Chương 0: Chuyện xưa kể lại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoàng thành Thăng Long, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu (1237).

"Quốc gia, Hoài Vương sẽ đến chứ?" Một người đàn ông mặc áo xanh đứng khom lưng, vẻ mặt cung kính nói với vị thiếu niên bên mạn thuyền. Gió mùa xuân bên sông Cái có chút lành lạnh, phả lên khuôn mặt già nua của ông. Bộ áo mũ đã sờn chỉ lay động, vạt áo thỉnh thoảng lại bay lên theo hướng gió.

"Một khi hắn đã sai người hẹn ta thì chắc chắn sẽ không tới trễ đâu." Người thiếu niên đưa đôi mắt nhìn về phía cửa sông, ngón tay thanh mảnh gõ nhịp trên thành gỗ sơn đỏ. Mái tóc ngắn màu đen được chải gọn gàng ra phía sau, dải lụa trắng trên đầu phất phơ qua lại nhịp nhàng. Hoàng hôn dần buông xuống phía sau dãy núi, nơi cửa sông nhỏ vẫn chưa có chút động tĩnh gì. Cho tới khi màn đêm dần chiếm lấy phương trời phía đông, lính gác đã đốt đuốc lên, ánh lửa bập bùng chiếu sáng một khoảng không rộng lớn. Thời gian đã điểm, vậy mà hắn ta vẫn chưa tới?

Đột nhiên, một chiếc thuyền cá nhỏ xuất hiện từ trong bóng đêm, lặng lẽ lướt qua cửa sông nhỏ phía Đông. Chèo thuyền là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, mặc quần áo thường dân rách rưới. Cánh tay hắn đen nhẻm, đầy vết trầy xước lộ ra khỏi cái áo mỏng manh, phần lớn thương tích trên đều do kiếm gây nên, thậm chí còn có một số vết thương vẫn rỉ máu.Người lái thuyền cong lưng, dùng lực đẩy mái chèo về phía sau, khoảng cách của chiếc thuyền ngày càng gần con thuyền rồng khổng lồ.

Ngón tay thon dài của vị thiếu niên chợt dừng lại, đôi mắt hiện lên một tia sáng kì quái nhưng rồi nhanh chóng vụt tắt trong giây lát. Y nhìn chiếc thuyền đang tới gần, lại liếc qua bóng hình người chèo thuyền ẩn hiện trong đêm tối.Hắn ta nhìn thoáng qua chẳng khác nào một tên lái đò nhưng lại ẩn hiện khí chất vương giả khó người có được.Chỉ từ một động tác đơn giản như khom người xuống chèo thuyền mà thôi, đã thể hiện được sự cao ngạo, tôn quý của hắn. Người lái đò này chắc hẳn là một nhân vật không tầm thường.

Quả nhiên, chỉ một lát sau, lính canh đứng bên đầu thuyền chạy tới bẩm báo, nói rằng Hoài vương đã đến. Thì ra, người chèo thuyền kia không ai khác chính là Trần Liễu, người vừa hợp binh nổi loạn chỉ mới hai tuần gần đây.

Trần Liễu bước lên thuyền rồng, toàn thân hắn ướt đẫm, mùi tanh tưởi của cá xộc lên mũi những người xung quanh. Trông hắn vô cùng bẩn thỉu, hôi thối, nhưng phong thái ung dung kia đã hoàn toàn lấn át sự nhếch nhác bên ngoài. Trần Liễu đi tới trước mặt vị thiếu niên bên mạn thuyền. Người đó không quay đầu, nhưng đôi tai vẫn có thể cảm thấy tiếng bước chân mạnh mẽ của hắn.

"Cảnh!" Trần Liễu khẽ gọi, giọng nói khàn khàn vang lên trong không gian tĩnh lặng, khiến người người xung quanh đều nghe rất rõ ràng.

Trần Cảnh quay đầu, khuôn mặt non nớt cười rộ lên, ánh mắt híp lại, giơ đôi tay mang vẻ chào đón thân thiện: "Anh!"
Chợt, chẳng nói chẳng rằng, Trần Liễu đan hai tay vào nhau, quỳ xuống lạy. Vạt áo giao lĩnh thõng xuống, lộ ra khoảng ngực trần đầy vết trầy xước nhỏ. Hắn vái ba lạy theo lễ nghi, rồi nói: "Chú hai, xưa nay hai anh em ta có bao giờ tranh cãi với nhau về chuyện gì đâu, vậy mà giờ đây chỉ vì một người con gái mà trở mặt thân nhân, thật là không đáng!"

Trần Cảnh mở to đôi mắt hẹp, vẻ mặt hốt hoảng đỡ lấy tay của Liễu, giãi bày: "Chuyện này xảy ra đều là lỗi của đứa em bất hiếu này. Nếu không phải do vị Thái sư kia, có lẽ hai ta đã giữ được không biết bao nhiêu mạng sống rồi." Nói đoạn, y đỡ hắn đứng dậy, tự tay phủi bụi hai bên tay áo cho hắn. Bàn tay y khẽ nắm ống tay áo màu trắng ngà, ngẩng đầu lên nhìn người anh trai ruột thịt với mình. Ánh mắt y mang một vẻ chứa chan tâm tình, nhưng sâu trong đáy mắt lại là những ý nghĩ sâu xa khác thường.

Trần Liễu nghe vậy, vội vàng phủ nhận: "Hà cớ gì mà em phải nói như vậy? Dù gì cũng là anh khởi binh trước. Em thấy đấy, có người đàn ông nào lại muốn vợ mình cưới người khác đâu."

"Em hiểu."

Liễu thở dài, ra vẻ tuyệt vọng, giọng nói khàn khàn giờ đây còn trầm hơn mọi ngày: "Thôi thì việc đã đến nước này, anh cũng chẳng còn lời gì nữa, chỉ mong em hãy chăm sóc thật tốt cho Thuận Thiên và đứa trẻ trong bụng nàng. Có lẽ duyên vợ chồng mấy năm trời coi như đã hết." Nói xong, đôi mắt hắn chợt đỏ hoe, nước mắt dâng trào hai khóe mi, chỉ chực chờ rơi xuống.

Thấy anh như vậy, Trần Cảnh cũng cảm thấy xót xa. Người anh trai mà mình ngưỡng mộ ngày nào, giờ đây chỉ còn là một người đàn ông, một người chồng bất lực trước cảnh vợ mình bị cướp đi mà thôi. Y bước tới gần Trần Liễu, dang hai tay ôm chặt hắn. Hai người cứ thế ôm nhau khóc, không phải bởi vì thương cảm cho một chuyện tình đã tan nát, mà là tuyệt vọng bởi số phận được sắp đặt.

Thời gian cứ thế trôi, mặt trời dần dần ló rạng phía sau dãy núi xa xăm, bầu trời gần như đã bừng sáng. Trên một con thuyền rồng được trang trí hoa lệ, có hai con người ôm chặt lấy nhau, cùng khóc cho cuộc đời cuộc nhau. Cảnh tượng ưu sầu khiến đám người xung quanh phải ngậm ngùi cảm thương. Đột nhiên một tiếng hét phá tan không khí tang thương đó.

"Giết thằng giặc Liễu!" Đúng thời điểm đó, một loạt quân lính mang giáp xông lên thuyền, khí thế hừng hực như lửa, tựa như chỉ cần nghe tiếp một mệnh lệnh nữa sẽ xông lên giết chết tên phản đồ Trần Liễu.

Chẳng biết từ bao giờ, ba chiếc thuyền nhỏ đã bao vây thuyền rồng to lớn, đứng đầu là một người đàn ông râu tóc hãy còn đen nhánh, nhưng vết chân chim trên khóe mắt đã tiết lộ bao năm tháng khốn khổ thời trẻ của ông. Vị này chính là Trần Thủ Độ, thái sư đương triều và cũng là người có công ơn đưa họ Trần vào trong sử sách. Giờ phút này, đôi mắt của ông đỏ ngầu, từng tia máu hằn lên rõ rệt. Hàm răng đã ngả vàng nghiến chặt, tỏ vẻ giận dữ khôn cùng.

Trần Cảnh kịp thời phản ứng, đứng lên che trước mặt Trần Liễu, ngăn cản cấm vệ quân ra tay. Thủ Độ thấy vậy, đứng sững lại một hồi, rồi khó khăn nói: "Quốc gia, ngài..."

Hai cánh tay Trần Cảnh dang rộng, bảo vệ cho Trần Liễu, y cướp lời: "Thái sư, Hoài vương đã tới nông nỗi này, ông còn muốn giết hắn hay sao?"

"Hắn ta là tên phản quốc, hà cớ gì mà Quốc gia phải chắn cho hắn?" Trần Thủ Độ siết chặt nắm đấm, gân xanh giật giật hai bên thái dương, hai đường lông mày đen rậm nhíu lại rất chặt.

"Trước chỉ vì hiểu lầm mà thôi, nay Liễu đã đến xin hàng, thái sư cần gì phải làm lớn chuyện hơn nữa."

"Quốc gia hãy suy nghĩ lại, nể tình bác cháu mười mấy năm nay ta xin nói thẳng, nếu giữ lại mạng của tên phản đồ này thì chẳng khác nào nuôi ong tay áo, chi bằng hãy để ta giải quyết chuyện này."

Đột nhiên, Trần Liễu quỳ xuống, hai cánh tay đen nhẻm chống xuống đất, khóc lóc cầu xin: "Chuyện trước đây là do cháu còn thiếu suy nghĩ, không hiểu được lo lắng của Thái sư, nay cháu đã chịu đầu hàng, kính mong bác tha tội cho đứa cháu bất hiếu này!"

Trần Cảnh thấy anh trai khẩn thiết cầu xin, cũng ngậm ngùi: "Liễu đã gọi một tiếng bác, vậy thì xin bác hãy nể tình máu mủ mà tha cho anh ấy, họ Trần ta xưa nay trọng tình trọng nghĩa, tình đã như vậy, mong bác hãy mắt nhắm mắt mở mà cho qua." Nói rồi, Cảnh quay sang đám binh lính đang trong tư thế chiến đấu: "Việc hôm nay đến đây là hết, các người hãy quay về nghỉ ngơi đi!"

Từng thanh gươm nhuốm ánh trăng được thu hồi, chỉ duy có Trần Thủ Độ vẫn còn đang đấu tranh tư tưởng. Có mấy ai hiểu được suy nghĩ của ông bây giờ. Tuy chuyện xảy ra là do lỗi của ông, nhưng nếu giết Liễu, ông sẽ cắt đứt sợi dây tình thân với Cảnh; mà không giết, chẳng phải đây sẽ là một cơ hội tốt để Trần Liễu phục hồi lại danh phận sao?

Suy đi tính lại một hồi, Trần Thủ Độ vứt thanh gươm xuống đất, ngón tay thô cứng chỉ thẳng vào anh em Trần Cảnh, quát: "Ta chỉ là con chó săn thôi, đâu biết anh em các người ai thuận ai nghịch!" Nói rồi ông quay lưng bước thẳng xuống thuyền nhỏ.

Tiếng quát vang vọng một khoảng không gian yên ắng, ăn sâu vào lòng từng con người trên thuyền. Âm thanh kéo dài khiến cho Trần Cảnh và Trần Liễu ngẩn người. Cho tới khi họ tỉnh lại, bóng dáng Trần Thủ Độ đã dần khuất. Màn đêm lại trở về trạng thái yên bình vốn có.



(1) Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 (1250), Trần Thái Tông ban chiếu định thiên hạ phải gọi vua là "quốc gia" (國家). (Đại Việt sử ký toàn thư)

(2) Năm 1236, do tư thông với một vị phi tần nhà Lý, Hiển hoàng Trần Liễu bị giáng tước xuống Hoài vương. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2)

(3) Áo giao lĩnh (áo giao lãnh): Đây là một loại áo rộng, xẻ hai bên hông, dài tay, cổ tay cũng may rất rộng. Thân áo dài chấm gót chân . (Wikipedia)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro