나는 그렇게 좋은 사람이 안냐

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ngần ngừ nhấn chuông gọi cửa. Chỉ vài giây sau, một gương mặt phúc hậu với nét mệt mỏi đọng rõ trên khoé mắt xuất hiện, là mẹ của Bora.

Đã 3 tháng rồi tôi không dám quay lại đây. Những ký ức vẫn đeo bám lấy tôi, gương mặt đau khổ của mọi người, gương mặt trắng nhợt của Bora, gương mặt vẫn chưa thể chấp nhận được mọi thứ của tôi trong gương. Chỉ 3 ngày trước lễ kết hôn của chúng tôi, Bora ra đi mãi mãi. Rạp cưới đã dựng trước ngõ nay phải đổi thành rạp tang lễ, mọi thứ diễn ra quá đột ngột, đến đỗi tôi không có thời gian để khóc.

Lần này tôi dọn về, trước là để tránh những kỷ niệm đau buồn khi cứ mãi ở căn nhà tân hôn của chúng tôi, sau là để làm tròn bổn phận của người con rể hụt với ba mẹ Bora. Nghe tin tôi về, họ vui lắm, dù gì ở hòn đảo hẻo lánh này, việc một người trẻ sẵn sàng về sống với người già là một việc đáng mừng rồi.

Tôi không phải người duy nhất trẻ tuổi dọn về đây sống, cũng có những thanh niên quá mệt mỏi với cuộc sống xô bồ nơi chốn thị thành, bỏ phố về quê. Họ nhanh chóng vỡ mộng vì công việc làm nông, bám biển và kiếm ăn ở miền quê này chẳng dễ dàng như họ nghĩ, họ đắm chìm vào rượu bia, lè nhè say xỉn tối ngày, tôi không sao hoà hợp được.

Cho đến khi tôi gặp em.

- Minhyung này, con gọi cho Donghyuck, bảo nó sang sửa cái máy cắt cỏ ở sân sau dùm bác nhé?
- Mấy việc nhỏ đó con làm được, bác đừng có lo!

Tôi hồ hởi xách lên bộ dụng cụ được trang bị đầy đủ trong kho, tiến thẳng đến chỗ chiếc máy. Sau 1 tiếng đồng hồ, chiếc máy cắt cỏ đã bị tháo banh, dây nhợ lòng thòng hết ra nhưng tôi không sao tìm được cách sửa. Giữa lúc tôi đang phân vân có nên mua một chiếc máy mới để bù lại hay không, tiếng chó sủa ngoài cổng bỗng vang lên.

Em bước vào đời tôi như thế.

Donghyuck cau mày nhìn mớ hỗn độn trước mắt, sau đó lại nhìn sang tôi. Cảm giác xấu hổ lan tràn từ đỉnh đầu đến tận gót chân, người tôi đỏ như con tôm luộc. Cũng may em không chất vấn hay chọc quê mà xắn tay vào làm luôn. Bàn tay em nhanh thoăn thoắt, dường như trong đầu Donghyuck đã nằm lòng mọi phương pháp "chữa bệnh" cho đủ loại máy móc. Hết sửa cái máy cắt cỏ, em lại chuyển sang cái máy lạnh vốn vẫn nhỏ nước mấy ngày nay. Rồi đến chiếc máy xay sinh tố bị cháy mạch, rồi đến chiếc tivi bỗng hiện một vạch màu mờ trên màn hình.

Cả quá trình đó, tôi không thể rời mắt khỏi em. Em toả sáng, theo cách riêng của mình. Vừa làm, em vừa nói chuyện với tôi. Và tôi phải thú thật là giọng nói của em là giọng nói đẹp nhất tôi từng nghe. Nếu không chôn chân ở hòn đảo này, em hẳn đã là một phát thanh viên truyền hình.

- Anh là bạn của chị Bora?
- Là bạn trai. Chúng tôi sắp cưới.

Donghyuck thoáng một vẻ xót xa trong đôi mắt, nhưng rồi khoé môi em rất nhanh đã cong lên, em vỗ vai tôi. Dù chỉ là câu an ủi đơn giản tôi nghe không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn thấy sự cảm thông và chân thật đến lạ từ em.

- Em rất tiếc.

Cả buổi ngày hôm ấy, tôi cứ tò tò đi theo em. Có đôi khi chỉ là giúp em giữ cái thang, cầm chắc cọng dây điện để em cắt, cúp cầu dao để em sửa cái máy bơm. Chẳng biết đồ cần sửa trong nhà đâu ra mà nhiều thế. Em nói ở cái đảo này, nơi mà độ tuổi trung bình của người dân là 50, em đảm nhiệm vị trí sửa chữa tất cả những máy móc công nghệ "cao". Có lẽ vì vậy mà mọi người hay gọi vui em là bác sĩ máy. Lâu cũng thành cái danh, em mở một cửa hàng điện tử ở góc ngã ba thị trấn, lấy tên là "Phòng khám điện tử".

- Em dạy tôi được không?

Donghyuck thật sự có tài, và thú thật, cùng là đàn ông, tôi thấy ngại khi thậm chí còn không sửa nổi một thứ trong đống đồ hôm nay. Em có vẻ là một người tốt bụng, đề nghị này cũng không quá khó khăn, nhỉ?

- Sao em dạy anh được? Cần câu cơm của em mà.

Donghyuck cười xoà, nhẹ nhàng từ chối. Tôi chưa từng nghe thấy lời từ chối nào êm ái đến vậy. Tôi bẽn lẽn xin số em, trả tiền công hậu hĩnh vì công việc hôm nay, với danh nghĩa là em làm tốt, lần sau sẽ gọi em đến, em vui vẻ cho số mà chẳng chần chờ gì.

- Donghyuck đấy à? Cái quạt trần nhà chị Oh hàng xóm nhà tôi bị hỏng rồi, em đến xem thử được không?

Ngày hôm sau, tôi sử dụng ngay số điện thoại em đã cho tôi. Donghyuck nhanh lắm, đâu cỡ độ năm phút đã thấy em lò dò đi vào, trên vai là chiếc balo quen thuộc chứa đủ loại dụng cụ. Đầu tiên em ngắt điện trước, sau đó cẩn thận tháo tháo ghép ghép, chừng mười lăm phút, chiếc quạt đã chạy vù vù như có phép màu.

- Em muốn ăn chút gì không? Dù gì gọi em đến đây cũng hơi sớm...

Donghyuck cười mỉm, sau đó chỉ nhón lấy chai sữa đậu nành trên bàn, đập đập vai tôi:

- Không sao đâu, em đi nhé!

Hai mươi phút đồng hồ gặp nhau như thế đã lãng phí trôi qua. Tôi thẫn thờ nhìn bóng lưng em, cũng không cách nào lí giải được tâm tình phức tạp trong lòng mình. Vậy mà ông trời đã thương tôi, xe em không hiểu sao lại không thể đề máy, vì vậy, em đành phải dắt xe vào khoảng sân rợp bóng cây nhà Bora để dựng cho mát, kê chân chống đứng lên rồi hí hoáy xem xét.

- Anh đã quen với cuộc sống ở đây chưa? Hả chàng trai thị thành?

Tôi liếm liếm môi. Thú thật, xa những ánh đèn màu, những tiện ích của thành phố lớn tôi đã sống hơn hai chục năm, quả thật là một thử thách với tôi. Ở đây, người ta đi ngủ lúc tám giờ tối và thức dậy lúc bốn giờ sáng. Tôi là một kiến trúc sư, có những đêm thức gò những bản vẽ trên máy tính, tôi lại giật mình vì sự im ắng đến bất thường ở nơi đây dù lúc ấy chỉ mới hơn mười giờ. Quả thật, để một người trẻ tràn đầy nhựa sống ở đây không dễ dàng chút nào.

- Mới đầu tôi không quen với chuyện đi ngủ lúc chín giờ tối, giờ lại quen. Đến giờ đấy không được ngủ, tôi lại khó chịu.

Thú thật, tôi không thích nói về mình nhiều cho lắm. Tôi muốn tìm hiểu thêm nhiều thứ về em. Donghyuck luôn có vẻ của một người cực kì thú vị. Không biết có bao nhiêu cô gái ở đây say đắm em rồi?

- Em học nghề này ở đâu?

Tôi hất hàm về phía chiếc xe đã được tháo rời của em. Tay Donghyuck dính đầy dầu nhớt, em chẳng buồn ngẩng đầu lên nhìn tôi, cứ thế luyên thuyên.

- Ba em làm nghề sửa xe. Kiếm không khá mấy, anh biết mà, được cái ba em rất tháo vát, việc gì cũng biết làm. Học xong cấp 1, ba em mất. Nhà còn hai mẹ con, cái gì cũng không biết làm. Em cứ học chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Ở cái thị trấn này, không có việc gì em chưa từng làm. Em từng làm thợ hớt tóc, thợ sửa xe, nhân viên bán hàng, đầu bếp, nông dân, thợ hồ, kĩ sư cầu đường, người giao hàng,...em không bao giờ chết đói cả.

Giờ tôi mới để ý tóc Donghyuck nâu nâu. Cái nâu nâu không phải vì nhuộm mà là vì cháy nắng. Làn da của em cũng ngăm ngăm đầy khoẻ khoắn, làn da khó mà có được từ một kĩ sư bàn giấy như tôi. Có điều gì đó ở đôi tay của em mà cuốn hút kì lạ. Nó uyển chuyển, nhanh nhẹn, mọi thứ dưới bàn tay em đều trở nên gọn gàng, cái gì ra cái nấy trong một khoảng thời gian cực kì ngắn.

Sửa xong chiếc xe, mặt trời cũng đã lên cao. Em đành chấp nhận lời mời của tôi, cùng tôi đi ăn sáng. Cô bán hủ tiếu là một người bạn của mẹ Bora, ngay lập tức nhận ra tôi. Cô cười cười, đon đả chào mời, nhưng sau khi trông thấy gương mặt của Donghyuck, nụ cười cô đanh lại, giờ thì tôi đã hiểu tại sao lúc nãy tôi ghé vào đây, Donghyuck lại ngần ngừ.

- Lại định tiếp thị gói bảo hiểm đấy à? Đây là chồng sắp cưới của Bora, đừng có mà giở trò.

Donghyuck cười trừ, có vẻ rất khổ sở, em vò vò tay áo đầy khó xử:

- Cô ơi, con chỉ muốn tốt cho cô chú thôi. Cô chú sống một mình, chú lại lớn tuổi, huyết áp cao, cô thì bị bệnh tim. Có bảo hiểm thì sẽ đỡ lo hơn, mai này lỡ có chuyện gì thì sao?

Cô bán hủ tiếu rõ ràng không còn thiện chí bán hủ tiếu cho chúng tôi nữa. Cô chỉ thẳng mặt Donghyuck, cao giọng:

- Á à, chưa gì mày đã trù ẻo bọn tao thế à? Đạo đức mày để ở đâu?

Donghyuck mở cặp, lì lợm rút ra tờ giấy đăng ký bảo hiểm, đặt xuống bàn, sau đó kéo tay tôi, chạy ra khỏi quán:

- Cô cẩn thận đừng giận quá mà ảnh hưởng sức khoẻ, dễ bị đứt mạch máu não lắm á cô.

Khi chiếc xe vừa lăn bánh, tôi nghe tiếng cô hủ tiếu mắng chửi đằng sau, kèm theo tiếng bàn ghế va đập. Suýt chút nữa là em ăn trọn cái ghế nhựa vào đầu. Em siết chặt eo tôi, có lẽ là vì sợ, có lẽ là vì tôi đang vít ga, lao đi vun vút.

- Được rồi, dừng lại đi, anh chở em ra đến biển mất!

Có lẽ vì quá đắm chìm vào xúc cảm nơi eo, tôi quên mất mình đã lái xe khá lâu, đủ để cô hủ tiếu không rượt tới được. Đây là một hòn đảo khá lớn, và dù chỗ chúng tôi cũng không tính là ở trung tâm đảo, chúng tôi phải chạy độ 30km, những con sóng rì rào mới xuất hiện. Bây giờ là 10h sáng, cái độ nắng đã chín muồi, đủ để mặt biển loang loáng như một tấm gương soi bàng bạc. Nói thế thôi, cũng phải đi đến 10km nữa mới thật sự đặt chân được đến biển, và hai thằng đàn ông vào lúc giữa trưa thế này dắt nhau ra đó có vẻ không phải là một ý hay gì lắm. Thay vào đó, chúng tôi đi thăm mộ của Bora.

Nghĩa trang khá gần biển, nằm trên một ngọn đồi lộng gió. Tôi đến đây khá đột ngột nên chẳng chuẩn bị gì. Haechan rời đi một lúc, tôi cứ tưởng là nhường không gian riêng cho tôi, nào ngờ, lúc em trở lại, trên tay là mấy nhành phượng tím, loài hoa Bora thích. Có lẽ vì tên em có nghĩa là màu tím. Chúng tôi cứ đứng tần ngần ở đó. Trời nắng lắm, tôi có thể cảm nhận được nhiệt độ đang lên cao dần, cái bỏng rát ở lưng báo hiệu chúng tôi đã đứng đây quá lâu. Nhưng đôi chân của tôi hệt như mọc rễ, mắt tôi dán chặt vào gương mặt tươi cười của Bora trên tấm bia mộ, tôi nhớ em, và tôi chạy trốn khỏi hiện thực như một thằng hèn.

Từ đầu chí cuối, Donghyuck chẳng nói gì, em cũng đứng bên cạnh tôi, nhìn chằm chằm vào bia mộ. Tôi không rõ về mối quan hệ giữa hai người. Có thể chỉ đơn thuần là quen biết, có thể là bạn hàng xóm thân thiết, nhưng nỗi tiếc thương và đau buồn trên gương mặt của em hệt như em đã mất đi một người thân trong gia đình.

Chúng tôi về khi mặt trời đã lên cao. Lần này, Donghyuck tranh chở, có thể em đã thấy đôi mắt đỏ kè chỉ chực chờ để được khóc thoả thích của tôi, vì vậy em không muốn giao phó tính mạng cho một người tâm lý không ổn định là tôi chăng? Dù thế, tôi vẫn biết ơn. Tôi ngồi sau xe của em, tôi mượn tiếng gió để che đi tiếng trái tim mình thổn thức. Tôi không dám khóc, tôi vẫn hèn nhát như vậy, nhưng tôi biết, tôi không trốn chạy hiện thực nữa, tôi muốn đối đầu với nó.

Bữa tối hôm đó, lần đầu tiên tôi kể chuyện về Bora cho bố mẹ Bora nghe. Họ lặng yên, đôi lúc ngạc nhiên về những mặt, những câu chuyện họ chưa từng biết đến về đứa con gái sống xa nhà. Kết thúc buổi nói chuyện là những giọt nước mắt, nhưng ít nhất tôi thấy nhẹ nhõm, nhẹ nhõm vì đã thể hiện những cảm xúc thật của mình. Vì sự thật là, tôi không cần phải mạnh mẽ cho ai hết, tôi vừa mất đi người tôi yêu cơ mà.

Sáng hôm sau tôi lại tình cờ gặp Donghyuck. Em đang kì nèo cô bán hủ tiếu mua bảo hiểm, lần này em không bị đánh, chỉ là thái độ của cô vẫn như cũ. Tôi nhìn một lát, cũng không chịu nổi, quyết định giúp:

- Cô ơi, tiền trong bảo hiểm cũng là tiền của mình. Tuy Donghyuck giải thích không được hay, nhưng cô cứ xem đây là tiền dự phòng bất trắc. Cô sống ở đây với em ấy, cô cũng biết nếu chỉ vì món lợi nhỏ này, em ấy đâu có kiên trì suốt thời gian qua để năn nỉ cô ký đâu.

Cô bán hủ tiếu thoát ra một tiếng thở dài, cô nhìn đăm đăm vào mặt Donghyuck để trả lời tôi, mà không biết là cô trả lời tôi hay nói với em:

- Không đâu, nó làm việc này vì bản thân nó. Nó muốn chuộc lại hối tiếc ngày xưa thôi.

Tôi và Donghyuck ra về trong trầm mặc. Tôi có nhiều thắc mắc, nhưng tôi quyết định không tọc mạch vào đời tư của em. Chúng tôi cứ thế im lặng, mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Hôm nay Donghyuck cũng đi làm. Em tạt qua nhà ông Kim cuối ngõ, xem xét cái máy bơm cũ đến hoen ghỉ không chịu hoạt động. Sau khi trấn an ông Kim, em lôi đồ nghề ra, hí hoáy sửa.

- Đợt trước cũng có lần em sửa máy bơm, cái máy đó mới lắm, nên em cũng thấy lạ khi nó không hoạt động. Cuối cùng em xuống tận giếng. Hoá ra có xác một con bò bị ai ném xuống dưới đó, lúc thấy nước có màu và mùi, nhà đó còn tưởng là rêu phong. Em thua luôn.

Donghyuck vừa dứt lời, tiếng chó sủa ở cổng vang lên inh ỏi. Là một người độ tuổi chúng tôi, trông sáng sủa chứ không hề giống bọn sáng say chiều xỉn tôi từng thấy. Donghyuck huých vai tôi, bảo đây là thầy giáo mới về, người ở đây, có vẻ là bạn của em.

- Chào đồng chí. Đồng chí học hết 6 năm giờ về đây phục vụ đấy à?

Chàng trai kia có vẻ rất tốt bụng, vừa vào đã giúp chuyển mấy nhành cây chắn đường sang khu đốt rác, gật đầu chào Donghyuck một cái, sau đó mới lia mắt đến tôi.

- Mới về thôi, nhớ đồng chí lắm đấy. Vị này là?

Donghyuck vui vẻ giới thiệu:

- Minhyuck à, đây là chồng sắp cưới của Bora, anh Minhyung. Anh Minhyung, đây là Minhyuck, bạn từ nhỏ của em.

Tôi có thể thấy mắt của Minhyuck loé lên một tia sáng kì lạ. Nhưng có lẽ tôi đã nhìn nhầm. Minhyuck cười tươi, rất thân thiện, sau đó bắt tay tôi.

- Em chào anh. Em là thầy giáo mới về. Em rất tiếc về chuyện của chị Bora.

Chẳng hiểu sao, cái siết tay lại khiến tôi thấy bất an. Tôi quay sang nhìn Donghyuck, cười để chữa ngượng, sau khi sửa máy bơm xong, cả ba chúng tôi quyết định sẽ mua gì đó về nhậu.

Tôi không hay uống, lại càng không hay uống giữa ban ngày ban mặt thế này. Minhyuck và Donghyuck nhận trách nhiệm làm mồi, vì tay chân của tôi không có bất cứ tác dụng gì hay ho ở trong bếp cả. Tôi và em trai sinh đôi của Minhyuck - Minhae đi mua rượu. Minhae là một chàng trai gầy gò, nhút nhát, vừa mới xuất ngũ không lâu nên tóc vẫn còn hớt ngắn. Tuy vậy, Minhae rất lễ phép và được lòng người khác, theo lời của Donghyuck thì là vậy. Nhà của hai anh em không đủ điều kiện, Minhyuck học giỏi hơn nên được đi học tiếp, Minhae đi làm nông quấy quá vài hôm, sau đó nhập ngũ làm quân nhân 5 năm, có ít vốn thì về quê, mở một tiệm mộc nhỏ.

Cả bốn chúng tôi xem vậy mà nói chuyện rất hợp. Mấy câu chuyện nhập ngũ, mấy câu chuyện lông gà vỏ tỏi ở vùng quê, nói lan man một hồi, lòi ra lúc Minhae làm quân nhân, nó từng là điều tra viên quân đội.

- Cũng không có gì. Chúng em chủ yếu xử lí mấy vụ lính đào ngũ ra trộm cắp gì đó của dân, hoặc là mấy vụ bắt nạt trong quân đội thôi. Em cảm thấy thi vào làm điều tra viên đặc biệt nhàn, nên em thi.

Tôi đột nhiên tò mò không biết Minhyuck học giỏi đến cỡ nào, vì Minhae có vẻ cũng rất thông minh. Thật ra quốc tịch của tôi là Canada, tôi không nhập ngũ, nhưng thông qua lời kể mộc mạc, nhất là những câu chuyện rất đỗi gần gũi của Minhae, tôi có thể hiểu được. Chúng tôi uống với nhau từ chiều mãi đến tận tối mịt, mắt thấy đã trễ, mồi và rượu cũng cạn, tôi chủ động giải tán. Hai anh em kia cũng say ngất ngưỡng, khoác vai nhau đi về.

Donghyuck vỗ vai tôi. Lúc đầu, tôi không để ý mấy, tôi chỉ ừ một tiếng lừng khừng trong cổ họng, mãi mà không thấy em trả lời, tôi mới quay sang. Em nhìn chằm chằm vào tôi, như thể nếu ánh mắt có thể xuyên qua cơ thể người được, em đã đục trên người tôi cả chục lỗ rồi.

- Em thích chơi với anh lắm.

Rõ ràng Donghyuck đã say, em nói chuyện như một đứa trẻ. Nhưng có lẽ vì tôi cũng uống khá nhiều, tôi nhoẻn miệng cười, đáp lại em:

- Anh cũng vậy.

Sau cái đêm say rượu đó, cả bốn chúng tôi trở nên thân thiết hơn rất nhiều. Tôi vừa hoàn thành một công trình, thời gian rảnh có thừa, thế nên tôi trở thành phụ tá của Donghyuck. Có những ngày em không có việc, chúng tôi sẽ đi câu cá, đi đánh cờ, đi phá xưởng mộc của Minhae, đi phụ khiêng bàn ghế ở trường của Minhyuck. Tôi tin là tôi thật sự sinh ra ở đây, tôi yêu hòn đảo này một cách mãnh liệt.

Cho đến một ngày tôi phát hiện, Donghyuck và Minhae cư xử khá kỳ lạ. Tôi không biết cái kỳ lạ đó xuất phát từ đâu. Có thể là từ sự tránh mặt đầy ngượng ngùng của người này khi có người kia. Có thể là những động chạm như có như không đầy mờ ám. Giữa hai người rõ ràng có gì đó, nhưng tôi không sao giải đáp được.

- Anh Minhyung mang cái này về cho hai bác nha.

Tôi khó chịu nhìn túi nho trên tay. Cả buổi tối hôm nay, Minhae cứ bồn chồn, như thể việc tôi vô tình ghé chơi là chuyện gì đó rất phiền phức. Thật ra nếu là bình thường, tôi đã ra về. Nhưng hôm nay tôi không muốn làm vậy, tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ vì tôi vô tình thấy Donghyuck lấp ló ở hàng rào bên kia. Và cứ hễ là chuyện gì liên quan đến em, tôi đều tò mò. Đoán chừng Minhae chỉ thiếu điều hất tôi ra khỏi chỗ ngồi, tôi đành cầm lấy túi nho rồi đi về. Đi như vậy là để diễn cho người khác xem, chứ vừa đi khỏi giậu bìm leo cách xưởng mộc khoảng chừng hai trăm mét, tôi cất xe vào một bụi rậm ven đường, lò dò đi lại nấp sau trụ đá, chỗ gần hai cái bóng đang không ngừng đong đưa.

"Rõ ràng tôi đã nói rõ rồi nhỉ?"

Là giọng của Donghyuck, nghe khá nóng nảy. Rồi tôi thấy bóng tay của Minhae chộp lấy vai em, tim tôi không kìm được mà nảy lên một cái.

"Cậu không thể làm vậy đâu Donghyuck à, mau tỉnh táo lại đi. Cậu phải nhớ bản thân mình là ai chứ."

Đầu tôi quay mòng mòng với những suy nghĩ, hoàn toàn không có chút manh mối nào với hành động mờ ám hai người họ đang làm.

"Thì sao? Cậu thì biết gì về tôi? Chuyện cái xác dưới giếng của ông Kim, cậu đã xử lý chưa?"

Tôi che miệng hoảng hốt, hoá ra dáng vẻ lấm lét của họ từ nãy đến giờ là để che dấu một vụ giết người?

"Cậu cũng có một phần trách nhiệm trong đó, đừng quên."

Donghyuck cười gằn, có vẻ đã hoàn toàn mất kiềm chế. Nếu chỉ nghe tiếng mà không thấy hình, hẳn tôi đã nghĩ đó là giọng cười của người khác. Giọng cười của Donghyuck khi ở bên cạnh tôi trong trẻo và đáng yêu vô cùng, chứ không phải thế này. Tôi đi như chạy, lầm lũi trở về nhà, vừa hay gặp ba mẹ Bora đang ăn cơm ở phía trước.

- Thật ra thằng nhóc đó không ở đây một khoảng thời gian. Mẹ nó mất vì bệnh không đủ tiền chữa, cũng không nhớ là bệnh gì nhưng mà có vẻ là di truyền. Có người họ hàng xa đón nó lên thành phố để khám bệnh, mấy năm sau nó quay về, cứ như đổi một tính cách khác vậy.

Tôi im lặng lắng nghe, ban nãy tôi có thử hỏi một chút về Donghyuck, thế là nhận được câu trả lời như vậy. Đêm đó, tôi lờ đi tin nhắn từ em. Tôi không biết cảm giác lúc này của mình là gì. Lẽ ra tôi nên lo sợ, nên tố giác, nên làm gì đó. Nhưng tất cả mọi thứ tôi có thể nghĩ đến chỉ là: Donghyuck phải làm thế nào nếu như bị bắt đây?

Trời tờ mờ sáng, tôi lén lút đi đến cái giếng nhà ông Kim. Con chó xích trước cổng đã quen tôi, quẫy đuôi mừng, có một cái chốt mà ông Kim không bao giờ khoá, tôi đẩy nhẹ, đã vào được bên trong sân.

Có vẻ xung quanh giếng đã được dọn dẹp, hoặc Minhae đã xử lí xong cái xác. Tôi cũng không biết mình đến đây làm gì. Có thể tôi muốn trấn an lòng mình rằng: họ chỉ nói về xác động vật mà thôi. Nhưng rồi tôi thấy những dấu chân đi ra đầy khả nghi xung quanh giếng, và khi ghé mắt nhìn vào sâu trong làn nước tối đen, tôi suýt hét lên khi trông thấy một cánh tay người đứt lìa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#markhyuck