Ma nạn trùng trùng (Phần 3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngô Vương chuẩn bị xuất binh, Công tử Quang ngăn cản

Có một lần trong hoạt động ngoại giao giữa nước Tề và nước Lỗ, tướng quốc nước Tề và tướng quốc nước Lỗ cùng làm tán lễ, nghĩa là phụ trách về lễ nghi. Đó là một buổi lễ rất long trọng, Yến Anh liền thưa với Tề Cảnh Công, ngoài Đông Hải, có người đã tiến cống một hột đào rất lớn, trồng ở trong vườn của chúng tôi đã 30 năm rồi, đến nay chưa từng kết quả. Hiện nay vừa khéo đã kết được mấy quả, mỗi quả đào lớn giống như một cái bát vậy, màu đỏ rực, mùi vị rất thơm ngọt.

Yến Anh nói, vừa đúng lúc làm lễ vật cho dịp Quốc quân của hai nước gặp mặt, tôi nguyện ý đi hái mấy trái đào đến giúp vui cho yến hội. Tề Cảnh Công liền đồng ý. Yến Anh tự mình đi hái được sáu quả đào. Trong đó, Tề Cảnh Công dùng một quả, Quốc quân nước Lỗ dùng một quả, sau đó hai vị tướng quốc làm tán lễ mỗi người ăn thêm một quả. Tổng cộng đã ăn hết bốn quả, còn lại hai quả.

Yến Anh đưa ra một đề nghị với Tề Cảnh Công rằng: Hai quả đào này, nhất định phải thưởng cho nước chúng ta, cho những tướng quân có công lao lớn nhất. Mọi người có thể lựa chọn và kể ra các công lao, nói một chút các vị rốt cuộc đã cống hiến gì cho quốc gia. Nếu như cống hiến của các vị đủ lớn, như vậy quả đào này liền thuộc về các vị.

Trong "Đông Chu liệt quốc chí" loại đào này là quả bàn đào, cảm giác rất giống với quả bàn đào ba ngàn năm mới nở hoa, ba ngàn năm mới kết quả trong "Tây du ký". Ở đây là 30 năm không kết quả, đến năm đó thì kết quả.

Công Tôn Tiệp đứng ra đầu tiên nói, ta dùng tay không đánh chết mãnh hổ, có thể ăn quả đào này không? Yến Anh nói: Không gì cao bằng công cứu giá, nếu như không có ngài, thì Quốc quân đã bị hổ làm bị thương rồi. Thế là Công Tôn Tiệp liền được ban cho một quả đào.

Cổ Dã Tử đứng ra nói, ta chém chết con ba ba lớn ở trong nước, kéo ngựa của Quốc quân từ dưới sông lên, uy phong và công lao như vậy có đủ để ăn quả đào hay không? Yến Anh nói: Có thể chứ, lại ăn một quả. Hai quả đào đã được ăn hết rồi.

Lúc này đây, Điền Khai Cương đứng ra nói: Tôi lúc đó dẫn 500 cỗ chiến xa của quốc gia đi chinh phạt, cuối cùng mấy quốc gia khác đều đến nước Tề chúng ta yết kiến và kết đồng minh, công lao như thế có thể được ăn đào không? Yến Anh nói, đương nhiên rồi, công lao của ngài so với hai người họ đều lớn hơn, đây là lập nên chiến công to lớn cho quốc gia. Thế nhưng hôm nay không còn đào nữa rồi, ngài đợi đến năm sau lại nói vậy!

Lúc ấy Điền Khai Cương mất hết thể diện, bởi vì ở một buổi lễ long trọng như thế, ngay trước mặt Quốc quân của hai nước, ông ấy sợ rằng chuyện này lan truyền ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến thể diện của mình. Ông liền nói ông nguyện ý lấy cái chết để bảo vệ danh dự của mình. Ông liền tự sát.

Điền Khai Cương vừa tự sát, thì hai người kia, Công Tôn Tiệp và Cổ Dã Tử liền nói, chúng tôi công lao không to lớn bằng ông ấy, thế mà vì chúng tôi đã ăn hết quả đào mới làm cho ông ấy tự sát, vậy chúng tôi nếu không chết, chẳng phải sẽ rất có lỗi với ông ấy sao. Kết quả cả ba người này đều đã tự sát. Đây chính là điển cố "Nhị đào sát tam sĩ" của Yến Bình Trọng (Yến Anh). Vào thời ấy rất nhiều người đều vì một lý niệm, trọng nghĩa coi thường mạng sống, mà đã hành xử như vậy.

Sau khi đem cơm cho Ngũ Tử Tư, bản thân cô gái giặt sợi cũng tự sát. Ngũ Tử Tư có được bữa cơm này và ăn no bụng rồi, rốt cuộc cũng đến được nước Ngô. Hiện giờ trong tưởng tượng của chúng ta, nước Ngô hẳn là một nơi rất phồn hoa, đúng không? Hiện nay cả vùng Giang Tô và Chiết Giang dường như là vùng giàu có nhất, công nghiệp cũng phát triển, nông nghiệp cũng phát đạt, vùng châu thổ Trường Giang là vùng đất lắm cá nhiều lúa. Chúng ta cho rằng hẳn là vùng Tô Châu cũng như vậy. Kỳ thực không phải. Lúc ấy, Tô Châu là một vùng vô cùng hoang vu, dân cư cũng ít, thành quách rất thô sơ. Ngũ Tử Tư đến nơi ấy, không người thân quen, cũng không ai giới thiệu ông, cho nên ông bèn ở nơi đó thổi tiêu khất thực.

Khi Ngũ Tử Tư thổi tiêu khất thực, ông vừa thổi tiêu vừa hát. Lời ca của ông là như thế này:

Khúc thứ nhất:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư

Bôn ba Tống Trịnh thân không nơi nương tựa

Ngàn cay vạn đắng, thê lương với bi ai

Thù cha không báo, sống vì lẽ gì?

Khúc thứ hai:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư

Qua được Chiêu Quan bạc mái đầu

Ngàn kinh vạn sợ, thê lương với bi ai

Thù anh không báo, sống vì lẽ gì?

Khúc thứ ba:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư

Bến đò hoa lau, suối Lật Dương

Ngàn sinh vạn tử đến được Ngô

Thổi tiêu khất thực, thê lương với bi ai

Thù nhà không báo, sống vì lẽ gì?

Lời bạch: Ngũ Tử Tư trà trộn qua được Chiêu Quan, trên đường đi nhận được ân nghĩa của ông lão đánh cá, qua được sông Trường Giang. Vào thời điểm khốn cùng, lại xin cơm từ cô gái giặt sợi. Năm 519 TCN, Ngũ Tử Tư và công tử Thắng trải qua ngàn cay vạn đắng mới đến được nước Ngô. Lúc này đây khổ nạn của hai người vẫn chưa hết, mặc dù không còn lo lắng về sự sống chết nữa, nhưng con đường báo thù của ông vẫn còn mênh mông không thấy được bến bờ.

Quốc quân của nước Ngô lúc bấy giờ tên là Liêu, ông nội của Ngô Vương Liêu gọi là Thọ Mộng. Thọ Mộng có bốn con trai, con trai cả tên là Chư Phàn, con trai thứ hai tên là Dư Trái (祭) (ở đây là chữ "Tế" 祭 đọc là Trái), con trai thứ ba tên là Dư Muội, con trai thứ tư tên là Quý Trát.

Vào thời đó, việc kế vị bình thường đều do con trưởng thừa kế, chính là con trai cả của chính thê được kế thừa vương vị. Trong bốn người con trai của Thọ Mộng, con trai út Quý Trát là một người hiền đức và sáng suốt, cho nên Thọ Mộng một lòng muốn đem vương vị của ông truyền cho Quý Trát. Nhưng vì từ xưa đến nay chế độ kế thừa đều thuộc về con trai trưởng, Thọ Mộng bèn nói với Chư Phàn rằng, vương vị có thể truyền cho con, nhưng xin con sau khi chết, không nên đem vương vị truyền cho con trai con, mà phải truyền lại cho em trai con, chính là Dư Trái. Tiếp sau đó, Dư Trái lại truyền cho em trai thứ ba là Dư Muội. Dư Muội lại truyền cho em trai út là Quý Trát. Đây cũng là một phương thức truyền vị, gọi là "Huynh chung đệ cập", chính là anh chết rồi thì em trai đến kế vị.

Có hai loại phương thức truyền ngôi vị ở thời cổ đại, một loại được gọi là "Phụ tử tử kế", một loại nữa gọi là "Huynh chung đệ cập". "Phụ tử tử kế" chính là người cha chết rồi thì con trai đến kế vị, là con trai trưởng của chính thê kế thừa; "Huynh chung đệ cập" chính là anh trai chết rồi, thì do em trai đến kế vị.

Thọ Mộng hy vọng thông qua phương thức "Huynh chung đệ cập", có thể đem vương vị truyền cho Quý Trát. Như vậy sau khi Chư Phàn chết rồi, mấy người con trai đều rất vâng lời. Chư Phàn truyền vương vị cho Dư Trái, Dư Trái truyền cho Dư Muội. Khi Dư Muội muốn truyền cho Quý Trát, thì Quý Trát đã bỏ trốn mất, bởi vì Quý Trát rất không thích làm Vương. Ông cảm thấy thống trị và cai quản một quốc gia là một việc rất lao tâm lao lực, chẳng có liên quan gì với ông cả, ông liền chạy trốn.

Sau khi Quý Trát bỏ trốn thì xuất hiện một vấn đề, nên là do con trai của anh thứ ba Dư Muội kế vị ư? Hay vẫn là nên do con trai của anh cả Chư Phàn kế vị đây? Kết quả Dư Muội không truyền vương vị cho con trai của anh cả Chư Phàn, mà nhường cho con trai của mình kế vị, chính là Ngô Vương Liêu. Như thế con trai của Chư Phàn là ai vậy? Chính là công tử Quang. Công tử Quang chính là Ngô Vương Hạp Lư nổi tiếng sau này. Nhưng vào thời điểm ấy, Quốc quân của nước Ngô vẫn là Vương Liêu. Ngũ Tử Tư đến nước Ngô chính là vào thời điểm như vậy.

Khi ông ở trên đường phố thổi tiêu khất thực, có một vị thần tướng, chính là một người xem tướng vô cùng chính xác có tên là Bị Ly. Bị Ly nghe tiếng tiêu quá đỗi bi thương, bèn lần theo tiếng tiêu tìm đến Ngũ Tử Tư. Khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư ông nói: Ta cả đời này đã xem tướng cho rất nhiều, rất nhiều người rồi, chưa từng gặp qua người có dáng vẻ giống như ngươi vậy. Ông liền hỏi Ngũ Tử Tư là ai. Ngũ Tử Tư đem những gì bản thân đã trải qua kể hết cho Bị Ly nghe.

Bị Ly cũng là một vị quan đại phu trong triều, thế nên chuyện này liền được Ngô Vương Liêu biết. Ngô Vương Liêu bèn gọi Ngũ Tử Tư vào cung, cùng trò chuyện với Ngũ Tử Tư. Ngô Vương Liêu vô cùng tán thưởng tài năng của Ngũ Tử Tư, hơn nữa khi Ngũ Tử Tư nói tới mối đại thù của cha và anh, thì trong mắt giống như có ngọn lửa muốn bùng lên vậy. Ngô Vương Liêu rất đồng cảm với Ngũ Tử Tư, chuẩn bị bằng lòng xuất binh báo thù thay cho Ngũ Tử Tư.

Sự tình tiến triển đến bước này là rất thuận lợi, nhưng công tử Quang không chịu để yên. Công tử Quang là con trai của anh cả Chư Phàn, luôn luôn muốn giành vương vị. Nếu như Ngũ Tử Tư đến phụ tá Ngô Vương Liêu, thì vây cánh của Ngô Vương Liêu càng thêm to lớn, năng lực và thực lực của Ngô Vương Liêu càng thêm hùng mạnh, như thế công tử Quang muốn đoạt vương vị càng thêm khó khăn. Cho nên công tử Quang liền tiến đến nói với Ngô Vương Liêu rằng "Vạn thừa chi chủ, bất vi thất phu hưng sư" (Quân chủ của vạn dân, không vì một kẻ thất phu mà khởi binh). Sao có thể vì Ngũ Tử Tư, một kẻ thất phu như thế, mà sử dụng quân đội to lớn của quốc gia như vậy, hy sinh nhiều người để báo thù cho hắn ta sao? Nếu như đạt được thắng lợi, Ngũ Tử Tư thì sảng khoái rồi, còn quốc gia chúng ta sẽ tổn thất rất lớn; nếu như thất bại, chúng ta chẳng phải sẽ mất nước sao? Ngô Vương Liêu vừa nghe cảm thấy cũng có đạo lý, liền từ bỏ ý định thay Ngũ Tử Tư báo thù.

Nếu như các vị là Ngũ Tử Tư, vậy khẳng định trong lòng rất buồn bực. Sự tình vốn sắp thành rồi, đột nhiên nửa chừng có người khác chọc vào quấy hỏng sự việc, nhưng Ngũ Tử Tư không buồn bực. Trong phần "Ngũ Tử Tư liệt truyện" của "Sử ký" có nói, "Ngũ Tư (chính là Ngũ Tử Tư) biết công tử Quang có ý riêng, muốn giết Vua để tự lên ngôi, chưa thể bàn việc đối ngoại. Ông bèn tiến cử Chuyên Chư cho công tử Quang, còn mình lui về vùng thôn quê cùng với công tử Thắng, con trai của Thái tử Kiến làm ruộng." Ý chính là nói, Ngũ Tử Tư biết công tử Quang muốn giết chết Ngô Vương Liêu để tự lập mình làm Vương. Vào lúc này không thể cùng công tử Quang đàm luận những việc bên ngoài quốc gia, bởi vì toàn bộ tâm tư của công tử Quang đều chuyên tâm đặt hết vào việc nội chính quốc gia. Cho nên Ngũ Tử Tư liền giới thiệu Chuyên Chư cho công tử Quang, còn bản thân ông từ chức quan trong triều, lui về trong núi, cùng với công tử Thắng con của Thái tử Kiến cày ruộng.

Từ phản ứng của Ngũ Tử Tư, chúng ta có thể thấy được ba đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất chính là nhìn người rất chính xác. Khi công tử Quang phá hỏng việc, Ngũ Tử Tư biết ngay rằng công tử Quang cũng không phải vì coi trọng lợi ích quốc gia mới không xuất binh, mà hoàn toàn chính vì cướp đoạt vương vị.

Điểm thứ hai, Ngũ Tử Tư chính là mưu tính sâu xa, ông biết nếu như Ngô Vương Liêu một khi bãi binh, thì cầu xin thế nào đi nữa, việc này đều không có khả năng lại xảy ra lần nữa. Khả năng duy nhất chính là giúp công tử Quang giết chết Ngô Vương Liêu, giúp đỡ công tử Quang lên làm Ngô Vương. Lúc đó, Ngũ Tử Tư chẳng khác nào có ân rất lớn đối với công tử Quang, hoặc có thể nói là đã lập được công lao vô cùng to lớn với công tử Quang, như vậy ông mới có thể nắm giữ quốc chính của nước Ngô, mới có thể xuất binh. Cho nên Ngũ Tử Tư mưu tính hết sức sâu xa. Ông chẳng những không oán hận công tử Quang, ngược lại giới thiệu thích khách Chuyên Chư cho công tử Quang, giúp công tử Quang thực hiện được nguyện vọng của mình là giết Vua để tự lên ngôi.

Điểm thứ ba, Ngũ Tử Tư giấu tài, sau khi ông từ chức quan, bắt đầu cùng công tử Thắng đến vùng đất gọi là Dương Sơn làm ruộng. Lúc ấy Ngô Vương Liêu ban cho ông 100 mẫu đất. Làm ruộng trong thời gian bao lâu? Ở đó làm ruộng suốt bốn năm. Ngũ Tử Tư vì báo thù, mà ở nơi đó làm ruộng suốt bốn năm. Ông trả lại tước vị quan đại phu, làm một người nông dân, vừa làm ruộng vừa chờ đợi thời cơ báo thù.

Chúng ta đã từng nói rằng, Ngũ Tử Tư nếu muốn báo thù thì cần làm xong ba việc: Việc thứ nhất là cần phải thoát khỏi nước Sở; việc thứ hai là cần phải nắm được quốc chính của một quốc gia; việc thứ ba là phải giao đấu với nước Sở, mà phải giành chiến thắng. Ngũ Tử Tư sau khi vượt qua được Chiêu Quan, đã thoát được sự truy bắt của nước Sở. Việc thứ nhất đã làm xong rồi, mà hiện giờ ông với thân phận một người nông dân của nước Ngô làm thế nào để nắm được quốc chính của nước Ngô đây? Mời quý vị xem tiếp tập "Kinh văn vĩ vũ".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro