CHƯƠNG I: THÔNG-THIÊN-HỌC LÀ GÌ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ðã bao nhiêu thế kỷ, người ta đã tranh luận, dẫn chứng, tìm tòi rất nhiều về một vài chơn-lý trọng đại, như sự hiện tồn của Thượng-Ðế, và bản thể của Ngài, sự liên quan của Ngài với nhân loại, cùng dĩ vãng và tương lai của nhân-loại này. Về những điêm trên, người ta có những tín niệm rất khác nhau, rồi người ta công-kích và nhạo báng những tín ngưỡng của nhau một cách chua chát và dữ dội, đến nỗi sau cùng, trong đám dư-luận quần-chúng có một luồng tư-tưởng thiệt đơn-giản là: về những vấn-đề này, người ta không thể biết được một điều gì chắc chắn, tất cả chỉ là những lý-thuyết mơ hồ, những lý-luận mông lung thỉnh thoảng lại phát sinh ra một suy luận thất thiệt căn cứ ở những tiền đề không vững vàng. Chống lại với luồng dư-luận ấy của quần-chúng, những xác ngôn rõ ràng, minh-bạch, nhưng thường thường khó tin của các tôn-giáo không làm sao mà đoạt ưu thắng được.

     Ta có cần nói quả quyết rằng cái dư-luận quần-chúng mà ta biết rõ căn-nguyên đó là hoàn-toàn sai lầm không. Có những sự thực rõ ràng và chắc chắn. Có nhiều sự thực như vậy. Thông-Thiên-Học trình bày cho ta những sự đó, nhưng trái hẳn với những tôn-giáo, Thông-Thiên-Học trình bày những chơn-lý này như là những đề tài để nghiên-cứu, chớ không phải như là những tín-điều. Thông-Thiên-Học chính nó không phải là một tôn-giáo. Ðối với các tôn-giáo, Thông-Thiên-Học có cái vị-trí tương-tự như vị trí của những triết-lý cổ-kính, Thông-Thiên-Học không phản-đối tôn-giáo, Thông-Thiên-Học giảng-lý tôn-giáo vậy. Những điều mà tôn-giáo này hay tôn-giáo khác đề cao một cách phi-lý, khó tin, Thông-Thiên-Học đều loại bỏ, coi như không hợp vớì sự minh triết, không đúng với Thần Minh, đi nghich lại Thần Minh, nhưng những điều hữu-lý nhiều hay ít đều được Thông-Thiên-Học thu thập, giảng-lý, phê-bình, gom những chơn-lý riêng biệt thành một đại thể điều-hòa.

   Thông-Thiên-Học quả quyết rằng về tất cả những vấn-đề trọng-hệ, người ta có thể biết được sự thực, thật ra, Thông-Thiên-Học đã được nhiều người hiểu rồi. Thông-Thiên-Học coi tất cả những tôn-giáo, dù khác biệt nhau đến đâu ở bề ngoài, cũng chỉ là sự biểu lộ của những chơn-lý giống nhau, những chơn-lý đó đã được nhìn xét tự những quan-điểm và dưới những phương-diện khác nhau, vì mặc dầu những ngữ vựng khác biệt và những tín-điều có khác biệt nhau, tất cả những tôn-giáo đều đồng ý về những vấn-đề thật là quan-hệ, như đời sống gương mẫu của một người lương-thiện, những tánh tốt phải trau dồi, những tật xấu phải xa lánh. Về những điểm có tính cách thực-hành này, các bạn hãy khảo-cứu Ân-độ giáo hay Phật-giáo, Hỏa-giáo hay Hồi-giáo, Do-Thái giáo hay Cơ-Ðốc giáo, và các bạn sẽ thấy rằng các tôn-giáo này đều có những lời dạy dỗ giống nhau.

     Ðối với ai chưa từng biết Thông-Thiên-Học, ta có thể trình bày nó như một giả-thuyết thông thái về sự tạo-lập vũ-trụ. Ðối với những người đã nghiên-cứu nó rồi, thì Thông-Thiên-Học không phải chỉ là lý-thuyết suông, mà chính là sự phô-diễn những sự thực hiển hiện. Ðó là một khoa-học minh-bạch mà người ta có thể khảo-cứu sâu xa như bất cứ khoa-học nào khác, và những điều mà Thông-Thiên-Học chủ trương đều có thể lấy thực-nghiệm mà kiểm-soát lại, nếu ta chịu khó uốn nắn theo những điều-kiện cần-thiết. Thông-Thiên-Học là sự xác-định những hiện-tượng lớn lao trong vũ-trụ, là sự giải nghĩa những điều mà khoa-học đã biết, sau cùng Thông-Thiên-Học là sự mô tả rõ ràng cái khu vực của thế-giới mà chúng ta đang ở.

 NGƯỜI TA BIẾT ÐIỀU ÐÓ CÁCH NÀO.

       Cái khu-vực của thế-giới mà ta đang ở đây, ta biết rõ được lược đồ của nó cách nào. Có lẽ người ta sẽ hỏi rằng: Ai đã khám phá ra nó. Chúng tôi không thể nói được rằng lược đồ đã được khám phá, vì thiệt vậy, nhân-loại đã biết nó từ ngàn xưa, tuy rằng có những thời-kỳ sự hiểu biết này bỗng dưng biến mất đi ở một vài điểm của địa-cầu. Luôn luôn bao giờ cũng có một đoàn-thể tiến hóa rất cao, không phải chỉ là một quốc-gia, mà của tất cả mọi quốc-gia văn-minh, những người này đã am hiểu tinh tường chơn-lý. Luôn luôn các Ngài có những đệ-tử nghiên-cứu tường tận chơn-lý dưới quyền điều-khiển của các Ngài. Còn những nguyên-lý đại-cương thì được phổ-biến ra ngoài. Hiện giờ cũng như ngày xưa, cái nhóm người tiến-hóa rất cao ấy cũng hãy còn tồn tại, và do theo mạng lịnh của các Ngài, giáo-lý Thông-Thiên-Học được ban rải cho thế-giới Tây-Phương qua sự trung-gian của vài đệ tử. Một đôi khi những ai không thông thạo về vấn-đề này đã phản-đối một cách gay gắt và khẩn khoản rằng nếu quả có thiệt như vậy, thì chơn-lý này phải được công-bố từ lâu, và họ đã phiền trách một cách bất-công những người thông-đạt được chơn-lý, sao đã im lặng che dấu sự thật đi. Nhưng những kẻ chỉ trích đó quên một điều là ai thiệt-tâm tìm kiếm chơn-lý đều có thể gặp, và thế-giới Tây-Phương mới bắt đầu tìm mà thôi.

   Trải qua những thế-kỷ này tới những thế-kỷ khác, người Âu-Châu đa số yên phận sống trong những sự dị đoan to lớn nhất, và khi sau rốt, một phản lực đến lôi họ ra khỏi những tín-ngưỡng hẹp-hòi phi lý của họ, thì cũng phản lực ấy lại sanh ra một thời kỳ vô thân cũng phi lý và cũng mù quáng như những tín-ngưỡng xưa đã được thay thế.

   Cho nên thiệt ra không phải trước giai đoạn hiện tại mà ta đương sống đây mà vài người trong số những người khiêm nhượng và khôn ngoan nhất đã bắt đầu nhận định rằng mình không biết gì hết và đã tự hỏi rằng mình có thể học hỏi cái gì không.

    Tuy rằng những người tìm kiếm chơn chánh đó hãy còn là một thiểu số, hội Thông-Thiên-Học cũng được lập ra với mục-đích liên-kết họ lại, và những sách Thông-Thiên-Học được in ra để bất cứ ai muốn cũng có thể đọc, ghi chép và thấm nhuần những chơn-lý trọng-đại này. Nhiệm-vụ của Hội Thông-Thiên-Học không phải là đem giáo-lý của mình nhồi sọ những kẻ cứng đầu, ngang ngược, ngoan cố, nhưng mà là để hiến dâng giáo-lý Thông-Thiên-Học một cách giản dị cho ai thấy cần phải học hỏi nó. Chúng tôi không hề có ảo tưởng như nhà truyền giáo kiêu-hãnh đến nỗi dám kết tội những ai không đọc cái biểu tượng nhỏ nhen và riêng biệt của mình phải chịu đời đời đau khổ ở hỏa-ngục. Chúng tôi biết một cách chắc chắn rằng sau rốt, mọi sự đều tốt lành, dù đối với những ai hiện giờ tin rằng không thể chấp-thuận chơn-lý được, thật vậy, cũng như đối với những người sẵn sàng nhận chơn-lý một cách nhiệt-thành. Nhưng đối với chúng tôi và với hàng ngàn người giống như chúng tôi, sự hiểu biết chơn-lý này giúp cho chúng tôi chịu đựng đời sống được dễ dàng hơn và coi cái chết dịu dàng hơn, và nếu chúng tôi nói và viết về vấn-đề này, đó là chúng tôi muốn cho các huynh đệ của chúng tôi cũng được ích lợi và biết được sự thực.

      Ðã từ bao nhiêu ngàn năm, những chơn-lý cốt yếu của Ðạo được truyền-bá khắp mặt địa-cầu. Hiện nay, chúng vẫn còn được truyền-bá. Riêng những người Tây-phương chúng ta vì kiêu-ngạo, tự-đắc, nên hãy còn không biết tới những điều đó. Mỗi khi một tiểu tiết của chơn-lý đến với ta, ta lại cười vang lên, tỏ vẻ khinh bỉ. Trong khoa-học linh-hồn cũng như trong mọi khoa-học khác, những điều hiểu biết rõ ràng tinh tiết chỉ có thể thấu-đạt được bởi những nhà nghiên-cứu hi-sinh cả đời mình cho ngành học-thuật đó. Những người đã hoàn toàn minh-triết mà người ta gọi là những Chơn Sư đã kiên-nhẫn làm nẩy nở tại nơi mình những năng-khiếu cần-thiết để chiêm nghiệm về những vấn-đề này. Vậy thì ở quan-niệm này có một sự khác biệt giữa những phương-pháp tìm tòi gọi là huyền-bí-học và những phương-pháp áp-dụng ở những thể-thức tân-tiến hơn của khoa-học. Khoa-học hết sức chú trọng vào sự hoàn-hảo của khí cụ, còn phương-pháp huyền-bí chú trọng vào sự phat-triển của chính người chiêm-nghiệm vậy.

PHƯƠNG-PHÁP CHIÊM-NGHIỆM

    Không thể nói tỉ mỉ về vấn-đề trên ở trong một cuốn sách nhỏ sơ-lược này. Muốn biết rõ ràng, ta hãy đọc những cuốn sách Thông-Thiên-học khác. Hiện giờ, tôi chỉ cần nói rằng đó hoàn toàn là một vấn-đề thuộc về sự rung động. Chúng ta chỉ có thể nhận-thức được cái thế-giới bên ngoài bằng những sự rung động thuộc về loại này hay loại khác, tác-động vào thị-giác, thính-giác hay xúc-giác của chúng ta. Nếu một người có thể cảm xúc được với những lằn rung động phụ thuộc, lúc đó y sẽ có thêm được những tri-giác ngoại cảnh, y trở nên một người có thần nhãn.

    Theo nghĩa thường, thần nhãn chỉ là một sự mở rộng đôi chút của thị-giác; nhưng con người có thể trở nên càng ngày càng nhạy cảm đối với những sự rung động, chúng càng ngày càng tế-nhị cho tới khi tâm-thức của y, dựa vào những năng khiếu mới được phát-triển, tự ý theo những con đường mới mẻ và cao cả hơn. Lúc đó, y thấy mở rộng trước y cái mà y tưởng là những thế-giới làm bằng chất tinh-vi hơn, nhưng thực ra đó chỉ là những vùng mới mẻ của cái thế-giới này đây, mà ta đã được biết một vài miền vậy. Như vậy, y học được rằng suốt đời y có một vũ-trụ rộng lớn bao quanh y mà y không trông thấy. Vũ-trụ này ảnh-hưởng tới y một ngàn cách khác nhau, mặc dầu y không nhận-thức được nó. Nhưng khi y phát-triển được các năng-khiếu để tiếp-xúc với những thế-giới mới mẻ đó, y có thể nhận-xét những thế-giới này một cách khoa-học, có thể lặp đi lặp lại những sự nhận-xét đó. Y so sánh chúng với những sự chiêm-nghiệm của kẻ khác, xếp đăt chúng ta ra thành từng loại, và trích ở đó những điều suy-luận cần-thiết.

     Không phải sự chiêm-nghiệm này đã được làm một lần, mà đã được lặp lại hàng ngàn lần. Những vị Chơn Sư mà tôi đã nói đã dành tất cả những cố gắng của các Ngài cho công việc này, và những nhà khảo-cứu của Hội Thông-Thiên-Hoc chúng tôi cũng đã hướng những cố-gắng của mình về mục-đích đó. Nhờ những sự tìm tòi của chúng tôi, chúng tôi không những đã có thể kiểm-soát một số lớn những điều chỉ dạy của các Chơn Sư buổi ban đầu, mà chúng tôi còn có thể giảng nghĩa và bổ-túc đa số những điều đó.

    Sự chiêm ngắm cái phần vô hình của thế-giới chúng ta thoạt đầu đã cho chúng ta thấy rất nhiều sự hoàn toàn mới lạ và rất hấp dẫn. Dần dần nó giải quyết cho ta những vấn-đề khó khăn nhất của đời sống, nó soi sáng nhiều điều bí-mật, nó cho chúng ta biết rõ ràng tại sao từ trước đến giờ những việc này đối với chúng ta lại là những sự bí mật; đó là vì trước kia chúng ta mới thấy một phần của sự thật, vì đáng lẽ phải bước lên cao hơn để nhìn bao quát tất cả cái đại-thể cân-đối, chúng ta lại đứng ở dưới mà nhìn lên, cho nên mới thấy mọi sự phi-lý và hình như rời rạc. Quả thiệt như vậy, Thông-Thiên-Học trong tức khắc đã giải quyết được nhiều vấn-đề tương-tự, những vấn-đề này đã được thảo-luận nhiều, thí dụ như vấn-đề: con người liên-tiếp tồn tại sau cửa Tử, nó đã giảng giải một cách xác thật cho chúng ta rõ tại sao những tôn-giáo khác nhau đã xác-định những điều thật phi-lý về Thiên-Ðường, Ðịa-ngục và Lửa luyện tội. Sau rốt, sự chiêm-nghiệm đó phá tan sự vô-minh của chúng ta và làm cho ta không sợ hãi điều ta chưa từng biết, và cho ta một quan-niệm hữu lý và sáng suốt về toàn thể vũ-trụ. Quan-niệm này, tôi sắp sửa ráng trình bày với các bạn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro