#4 Công bằng giới tính

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Công bằng giới tính. Nữ khổ. Nam cũng khổ.

Chuyện thứ nhất

Mình và bố rất thích xem quần vợt. Cá nhân bố rất thích xem giải nữ vì bố bảo ngoài chị em nhà Williams, giải nữ không bị thống trị bởi một vài nhân vật chủ chốt. Những người xếp hạng cao thay đổi liên tục nên thú vị hơn giải nam. Mẹ mình không biết ở đâu bay vào cũng làm một câu: "Với nữ đuối hơn, chỉ chơi 3 séc, xem nhanh hơn." Nghĩ nghĩ một lúc mẹ bảo: "Mà như thế cũng mới công bằng, nữ sức đâu ra chạy như mấy anh đàn ông." Bố mình quay ra: "Là em tự phân biệt giới tính đấy nhé. Nữ chơi 3 séc được tiền như đàn ông chơi 5 séc. Đều là với những người cùng thể lực. Tại sao lại có sự phân biệt này?"

Chuyện thứ hai

Mình luôn thích ý tưởng nhà vệ sinh mà cả nam lẫn nữ dùng chung được, đặc biệt ở mấy quán trà Sài Gòn. Có lần mình đi du lịch với bạn ở Mỹ, mình phải đứng đợi vệ sinh, hàng nữ thì rõ dài mà hàng nam rõ ngắn. Lúc đó mình ước với bạn mình giá dùng chung thì tốt. Bạn mình cười cười kể công ty chị ấy có bận vì công bằng giới tính nên áp dụng nhà vệ sinh dùng chung, kết quả phụ nữ lên tiếng trước. Khi dùng chung nhà vệ sinh, nhiều chị em còn sợ không dám đi vệ sinh vì phụ nữ nhiều khi cho con bú, hay đứng trước gương tô son, có đàn ông ở đó không dám làm. Chị ấy chốt một câu: "Nếu muốn thực sự công bằng giới tính thì nhà vệ sinh nữ nên to gấp đôi nhà vệ sinh nam chứ không phải gộp chung để hai bên cùng đợi." Chị bố sung thực ra nhu cầu của phụ nữ đặc thù hơn nên việc công bằng nó phải bổ sung cho khác biệt giới tính nữa, chứ không gộp chung vào được.

Chuyện thứ ba

Mình có việc cần gặp Hiệu phó trường, đang leo thang bộ xuống thì gặp bác chạy lên. Mình tính túm được thì nói chuyện luôn, ai ngờ bác kệ mình nói gì thì nói, chạy mất. Lúc sau bác gọi mình qua phòng bác nói chuyện. Té ra là tầng bác ngồi nhiều nữ, mà diện tích mỗi tầng không rộng nên tầng đó chỉ có nhà vệ sinh nữ thôi. Bác lại là nam, nên lúc họp lười không đi vệ sinh. Họp xong mới tá hỏa chạy vội vàng vì thiên nhiên gọi đến tầm không đợi được. Ồ giờ mình đã thấy cái nhà vệ sinh to phục vụ cho nhu cầu phái nữ, và các bạn nam cũng phải trả giá thú vị như thế nào rồi. Cơ mà nói thật, lần nào mình vào cái nhà vệ sinh đó cũng thấy vắng hoe.

Chuyện thứ tư

Mấy nước hay bị đồn thổi về phân biệt giới tính nhất sợ là mấy nước đạo Hồi. Cơ mà mình nhớ 5, 7 năm trước có thằng bạn mình người Ả Rập bê hẳn vợ nó sang Trung Quốc. Thăm thú cảnh đẹp đâu không thấy, chỉ thấy nó dẫn vợ đi chỉ chỉ trỏ trỏ mình đang chỉ tay năm ngón ngoài kho. Mình hỏi: "Mày làm gì đấy?" Nó bảo: "Tao đang cho vợ tao thấy thế giới ngoài kia. Bọn mày là phụ nữ vẫn làm việc kiếm tiền, vẫn cởi mở với cuộc sống. Vợ tao nghĩ tao kiếm tiền dễ lắm mày ạ." Xong nó ngồi than thở với mình về trách nghiệm kiếm tiền nuôi vợ ở các nước đạo hồi, nuôi không được có người bị vợ kiện luôn. Mình lúc đó mới à à ra thế, đạo Hồi tuy giới hạn phụ nữ nhưng luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ theo đúng văn hóa của họ, kể cả trong quan hệ vợ chồng, cũng hà khắc vô cùng. Đàn ông chung quy cũng áp lực.

Chuyện thứ năm

Hôm trước có con em tá hỏa nhắn mình trên facebook. Chả biết nó đọc cuốn sách gì của một chị người Mỹ mà nói về phụ nữ khó thăng tiến thế nào trong doanh nghiệp Mỹ. Kể cả chị này học Harvard ra vẫn nhiều lúc phải lùi lại để chồng thăng tiến. Em ấy nói thêm: "Em thấy ở Việt Nam phụ nữ thăng tiến cũng khó hơn, nhưng thực sự không khó đến vậy. Mỹ phát triển đến thế, tại sao vậy ạ?" Thực ra ngoài những công ty S&P500 của Mỹ có tỉ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo lên tới 36% thì trung bình toàn Mỹ lại chỉ ở 1.83%. Trong khi đó theo Bloomberg, thì tỉ lệ nữ trong ban lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 25%, cao hơn so với trung bình khu vực là 14.5%, chỉ thấp hơn Thái Lan, mà rõ ràng ta đâu có phát triển. Nguyên do là tại sao vậy?

Chuyện thứ sáu

Thực ra mọi người luôn gắn cái mác "phát triển" với "tôn trọng phụ nữ" mà không để ý rằng, thực ra gần như nước nào cũng phân biệt nam nữ, chỉ là theo gốc văn hóa nào mà thôi. Thực ra, theo đúng văn hóa phương Đông cũ thì nam làm việc nước, nữ làm việc nhà. Nhưng mọi người hay hiểu nhầm việc nước là kinh doanh kiếm tiền, việc nhà là nấu nướng nội trợ, dạy con cái. Thực ra đây là cách hiểu rất sai. Việc nước thực ra là việc chính trị, đưa ra chính sách điều hành xã hội, và được nhà nước trả lương. Việc nhà là kiếm tiền ổn định cuộc sống quản lý sản nghiệp của gia đình (cửa hàng cửa hiệu, kinh doanh). Chỉ khi gia đình bình an thì đàn ông mới có thể yên tâm đi làm việc chính trị, chính sách được. Còn việc dạy con cái thì là chung của cả nam lẫn nữ.
Chữ An (安) trong tiếng Hán, được gộp bởi người phụ nữ ngồi dưới một cái mái nhà. Ý chỉ người phụ nữ gánh được cả mái nhà (trong đó có quản lý gia sản, gia nghiệp) thì cả nhà sẽ bình an. Nếu theo ý hiểu này thì việc kinh doanh từ xưa đã luôn có vai trò của nữ giới, còn làm chính sách thì nam mới trở nên chủ chốt hơn (Chú thích 1). Thời hiện đại, thực ra là các anh nam giới lấn sân sang việc quản lý gia nghiệp của nữ giới, chứ còn nữ giới theo đúng văn hóa phương Đông thì vẫn có tiếng nói khá chủ chốt trong kinh doanh. Vậy nên văn hóa phương Đông không chắc là đã kém phát triển hơn phương Tây ở mảng này.

Chuyện thứ bảy

Văn hóa Mỹ ở bề nổi như đàn ông mở cửa cho phụ nữ, cùng làm việc dọn dẹp nhà cửa thì thực sự là tiến bộ hơn Việt Nam rất nhiều. Thế nhưng nếu đi vào chiều sâu lịch sử thì không biết bao nhiêu bộ phim Mỹ về nữ quyền đều nói về một thời những năm 1900 hay 1950 (ví dụ: Mona Lisa Smile), phụ nữ đi học đại học cho vui, còn quan trọng nhất vẫn là học nữ công gia chánh ở nhà làm nội trợ. Đến bây giờ trong xã hội Mỹ cũng còn khoảng 20% chị em người Mỹ kêu gọi là: "Rõ ràng phụ nữ được ở nhà làm nội trợ để đàn ông kiếm tiền là một cái sướng, kêu ca gì." Nếu như vậy thì tuy Mỹ bề nổi luôn là bình quyền phụ nữ, làn sóng ngầm từ lịch sử vẫn luôn cản trở chị em thăng tiến nơi đây. Vậy nên một xã hội phát triển vẫn có thể tồn đọng những vấn đề này do nguyên nhân lịch sử.

Chuyện thứ tám

Thực ra nơi mà mình thấy bình đẳng nam nữ rõ ràng nhất có lẽ là các nước Bắc Âu, và nó có nguyên nhân lịch sử của nó. Xã hội Vikings cổ đại, nữ cũng có thể vác dao đi đâm chém, cướp tài nguyên về cho gia đình như đàn ông. Thông thường việc đi cướp này đàn ông vẫn làm nhiều hơn nhưng khi phụ nữ Viking ở nhà thì ngoài chăm sóc con cái, họ còn xây hào lũy và nếu có kẻ địch đến thì họ cũng đâm chém để bảo vệ gia đình. Ngược lại, đàn ông cũng có thể chọn ở gần nhà để bảo vệ cơ nghiệp khi những người khác đi chỗ khác cướp bóc mà không bị khinh thường. Thành thật mà nói thì nếu xuất phát từ một lịch sử ai cũng có vai trò đâm chém như vậy, thì xã hội Bắc Âu cân bằng hơn giữa nam và nữ ở thời hiện đại cũng là lẽ đương nhiên.

Vậy những chuyện này có ý nghĩa gì?

Có rất nhiều bạn vì tranh luận cho quyền bình đẳng của phái nữ ở Việt Nam mà dùng một số câu rất tùy tiện. Ví như câu "Ở châu Âu phụ nữ, chó rồi mới đến đàn ông," mình thấy rất nhiều người nói nhưng chưa đặt nó vào văn cảnh xã hội. Xã hội mỗi nơi phát triển mỗi khác. Phụ nữ được tôn trọng ở mặt này chưa chắc đã có được sự tôn trọng ở mặt khác trong cùng một xã hội. Chỉ khi ta hiểu văn cảnh của một câu nói một cách rõ ràng, rồi so sánh nó với các nguyên nhân gốc rễ cho xã hội ta đang sống, thì chúng ta mới dùng nó để lý luận cho bình quyền tốt hơn.

Hơn nữa, rất nhiều bạn ủng hộ nữ quyền lý luận hơi một chiều và chỉ tập trung vào những cái phụ nữ nên được làm mà quên mất giới tính nam cũng có khó của họ. Như chồng mình đi, cả xã hội Mỹ và Việt Nam đều có quan niệm chủ đạo là chồng thì phải hơn vợ ở đoạn kiếm tiền. Trước đây, ảnh kiếm tốt nhưng giờ lùi lại để mình tiến lên. Ảnh rất căng thẳng và kể với mình ảnh có cảm giác bạn ảnh đánh giá ảnh khi ảnh không phải là người kiếm thu nhập chính nữa (dù ảnh vẫn kiếm khá nhiều chỉ là thấp hơn mình thôi). Vậy nên tranh luận bình đẳng giới không chỉ là tranh luận nữ giới được quyền làm việc truyền thống là của đàn ông mà còn là tranh luận nam giới được quyền làm việc truyền thống là của phụ nữ mà không bị xã hội đánh giá và phân biệt nữa.

On the basis of sex - Trên cơ sở giới tính

Có thể nhiều bạn đã xem bộ phim này nhưng nhiều bạn thì chưa. Phim kể về một nhân vật nữ có thật, một trong những sinh viên nữ đầu tiên của trường Luật Harvard. Ban đầu chị ấy chỉ muốn vào trường luật để hiểu thêm về chồng mình và làm một người vợ tốt hơn, cả nam lẫn nữ ai cũng cười chị ấy vì "nữ phải có ước mơ lớn mới nên vào đây chứ."

Thế nhưng qua quá trình học, chị ấy phát hiện ra chị ấy cũng có khả năng về đầu óc để làm việc như chồng và tốt nghiệp xuất sắc. Đáng tiếc là xã hội thời đó còn không có việc để làm văn phòng luật cho nữ giới, hoặc làm thư kí hoặc làm giáo sư giảng dạy thôi. Vậy nên chị cứ nhìn chồng ngày một thăng tiến, mà chị thì không có vị trí trong ngành. Còn các bạn nữ khác tốt nghiệp cùng khóa thì cũng vui vẻ nhận một công việc không có thăng tiến khác như đàn ông và coi đó là tiến bộ.

Một ngày chồng chị mang về một vụ án cho chị và nói chị có thể rất thích. Vụ án này không có tiền, nhưng nó bảo vệ một người đàn ông ở nhà chăm sóc mẹ và xin phụ cấp y tá về công việc này. Chính phủ không đồng ý, vì đàn ông tại sao lại đi làm việc y tá như thế. Chị nhận ra rất nhanh nếu chị bảo vệ được cho người đàn ông này hưởng lợi ích từ việc của "nữ giới" thì chị cũng sẽ dựa vào đó để làm cơ sở bảo vệ được cho những trường hợp phụ nữ làm việc của đàn ông.

Thời đó, những vụ mà nhân vật chính là nữ giới thường khó thắng vì quy chuẩn của xã hội thời thiên vị hơn bây giờ nhiều. Nhưng nếu bảo vệ đàn ông, thì hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa Mỹ là luật án tiền lệ, nên nếu chị ấy bảo vệ được một vụ trên "cơ sở giới tính" thì sau này những vụ án mà nhân vật chính là nữ cũng sẽ được hưởng lợi theo. Và đúng như thế, chị ấy là người đã bảo vệ thành công rất nhiều luật và quyền lợi của phụ nữ nước Mỹ dựa vào chính vụ án đó. Chị ấy làm tới địa vị Justice Ruth Bader Ginsburg của Tòa án Tối cao Mỹ hiện đại, và có hôn nhân hạnh phúc với chồng tới lúc mất vào tháng 8 năm 2020.

Một người phụ nữ chỉ muốn làm vợ tốt, tại sao lại làm nhiều đến vậy?

Quá nhiều người nghĩ muốn bình đẳng giới thì phụ nữ nhiều khi phải hi sinh gia đình. Nhưng từ trước khi Ruth đi đòi quyền bình đẳng giới cho phụ nữ nói chung, bản thân chị ấy đã được bình đẳng với chồng. Chồng tôn trọng chị, muốn chị đi học. Chị cũng tôn trọng chồng chỉ muốn học để hiểu và chăm sóc anh tốt hơn. Sau này khi chị ấy không kiếm được việc như ý, cáu chồng, chồng cũng luôn ở bên cạnh động viên. Và ngược lại chị ấy ở bên chồng khi chồng bị ung thư tiền liệt tuyến. Sau này chính vì bình đẳng đó giữa hai vợ chồng, mà anh mang vụ án đó về cho vợ và nhờ đó chị mới có cơ hội "dùng vụ án nam giới để bình quyền nữ giới."

Cái mình muốn nói là:

Khi các bạn đòi bình quyền nữ giới mà nói nữ giới phải hi sinh gia đình, đây chính là bất bình đẳng giới. Đàn ông đâu có phải hi sinh gia đình khi làm việc nước đâu.

Khi các bạn đòi hỏi nữ giới được quyền làm việc kiếm nhiều tiền và được chồng ủng hộ nhưng mặt khác vẫn muốn kiếm chồng giỏi kiếm tiền hơn mình, đây chính là tiêu chuẩn kép. Bạn vẫn giữ quan điểm là chồng phải hơn sự nghiệp vợ thì tại sao lại bắt các bạn nam bỏ quan điểm là phụ nữ phải giỏi chăm sóc gia đình hơn chồng.

Muốn bình đẳng thì phải đi từ cả hai giới. Giới nào cũng có áp lực được làm và không được làm. Xã hội nào cũng có một hệ quy chuẩn riêng cho từng giới theo dòng phát triển của lịch sử. Vậy nên bình đẳng giới không phải là câu chuyện bạn có thể làm ngay và liền, nó là cuộc chiến dài hạn không có hồi kết. Và với sự phát triển của xã hội, nó sẽ luôn là sự giằng co giữa quan điểm cũ và quan điểm mới để thay đổi phù hợp hơn.

CUỐI CÙNG, BÌNH ĐẲNG LUÔN ĐẾN TRƯỚC tỪ MỖI GIA ĐÌNH TRONG XÃ HỘI. NẾU BỐ MẸ CON CÁI, CHỒNG VÀ VỢ CÓ THỂ TÔN TRỌNG NHAU, CHO NHAU LÀM NHỮNG VIỆC MÌNH MUỐN LÀM MÀ KHÔNG ĐÁNH GIÁ DỰA TRÊN QUAN ĐIỂM GIỚI. ĐÓ ĐÃ LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA BÌNH ĐẲNG RỒI.

Chú thích 1:

Thực ra phụ nữ phương Đông nhà quan lớn thời xưa cũng làm chính trị theo cách của họ. Các buổi chính tiệc để các quan gặp mặt nhau bàn luận chuyện chính trị là do nữ chủ trì. Họ cũng là người sắp xếp ai ngồi với ai, ai không nên nói chuyện với ai để thuận lợi cho chồng nói chuyện. Họ cũng nói chuyện với các "phu nhân" khác để gió thổi bên gối tác động đến chồng người khác luôn. Chung quy nếu vợ chồng đồng lòng, việc chính trị của chồng sẽ thuận lợi cho việc làm ăn của vợ và ngược lại. Thế nên mới có câu: "Gia hòa, vạn sự hưng."

Hơn nữa, vua chúa cũng có hậu cung. Mà nếu các bạn xem phim cung đấu thì thực ra hậu cung cũng là vua làm chính trị. Vua cưới vợ để ảnh hưởng triều thần. Vợ làm tốt quản lý hậu cung cũng là cái triều thần nhìn vào để quyết định có tuân lệnh vua, hay dâng tấu tố cáo vua hoặc thậm chí lập âm mưu làm phản hay không. Cho nên, cái gì cũng có hai mặt cả.

Cre:

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro