1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

.....

Chuyện rằng từ thuở xa xưa,
Sơn Nam, Kinh Bắc đôi bờ uyên nguyên.
Hai nhà văn võ đồng huyên,
Cùng hàng thế tộc, phúc điền cao sang.

Nhà văn thác sinh đấng anh hùng,
Chẳng chuộng văn bút, chẳng phú chương.
Chí ôm binh pháp can trường,
Võ công luyện đức, phi thường chí nhân.

Sáo ngọc ngân giữa thanh vân,
Phong lưu tiêu sái, cứu dân giúp đời.
Chính tâm, chính đạo, sáng ngời,
Cương cường chẳng khuất, lòng người mến thương.

Nhà võ lại thác sinh công tử,
Dáng như ngọc thụ, diện tựa hoa
Tinh thông lục nghệ bội phần,
Phong tư phóng khoáng, thâm trầm ý thơ.

Trước là địch thủ bất hòa,
Kẻ văn, người võ, đôi bờ xa xôi.
Gươm đao quyết chí chẳng rời,
Bút nghiên uyển chuyển, tót vời thiên thanh

Thù xưa giờ hóa nghĩa giao,
Trăng soi kết bạn, thanh tao tâm tình.
Khiêm nhường hai chữ ân minh,
Văn chương võ đạo, kết tình tri âm.

Sơn Nam ai cũng ngợi khen,
Giai nhân tài tử, chuyện tình vang xa.
Kinh Bắc lưu luyến ngọc ngà,
Một trang giai thoại, truyền qua muôn đời.

Bên văn, bên võ ngời ngời,
Cùng nhau sánh bước rạng ngời sơn khê.
Thuyền trăng chung bến ước thề,
Ngàn năm còn tạc, lời thề chẳng phai

....

  Học đường dinh quan Chưởng cơ nằm trong đình viện có mái cong như cánh rồng chầu, xây toàn bằng gỗ lim nép sau một mảnh rừng trúc xanh mướt. Lối vào rộng thênh thang, cổng dựng hình vòm nguyệt, sân lát gạch Bát Tràng. Viên nào viên nấy vuông chằn chặn, dẫn đến một khoảnh sân xây cao có hồ cá và hòn non bộ, một cây hoàng lan cao vượt lên những tầng lá xanh xòe ra như tấm lọng, cành treo lủng lẳng một cái lồng son cao dễ đến sáu thước, nhốt một con chim hoàng oanh, đầu gục xuống, rúc vào cánh say ngủ. Ở chái nhà phía Tây, một ao sen nở hoa rực rỡ, hương đưa ngào ngạt. Ngày hôm ấy học đường của cụ giáo Tuần đón thêm một môn sinh mới. Buổi sáng giữa hè có nắng vàng như mật, mới giờ Mão, đám học trò nhỏ đã túm tụm lại với nhau dưới gốc cây hòe đương trổ hoa trắng, kháo nhau rằng, người ấy là con trai một ông hàng Tam phẩm Văn giai dưới Phú Xuân mới bị giáng xuống làm Giám sát ngự sử vùng Sơn Nam, vừa đem gia quyến đến tư dinh ở phủ Văn Giang ngày hôm qua. Quan Giám sát ngày còn ở Phú Xuân vốn rất thân thiết với quan Chưởng cơ, nên nghe danh cụ giáo đã lâu, vừa đến nơi đã đánh tiếng với người bên dinh quan Chưởng, gửi thiếp và lễ vật, mong cụ giáo thu nhận người con trai nhà ấy. Cụ giáo Tuần ngồi trầm ngâm phía sau án thư, tay vân vê cái quản bút bằng ngọc quý đã bị sứt mất một mảnh, đọc đi đọc lại tấm thiếp bằng giấy Yên Thái, nhóng nhánh một thứ xà cừ rõ đẹp mà chỉ nhà quyền quý mới dùng, lòng chợt bồi hồi nhớ về ngày tháng quan trường khi xưa, trước khi được vời vào dinh quan Chưởng cơ họ Nguyễn cáo lão đã lâu, dạy học cho con và các cháu trai nhà ấy, đến nay đã sáu năm có lẻ. Trong đám học trò, cụ thương nhất người con trai út nhà họ Nguyễn, tên Nguyễn Hoàng Sơn, là đứa thông minh sáng dạ nhất, mới mười tuổi đã thuộc làu hết Tứ thư Ngũ kinh, lại tinh thông nhạc nghệ, rành trò hát xướng, tuổi còn nhỏ nhưng hồng nhan tri kỷ ắt đã trải hết cả phủ Bắc Hà. Đoạn, cụ bật cười, sao mà, trái ngược với con quan Giám sát đến thế ?

    - Nguyễn - Cao - Sơn - Thạch ? Đến cái tên cũng chẳng khác nào tên con nhà võ, chẳng phải vững như đá, cao như núi hay sao ? - cụ giáo gật gù, đôi mắt đùng đục màu đồng thau lóe lên chút ánh sáng. Cái cậu con trai này ấy à, tính tình nghịch ngợm, sáng cùng gia nhân bày trò đánh trận giả, đêm lại trốn khỏi tư dinh trốn ra ngoài chơi, lần nào cũng đem theo mấy người bạn, dỡ mái ngói, đạp đổ rào, lại đi một vòng quanh tường thành, ném đá lên tường và nóc nhà, náo động cả một góc Kinh thành, khiến quan Giám sát nhiều phen khó mà ngẩng mặt trước sân rồng. Cụ giáo Tuần chợt bật cười, đúng lúc có tiếng nhạc ngựa vang lên từ ngoài cổng, cụ vội giật giọng gọi đám học trò vào chỗ ngồi, chỉ một chốc, mười mấy án thư nhỏ bằng gỗ mun trong đình đã kín những người, mấy mái đầu nho nhỏ đen nhánh, quấn khăn xếp nghển cổ trông ra ngoài. Cánh cổng chậm chạp đẩy ra, ông quản gia họ Trần đi trước, một cậu trai dáng cao dong dỏng, gương mặt khôi ngô tuấn tú, mặc áo trắng, chân đi hài Kinh rảo bước theo sau, đi sau cùng là hai người hầu. Quản gia cúi người, chào :

    - Kính chào cụ giáo, tôi theo lệnh quan lớn dẫn cậu Thạch đến. - đoạn chìa tay, tỏ ý mời cậu con trai nhà quan Giám sát lên phía trước. Nguyễn Cao Sơn Thạch vòng tay, cúi người, lên tiếng :

    - Học trò họ Nguyễn Cao, tên chữ là Sơn Thạch, tự là Nhạc Bích, con trai của quan Giám sát ngự sử Nguyễn Cao Cửu Viên, nguyên quán ở thành Phiên An, xin được bái kiến thầy.

  Cụ giáo Tuần gật đầu, đoạn đưa tay mời cậu vào trong. Đám trò nhỏ tò mò nhìn theo bóng áo trắng lướt đến chiếc án thư đối diện với người thầy, đặt phía trước những án thư còn lại, nằm giữa hai hàng cột rường trong đình, trên án bày giấy tuyên, nghiên mực hoa lan cùng quản bút và chặn giấy bằng ngọc thạch, mỗi thứ chỉ có một cái. Sơn Thạch xê dịch chiếc đệm cói dưới chân, đoạn khoanh tay, mắt hướng lên nhìn cụ giáo Tuần. Cụ đứng phía ngoài, trò chuyện đôi câu với quản gia, rồi mới nhấc vạt áo thâm, quay trở vào trong, đúng lúc cụ trông thấy người trò mới ngồi xuống, thì từ ngoài đã vang lên tiếng chân người chạy, và tiếng trang sức xô lấy nhau vội vã. Từ sau tấm bình phong, cậu út Hoàng Sơn nhảy xổ ra, vận áo chẽn màu thiên thanh, cổ đeo kiềng bạc, hớt hải kêu to :

    - Thầy Tuần, hôm qua con đi xem hát quan họ ở tuốt dưới phủ Thuận An đến mãi tối mới về, nên sáng nay... - chợt nó ngưng bặt, nhìn chăm chăm vào cái án thư được đặt tách biệt với mọi người, đã có một người ung dung ngồi sẵn. Hoàng Sơn nhíu mày, hỏi :

    - Ô kìa, ai thế kia ?

    - Tôi là Nguyễn...

    - Đây là môn sinh mới được cha con gửi gắm, là con trai ông Nguyễn Cao Cửu Viên mới từ Phú Xuân ra. Con mau ngồi xuống đi, người đâu, mang giấy bút khác và đệm ngồi ra cho cậu Thạch. Hoàng Sơn, từ rày không được đi xem hát về khuya nữa, con đã đến muộn dăm lần trong tháng nay rồi. - Sơn Thạch chưa kịp nói hết câu, cụ giáo Tuần đã cắt lời nhanh chóng, đoạn vẫy tay với cậu Thạch, bởi cái án ấy, vốn là của riêng cậu út nhà quan Chưởng cơ, không ai cấm cản, nhưng cũng chẳng ai muốn bén mảng đến gần. Cậu út suy cho cùng là người dễ tính, nhưng những thứ như giấy tuyên, nghiên mực, quản bút đều là đồ ông lớn chiều theo ý con trai mà đã mời cả nghệ nhân từ trong Kinh ra để làm riêng, mà ngoài cậu ra, hẳn cũng chẳng ai đủ cao quý để sờ mó đến, ấy thế, mà cái cậu Thạch ấy...

    - Cậu ta ngồi chỗ của con kia mà, thưa thầy ? - Hoàng Sơn cao giọng, quạt the phe phẩy vẻ tức tối lắm, nhưng cụ Tuần lừ mắt một cái, cậu út cũng đành ngoan ngoãn ngồi xuống, nhưng trong lòng đã tầm ngầm ghi nhớ cái tên ngay buổi đầu đến lớp đã lấy mất án thư của mình, từ ấy hóa ra một giai thoại mà chẳng biết bao lâu sau người ta vẫn còn kể...

*****

  Từ sau ngày hôm ấy, học trò cụ Tuần trong dinh quan Chưởng cơ cứ lâu lâu lại cười rộ lên, mà nhắc mãi cái duyên nợ đến là dấm dớ của cậu út nhà võ và cậu cả nhà văn trong học đường. Cả hai kèn cựa nhau từng cái một, chẳng ai chịu nhường ai. Oái oăm ở chỗ, con trẻ thì "gà trống tức nhau tiếng gáy", còn gia phụ hai bên lại mến tài mến đức nhau từ hồi ông Nguyễn Văn Cảnh, tức bố cậu Sơn từ khi ông còn làm quan ở Kinh đô, thế nên, chỉ sau một thời gian học tập với cụ Tuần, ông Cửu Vân đã sắp xếp cho con trai sang ở hẳn bên dinh quan Chưởng, lại sai người đem tư trang áo quần của con trai sang một gian nhà sát vách với gian nhà của cậu Sơn, một căn nhà nhỏ xinh tựa lưng vào một hòn núi giả, xung quanh trồng đầy những kì hoa dị thảo, lại cách học đường của cụ Tuần có một con đường. Ấy thế là, dù chẳng ưa gì nhau, cả hai buộc phải cùng ăn cùng học, sớm tối kề cận như thể thân thiết lắm.

  Hoàng Sơn biết cậu Thạch vốn không giỏi việc học hành, lại ham chơi quậy phá, mà quả thực, những trò cậu Thạch bày ra cũng rất quái, và không may, là lại được đám bạn học hưởng ứng : từ buộc dây thừng vào chạc cây đa trong sân đánh đu, đến giấu biến chiếc lồng chim hoàng oanh khiến thầy Tuần cuống lên đi tìm, hay gài cho chúng bạn ăn bánh chưng đất, hay bôi râu cho thầy trong lúc cụ đang ngủ, thậm chí là đánh tráo mực viết của bạn bè, khiến cho chữ Nho trên giấy tuyên đột nhiên biến mất tăm mất tích và biết bao thứ trò nghịch ranh khác, ấy là chưa kể, đó chẳng phải những trò mà cậu Thạch nhắm đến cậu Sơn, mà mức độ, cứ thế mỗi lúc một tăng lên, nên Hoàng Sơn cứ rình lúc cậu Thạch ủ mưu làm gì mờ ám, là tức tốc chạy đi mách với thầy, khiến cho Sơn Thạch bị đánh đòn đến lằn cả lưng, nằm im không cựa quậy được cả tuần trời, vì vậy lấy làm ức lắm. Cho đến một đêm giăng sáng nọ, Hoàng Sơn đang ngồi trong trướng, tay mân mê sợi dây đàn bầu, hai mắt lim dim xem chừng thoải mái lắm. Chợt, bỗng có tiếng bước chân giậm thình thịch, cùng tiếng sột soạt rất lạ trên mái nhà, rồi một bóng áo trắng lướt ngang cửa sổ. Gió rít lên trên tấm ngói âm dương, Hoàng Sơn giật thót, quờ tay cầm ngọn nến lớn đặt trên án thư rồi lò dò đi ra trước tấm bình phong, hai mắt đảo quanh quất, kín đáo nuốt nước miếng. Cậu chàng sợ ma. Tiếng sột soạt mỗi lúc một gần, rồi từ trong anh trăng mờ mịt, một người trùm vải nhảy xổ ra, rú lên một tiếng, bổ nhào lên người Hoàng Sơn. Cậu út sợ đến câm lặng, đánh rơi cả ngọn nến đang cầm trên tay, đoạn lăn ra ngất xỉu. Cái người trùm vải trắng ấy tặc lưỡi, lầm bầm :

    - Dọa có một tẹo đã lăn ra ngất xỉu, sao đàn ông con trai gì mà yếu vía... - Sơn Thạch nói vậy đấy, rồi vội vàng xốc cậu út vào trong trướng, lại nhanh chóng chạy biến về gian nhà của mình. Cũng chẳng rõ sau đó xảy ra chuyện gì, nhưng Thạch chỉ biết rằng, ngày hôm sau, Hoàng Sơn đã khóc tấm tức một thôi một hồi, khiến ông Cảnh thương con trai mà đồng ý để cậu rời gian nhà nhỏ, quay về viện sau ở cùng với mẹ. Thế là, Sơn Thạch chẳng còn thấy cậu út rất đỗi khả ái ấy thêm lần nào ngoài giờ lên lớp nữa, và cái mối duyên dấm dớ ấy, đã sâu lại càng thêm sâu, bởi Hoàng Sơn cũng bắt đầu bày trò để trả đũa lại người bạn hơn tuổi, chứ không chỉ đi mách cụ giáo Tuần như trước. Cứ thế, chẳng mấy chốc đã qua bảy năm, số học trò trong học đường cũng thay đổi ít nhiều, nhưng hai người Hoàng Sơn, Sơn Thạch vẫn luôn ở cạnh nhau, dẫu chẳng mấy êm ả, nhưng chưa một lần thiếu vắng người còn lại.        

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro