Trạng cáo quan(7)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gia Phúc chạy ra khỏi phủ, trên tay còn cầm một bộ quần áo màu nâu sẫm, hơi cũ, phần rìa cũng bị tưa không ít. Rồi sau đó, tìm một góc khuất, mặc bộ đồ vải cũ ấy vào, còn bộ quần áo lụa trên người mình thì máng đại lên nhành cây.

Cậu cười, hí ha hí hửng cầm theo chiếc hộp nhảy chân sáo trên đường đi. Rồng Đất trong hộp như cũng cảm nhận được cái tinh thần phấn khởi của cậu chủ mà kêu lên chít chít. 

Cậu đi qua hai con đường, đường càng đi càng nhỏ, càng đi càng hẹp, hai bên cũng chẳng còn nhìn thấy những ngôi nhà mái ngói nữa mà thay vào đó là đường ruộng lúa trải dài xanh um, mùi mạ non thoang thoảng theo gió bay đi xa thật xa, bay qua con đường đất, bay qua bụi tre dài ngoằn, xanh mướt, bay qua tán rộng xum xuê của cây đa già chẳng biết mọc lên từ bao giờ. 

"Đại Chúa Tể, bên này!"

Là giọng nói của một cậu choai choai đang vẫy tay với Gia Phúc phía trước. Đại chúa tể là tên mà nhóm bạn chơi cùng với Gia Phúc đặt cho cậu. Từ cái hồi mà Gia Phúc đến, còn ôm theo con Rồng Đất đá đâu thắng đó thì cả nhóm thanh niên trạc tuổi cậu đều kêu cậu bằng cái tên này, riết rồi chẳng ai thèm quan tâm đến tên thật của cậu là chi hết, cứ Đại Chúa Tể mà kêu. 

Đại chúa tể hôm nay hăng hái lắm, vừa tới đã choàng vai bá cổ vào cậu bạn vừa gọi mình. 

"Sao nào, hôm nay đối thủ của Rồng Đất là gì đây?" 

Cậu bạn kia tặc lưỡi một cái, vỗ tay cái chát, rồi rút trong túi ra một chiếc hộp bằng gỗ, còn vả vả vào chiếc hộp mấy cái, con dế bên trong liền kêu lên vài tiếng khe khẽ. 

Gia Phúc hứng thú, mở to hai mắt: " Ể, gáy nghe êm đấy nhá." 

Cậu bạn kia cười nhếch mép: "Giời, còn phải nói, con này tao vừa bắt được ở sau bụi tre nhà ông Quân ấy, chân dài, cánh đẹp, râu đều, màu nâu bóng lưỡng luôn á, tao thấy Rồng Đất của mày đợt này thành Rồng Thăng Thiên rồi."

Gia Phúc trề môi: "Chưa biết à nha, Rồng Đất của tao là trăm trận trăm thắng, không phải muốn thua là thua đâu à."

Nhóm bạn xung quanh cũng bắt đầu bè theo.

"Thiệt à nha, thôi, tao vẫn bắt Rồng Đất, nhỡ mà thua lại mắc công đi trộm xoài nhà bà Tám nữa, bả mét má tao là chết chắc." 

"Ê mà nãy tao thấy con dế của thằng Khớm rồi, trời ơi vừa đẹp vừa bự tổ chảng luôn, thôi, nay tao bắt con của thằng Khớm, đá không lại thì lấy thịt đè người, cỡ nào cũng thắng."

Cả nhóm loi nhoi một lúc thì chia rõ ra hai phe. Đám thiếu niên chau đầu lại nhìn vào chiếc hộp đựng hai con dế đang đối đầu kêu lên chít chít.

"Chít chít! Chít... chít."

Sau một hồi vật lộn thì đã có một con nằm yên không động đậy, con còn lại như càng đá càng hăng, kêu lên mấy tiếng thật to thật dài.

"Á há, thắng rồi thắng rồi, Rồng Đất lại thắng rồi, Khớm ơi là Khớm, tao đã bảo rồi Rồng Đất của Đại Chúa Tể mày không thắng nổi đâu."

Khớm chu môi cụp mắt, đưa tay vào cầm lấy sợi râu con dế của mình giơ lên cao, con dế chỉ hơi động đậy nhẹ nhẹ, chân búng mấy cái rồi lại tiếp tục im lìm. 

Gia Phúc thấy vậy cũng chẳng đành lòng, đi đến vỗ vào vai của Khớm một cái: "Thôi, Rồng Đất của tao cũng mệt lắm rồi, con của mày đá cũng hay lắm, mà chắc tại xui. Vầy đi, coi như trận này hòa, mày khỏi phải trộm xoài bà Tám." 

Khớm ngước mắt lên nhìn: "Bộ mạnh thiệt hả?"

Gia Phúc phì cười gật gật, rồi xoa đầu Khớm: "Cái thằng này, thiệt, với kinh nghiệm nhiều năm đá dế của tao thì con của mày rất mạnh luôn." 

Khớm chớp mắt, thở ra một hơi rồi đi đến bụi tre trước mặt, đào một cái lỗ nhỏ dưới đất cho con dế vào, lấy mấy lá tre khô gần đó đậy lên trên. 

"Thôi, nay ra quán bà Tư ăn chè đi, tao bao." 

Gia Phúc vừa nói cả nhóm lại bắt đầu láo nháo, hoan hô vui vẻ hết sức, người đi trước, kẻ đi sau chạy ùa ra quán. 

Ăn uống no say một lúc thì cũng đến đoạn tính tiền, Gia Phúc vẫn còn ung dung chán, nhưng mò mãi chẳng thấy túi tiền đâu, mới bắt đầu nhớ lại thì ngay cái lúc mà thay bộ đồ đã bỏ luôn cả cái túi ở đó mất rồi. 

Mặt cậu lúc này từ xanh thành trắng, nhìn cả chồng chén trước mặt mà nuốt nước bọt một cái, Khớm là người đầu tiên phát hiện ra biểu cảm lạ thường của Gia Phúc. Nó lay nhẹ vai cậu rồi hỏi nhỏ: "Mày sao vậy? Mắc nghẹn hả?" 

Gia Phúc lắc đầu mím môi, Khớm như đã hiểu ra, nó liền trợn tròn mắt, không kềm chế được mà cao giọng la lên: "Mày quên mang tiền hả?" 

Cả bọn đang nhai đột ngột dừng lại hết, hoảng hồn nhìn về phía Gia Phúc. Lần này thì thôi rồi, hết cứu rồi, ở đây có đứa nào có tiền đâu, toàn là nhà làm ruộng, gạo có khi còn chẳng có mà ăn nói chi là có tiền. Bốn phía đưa mắt nhìn nhau, dù không nói ra nhưng ánh mắt đều hiểu hết, ý là bỏ chạy, quỵt tiền. Chén trên tay từ từ đặt xuống, chân nhích nhích chuẩn bị sẵn, hô cái là chạy. Gia Phúc gật đầu, la lên một tiếng: "Chạy!"

Ghế ngã nghiêng hết, mạnh đứa nào, đứa đó chạy, Gia Phúc đi được mấy bước thì khựng lại, chẳng ai còn tâm trí đâu mà quan tâm đến cậu, đều cắm mặt chạy hết rồi. Đợi khi không còn ai nữa Gia Phúc mới đi về phía bà Tư đang ngơ ra không hiểu chuyện gì. Cậu gãi đầu: "Bà Tư, nay con quên mang tiền rồi, bà Tư ghi nợ cho con nha, bữa sau con đến trả." Nói tới đây, cậu lại nhớ về lời ông Trần Phước nói: "Con mà làm cho nhà họ Trần này mất mặt thì liệu mà tìm nơi nào xa trốn đi, đừng để ông tìm ra." Nhà họ Trần, quan văn có, quan võ cũng có, ai cũng tận tụy cống hiến cho nước cho dân, làm gì có ai ăn chơi như Gia Phúc, lại còn định ăn quỵt, ông Phước mà biết là không xong đâu. 

Vò đầu bứt tai một lúc, cậu mới lấy trong người ra một sợi dây chuyền dây đỏ mặt dây chuyền bằng đá, nhưng ngay chỗ móc của sợi dây và mặt đá có một viên vàng nhỏ cỡ bằng nửa ngón tay út. Gia Phúc cầm sợi dây, đôi mắt có chút không nỡ: "Sợi dây này là của cha mẹ cho con lúc con ba tuổi, trên đây có đính một viên vàng, bà Tư cho con trả đỡ nha." 

Bà Tư xua tay: "Thôi không sao mà, vài bữa sang trả bà cũng được, có vài đồng thôi." 

Gia Phúc lắc đầu, dúi sợi dây vào tay bà: "Vậy tối nay bà với hai đứa cháu ăn gì? Bà nhận đi đổi gạo ăn dần." 

Thật thì bây giờ quay về lấy tiền cũng được nhưng khoảng cách hơi xa, vòng tới lui hai lượt là tối luôn, mà phủ Thái Phó không cho đi đêm, mấy lần trước toàn là chui lỗ chó về, có lần bị ông phát hiện, đánh đến mức ngồi bằng mông là một chuyện xa xỉ. Mà bị đánh cũng được, nhưng hai đứa cháu của bà Tư thì không chịu đói được, ngày bán có mấy bát chè kiếm vài đồng chiều về mua gạo cho hai đứa cháu ở nhà, mà nhà bà Tư còn ở làng bên nữa, xa lắm, suy đi tính lại thì chỉ còn cách này thôi.

Gia Bảo hít một hơi sâu, lần nữa dúi sợi dây vào tay bà Tư. Đang lúc đẩy qua đẩy lại thì có người đi đến, giữ lấy bàn tay của Gia Phúc, Gia Phúc thoáng giật mình đưa mắt nhìn. Là một người thanh niên khá chững chạc, tay mang một cái túi vải, ăn mặt không lụa là gấm vóc nhưng thẳng thớm, chỉnh tề, khuôn mặt sáng sủa, nghiêm nghị, Gia Phúc đoán đây chắc là thí sinh thi đình đây mà. 

Người đó cất giọng, giọng trầm trầm, ấm ấm: "Đồ của cha mẹ để lại, đừng tùy tiện mang ra." Nói xong liền lôi trong tay nải ra một túi tiền cũ kĩ, đổ tiền ra hết trên tay: "Bà ơi, nhiêu đây đã đủ chưa?"

Gia Phúc nhìn đống đồng lẻ trên tay người nọ mà sửng sốt, ai cha, khéo ghê, ấy vậy mà tiền vừa đủ trả luôn cơ, không hơn, không thiếu một đồng. 

Bà Tư cũng ngớ ra luôn, người đó lại kéo tay của Gia Phúc ra, rồi dúi tiền vào tay bà Tư. Xong xuôi thì ngoảnh mặt đi luôn. Gia Phúc hết nhìn bà Tư rồi lại nhìn người thanh niên đang đi xa dần phía trước, được một lúc thì liền quyết định co giò chạy theo người kia. 

Lần đầu tiên trên đời thấy có người lo chuyện bao đồng đến vậy, dốc sạch vốn liếng giúp một người xa lạ mà chẳng chút nghĩ suy.

Gia Phúc chạy một đoạn rồi cũng đuổi kịp, cậu cười thích thú: "Cảm ơn anh nha, anh tên gì, nhà ở đâu để mơi mốt trả tiền lại cho anh." 

Người kia nhẹ lắc đầu: "Không cần trả, một lúc nữa đến nơi rồi, không cần dùng tiền nữa." 

Gia Phúc ồ lên: "A, vậy ra anh lên kinh đi thi hả?" 

Người nọ gật đầu, nhưng chẳng nói gì nữa. 

"Thế anh cứ cho tôi biết tên đi, lỡ mà sau này gặp lại còn biết cách xưng hô." 

"..." 

"Thôi nào, có cái tên thôi mà, không là tối về tôi lại ngủ không được." 

Người nọ vẫn im lặng, Gia Phúc há miệng định nói thêm vài lời thì đột nhiên người nọ bảo: "Tôi tên Trịnh Hoàng, gọi Hoàng là được rồi."

Gia Phúc mỉm cười vui vẻ gật đầu rồi lại nói: "Thế anh Hoàng có chỗ ở chưa, anh từ xa đến, lại không còn tiền trong người, hay anh đến nhà tôi ở vài hôm." 

Hoàng lắc đầu: "Không cần phiền đến..." Đến ai? Chắc giờ Hoàng mới thấy câu của Gia Phúc nói đúng, không biết tên khó mà trò chuyện được. 

Hoàng nghiêng đầu, chậm rãi nói: "Anh tên gì?" 

Gia Phúc lại cười lớn hơn: "Ai cha, tui tưởng là anh không định hỏi tên tôi luôn ấy chứ, tôi tên xấu lắm, sợ người có học như anh lại chê cười." 

"Không, ông bà ta dạy tên xấu dễ nuôi, anh cứ nói, không sao hết." 

Gia Phúc vờ cúi đầu, ngại ngùng lấy tay xoa xoa vạt áo: "Tôi... tôi nói thiệt á nha." 

"Ừm, anh nói đi."

"Tôi... tôi tên Cu Đen."

Bước chân Hoàng hơi chựng lại, biết trong lòng Hoàng đang nghĩ gì, chẳng lẽ sau này gặp lại kêu: "Chào anh Cu Đen" ? 

Gia Phúc nhìn nét mặt khó xử của Hoàng mà mắc cười đến độ run lên nhưng vẫn cố nén lại. 

Hoàng ấp úng hỏi: "Là tên trong luôn sao?"

Gia Phúc chớp mắt gật đầu. 

Hoàng không nói gì nữa, quay mặt về hướng cũ: "Việc chỗ ở, tôi ở tạm chỗ nào cũng được, không cần phiền đến anh C..." 

Gia Phúc nhịn cười đến độ hai tai đỏ lên, đúng là tính kì cục, thấy người ta nghiêm túc mà chọc hoài.

"Hay vầy đi, anh học rộng hiểu nhiều, anh đặt cho tôi cái tên nào dễ nghe, dễ gọi, dễ nhớ, tên hai chữ thôi, giống như anh vậy." 

Hoàng lắc đầu: "Không được, chuyện đặt tên là việc của bậc cha mẹ, huống chi tôi với anh chỉ vừa quen biết nhau thôi." 

Gia Phúc xua tay: "Anh lại thế, anh cũng bảo mới quen biết mà đã trả tiền giúp tôi rồi kia kìa, mới quen cũng là quen, nhé, anh đặt tên cho tôi đi." 

Hoàng một mực lắc đầu. 

Gia Phúc tặc lưỡi, sao con người này vừa thích lo chuyện bao đồng, vừa cố chấp thế nhỉ. 

"Anh cứ đặt cho tôi đi, để mà có cái anh gọi, chỉ tôi và anh biết thôi, thế nào?" 

"Nhưng mà..."

Gia Phúc liền chen ngang: "Nhưng mà cái gì, tôi bảo được là được, không sao hết, nhanh lên." 

"Ý tôi là anh họ gì?" 

Gia Phúc hơi quê cười hì hì rồi gãi đầu mấy cái: "Sao anh không nói sớm." 

"Thầy dạy không chen ngang vào khi người khác đang nói."

Đúng là người học chữ, mở miệng không văn chương, làm thơ thì cũng là mấy đạo lý làm người như này. 

"Tôi họ Huỳnh, anh đặt đi."

Hoàng vừa đi vừa suy nghĩ, giờ này đã gần chiều, nắng không còn gay gắt nữa, gió đung đưa hai hàng tre, lá kêu xào xạc, ruộng lúa cũng ngã sang cái màu xanh dìu dịu. 

Hoàng ngước lên nhìn trời, phía xa đã có một khoảng màu hơi cam của chiều tà, nhưng bầu trời trên đầu cả hai vẫn còn giữ nguyên một màu xanh trong vắt, không có lấy gợn mây trắng nào. 

"Lam."

Gia Phúc chờ cả buổi cũng nghe được cái tên thốt ra từ miệng Hoàng, thoáng thấy Hoàng đang thơ thẫn nhìn trời thì bất giác nhìn theo. Màu xanh này đẹp thật, đẹp đến mức muốn đưa tay lên chạm lấy, muốn hòa vào sự thuần khiết không nhiễm chút khói bụi nhơ nhuốc nào của cuộc đời. 

Huỳnh Lam. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro