Anh Tử như cưng trứng. Còn đám Hán gian nịnh bợ thì khỏi nói, nịnh bợ với nàng hơn cả cha mẹ ruột. Vậy thì sự việc này chắc có liên hệ đến sức khỏe đây. Vì trước đó tôi đã đọc qua một quyển sinh lí học. Nơi người con gái khi đến tuổi dậy thì thường thay đổi tính nết. Đa sầu đa cảm, buồn vui thất thường. Có lẽ điều này đúng hơn. Vì lúc gần đây tôi thấy Anh Tử đã biến thành một thiếu nữ duyên dáng lak thường.
Cũng có thể đây là hiện tường tình yêu? Nhưng tình yêu thường mang đến cho người ta sự rạng rỡ yêu đời, chớ làm sao lại khiến Anh Tử ủ rũ, buồn rầu như vậy ?
Và không hẹn mà gặp, chúng tôi dồn hết tâm trí vào sự thay đổi tình cảm của Anh Tử.
Sau khi Mục Điền Thanh vì yêu mà bệnh nặng, chúng tôi ai cũng cảnh giác không dám sa chân vào đường tình. Nhất là với Anh Tử, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không để tâm đến tình cảm Anh Tử.
Giữa Anh Từ và thầy Uông Đông Nguyên tình cảm đương nhiên là khăng khích hơn với bọn tôi. Tuổi tác của Uông Đông Nguyên cũng cân xứng với Anh Tử. Họ có thể là một đôi uyên ương lý tưởng. Có điều đứng về phương diện tinh thần thì thầy Uông quả là không xứng với cái trong sáng hồn nhiên của Anh Tử.
Đó là chuyện những hôm trước. Nhưng từ ngày lao động đến giờ thì bọn tôi thấy Ngô Hán Thanh và Anh Tử thân mật hẳn lên. Nhiều lúc Ngô Hán Thanh còn có vẻ như có ý che chở cho Anh Tử trong lúc thảo luận.
Đứng riêng về phương diện tình cảm khách quan so sánh. Ngô Hán Thanh có vẻ vượt trội hơn thầy Uông. Có điều giữa Hán Thanh và Anh Tử khó có thể gặp nhau vì tư tưởng họ hoàn toàn cách biệt.
Nhưng trong sự việc Anh Tử sầu não, chúng tôi lại phát hiện một điều. Ngô Hán Thanh cũng có vẻ không bình thường, trốn tránh mọi người, dễ nổi nóng, nhất là với Tôn Thắng Nam.
Tôi đem nhận xét này ra báo cáo với cái " đoàn thể nhỏ " của chúng tôi, không ngờ bị Dương Sơn phê bình là tại sao lại quan tâm đến chuyện tình cảm nhỏ nhặt đó. Để tâm trí tập trung vào chuyện đại sự tốt hơn.
Lưu Đại Khôi thì quan điểm rộng rãi hơn, cho đó chẳng qua là vì một cú sốc tình cảm sau đó bị chúng tôi kích bác. Dương Sơn không chịu nói, biết đâu đó là một sự bứt rứt của lương tâm, vì bị Uông Đông Nguyên ép phải làm một chuyện gì đó mà lương tâm không cho phép ?
Nghĩ vậy, nên sau đó tôi đã quan sát Anh Tử kỹ hơn. Riêng về kỹ thuật này, thầy Dương đã từng chỉ cho tôi nhiều biện pháp để có thể trinh sát kẻ địch mà không bị phát hiện. Ông còn bạo dạn hơn bằng cách trao cho tôi một chiếc ống nhòm xa, và bảo tôi thỉnh thoảng hãy đến cạnh đồn bốt địch theo dõi sự dịch chuyển của lính Nhật.
Anh Tử không ở ký túc xá như bọn tôi, mà ở trong tòa biệt thự to của một vị quan cao cấp trước đó đã bỏ đi. Quân Nhật đến chiếm cứ và trở thành công thự dành cho Khuyển Dưỡng Quang Hùng.
Nơi đẹp nhất của thị xã là nơi dành cho kẻ thù trú ngụ.
Mỗi ngày, tan học về, tôi đều nán chờ Anh Tử về mới về sau. Nhờ đó tôi phát hiện một điều, đấy là ngày ngày thầy Uông Đông Nguyên đều đón cô nàng dọc đường để đưa về. Trên đường họ trao đổi nhau điều gì đó bằng tiếng Nhật nên tôi nghe không rõ.
Tôi đem sự việc này, báo cáo lại thầy Dương. Ông ấy đã thay đổi chiến lược. Bắt tôi phải về sớm hơn. Khoảng đường từ trường đến nhà Anh Tử có một khu rừng phong. Thầy Dương dặn tôi phái núp vào đấy và cố lắng nghe xem họ trao đổi nhau điều gì.
Đây là một chuyện khá căng thẳng. Vì khoảng đường đó có lính Nhật đứng gác nghiêm ngặt. Chỉ có nước vào rừng phong bằng cách giả dạng như đi bắt dế hay thả diều.
Tôi bắt đầu thi hành sứ mệnh.
Trời vừa sụp tối thì tôi có mặt ở rừng phong. Ngồi trong lùm cây khoảng năm phút thì Anh Tử và Uông Đông Nguyên xuất hiện. Nhưng lần này chẳng có gì lạ. Anh Tử yên lặng đi trước, còn Uông Đông Nguyên với vẻ mặt thiểu não đi sau. Cả hai chẳng nói với nhau điều gì cả. Tôi cảm thấy thất vọng thì Anh Tử dừng lại, tôi giật mình, tưởng là mình bị phát hiện, nhưng Anh Tử chỉ ngồi xuống bãi cỏ, cách chỗ tôi núp không bao xa. Nói với Uông Đông Nguyên bằng một giọng buồn buồn.
Thầy về trước đi. Em mệt quá, muốn ngồi lại đây nghỉ một lúc. Lá đỏ đẹp quá.
Uông Đông Nguyên vẫn đứng yên cười.
Ngày nào cũng đi ngang đây, ngắm cảnh mãi không chán sao mà ngồi lại ngắm. Lá đỏ thì có gì đẹp mà ngắm. Nhìn nó tôi liên tưởng đến mùa thu cuộc đời. Buồn lắm.
Em thì không nghĩ đến điều đó, mà một cái khác.
Tiềng Uông Đông Nguyên hỏi.
Cô có nhớ đến quê hương của mình ?
Anh Tử lắc đầu.
Em sinh ra và lớn lên ở đấy nước này nên không có quê hương.
Anh Tử lặng yên một chút thở dài nói.
Có lẽ rồi một ngày nào đó chúng em rồi phải rời khỏi đất nước này. Lúc đó chắc em sẽ nhớ lắm.
Uông Đông Nguyên kinh ngạc.
Cha cô chưa được lệnh đổi đi nơi khác ?
Không phải. Nhưng em nghĩ cha em là quân nhân, trong chiến tranh sẽ chuyển dịch luôn. Từ trước đến giờ có bao giờ em ở lại một nơi quá một năm đâu?
Anh Tử nói và cúi xuống nhặt một chiếc lá, tiếp.
Lá cỏ được rụng về cội. Còn em thân trôi giạt chẳng có nơi dừng.
Uông Đông Nguyên gật đầu, hiểu.
Có lẽ.
Rồi hai người tiếp tục yên lặng. Lúc đó tôi mới nhớ ra lời dặn dò của thầy Dương là phải thăm dò sự chuyển quân của Nhật, nên cố nín thở lắng nghe. Tiếng thầy Uông vang lên.
Cô còn quá trẻ sao lại có tư tưởng chán đời như vậy?
Và để phá tan cái không khí nặng nề, thầy Uông bắt đầu nói sang chuyện khác. Điều đó làm tôi thất vọng, tôi rướn người nhìn qua, thấy thầy Uông ngồi xuống cạnh Anh Tử, hỏi.
Chuyện của chúng ta, em có nói lại cho cha biết chưa?
Anh Tử có vẻ giật mình.
Chuyện gì? Em không hiểu thầy nói gì cả.
Thầy Uông thở dài.
Chẳng lẽ em còn chưa hiểu tấm lòng của tôi? Sao nói thế?
Tôi chợt hiểu thì ra thầy Uông đang tỏ tình với Anh Tử đây. Tôi cố mở to mắt ra nhìn. Anh Tử vẽ vẽ gì trên cỏ nói.
Em chưa tính gì hết. Em cảm thấy mình còn quá nhỏ... Đợi đến bao giờ học xong đại học em sẽ tính sau.
Thầy Uông có vẻ bất mãn.
Đến lúc đó e là mọi thứ đã đổi khác.
Anh Tử nói.
Không chừng lúc đó không còn chiến tranh, cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Bấy giờ em hẳn là người lớn rồi.
Anh Tử suy nghĩ một chút tiếp.
Không biết lúc đó em sẽ mặc áo gì? Xường xám hay là Kimono? Không thể mặc cùng lúc hai thứ được.
Uông Đông Nguyên cười nói.
Cô đã mười bảy, mười tám tuổi nghĩa là không còn con nít đâu. Cô mặc áo nào tôi thấy cũng đẹp cả.
Anh Tử lắc đầu.
Nhưng chẳng hiểu sao em cứ mong mọi người cứ coi mình là trẻ con. Làm người lớn coi bộ khổ quá. Đi học cha cũng bắt mặc Kimono chứ không cho mặc đồng phục nhà trường.
Cha em có vẻ kiếm soát em kỹ quá. Ngay cả chuyện ăn mặc ông ấy cũng quan tâm?
Vâng, vì người bảo em mặc Kimono khiến người nhớ đến mẹ lúc còn trẻ. Em biết người vẫn còn nhớ mẹ em mặc dù lúc sau này người hay gắt gỏng.
Uông Đông Nguyên ngập ngừng nhìn Anh Tử, cười nói.
Nghe nói trước khi lấy cha em, mẹ em có người yêu cũ là một người Trung Quốc, phải không?
Tôi đã đoán ra ẩn ý của thầy Uông. Chỉ nghe Anh Từ thở dài nói.
Vâng, em cũng đã nhìn thấy ảnh mẹ chụp với người ấy. Nghe nói chuyện tình kia xảy ra khi hai nước Hoa Nhật còn thân thiện. Mãi sau khi cuộc chiến xảy ra, mối tình đó mới tan vỡ.
Tại sao hai người không lấy nhau lại chia tay?
Mẹ em có cho em xem qua bức thư tình cũ. Đó là lá thư giã biệt, vì ông ấy yêu nước và đặt tổ quốc lên trên tình yêu.
Uông Đông Nguyên lắc đầu nói.
Ông ta quả là nông nổi, cái gì cũng có giải pháp cứu cánh. Yêu nước là một chuyện, tình yêu là chuyện khác. Còn nếu thấy không giải quyết được thì dừng yêu. Về nước mà làm gì. Ở lại Nhật thì mọi thứ vẫn vẹn toàn.
Anh Tử lắc đầu.
Chính mẹ em vì quá yêu ông ấy mới khuyên ông ta rời Nhật về nước.
Sao lạ vậy? À, tôi hiểu rồi. Có phải vì cha em hiện nay đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt mẹ em, đuổi ông ta đi?
Anh Tử lại lắc đầu.
Không, cha em không phải hạng người đe hèn như thế. Sự thật ra giữa mẹ và cha đã thâm giao từ buổi ấu thơ. Phải nói là người đàn ông kia đã cưỡng đoạt mẹ trên tay cha. Sau đó hai người đàn ông đã giải quyết sự việc bằng chuyện quyết đấu. Giữa lúc tình thế căng thẳng thì mẹ em chạy đến thế là hai người đã để mẹ em lựa chọn. Kết quả mẹ đã chọn cha!
Tại sao mẹ em lại yêu một người mà lại lấy người không yêu làm chồng? Phải chẳng vì không muốn người mình yêu bị chết mà hy sinh?
Anh Tử thở dài, ngừng một chút rồi nói.
Có một lý do khác là sự hiện diện của em. Vì có một hôm khi cha em uống rượu say đã tiết lộ một điều, đấy là sau khi hai người thành hôn và sinh em xong, mẹ em đã có ý định tự sát!
Vậy mà có lời đồn ông Khuyển Dưỡng Quang Hùng đã giết vợ trong một cơn say?
Nhưng cha em lại bảo chính người đàn ông Trung Quốc kia mới là kẻ khiến mẹ em tự sát!
Anh Tử nói. Uông Đông Nguyên ngạc nhiên.
Thế là thế nào?
Sự việc là như thế này. Khi người đàn ông Trung Quốc kia sắp về nước, ông ta để lại cho mẹ em một bức thư. Ông chẳng những không cảm thông nôi xkhoor tâm của mẹ em mà còn trách móc và nói sẽ ở độc thân như vậy cho đến bao giờ mẹ em chết đi. Chính vì cái câu nói đó mà mẹ em mới tự tử. Và cha em tức giận mới xin tình nguyên sang Trung Quốc. Mục đích là để tìm người đàn ông vô tình đó.
Biết đâu người đàn ông kia cũng thù hận cha em? Nhưng tôi thấy trong chuyện này, cáu nguyên do sâu xa là chiến tranh, là thù hận dân tộc.
Anh Tử cắt ngang.
Thôi đừng nói đến chuyện đó nữa. Chỉ mong những tấm thảm kịch này không còn tiếp tục xảy ra.
Uông Đông Nguyên cười nói.
- Đúng! Tôi cũng mong như vậy và nếu có chuyện xảy ra thì mong đó là chuyện vui thôi.
Tồi Uông Đông Nguyên hỏi.
Học ở đây em có thấy thích không?
Anh Tử gật đầu.
Thích chứ!
Nhưng em vẫn thích họ! Em mong là một thời gian nữa họ sẽ hiểu và sẽ có cảm tình với em.
Chuyện này có lẽ hơi khó đấy. Vì họ nghe đồn Điền Mục Thanh bệnh nguyên nhân vì em.
Anh Tử có vẻ bối rối.
Đó chẳng qua là chuyện hiểu lầm. Có điều em vẫn có cảm tình với Điền Mục Thanh đấy chứ. Tư tưởng có nhiều chỗ tương đồng. Có điều em không yêu anh ta.
Nghe nói hình như anh ta làm rất nhiều thư tình cho em>
Cũng là chuyện hiểu lầm. Chỉ quý nhau thôi.
Thì bước đầu là quý mến nhau. Sau đó yêu mấy hồi!
Anh Tử cười.
Chuyện tình yêu khó có thể giải thích được. Có khi đứng không cùng một chiến tuyến vẫn có thể yêu nhau.
Uông Đông Nguyên cười theo.
Cũng có thể lắm chứ?
Anh Tử cắt ngang.
Thôi đừng nói đến chuyện này nữa.
Uông Đông Nguyên hỏi.
Nghe nói thấy Dương chẳng có cảm tình với em?
Anh Tử lắc đầu.
Chắc hẳn như vậy. Ông ấy là một phần tử nguy hiểm.
Anh Tử đưa mắt nhìn về rừng phong, nói.
Em không thích nghe nói xấu người khác. A, mà giờ đã tối rồi thầy không bận chuyện gì ư? Hay là thầy về trước đi, em thích được ngồi một mình một lúc.
Uông Đông Nguyên ngạc nhiên.
Cô cũng biết tối rồi, mà còn ngồi ở đây một mình làm gì?
Anh Tử chẳng trả lời, nói.
Em muốn hái một vài cái lá đỏ. Thầy giúp em được không ?
Câu nói của Anh Tử khiến tôi giật mình. E là như thế sẽ khiến Uông Đông Nguyên đi sâu vào rừng và như vậy sự hiện diện của tôi sẽ bị phát hiện ngay. Nhưng cũng may là thầy Uông chỉ với tay lên hái mấy chiếc lá ven đường.
Thôi đủ rồi, cảm ơn! - Anh Tử nói - Bây giờ em phải về nhà đây.
Anh Tử nguệch ngoạc vẽ thêm mấy hình dưới cát rồi đứng dậy.
Khi Anh Tử và Uông Đông Nguyên đi rồi, tôi nhẹ nhàng bò ra khỏi bụi cỏ. Nhưng vừa mới bò được mấy bước tôi đã giật mình vì cái bóng đen lùm gần đó. Tôi suýt kêu lên thì nghe tiếng Ngô Hán Thanh nói.
Tao đây! Đừng lộn xộn, coi chừng bọn Nhật trông thấy bây giờ.
Tôi ngạc nhiên.
Sao mi cũng có mặt ở đây?
Ngô Hán Thanh hỏi ngược.
Thế còn ngươi ?
Tao chỉ làm theo lệnh thầy Dương.
Tôi nói, Ngô Hán Thanh gật đầu.
Tao cũng vậy.
Hai đứa tôi bò ra chỗ Anh Tử ngồi ban nãy. Dưới ánh trăng. Tôi thấy hình vẽ ban nãy của Anh Tử là hai quả tim, một hình mặt trời sắp lặn và mấy con số ngoằn ngoèo. Tôi không biết Anh Tử viết những cái đó với mục đích gì. Trong khi Ngô Hán Thanh như nghĩ ra điều gì đó gật đầu cười. Rồi để đánh lạc sự chú ý của tôi, anh chàng nói :
Thôi đi nhanh lên, kẻo có người trông thấy.
Quả thật xa xa có mấy bóng người. Tôi lấy ống nhòm ra nhìn, thì ra là Dương Sơn và Tôn Thắng Nam. Nhưng mỗi người lại đi về hướng khác nhau. Họ ra đây với mục đích gì? Tôi tự hỏi. Có lẽ cũng làm theo thầy Dương thôi.

Tháng Ngày Có Em

Chương 8

Trong lúc mọi người đều chú ý theo dõi hành vi của Anh Tử. Thì một sự việc quá sức tưởng tượng của tôi xảy ra.
Hôm ấy, Anh Tử lặng lẽ kẹp một lá thư vào vở qua cho tôi, mời tôi và Lưu Đại Khôi đến quán trà vắng khách ở hoa viên gần trường uống trà. Ngày hẹn: chủ nhật tới.
Tôi ngồi suy nghĩ mãi không biết Anh Tử lại định giở trò gì đây. Hay là cha cô nàng sắp chuyển công tác nên nàng muốn giã từ chúng tôi? Cũng có thể Anh Tử đã phát hiện được chuyện tôi theo dõi nàng nên muốn phủ đầu đe dọa? Cũng có thể Anh Tử mời chúng tôi để thăm dò khuynh hướng và tư tưởng bọn tôi.
Khi đem sự việc này ra bàn với Lưu Đại Khôi thì Khôi lại phản bác điều tôi đã nghi ngờ hết. Hắn bảo có lẽ Anh Tử định nhờ chúng tôi giải thích giùm một bài toán hay chẳng qua mời uống trà chỉ để mua chuộc bọn tôi thôi.
Tôi báo cáo sự việc lên thầy Dương, thì thầy không phản đối. Thầy hỏi không nhân sự việc này để thăm dò đối phương, nhất là về phương diện tư tưởng. Có thể đây là một hình thức mà Khuyển Dưỡng Quang Hùng định dùng để xâm nhập chính trị vào nhà trường. Thầy Dương khuyên chúng tôi nên tương kế tựu kế để đánh lạc hướng Quang Hùng. Cũng trong dịp này thầy Dương yêu cầu chúng tôi thay đổi thái độ với Anh Tử. Thù ghét ra mặt là hành vi hạ sách, chẳng những không kết quả mà có khi bị tác động ngược.
Thế là buổi chiều chủ nhật, tôi và Đại Khôi đúng giờ hẹn đến quán. Nhìn quanh chỉ thấy có một cô gái đội khăn ngồi ở góc quán. Đến gần mới biết là Anh Tử.
Anh Tử lột khăn xuống giải thích.
- Tôi ngại các bạn cùng lớp nhận thấy rồi lo ngộ nhận không tốt.
Tôi hiểu ra.
- Hèn gì Anh Tử chẳng ăn mặc lạ như thế này, trông như gái quê!
Anh Tử cười.
- Bây giờ tôi đã là thiếu nữ Trung Quốc rồi chứ?
- Giống lắm.
Anh Tử có vẻ suy nghĩ.
- Nếu mọi người chịu coi tôi là người Trung Quốc thì hay biết bao.
Lưu Đại Khôi nhớ đến lời thầy Dương hỏi.
- Cô không thích mặc Kimono nữa à?
Anh Tử đáp.
- Đương nhiên là thích. Tôi là người Nhật mà nhưng áo nào đẹp là cũng thích thôi. Vì vậy tôi cũng muốn người Trung Quốc yêu Kimono.
Lưu Đại Khôi cười.
- Chuyện đó rất có thể, nếu mọi người dẹp bỏ được óc dân tộc hẹp hòi, nhưng điều này có thể khó khi cô là người Nhật!
Anh Tử nghiêm mặt.
- Các anh vẫn có định kiến như họ nữa sao? Tôi thấy Nhật hay Trung Quốc đều có chung một nền văn hóa nguyên thủy. Chẳng lẽ Nhật và Trung Quốc rồi không dẹp bỏ được hận thù cứ mãi đối nghịch nhau?
- Có thể dẹp bỏ được, nếu có một bên bại.
- Tôi thì thấy thắng bại không thành vấn đề. Chiến tranh rồi có lúc phải kết thúc cũng như nhân sinh quan của con người. Có lúc cũng phải thay đổi.
Phải chăng Anh Tử đang triển khai kế hoạch chiêu dụ chúng tôi? Ý nghĩ đó khiến bọn tôi khó chịu. Lưu Đại Khôi xẵng giọng nói.
- Thôi đừng có nói chuyện chính trị ở đây. Tôi hỏi cô gọi chúng tôi đến đây có việc gì?
Anh Tử lắc đầu.
- Chẳng có việc gì cả. Chẳng qua vì trong lớp muốn nói chuyện riêng với các anh không được tự nhiên. Mà trong lớp lại chỉ có các anh coi tôi là bạn bè.
Lưu Đại Khôi liếc nhanh về phía tôi, rồi cười.
- Cũng đâu có gì. Lúc hay tin cô bệnh mà chúng tôi không đến thăm được, chuyện đó không phải bạn bè rồi. Nhưng xin Anh Tử miễn thứ cho. Vì chuyện vào dinh thự nhà cô không phải là chuyện dễ.
- Cảm ơn anh. – Anh Tử cảm động nói. – Anh nói câu đó tôi đã thấy mát lòng rồi. Lâu nay rôi cứ nghĩ mình quá cô độc. Không biết khi chết đi rồi, có ai là người nhỏ lệ vì tôi không?
Lời của Anh Tử làm tôi vô cùng xúc động. Tôi chưa kịp nói gì thì Lưu Đại Khôi đã lên tiếng.
- Tôi rất ân hận về thái độ của các bạn với cô, nhưng tôi nghĩ mọi thứ chỉ tại hiểu lầm. Có điều cô là người khá kiên nhẫn. Tôi nghĩ mặc dù cô là người Nhật nhưng cô đã đạt được chữ nhẫn của học thuyết Khổng Mạnh Trung Quốc.
- Cảm ơn anh – Anh Tử cười nói – Chuyện đó tôi không oán trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ rằng mình cư xử với bạn bè chưa tốt nên mới bị hiểu lầm. Có lẽ tôi còn phải cố gắng hơn, từ tốn hơn. Như vật may ra các bạn mới không còn thành kiến tôi là con gái của kẻ thù! Nhưng từ tốn thế nào để được hòa nhập với mọi người, điều này hẳn phải nhờ hai anh chỉ bảo.
Lưu Đại Khôi lắc đầu nói.
- Chuyện này hoàn toàn bế tắc. Vì sự thù hận của hai dân tộc khó hòa giải trong một sớm một chiều. Nói rõ ra các bạn của chúng ta không có gì để thù hằn cá nhân cô, mà người họ căm thù là Khuyển Dưỡng Quang Hùng, cha cô đấy.
- Nhưng cha tôi đâu có làm gì xấu?
- Nhưng ông ấy là sĩ quan Nhật, đang cầm đầu đội quân xâm lược chiếm lấy đất nước chúng tôi.
Anh Tử yên lặng. Lưu Đại Khôi lại tiếp.
- Vì vậy chuyện cô muốn vun đắp tình bạn với bọn tôi chẳng khác nào dã tràng xe cát biển đông. Bao nhiêu sức lực bỏ ra chỉ một con sóng thôi là mọi thứ tan tành.
Anh Tử lắc đầu.
- Tôi không hiểu!
- Có gì mà không hiểu. – Lưu Đại Khôi lại tiếp – Ý tôi muốn nói là mọi cố gắng của cô sẽ vô ích, nó chẳng những không gây được thiện cảm với mọi người, mà còn khiến bạn bè ngờ vực.
- Tại sao vậy?
- Vì có người cho rằng có người đã chỉ thị cho cô thi hành công tác chiêu dụ trong trường.
- Ai? Thầy Nguyên ư?
Lưu Đại Khôi gật đầu.
- Vâng, cô thông minh lắm, nhưng nếu thật là hắn làm việc đó thì không thể nào tha thứ được. Vì hắn là người Trung Quốc.
Anh Tử lắc đầu.
- Các anh lầm rồi! Thầy Nguyên không phải là người xấu như các anh tưởng đâu.
Lưu Đại Khôi nghiêm nghị.
- Nếu như cô coi chúng tôi là bạn, thì tôi khuyên cô nên chú tâm và việc học nhiều hơn, ít nói, đừng phí thời gian vào chuyện lấy lòng bạn bè. Chuyện đó cô không thể nào thực hiện được đâu.
Anh Tử tránh ánh mắt của Khôi, lắc đầu nói.
- Tôi không tin là tình yêu không thể hóa giải hận thù. Hẳn anh đã đọc chuyện Romeo và Juliette?
Chúng tôi gật đầu. Anh Tử tiếp:
- Đấy, máu của Romeo và Juliette đã hóa giải hận thù giữa hai giòng họ. Thì tại sao chúng ta không dựa vào đó mà mà xóa bỏ sự hận thù dân tộc.
Tôi yên lặng. Anh Tử tiếp.
- Tôi mong các anh giúp đỡ tôi. Nhất là anh Khôi, anh là trưởng lớp, anh nói các bạn hẳn nghe theo. Tôi thật lòng muốn làm bạn với mọi người. Tôi tin là với thời gian các bạn rồi sẽ chuyển ý như anh Ngô Hán Thanh chẳng hạn.
Lời của Anh Tử khiến tôi nhớ đến cái buổi chiều ở rừng phong. Lưu Đại Khôi không biết chuyện đó, nên nói.
- Ai chứ Ngô Hán Thanh thì tôi chịu. Anh ấy là chủ tịch hội học sinh. Hắn là người rất khó lay chuyển.
- Tại sao?
- Vì hắn là người yêu nước sôi nổi nhất, nhiệt thành nhất.
Anh Tử nhíu mày.
- Người yêu nước vẫn có tình cảm chứ không phải là gỗ đá. Ngô Hán Thanh chắc chắn phải có gia đình, chị em?
- Ngô Hán Thanh không còn gia đình nên tình cảm dành hết cho tổ quốc. Nghe nói Ngô Hán Thanh đã mất cha mẹ từ nhỏ. Thanh và hai người anh được người thân nuôi nấng nên người. Nhưng hiện giờ Thanh cũng đã mất liên lạc với hai người anh từ lâu.
Anh Tử có vẻ hiếu kì, thắc mắc.
- Tôi thấy thì anh Thanh chẳng phải dành hết tình cảm cho tổ quốc đâu, nghe nói hiện anh ấy đang có cảm tình với Tôn Thắng Nam?
Lưu Đại Khôi lắc đầu, cười.
- Cô lầm to rồi! Hoa rơi hữu ý nhưng nước chảy vô tình. Tôn Thắng Nam yêu Ngô Hán Thanh thật, có điều đó chỉ là tình yêu đơn phương. Tình yêu không được đáp lại. Có điều Ngô Hán Thanh là con người tế nhị, nên không nhẫn tâm nói thật sợ Nam đau lòng.
Anh Tử cười.
- Chuyện riêng tư của họ mà sao anh biết? Hay là chỉ đoán mò thôi?
- Tôi nói dối cô làm gì? – Lưu Đại Khôi đáp – Cách đây không bao lâu Ngô Hán Thanh còn tâm sự với tôi và nhờ tôi khuyên Tôn Thắng Nam giùm là hãy dành thời gian cho chuyện học nhiều hơn.
- Thế anh có khuyên Tôn Thắng Nam không?
- Đàn bà con gái các cô có bao giờ chịu nhận sự thật. Khi nghe tôi nói. Thắng Nam đã chối leo lẻo. Cô ta còn nói là xem Hán Thanh như một người anh tinh thần.
Anh Tử cúi xuống với một với nụ cười.
- Vậy là tốt rồi. À mà... Người Trung Quốc các anh thường cho rằng hôn nhân bao giờ cũng là duyên nợ. Anh tin điều đó không?
Đại Khôi lắc đầu.
- Tôi không tin! Đấy là điều mê tín dị đoan. Nhiều người đã lợi dụng cái lý do đó để giải thích việc làm sai trái của mình.
Anh Tử nói.
- Tôi thì tin chuyện đó, mà không phải chỉ một mình tôi, các bạn gái đều tin như vậy. Nó tương tự như thuyết nhân quả vì có cái lý của nó. Đúng ra khoa học nên nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Lưu Đại Khôi hình như chẳng thích bàn đến vấn đề trai gái nhiều, nên đã chuyển đề tài sang chuyện học hành.
Chuyện vãn một hồi, Anh Tử chợt nói.
- Mùa đông sắp đến, nhà tôi có tổ chức buổi khiêu vũ vào hôm Giáng Sinh. Tôi muốn nhờ các anh mời hộ thêm mấy bạn đến dự cho vui. Anh thấy thế nào?
Lưu Đại Khôi suy nghĩ rồi nói.
- Cám ơn Anh Tử, nhưng lúc đó ai ai cũng đang chuẩn bị về quê ăn Tết, e là họ không dự đâu. Người Trung Quốc chúng tôi rất quan trọng tết Nguyên Đán. Đó là ngày trọng đại nhất trong năm.
Anh Tử nói.
- Vâng, người Nhật cũng xem đó là ngàu sum họp gia đình. Thôi được, các anh không muốn dự lễ Giáng Sinh với tôi thì thôi, nhưng tôi mong là trong những ngày nghỉ tết các anh vẫn thư từ với tôi nhé?
- Chuyện này thì chẳng có gì trở ngại.
Khôi nói, rồi lật sổ tau đọc một số địa chỉ cho Anh Tử chép. Tôi ngồi yên lặng theo dõi thái độ của Anh Tử, Tôi thấy khi biết được địa chỉ Ngô Hán Thanh, hình như Anh Tử rất mừng.
Sau khi Anh Tử chép địa chỉ bạn bè xong, chúng tôi đã chia tay. Trên đường về, tôi và Khôi đã phân tích những sự việc trong buổi nói chuyện vừa qua. Quả thật không có gì để nghi ngờ. Khôi còn cho rằng Anh Tử bị cô lập nên cảm thấy rất cần tập thể. Sống trong xã hội con người chẳng thể bị cô lập. Vì đó là một sinh vật sống hợp quần. Chúng tôi chẳng ngờ buổi nói chuyện hôm đó lại tiềm tang một tai họa vô tình cho một người khác.

Tháng Ngày Có Em

Chương 9

Sau một lần bị phạt lao động lại được sự khai sáng của thầy Dương – Giận dữ hấp tấp chẳng lợi lộc gì, đôi khi lại gây tai họa, chỉ có thể bình tĩnh mới sáng suốt giải quyết được sự việc. Thế là chúng tôi học hành làm việc nghiêm chỉnh hơn. Giờ học Nhật ngữ cũng không quậy phá quá đáng. Điều này khiến thầy Uông rất mừng. Thế là ông cũng dạy một cách thận trọng hơn, cũng như giữ vững lời hứa. Dạy nửa giờ. Nửa giờ còn lại thảo luận chuyện thời sự.
Lúc bấy giờ cuộc chiến đang đến độ quyết liệt. Đương nhiên theo lời thầy thì bao giờ quân đội thiên hoàng cũng thắng. Chuyện này chúng tôi đã quá rõ, nên có đứa đã chơi chữ bằng cách hô to câu "Hoàng quân vô địch!" trong đó chữ "Địch" đọc thành âm bằng, nên trở thành chữ "đáy" có nghĩa là "Hoàng quân vô đáy". Ý muốn nói quân đội Thiên Hoàng đang rơi xuống vực thẳm tận đáy.
Qua buổi nói chuyện thời sự, chúng tôi cũng thăm dò về tình hình ở hậu phương. Thầy Uông báo cáo chẳng khác lũ Nhật là mấy, thí dụ vật giá ở Trùng Khánh vùn vụt tăng. Đồng tiền bị mất giá, dân đói, bộ đội và học sinh đi học bằng chân không chẳng có giày...nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng biết được một vài tin tức khác do đôi lúc ông nói hớ ra.
Trong số học sinh, đương nhiên cũng có người non dạ, dễ tin nên rất nản lòng. Chúng tôi đem sự việc này ra hỏi thầy Dương, thì ông nói chuyện đó cũng là lẽ đương nhiên. Trong chiến tranh, nhất là cuộc chiến tiêu thổ thì sự thiếu thốn là thường tình.
Trong những lúc thầy Uông nói chuyện thời sự, đương nhiên là thầy thổi phồng sự đói khổ ở hậu phương. Ông muốn đem những chuyện đó ra để hù dọa cho bọn tôi nản lòng nhưng không ngờ ông đã lên thêm sự căm hờn bọn giặc ngoại xâm trong trái tim bọn tôi hơn.
Có một lần khi ông đang thao thao bất tuyệt thì Ngô Hán Thanh đã đứng dậy nói.
- Vì lý tưởng, vì đất nước, chiến đấu cho sự tồn vong của dân tộc thì có phải ăn đói mặc rách, chịu trăm bề khổ cực cũng nào có nghĩa lý gì. Trái lại các chiến sĩ còn coi đó là vinh.
Vương Mộ Đào vỗ tay nói theo.
- Đúng. Một hình thức nằm gai nếm mật.
Dương Sơn thì khỏi nói:
- Nếu thời tiết mà không rét thì ở truồng cũng không sao...
- Hoan nghênh ở truồng! Ha! Ha! Ha!
Anh chàng "ca sĩ" Liễu Ngạn Phong vội nhại theo một điệu một bài hát nổi tiếng, hát: "Đứng lên! Hỡi những người không mặc quần, hãy đứng lên!".
Mọi người ôm bụng cười, rồi người khác lại phóng tác bài "Nghĩa dũng Quân tiến khúc" tiếp theo.
- Đứng lên! Ôm chặt vợ kẻ thù tiến lên! Tiến lên!
Trong tình cảnh đó thầy Uông chỉ còn biết đứng nhún vai cười mếu. Đến khi tiếng cười vơi bớt thẩy lẩm bẩm nói:
- Tuổi trẻ chẳng biết gì cả. Rõ khổ!
Đương nhiên là bọn tôi biết ông đang nói chúng tôi. Đúng lúc mọi người còn yên lặng thì Anh Tử đứng lên hỏi.
- Thưa thầy! Khổ sở như vậy mà họ cứ tiếp tục chiến đấu thì sao? Họ có thể chống đối với cái bụng trống rỗng à?
Thầy Uông nói.
- Đúng vậy! Quân đội ta đã nhìn thấy những xác chết với cái bụng trống rỗng.
Anh Tử chớp chớp mắt ngây thơ.
- Đói vậy mà vẫn chiến đấu? Sao họ không quay về?
Thầy Uông liếc nhanh sang Đại Khôi nói.
- Đó mới là chuyện lạ. Họ cứ tiếp tục chiến đấu không sợ chết, dù sức đã tàn, lực đã kiệt.
Anh Tử đưa bút chì lên miệng cắn.
- Thật dại dột! Em chịu, không làm sao hiểu nổi.
Thầy Uông cố tình nhấn mạnh.
- Chẳng phải dại mà là điên! Họ giống như những con thiêu thân... Biết chết mà cứ xông vào! Họ chỉ biết phá hoại!
Anh Tử có vẻ ngạc nhiên.
- Sao lạ vậy? Con người phải hết sức phấn đấu mới tạo được một xã hội văn minh. Sao họ lại phá hoại?
Bấy giờ thì Dương Sơn không dằn được nữa đứng lên nói.
- Này cô gái Nhật giả vờ ngây ngô kia! Cô hãy dẹp bỏ cái trò kệch cỡm đó đi. Đồ tể mà bày đặt đọc kinh sám hối. Nói cho cô biết, những người chiến đấu bảo vệ đất nước kia mới là những người bảo vệ văn minh. Họ tình nguyện chết trong đói khát còn hơn là sống dưới ách nô lệ!
Ngô Hán Thanh cũng lớn tiếng.
- Vì bọn quân phiệt Nhật không muốn chúng tôi sống trong tự do nên họ phải chết trong tự do!
Anh Tử cười.
- Chết vì tự do? Anh nói gì lạ vậy? Lần đầu tôi mới nghe đến từ đó.
Ngô Hán Thanh trừng mắt.
- Thế cô có biết người công dân có quyền tự do yêu nước không?
- Đó không phải quyền lợi mà còn là bổn phận.
-Vậy thì cô yêu tổ quốc cô chứ?
- Đương nhiên, tôi yêu tổ quốc tôi và yêu cả nhân loại nữa.
- Nếu vậy tại sao người Nhật lại không cho phép chúng tôi yêu tổ quốc mình chứ?
- Sao lại không? Ngay chính tôi đây, tôi là người Nhật, nhưng lớn lên ở đất nước các bạn. Chính tôi cũng yêu Trung Quốc mà.
Dạ Xoa Tôn Thắng Nam nghe Anh Tử nói vậy, đứng lên giận dữ nói.
- Yêu ư? Vậy sao cha cô lại mang quân sang xâm lược nước Trung Quốc chúng tôi?
Anh Tử tròn mắt:
- Cái gì mà xâm lược? Cha tôi bảo Trung Nhật là thân thiện. Quân Nhật Hoàng sang đây là giúp Trung Quốc để kiến tạo một cộng đồng lớn gồm Trung Quốc và các nước khác gọi là "Đại Đông Á".
Vương Ngọc Anh trề môi.
- Đúng là lũ cáo định chăm sóc cho gà! Toàn là thứ giả dối.
Anh Tử đỏ mặt.
- Chị không có quyên bôi nhọ người khác. Hôm qua tôi nghe, cha tôi và chú Suzuki nói chuyện. Chú Suzuki nói vừa bắt được mười mấy tay lãnh đạo du kích đến Trùng Khánh bằng tàu hỏa dự hội nghị. Bọn du kích này chuyên chống phá quân đội Thiên Hoàng. Họ đã giết rất nhiều người. Nhưng cha tôi rất nhân từ bảo là chỉ cần họ hàng phục là sẽ tha chết cho họ mà còn giúp đỡ để họ được sống no đủ nữa. Các bạn nghĩ xem có ai rộng lượng như cha tôi không. Tha chết cho kẻ đã giết người, vậy mà còn bảo cha tôi là người xấu.
Uông Đông Nguyên nghe Anh Tử tiết lộ bí mật, vội xua tay.
- Đừng đừng! Chuyện của cha cô để cha cô giải quyết. Cô đừng nói gì cả. Có khi hoàng quân bắt lầm lương gian thì sao? Nghe chẳng rõ đừng nói gì hết!
Anh Tử thấy thái độ của thầy Uông chẳng biết mình có nói hớn điều gì không vội bào chữa.
- Vâng vâng, có lẽ tôi nghe không rõ. Tôi cũng không có ý nói tất cả người ở Trùng Khánh đều là người xấu.
Thấy thái độ của thầy Uông tôi biết ngay sự việc mà Anh Tử vừa tiết lộ là vô cũng nghiêm trọng. Không phải chỉ có tôi mà cả bộ sậu của lớp đều biết nên tất cả dồn đứng lên hỏi cho rõ chi tiết. Lúc đó thầy Uông lanh trí chuyển ngay đề tài.
- Chuyện phán đoán một người tốt hay xấu chỉ bằng trực giác thôi là không đúng. Cái gì cũng cần phải có thời gian thẩm định. Điều đó đúng như lời một bài thơ xưa.
Chu Công tuy khá vẹn toàn
Vẫn còn sợ tiếng con người thị phi
Vương Mãng tuy đã là vua
Xuất thân thái giám ngày nào trong cung
Nên phiền những kẻ quen thân
E là lắm tiềng người người cười chê
Mặc Uông Đông Nguyên nói gì thì nói. Điều chúng tôi quan tâm nhất là sự sống còn của những phần tử yêu nước đã bị Nhật bắt.
Cao Triết Huê không dằn được, hỏi Anh Tử.
- Đến bao giờ thì cha cô nói xử bắn những người bị bắt.
Cả chục cặp mắt đổ dồn về phía Anh Tử chờ đợi, làm Anh Tử căng thẳng.
- Tôi... Tôi không biết – Đúng ra tôi không nên nói những điều này với các bạn... Vì tôi biết các bạn rất thù tôi... Các bạn chẳng bao giờ hiểu được tôi cả. Dù tôi có phơi trần cả trái tim mình.
Còn thầy Uông có lẽ cảm thấy tình hình quá căng thẳng nên đằng hắng giọng, rồi nói.
- Thôi, mọi người đi quá xa rồi, quay về chuyện học thôi, nào mở sách ra.
Rôi ông lên bục lật sách ra, mới viết được mấy chữ thì chuông báo hiệu giờ ra chơi đã reo lên.
°
Chẳng mấy chốc, tin các phần tử ái quốc bị lính Nhật bắt giam đã lan truyền cả trường. Phe quá khích do Ngô Hán Thanh dẫn đầu đã vô cùng phẫn nộ đòi tranh đấu ngay. Còn phe "ôn hòa" thì có vẻ bình tĩnh hơn. Lưu Đại Khôi vội đi tìm Anh Ngọc Như, nhờ thám thính thật hư.
Chiều hôm đó, khi Anh Ngọc Như trở về, sự việc đã được xác nhận là có thật. Những người bị bắt là các thương gia buôn muối. Nghe nói khi họ định vượt qua vùng cấm ở khu vực hỏa xa thì bị lính Nhật phát hiện. Khi khám xét, bất ngờ tìm thấy tài liệu du kích trên người một thanh niên. Thế là tất cả đều bị bắt. Khi điều tra thì hóa ra họ toàn là những nhân vật quan trọng. Họ đại diện cho du kích địa phương vượt đường về Trùng Khánh để tham dự một hội nghị quan trọng.
Vì điểm họ phát hiện nằm trên huyện chúng tôi nên toàn bộ mới bị dẫn giải về trại giam của Khuyển Dưỡng Quang Hùng để thẩm vấn.
Chúng tôi biết sự việc thế này hẳn nhiên là vô cùng nghiêm trọng
. Sau khi những người này được thẩm vấn xong là họ sẽ không tránh được khỏi cái chết, vì thế phải tìm đủ mọi cách để cứu lấy bọn họ. Không ai nhẫn tâm ngồi nhìn những con người ái quốc kia phơi thây ngoài pháp trường. Dù họ là những người hoàn toàn không quen biết.
Bọn tôi hợp lại. Cao Triết Huê là tau quá khích nhất, hắn chủ trương thành lập ngay một đội cảm tử rồi xông vào trại giam giải cứu những người bị bắt, nhưng Lưu Đại Khôi thì không đồng ý. Lưu Đại Khôi nói bọn học sinh chúng tôi không một tấc sắt trong tay làm sao có thể liều mạng với sung đạn của kẻ địch? Đúng là chuyện thí mạng dại dột. Chỉ có cách là cố liên lạc với những người có ảnh hưởng đến Khuyển Dưỡng Quang Hùng để kéo dài thời gian xét xử chờ người đến tiếp cứu. Ngô Hán Thanh lại không tán thành ý kiến của Đại Khôi, cho rằng nhờ vả bọn Hán gian có khác nào đầu lụy bọn giặc. Chỉ có cách là cấp tốc cho người liên hệ ngay với du kích. Trương Quốc Uy tài trí hơn người sẽ có thể tìm biện pháp giải cứu cho các đồng đội đang sa chân.
Mỗi người một ý. Dương Sơn là đứa nhạy bén nhất cũng chịu bó tay. Cuối cùng mọi người chạy đi tìm thầy Dương để có một biện pháp thích đáng.
Thầy Dương ngã bệnh đã mấy hôm, nhưng khi thấy bọn tôi bước vào, thầy như đã hiểu được sự việc. Ông chỉ ngồi lặng lẽ trên ghế với tẩu thuốc trên môi, chẳng nói năng gì cả.
Dương Sơn thay nhóm bạn mang hết tự sự từ chuyện cãi nhay giữa Anh Tử và cả lớp đến tin các du kích bị bắt và nhất nhất kể lại cho thầy Dương. Thầy ngồi đấy chau mày vẻ nghĩ ngợi, xong đứng dậy bước ra khép hết cửa lại rồi mới thở dài hỏi.
- Nhưng... Các em đến đây tìm tôi để làm gì?
- Dạ chỉ xin ý kiến của thầy. Xem có thể dùng biện pháp gì cứu những người gặp nạn kia ra không ạ?
Thầy Dương lắc đầu.
- Chúng ta ở đây chẳng ai giúp gì cho họ được cả. Các anh hãy quay về lo chuyện học. Coi chuyện đến đấy chiến đấu chẳng khác nào châu chấu đá xe. Còn chuyện các em định đến nhờ vả bọn Hán gian càng nguy hiểm. Họ có thể đặt bẫy để bắt các em, rồi những người chung quanh cũng có thể bị liên lụy theo. Chuyện các du kích bị bắt không phải là đội quân du kích không biết, nhưng cái gì cũng phải biết lượng sức. Không thể vì để cứu một vài người mà phải hy sinh cả trăm người. Có khi xông vào được đến nơi thì những người kia đã chết. Vì vậy cần phải cân nhắc.
Mọi người cúi đầu yên lặng. Thầy Dương tiếp.
- Hãy tự cứu mình trước khi lo cứu người.
Và quay qua Dương Sơn, ông hỏi.
- Còn anh, anh là người lanh trí. Vậy tôi hỏi anh, hoàn cảnh hiện nay ra sao biết không?
Dương Sơn cúi đầu.
- Dạ biết chứ, chúng ta như cá nằm trên thớt, thầy hiệu trưởng, thầy và chúng em đều nằm trong sự giám sát của kẻ thù.
- Biết vậy thì tốt. Hiện giờ dù bị thống trị mà chúng ta vẫn còn được học thì đáng quý lắm, ta phải tận dụng cái quý giá đó. À mà các em có còn nhớ bài cổ văn "Tô Tần thuyết Tần" mà mấy hôm trước tôi đã giảng không?
Dương Sơn đọc một câu.
- "Khi chim chưa mọc đủ lông cánh thì chớ có bay cao".
- Đấy! Đấy! – Thầy Dương vừa thở khói vừa nói – Các anh hẳn hiểu ý câu đó chứ?
Và quay sang Cao Triết Huê, ông hỏi.
- Anh nghe rồi đấy, thế bây giờ ý anh ra sao?
Triết Huê bứt rứt.
- Dạ... Nhưng mà... Chúng em không thể ngồi yên nhìn họ bị đày đọa trong ngục.
- Trong chiến tranh đó là chuyện thường. Có nhiều cảnh còn khổ hơn thế trăm lần anh chưa trông thấy đâu, mà cuộc chiến vẫn còn chưa kết thúc, từ đây về sau anh sẽ còn phải chứng kiến hàng vạn hàng triệu người phải hy sinh như vậy.
- Chẳng lẽ chúng ta khoanh tay ngồi nhìn ư?
- Các anh đã từng học qua bài "Lưu Hầu Luận" trong đó có mấy câu rất hay. Các anh, ai còn nhớ nào?
Lưu Đại Khôi vọt miệng đọc.
- "Bất bình rút gươm vung dậy, xả thân mà chiến đấu bất kể lợi hại, đó là cái dũng của kẻ thất phu".
Bấy giờ thầy Dương mới gật đầu.
- Đúng đấy! Khi ta đọc sách cổ nhân, không phải chỉ học thuộc làu làu là đúng mà còn phải suy ngẫm ý nghĩa của nó. Hồi hấp thu những kinh nghiệm quý mà người xưa tập hợp được sau đó đem áp dụng vào cuộc sống. Đọc sách như vậy mới là đọc. Các em thấy đúng không?
- Dạ đúng!
- Vì vậy, nói cho các em biết: Tuy nằm trên giường bệnh nhưng tin các chiến sĩ ta bị địch bắt tôi còn biết trước hơn cả các em nhưng...
Thầy Dương nói đến đó chợt nổi cơn ho sù sụ, một hồi có vẻ mệt thầy lắc đầu nói.
- Thôi các em hãy về đi, nhớ đừng nghĩ đến nữa nỗi đau khổi của kẻ mất nước, hãy gắng chịu đựng trong lòng. Nếu không, phẫn chí làm bậy thì không những nhà trường mà cả thân nhân các em cũng bị liên lụy.
Ngô Hán Thanh nghe vậy đột nhiên đứng dậy.
- Dạ thưa thầy, xin thầy hãy tha lỗi, em có điều muốn nói. Mọi người ngạc nhiên, hướng mắt về phía Thanh chờ đợi. Thanh tiếp.
- Ngày thường đến lớp, thầy kể rất nhiều gương trung liệt hiệp nghĩa cho chúng em nghe. Đó là những truyện như Trương Lương ở Bắc Lang Sa, Kinh Pha bên bờ Dịch Thủy, năm trăm tráng sĩ của Điền Hoành trên đảo hoang ngoài biển. Tất cả những người đó nào có sống vị kỷ, họ cũng biết hành động của họ liên lụy đến thân nhân. Nhưng vì đại nghĩa, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ đã để lại tấm gương tỏa sáng đời sau. Những tấm gương thầy giảng đó đã ăn sâu vào khối óc chúng em, nên bọn em đã coi đó là chân lý. Bây giờ quay lại những người đã bị bắt. Nếu họ đều khiếp nhược, đều sống vị kỷ bản thân, thì chuyện nước còn có ai đứng ra gánh vác.
Ngưng lại một chút, Ngô Hán Thanh tiếp:
- Những người yêu nước họ sẵn sàng hy sinh thân mình để cho chúng ta được sống yên vui tự do. Vậy thì những người được sống như chúng ta chẳng lẽ đứng yên mà nhìn? Vô tình như vậy được sao? Không! Không thể như vậy được. Chúng ta không thể lấy lý do vì còn nhỏ, còn phải học hành ra mà thoái thác trách nhiệm. Bởi vì mục đích đi học của chúng ta là gì? Học sách thánh nhân làm gì? Chẳng phải cũng là bảo vệ xây dựng đất nước. Không còn đất nước thì xây dựng ai.
Ngô Hán Thanh hạ thấp giọng xúc động nói.
- Nếu nói chúng ta yếu đuối, chưa đủ sức để giải cứu những người yêu nước kia thì em cho rằng đó chỉ là những lời tự biện hộ cho sự hèn nhát của mình, liệu làm vậy ta có thể yên ổn lương tâm được không? Tại sao không tìm biện pháp để cứu người? Cứu một người yêu nước có hy sinh sáu bảy, mạng người vẫn đáng giá hơn là ngồi than thân trách phận.
Ngô Hán Thanh nói đến đó, bước tới cúi người xuống chào thầy Dương lần nữa rồi thành khẩn tiếp.
- Thưa thầy, em hết sức kính trọng tri thức và nhân cách của thầy. Sự kính trọng đó có thế nào cũng không thay đổi. Xin thầy khai sáng cho chúng em, chỉ dẫn chúng em.
Mọi người đều hướng mắt về phía thầy Dương. Lúc này thầy Dương có vẻ vô cùng xúc động, run run giọng thầy nói.
- Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích? Có thể làm như vậy được sao?
Dương Sơn vẫn nghi ngờ.
- Bằng mọi thủ đoạn để chiến thắng? Thủ đoạn gì?
- Điều này phải nghĩ lại... - Thầy Dương suy nghĩ rồi nói – Nhưng có điều...
Dương Sơn cướp lời.
- Vì mục đích tối thượng là chiến thắng, xin thầy đừng lưỡng lự nữa. Không có chuyện lựa chọn ở đây, thủ đoạn đó dù đê tiện hay xấu xa thế nào, miễn cứu được các chiến sĩ đó là được.
Thầy Dương lắc đầu.
- Nhưng nếu sử dụng những thủ đoạn xấu xa quá thì cũng không vinh dự gì. Để thầy suy nghĩ.
Thầy chẳng đã từng dạy chúng em về điền tích. Ngày xưa "nam nữ thụ thụ bất thân" nhưng thầy Mạnh Trí thấy bà chị dâu mình sắp ngã cũng phải nhảy ra ôm đỡ lấy, chớ không được câu nệ khuôn phép đấy ư?
- Đúng đấy! Đến thánh nhân khi gặp chuyện cần ra tay, cũng không thể để tâm dư luận. Sống thuận lẽ trời là đúng!
Lưu Đại Khôi nói.
- Hẳn thầy đã nghĩ ra một biện pháp nào mà nghĩ là nó quá hạ sách nên không muốn nói ra? Đó là biện pháp nào mà nghĩ là nó quá hạ sách nên không muốn nói ra? Đó là biện pháp gì vậy?
Thầy Dương lắc đầu.
- Không thể được! Nghĩ tới nghĩ luôn mãi tôi thấy biện pháp đó cũng không nên dùng.
Cao Triết Huê thăm dò.
- Có phải thầy định giết Khuyển Dưỡng Quang Hùng?
Thầy Dương Cười.
- Chẳng trách gì các bạn gọi em là "Con người lẩn thẩn".
Lưu Đại Khôi hỏi.
- Thầy có định nhờ thầy Uông Đông Nguyên không? Ông ấy có liên hệ tốt với lính Nhật.
Thầy Dương đưa tay vuốt nhẹ bộ râu nói.
- Các em toàn nghĩ chuyện không tưởng. Con chó chỉ biết vẫy đuôi theo chủ chứ nào dám làm gì khác?
- Nếu vậy thì...
Thầy Dương suy nghĩ thật lâu rồi lẩm bẩm.
- Chỉ còn một cách đó là... Có ai đó can tâm tự nguyện hi sinh chính mình để làm khổ nhục kế! Chỉ có sự hi sinh thôi!
Cao Triết Huê vừa nghe thầy Dương nói chưa biết chuyện sẽ làm là gì thì đã đưa hai tay lên.
- Em tình nguyện!
- Bọn em cũng tình nguyện!
Tất cả đều đưa tay lên. Thầy Dương lắc đầu nói.
- Không cần phải đông đến thế, chỉ cần một người thôi.
- Thế có nghĩa là thầy đã chọn? Thầy chọn ai vậy?
Thầy Dương cười liếc nhanh về phía Ngô Hán Thanh rồi nói.
- Tạm thời tôi chưa thể nói cho các em biết, nhưng các em phải giữ kín chuyện này và tuân theo lời dặn đây.
- Dạ.
- Vậy thì bắt đầu từ giờ này, làm bất cứ điều gì cũng phải điềm tĩnh. Không được nóng nảy. Ở đó chờ đợi chuyển biến.

Tháng Ngày Có Em

Chương 10

Bình tĩnh không được nóng nảy, chờ đợi biến chuyển sự việc sẽ xảy ra.
Đó là lời dặn dò của thầy Dương. Phải chăng đó chỉ là những lời trấn an vô nghĩa? Bởi vì sau đó bọn tôi thấy thầy cứ khép cửa trốn trong phòng. Chẳng hề bước ra ngoài. Có nghĩa là bỏ mặc những người yêu nước đang ở cảnh chỉ màng treo chuông.
Khí thế cách mạng đang bừng bừng dâng cao, đột nhiên vì thái độ của thầy mà rơi tọt xuống vực thẳm thất vọng, trong lòng mọi người đều mang nặng nỗi u uất khó tả.
Giờ học cũng như giờ ra chơi. Chúng tôi đều chẳng thấy hứng khởi. Ai cũng có một khuôn mặt nặng nề, Lưu Đại Khôi cứ thở dài, Dương Sơn, Vương Mộ Đạo, Hầu Đại Nghĩa thì tập tành uống rượu. Liễu Ngạn Phong ngồi đâu cũng rên rỉ những vài tình ca ai oán. Cao Triết Huê thì lầm lì động tí là gây gổ đánh nhau. Ngay cả Ngô Hán Thanh, người thường ngày bình tĩnh nhất cũng thay đổi. Hắn như con chó điên. Suốt ngày lăng xăng chạy ra chạy vào phòng thầy Dương mà mặt mày hốc hác.
Cuộc sống căng thẳng cứ thế. Ba ngày đã trôi qua, những tin đồn vô căn cứ lại đến dồn dập. Nào là Khuyển Dưỡng Quang Hùng đã âm thầm thủ tiêu hết những chiến sĩ bị bắt kia. Người nói chưa, chờ vài ngày tới chợ phiên sẽ bêu đầu họ giữa chợ. Người nói đội du kích địa phương đã sẵn sàng hành động cướp tù. Bọn tôi nghe tin đành tìm thầy Dương báo cáo, nhưng đến phòng thầy chỉ thấy cửa cứ đóng kín mít.
Qua ngày thứ tư, đang ngủ đột nhiên chúng tôi nghe tiếng còi báo động vang lên ầm ĩ. Ai cũng tưởng đội binh du kích đã tràn vào thị trấn, nhưng sau đó hỏi rõ ra thì biết được một tin chẳng kém động trời – Đấy là Anh Tử đã bị bắt cóc ở rừng phong.
Sáng hôm sau, báo chí tường thuật rõ ràng. Đó là vào lúc sáu giờ chiều hôm qua. Anh Tử vừa đi học về nhà là vội vã dùng cơm, rồi sau đó thay quần áo mới, xách máy ảnh theo có vẻ như đi dạ hội ở đâu đó mà người nhà không biết. Bọn lính gác ngoài cổng nói còn nhìn thấy Anh Tử đi về hướng rừng phong.
Khoảng bảy giờ tối, người gần đó nghe tiếng la trong rừng. Nhưng chẳng ai ngờ đó là tiếng la của Anh Tử. Sau đó có một chiếc xe kéo do một thanh niên trẻ kéo một ông già đạo mạo có chiếc va li to trên xe từ ngõ tắt trong rừng chạy về phía trường học rồi biến mất.
Đến chín giờ tối, Khuyển Dưỡng Quang Hùng từ bộ tư lệnh trở về doanh thự, nghe người nhà báo lại là Anh Tử đi chơi chưa về, nhưng vì tưởng là Anh Tử đi với Uông Đông Nguyên nên vững tâm không lo gì cả.
Mãi đến mười giờ khuya khi Uông Đông Nguyên gọi điện đến hỏi thì Khuyển Dưỡng Quang Hùng giật mình cho bộ hạ đi khắp nơi tìm. Khi họ vào đến rừng phong, phát hiện chiếc khăn choàng màu đỏ của Anh Tử rơi xuống đất, cạnh khăn có một lá thư thì mới hay là Anh Tử bị bắt cóc.
Nội dung bức thư là của đội du kích. Họ bảo họ bắt cóc Anh Tử để Quang Hùng trao đổi tù binh. Và yêu cầu Khuyển Dưỡng Quang Hùng phải chỉ thị cho trưởng ban an ninh ngụy là Đinh Tân Trai, trong vòng ba ngày phải đến điểm hẹn ở vùng giải phóng thương thảo. Còn nếu không thì coi như cuộc trao đổi thất bại và Anh Tử sẽ được "giải quyết".
"Giải quyết" là tiếng lóng của dân giang hồ có nghĩa là "thủ tiêu" con tin.
Sự kiện trên làm chấn động cả bọn tôi, lũ học trò còn chưa phân biệt được rõ ràng thiện ác, hành động bắt cóc Anh Tử nó giống như một cuộc tống tiền, nên có nhiều đứa trong bọn nọ cảm thấy bất bình. Hào khí của đội du kích bị mờ nhạt.
Trong quán cà phê họ đồn đại kẻ bắt cóc Anh Tử là dư đảng của Hồ Tam. Mà nếu vậy thì thật đáng lo. Dư đảng của Hồ Tam có học hành gì. Anh Tử trong tay bọn côn đồ này liệu có còn nguyên vẹn không? Không chừng khi giải thoát ra nàng đã là áp trại phu nhân của tên đầu đảng rồi.
Cao Triết Huê đi dò tin tức ở đâu, về nói.
- Chuyện bắt cóc này không phải do bọn thổ phỉ tầm thường thực hiện. Vì khu vực bắt cóc nằm ở khu cấm địa được canh phòng cẩn mật. Như vậy là phải có nội tuyến mới thực hiện được. Xem ra bọn người hành động phải có nội tuyến. Họ phải biết rõ nhất cử nhất động của Anh Tử. Đây đúng là một đòn đau điếng giáng vào Khuyển Dưỡng Quang Hùng.
Vương Mộ Đào và Hầu Triều Nghĩa thì có một tin sốt dẻo khác.
- Đây là hành động trả thù của thân nhân những người đã từng bị quân Nhật hại. Họ biết Khuyển Dưỡng Quang Hùng chỉ có độc một cô con gái, nên bắt cóc Anh Tử để ăn miếng trả miếng.
Anh Ngọc Như có cha là trưởng ban an ninh ngụy nên có vẻ rành rõi tin tức nhờ hiến binh Nhật cung cấp. Hắn nói chính cha hắn cũng nhận được một lá thư cảnh cáo. Bọn bắt cóc đòi thả những người bị bắt ra đồng thời đòi thêm một số tiền chuộc lớn. Chính vì vậy mà bọn Nhật đã chỉ thị cho thương hội phải quyên tiền các tiệm quán, xưởng máy để góp vào cho đủ.
Bọn học trò chúng tôi rất thích thú khi thấy Khuyển Dưỡng Quang Hùng gặp "bão lớn". Thật đáng đời vì hắn đã gieo quá nhiều gió. Hành động trả thù của bọn thổ phỉ nào có thấm vào đâu so với tội ác mà bọn chúng đã gieo. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Lấy độc trị độc, một bài học nhớ đời của bọn quân phiệt Nhật.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một số học sinh không quá khích lại quan tâm đến sự nguy hiểm mà Anh Tử gặp. Bởi vì một cô gái yếu đuối lại đẹp như Anh Tử, trong tay bọn cướp dữ dằn khác nào chuột trước miệng mèo. Có được thả ra đi nữa chưa chắc Anh Tử còn trinh nguyên.
Và cả trường ai cũng biết người quan tâm đến sự an nguy của Anh Tử nhất chẳng ai khác hơn là Uông Đông Nguyên và Ngô Hán Thanh.
Uông Đông Nguyên bề ngoài có vẻ bình tĩnh nhưng nội tâm lại dao động dữ dội. Ông lên bục giảng mà cứ quên đầu quên đuôi. Chuông trường vừa đổ là đã hối hả bỏ về.
Còn Ngô Hán Thanh? Bên ngoài thì tỏ ra không quan tâm lắm đến chuyện đó, nội tâm thì không đoán được ra sao. Hắn cứ cắm cúi lo học. Đến độ có nhiều người cũng thấy bất bình cho rằng hắn có trái tim gỗ đá.
Trong khi đó bọn Nhật đã mở cuộc truy lùng ráo riết, nơi nào cũng đặt chốt kiểm soát. Mọi người ai nấy phập phồng e sợ vạ vào thân, thầy hiệu trưởng cũng sợ học trờ ham bép xép liên lụy nên cho nghỉ Tết sớm hơn mọi năm. Các học sinh có gia đình ở thị xã hay các vùng gọi là an ninh thì được về nhà. Chỉ còn lại những học sinh không về được mới ở lại ký túc xá, nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của trường.

nhiỡ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro