TRẦN VIÊN VIÊN - MỸ NHÂN ĐỂ LỤY ANH HÙNG (p2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý Tự Thành không hiểu thế mạnh trong tay là gì, hỏi thì các mưu sĩ dâng 1 kế sách. Lý Tự Thành nghe theo, sai Đường Thông là người biết mặt Ngô Tam Quế, cầm chiếu thư đi dụ hàng. Đường Thông đi đến thẳng Sơn Hải Quan nhưng không ngờ Ngô Tam Quế cũng đang kéo quân về nên gặp nhau giữa đường. 2 người vào doanh trướng uống trà giải khát, Đường Thông liền thuyết phục: "Hiện tại triều Minh đã diệt vong, Sùng Trinh đã chết thì tướng quân trung thành với ai? Vả chăng Sấm Vương là người vì dân vì nước, được nhân dân ủng hộ theo về, xứng đáng ngồi trên ngai vàng giúp dân no ấm thịnh vượng. Nếu tướng quân quy hàng thì vẫn giữ được tước lộc như trước. Như vậy chẳng là vẹn toàn hay sao? Bằng tướng quân làm ngược lại thì thân thế bơ vơ, chẳng chống thì chầy cũng bị nghĩa quâu tiêu diệt mà thôi, uổng một đời anh hùng!".

Ngô Tam Quế gật đầu công nhận Đường Thông nói đúng, nhưng bất chợt chỉ mới vài ngày mà đã quay ngoắt sang thờ 1 ông vua khác thì cũng khó ăn nói với quân tướng dưới quyền, đâm ra phân vân không quyết. Đường Thông thấy vậy liền đưa ra 1 bức thư, Ngô Tam Quế nhìn thấy là biết ngay đó là nét chữ của phụ thân, vội vàng mở ra đọc. hóa ra Ngô Tương đang bị giam giữ rất khổ nhục, khuyên con nên quy hàng để gia đình thoát khỏi cảnh lao tù đồng thời cũng giữ được chức tước. Ngô Tam Quế đọc xong thư của phụ thân, biết tình thế không thể tự quyết định, thở dài nói với Đường Thông: "Được rồi! Tướng quân hãy về báo với Sấm Vương là tôi thuận theo, sau khi thả hết thân thuộc họ Ngô ra thì tôi sẽ về kinh đô làm lễ bái kiến".

Đường Thông tuy phải dùng đến kế sách ép buộc của bọn mưu sĩ hoạch định trước nhưng kết quả thành công thì rất mừng, lập tức quay trở lại Bắc Kinh báo cho Sấm Vương. Ngô Tam Quế cũng quay về Sơn Hải Quan cách đặt các bộ tướng giữ vững quan ải rồi mới dẫn vài ngàn tinh binh theo mình về Bắc Kinh làm lễ quy thuận. Trên đường đi, Ngô Tam Quế thấy hàng đoàn người nối đuôi nhau đi ngược lại, tức là rời khỏi kinh thành, người nào cũng đầu tóc bê bết, áo quần rách nát, mặt mày tiều tụy vì đói khát thì rất thương cảm. Khi hỏi tại sao chiến tranh đã hết, không ở lại kinh thành thì tất cả đều không trả lời, chỉ len lén cúi mặt xuống sợ hãi mà bỏ đi. Điều này khiến Ngô Tam Quế ngộ ra sự tàn bạo của đoàn quân Lý Tự Thành, gọi là nghĩa quân mà chẳng có chút nhân nghĩa nào đối với người dân thường, đến như hoàng gia quý tộc chắc chắn còn tệ hại hơn nữa. Ngô Tam Quế ngồi trên ngựa còn đang băn khoăn lo lắng cho gia đình, chợt có 1 lão già đi lẫn lộn trong hàng người trốn chạy kêu lớn: "Công tử! Ngô tướng quân...!".

Ngô Tam Quế giật mình nhìn lại, thì ra đó là lão bộc theo hầu phụ thân mình đã nhiều năm, tên là Trương Ngũ. Thấy Ngô Tam Quế nhận ra mình, Trương Ngũ liền sụp xuống khóc nức nở, mái đầu bạc run rẩy càng làm cho tấm thân gầy yếu thêm thảm nảo. Ngô Tam Quế truyền quân đứng lại, đỡ Trương Ngũ vào đại doanh để hỏi chuyện gia đình. Trương Ngũ gạt nước mắt cho biết: "Bọn hung ác Lý Tự Thành bao vây phủ đệ rồi xông vào lục soát, tịch thu không sót cái nồi đồng. Ai có lời chống lại lập tức giết ngay. Lão nô thấy toàn gia đều bị bắt, lão nhân gia tuy đã lớn cũng không hề được bọn quân của viên tướng họ Lưu gì đó đối xử tử tế thì biết ngay là hung hiểm. Lão thật thẹn khi phải bỏ trốn một mình, không theo hầu lão nhân gia; nhưng như vậy thì làm sao có người đến Sơn Hải Quan báo cho tướng quân biết được!".

Ngô Tam Quế liền dùng lời an ủi lão bộc, cho rằng khi về kinh làm lễ quy thuận chắc chắn sẽ được trọng đãi, gia đình thân thuộc sẽ được thả ra, còn có thể xin với Sấm Vương trả hết tài sản, mọi việc chỉ còn vài ngày nữa là không còn gì vất vả. Trương Ngũ nghe vậy rất mừng nhưng chưa hết nét kinh hoàng, kể lại cho Ngô Tam Quế nghe tình trạng đã diễn ra ở Bắc Kinh trong mấy ngày qua: "Kinh đô trước kia sầm uất như vậy mà chỉ mấy ngày quân của Sấm Vương đã tàn phá gần hết, cướp bóc tiền của chưa thỏa mãn. Bọn chúng còn bắt luôn cả phi tần, cung nữ, phu nhân các đại quan mang về chia chác, bắt hầu hạ rất tủi nhục. Ngay cả gia đình họ Ngô chúng ta cũng không sao thoát khỏi đại nạn".

Chợt Ngô Tam Quế nhớ đến người tiểu thiếp còn ở lại kinh thành, giật mình hỏi luôn: "Viên Viên của ta hiện tại ra sao?".

Lão bộc Trương Ngũ ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn lên, ấp úng nói: "Trần cô nương hả? Chính mắt lão thấy tên tướng họ Lưu cười khả ố, nắm lấy Trần cô nương dẫn đi. Thật không biết sống chết ra sao?".

Ngô Tam Quế nghe đến đó, gầm lên 1 tiếng dữ dội, đôi mắt trợn ngược, nghiến răng mím lợi đến bật cả máu ra, khàn giọng quát lớn: "Lý Tự Thành! Ngươi dám khinh nhờn ái thiếp của ta. Ngô Tam Quế này quyết không đội trời chung với ngươi!".

Trong bài "Viên Viên khúc" của thi nhân Ngô Vĩ Nghiệp sau này có 2 câu diễn tả rất sinh động cảnh tượng ấy:

"Đổng khốc lục quân câu cảo tố

Xung quân nhất nộ vị hồng nhan".

Tức là: " Trong lúc sáu quân đều áo trắng than khóc thì có một người tóc chạm đến mũ vì một gái má hồng". Sáu quân áo trắng than khóc là diễn tả việc Sùng Trinh mất, quan quân đều để tang cho vua, còn "gái má hồng" chính là Trần Viên Viên, ái thiếp của Ngô Tam Quế.

Cuộc đời anh hùng của họ Ngô vì cái tên Trần Viên Viên mà đi qua một khúc quanh khác, kéo theo cả 1 triều đại sụp đổ, đưa đất nước vào tay tộc Mãn. Cô nương họ Trần tên Viên Viên ấy là người ở Thái Nguyên, xuất thân hèn kém. Cha nàng chỉ là người bán hàng nhỏ, rất vất vả trong việc mưu sinh nhưng vốn từ nhỏ đã thích xướng ca, lúc rảnh rỗi thường dạy cho Viên Viên những bài học vỡ lòng. Thật ra Viên Viên họ Huỳnh nhưng vì cha mẹ nghèo khổ phải theo nghĩa mẫu bôn ba kiếm miếng ăn nên đổi thành họ Trần tên Nguyên, còn Viên Viên là tiểu danh được gọi trong gia đình. Sau này còn có tên tự là Nguyễn Phân. Thế nhưng cuộc đời thuở nhỏ cũng không được an nhàn. Năm 10 tuổi, cha mẹ nuôi thi nhau mất sớm, Viên Viên phải lưu lạc tha phương, mấy năm sau đến Tô Châu xin làm ca kĩ độ thân. Tuy gia thế nghèo hèn nhưng trời cho 1 nhan sắc tuyệt mĩ, bản chất lại thông tuệ, chỉ được cha dạy mấy điều căn bản vỡ lòng và sau này tự mình học thêm mà vẫn thành thạo đàn địch xướng ca, có khi lại còn làm thơ vẽ tranh. Thật là đủ tài đủ sắc! Với nghề ca kĩ, dù giỏi giang đến đâu mà không có nhan sắc thì cũng không được tài tử vương tôn theo đuổi. Viên Viên càng lớn, nhan sắc càng yêu kiều nên mới 14 tuổi đã nổi tiếng khắp miền Tô Châu, vương tôn tài tử đều tìm đến bỏ tiền ra thưởng thức nhan sắc cùng tiếng đàn mê hồn của nàng. Nhan sắc của nàng được ái mộ đến mức lan truyền đến kinh thành. Khi ấy Điền quý phi đang được vua Sùng Trinh sủng ái nên cha mẹ cũng được thơm lây. Cha của Điền quý phi là Điền Văn được phong quốc cữu, cậy vào thế lực của con gái mua quan bán chức, trong nhà có đến hàng vạn lượng vàng. Điền Văn thấy nhờ con gái mà giàu có mau chóng thì rất thích thú, toan tính tìm cách tiến thân thêm nữa. Nghe danh tiếng của Viên Viên vừa xinh đẹp vừa thông thạo múa hát, đàn địch, Điền Văn cho đây là cơ hội rất tốt. Điền Văn bỏ ra 2000 lượng vàng mua Viên Viên về phủ, mời thầy dạy nàng những điệu múa mê hồn, chỉ bảo lễ nghi cung đình; hy vọng 1 ngày nào đó dâng cho Sùng Trinh thì sẽ được hoàng đế cất nhắc, thăng quan tiến chức.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro