8. TRƯƠNG LỆ HOA - MỸ NHÂN HÁT KHÚC HẬU ĐÌNH HOA (p1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong văn học Trung Quốc, bài thơ Bạc Tần Hoài (tức Đêm đậu ở bến sông Tần Hoài) của thi nhân đời Đường là Đỗ Mục được nhiều người nhắc nhở, cảm khái cho câu chuyện tình của Nam Trần Hậu Chủ Thúc Bảo và mỹ nhân tuyệt sắc Trương Lệ Hoa. Tần Hoài là địa danh nổi tiếng vùng Kim Lăng, Giang Nam với những ca lâu tửu quán dọc 2 bên bờ sông. Ngày cũng như đêm nhộn nhịp khách văn nhân, tiếng đàn địch xướng ca hầu như không dứt. Tuy Đỗ Mục chê trách :

"Thương nữ bất tri vong bất hận, cách giang vô xướng Hậu đình hoa"

Tức: "Đàn bà đâu biết hận vong quốc, mải mê hát bài Hậu đình hoa"

Nhưng về mặt văn chương thì đó là 1 bài tuyệt bút khiến người ta nhớ mãi. Nguyên văn như sau:

"Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia

Thương nữ bát tri vong quốc hận

Cách giang do xướng Hậu đình hoa".

Dịch:

"Sông Tần khói tỏa trăng in

Bên ngoài quán rượu, con thuyền đêm qua

Mặc ai tan nát cửa nhà

Chị em vẫn hát bài "Hoa sau vườn".

Vào thời Nam Triều ở Trung Quốc, Trần Bậc Tiện chỉ là viên quan nhỏ ở triều Lương, nhờ công trấn áp nổi dậy của nhân dân Giao Châu nên được thăng dần lên tới Đốc hộ Tây Giang kiêm Thái thú Cao Yêu. Sau này Trần Bậc Tiện lại mang quân đánh bại Hầu Cảnh nên quyền thế càng lớn mạnh, phế bỏ Tiêu Phương Trí, tự lập ngôi đế, lấy quốc hiệu là Trần – tức Trần Võ Đế. Năm 560, Võ Đế truyền ngôi cho con là Trần Thiến, xưng hiệu là Trần Văn Đế.

Thời kì này ở đất Giang Nam, gia đình của Trương Miệt Tượng tất nghèo hèn, sinh con gái cũng như con trai đều tầm thường, thậm chí còn có phần xấu xí khiến 2 vợ chồng đều thất vọng. Bất ngờ khi sinh đứa con cuối cùng lại khác hẳn mấy anh chị em. Người con gái mới sinh ra đã có nét đẹp khác lạ, da trắng như tuyết, đôi mắt đen láy biểu lộ một đầu óc thông tuệ, thân hình tuy còn nhỏ bé nhưng vẫn thoát ra vẻ thanh tú, yêu kiều. Trương Miệt Tượng hết sức vui mừng, đặt tên cho con là Lệ Hoa. Càng lớn lên, Lệ Hoa càng diễm lệ. Tuy phải mưu sinh vất vả nuôi mẹ cha nhưng phong thái ôn nhu yểu điệu chẳng khác gì con nhà vương tôn quý tộc. Thấy con xinh đẹp, Trương Miệt Tượng chẳng những không vui mừng mà còn có khi than thở với mọi người: "Lệ Hoa nhà tôi chẳng khác gì tiên nữ xuống trần. Đáng ra nó phải có được đời sống vinh hoa phú quý, tiếc rằng sinh vào nhà hạ tiện, lấy gì mà chu cấp cho con đầy đủ. Chẳng những vậy, Lệ Hoa còn phải phụ giúp cha mẹ sinh nhai, vất vả khổ nhọc thì thật uổng phí nhan sắc trời ban cho. Tôi càng nghĩ càng thấy đau lòng".

Lúc đó, Trần Văn Đế đã lập người con của dòng chính là Tuyên Đế Trần Nhu tên Trần Thúc Bảo làm Đông cung Thái tử. Thúc Bảo mới mười mấy tuổi, tính tình còn trẻ con nên rất hay cùng thuộc hạ rong chơi nơi phố phường hoặc du ngoạn nơi ngoại thành. 1 lần kia, Trương Lệ Hoa theo chị ra chợ bán số hoa sen hái được, rồi ấy số tiền nhỏ nhoi ấy mua các vật dụng cần thiết cho gia đình. Tình cờ Trần Thúc Bảo đi du ngoạn trở về qua phố chợ, nhìn thấy Trương Lệ Hoa nhan sắc rực rỡ, làn da trắng muốt, đôi môi phớt hồng, còn đẹp hơn cả hoa sen mà nàng đang cầm trên tay thì như bị hớp mất hồn vía, ngẩn ngơ đứng nhìn không chớp mắt. Thúc Bảo về cung, đầu vẫn còn tư tưởng đến bóng dáng yêu kiều non trẻ của Trương Lệ Hoa, không sao nén được nỗi lòng, sai người hầu đi dò hỏi tông tích rồi bỏ số tiền lớn ra xin mua về làm thiếp. Trương Miệt Tượng như người trên trời rơi xuống, mừng rỡ khoe với mọi người: "Phải như vậy thì trời mới có mắt. Chẳng lẽ sắc đẹp của con tôi như vậy mà trời đành để mai một ở nơi hèn kém này hay sao. Dù chỉ là thân phận tiểu thiếp của thái tử, nhưng khắp vùng này chưa ai được diễm phúc như vậy. Từ đây trở đi, họ Trương này mới được nở mày nở mặt!".

Sở dĩ Thúc Bảo xin mua Lệ Hoa làm tiểu thiếp là vì mới 16 tuổi đầu nhưng hoàng gia đã lo lắng về việc con cái nối dõi, nên năm trước đã tiến hành cưới hỏi cơ thiếp cho Thúc Bảo nhưng chưa đủ số. Theo chế độ của các vương hầu nhà Trần thì cơ và thiếp đều là vợ lẻ, được quyền có nhiều ngoài chính thê là Thái tử phi. Vì vậy Trương Lệ Hoa vào cung chỉ giữ danh phận tiểu thiếp. Tuy nhiên Thúc Bảo còn quá trẻ, Lệ Hoa lại trẻ hơn, đôi trai gái tuy chuyện trò rất tâm đắc, tính tình hòa hợp nhưng vẫn chưa nghĩ đến chuyện ái ân, Thúc Bảo coi nàng như một người bạn gái mà thôi. Thời gian trôi qua nhanh như tên bay, 6 năm chớp mắt trôi qua, Thúc Bảo đã là 1 thiếu niên khỏe mạnh ở tuổi 22, việc gặp gỡ giữa 2 người vẫn xảy ra thường xuyên nhưng Trương Lệ Hoa đã biết e lệ, đỏ bừng đôi má khi Thúc Bảo thân mật ôm vai, nắm tay trò chuyện. Lúc này Thúc Bảo còn rất rảnh rang, rất thường hay cùng Lệ Hoa sánh vai dạo chơi hoa viên hoặc du lãm 1 vài danh lam thắng cảnh gần kinh thành. Sau đó 1 năm, Trương Lệ Hoa sinh cho thái tử 1 đứa con trai đỉnh ngộ, đặt tên là Trần Thâm.

Khi Tuyên Đế băng hà, thái tử Trần Thúc Bảo đuộc triều thần tôn phò lên làm hoàng đế, sử sách gọi là Trần Hậu Chủ, đổi niên hiệu thành Chí Đức. Lên ngôi rồi, Trần Hậu Chủ phong cho thái tử phi họ Thẩm làm hoàng hậu. Thật ra Thẩm hoàng hậu là người do hoàng tộc đứng ra quyết định hôn nhân. Lúc ấy Trần Hậu Chủ cũng còn nhỏ nên không hề có chút tình cảm nào chứ nói gì đến tình yêu, ngay cả việc phong hoàng hậu cũng chỉ là giữ gìn ngôi thứ theo phép tắc hoàng gia mà thôi. Trong lòng Trần Hậu Chủ duy nhất là hình bóng yêu kiều của Trương Lệ Hoa. Tuy có nhiều đại thần phản đối, cho Lệ Hoa xuất thân từ tầng lớp dân dã, không thể nắm quyền cai quản trong cung, nhưng Trần Hậu Chủ gạt bỏ ngoài tai, lấy cớ nàng đã có con nối dõi, phong làm quý phi để mỹ nhân khỏi đụng chạm đến Thẩm hoàng hậu mỗi ngày.

Trần Hậu Chủ ra lệnh cho Trương quý phi về ở Kết Ỷ các. Trần Hậu Chủ rất thích thi thơ, thường hay mời các danh nhân đương thời tham dự yến tiệc, nhờ họ sáng tác thơ phú diễn tả cảnh tượng hoa lệ ấy. Nếu có bài thơ phú nào danh từ diễm lệ thì được phổ thành khúc nhạc cho các cung nhân tập ca múa. Các danh nhân cũng biết, trong số mấy trăm mỹ nữ vây quanh, Trần Hậu Chủ vẫn có lòng sủng ái Trương Lệ Hoa nhất nên đa số các bài thơ phú đều tán tụng nhan sắc của nàng. Trần Hậu Chủ thích nhất là bài "Ngọc thọ Hậu đình hoa", bởi nó không những phô bày hết vẻ đẹp mê hồn của Trương quý phi, mà còn diễn tả được lòng sủng ái của mình đối với mỹ nhân như thế nào. Bài hát này nổi tiếng đến nỗi ngay đương thời cũng trở thành câu nói cửa miệng của dân gian khi muốn đề cập đến việc ăn chơi trác táng. Trong bài thơ Bạc Tần Hoài, thi nhân Đỗ Mục nhắc đến Hậu đình hoa chính là bài hát này.

Trải qua mấy năm đất nước được bình yên, Trần Hậu Chủ mãi lo ăn chơi sa đọa mà không nghĩ gì đến sửa sang quốc sự, chỉnh đốn binh mã nên thế nước mỗi ngày thêm yếu kém. Trong mấy năm ngồi trên ngai vàng, Trần Hậu Chủ chưa bao giờ đến điện Cần Chính xem xét công việc, bao nhiêu tấu chương đều dồn hết về Lâm Xuân các; nhờ vậy mỗi lần hoàng đế phê duyệt tấu chương, Trương Lệ Hoa đều có dịp ngồi chung. Tuy nàng không được học hành bao nhiêu nhưng bản chất trời cho rất thông tuệ, nhiều lần chỉ cho Trần Hậu Chủ những chỗ sai sót và cũng đưa ra được 1 số quyết định hợp lý. Vì vậy, Trần Hậu Chủ không những sủng ái mà còn có ý kính nể Trương quý phi. Quá quen thuộc với triều chính, dần dần Trương Lệ Hoa có ý nghĩ: "Nhà họ Trương của ta mấy đời nay đều nghèo khó, nay ta được cơ hội nắm quyền hành trong tay thì tại sao không vực gia tộc họ Trương lên một mức cao hơn. Nếu không cao sang thì cũng phú quý, có vậy ta mới thỏa lòng!".

Từ đó trở đi, Trương Lệ Hoa ngầm sai các hoạn quan liên lạc với giới vương tôn quý tộc, bất cứ ai muốn thăng quan tiến chức đều có thể nhờ mình giúp đỡ, đánh đổi bằng những số tiền bạc, châu báu khá lớn. Chẳng bao lâu, Trương Lệ Hoa đã thu góp được 1 số vàng bạc rất lớn, sai người chuyển về nhà họ Trương cất giữ. Việc mua quan bán chức rất trôi chảy, nên sau này Trương Lệ Hoa nổi lòng tham, can thiệp về cả hình phạm. Dù tội nhân có tội tày trời, hễ qua tay của Trương quý phi đều được miễn giảm hoặc không cứu xét nữa. Trương quý phi càng giàu có bao nhiêu thì bọn thuộc hạ và gia tộc họ Trương cũng thu vét được bấy nhiêu, làm cho xã hội nước Trần thêm suy tàn hủ bại. Khi ấy Trần Hậu Chủ theo lời bá quan đã lập con của Thẩm hoàng hậu là Trần Dần lên làm thái tử. Trần Dần nhìn biết hành vi của Trương quý phi, nhiều lần dâng sớ đàn hạch nhưng tất cả đều bị Trần Hậu Chủ vứt bỏ hết. Thái tử Trần Dần vô cùng tức giận, có lần nói với tả hữu: "Triều Trần chúng ta chắc chắn không còn nếu như trong hậu cung còn có Trương quý phi. Chỉ tiếc rằng hậu họa ngay trước mặt mà phụ hoàng quá u mê, vẫn nghe theo lời xàm tấu của Trương quý phi mà thôi. Ta thân làm thái tử, chẳng lẽ khoanh tay ngồi yên nhìn nước nhà chìm đắm".

Bọn hoạn quan nghe được câu nói này, vội chạy về Kết Ỷ các lén thưa với Trương quý phi để tân công: "Thuộc hạ nghe thái tử bàn với tả hữu có ý muốn trừng trị quý phi và chê trách hoàng thượng u mê. Tuy việc chưa tới nhưng xin quý phi lo liệu đề phòng, đừng để nước tới chân mới nhảy!".

Trương quý phi nghe vậy rất lơ sợ, bàn với bọn hoạn quan thân tín: "Ta vốn không có ý đồ xen vào chuyện triều chính, nhưng việc đã vậy thì cũng phải tìm cách đối phó. Từ trước tới nay ta không quen dùng tới thủ đoạn âm độc, vì vậy chẳng biết tính toán ra sao. Các ngươi có thể giúp ta một kế sách cho vẹn toàn hay không?".

Bọn hoạn quan liền thưa: "Chúng tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm, càng tính toán sự việc càng dễ vỡ lỡ. Muốn yên ổn thì quý phi chỉ cần khéo léo tìm lời tâu với hoàng thượng phế bỏ thái tử là xong. Vả lại quý phi cũng có hoàng tử, lại được hoàng thượng tin yêu sủng ái thì tại sao không thể làm hoàng thái hậu?".

Trương Lệ Hoa liền nghe theo, tâu với Trần Hậu Chủ: "Thần thiếp tuy ở trong hậu cung nhưng cũng có nghe thái tử nói nhiều lần lời xúc phạm tới thánh thượng. Thái tử lại tỏ ý muốn giết thần thiếp và đứa con còn nhỏ dại là Trần Thâm để sau này bước lên ngai vàng không còn trở ngại gì nữa. Việc thái tử xúc phạm phụ hoàng thì thiếp không dám có ý kiến, riêng tính mạng của hai mẹ con đều do quyết định của hoàng thượng. Xin hoàng thượng nghĩ tình bấy lâu mà cứu mẹ con thần thiếp".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro