Chương 6.1: Mưa lòng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Every night my papa would take and

Tuck me in my bed

Kiss me on my head

After all my prayers were said...

Hưng đứng trên sân khấu hát, trước mấy chục người, sau vài năm. Đằng sau nó là Kim Quý, đánh đàn như mọi lần. Nó nhắm tịt mắt lại, rồi lại mở mắt ra, nhìn chằm chằm lên trần nhà.

Lần cuối cùng nó đứng hát như thế này là khi nào nhỉ? Lâu quá, nó không nhớ nữa. Mà nhớ lại cũng có làm gì đâu. Người ta chỉ nhớ mấy kỉ niệm vui thôi, buồn thì cất lại, bỏ đi.

Hồi đó, mỗi lần đi hát, ba nó sẽ đứng ở dưới sân khấu, hướng mắt dõi theo con trai ông. Thằng con ông không phải người hát hay nhất, không phải người đẹp nhất, không phải người lanh lợi nhất, nhưng nó là con trai ông. Mà con trai ông, thì tốt hơn tất cả những người khác cộng lại.

Gia Hưng lớn lên với niềm tin rằng nó là người giỏi nhất, hoàn hảo nhất.

Rốt cuộc, niềm tin được sinh ra từ ảo tưởng cũng giống như bọt nước: dễ tan.

Hưng hát xong, nó mở mắt, nhìn xuống dưới sân khấu. Cả hội trường im phăng phắc. Cả chục người nhìn chằm chằm vào nó.

Hưng tưởng như nó đang bị dồn vào trong góc, trước mặt nó là hàng ngàn mũi dao, còn sau lưng là vực thẳm sâu hun hút.

Sau khi trải qua một sự việc nghiêm trọng nào đó, não bộ con người thường có xu hướng ghi nhớ nó. Những ký ức ấy sẽ bị chôn vùi dưới lớp cát thời gian, rồi đến lúc nào đó, nổi dậy, làm một cuộc càn quét qua não bộ, khiến người ta tự dưng trở về khoảnh khắc kia.

Dần dần sinh ra ám ảnh.

Hưng nắm chặt micro, môi mím lại, mắt mở trừng trừng nhìn xuống dưới. Nó đang cố phòng vệ.

Những người bên kia thế giới gọi đó là hậu chấn tâm lý, hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Nghe hơi lạ. Ở đây làm gì có chuyện đó. Người lính

"Con trai của ba hát hay nhất!"

"Con hát hay lắm."

Cô hiệu phó đứng dậy, phá vỡ sự im lặng.

Tiếng vỗ tay vang lên ầm ầm. Cả người Hưng rung lên, đồng thời, có cái gì đó trong nó vừa thoát ra, làm cho nó cảm thấy nhẹ nhõm.

Hên quá!

"Chào mọi người kìa Hưng."

Quý tiến tới, đánh vào vai nó.

Cậu đánh nhẹ hều, như không đánh, giống khều hơn. Cái động tác nhẹ nhàng thân tình làm nó cảm thấy như thể mình đã trở về mùa hè năm trước, cánh hạc giấy khi rơi xuống đất cũng nhẹ như thế.

"Con hát hay lắm."

Cô hiệu phó lặp lại thêm mấy lần nữa.

"Dạ, dạ..."

Hưng phóng thẳng xuống sân khấu, lúi cúi cảm ơn mọi người. Quý đi kế bên nó, một tay cầm đàn, một tay để sau lưng dìu nó xuống.

Mấy học sinh ở dưới cứ ồ lên mỗi khi nó đi ngang qua làm nó ngại hết sức.

Cảm giác này lạ quá.

Hồi trước, nó hát xong thì xuống sân khấu. Khán giả vỗ tay cho đúng nghĩa vụ, nhiều lúc, họ kệ luôn. Người ta đâu có lặn lội đường xa từ dưới xã lên chỉ để nghe nó hát. Nó chỉ là thằng bé hát lót, hát giữa giờ thôi. Nhân vật chính của buổi diễn đang đứng đằng sau cánh gà, chuẩn bị kĩ càng để bước lên sân khấu, đón nhận sự tán dương của khán giả.

Nó luôn đi xuống sân khấu với tiếng vỗ tay lẻ tẻ, sự ồn ào vô hồn từ đám đông. Tự nhiên nay vồ vập quá, không quen.

"Ê hát hay nha!"

Hưng không biết là giọng ai, cả chục người đều hướng mắt về phía nó. Nó đã trở thành nhân vật chính của hội trường, của sân khấu này. Một lần nữa, sau ngần ấy năm, có người khen nó. Mấy thầy cô dạy nhạc ngừng khen nó lúc nó lên bảy, ba nó ngừng khen khi ông phát hiện ra những chi tiết nhỏ khiến ông nghi ngờ về thằng con trai ông hằng mơ ước về.

"Giỏi quá! Gia Hưng oppa!"

Chi Lan reo lên, vỗ tay liên tục. Quý đứng sau lưng nhỏ, tay dọn đàn mà mắt cứ hướng về phía này.

Qua chừng đó thời gian, Hưng đã không còn mong chờ bản thân được cậu chú ý nữa. Ngọn lửa tình cảm vẫn còn, nhưng chẳng nồng nhiệt như lúc ban đầu nữa. Có lẽ đến lúc nào đó, nó sẽ hết thích Quý. Trong tương lai gần, nhanh thôi, nó nghĩ thế.

Ánh mắt của Quý trong hôm chiều thu vô tình thắp lên trong Hưng ngọn lửa, rồi một năm sau, ánh mắt của Quý lại dập tắt chút hơi tàn còn lại.

Hưng luôn ở đó, sau lưng Quý, khi cậu tập đánh bản tình ca nọ. Cậu cứ đánh, rồi lại sửa suốt cả năm học. Nhưng nó chỉ biết được nhiêu đó. Nó chẳng bao giờ biết rằng bên dưới phổ nhạc tình dành tặng cho đóa hoa trong lòng cậu, còn một bản nữa dành cho - hay theo như Quý gọi, là chú hạc giấy nhỏ chắp cánh cho nỗi lòng cậu bay xa.

Nghe sến rện.

Nó ghét bị đặt biệt danh lắm, hay đúng hơn, nó ghét việc người ta kêu nó bằng những danh từ do họ tự nghĩ ra.

"Lan ơi, Hưng ơi, tui về trước nha."

Quý chạy đến chỗ hai đứa đang đứng, vẫy tay rồi xách đồ đi về.

Quý cao lắm, nhưng mỏng dính. Mấy thằng con trai trong lớp ít rủ cậu đi chơi mấy trò vận động mạnh. Tụi con trai sợ tụi nó giỡn quá trớn, xô cậu té trầy tay trầy chân lại phải đi xin lỗi má cậu. Đối với bọn ấy, đối tượng phù hợp để rủ đi đá banh phải cao thật cao, vai rộng, ăn to nói lớn, biết trêu ghẹo mấy đứa con gái.

Quý có đủ gần hết tiêu chí. Có điều, cậu hiền quá, cậu không biết cách nói để con gái ngoái lại, trừng mắt với cậu.

"Tui về nha Lan."

Hưng vỗ vai Lan, ôm cặp đi.

Ngoài trời, mây đen kéo về, làm cuộc càn quét mặt đất, vô tình làm xám xịt cả lòng nó.

Trường tụi nó ở trong con ngõ nọ, cứ mưa xuống là ngập, có mấy lần ngập lên tới đầu gối. Mỗi lần như vậy là tụi nó phải xắn ống quần, tự lội ra ngoài chợ. Có ba con đường để đi ra ngoài: phía bên trái là đường bãi rác, vì ở đó có bãi rác to lắm; phía bên phải là cổng chính, người ta hay khoét đất lấp đường ở đó, trời mưa đi không cần thận té xuống cống như chơi; còn một đường nữa, ngắn, dễ đi hơn, nhưng ở dưới toàn thủy tinh.

Hồi lớp sáu có đợt kia mưa dữ lắm, ngập quá đầu gối mà nước thì đục ngầu, nó cởi giày ra, chạy một mạch ra đường lớn. Thủy tinh đâm vào chân nó, cứa mấy vết sâu hoắm. Nó đau, có điều nó sợ trễ giờ diễn, người ta la má nó. Hồi nhỏ có lần kia nó ngủ quên, tới sân khấu thì đã lố mười phút rồi. Ban tổ chức giữ nó lại, không cho nó lên hát nữa, còn mẹ nó thì bị kéo vô một góc. Nó không nhớ người ta nói gì nữa, hồi ấy nhỏ xíu, có hiểu cái chi đâu. Nó chỉ nhớ là mẹ nó phải xin lỗi nhiều lắm.

Nó ghét vậy.

Nó ghét việc phải cúi đầu trước ai đó với ý nghĩ khác thay vì lòng thành kính.

Sau lần đó, mỗi khi có lịch diễn, nó sẽ ngồi trước đồng hồ, canh từng giây, đảm bảo nó đi đúng giờ.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước rồi, giờ Hưng có còn đi hát đâu. Nó chẳng cần phải thấp thỏm lo lắng sợ má nó đón trễ nữa. Nó về sớm hay về trễ không quan trọng. Chắc má nó đợi trời tạnh rồi mới đi đón nó, bình thường toàn vậy.

Mưa là bức tranh đẹp của tình yêu đôi lứa, không phải của kẻ thất bại cô đơn.

Quý ngồi trên chiếc xe đạp nhỏ xíu như của mấy đứa học tiểu học, phóng vài vòng quanh trường mặc cho trên người cậu không có áo mưa.

Nhìn cậu giống vị anh hùng quả cảm trong hoạt hình nước ngoài hay chiếu trên tivi. Mấy nét vẽ đó vô tri, nhưng lại có sức mạnh ghê gớm. Nó có thể làm người ta cười, người ta khóc vì nó. Hưng nhớ có đợt kia, bộ phim nào đó kết thúc, mấy thằng con trai trong lớp ôm nhau khóc, tiếc nuối vì một hành trình nữa kết thúc. Hưng chẳng tài nào hiểu được tại sao tụi nó lại quyết định đặt mình vào đời sống giả tưởng.

Bởi lẽ, chỉ có hình vẽ mới thỏa mãn được phần con nít muốn làm anh hùng mà ai cũng có.

"Hưng về không?"

Quý chìa cái tay dính đầy nước mưa về phía nó, cười cười nói.

Hai đứa nó không thân tới vậy. Nhưng Kim Quý của những năm học cấp hai vẫn là thằng nhóc muốn chia sẻ niềm vui cho tất cả mọi người. Cậu biết nó buồn, và như lẽ thường tình, cậu muốn nó bước ra khỏi vùng trũng cảm xúc đó. Quý tốt quá, tốt tới tưởng như cậu đang diễn theo kịch bản có sẵn.

"Hưng sợ ướt hả? Hưng có đem áo mưa không? Không có thì để tui chạy đi mua. Tui chạy nhanh lắm, Hưng khỏi lo mắc mưa sốt."

"Thôi khỏi, Quý về trước đi."

"Vậy Hưng về sớm nha."

Quý gật gù, đưa tay ra định vỗ vai Hưng nhưng lại rút tay về. Cậu quay người lại, hướng về phía màn mưa, chạy thẳng.

Cơn mưa lớn trút xuống, tạo thành bức tường trắng cao chót vót. Dòng người bị cuốn theo làn nước, mất hút. Thông thường, cảnh vật là cố định, trong khi con người chỉ là thứ yếu, là nét mực tô thêm trên bức tranh phong cảnh rộng lớn. Hồi xưa, các thi nhân hay làm thơ tả cảnh, vì có mấy ai muốn nghe tiếng lòng của họ đâu. Từ tình, tiên nhân vẽ ra cảnh. Từ cảnh, hậu nhân vẽ ra tình. Quý ở đó, ngay giữa tòa thành bằng nước, nổi bật hơn tất thảy.

Nước dâng lên hơi cao quá, tràn vô tuốt trong sảnh. Mấy đứa học sinh lớp dưới thấy thế thì vui lắm, cúi xuống vốc nước tạt lên người nhau hoài. Nó nhăn mặt, vội chạy ngược lên hội trường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro