10. TRẦN VIÊN VIÊN - MỸ NHÂN ĐỂ LỤY ANH HÙNG (p1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vương triều Minh kiến lập do Chu Nguyên Chương trải qua mấy đời đến Sùng Trinh thì loạn lạc nổi lên khắp nơi. Thêm vào đó, quân Thanh ngoài biên ải lại đang lâm le xâm nhập chiếm đoạt Trung Nguyên. Nhân dân cực kì đói khổ, nhà nhà ly tán. Lúc đó, lực lượng nhà Thanh hết sức hùng hậu, tập họp đại quân lên tới vài chục vạn, rầm rộ uy hiếp Cẩm Châu và Tùng Sơn. Tuy quân dân nhà Minh vô cùng kiên cường, quyết giữ gìn giang sơn nhưng lực bất tòng tâm. Trải qua mấy trận quyết chiến long trời lở đất đành để cho quân nhà Thanh chiếm được 2 thành quan trọng ấy. Khi quân Thanh đã làm chủ được toàn bộ miền đất phía bắc, thì việc tiến xuống miền nam là chuyện dễ dàng, thế nhưng quân Thanh đành phải dừng chân ở Sơn Hải quan bởi vì ở đó có 1 danh tướng trẻ tuổi trấn thủ đó là Ngô Tam Quế. Trước đó, cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành rất được lòng dân chúng, người đi theo có đến trăm vạn. Với khí thế hừng hực, quân đội của Lý Tự Thành đi đến đâu đại thắng đến đó. Nhà Minh cũng biết đây là mối lo đáng sợ, nhưng phải đối phó 2 đầu, quân tướng đều bất mãn chẳng còn ý chí chiến đấu nên đành chống đỡ cầm chừng. Chẳng bao lâu, Lý Tự Thành đã xây dựng 1 chính quyền ở Tây An, lấy quốc hiệu là Đại Thuận. Nhân vì cuộc khởi nghĩa nổ ra như sét đanh, danh tiếng vang động khắp gần xa nên Lý Tự Thành còn được gọi là Sấm Vương. Thấy danh thế đã đủ mạnh, nhà vua Sùng Trinh nhà Minh hôn ám, bao nhiêu quân hùng tướng mạnh phải dồn lên phía bắc chống trả nhà Thanh, Lý Tự Thành liền dẫn toàn bộ lực lượng vượt qua Hoàng Hà, chia làm 2 đạo tiến đánh Bắc Kinh. Nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, 2 đạo nghĩa binh của Lý Tự Thành đi đến đâu được hưởng ứng tới đó, quân tướng nhà Minh bỏ hàng ngũ khá đông, chẳng mấy chốc đã hội sự tại chân thành Bắc Kinh, sửa soạn cuộc công phá cuối cùng.

Thật ra triều đình nhà Minh cũng còn 1 số tướng lĩnh tài năng nhưng hầu hết đều phải điều lên biên ải trấn thủ, vì vậy việc thất thủ Bắc Kinh chắc chắn chỉ ngày một ngày hai. Sùng Trinh nhà Minh vô cùng hoảng sợ, liên tiếp hạ mấy chiếu chỉ thúc giục mãnh tướng Ngô Tam Quế ở Ninh Viễn phải cấp tốc mang quân về cứu giá. Lúc đó Ngô Tam Quế có thể gọi là viên tướng tài ba nhất triều Minh, tuy còn trẻ tuổi, chưa quá 30 nhưng đã được trọng dụng phong lên chức Bình Tây Bá, trấn thủ toàn bộ mặt đông bắc. Ngô Tam Quế xuất thân trong gia đình đại quan, quen với đời sống xa hoa phóng túng, háo sắc, thích phô trương. Tuy nhiên nhờ có sức khỏe hơn người, thông thạo binh pháp, điều quân khiển tướng rất dũng mãnh nên con đường binh nghiệp thăng tiến rất mau, hiện tại nắm giữ mấy chục vạn quân mã, quyền thế chấn động 1 vùng biên cương. Ngay từ khi Ngô Tam Quế còn trẻ đã biểu lộ là 1 vị tướng kiêu dũng. Khi ấy là vào năm Sùng Trinh thứ 2, Hoàng Thái Cực chỉ huy 56 vạn quân tiến về Bắc Kinh, Sùng Trinh ngu muội nghe lời bọn gian thần, kết tội đại tướng Viên Sùng Hoán khiến Tổ Đại Thọ bất mãn dẫn quân về Ninh Viễn. Sùng Trinh phải sai sứ thần đến tận nơi giải thích, Tổ Đại Thọ mới chịu quay trở lại Kiến Xương, bố phòng binh mã chống cự với quân Hậu Kim (tức quân nhà Thanh sau này).

Khi ấy Ngô Tương là bộ tướng dưới quyền Tổ Đại Thọ dẫn vài trăm quân sĩ đi dò thám, bất ngờ đụng độ với đại quân Hậu Kim. Thấy Ngô Tương ít quân, hoàng đế Hậu Kim truyền chỉ bao vây chiêu hàng chứ không giết ngay. Tổ Đại Thọ biết tin nhưng thấy quân Hậu Kim quá đông, hoảng sợ không cho lệnh phát binh đi giải cứu Ngô Tương. Ngô Tam Quế nóng lòng muốn cứu cha, cầu xin không được Tổ Đại Thọ chấp nhận, liền can đảm dẫn hơn 20 gia tướng oai hùng xông vào vòng vây đánh giết. Ngô Tam Quế trổ tài thiện xạ, dùng cung tên bắn chết viên tướng cầm đầu quân Hậu Kim bao vây, mau lẹ thúc ngựa chạy lại cắt lấy thủ cấp rồi hợp với mấy trăm quân sĩ của cha mở đường máu chạy trốn. Quân Hậu Kim kinh hoảng vì tài năng của Ngô Tam Quế, vừa mất tinh thần vừa sợ đó chỉ là kế dẫn dụ vào nơi phục kích nên không dám đuổi theo, kết quả cha con Ngô Tam Quế về thành an toàn. Tổ Đại Thọ hết lời khen ngợi người thanh niên dũng cảm phi thường ấy, đề bạt lên làm tướng khi Ngô Tam Quế chưa đầy 20 tuổi.

Ngô Tam Quế không những tinh thông võ nghệ mà còn rất thích văn chương thơ phú. Ngoài thời gian luyện võ, huấn luyện quân binh, hễ rảnh rang là cầm sách đọc. Với tài năng ấy, tất nhiên Ngô Tam Quế không tránh khỏi tham vọng. 2 câu đối mà Ngô Tam Quế dán ở nơi đọc sách đủ nói lên những tham vọng này phần nào:

"Sĩ quan đương tác chấp kim ngô

Thú thê đương đắc Âm Lệ Hoa"

Tức là: "Làm quan thì nên làm tới chức chấp kim ngô, lấy vợ thì phải lấy người đẹp như Âm Lệ Hoa đời Hán".

Khi triều đại Sùng Trinh sắp diệt vong, Ngô Tam Quế càng được trọng dụng hơn, trấn thủ ở Ninh Viễn để chóng cự với quân Thanh lâm le xâm chiếm Trung Nguyên. Để kịp thời chống trả với sức tấn công dữ dội của quân Thanh, Ngô Tam Quế rời Ninh Viễn đi thị sát 1 vòng, bố phòng lại lực lượng, đắp thêm hào cao lũy sâu, sẵn sàng đối phó. Công việc đang tiến hành thuận lợi, đột ngột Ngô Tam Quế nhận được 1 ngày hai ba chiếu chỉ của Sùng Trinh lệnh cho đại quân rút về giải vây kinh thành thì khó nghĩ vô cùng. Hiện tại việc bố phòng tuy vững chắc, nếu rút hết binh tướng thì quân Thanh sẽ phát hiện ra ngay và chắc chắn thừa cơ hội tấn công; bằng không tuân theo chiếu chỉ thì sau này rất khó biện minh với Sùng Trinh. Ngô Tam Quế suy tính rất mau, sau cùng quyết định trao lại binh quyền cho 1 số tướng lĩnh tin cậy, chỉ dẫn vài ngàn tinh binh cấp tốc tiến về cứu kinh thành. Tiếc rằng sức tấn công của quân khởi nghĩa Lý Tự Thành quá nhanh, khi Ngô Tam Quế dẫn quân về tới Sơn Hải Quan thì nhận được tin báo Bắc Kinh đã thất thủ, hoàng đế Sùng Trinh không kịp chạy trốn, ra môi sơn ở phía sau hoàng cung treo cổ tự ải. Nhà Minh thống trị Trung Nguyên được 277 năm đến đây là diệt vong.

Ngô Tam Quế cực kì lúng túng, không biết phải làm sao, đành tạm thời cho quân đóng trại tại chỗ chờ xem tình hình diễn biến ra sao để có cách ứng phó phù hợp. Để có tin tức chính xác, Ngô Tam Quế phái nhiều quân thám thính, ăn mặc theo lối thường dân đến Bắc Kinh nghe ngóng. Mấy ngày sau, bọn thám thính lần lượt báo về, toàn là tin không tốt: Lý Tự Thành đã vào Bắc Kinh, buông thả cho nghĩa quân tha hồ cướp bóc, đốt phá tan hoang. Hoàng đế chết rồi thì bá quan cũng chẳng còn trông cậy vào đâu, mạnh ai nấy chạy không sao liên lạc được. Ngô Tam Quế còn đang kinh hoảng trù tính cho con đường tương lại vẹn toàn thì bất chợt có 1 tên quân thám thính chạy về, vừa tới cửa doanh trướng chưa kịp làm lễ thì đã hô to: "Nguy rồi! Nguy rồi! Toàn gia của nguyên soái đang bị Sấm Vương bắt giữ, chẳng biết an nguy ra sao!".

Ngô Tam Quế càng thêm kinh sợ, hỏi thêm thì mới biết Lý Tự Thành mang danh là nghĩa quân nhưng con người hắn cũng tham lam tàn nhẫn chẳng khác gì các quân vương triều Minh. Vừa tràn vào Bắc Kinh, Lý Tự Thành lột bỏ mặt nạ danh nghĩa, ra lệnh cho các bộ tướng là Lưu Tông Mẫn, Lý Hoa bắt giữ toàn bộ hoàng thân quốc thích, gia đình quan lại ở kinh đô, cho phép họ dùng cực hình tra khảo, miễn làm sao lấy hết tiền bạc châu ngọc là được, khong truy cứu việc sử dụng hình cụ tàn nhẫn ra sao. Tướng lĩnh đã vậy thì quân sĩ làm sao khác hơn, bọn chúng theo gương thi nhau cướp phá dân lành, vơ vét của cải. Chỉ cần nghi ngờ là quan lại nhà Minh là lập tức xuống tay giết chóc. Kinh thành Bắc Kinh ngày nào huy hoàng tráng lệ nay chỉ còn là 1 bãi đất hoang tàn, thây người la liệt. Khi ấy phụ thân của Ngô Tam Quế là Ngô Tương, vẫn ỷ vào mình là cựu tướng, dòng dõi hoàng tộc, lại tin rằng con sẽ đem binh mã về cứu giá nên không thu xếp chạy trốn; rốt cuộc bị Lưu Tông Mẫn bắt được và tịch biên toàn bộ gia sản. Tuy Lưu Tông Mẫn biết con trai của ông ta là Ngô Tam Quế lững lấy chiến công vẫn không sợ hãi, cho quân tra khảo Ngô Tương đễn chết đi sống lại, bao giờ khai hết những chỗ cất giấu vàng ngọc thì mới dừng tay. Ngô Tam Quế ghe vậy rất nóng lòng, tuy chẳng còn vương triều nữa nhưng vẫn nắm 1 số quân tinh nhuệ trong tay thì vẫn đủ sức xưng hùng xưng bá 1 vùng. Hắn liền cấp tốc kéo 1 số binh mã về Bắc Kinh, tùy thời cơ sẽ tìm cách cứu gia đình thân thuộc. đi chưa được bao xa, chợt phía trước có 1 đoàn quân giương cờ Sấm Vương rầm rộ đi ngược lại. Ngô Tam Quế không sợ hãi, cho bày binh bố trận chờ đợi. Chẳng bao lâu, 1 viên tướng phi ngựa tới trước, hô lớn: "Xin Ngô tướng quân đừng vọng động, có chiếu thư của Sấm Vương cho tướng quân đây!".

Ngô Tam Quế nhìn kĩ, nhận ra đó là Đường Thông, cũng là 1 tướng lĩnh của triều Minh nhưng đã đầu hàng Lý Tự Thành. Ngô Tam Quế liền hỏi Đường Thông nguyên nhân tại sao biết mình đang về Bắc Kinh. Đường Thông cho biết: "Danh tiếng của tướng quân nổi như cồn nơi biên ải, ai mà không hay biết. Sấm Vương là người nghĩa khí, tuy đã tiêu diệt được triều Minh nhưng đã từng nghe danh tướng quân nên muốn mời về kinh thành phong cho quan chức".

Thật ra Lý Tự Thành không thèm để ý đến Ngô Tam Quế, kiêu ngạo toan tính hạ xong Bắc Kinh thì sẽ tiến lên miền bắc tiêu diệt những đạo quân còn sót lại. Theo Lý Tự Thành thì bọn quan quân nhà Minh như rắn mất đầu, chỉ 1 lần động binh là giải quyết xong xuôi. Thế nhưng các mưu sĩ của Lý Tự Thành có ý nghĩ khác, bàn rằng: "Ngô Tam Quế là một mảnh tướng không dễ gì khuất phục bằng sức mạnh. Hắn lại nắm trong tay vài chục vạn quân. Nếu không quy hàng thì càng đáng lo cho chúng ta hơn nữa! Nay Đại vương đang nắm thế mạnh trong tay, thì nên tạm thời dũ hàng, vẫn cho hắn giữ chức Tổng binh như cũ. Vừa có lợi là có người trấn thủ biên giới phía bắc vừa đỡ mối lo phản loạn".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro