Phần III The Fall Of Da Nang - Chương 7, 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 7.

Người ta có câu "thứ trời đánh thánh vật", ngụ ý là ám chỉ mấy thằng khốn nạn đi tới đâu là ăn tàn phá hoại đến đấy, đến nỗi đi trên đường không dẫm cứt trâu cũng sụp ổ gà. Lắm lúc tôi nghĩ cuộc đời tôi cũng thế chứ chả khá hơn là mấy, đi đến đâu là tai họa ập xuống đến đấy, giờ đây trong hoàn cảnh này lại càng thấm thía hơn.

Hai thằng chúng tôi sau khi hạ được con quỷ nữ kia đang thất thểu đi về thì lại gặp đàn rab trong rừng kéo đến, chắc hẳn là do tiếng súng mà ra. Chúng tôi chỉ có hai khẩu AK và mấy băng đạn nhưng chúng đã kéo đến quá gần, e là có dừng lại đánh cũng không lại nên quáng quàng bỏ chạy. Đường dốc trơn trượt lại đầy cây lớn cây nhỏ, giữa đám sương mù hai thằng vừa trèo vừa bám để leo lên trên sườn núi tìm đường thoát thân nhưng coi bộ không ổn.

Giữa cái lạnh và ẩm ướt của cánh rừng, tôi ba chân bốn cẳng vừa leo vừa trèo nên mồ hôi vẫn đổ ra như tắm. Chuyện bị rab rượt thì có còn lạ gì nhưng tôi cảm thấy lần này thật sự vô vọng vì dốc mỗi lúc mỗi cao còn bọn chúng thì đã rất gần. Thằng Hoàng ở ngay bên cạnh tôi, nó cũng chẳng bình tĩnh hơn tôi là mấy, tay thì bấu chân thì đạp để chạy nhanh nhất có thể, lắm lúc gặp đoạn trơn trượt nên sảy chân xây xước hết cả nhưng nào có thời gian mà than một câu.

Tôi lúc này vẫn cắm cổ leo lên nhưng nghe tiếng gầm gừ rồi lá cây xào xạc đã rất gần, e là chạy nữa cũng không kịp nên phải nghĩ kế, đoạn dốc này còn dài, cứ leo lên thế này kiểu gì cũng đuối nên chi bằng chạy ngang theo sườn núi cho đỡ tốn sức, mục đích trước mắt là phải thoát khỏi đàn rab này còn chạy đến đâu thì chưa cần phải biết. Nghĩ là làm tôi chỉ kịp gọi thằng Hoàng một tiếng rồi vẫy tay bảo nó chạy theo. Dốc núi nên chạy ngang không dễ dàng gì, cứ mỗi bước chân thì phải giữ thăng bằng nếu không sẽ trượt xuống dưới nhưng chạy vài bước tôi đã nghĩ ra cách, cứ dẫm chân vào gốc cây bụi cỏ là được. Hai thằng tí tửng chạy nhảy một hồi đã khuất tầm mắt của đàn rab vì tụi nó đa số bị trượt chân lăn lông lốc xuống dưới tuy nhiên vẫn chưa phải là an toàn.

Tôi sức còn nhiều nên không sao tuy nhiên nhìn qua thằng Hoàng thì thấy nó đã tái mét đi, hơi thở thì hổn hển, đoạn đường nãy giờ không xa nhưng không khí quá lạnh và ẩm ướt, khi hoạt động mạnh phổi hít vào liên tục thứ khí lạnh này nên đã khan đi, muốn chạy nữa e là cũng không được.

- Này, mày có chạy được nữa không đấy!?

Đáp lại lời tôi chỉ là một đống tiếng khò khè không ra hơi, thấy thế tôi liền quay lại lấy miếng băng gạc trong túi quần quấn quanh mặt nó để giảm lượng hơi nước phải hít vào rồi lựa một bụi cây dìu nó vào trong.

Nó ngồi dựa ngửa ra thở lấy thở để tay thì đấm vào ngực coi bộ đã chịu không nổi, tôi chỉ biết ngồi canh chừng mà thôi, tuy nhiên ngẫm lại thấy cũng may là quyết định đổi hướng sớm chứ không có lẽ đã đổ máu rồi.

Hai thằng cứ ngồi trong bụi rậm một lúc lâu, không rõ là mười hay mười lăm phút nhưng cánh rừng đã im ắng hẳn đi, chắc là bọn rab đã chạy theo hướng khác. Giờ đã là giữa trưa, mặt trời lên đến đỉnh nên đã soi được ánh sáng vào giữa khe núi làm tan bớt đi lớp sương mờ. Tôi đợi thằng Hoàng khỏe hẳn thì giục nó đứng dậy đi về phía con suối sau đó tìm đường về chỗ cáp treo. Hai thằng thất tha thất thểu bước đi, tôi nãy giờ lo chạy không để ý, giờ mới thấy vết thương do con quỷ kia cào vào người mỗi lúc một đau.

Cũng không phải đi xa, đâu chừng hơn trăm mét đã nghe tiếng suối róc rách rất gần, chúng tôi không ai bảo ai bước nhanh dần vì cổ họng đã khát khô đến nơi do bi đông nước rớt mất khi nào không hay.

Tôi đi trước, thằng Hoàng đi sau, súng đeo sau lưng còn hai tay thì dò dẫm vạch đám cây cỏ trước mắt, biết chắc đám rab chưa đi xa nên chúng tôi cứ từ từ mà đi mong sao không gặp chúng nó nhưng mà đời dễ gì như người ta tưởng. Tôi luồn mình qua giữa hai thân cây trên đường, mới thò được cái đầu ra thì trước mặt đã có một con rab đứng thu lu, cũng may nó chưa thấy, tôi với tay lấy súng nuốt nước bọt cái ực định bụng âm thầm quay lại thì thằng ôn dịch kia ở phía sau lại huých tới:

- Lẹ! Bố mệt bỏ mẹ ra rồi đây này! 

Nó lầm bầm.

Khỏi nói cũng biết con rab quay lại ngay tắp lự, tôi không muốn bứt dây động rừng lần nữa nên liền lao tới giơ báng súng định gõ vào đầu nó một phát nhưng xui sao con rab cúi người né được, tôi quá đà lao luôn về phía bên kia xém tý là ngã chổng vó. Thằng Hoàng lúc này đã chui lọt qua bên này và thấy cái vạ mồm của nó, tuy còn mệt nhưng cũng liều mạng một phen, con rab sau khi thấy tôi vuột qua thì quay lại định vồ lấy tôi mà không kịp thấy thằng Hoàng. Tôi biết thế cũng tranh thủ dụ nó tới cho thằng Hoàng ra tay, nó cũng biết không thể nổ súng nên chạy lại dùng súng quàng qua người con rab rồi kẹp cổ nó lại.

Trong tích tắc tôi rút dao phi tới cắt một đường ngọt sớt ngay cổ làm máu đen văng tung tóe lên người hai thằng, con rab cũng không phải vừa, nó vùng vẫy một hồi đến cạn máu mới chết. Tôi nhét dao vào lưng quần thờ phào một cái thì lại bỗng cố tiếng lạo xạo phía dòng suối:

- Đen thế là cùng! 

Tôi than rồi hai thằng kéo nhau nấp vào gốc cây xem có động tĩnh gì.

Đang căng mắt căng mũi ra nhìn thì thấy trong bụi cây chui ra hai tay trinh sát, hai thằng nó thấy con rab nằm chết dí liền giật mình nhảy bổ ra sau rồi chĩa súng tứ phía, tôi thấy lúc này mà ló đầu ra chắc chúng nó phơ luôn nên gọi khẽ:

- Quân mình! Quân mình! Đừng bắn!

- Đâu? Đâu? 

Một thằng đáp.

Tôi nghĩ chắc cũng ổn rồi nên ghé đầu ra, bố khỉ hai thằng chúng nó, đã bảo quân mình mà cứ chĩa súng vào mặt người ta thế thì ai dám ra.

- Có bỏ súng xuống không thì bảo! 

Tôi quát.

- Thì ông cứ ra đây đã!

- Bỏ xuống rồi tôi ra! 

Tôi trả treo.

Thằng Hoàng thấy nói qua nói lại một hồi chắc cũng nản nên xách đít đi ra luôn chả bận tâm gì nữa.

- Mẹ! Hai đồng chí biến đâu mất làm cả đội đi tìm! 

Một tay trinh sát chửi đổng rồi đóng chốt an toàn, khoác súng ra sau vai.

- Đi thịt con quỷ nữ quỷ niết gì của các ông chứ đâu. 

Thằng Hoàng đáp.

- Sao? Đã giết được nó chưa.

- Rồi!

- Thế nó là con gì vậy? 

Thằng cha trinh sát hỏi thêm.

- Cho uống miếng nước cái. 

Tôi giật cái bi đông không đợi hắn đồng ý.

- Cứ về rồi kể cho.

Tôi khoát tay bảo cả bọn đi, thở còn không ra hơi, hơi đâu mà kể.

Bốn thằng thất thểu một hồi đã đến bờ suối quang đãng, tay trinh sát đưa tay lên miệng huýt một cái nhại tiếng chim, chừng năm phút sau cả tiểu đội đã tập trung lại đầy đủ nơi bờ suối.

- Hai thằng lõi này không nghe tôi nói cái gì ah? Đã dặn từ đầu là không được manh động, tại sao lại vác mạng đi đâu vậy? 

Vừa thấy chúng tôi tay tiểu đội trưởng đã hùng hổ nạt nộ không thôi.

Tôi cũng chẳng buồn nói gì chỉ ngồi trên tảng đá uống thêm hớp nước vì không muốn gây sự thêm, hắn chống nạnh đi tới đi lui quát thêm mấy câu rồi cũng thôi, lát sau thấy thằng Linh dìu thằng Tiến từ trong bụi đi ra tôi mới lại hỏi chuyện:

- Khi nãy chú mày biến đâu mất vậy?

Nó đang bị thương, chắc gãy xương sườn nên chỉ khò khè được mấy câu:

- Em đi lạc... xong em thấy con quỷ chỉ kịp nấp....

- Nó trèo lên cây nấp, khi tụi mình tới thì con quỷ kia cũng ở ngay trong bụi cây nên không gọi được, xui thế nào mà cái cành cây nó gãy... thành ra...

Thằng Linh tiếp lời.

- Ừ, anh giết con quỷ đó rồi.

Cả tiểu đội nghe tôi nói liền trố cả mắt, tay tiểu đội trưởng cũng đứng dậy hỏi chuyện.

- Thật không? Nó là con gì?

- Cũng bị nhiễm bệnh như những con kia thôi, có điều nó không có răng nên chỉ có thể xé xác con mồi rồi uống máu thành ra hung hãn hơn, xác nó ở ngay giữa khe núi, rảnh thì xuống vác về xem. 

Tôi vừa nói vừa hất hàm chỉ hướng.

- Thôi không cần! Tất cả dọn dẹp đi về. 

Hắn lệnh.

Cả tiểu đội nghe xong thì đứng dậy phủi đít điểm danh rồi chuẩn bị vào đội hình hành quân về lại chỗ cáp treo, giờ đã quá trưa nên bụng thằng nào cũng đói meo, cả đám cứ vật và vật vờ vượt suối. Dòng suối chúng tôi đi qua tuy hẹp nhưng nước lại siết, thành ra thằng sang trước phải đứng lại níu thằng đi sau nếu không sẽ dễ trượt chân, tôi kéo thằng sau cùng sang cũng là lúc thấy mấy cái bóng quen thuộc xuất hiện.

- Địch! 

Tôi hét rồi rút súng nổ một tràng vào bìa rừng phía bên kia suối. Không ngờ bọn rab đã bám theo từ khi nào không hay, cả toán trinh sát đang rút đi thấy bị đuổi sau đít cũng chẳng kịp dàn đội hình đội ngũ gì sất, mạnh thằng nào thằng nấy rút súng ra bắn ào ào qua bên kia suối.

Đám rab đuổi theo chúng tôi cũng phải ba bốn chục con thoắt ẩn thoắt hiện trong cánh rừng, có vài con đói mồi liều mạng lao ra liền bị bắn chết tươi, đám còn lại thì tru tréo ầm ầm nửa ẩn nấp nửa chạy tới chạy lui tìm đường sang quyết truy sát chúng tôi cho bằng được.

Toán trinh sát này không hiểu là máu chiến hay dư đạn dư pháo, mười mấy thằng nổ súng ầm ầm không nghỉ thằng này chưa kịp thay đạn xong thằng kia đã kéo cò xong rồi chọi lựu đạn tứ tung cứ như cày xới cả cánh rừng bên kia. Tôi tuy nổ súng đầu tiên nhưng thấy chúng nó bắn cũng chỉ biết ngoác mồm ra quay lại nhìn.

Đám rab kia có vẻ thấy bị tấn công quá dữ dội nên sau một hồi cũng bỏ chạy không còn một mống, để lại đằng sau gần hai chục cái xác tung tóe máu me.

Cũng may là chúng tôi đã kịp vượt suối chứ chậm trễ một chút bị phục kích trong rừng thì có lẽ kết quả đã khác, vì đám rab này chết dưới hạ nguồn nên không ảnh hưởng gì đến dòng nước, chúng tôi cũng không muốn lằng nhằng nên chạy lẹ về phía cáp treo để về lại pháo đài.

Mười ba mạng thằng đùn thằng đẩy lên cabin. Thằng Tiến bị thương nên phải cột dây lôi lên mới xong, tay tiểu đội trưởng gọi bộ đàm về trước nên khi chúng tôi về tới nơi đã có y tá đợi sẵn băng bó cho thằng Tiến, số còn lại thì kéo nhau qua nhà ăn. Nhiệm vụ hôm nay đã xong nên chúng tôi được tùy nghi di tản. Tôi ăn vội mấy chén cơm rồi nhờ thằng Hoàng xin thêm mấy cuộn băng gạc và cồn. Hai thằng vào trong phòng đóng cửa lại rồi xử lý vết thương.

Nó thì bị xây xát tay chân, tôi thì hơn chục vết cào sâu hoắm, cũng may không có vết nào vào động mạch chứ lỡ mà vào cổ chắc tôi cũng chẳng sống nổi. Hoàng nó băng bó xong thì định phụ tôi một tay nhưng tôi bảo thôi vì máu tôi không được sạch, chết vì gì chứ vì ngu thì không được.

Băng bó xong nó xuống đất nằm ngủ thẳng cẳng, thằng Linh lo cho thằng Tiến xong cũng lò dò đi vào, thấy cả thau băng gạc cũng hỏi han một hồi mà tôi bảo không sao, nó chắc cũng mệt nên lên giường nằm. Tôi bốc điện thoại bàn gọi cho thằng Long liên lạc ở Đà Nẵng:

- Alo, cho tôi gặp cậu Long liên lạc viên của bộ chỉ huy khu.

- Ai đấy?

- Bảo là Minh trên Bà Nà gọi báo cáo.

- Alo, Anh Minh! Em Long, có gì không anh?

- Mấy tay bị sốt rét hôm trước về khu sao rồi em?

- Đã chuyển vào viện nhưng vẫn còn sốt nặng anh ạ.

- Bên Y tế xét nghiệm máu chưa?

- Rồi, không thấy bệnh.

- Chắc không?

- Em chắc!

- Em cứ bảo bà Vy cách li chúng nó ra cho anh.

- Ơ sao ạ?

- Em cứ bảo anh Minh nói thế, không thì bảo bà ấy tối gọi cho anh. Khẩn đấy nhé.

- Dạ vâng, còn gì không anh?

- Chú bảo bà ấy anh sắp chết trên này rồi, vài hôm sau lên mà bê xách anh về.

- Dạ thường chết thì chôn luôn trên đó chứ dưới này chỗ đâu mà chôn anh!?

- Mẹ! 

Cái thằng này, nó đần thật hay giả vờ đần thế không biết. Tôi lầm bầm.

- Nói chung sắp xếp cho a lui về sớm, thế nhé.

- Vâng!

Tôi gác máy thở phào một cái rồi lại chỗ giường ngồi xuống, vết thương nãy giờ không để ý nên đã rỉ máu ra ngoài, vì sợ dơ nệm nên tôi xuống đất chỗ thằng Tiến nằm đỡ, tối hôm qua gác khuya còn sáng phải dậy sớm nên tôi cũng tranh thủ chợp mắt một lát. Đâu tầm 4-5h chiều pháo lại nổ ầm ầm khiến cả ba thằng chúng tôi lại phải lồm cồm bò dậy ra ngoài lòng vòng rồi đi ăn, tối chúng tôi lại đi gác nhưng hôm nay chỉ ngồi chịu lạnh một tý rồi về, lúc đang gác thì tay Hòa lại mò lên hỏi linh tinh, tôi đáp cho có rồi thôi.

Ngày thứ ba cũng không có gì mới, cũng chỉ tuần tra loanh quanh, phụ khiêng đạn ra chỗ pháo rồi thay nhau dọn dẹp rửa bát nhưng đến ngày thứ tư thì có chuyện không ổn.

Sáng lúc chúng tôi dậy thì gọi mãi thằng Linh mới mở mắt ra, mồ hôi toát ướt đẫm cả người trong khi nó vẫn đang run cầm cập. Tôi biết chắc chắn là bệnh nên nhờ thằng Hoàng đi xin thuốc hạ sốt cho nó sau đó gọi gấp về quân khu nhưng cả thằng Long liên lạc lẫn Vy đã đi ra cảng Tiên Sa đến chiều tối mới về, không có hai người đó thì tôi cũng chẳng có danh phận gì nên nói không ai nghe, đành gác máy mà lòng như lửa đốt.

Tôi chưa kịp ăn sáng thì có kẻng tập trung, tôi vác đồ chạy ra thì có lệnh tuần tra vành đai nhưng hôm nay tiểu đội thiếu những ba thằng, thằng Tiến gãy xương, hai thằng bị sốt là thằng Linh và một thằng nữa đi chung với tôi hôm trước tôi không nhớ rõ tên, tranh thủ cả đội đang chuẩn bị đạn dược thì tôi chạy về lán y tế. Chui vào trong thì thấy khoảng sáu người đang nằm sải lai với hai thằng y tá đang đánh cờ tướng, thấy tôi chui vào một thằng cũng hỏi vài câu cho có rồi thôi.

Trừ thằng Tiến gãy xương, năm thằng kia gồm cả thằng Linh đều sốt cả. Tôi lại xem xét thì thấy bọn họ đều sốt rất nặng, run cầm cập, có người còn bất tỉnh nhân sự, triệu chứng không khác đám người bị chuyển về khi tôi mới lên là mấy.

- Này! Thuốc thang hết chưa mà bị nặng thế này. 

Tôi hỏi một tay y tá.

- Truyền nước với tiêm thuốc xong rồi.

- Có báo cáo để chuyển về dưới chưa?

- Hai hôm nữa có xe lên mới đưa về được. 

Hắn trả lời rồi tiếp tục đánh cờ.

Tôi thấy trước mắt chưa giải quyết gì được vả lại giờ cũng quá sớm để xác định có phải là dịch nên đành ra đi tuần tra trước rồi mới tính.

Chúng tôi ra ngoài đi tuần tra vành đai đến chiều mới về, vừa vào phòng tôi lại gọi điện về Đà Nẵng lần nữa nhưng vẫn không gặp được Long hay Vy trong khi thằng lính trực điện thoại đã bắt đầu cáu gắt. Hết phương hết nước nên trước giờ ăn tôi phải gọi tay Hòa ra cầu cứu, sau một hồi dài dòng hắn mới hỏi :

- Thế ông có chắc chắn là dịch không?

- Khoảng 80%.

- 80% là thế nào? Mà dịch gì còn chưa rõ, sốt rét rừng thì ai mà chẳng bệnh, nếu do đám rận thì là dịch hạch có gì phải lo. 

Hắn khua tay.

- Nếu đúng là do virus thật thì Đà Nẵng đi tong chứ đừng nói đến cái pháo đài này ông biết không?

- Thế ông muốn tôi cách ly mấy người trên này rồi gọi về bảo cách ly luôn dưới Đà Nẵng trong khi họ chỉ bị sốt ah?

- Cẩn thận không thừa, tội vạ đâu tôi chịu.

- Ông là người bên liên quân chứ có phải bên tôi đâu mà đòi chịu, thằng cha Luận chỉ huy phó cay ông từ ngày đầu rồi, ông nói đố mà nó nghe.

- Thế tôi mới nhờ ông.

- Nhờ tôi rồi tội vạ đâu tôi chịu ah?

- Thế tôi móc cái tờ lệnh ra nhé. 

Tôi thò tay vào túi.

- Ấy! Chưa đâu vào đâu mà cả đội nó biết ông là chân tay của bà Vy là chết bà ấy lẫn chết cả tôi đấy!

- Một là ông nghe tôi, hai tôi lấy quyền chỉ huy trưởng ngay trong tối nay. Ông rõ chưa? 

Tôi đằng hắng.

- Thôi thôi! Cơm xong tôi nói với tay Luận xin xe lên chở đám bệnh này về còn phần ông cố mà liên lạc với bà Vy cách ly người ở Đà Nẵng.

- Còn nữa, ông bảo đám lính trong pháo đài vệ sinh hết chăn màn đi.

- Lằng nhằng quá đi mất. 

Hắn quăng một câu cuối rồi thủng thẳng bỏ đi.

Tôi thấy chẳng tin tưởng thằng cha này cho lắm nên khá bực mình, thằng Hoàng thấy vậy cũng hỏi nhưng tôi chẳng buồn giải thích. Tối tôi gọi về Đà Nẵng lần nữa mà chẳng đâu vào đâu:

- Alo! Cho gặp Long thông tin.

- Ai đấy, Long không có đây.

- Xách đít lên mà tìm nó về đây! 

Tôi cáu.

- Thằng nào đấy?

- Thằng bố mày, mày là thằng nào mà trực như cục mứt. 

Tôi chửi.

- Tít..tít.... 

Hắn dập máy.

Tôi điên tiết gọi lại mấy lần đều không được, có lẽ đã bị nó ngắt liên lạc. Thế là coi như đi tong kế hoạch, đành trông chờ vào tay Hòa vậy.

Đợi mãi đến gần khuya thì hắn mới ghé qua bảo đã sắp xếp ổn thỏa, mai có xe lên đón mấy người bệnh trên này còn phần tôi nếu sốt ruột thì cùng về dưới đó luôn, tôi thấy cũng không còn cách nào khác nên bảo thằng Hoàng thu dọn đồ đạc chuẩn bị về lại Đà Nẵng sau năm ngày vật vờ ở đây.

Chúng tôi khăn gói xong đã gần 11 giờ. Hai thằng nằm chợp mắt một lúc nhưng tôi cứ thấy nóng ruột thế nào, nằm mãi mới chìm vào giấc ngủ nhưng đâu lúc 3 giờ sáng thì có kẻng báo động dội liên hồi, cả pháo đài lập tức lao ra sân tập trung. Tôi mở cửa ra thì thấy toán sĩ quan đang đứng trên tường thành nhìn về phía Đà Nẵng, giữa màn đêm mịt mù nhưng ở phía Tây bỗng sáng đỏ như mặt trời sắp lên kèm theo khói đen mịt mùng, tiếng đì đùng như pháo giã vọng về từng hồi.

Tôi nhanh chóng chạy lên tháp pháo thì thấy Đà Nẵng đang bị pháo kích dữ dội không rõ từ đâu bắn tới. Khu chỉ huy trung tâm, bệnh viện và dãy nhà máy đang cháy dữ dội. Tay Luân chỉ huy phó cũng không biết chuyện gì xả ra. Hắn bảo mang điện đàm tới để gọi nhưng Đà Nẵng không trả lời, đang định gọi cho chốt bên Hải Vân thì họ cũng gọi qua hỏi Đà Nẵng có chuyện gì, rồi tới chốt ở Ngũ Hành Sơn, cả ba nơi gọi qua gọi lại cũng không biết có chuyện gì xảy ra. Tôi nhanh tay giật lấy ống nhòm của tay Hòa rồi nhìn về phía biển.

- Là Hải Pháo của tàu chiến ngoài vịnh. 

Tôi nói.

- Thật không? 

Tay Hòa giật lại ống nhòm rồi nhìn.

- Thế là thế nào, sao tàu chiến lại bắn vào khu an toàn. 

Tay Luận nhăn trán.

- Trễ rồi! Tập trung anh em rồi về Đà Nẵng mau! 

Tôi nói với tay Hòa.

- Cậu nói cái quái gì thế? 

Tay Luận ngạc nhiên quay lại nhìn tôi và tay Hòa.

Tôi biết không còn thời gian giải thích nên móc tờ lệnh ở túi áo ra đưa cho tay Luận, hắn chưa hiểu gì nhưng cũng mở ra đọc cùng với mấy tay sĩ quan còn lại. Tôi thì chạy về phòng lấy ba lô với súng ống ra, Lúc ra ngoài thì tất cả đã đứng nhốn nháo ngoài sân.

- Thế này là thế nào? 

Tay Luận chất vấn tay Hòa.

- Lệnh trên là như thế chứ thế nào. 

Hắn đáp.

- Tự nhiên lại có chỉ huy trưởng mới rồi chả ai báo cáo tôi là thế nào. 

Luận cáu gắt.

Tôi thấy có tranh cãi cũng chẳng đâu vào đâu nên gọi riêng toán chỉ huy ra nói rõ trắng đen cho họ biết, tất nhiên có vài thằng bất đồng, nhất là thằng to con gây sự với tôi hôm trước nhưng tôi cũng chẳng buồn lời qua tiếng lại vì giấy trắng mực đen đã như thế rồi.

- Nếu như bỏ chốt rồi Đà Nẵng cầu cứu viện phải làm sao? 

Tay Hòa thắc mắc.

- Để lại hai tiểu đội pháo. Còn lại trinh sát với bộ binh đi hết. 

Tôi quyết.

- Chúng ta còn chưa biết tình hình dưới đó thế nào? Giờ hành quân về có quá sớm không?

- Đúng rồi. Cứ đợi, kiểu gì cũng có lệnh. Anh không thể liều mạng như thế được, từ đây về Đà Nẵng đâu dễ gì, chúng ta cũng không có đủ xe.

- Còn gì nữa? 

Tôi hỏi.

- Đà Nẵng phòng thủ chặt như thế không thể nào....

- Nghe này! Chắc chắn là xảy ra dịch ở trong khu an toàn rồi, chính là do đám chỉ huy trưởng hôm trước được đưa về, chắc là dịch xảy ra nhanh quá không cản nổi nên tàu chiến trong Vịnh phải bắn vào chặn đường vào trong khu an toàn. Trước hết chúng ta phải cách ly nốt những người đang bệnh trong pháo đài rồi về hỗ trợ cho Đà Nẵng sớm chừng nào hay chừng đó.

- Tôi nghĩ là không cần, dưới đó thiếu gì quân mà phải cần chúng ta, cứ giữ ở đây là được rồi. 

Tay Luận bàn lùi.

- Vấn đề không phải là vậy, người ở Đà Nẵng không biết được dịch lây qua đám chấy rận, nếu họ chỉ cách li những người đã phát bệnh mà giữ những người đang nhiễm lại thì cả khu an toàn sẽ bị nhiễm, mà ở Đà Nẵng có bao nhiêu dân?

- 250,000. 

Hắn đáp.

- Nếu không có tiếp tế chúng ta trụ được bao lâu? 

Tôi hỏi thêm.

- Ba tuần! 

Tay Hòa đáp.

- Sau ba tuần 250.000 dân kia mà nhiễm bệnh hết chỉ cần một phần mười kéo lên đây thì các anh có trụ nổi không?

- Chúng ta có pháo lại phòng thủ kiên cố.

Tay chỉ huy pháo binh lên tiếng.

- Anh càng bắn chúng nó càng tập trung lại, mới có vài chục con ở dưới khe núi đã vất vả rồi, dù chúng không leo lên được tới đây nhưng hàng chục ngàn con vây hãm thì các anh không giải quyết được đâu.

Tôi chậm rãi giải thích hết lời cũng suy chuyển được đám sĩ quan. Đã 4 giờ sáng tiếng pháo đã tắt nhưng phía Đà Nẵng vẫn cháy dữ dội, liên lạc mất hoàn toàn vì trạm truyền tin trung gian dưới đó có vẻ cũng đã hư hỏng.

Sau một hồi hội ý thì chúng tôi quyết định hành quân nhanh về, chỉ để lại hai tiểu đội pháo canh gác và cách li hoàn toàn năm người đang bị sốt. Khó khăn ở chỗ chúng tôi có 80 người nhưng chỉ có một chiếc xe tải và hai xe bán tải, nhồi nhét lắm cũng chỉ đủ được nửa số quân phần còn lại chưa biết phải tính sao.

- Khu du lịch dưới chân núi có một bãi xe gắn máy vẫn còn khá nhiều xe chúng ta sửa lại biết đâu dùng được. 

Tay Luận gợi ý, tôi chợt nghĩ mãi mới thấy thằng cha này hữu dụng được một chút.

- Nhưng mà đi xe máy để ra khỏi núi quá mạo hiểm. 

Hòa phản đối.

- Lửa cháy lớn như vậy bọn người bệnh chắc cũng sẽ bị thu hút ra khỏi núi và hướng về Đà Nẵng, nếu chúng ta đợi đến trưa có lẽ sẽ đỡ nguy hiểm hơn. 

Tôi đáp sau một hồi ngẫm nghĩ.

Vậy là chúng tôi nhất trí phương án triển khai quân về giải cứu Đà Nẵng bằng mọi giá, dù tình hình dưới đó chưa rõ ràng nhưng cứ nhanh phút nào hay phút ấy, tới nơi cụ thể ra sao sẽ tiếp tục tùy cơ ứng biến. Trời cũng đã sắp sáng, toàn quân được lệnh chuẩn bị quân trang đồng thời triển khai hai tiểu đội đi cáp treo xuống chân núi để chuẩn bị phương tiện, chỉ mong sao số xe máy cũ kia hoạt động tốt.

Sau khi phân công nhiệm vụ xong tôi chui ra khỏi lều chỉ huy thì thằng Hoàng đã nhảy bổ ra lôi tôi qua một góc:

- Ông làm cái quái gì thế? Ở trên này không sướng, chui về đó làm gì?

- Thế em định để cho thằng Vinh thành rab dưới đó ah?

- Ừ nhỉ! Quên mất. 

Nó ngớ người ra.

- Nhưng mà chuyện này là thế nào, sao phải cách li rồi bệnh gì linh tinh cả lên vậy?

- Em có nhớ cái nhóm người bệnh sốt rét được đưa về hôm mình lên không? Thực ra họ bị nhiễm virus qua trung gian là đám chấy rận. Lính ở đây xuống khe suối dọn dẹp thi thể không cẩn thận nên bị rận từ rab bò sang rồi sống ký sinh trên đầu sau đó từ từ lây sang cho nhau. Thằng Linh cũng bị nhiễm là do đám rận sống trong chăn chiếu, anh cũng không biết điều này cho tới khi thấy một thằng trinh sát bị rận cắn rồi phát bệnh.

- Sáu người bị đưa về Đà Nẵng hôm trước không lẽ không được xét nghiệm sao?

- Mới phát ra thì có xét nghiệm cũng không thấy đâu. Vancouver sống kí sinh bên trong hồng cầu nên không thể phát hiện được nó cho tới khi cơ thế tạo ra kháng thể, người ta nhận diện được kháng thể thì mới xác định là đã nhiễm bệnh. Khi Vancouver tấn công vào hồng cầu thì hủy hoại hệ thống miễn dịch và các tế bào từ từ cho đến khi tế bào não bị tổn thương thì người ta phát bệnh. Chu kỳ này diễn ra dài hay ngắn là do sức đề kháng, khối lượng máu của mỗi người.

Như em thấy ai bị rab cắn mất máu nhiều thì nhanh chóng điên dại, còn những người này chỉ bị một con rận bé tý cắn, số lượng virus vào máu khá ít trong lượng hồng cầu trong cơ thể còn nhiều dẫn tới thời gian phát bệnh lâu hơn và xét nghiệm ngay cũng không phát hiện được.

- Cũng phải! Mà anh học cái này ở đâu đấy?

- Anh nằm ở Singapore hai tháng, ngày nào chả nghe mấy thằng cha Tiến sĩ lẩm bẩm. Mà theo anh sang chỗ thằng Linh cái.

Hai thằng tôi đi sang lán y tế xem công việc cách li như thế nào. Vào trong thì thấy tất cả bệnh nhân đều đã được trói chặt và bất tỉnh, thời gian chuyển bệnh chỉ là sớm hay muộn nhưng phải đợi họ phát bệnh mới khai tử được.

Thằng Linh đang sốt mê mang, mắt đỏ ngầu và trợn trừng lên, đồng tử giãn mạnh, hai bên thái dương từng gân xanh nổi lên rõ rệt chứng tỏ Vancouver đã lên tới não. Tôi nhờ tay y tá lấy hộ con dao cạo và bắt đầu kiểm tra. Tối hôm mới lên pháo đài tôi nhớ nó bị đốt ngay sau gáy nên muốn kiểm tra vết đốt xem sao, nhờ tay y tá cố định phần đầu, tôi dùng dao cạo bớt một phần tóc thì thấy rõ ba vết đốt bị bầm đen to như đồng xu, kiểm tra trên thân thể mấy người đang phát bệnh khác cũng thấy các dấu vết tương tự.

Để đảm bảo an toàn cho cuộc hành quân, tôi nhờ sĩ quan tập trung toàn bộ quân số để kiểm tra sức khỏe, tất cả đều bị lột trần truồng và cạo trọc đầu để kiểm tra xem có bị đốt hay không, quả là lo xa không thừa, có thêm bốn người có dấu hiệu bị đốt nhưng chưa phát bệnh. Trong quá trình kiểm tra cũng phát hiện nhiều rận ký sinh trên cơ thể họ và ở chỗ ngủ, toàn bộ chăn màn được mang ra đốt, giờ cả đại đội ai nấy đều đều trọc lóc không có một cọng tóc nên có lẽ tôi tạm gọi là đại đội biệt kích trọc đầu.

9 giờ sáng, sau khi mọi thứ chuẩn bị đã xong thì chúng tôi tập hợp trong sân để ra kế hoạch tác chiến. Dù ít hay nhiều từ trong núi về đến Đà Nẵng cũng sẽ gặp rab, vì vậy một chiếc bán tải đầy đủ vũ trang sẽ chạy đầu tiếp đến là gần 20 chiếc xe máy, mỗi chiếc có hai người, một lái một bắn theo đội hình hai hàng dọc, mỗi hàng canh chừng một bên, cuối cùng là chiếc xe tải và bán tải còn lại khóa đuôi. Đạn dược cần chuẩn bị đầy đủ vì có thể phải tác chiến dài ngày.

Hành quân kiểu này sợ nhất là toán rab xông vào giữa nên không cần di chuyển nhanh nhưng phải sát nhau để giữ vững đội hình, ngoài ra trên các xe bán tải phải trang bị đại liên và trung liên bắn áp chế liên tục, mục tiêu là phải về được đến ngoại ô thành phố.

Kể thì vắn tắt nhưng khi họp chúng tôi đã đưa ra rất nhiều phương án ứng phó trên bản đồ, từng khúc cua, từng con dốc đều được tính toán cho tới khi ra khỏi núi. Đa số anh em lính tráng trên này chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ nên lâu rồi không đánh đấm gì nghe hành quân cũng lên tinh thần kha khá.

Đúng 9 giờ 30 phút sáng, chúng tôi lên cáp treo và chuẩn bị tiến về Đà Nẵng.

Chương 8.

Hàng chục chiếc cabin ních chật lính tráng chầm chậm chạy vào màn sương đưa chúng tôi xuống chân núi, từ trên cao nhìn xuống khu du lịch phía dưới cách chúng tôi không xa ấy vậy mà phải đi gần mấy chục phút mới tới nơi. Khi sáng sớm hai tiểu đội đã xuống đây chuẩn bị xe cộ nên mọi thứ cũng đã xong, mấy chiếc xe máy cũ kĩ bị bỏ lại dù nhìn bể nát nhưng cũng chỉ cần xúc bình xăng con, bơm lại lốp, sạc lại bình điện là có thể nổ máy ngon lành.

Lực lượng đã được phân bổ từ trước nên mọi người bắt đầu chia nhiệm vụ, bên xe máy thì kẻ lái người bắn, bên xe vận tải thì gá súng phân chia hỏa lực sao cho hợp lý. Tôi đang đứng chống nạnh tính toán xem có nên điều chỉnh gì không thì thằng Hoàng chạy tới vỗ vai:

- Bố lên xe nhanh không mất chỗ giờ.

- Xe gì? 

Tôi hỏi.

- Xe tải chứ gì, thế tính chạy xe máy cho rab nó vồ chắc?

- Chú có lên thì lên đi, đội hình cả 20 chiếc xe máy như thế này anh ngồi trong xe tải chạy sau đít sao mà chỉ đạo được. 

 Tôi khua tay xua nó sang một bên nhưng thằng này cũng thuộc dạng uống thuốc liều, trời đánh thánh vật nên nhanh chân chạy lại giật một chiếc xe máy nhìn tạm tạm rồi đạp cần nổ máy để đi chung với tôi.

Hai chiếc bán tải là Ford Ranger, thùng sau chứa được sáu thằng gá thêm hai khẩu RPD nên tạm ổn riêng chiếc xe tải là hỏa lực mạnh nhất, vì là loại xe ba tấn nên chứa được tới hai mươi mấy thằng, mỗi thằng một khẩu AK đã dữ đằng này có bao nhiêu trung liên ở trên chốt bọn nó hốt xuống gần hết vả lại quân lương đạn dược của chúng tôi cũng chất hết lên đây nên cần phải bảo vệ cẩn thận.

Tôi xem đồng hồ thấy đã gần 10 giờ, sương mù bắt đầu tan dần thì cho anh em lên xe xuất phát. Từng chiếc xe một vào đội hình, anh em đề máy, lên đạn tanh tách nhìn tôi đợi lệnh:

- Hành Quân! 

Tôi nói qua bộ đàm.

Hai cậu lính đứng đợi phía trước nhanh tay mở cổng, đoàn xe từ từ lăn bánh ra khỏi khu du lịch. Chiếc xe bán tải dẫn đoàn do tay Luân làm chỉ huy lầm lũi chạy trước, tôi với thằng Hoàng và toán xe máy chạy ngay phía sau, nó cầm lái còn tôi cứ ngồi ngó nghiêng quan sát.

Đoạn đường từ đây về Đà Nẵng hơn 34km nhưng chỉ có một phần tư trong rừng là đáng lo ngại, tôi muốn cho đoàn xe tăng tốc thật nhanh nhưng sương phủ ướt đẫm mặt đường lại thêm nhiều khúc cua tay áo thành ra không an toàn cho các đồng chí đi xe máy, tốc độ di chuyển chỉ từ 35-40km/h.

Chúng tôi rời khỏi khu du lịch không xa băng qua mấy khúc cua thì đã xuống được dưới chân núi, sương mờ dưới này đã tan hẳn nhường lối cho mấy tia nắng soi qua, bầu trời xanh cũng hiện ra dần, xa xa về hướng biển mấy cột khói đen vẫn đang cuồn cuộn bốc lên. Đoàn xe cứ chạy còn hai bên đường cánh rừng rậm rạp vẫn im lìm tĩnh lặng một cách lạ thường.

Bọn rab đâu cả rồi? Chúng đã đổ về Đà Nẵng hay đã bị chúng tôi diệt sạch lúc ở khe núi? Tôi đang tự hỏi thì lửa đầu nòng ở chiếc xe dẫn đoàn bỗng nhiên lóe lên kèm theo tiếng nổ chói tai cắt dòng suy nghĩ. Cả đoàn xe không ai bảo ai hướng hết súng ống về bên đường sẵn sàng chiến đấu nhưng chỉ thấy một con rab đã bị bắn chết rũ xác ở mương nước.

Từ đó cho đến khi ra khỏi cánh rừng may sao chúng tôi chỉ gặp thêm vài ba con đi lẻ, có lẽ chúng nó đã đổ về hết Đà Nẵng từ tối hôm qua. Đợi đoàn xe đi qua một con dốc trống trải tôi gọi mọi người dừng lại:

- Sao lại dừng? 

Tay Hòa hỏi khi còn chưa kịp xuống xe.

- Lũ người bệnh chắc chắn đang đổ về Đà Nẵng nên chúng ta mới dễ dàng ra khỏi núi như vậy, tôi chắc chắn phía trước không dễ gì mà vượt qua. Cần đưa trinh sát lên trước rồi đoàn xe theo sau mới được.

- Cũng có lý. 

Hắn gật gù.

Tôi gọi bốn cậu trinh sát trong tiểu đội hôm trước lên, giao bộ đàm rồi căn dặn:

- Bốn cậu chia làm hai xe chạy trước, xe này cách xe kia 20 mét, chạy số nhỏ, tránh rồ ga rú máy, vận tốc 40km/h là được. Thấy địch thì quay lại, không việc gì phải mạo hiểm.

Mấy cậu lính nhận lệnh xong lên xe phóng đi, đoàn chúng tôi đợi chừng 5 phút rồi cũng lên đường theo sau, chúng tôi còn cách Đà Nẵng những 25km, nếu không có gì phức tạp thì chắc đầu giờ chiều có thể đến nơi nhưng tính là tính như thế. Mưu sự tại nhân, hành sự lại tại thiên, chúng tôi đi thêm hơn mấy cây số nữa thì trinh sát đã báo về:

- Báo cáo! Phía trước có nhiều địch đang di chuyển trên lộ!

- Địa hình thế nào?

- Khu công nghiệp, sắp vào khu vực nhà dân rồi!

- Các cậu ẩn nấp đợi lệnh.

Tôi nói xong cho cả đoàn xe dừng lại, chỉ riêng tôi với thằng Hoàng cùng chiếc xe dẫn đoàn chạy lên trước xem sao. Đúng như dự đoán, từng toán rab đang lũ lượt đổ về phía Đà Nẵng trên con đường, tốp này nối theo tốp kia, đi lẻ cũng có mà cả bầy cũng có. Nếu liều mạng mà cho đoàn xe vừa đi vừa tấn công để vượt qua thì không khác gì đi vào chỗ chết nên tôi phải tính đến phương án khác, nhìn vào khu công nghiệp bỏ hoang có mấy dãy nhà xưởng khá kín đáo nên tôi liền gọi toàn bộ di chuyển vào trong rồi mới bàn tính tiếp.

Cả đoàn xe lặng lẽ chạy qua cánh cổng cũ đã đổ sập, mấy toán lính tráng không ai bảo ai tự giác tuần tra từ trong ngoài, dựng lại cổng, kiểm tra nhà xưởng, riêng toán sĩ quan thì tập trung lại chỗ mui xe mở bản đồ ra xem xét.

- Nếu đi đường vòng về phía Nam có lẽ dễ hơn nhưng tuyến đường đó cả năm nay không ai đi, tôi không chắc là sẽ an toàn. 

Luân vừa nói vừa chỉ lên bản đồ.

- Không đi cũng phải đi vì không có cách nào khác, thời gian cấp bách lắm rồi. 

Hòa đáp.

- Hay là gọi pháo trên núi bắn xuống, bắn tới đâu chúng ta đi tới đấy, vừa ngăn chặn được chúng vừa tiện cho chúng ta. 

Một tay sĩ quan khác đề nghị.

Tôi nãy giờ lắng nghe và ngẫm nghĩ thấy cách nào cũng không ổn, pháo bắn xuống chỉ làm chúng tập trung lại trên đường đông hơn mà thôi, chưa kể làm hư hỏng mặt đường sao mà đi được.

- Từ đây vào thành phố chỉ còn hơn 15km, chúng ta đợi đến sẩm tối cho chúng tản ra rồi từ từ di chuyển vào, vả quân ta cũng quá đông. Giờ có đến được cầu Rồng cũng chưa chắc vào được. Tiếp tục cắt cử trinh sát theo dõi lũ người bệnh, đợi chúng đến khu dân cư tôi khắc có cách.

- Nhưng mà cậu bảo phải vào Đà Nẵng gấp còn gì? 

Tay Hòa ngạc nhiên hỏi.

- Chậm còn hơn chết! 

Tôi đáp rồi quay qua cử trinh sát lên trước, số anh em còn lại cho nghỉ ngơi và ăn trưa, đang định quay lưng đi thì tay Hòa chạy lên kéo tôi sang một góc.

- Cậu Minh! Cậu cầm quân kiểu gì vậy, cứ quyết như thế thì anh em không phục đâu.

- Anh thấy tôi nói có sai gì không?

- Không! 

Nhưng cậu phải giải thích chứ.

- Anh giải thích giùm tôi đi, tôi không quen làm việc với bên anh, tôi làm sao miễn sao anh em an toàn là được.

- Hừm...! 

Anh ta hậm hực bỏ đi.

Tôi nghe xong cũng chỉ biết lắc đầu thở dài, được lòng quân thì mất lòng tướng vì muốn mọi người an toàn còn có cách nào khác. Tôi đi sang xe tải kiểm tra quân lương đạn dược có gì thì thấy họ mang theo đủ tất cả mọi thứ, từ bộc phá, đạn đến các dụng cụ đục phá leo trèo, thế là tạm yên tâm. Quay qua thấy thằng Hoàng không biết từ bao giờ đã ra bậc thềm chém gió cũng mấy thằng lính khác.

Anh em trang bị hành quân nên phải mang theo bao xe (túi đựng đạn) và balo khá nặng, giờ được nghỉ nên quăng linh tinh từ trên xuống dưới lổm ngổm, đi tới chỗ nó tôi phải chân thấp chân cao mới tới nơi.

- Mày ra đây anh bảo?

- Đang chém gió, bảo bảo cái gì? 

Nó đứng dậy phủi đít.

- Ăn tạm cái gì rồi theo bốn thằng trinh sát kia giùm anh cái.

- Sao phải thế?

- Toàn người bên đó, họ báo về toàn rab phía trước ép phải đi hướng Nam thì gay to, hiểu không?

- Ờ!

Nó gật gù xong chạy đi lấy túi lương khô rồi theo bọn kia, tôi thở phào nhẹ nhõm, giờ chỉ biết chờ đợi mà thôi. Chúng nó bám theo đàn rab nên đi xe lên một khúc đã phải chạy bộ, cứ 30 phút báo cáo về một lần, đàn rab mỗi lúc một đông do toán này hợp với toán kia trải dài cả mấy cây số trên đường, có lúc nó báo về bảo cho pháo giã xuống thì giết được khá nhưng tôi vẫn kiên quyết từ chối.

Đến sẩm tối đàn rab đã vào đến thành phố, tôi gọi trinh sát về và bảo mọi người tiếp tục lên đường bám theo. Xe chạy không lâu cũng đã bắt kịp tụi nó, đã đến lúc phải bỏ xe lại vì vào sâu bên trong di chuyển bằng xe không tiện, mọi người phải bốc dỡ mọi thứ xuống và mang vác trên người.

- Rồi bây giờ cậu tính thế nào, bọn chúng vẫn ở phía trước? Không lẽ độn thổ mà đi? 

Tay Luân chất vấn.

- Không! Leo lên nóc nhà mà đi. 

Tôi nói rồi bảo anh em mang dây thừng, móc sắt ra.

Mấy tay chỉ huy ngoác mồm không hiểu tôi định làm gì, tôi nắm lấy sợi dây quăng lên nóc nhà rồi trèo lên trên, trong thành phố nên nhà cửa san sát, có nhà trệt nhà lầu nhưng chuyện di chuyển trên nóc không có gì là khó khăn cho lắm, chiêu này là tôi học từ mấy tay Đặc Công lúc đánh tòa lãnh sự ở Sài Gòn.

Ban đầu lính tráng còn thấy lạ, không hiểu làm sao mà đi được nhưng thực ra chẳng có gì khó. Chỉ cần chục người đi trước lanh lẹ, tính toán rồi móc dây, kẻ kéo người bẩy thì việc hành quân trên này còn dễ hơn vượt núi băng rừng, chỉ cần cẩn thận là được. Nhà nào cao quá thì vòng sang nhà khác, nhà nào thấp quá thì đi trên tường rào hay sân sau, nếu quan sát thấy hẻm trống thì đi xuống hẻm, miễn tránh đường lớn là được.

Vậy là chúng tôi rồng rắn đưa nhau lên nóc nhà rồi di chuyển, vì trời đã tối nên tầm nhìn có hơi hạn chế chút nhưng cách này hoàn toàn tuyệt mật và an toàn. Chưa đầy tiếng đồng hồ đã vào sâu bên trong thành phố trong khi tụi rab ở dưới lòng đường vẫn không hay biết gì.

Tôi vốn tính cẩn thận nên hết chạy lên trước dẫn đoàn rồi lại tụt về sau bọc hậu, cốt sao cho mọi người di chuyển ổn thỏa, lúc gần đến sân bay đang đứng trên nóc khách sạn kéo mấy cậu kia lên thì bỗng có một tia laze ở nóc tòa nhà hành chính rọi xuống thẳng vào mặt tôi. Chưa kịp định thần là cái gì thì một viên đạn từ phía đó đã bay tới găm vào thùng nước bằng inox bên cạnh cái choang một cái làm tất cả đều hoảng hồn nằm rạp xuống.

- Mẹ! Thằng nào bắn vậy? 

Tay Hòa nằm dưới thùng nước chửi đổng.

- Nấp xuống đi đã, đem đèn pin với bộ đàm tầm xa tới đây. 

Tôi gọi ra sau.

Tôi bật bộ đàm lên rồi nháy đèn pin theo mã Morse để báo tầng số liên lạc:

*Mã morse: hay còn gọi là mã tít tè, chẳng hạn như SOS là: Tít tít tít – Tè Tè tè- tít tít tít

- Alo có ai nghe rõ trả lời!

- Alo, quân ở đâu mà kéo vào thành phố?

- Quân từ Bà Nà đây, các cậu là ai?

- Đây là chốt gác ngoại vi số 4.

- Quân mình, đừng bắn! 

Tôi nói rồi vẫn đèn pin đứng dậy. Từ đây xa quá tôi không thấy họ nhưng chắc chắn họ thấy tôi.

- Các anh đang ở đâu?

- Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai? Thấy chưa? 

Bên đó bắt đầu nháy đèn pin lại.

- Rồi! Đà Nẵng sao rồi? 

Tôi hỏi gấp.

- Chúng tôi mất liên lạc từ tối hôm qua, lũ người bệnh đông quá không có cách gì trở vào trong được.

- Các anh có bao nhiêu người?

- Chỉ có tám người thôi!

- Bên tôi có ba trung đội, các anh có tầm nhìn cao hơn nên mau hướng dẫn chúng tôi đến chỗ các anh rồi bàn tiếp.

- Được rồi, cách anh tiếp tục đi về hướng sông, đến ngã tư thì cua trái đi thêm 300 mét, vượt sang đường sẽ có người đón.

- Nhớ quan sát địch giùm chúng tôi.

Tôi đàm thoại xong thì báo cho mọi người là quân mình rồi tiếp tục di chuyển theo chỉ dẫn. Đến 8 giờ tối chúng tôi đã đến được tòa nhà. Đây là một chốt quan sát trên cao bảo vệ khu an toàn từ vòng ngoài, tất cả lính trên này đều là lính bắn tỉa, họ xuống đón chúng tôi vào trong theo cửa sau rồi cẩn thận khóa cửa lại, tôi để mọi người ở dưới rồi gọi sĩ quan lên hết phía trên để quan sát được toàn bộ.

- Chào, tôi là Minh chỉ huy. Luân Phó chỉ huy, Hòa tham mưu.

- Vâng tôi là Toàn! Gặp quân mình thật là may quá.

- Các cậu mau báo tình hình xem nào.

- Chúng tôi cũng không biết gì nhiều, khoảng 9 giờ tối thì có tiếng súng nổ, chúng tôi có gọi vào trong thì biết là có dịch bùng lên từ bệnh viện sau đó mau chóng lan sau khu chỉ huy rồi khu dân cư. Tiếp đó thì chúng tôi mất liên lạc nhưng theo như quy định phản ứng khi có dịch là sẽ rút hết người về các phân khu còn lại rồi phong tỏa toàn bộ khu vực. Đến 3 giờ thì hải pháo từ tàu chiến bắn tới tấp vào, tôi nghĩ là ở phân khu trung tâm đã hoàn toàn mất kiểm soát.

- Còn lực lượng bảo vệ vành đai thì sao?

- Ngoài vành đai có lực lượng phản ứng nhanh khá mạnh nhưng không tiếp cứu được do dịch bùng từ trong ra, người thường lẫn người bệnh lẫn lộn nên họ chỉ biết co cụm phòng thủ tránh vỡ vành đai. Đến 3 giờ thì pháo bắn vào khiến lũ người bệnh tràn vào đông hơn, đầu cầu Rồng bị mất, họ chiến đấu tới sáng rồi rút đi đâu không rõ. Từ đây anh có thể thấy mấy lớp cổng đã bị xô đổ ngả nghiêng, chẳng bao lâu nữa bọn chúng sẽ tràn được vào trong.

- Vậy giờ còn cách nào vào bên trong không? 

Tôi hấp tấp.

- Không, chỉ có hai cây cầu là đường độc đạo từ đây và cửa ngõ từ hướng Nam nhưng đều bị chúng vây kín rồi. Đến bờ sông cũng không được nữa là....

- Vậy chúng ta đi về hướng Bắc rồi dùng thuyền vượt qua Vịnh rồi đổ bộ lên bờ biển? 

Tay Hòa đề nghị.

- Không, bờ biển nhìn đơn giản nhưng chôn mìn dày đặc. 

Toàn đáp.

- Bên mình có Công binh không? 

Tôi quay qua hỏi Luân.

- Không! Hắn lắc đầu.

Vậy là phương án đổ bộ vào đường biển cũng không được, tôi nhìn ra ngoài thấy bên kia sông Hàn gần chân cầu có một cầu cảng với mấy chiếc xuồng cao su để tuần tra liền lóe lên một ý.

- Hay chúng ta vượt sông sang bên đó bằng xuồng?

- Không, địch ở dọc bờ sông quá đông rất dễ bị lộ. 

Toàn đáp.

- Chúng ta không cần ra bờ sông! 

Tôi đáp rồi nheo mắt nhìn quanh, ở góc đường xa xa có một cái công trường nhỏ đang xây dang dở đầy ống cống, bên trong vẫn còn một chiếc taxi, cửa mở toang ra. Một cảnh tượng quen thuộc mà tôi đã nghe kể hiện ra.

- Ý anh là sao? 

Hòa nhăn trán hỏi.

- Hôm nay mấy giờ thủy triều xuống?

- Khoảng 11 giờ.

Bây giờ đã gần 9 giờ, đồng chí Hòa xuống trước gọi hai tiểu đội thạo sông nước chuẩn bị bộc phá, cưa sắt. Phía xa kia có một đường cống lớn ngầm dưới đất chạy thẳng ra sông. Một toán sẽ bơi dưới gầm cầu qua cầu cảng rồi lấy xuồng đưa mọi người sang.

- Sao cậu biết ở đó có cống ngầm?

- Anh không phải lo.

Nói xong tôi tức tốc lên đường, vì khu vực này khá sát vành đai nên rab dày đặc, có mấy trăm mét mà di chuyển khá khó khăn, chúng tôi phải nhờ bắn tỉa liên tục dọn đường. Giữa đêm tối hai chục mạng âm thầm lách người qua mấy con phố, vừa đi vừa đợi dấu hiệu từ phía trên, gặp rab thì đợi họ bắn hạ mới đi tiếp. Vất vả một hồi cũng đã tới cái miệng cống tối thui.

- Bốn người ở lại chốt miệng cống, số còn lại theo tôi.

Tôi rọi đèn pin đi xuống trước, phía dưới cống lâu ngày khá bí bách nhưng hoàn toàn trống không vì chưa từng được sử dụng. Đúng như lời ông Hưng phi công kể, đường cống này khá to và dài, cả trăm người ẩn nấp dưới này cũng không bị phát hiện. Chúng tôi lầm lũi đi chừng 800 mét thì đã thấy miệng cống đổ ra sông ở trước mặt, từ đây có thể nhìn thẳng sang cầu cảng bên kia.

Vì đường thông ra bị gắn chục cái song sắt cố định nên chúng tôi phải phá ra, thanh nào thanh nấy to bằng cổ tay cách nhau gần gang tay nên chui không lọt, ban đầu tôi cho cưa nhưng quá khó, định đánh thuốc nổ thì sợ bị lộ nên phải nghĩ cách khác.

- Có ai đem dây thừng theo không? 

Tôi hỏi với ra sau.

- Có!

- Đem lên đây, mang theo vài thanh gỗ ngoài công trường nữa.

Thằng Hoàng nãy giờ ngồi cưa nên mồ hôi nhễ nhại chưa hiểu tôi định làm gì nên lầm bầm chửi thách tôi phá được.

Dây với gỗ được mang đến, tôi nhúng nước cho ướt sợi dây rồi cột vào 2 thanh chắn song, xỏ thanh gỗ vào giữa rồi bảo 2 cậu lính xoắn thanh gỗ hết cỡ. Mới vài vòng sợi dây đã căng lên kéo hai thanh chắn song vào nhau.

- Mạnh nữa! 

Tôi nhắc.

Hai cậu lính gồng mình hết sức giữ thanh gỗ rồi tiếp tục xoắn, cứ mỗi vòng hai cái chắn song lại cong đi rồi bỗng có tiếng nứt vang lên, hai thanh chắn song bị lực kéo quá mạnh nên đã bung chân ra khỏi miếng bê tông. Tôi dùng tay lay thêm mấy cái thì nhổ hẳn được nó ra.

- Thay người! 

Tôi gọi người khác lên tiếp tục công việc rồi bảo thằng Hoàng quay về công trường gọi lực lượng xuống hết đây.

Chừng nửa tiếng sau đường đi đã thông thoáng, toàn bộ anh em đã cũng xuống hết dưới cống ngầm.

Bên kia có ba chiếc xuồng nên phải chục người sang mới chèo về được, mấy anh em giỏi bơi lội nhanh chóng cởi đồ, chỉ mang theo súng với hai băng đạn lận lưng và dây thừng lò dò xuống nước rồi âm thầm bơi sang sông. Hai bờ khá xa nên bơi sang không phải dễ, để tránh bị phát hiện họ phải bơi dưới gầm cầu trong khi vừa bơi phải vừa thả dây nối cửa cống với cầu tàu bên kia.

Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi, một lúc sau đã thấy đèn laze nháy sang báo đến nơi sau đó họ ngồi lên xuồng nắm lấy dây rồi kéo xuồng về, mặc dù là xuồng máy nhưng nổ máy sẽ bị lộ nên chúng tôi phải giăng dây, cứ theo sợi dây mà đi đỡ phải chèo, vừa ồn ào lại nhọc sức.

Trong lúc chờ đợi tôi đứng ở lòng cống quan sát lên cầu Rồng, ở trên đám rab đang tụ lại đến tắc nghẽn chèn ép vào dãy hàng rào B40 trên cầu đến cong vênh chỉ chờ đổ sập. Bốn lớp rào đã sập ba, lớp cuối cùng đã ngả ra hở một khúc vừa đủ vài con rab chui lọt. Cả đàn chúng nó cứ đùn đẩy dẫm đạp lên nhau xô vào lớp rào, chẳng mấy chốc nữa là đổ.

Trong đêm tối mù mờ ba chiếc xuồng đen trùi trũi như cá quả rẽ nước chạy đến miệng cống, vì không có cầu cảng gì sấc nên anh em phải bơi ra để lên xuồng, vì là xuồng tuần tra nên có trang bị hỏa lực mạnh như trung liên, pháo sáng, đèn pha, mỗi chiếc dài 5 mét, rộng 2 mét nên chuyên chở được mười mấy hai chục người với ba chiếc thì 2-3 chuyến sẽ chuyển quân xong.

Xuồng vừa dừng lại tay Luân đã khoát tay bảo anh em: 

- Lên! 

Nhưng tôi lập tức cản lại.

- Đưa trước một tiểu đội vào trinh sát đã! Đưa vào hết chết cả nút thì sao. Nói xong tôi nhảy xuống nước bơi ra. Hai anh em trên xuồng lập tức đưa tay kéo lên, mấy tay sĩ quan cũng bì bõm lội xuống, có cả thằng Hoàng.

Hai chiếc xuồng còn lại được lệnh tấp vào gầm cầu chờ đợi để chuyển quân lên, chúng tôi trinh sát xong sẽ báo hiệu đưa sang.

Cứ mỗi người trèo lên chiếc xuồng lại thêm tròng trành, tôi ra mũi xuồng ngồi xuống không thôi quan sát trên cầu. Loáng một cái chiếc xuồng đã nêm chật người vũ trang đầy đủ. Mấy anh em níu lấy sợi dây và kéo, chiếc xuồng chầm chậm di chuyển qua bờ bên kia. Ở trên cầu tiếng rên hừ hừ, ú ớ rồi tiếng hàng rào sắt thép xô vào nhau làm cả bọn nghe muốn rợn tóc gáy, tưởng như bọn chúng chỉ cần lao xuống là có thể thộp cổ được bọn tôi.

Từ lúc lên xuồng không ai nói với nhau một câu, tất cả đều im lặng chỉ nghe tiếng rẽ nước mà thôi, không khí thật căng thẳng. Vài người lo sợ nên cứ chỉa súng lên trên làm tôi phải bảo hạ xuống rồi đóng chốt an toàn vì chỉ cần ai sơ xảy mà nổ súng thì cả kế hoạch sẽ bại lộ.

Sau một hồi căng thẳng chúng tôi cũng đến nơi, chiếc xuồng cập vào cái cầu cảng bằng thép thì hơn chục cái bóng đen đã nhanh chóng nhảy phóc lên rồi áp mình vào bờ kè của con sông. Hai người ở lại trên xuồng cũng lấy tăng đắp lên nằm chờ đợi để chúng tôi còn đường lui. Tôi khe khẽ bước lên mấy bậc tam cấp để lên lòng đường. Vừa ló đầu lên đã thấy dăm ba con rab đi lại ngáo ngơ trên quãng đường vào khu an toàn.

- Sao? 

Tay Hòa hỏi khẽ.

- Không đông lắm! 

Tôi đáp.

- Vào được không?

- Được!

Tôi nói đoạn rồi quay lại dặn mọi người khẽ di chuyển và móc dao với lưỡi lê ra phòng thân vì tuyệt đối không được bắn. Từ đây về tới trung tâm khu an toàn còn những 5 kilomét, nếu di chuyển theo cách trên mái nhà và trong hẻm nhỏ cũng phải mấy tiếng mới đến nơi nên trước hết cần kiểm tra xem có chỗ nào để cả đại đội đóng quân an toàn hay không đã.

Lòng đường trống trải, xa xa có mấy con rab nên tôi hạ người di chuyển nhanh qua bên kia đường áp người vào một cái cổng nhà hai tầng rồi vẫy anh em qua, cả toán đã biết trò cũ nên một người nữa vừa tới đã nhanh tay bẩy tôi nhảy lên cổng rồi leo lên lầu hai căn nhà, tôi bám vào lỗ thông gió trên cửa sổ rồi trèo lên nóc để lấy tầm quan sát. Đêm tối mịt mùng căng mắt ra nhìn xung quanh thấy toàn khách sạn và dự án treo khắp nơi, tôi lựa một bãi đất trống gần đó, xung quanh có rào bằng tôn như lô cốt rồi trèo xuống dẫn cả toán chạy sang.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro