vài tích thú vị của trung quốc qua ngôn tình (p3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

11. Giấc mộng Hoàng Lương:

Điển cố "Hoàng Lương" nghĩa là lúa vàng. Ngày xưa có Lư Sinh đi thi không đỗ, vào hàng cơm nghỉ chân. Có một ông già cho mượn cái gối nghỉ tạm. Lư Sinh ngủ và mơ thấy đỗ tiến sĩ, làm quan to, vinh hiển hơn 20 năm, gia đình hưng vượn, con cháu đầy đàn. Nhưng tỉnh dậy mới biết chỉ là giấc mộng. ý chỉ giấc mộng đẹp nhưng ngắn ngủi.

12. Đãng đồ tử
Theo Đăng Đồ Tử háo sắc phú 登徒子好色赋 , Đăng Đồ Tử báo với Sở vương rằng Tống Ngọc là một mĩ nam rất có tài ăn nói, nhưng lại háo sắc, cho nên tuyệt đối không được để cho Tống Ngọc đến hậu cung. Nghe được những lời ấy, Tống Ngọc đã phản kích. Tống Ngọc đến trước Sở vương xin Sở vương làm chứng nhân phán xử xem thử ai mới là kẻ háo sắc. Tống Ngọc nói rằng:

Mĩ nữ trong thiên hạ, không đâu đẹp bằng gái nước Sở; mĩ nữ nước Sở không đâu đẹp bằng gái ở quê thần; mĩ nữ ở quê thần không đâu đẹp bằng cô gái ở cách vách nhà thần. Cô gái cách vách nhà thần nếu thêm một phân thì quá cao, nếu bớt một phân thì quá thấp; thoa phấn vào thì trắng quá, thoa son vào thì đỏ quá. Chân mày như lông chim cao vút, da như tuyết trắng, eo thon, răng trắng. Giai nhân tuyệt đại như thế lại trèo tường nhìn thần suốt 3 năm, thế mà thần không hề động tâm, như vậy lẽ nào lại cho thần là kẻ háo sắc? Ngược lại, Đăng Đồ Tử chẳng ra gì. Đăng Đồ Tử có vợ xấu, vợ ông ta đầu bù tóc rối, hai tai dị dạng, môi cong ra ngoài, hàm răng cao thấp không đều, bước đi tập tễnh, lại thêm lưng gù, toàn thân đầy ghẻ chốc. Đăng Đồ Tử rất thích bà ta, cùng với bà ta sinh 5 người con. Đại vương xem, chỉ cần là cô gái là Đăng Đồ Tử thích ngay, cho nên ông ta háo sắc hơn thần.

Kì thực, nếu lấy quan điểm hiện đại để đánh giá, Đăng Đồ Tử không bỏ vợ từ thuở hàn vi là việc đáng để tán dương. Nhưng khẩu tài của Tống Ngọc phi phàm, Sở vương bị ông ta thuyết phục đâm ra mê muội phán định Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Phán định đó khiến cho Đăng Đồ Tử từ đó về sau phải mang trên người tội danh háo sắc, và trở thành đại danh từ chỉ kẻ háo sắc.

13. Bọ ngựa bắt ve sầu,chim sẻ rình sau lưng

Thời Xuân Thu, Ngô Vương là một vị vua vô cùng ngang ngược, các vị đại thần đều khó mà thuyết phục được ông.

Một lần, Ngô Vương chuẩn bị tấn công nước Sở, nói rằng nếu ai can gián thì sẽ giết chết người đó. Các vị đại thần biết được tin này đều rất lo lắng, bởi nếu nước Ngô đem quân đi đánh giặc nước khác thì chính nước Ngô có thể bị một nước khác mạnh hơn tấn công. Thế nhưng, không vị đại thần nào dám can ngăn Ngô Vương.

Trong số các vị đại thần, có một người tính tình chính trực. Trở về nhà, ông vẫn lo lắng không yên về chuyện này, nhưng không biết phải can ngăn vua như thế nào. Ông sốt ruột đi đi lại lại trong hoa viên. Bỗng nhiên, ông nhìn thấy một con bọ ngựa đang rình bắt một con ve sầu, đằng sau bọ ngựa có một con chim sẻ đang nhìn chằm chằm vào nó. Nhìn cảnh ấy, ông liền nghĩ ra một cách để khuyên can vua.

Sáng sớm hôm sau, vị đại thần đến ngự hoa viên. Khi Ngô Vương đi tới, ông giả vờ không trông thấy, trong tay cầm một cái súng bắn chim, nhìn chăm chú vào một cái cây. Ngô Vương rất tức giận, hỏi:

– Mới sáng ra khanh đã đến đây làm gì? Tại sao nhìn thấy bản vương mà không quỳ?

Vị đại thần làm ra vẻ vừa nhìn thấy nhà vua, vội vàng nói:

– Vừa rồi thần mải nhìn con ve sầu và bọ ngựa trên cây nên không biết bệ hạ đến. Xin bệ hạ thứ tội.

Ngô Vương tha tội vô lễ cho ông ta, tò mò hỏi:

– Con ve sầu và bọ ngựa trên cái cây này có gì đáng để xem vậy.

Vị đại thần đáp:

– Thần nhìn thấy một con ve sầu đang uống sương, không đề phòng một con bọ ngựa đang cong mình chuẩn bị tấn công nó. Nhưng con bọ ngựa không ngờ rằng có một chú chim sẻ cũng đang rình bắt mình, còn con chim sẻ lại không biết rằng trong tay thần đang cầm súng bắn chim định bắn nó.

Ngô Vương nghe xong, ngẫm nghĩ rồi cười:

– Ta đã hiểu ý của khanh rồi.

Cuối cùng, Ngô Vương quyết định không tấn công nước Sở nữa.

Nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không tính đến cái họa ẩn nấp phía sau thì sẽ khiến mình rơi vào cái thế hiểm nguy.

14. Ly miêu hoán thái tử: dùng yêu nghiệt đánh tráo long thai
Giai thoại nổi tiếng nhất về “Ly miêu hoán thái tử” lấy bối cảnh từ hậu cung Tống triều. Tương truyền rằng: năm xưa, Lưu Hoàng hậu và Lý Thần phi của vua Chân Tông cùng mang thai.

Đến kỳ sinh nở, Lưu thị hạ sinh được một công chúa nhưng không may chết yếu. Trong khi đó, Lý Thần phi lại sinh được một hoàng tử.

Sau đó, Lưu Hoàng hậu cùng nội giám Quách Hòe hợp mưu, lột da một con báo để đánh tráo với hoàng tử mới sinh của Lý Thần phi, khiến Thần phi vì “sinh ra yêu nghiệt” mà bị đầy vào lãnh cung.

Một thời gian sau, Lý thị bị đuổi ra khỏi cung, lưu lạc nhân gian. Con trai bà được phong làm Thái tử, thậm chí tới lúc kế vị vẫn không hay biết về mẹ ruột của mình.

Sau khi Triệu Hằng kế vị, Bao Chửng được lệnh xét xử vụ án Quốc cữu Bàng Dục tham ô hàng cứu trợ cho nạn dân. Trong quá trình điều tra, Bao Chửng đồng thời phá được vụ án oan của Lý Thần phi năm xưa, sau đó cung nghênh Lý phi hồi kinh.

Tuy nhiên, quan điểm xuất phát từ giới sử học Trung Quốc lại cho rằng việc “Nhân Tông nhận mẹ” không hề liên quan tới Bao Thanh Thiên.

15. Bát phong bất động( tám gió thổi không động) là một giai thoại về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn.
Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:

Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.

Tạm dịch là :

Đảnh lễ Bậc Giác ngộ (thiên trung thiên tức là Phật, Bậc Giác ngộ)
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng.

Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm- hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Đông Pha. Quả như điều mà Phật Ấn đã dự đoán. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập tức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.

Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia. Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi. Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.

Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.414, tám ngọn gió ấy gồm:

1-Lợi (lợi lộc),
2-Suy (hao tổn),
3-Hủy (chê bai chỉ trích),
4-Dự (gián tiếp khen ngợi người),
5-Xưng (trực tiếp ca tụng người),
6-Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người),
7-Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não),
8-Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).

Con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng. Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.

Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối diện với tám ngọn gió này. Đại thừa vô sanh phương tiện môn (Đại chính 85, 1247 hạ) chỉ rõ: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài. Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng. Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối. Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cữu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong. Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường- Khổ-Vô ngã của vạn pháp.

thienviendaidang.net




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro