Chương 23 - Người đàn ông của mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chỉ là một chuyến đi sang Hòn Gai, nơi cách nhà khoảng hai mươi cây số nhưng trông Viễn như thể sắp tham gia một cuộc viễn chinh. Đôi vai gầy gò của cậu gần như bị kéo hết ra sau vì sức nặng của chiếc ba lô màu nâu nhạt. Bên trong toàn đồ ăn, nước uống và một vài dụng cụ như búa, kìm, dây thừng,... Cặp kính của Viễn hôm nay cũng rất khác, một loại kính nhựa dẻo có thể chịu đựng mọi áp lực o ép vào. Nó là kính dành cho dân chuyên thể thao, chỉ những trường hợp đặc biệt Viễn mới sử dụng. Thêm một điều đáng chú ý nữa, đó chính là đôi giày của Viễn. Không phải loại giày Thượng Đình cậu hay đi trong giờ thể dục, mà là một đôi giày chuyên để chạy đường trường. Nhẹ, dưới đế có những nướu cao su tạo sức bật tốt.

Nhìn Viễn từ đầu đến chân, Lâm không khỏi dành đến cậu một sự nể trọng tận tâm can. Đây là con người sống có kỷ luật, có kế hoạch và luôn sẵn sàng cho mọi tình huống cần thiết. Lâm thấy hổ thẹn vì trước giờ bản thân làm việc theo một trạng thái ngông nghênh. Cậu tin vào bản thân quá mức, cậu tin mình có thể phản ứng nhanh gọn trong mọi tình huống nên chẳng bao giờ chuẩn bị gì.

- Ôi trời ơi! - Đây là giọng của Minh Ngọc, nó ngập đầy kinh ngạc. Cô trợn mắt khi mở ba lô của Viễn ra để chiêm ngưỡng những thứ mà cậu đã chuẩn bị. - Này là mẹ cậu để vào hay cậu đây?

- Tôi đã nghĩ ra khoảng mười tình huống mà ta gặp phải. - Viễn bắt đầu diễn giải về việc tại sao cậu ta lại mang nhiều đồ đến thế - Có thể chúng ta sẽ phải cậy cửa để đột nhập vào thì sao? Hoặc là chúng ta bị người đàn ông của mẹ cậu đe doạ chẳng hạn. Lâm và cậu biết võ nhưng tôi thì không.

Lâm gật gù, thấy những điều mà Viễn nói cũng đúng, nhưng chẳng hiểu sao cậu vẫn thấy... cân cấn ở đâu đó.

- Vậy mà cậu còn bảo mẹ cậu lo cậu sẽ chết, chính cậu cũng vậy mà.

Viễn cứng họng.

Minh Ngọc kéo khoá ba lô lại, hỏi:

- Thôi được rồi, từ đây qua Hòn Gai hết bao nhiêu tiền xe nhỉ?

- Mười ngàn thôi.

- Đây tôi có đủ cho chúng rồi. Lúc về hai cậu trả tiền cho tôi là được.

- Chốt thế đi!

Dù cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng Minh Ngọc đang rất hồi hộp. Hai đùi cô liên tục rung và những ngón tay cô thì co duỗi liên tục. Đã hơn bốn năm rồi, bốn năm không gặp mẹ, không nghe được tin tức nào về mẹ. Hơn bốn năm như một sự tra tấn, giằng xé giữa việc đi hay ở. Chống đối hay xuôi thuận. Chấp nhận hay buông bỏ.

Lúc biết mẹ rời đi, cô đã bỏ thi. Minh Ngọc còn nhớ rõ hôm ấy trời mùa hè, nắng đổ hư hao xuống đời cô. Đốt cháy tất cả những hồn nhiên mà đáng ra phải có. Cô đã bị đặt vào một hoàn cảnh tàn khốc quá lớn, vì lúc ấy cô chưa trưởng thành. Còn với người lớn ư? Có vẻ như họ thấy điều đó với họ là bình thường thì phải.

- Cậu đừng lo! - Lâm lên tiếng - Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.

Viễn ngồi ghế bên cạnh cũng khẽ liếc mắt, cậu cũng nhìn ra được vẻ bồn chồn của cô những cậu không dễ tìm được lời như Lâm. Hoặc tỉ như tìm được thì cũng thật là khó nói.

- Nếu đó là mẹ tôi thì tôi nên làm gì? - Minh Ngọc thật sự cần một lời khuyên.

- Cậu phải tự biết chứ! - Viễn đáp. Rồi lại thấy mình đang nói một điều thừa thãi, nếu cô ấy biết thì cô ấy đâu cần hỏi.

Đó là lý do Minh Ngọc không thèm đôi co với cậu.

- Hãy ôm lấy mẹ! - Viễn sửa sai, cậu nhìn nhanh ra cảnh vật đang chạy lùi bên ngoài.

Minh Ngọc cười ra bằng một âm mũi, nhưng không phải là khinh thường, mà chỉ là quá bất ngờ khi nghe được câu trả lời này từ Viễn.

- Phải đấy! - Lâm chêm vào - Hãy ôm lấy mẹ và khóc lóc nhiệt tình vào, mẹ cậu sẽ thương cậu mà về thôi.

- Nhưng nếu tìm được mẹ và mẹ về với tôi thì chúng tôi cũng không thể về Hà Nội hay ở lại đây nữa.

- Tại sao? - Lâm và Viễn đồng thanh hỏi.

- Chúng tôi phải trốn khỏi sự truy đuổi của bố. Các cậu không biết chứ bố mẹ tôi chưa ly hôn.

- Trời đất, thế thì có chúng tôi, để chúng tôi lo.

- Lo bằng cách nào? Chúng ta chỉ là trẻ con.

Đột nhiên không có ai lên tiếng nữa, chỉ có tiếng động cơ và gió lướt qua tai. Thật lạnh! Mùa đông càng về cuối càng lạnh như một lưỡi dao. Minh Ngọc cúi đầu, vén những sợi tóc đang vương vào mắt mình, cô không thất vọng khi hai người bạn của mình tỏ ra bất lực trước điều mà cô vừa nói. Vì đó là sự thật...

- Yên tâm đi, tôi đủ mười tám tuổi rồi. Tôi sẽ dẫn theo mẹ chạy trốn.

- Vậy còn chuyện học đại học thì sao hả? - Viễn cố tìm một điều gì đó giữ cô ở lại.

- Tôi không nuốt lời đâu. Nhưng có lẽ tôi không thể học đại học ở nơi nào gần bố tôi.

- Cậu định vào Nam à? - Lâm hỏi.

- Có lẽ.

Cả ba lại im lặng thêm một lúc nữa, như để suy nghĩ về tương lai. Không ai biết họ đang tìm cách để được gặp lại, hay là đang mùi mẫn nuối tiếc vì biết sắp phải xa nhau.

- Dù sao thì, chúng ta vẫn phải liên lạc với nhau, bằng mọi cách.

- Nghe cứ như thân thiết lắm - Minh Ngọc phì cười - Nên nhớ, tôi và các cậu biết nhau còn chưa tới ba tháng và chúng ta trước đó có vẻ còn ghét nhau.

- Chả làm sao! - Lâm hất hàm gạt đi - Thời gian chẳng quan trọng.

- Quan trọng đấy - Minh Ngọc nói.

- Quan trọng ở đâu?

Nhưng người trả lời là Viễn:

- Nó có thể làm cậu quên hoàn toàn một người.

Như cách họ đã quên hoàn toàn về nhau sau lần chạm mặt ngắn ngủi thời thơ ấu.

Cuộc tranh luận chỉ kết thúc khi xe đã đến địa điểm mà họ muốn, đó là một nơi nằm ngay dưới chân cầu Bãi Cháy, một bên đường đầy hoa dại mọc, một bên là những hàng quán xin xít nhau. Họ đợi cho xe vãn rồi mới qua đường, đi sâu vào một con hẻm nhỏ. Nơi ấy có bức tường phủ rêu xanh thẫm, đôi chỗ loang lổ vì mốc. Tiếng gà qué, chó, mèo quyện vào nhau, tạo thành một âm thanh xóm làng quen thuộc.

- Ta nên hỏi một ai đó! - Minh Ngọc bảo.

Họ đưa địa chỉ và cái tên Vũ Thị Nhung cho mấy ông cụ đang ngồi đánh cờ trong khoảnh sân nhỏ của một nhà gần đó. Ban đầu họ tỏ ra lạ lẫm nhưng sau đó họ có vẻ đã nhận ra người này là ai.

- À, Nhung Quận! Nhà nó đang cho thuê ở cuối đường. Đi kịch đường là đến.

- Dạ cháu cảm ơn các bác ạ!

- Mà chúng mày là ai đấy?

- Họ hàng của người thuê nhà ạ! - Lâm trả lời.

Cả ba người nhanh chóng xuôi về cuối ngõ, nơi có ngôi nhà xây theo kiểu Thái màu vàng cam cùng cánh cổng im lìm đóng. Nhà không nuôi chó, cũng không có chuông báo nên Minh Ngọc cố nói vọng vào bên trong, song vẫn chẳng ai đáp lại.

Minh Ngọc quan sát trong sân có một bộ bàn ghế, trên đó vẫn còn khay nước chè chưa thay rửa. Dây phơi đầy quần áo, hầu hết là quần áo của phụ nữ. Nói hầu hết vì trên đó có một quần và một áo của đàn ông. Trên bậc tam cấp là hai đôi dép lê, một đôi guốc và một đôi giày tây. Như vậy trong nhà hẳn có hơn một người sống.

Có lẽ nào mẹ đang sống cùng người đó hay không?

Trong lúc Minh Ngọc đang quan sát những chi tiết quanh ngôi nhà, thì Viễn và Lâm cũng làm điều tương tự. Nhưng chỉ có Viễn là nhận ra một điều làm cậu rực lên một nỗi hồ nghi, và cả lo lắng.

Đôi giày tây...

Cậu nhận ra đó là đôi giày mà bố đã đi vào đêm hôm trước.

Viễn cố nói với chính bản thân mình rằng rất nhiều đàn ông có đôi giày giống như vậy. Song le, một linh cảm, phải, chỉ một linh cảm thôi đã đủ để gạt phắt điều đó ra khỏi lòng. Làm cho cậu ngấp ngoái trong muôn ngàn khẳng định.

Đó là bố mày, đó là bố mày!

Đúng lúc ấy, cánh cửa chính mở ra. Một tà váy tím khẽ tung bay trong gió.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro