Ma nạn trùng trùng (Phần 2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lão trượng đánh cá, cô gái giặt sợi cứu giúp Ngũ Tử Tư

Lời bạch: Ngũ Tử Tư vì muốn báo thù cho cha tất phải đến nước Ngô, mà đến nước Ngô lại phải vượt qua Chiêu Quan. Để bắt Ngũ Tử Tư, Sở Bình Vương phái lính nghiêm mật kiểm tra người qua lại Chiêu Quan. Ngũ Tử Tư không còn đường để đi, một đêm lo nghĩ bạc cả mái đầu. Hoàng Phủ Nột đóng giả Ngũ Tử Tư, bị lính canh bắt giữ. Nhân lúc hai bên đang tranh cãi, canh gác lơi lỏng, Ngũ Tử Tư đưa Công tử Thắng trà trộn ra khỏi Chiêu Quan, nhưng nguy hiểm vẫn chưa vì thế mà qua đi.

Nếu như các bạn xem bản đồ sẽ biết, vừa ra khỏi Chiêu Quan chính là Trường Giang. Trường Giang mênh mông, không có thuyền, Ngũ Tử Tư phía trước nước lớn cản trở, phía sau binh lính truy đuổi, chỉ lo tướng trấn giữ Chiêu Quan vừa nhìn là phát hiện người bị bắt không phải ông sẽ dẫn quân truy đuổi, lúc đó ruột gan nóng như lửa đốt.

Vào lúc đó, Ngũ Tử Tư nhìn thấy từ dưới chèo đến một chiếc thuyền, một ông lão vừa chèo thuyền vừa hát. Ngũ Tử Tư liền gọi ông "người đánh cá xin hãy đưa tôi qua sông," người đánh cá đó liền hát một bài hát, đại ý nói là ta cứu người ở chỗ này sẽ bị người ta nhìn thấy, chúng ta có thế đi tiếp một chút không, vào sâu chỗ cây lau kia, ta sẽ đến cứu người. Ngũ Tử Tư liền đưa đứa trẻ vào sâu trong bụi lau, người đánh cá để cho Ngũ Tử Tư và đứa bé lên thuyền, khoảng một canh giờ thì vượt qua được Trường Giang.

Sau khi vượt qua Trường Giang, lão trượng liền hỏi Ngũ Tử Tư là ai. Ngũ Tử Tư khi đó đã tương đối an toàn rồi nên thừa nhận với lão trượng về thân phận của mình. Lão trượng đó nói, ta thấy anh là người từ xa đến, khả năng cũng đói lắm rồi, nhà ta gần đây, anh đợi một lát, ta về nhà lấy chút cơm đem lại cho anh ăn. Ông lão liền đi mất. Ngũ Tử Tư chờ người đánh cá, trái đợi cũng không đến, phải đợi cũng không đến, lúc đó liền khởi tâm nghi ngờ. Ngộ nhỡ người đánh cá về rồi đi báo quan thì sao? Bởi vì Sở Vương khi đó hạ lệnh, ai có thể bắt được Ngũ Tử Tư thưởng năm vạn thạch lương thực, ban cho tước vị chấp khuê.

Khái niệm năm vạn thạch là bao nhiêu? Vào thời Hán làm đến chức bộ trưởng, lương bổng một năm cũng không qua hai nghìn thạch. Cho nên năm vạn thạch lương thực là rất nhiều, rất nhiều tiền.

Còn "tước vị chấp khuê" thì sao? Khuê là một loại ngọc khí cổ đại, tước vị không giống nhau có thể nhận được khuê không giống nhau, mặt trên của khuê có hình tam giác, dưới là hình vuông. Thời cổ có năm loại tước vị, được định ra từ thời vua Thuấn: công, hầu, bá, tử, nam, tước vị không giống nhau có thể nhận được khuê không giống nhau. Chấp khuê chính là phong tước cho anh, thuộc loại địa vị xã hội rất cao, đây gọi là "quý"; năm vạn thạch lương thực, tương đương với rất nhiều tiền, gọi là "phú". Ai có thể tố giác Ngũ Tử Tư liền được phú quý lớn như vậy. Cho nên nói Ngũ Tử Tư khi đó nghi ngờ người đánh cá về gọi quân Sở đến bắt ông, ông và công tử Thắng liền trốn sâu vào trong bụi lau.

Lại qua một đoạn thời gian, lão trượng quay lại. Lão trượng sau khi quay lại không thấy Ngũ Tử Tư ở đó, liền hát một bài hát, ý nghĩa đại khái là, ta không bán đứng anh, ta đã mang cơm đến cho anh rồi, anh hãy ra đi. Ngũ Tử Tử ra ngoài gặp ông lão và giải thích rằng người trốn chạy không thể không cẩn thận. Lão trượng lấy cơm yến mạch, canh bào ngư cho Ngũ Tử Tư ăn. Sau khi ăn xong, Ngũ Tử Tư nói với lão trượng: Lão trượng, xin cảm tạ ông, hôm nay cứu tôi một mệnh, đưa tôi qua sông, bên hông tôi có thanh bảo kiếm, là do Sở Trang Vương ban cho tổ phụ của tôi, bên trên nạm bảy viên kim cương, trị giá 100 lượng vàng. Tôi có nguyện ý đem thanh bảo kiếm này tặng ông, gọi là để cảm tạ.

Lão trượng liền nói, ta ngay cả năm vạn thạch lương thực và tước vị chấp khuê còn không màng tới, làm sao lại muốn lấy bảo kiếm của ông? Hơn nữa ta nghe nói "Quân tử vô kiếm bất du," chính là nói nhân sĩ lúc đó nhất định phải khoác bảo kiếm, không có kiếm sẽ không đi đâu. Ngư phụ nói, ông còn phải đi rất xa, ta làm sao có thể lấy bảo kiếm của ông? Ông ta đã từ chối không nhận. Ngũ Tử Tư sau khi cảm tạ lão trượng một lần nữa rồi quay người đưa công tử Thắng đi.

Đi được vài bước, Ngũ Tử Tư lại quay lại, hỏi lão trượng: "Lão trượng họ gì? Tương lai tôi làm thế nào có thể tìm được ông, làm thế nào có thể báo đáp ông?" Lão trượng nói: "ông và ta bèo nước gặp nhau, nếu như tương lai lại có cơ hội gặp mặt, ông gọi ta là ông lão đánh cá, ta gọi ông là người trong lau, bởi vì ông trốn ở trong đám hoa lau mà."

Ngũ Tử Tư nói: "Tôi nhớ rồi. Tôi còn có một việc muốn dặn ông, nếu như binh lính nước Sở truy đuổi đến, hỏi ông có nhìn thấy tôi hay không, xin nói với họ là ông không nhìn thấy." Lão trượng nói: "Ông đi đi." Ngũ Tử Tư liền đi.

Đi được mấy bước, liền nghe thấy lão trượng nói phía sau: "Nếu như quân Sở thật sự truy đuổi ông, ta làm sao mới có thể đủ tẩy sạch sự đáng ngờ của bản thân? Xin lấy cái chết của ta để tiêu trừ nỗi lo lắng của ông." Ông liền lật úp chiếc thuyền ngay trước mặt Ngũ Tử Tư, tự mình chìm sâu xuống làn nước. Ngũ Tử Tư nhìn thấy than rằng: "Tôi vì ông mà sống, ông vì tôi mà chết, thật bi ai thay!" Sự việc này của ông lão đánh cá đã được ghi chép trong chính sử.

Ngũ Tử Tư đi đến nước Ngô, trên đường đi qua một vùng gọi là Lật Dương. Lúc đó Ngũ Tử Tư đi cùng một đứa trẻ, bụng đã đói lắm rồi, nhìn thấy một người phụ nữ đang giặt sợi bên sông. Ông tiến đến hỏi: "Tôi là người đi đường, có thể xin cô một bữa cơm được không?" Người phụ nữ không ngẩng đầu lên nói tôi đã 30 tuổi rồi, vẫn chưa xuất giá, ở cùng với mẹ, luôn coi trinh tiết là nguyên tắc yêu cầu bản thân, tôi không thể tùy tiện đưa cơm cho người đàn ông ăn.

Ngũ Tử Tư nói, tôi hiện tại đang rất khó khăn, muốn xin cô bữa cơm cứu mạng, không phải vô duyên vô cớ mà nói chuyện đâu. Cô gái đó liền ngẩng đầu nhìn qua một cái rồi nói, tôi nhìn sắc mặt anh biết anh không phải người bị khốn khó lâu dài, bèn lấy cơm cho Ngũ Tử Tư ăn.

Ngũ Tử Tư và công tử Thắng mỗi người ăn một bát, sau khi ăn xong đưa chỗ cơm còn lại trả cho cô gái. Cô gái nói các anh phải đi đường xa, tai sao không ăn no đi? Hai người ăn hết chỗ cơm đi. Ngữ Tử Tư và công tử Thắng lại cám ơn cô gái một lần nữa rồi liền ăn hết chỗ cơm.

Ngũ Tử Tư nói với cô gái: Nếu như có người hỏi về hành tung của tôi, cô đừng nói là đã gặp tôi nhé. Cô gái nói, tôi đã sống cùng mẹ tôi 30 năm rồi, chưa từng nói chuyện với đàn ông một câu, hôm nay không những cho anh cơm, hơn nữa khi Ngũ Tử Tư ăn cơm, cô gái còn trải chiếu trên đất, sau đó quỳ hầu Ngũ Tử Tư ăn cơm. Cô gái nói tôi làm như vậy là ảnh hưởng đến trinh tiết rồi, hơn nữa anh còn dặn tôi không được tiết lộ hành tung của anh. Cô gái nói: anh đi đi, không phải lo việc của tôi nữa. Sau đó cô gái này ôm một tảng đá gieo mình xuống nước.

Sự việc này kỳ thực đối với tôi mà nói, cũng là rất khó lý giải. Khi đó sau khi Ngũ Tử Tư thấy cô gái chết rồi, liền cắn ngón tay giữa, dùng máu viết trên phiến đá 20 chữ, "Người giặt sợi, tôi hành khất, tôi no bụng, người thân chìm, mười năm sau, nghìn vàng báo đáp." Mười năm sau, tôi phải dùng nghìn cân vàng để báo đáp đức hạnh của cô. Ông sợ người khác nhìn thấy chữ bèn lấy cát xoa lên, rồi đem hòn đá chôn xuống đất.

Việc cô gái giặt sợi không thấy ghi chép trong sử ký, nhưng trong "Đông Chu liệt quốc chí" và "Ngô Việt xuân thu" đều có ghi chép như vậy. Bao gồm cả cuốn "Trung Quốc thông sử" do Trung Quốc đại lục xuất bản trong đó cũng có ghi.

Những sự việc như thế, con người hiện đại chúng ta hôm nay rất khó lý giải, chính là vào thời Xuân Thu chiến quốc lúc đó, người ta rất coi trọng nguyên tắc đạo nghĩa như vậy, nó luôn vượt xa cả sinh mệnh. Chúng ta trong bài giảng trước có nói về cô nhi họ Triệu, tuy nhiên chúng tôi không có giảng chi tiết. Khi đó có hai môn khách của Triệu Thuẫn là Trình Anh và Công Tôn Chử Cữu có một ước định, Công Tôn Chử Cữu dùng phương thức là lấy cái chết khảng khái để bảo hộ cô nhi. Còn Trình Anh nhẫn nhục chịu đựng 15 năm, sống để nuôi dưỡng cô nhi nên người, cuối cùng giết được Đồ Ngạn Giả, báo thù cho Triệu Thuẫn. Nhưng sau khi báo thù thành công, Trình Anh nói với cô nhi: Ta đã tạm sống 15 năm qua, nay đã nhìn thấy con báo thù rồi, ta phải đem tin tức này xuống cửu tuyền, nói cho Triệu Thuẫn và bạn ta Công Tôn Chử Cữu. Khi đó cô nhi họ Triệu ngăn cản ông, nhất định sẽ báo đáp công ơn của ông, nhưng Trình Anh vẫn rút kiếm tự sát. Đây cũng là sự việc mà chúng ta rất khó lý giải, bởi vì ông đã làm được một việc giỏi như vậy, cuối cùng sau khi báo thù thành công, ông lại nói nhất định phải báo cho Công Tôn Chử Cữu ở cửu tuyền.

Còn có một chuyện nữa, có thể mọi người cũng đã biết, chính là liên quan đến Gia Cát Lượng. Chúng ta xem "Tam quốc chí," Gia Cát Lượng khi ở Lũng Mẫu Cung Canh, ông thường thích đọc bài thơ, gọi là "Lương phụ ngâm."

(Lời bạch) Bộ xuất Tề thành môn; Dao vọng đãng âm lý. Lý trung hữu tam phần; Luỹ luỹ chính tương tự. Vấn thị thuỳ gia mộ, Điền Cương Cổ Dã Tử. Lực năng bài Nam sơn; Văn năng tuyệt địa kỷ. Nhất triêu bị sàm ngôn; Nhị đào sát tam sĩ. Thuỳ năng vi thử mưu; Quốc tướng Tề Án Tử.

Dịch nghĩa

Trong bài thơ này, Gia Cát Lượng đã giảng, đi ra khỏi cửa đông của đô thành nước Tề, nhìn thấy một nơi gọi là Đãng Âm. Đãng Âm cách Lâm Tri đô thành của nước Tề không xa lắm. Ở đây có rất nhiều mộ phần, cái này tiếp cái kia. Trong đó có ba mộ phần chôn ở đó là "Điền Cương Cổ Dã Tử." Kỳ thực là chôn ba người, Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp là ba dũng sĩ của nước Tề khi đó. Trong thơ của Gia Cát Lượng thì năng lực của họ "lực có thể đẩy cả núi nam, văn có thể xoay chuyển đất trời," chính là nói sức mạnh của họ có thể đẩy đổ cả núi, có thể làm gãy đứt long mạch. Nhưng "một sáng trúng mưu kế, nhị đào sát tam sĩ." Có một hôm sau khi trúng kế, chỉ vì hai quả đào, ba người này đều chết hết.

"Nhị đào sát tam sĩ" là một điển cố rất nổi tiếng, trong "Án Tử Xuân Thu" cũng có ghi chép, trong "Đông Chu liệt quốc chí" cũng có ghi chép. Đó là nói về câu chuyện gì? Chính là tại nước Tề, khi đó có một vị Quốc vương gọi là Tề Cảnh Công. Thuộc hạ của Tề Cảnh Công có một tướng quốc, chính là Yến Anh. Yến Anh là một tướng quốc rất nổi tiếng, rất hiền minh. Thuộc hạ của Tề Cảnh Công còn có ba vị tướng quân, là Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp, đều là những người vô cùng dũng cảm. Nhưng ba người này ỷ vào sự dũng cảm của mình, không tuân theo lễ nghi quốc gia, xưng hô với quân vương như ngang hàng, còn cùng với những người họ Điền khác liên kết với nhau, có nghi ngờ làm loạn, phạm thượng. Cho nên nói Yến Anh rất cảnh giác đối với bọn họ.

Có một lần khi nhà vua ra ngoài đi săn, có một con mãnh hổ lao đến, Công Tôn Tiệp liền xông tới. Ông không dùng binh khí, chỉ dùng quyền cước mà đánh chết được con hổ. Còn có một lần, khi nhà vua qua sông, ngựa bị con rùa đen to cắn đứt dây cương, kéo theo dòng nước. Đó là con rùa đen rất rất to. Cổ Dã Tử nhảy xuống nước quyết chiến cùng con rùa. Ông bơi cũng không giỏi lắm, nín thở đi cùng con rùa chín dặm đường, cuối cùng chặt được đầu con rùa. Khi đó ông một tay cầm đầu con rùa, một tay kéo con ngựa của nhà vua, khi nhảy ra khỏi dòng sông, người xung quanh đều tưởng ông là Thần sông. Đây cũng là người rất dũng cảm. Còn có một người là Điền Khai Cương. Điền Khai Cương khi đó dẫn quân đi đánh các nước xung quanh, một nước là nước Từ, còn có một số nước nhỏ khác, cuối cùng, những nước này đều trở thành thuộc địa của nước Tề. Cho nên ba người bọn họ ỷ vào công trạng, cũng không coi vua là cái gì. Yến Anh khi đó cảm thấy không thể lưu giữ ba người họ.

Không Tử đã từng giảng một câu, "Văn thắng chất tắc sử, chất thắng văn tắc dã, văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử," chính là nói về sự tu dưỡng văn hóa của con người. Nếu như vượt qua khí chất dương cương ban đầu, người như thế được gọi là "sử"; Nếu như cái tính dương cương ban đầu này của con người không đổi hoặc nói về các hành vi lỗ mãng, vượt qua sự ước thúc của văn hóa, thì con người như vậy chính là dã nhân. Cho nên Khổng Tử nói con người nên đã có "văn" lại có "chất," " hào hoa nho nhã, đó là quân tử."

Những tướng quân như Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử, Công Tôn Tiệp chính là "khí chất thắng văn." Yến Anh nhận thấy những người này đối với nước Tề tương lai chưa chắc đã có chỗ nào tốt.

(còn nữa) 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro