8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lại thêm một ngày trôi qua, cậu út vẫn nhốt mình trong phòng. Cơm bưng lên, lúc dọn xuống chẳng khác gì nhau.

Ông bà bá thì đỡ hơn chút, vẫn ăn uống đoàng hoàng nhưng mặt ai nấy đều bí xị. Cả cái nhà lớn giờ im ru, buồn hoe, chẳng ai nói cười cho nổi. Đến mấy đứa người ở cũng bị ám luôn cái không khí xám xịt ủ rũ mà làm lụng chậm chạp hơn hẳn.

Thật ra, nếu làm ở đây lâu thì lần này chẳng phải là lần đầu thấy cả nhà ông bá buồn rầu đến thế. Hồi ba năm về trước, lúc cậu út chuẩn bị đi Tây học, đã từng xảy ra một lần rồi, giống y hệt thế này.

Dẫu thế nhưng chẳng ai biết nguyên nhân thực hư là như nào, ngoại trừ người trong cuộc.

Cậu út lúc đó mới mười tám tuổi. Tuổi này không phải là lớn, nhưng đủ để dựng vợ gả chồng rồi. Huống chi nhà ông bá giàu có, cậu út lại còn bảnh bao, muốn lấy vợ môn đăng hộ đối thì có gì là khó. 

Ông bà bá khi ấy cũng đã tính đến chuyện cưới xin cho cậu, nhưng đùng một cái cả nhà cãi vả một trận ùm xèo. Cậu út y như bây giờ, không nói không rằng, nhốt mình trong phòng mấy ngày liền.

Rồi lại đùng thêm một cái, cậu được ông bà bá nhờ người quen gửi gắm cho đi qua Tây học hết ba năm ròng rã.

Chuyện từ đó cũng chẳng ai nhắc tới nữa.

Nhưng rốt cuộc nguyên nhân khi ấy là cái gì?

Năm mười tám tuổi, cậu út Nhân con ông bá hộ Trương đã nói với cha mẹ rằng: "Con không thích con gái."

Ba năm trôi qua, ông bà bá cứ nghĩ rằng cậu sẽ không như thế nữa, sẽ cưới vợ sinh con theo lẽ thường tình, chứ chẳng "bệnh hoạn" như ba năm về trước. 

Nhưng ông bà lại không biết rằng đã là tình cảm là bản chất thì làm sao mà quên, làm sao mà sửa. Đâu phải cục đất cục bùn mà muốn nắn sao thì nắn.
Huống chi đó cũng chẳng phải là bệnh, mà nếu có thật là bệnh thì chính là bệnh tương tư.

Khi còn nhỏ, cậu út từng một lần chơi dại chọc phá đàn ong. Lúc đang chạy thục mạng vì bị đuổi thì có một đứa trẻ mặt mày lấm lem, trên tay cầm theo khúc củi cháy một đầu từ đâu xông ra quơ về phía bọn chúng. Một tay cầm củi, một đẩy cậu chạy trên con đường đê xa tít tắp đến khi trời chạng vạng tối thì đàn ong mới chịu bay đi. Đứa trẻ kia ốm tong teo, trên người còn có vết ong chích đang sưng tấy lên. Cậu út lúc đó vừa lo vừa sợ, bất giác muốn đưa tay chạm vào chỗ bị ong chích trên trán đứa trẻ thì nó bỗng dưng vùng chạy ra, rồi dần dần biến mất trong màn đêm. Cậu sờ mặt mình, chỉ thấy hơi nhói một chút ở chỗ mí mắt. Lúc đó cậu chợt nhận ra đứa trẻ kia đã chắn trước người cậu, đỡ hết mấy mũi chích của đàn ong rồi.

Kể từ cái ngày hôm đó, kí ức ấy cứ ở trong đầu cậu đến khi cậu khôn lớn, và đến tận ngày hôm nay hình ảnh ấy cũng đã được thay bằng dáng vẻ trưởng thành của đứa trẻ kia.

Đứa trẻ đã cứu cậu nghe nói nhà nghèo lắm, nó còn có một ông ba nát rượu nổi tiếng gần xa.

Hôm nay Cẩn được về nhà, mặt mày nó ủ rũ chẳng khác nào gà nuốt dây thun. Nó vừa đi, vừa nhớ đến lời cậu nói trong đêm trước mà ngực lại nhoi nhói. Thật ra nó muốn đi cùng cậu lắm chứ, nó cũng mừng vì biết cậu cũng thương nó. Dù nó không được ăn học đàng hoàng nhưng má nó cũng dạy rằng cái nào của mình thì là của mình, cái nào không được thì đừng cố mà lấy, má nó còn nói yêu thương qua miệng thì dễ, còn làm mới khó. Thương người ta thì đừng để người ta khổ.

Nó thương cậu, thương cậu nhiều nên nó nhất định không làm cậu khổ.

Trên con đường đê rộng rãi, gió lay xào xạc. Cẩn đi không biết được bao xa nhưng trời đã bắt đầu tối, từ phía sau có người gọi nó.

"Cẩn."

Cẩn quay đầu lại, người trước mặt nó vậy mà lại là bà bá hộ.

Thường bữa đi đâu bà cũng đều dẫn theo con Hương để tiện bề hầu hạ. Nhưng hôm nay chỉ có mỗi mình bà.

Cẩn chưa kịp lên tiếng thì bà đã đi đến trước mặt Cẩn. Giờ nó mới nhìn rõ, mắt bà sưng húp à, vết chân chim ngay khoé mắt như khắc sâu hơn một chút rồi.

"Dạ bà."

Bà bá nhìn nó, không hiểu sao nó thấy mắt bà rưng rưng. Giọng bà khàn khàn như nghẹt mũi.

"Bà hỏi mày, mày phải trả lời thiệt."

Cẩn gật đầu: "Dạ, bà biểu con nghe."

"Ừ. Mày làm ở đây gần một năm nay bà có tệ với mày không?"

Cẩn ngơ ngác, nó không biết tại sao bà lại hỏi như này, nhưng chắc chắn nhà ông bà bá Trương là chủ tốt nhất đời nó rồi.

Cẩn lắc lắc đầu, nhỏ giọng nói: "Dạ không."

"Vậy mày... thương cậu không?"

Cẩn đứng hình trước câu hỏi của bà. Nhưng với cái biểu hiện đó cũng chẳng khác một cái gật đầu.

Bà bá hít một hơi sâu rồi lấy từ đâu ra một cái túi màu nâu, bên trong túi cứ kêu lên lạo xạo. Bà dúi cái túi vào tay Cẩn, hai bàn tay bà nắm chặt tay nó.

"Nhà bà đó giờ chưa bao giờ tệ bạc với mày, cũng chưa xin xỏ mày cái gì. Mày thương cậu thì bà cầu xin mày cầm tiền này đi khỏi chỗ này đi được không, đi càng xa càng tốt, mày thấy không đủ thì ba cho thêm, bao nhiêu bà cũng cho."

Đúng là chuyện gì tới cũng phải tới. Việc của nó với cậu từ lâu đã được xem là trái luân thường đạo lý.

Bà thấy nó cứ im ru bất động nên cũng bắt đầu không yên, hai hàng nước mắt ứa ra từ khoé mắt già nua của bà.

"Cẩn, bà xin mày mà, bà lạy mày, làm ơn làm ơn, Cẩn ơi tha cho cậu mày đi, bà xin mày."

Bà bá vừa khóc vừa la, Cẩn thấy bàn tay của bà cũng bắt đầu run lên. Người làm cha làm mẹ ai mà muốn con mình bị người đời khinh rẻ đâu. Những người thương nhau càng không muốn người mình thương phải chịu khổ. Chia cắt, đau buồn thì đã làm sao?

Cái xã hội nay vốn đã là như thế rồi.

Cẩn đỡ lấy vai bà, nó dúi ngược túi tiền lại cho cho bà.

"Bà thương con, cậu tốt với con mà đó giờ con không có giúp gì được cho bà. Bà biểu thì con đi, bà không cần đưa tiền cho con."

"Thiệt... thiệt hả Cẩn, bà đội ơn mày, đi, đi trong đêm nay nha, đi trong đêm nay."

Cẩn siết chặt lấy bàn tay mình, nó lại bắt đầu thấy khó thở, nhưng vẫn cố bặm môi gật đầu.

Bà bá như trút được gánh nặng, trên mặt vẫn còn ướt đẫm nước mắt, nhưng môi lại nở một nụ cười.

"Bà đội ơn mày, đội ơn mày."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro