Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Những chuyện năm ấy ngỡ là bình thường lại không hề bình thường

Ngày còn nhỏ biết rất nhiều ngạn ngữ, đến khi lớn lên rồi, mới hiểu đấy chỉ là những lời nói dối mĩ miều mà thôi, ví dụ như câu “Có cày cấy mới có thu hoạch”.

Câu ngạn ngữ này chỉ bàn tới khía cạnh đại lượng biến đổi mà người nông dân phải lao động vất vả mới thu về được, nhưng lại quên không nghĩ đến các yếu tố như thời tiết tốt xấu, giá cả leo thang… Trên thực tế, thu hoạch là một hàm số đa biến, chứ không đơn giản chỉ là một hàm số đơn biến.

Tôi thích dùng sự chặt chẽ của toán học để định nghĩa: cày cấy là điều kiện cần của thu hoạch, chứ không phải điều kiện đủ, tức là nếu muốn có thu hoạch thì phải cày cấy, nhưng cày cấy chưa chắc đã có thu hoạch.

Trong hơn ba mươi học sinh lớp sáu của trường tiểu học Số 4 thì một nửa chia nhau vào các trường điểm cấp hai, nửa còn lại vào các trường cấp hai bình thường khác. Với kết quả học tập của mình, tôi được tuyển thẳng vào trường điểm, hệ trung học cơ sở của trường trung học Nhất Trung; Trương Tuấn, Quan Hà cũng được Nhất Trung chọn tuyển. Chuyện đó không khiến tôi ngạc nhiên. Điều đáng kinh ngạc là, Tiểu Ba lại thi đỗ vào hệ trung học phổ thông của trường Nhất Trung với số điểm cao hơn điểm chuẩn rất nhiều.

Đề thi vào hệ trung học cơ sở của trường Nhất Trung rất sơ sài, không khó hơn những trường điểm khác, chất lượng dạy cũng chẳng khá hơn là mấy, thậm chí còn kém hơn một chút. Nhưng hệ trung học phổ thông thì hoàn toàn khác, tỉ lệ học sinh vào đại học hằng năm của trường bao giờ cũng đứng thứ ba thành phố, trong mắt rất nhiều phụ huynh, có thể thi đỗ vào cấp ba Nhất Trung là coi như đã bước một chân vào cổng trường đại học, coi như thành công bước đầu. Vì vậy, hầu như ai cũng muốn cố gắng nhét bằng được con mình vào trường Nhất Trung, do đó tỉ lệ chọi khi thi vào hệ trung học phổ thông của trường bao giờ cũng rất cao. Học sinh ở những trường điểm cấp hai, lại thêm cả những học sinh giỏi ở trường cấp hai bình thường khác, đều phải trải qua một cuộc chọn lọc tự nhiên, đấu đá lẫn nhau để tranh giành sự sinh tồn.

Để chúc mừng Tiểu Ba, anh Lý đã mời mọi người đến liên hoan một bữa tại quán karaoke mới mở của mình, dành ra hai phòng riêng, rượu, nước ngọt, đồ ăn gọi tùy thích, miễn phí toàn bộ.

Thời ấy, trào lưu karaoke từ Nhật vừa thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và bắt đầu phổ cập trong thành phố của tôi, thế hệ bố mẹ chúng tôi những năm ấy còn chưa hiểu thế nào là karaoke, đám thanh niên đã coi nó như một thú tiêu khiển rất thời thượng, rất có máu mặt. Quán karaoke của anh Lý không phải là quán đầu tiên được mở trong thành phố, nhưng lại là quán được trang trí đẹp nhất.

Ngày hôm ấy, đủ mọi loại người tụ tập. Ô Tặc mời một đám anh chị đến, cảm thấy nở mày nở mặt. Lại thêm cô gái kiều diễm mà anh ta đang điên cuồng theo đuổi cũng tới, khiến anh ta không còn phân biệt được trời Nam đất Bắc gì nữa, giữ chặt chiếc micro gào đến muốn vỡ cả giọng cũng không chịu buông, quên mất ai mới là chủ nhân thật sự của bữa tiệc.

Không gian trong phòng nhỏ, người lại đông, hơi rượu hơi thuốc quện lẫn với nhau, ngồi lâu sẽ cảm thấy không thể thở được, tôi len lén bỏ ra ngoài, chạy ra ban công hít khí trời. Tiểu Ba tay cầm ly rượu, tay kẹp điếu thuốc cũng liêu xiêu từ một phòng khác đi ra. Tối nay anh ấy bị ép uống không ít, mặc dù đã vào nhà vệ sinh tự móc họng hai lần, nhưng bước chân vẫn loạng choạng không vững. Tôi cười gọi anh ấy là “con vịt” ( Năm đó, từ con vịt vẫn chưa có ý gì khác ).

Tôi nhoài người chống tay lên lan can hít thở. Anh ấy đứng lại, toàn thân mềm oặt, trượt theo thành lan can ngồi bệt xuống đất, vừa hút thuốc vừa nói chuyện với tôi. Chúng tôi nói câu được câu không. Tôi hỏi anh ấy làm thế nào mà thi được vào trường Nhất Trung, anh ấy miệng ngậm thuốc cười: “Em thi thế nào thì anh thi thế ấy.”

Tôi nhớ đến thời gian khổ sở, vất vả ngày đêm đó của mình, buồn bực bã thở dài: “Trên đời này không có con đường tắt nào sao? Tại sao lại cứ phải có cày cấy mới có thu hoạch chứ?”

Tiểu Ba đang uống rượu, nghe tôi nói thì phì cả rượu ra ngoài, vừa ho vừa nói: “Mọi chuyện trên thế giới này, nếu cứ cày cấy mà có thu hoạch đã là rất may mắn rồi.”

Hai chúng tôi cùng im lặng, mỗi người theo đuổi tâm tư riêng.

Anh Lí đưa mấy người nữa từ tầng dưới lên, đang định vào phòng. Một trong số những người ấy nhìn thấy tôi, quay sang nói gì đó với người bên cạnh, rồi vội vàng đi tới, kéo cửa kính ra bước về phía tôi. Vì không nhìn thấy Tiểu Ba đang ngồi dưới đất, mà bước chân của cậu ta lại gấp gáp, nên đã bị vấp vào chân Tiểu Ba mà ngã. Tiểu Ba đã ngà ngà say, không xin lỗi, ngược lại còn phá lên cười. Tôi không nhịn được cũng bật cười, vừa cười, vừa cúi xuống định đỡ đối phương dậy.

Hôm ấy vì muốn đẹp nên tôi không đeo kính, ánh sáng lại mờ mờ tỏ tỏ, cho tới tận khi cúi người xuống để đỡ đối phương, tôi mới nhìn rõ đó Trương Tuấn. Nụ cười lập tức đông cứng lại nơi khóe môi, chỉ có cánh tay là chìa ra chới với giữa không trung. Cậu ấy không vịn tay tôi mà tự chống đất đứng lên, không nói không rằng quay người bỏ đi. Tiểu Ba càng thấy thú vị: “Kì Kì, cậu ta là ai?”

Đầu óc tôi vẫn đang mù mịt, một lúc lâu cũng không trả lời, Tiểu Ba kéo tay tôi: “Cậu ta là ai?”

“Bạn học với em.”

Tiểu Ba loạng choạng đứng dậy, nói với giọng say lướt khướt: “Đừng qua lại với cậu ta, không phải thứ tốt đẹp gì đâu.”

Tôi cười, nỗi u sầu khó nói chất chứa trong tim bỗng chốc như vơi đi một nửa. Con người đúng là mắt để trên đầu, chỉ thấy người khác xấu hơn mình. Tôi không khách khí đáp lại: “Anh không phải người tốt, em cũng không phải người tốt, người tốt lúc này là phải ở nhà, chứ không phải ngồi đây hút thuốc, uống rượu.”

Tiểu Ba đang định đáp, thì thấy một người lao vút ra khỏi phòng hát, giống như bị mắc bệnh động kinh, cởi trần trùng trục vừa chạy dọc hành lang vừa gọi lớn: “Tiểu Ba”. Thấy Tiểu Ba đang ngồi ở đây, lập tức lao đến, Tiểu Ba lẩm bẩm chửi gì đó, rồi cũng đi về phía anh ta.

Tôi một mình ra khỏi quán karaoke, khi ngang qua cửa hàng cho thuê sách, đã rẽ vào thuê hai cuốn của Quỳnh Dao, định thức đêm đọc.

Ra khỏi cửa hàng sách, tôi nhìn thấy Trương Tuấn đang đứng ở bên đường.

Tôi phớt lờ cậu ta, cứ thế đi thẳng. Cậu ta đứng chắn trước mặt tôi: “Cậu đừng chơi với bọn Ô Tặc và Hứa Tiểu Ba, bọn họ không phải là người tốt đâu.”

Tối nay làm sao vậy? Tại sao tất cả mọi người đều biến thành xấu xa thế này?

Tôi hất cằm lên: “Liên quan gì đến cậu! Tôi thích chơi với ai thì chơi.”

Quả nhiên Trương Tuấn đã bắt đầu học được cách khống chế cảm xúc, không còn quay đầu bỏ đi như trước nữa, ngược lại còn rất kiên nhẫn khuyên nhủ tôi: “Tớ chỉ muốn tốt cho cậu, cậu là con gái, tốt nhất đừng ra ngoài chơi bời linh tinh, nếu không có ai để chơi, cậu có thể đi tìm Quan Hà, con người bạn ấy rất tốt.”

Tôi vừa buồn vừa giận, trừng mắt nhìn cậu ta: “Cậu là gì của tôi? Tôi có cần cậu nghĩ tốt cho tôi không? Cậu như thế mà còn đòi giáo huấn tôi à?”

Những lời cay nghiệt đó của tôi đã khiến Trương Tuấn quay đầu bỏ đi.

Tôi cũng sải bước đi, nhưng càng đi càng bực, tức giận ném quyển sách trên tay xuống đất, còn lấy chân đá thêm một cái nữa.

Tiểu thuyết của Quỳnh Dao không giúp tâm tâm trạng tôi khá hơn, ngược lại còn suy sụp thêm. Ngày hôm sau, tôi đọc sách không vào nữa, lại chẳng có bạn bè, đành đi tìm Tiểu Ba.

Biết được địa chỉ nhà Tiểu Ba từ Ô Tặc, tôi tìm thẳng đến nhà anh ấy.

Khi Tiểu Ba ra mở cửa, anh ấy đang cởi trần, người đầm đìa mồ hôi. Nhìn thấy tôi, anh ấy hơi sững lại. Thấy anh ấy không mặc áo, tôi cũng rất xấu hổ, đứng chôn chân ở cửa không biết nói gì. Anh ấy lập tức quay người đi vào nhà, khoác thêm áo, rồi lại đi ra.

Khi anh ấy quay người đi, tôi thấy trên người anh ấy không có hình xăm như anh Lí hay Ô Tặc, trong lòng thấy an tâm hơn, cảm giác giống như khi chơi bài, biết mình ở cùng phe với anh ấy.

Hai chúng tôi đứng ngoài cửa nói chuyện, tôi hỏi Tiểu Ba có thể đi dạo với tôi một lúc không, anh ấy nói mình còn phải làm việc, tôi cứ nghĩ là việc nhà nên nói mình sẽ đợi, anh ấy mở cửa, bảo tôi vào trong. Cảnh tượng tôi nhìn thấy lúc đó, đến nay vẫn còn hiển hiện sống động trước mắt tôi.

Phòng khách trống rỗng, có thể nói là nhà chỉ có bốn bức vách, khiến gian phòng lại càng trống trải hơn, giữa gian phòng có hai đống găng tay màu xanh lam. Giữa hai đống găng tay, có đặt một chiếc ghế băng, rõ ràng, Tiểu Ba vừa ngồi ở đây.

Những người sống ở thập niên tám mươi có lẽ đều biết loại găng tay nhung màu xanh đó, loại chuyên dùng để làm những công việc thô sơ nặng nhọc, trong nhà tôi có rất nhiều, là loại bảo hộ lao động do cơ quan của bố phát. Những năm ấy, gần như cơ quan nào cũng phát loại găng tay bảo hộ lao động này, bố tôi thường dùng khi thay bình ga hay phải làm gì đó nặng.

Theo lời Tiểu Ba giới thiệu, làm loại găng tay này chỉ chia ra hai quá trình chính, đầu tiên sẽ dùng máy để cắt cả mảnh vải nhung thành từng phần của găng tay, sau đó dùng máy may để giáp chúng lại với nhau thành một chiếc găng tay hoàn chỉnh. Mẹ Tiểu Ba lúc này đang ngồi ở ban công, đeo khẩu trang, vùi đầu vào giáp găng tay.

Những chiếc găng tay được giáp lại đều đang ở mặt trái, công việc của Tiểu Ba là lộn phải tất cả những chiếc găng tay đó, tìm đúng đôi, rồi xếp chồng lên nhau.

Vì vải nhung có rất nhiều lông tơ, chỉ cần có gió là sẽ bay tứ tán khắp nơi, nên dù trời nóng đến đâu cũng không được mở quạt, khiến căn phòng nóng nực vô cùng.

Sự kinh ngạc có lẽ đã hiện hết trong mắt tôi. Nhưng Tiểu Ba rất thản nhiên, không hề tỏ ra luống cuống, bất an hay ngượng ngùng, muốn che giấu, tiện tay với một chiếc ghế băng giữa hai núi găng tay tiếp tục lộn. Tôi kéo chiếc ghế ngồi đối diện và học theo cách của anh ấy, rồi cùng lộn phải găng tay.

Hai chúng tôi vừa ngồi lộn găng tay vừa nói chuyện. Tôi hỏi anh ấy, làm những chiếc găng tay này kiếm được bao nhiêu tiền, Tiểu Ba nói với tôi rằng, giáp một đôi găng tay, mẹ anh ấy có thể kiếm được một hào tám, còn mấy năm trước, một đôi găng tay chỉ được trả có một hào hai.

Những thắc mắc liên quan đến găng tay tôi đều đã hỏi hết. Không biết nên nói gì nữa, tôi im lặng, anh ấy cũng im lặng, hai chúng tôi cùng lặng lẽ lộn găng tay, cho đến khi lộn xong cả đống găng tay chất cao như núi kia. Người tôi ướt đẫm mồ hôi, chiếc váy liền thân dính sát vào lưng, Tiểu Ba cũng mồ hôi đầm đìa.

Tôi nhìn núi găng tay xếp gọn gàng giữa phòng khách, cảm thấy rất hãnh diện về thành tích của mình, nhìn anh ấy cười. Tiểu Ba cũng cười với tôi, nói: “Anh mời em ăn kem nhé!” Tôi gật đầu.

Ra khỏi cửa, gió lùa vào toàn thân, cảm giác vô cùng dễ chịu, lần đầu tiên tôi thấy gió cũng thật đáng yêu. Chúng tôi mỗi người cầm một que kem loại rẻ tiền nhất, ngồi bên bờ hồ, vừa ăn kem vừa tận hưởng cơn gió mát của buổi hoàng hôn.

Lao động cả nửa ngày, người ướt đẫm mồ hôi, tâm trạng của tôi đột nhiên vui vẻ. Cho dù Tiểu Ba nói gì, tôi cũng không nhịn được cười, nhìn tôi cười, anh ấy cũng cười theo. Hai chúng tôi dùng chân đá nước, xem nước của ai bắn lên nhiều hơn. Ai cũng cố gắng làm đối phương bị ướt. Chơi đùa một lúc mệt nhoài, cả hai lại cùng cười nằm trên tảng đá, ngửa mặt ngắm nhìn trời mây.

Tảng đá phơi mình dưới nắng cả ngày, vẫn còn hơi nóng, áo chúng tôi lại ướt, khoảnh khắc thoắt nóng thoắt lạnh đó thấy vô cùng thoải mái. Tiểu Ba đan hai tay vào nhau, đặt dưới gáy, miệng huýt sáo, thổi sai nhịp tới mức tôi lắng nghe mãi mới nghe ra hình như anh ấy đang thổi bài “Khang Định tình ca”, nhưng trong tiếng nước chảy ào ào, tiếng gió vi vu, tất cả đều rất hòa hợp, đến tôi cũng không kìm được phải mỉm cười. Tiểu Ba cũng cười, vừa huýt sáo vừa cười. Phụ họa tiếng huýt sáo của anh ấy, tôi cất tiếng hát: “Tiếng vó ngựa chạy trên núi, đám mây bay lững lờ trên trời, in bóng trên thành Khang Định thẳng tắp a, mặt trăng lưỡi liềm, thành Khang Định thẳng tắp a…”

Sau này, Ô Tặc kể với tôi rằng, bố của Tiểu Ba là thợ điện, năm Tiểu Ba học lớp ba, trong một lần đi sửa điện, đã bị điện cao áp giật chết. Mẹ của Tiểu Ba là người phụ nữ chỉ biết ở nhà làm nội trợ, không có việc làm, từ đó đành phải nhận việc lặt vặt về làm nuôi Tiểu Ba, đã từng bán kem, bán bánh, ra vác đá gánh đất ngoài công trường, giáp găng tay là công việc mà mẹ anh ấy làm lâu nhất. Ô Tặc còn nói, thần kinh của mẹ Tiểu Ba không bình thường, hoặc là cả mấy ngày liền không nói gì, không nói với con dù chỉ một câu, hoặc là đã nói thì không dừng lại được, gặp người lạ cũng kéo lại vừa khóc vừa kể lể chuyện của bố Tiểu Ba. Trong lúc kể, Ô Tặc vẫn rùng mình sợ hãi, chắc chắn anh ta đã từng bị mẹ Tiểu Ba kéo lại để nghe kể lể rồi.

Nhớ lại cảnh tượng ngày hôm ấy, đúng là những gì Ô Tặc nói, mẹ Tiểu Ba không nói một câu nào. Trước khi ra ngoài, anh ấy có chào mẹ, nhưng bà thậm chí còn không ngẩng đầu lên.

Sau hôm ngồi lộn găng tay, trong một thời gian dài, khi mua bất cứ mua thứ gì, tôi cũng vô thức quy đổi giá trị của nó ra găng tay, ví dụ, một bát mì lạnh năm hào, tôi liền nghĩ phải giáp ba đôi găng tay mới có được số tiền đó; một bát mì thịt bò hai tệ thì phải giáp mười một đôi găng tay, mà mỗi khi quy đổi xong, tôi lại hết sức dè dặt trong việc tiêu tiền. Tôi càng ngày càng tằn tiện. Tôi bắt đầu hiểu phần nào việc Tiểu Ba rất coi trọng đồng tiền.

Những ngày hè của tôi vô cùng nhàn nhã, những ngày hè của Tiểu Ba lại vô cùng bận rộn, anh ấy đi theo anh Lý học cách quản lý quán karaoke. Người bên cạnh anh Lí rất nhiều, xét về tuổi tác, trình độ, thậm chí thời gian, họ đều thích hợp hơn Tiểu Ba rất nhiều. Hơn nữa Tiểu Ba lại đang đi học. Nhưng không biết tại sao anh Lí đối xử với Tiểu Ba rất đặc biệt. Khi nói với người khác, anh ta rất ít khi kiên nhẫn, có lúc còn lớn tiếng chửi mắng đối phương là đồ óc lợn, nhưng lại rất nhẫn nại trả lời tất cả mọi thắc mắc của Tiểu Ba. Có điều Tiểu Ba cũng rất thông minh, những gì anh Lý nói, dù nói trong trường hợp nào, Tiểu Ba đều luôn ghi nhớ.

Ô Tặc đã tốt nghiệp trường trung học kỹ thuật, không vào làm cho doanh nghiệp quốc doanh mà bắt đầu chính thức theo anh Lý làm ăn. Anh Lí để Tiểu Ba và Ô Tặc trông coi quán karaoke. Ô Tặc mặc dù nhiều tuổi hơn Tiểu Ba, bình thường cũng hay tỏ vẻ đàn anh, nhưng nếu thật sự có chuyện gì đó xảy ra, thì Tiểu Ba vẫn là người đưa ra ý kiến quyết định. Cùng với họ, địa bàn hoạt động của tôi, vô thức cũng di chuyển đến quán karaoke. Điều kiện tốt hơn rất nhiều, ít nhất thì trong khi còn rất nhiều người chưa biết Từ Khắc là ai, tôi đã xem rất nhiều phim do ông ấy đạo diễn, và rất nhiều những bộ phim gangster của Đài Loan. Phong thái của Tiểu Mã Ca do Châu Nhuận Phát đóng đã ảnh hưởng rất nhiều đến bọn Ô Tặc. Bọn họ thường mặc cả cây đen, đeo kính đen, miệng ngậm tăm, làm mặt lạnh lùng, thâm trầm, e rằng nếu cứ thế đi ra đường, mọi người lại nghĩ thần kinh của bọn họ có vấn đề.

Bản thân anh Lí lại ăn mặc bình thường tới mức không thể bình thường hơn. Chắc sợ người ta nghĩ anh ta là đầu sỏ của một lũ thần kinh. Anh Lí thường nhìn đám thuộc hạ của mình, cười bất lực, câu cửa miệng là: “Đừng tưởng mới chỉ xem một, hai bộ phim xã hội đen Hongkong là nghĩ mình đã có thể bước chân vào giang hồ.”

Cô nàng xinh đẹp chính thức trở thành bạn gái của Ô Tặc. Chị ta hơn Ô Tặc ba tuổi, Ô Tặc tỏ ra rất đắc ý. Dường như ở thời đó, anh chàng nào có bạn gái lớn tuổi hơn mình cũng huênh hoang trước mặt mọi người. Ngày ấy tôi không hiểu tại sao, giờ thì cũng lờ mờ hiểu ra, có lẽ những chàng trai trẻ ở độ tuổi mới lớn muốn nhanh chóng chứng minh cho mọi người thấy rằng mình đã là một người đàn ông trưởng thành, có một cô bạn gái lớn tuổi hơn mình khiến họ cảm thấy già dặn hơn các bạn đồng lứa khác.

Có lần, tôi và Tiểu Ba bình phẩm về cô nàng xinh đẹp sau lưng Ô Tặc. Ô Tặc nghe thấy, không những không giận mà còn tỏ ra thích thú, thấy bạn gái của mình quả thật rất xinh đẹp, nên bỏ luôn tên thật của người ta, gọi là “Xinh Đẹp”.

Tôi và cô nàng Xinh Đẹp kia ra đụng vào chạm, thỉnh thoảng cũng đưa đẩy với nhau vài câu. Qua lời chị ta kể, tôi mới biết anh Lý từng ngồi tù, nghe nói năm đó cũng có tiếng trong giới xã hội đen. Giới anh chị cho rằng sau khi ra tù, anh Lý sẽ tìm cách lấy lại địa bàn đã mất của mình, nhưng không ai ngờ rằng mấy năm nay, anh ta lại làm ăn rất nghiêm túc, mà còn rất phát đạt. Tôi rất tò mò muốn biết tại sao Tiểu Ba lại chơi với họ, trong suy nghĩ của tôi, một người có thể thi đỗ vào hệ phổ thông trung học của trường Nhất Trung thì chắc chắn không thể là người cùng đường với Ô Tặc, anh Lý. Xinh Đẹp cũng không biết, chỉ nói Tiểu Ba đánh nhau rất lợi hại, ra tay cực mạnh, những kẻ bôn ba giang hồ năm đó đều biết tiếng của Tiểu Ba.

Bây giờ nhìn Tiểu Ba thật hiền lành. Tôi ngẩn người ra nghe, Xinh Đẹp cười nói với tôi: “Chị nghe Ô Tặc nói, nhóc đánh đấm cũng rất khá, lần trước nếu không có họ thì nhóc đã lấy một mạng người rồi.”

Thật ra không phải là tàn độc, mà là vì đạo nghĩa không chùn bước, không có đường lui, một phần là do tình thế bắt buộc, một phần là do tính cách, chỉ có điều qua con mắt của người ngoài, mọi thứ sẽ dần dần bị bóp méo.

Trong kí ức của rất nhiều người, kì nghỉ hè năm lớp sáu rất tươi sáng, bởi vì đấy là quãng thời gian kết thúc cuộc sống cũ và bắt đầu một cuộc sống mới, giữa sự giao thoa ấy, không có áp lực của việc học, không có bài tập hè, nếu có thì chỉ là những khao khát về một tương lai tốt đẹp hơn, cùng với chơi, chơi và chơi!

Nhưng kì nghỉ hè năm lớp sáu trong ký ức của tôi rất đỗi bình thường. Tôi chỉ nhớ tới lần gặp mặt duy nhất giữa tôi và Trương Tuấn, nhớ núi găng tay màu xanh lam ở nhà Tiểu Ba, và bài huýt sáo lạc điệu của anh ấy.

Rất nhiều năm sau, tôi đi hát karaoke với một nhóm bạn ở Party World, được bạn bè chọn cho bài “Khang Định tình ca”, tôi cười ha hả và cất tiếng hát, trước mắt chập chờn hình ảnh hai núi găng tay màu xanh lam và bài huýt sáo lạc điệu, giọng ca đột nhiên như nghẹn lại. Lúc ấy, tôi mới hiểu những chuyện năm đó nghĩ là bình thường, lại không hề bình thường. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro